Mâm quả cầu-qua-dịch-Corona và mâm quả ngày Tết cầu-vừa-đủ-xài
Hôm đầu năm nay giữa cơn đại dịch Covid kéo dài đã tròn một năm, người bạn chuyển cho cái hình Cầu-Qua-Dịch-Corona khá ý nhị, khiến tôi nghĩ tác giả phải là người gốc bản xứ miền Nam vốn có lối nói tắt (mãng cầu thành “cầu”, khổ qua thành “qua”, có khi phát âm là “goa”) và phát âm nhiều chữ Việt rất đặc biệt, chẳng hạn, (con) vịt cần phải phát âm theo giọng nam mới thành một âm nghe giống “dịch”.
<!>
Bức hình làm tôi nhớ tới tục lệ của người bản xứ miền Nam hàng năm bầy mâm quả để cúng Giao thừa với bốn loại trái cây mãng cầu (hoặc na, loại mãng cầu bắc, song người gốc Nam cũng gọi là mãng cầu), dừa, đu đủ và xoài. Đọc theo lối nửa nam nửa bắc là “cầu vừa đủ xài”.
Bức hình làm tôi nhớ tới tục lệ của người bản xứ miền Nam hàng năm bầy mâm quả để cúng Giao thừa với bốn loại trái cây mãng cầu (hoặc na, loại mãng cầu bắc, song người gốc Nam cũng gọi là mãng cầu), dừa, đu đủ và xoài. Đọc theo lối nửa nam nửa bắc là “cầu vừa đủ xài”.
Sinh ra trong một gia đình gốc đạo Thiên chúa theo lối cổ vốn đố kỵ với chuyện cúng bái, tôi cũng do đấy ít để ý tới các chuyện cúng bái. Mẹ tôi gốc là gái quê, mặc dù ra tỉnh sống hết ba phần tư cuộc đời sau của bà nhưng vẫn giữ nhiều thói tục bà mang theo (ít nhiều ảnh hưởng tới con cái) từ làng Trình Xá thuộc huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông trước 1954, nơi hố chia đạo-lương rất rõ rệt sau lũy tre già bao bọc quanh làng: nửa làng trên, từ cổng con đường đê chính dẫn vào, là xóm đạo, với ngôi nhà thờ bắt chước kiến trúc Gothic chiếm một khu đất rộng, đối diện với một cái ao – một chi tiết hầu như nhà thờ đạo nào ở thôn quê cũng không thể thiếu – và bên kia con đường làng lát gạch nung mầu đỏ. Có người nói phần vụ của cái ao là để con chiên, đa số chân đất, xuống rửa chân trước khi vào nhà Chúa. Nửa làng sau là của dân làng ngoại đạo, hay bên lương, với một ngôi đình làng kiến trúc thuần túy Việt, với mái thấp lợp ngói kiểu âm dương, cột gỗ lớn láng bóng và sân rộng lát gạch bát tràng, cũng là nơi dùng cho những lễ lạc truyền thống. Hồi nhỏ chúng tôi ít dám lai vãng tới các nơi đình chùa, không dám ăn đồ đã cúng vì bị dọa là ma quỷ đã nhúng tay vào. Thậm chí đến bây giờ bà chị tôi vẫn coi kiến trúc Việt Nam là kiến trúc của đạo Phật, nên bà dửng dưng với quần thể nhà thờ Phát Diệm kiến trúc theo kiểu Việt Nam, mà tôi thì lại mê mẩn.
Một trong các ảnh hưởng rơi rớt lại của mẹ tôi là thái độ xa lạ với chuyện cúng bái trong tôi, mặc dù đã lâu tôi tự cho tôi đứng ngoài mọi tôn giáo, và sau này thêm việc đứng ngoài các đảng phái chính trị.
Lần đầu tôi thực sự để ý tới mâm quả cầu-dừa-đủ-xoài là lần ghé thăm cô em út vừa dọn từ Pháp qua đoàn tụ với các anh chị ở Quận Cam, Nam Cali, cách đây khoảng 30 năm vào một dịp áp Tết. Ngắm mâm quả cầu-dừa-đủ-xoài trong làn khói nhang cô em vừa đốt lên để cúng tiễn năm cũ và đón linh hồn Bố Mẹ và các anh chị em lớn của chúng tôi về để chia sẻ thêm một cái Tết tha hương, tôi không khỏi nghe trong lòng dâng lên một niềm xúc động. Cầu vừa đủ xài. Ôi chao là dễ thương, nói lên cái tâm tính rất Nam kỳ – chân thật, sởi lởi, hiếu khách, chỉ cần làm đủ ăn nên cũng chỉ cầu vừa đủ xài, nhờ sinh trưởng tại vùng đất trù phú, sông lạch lai láng hải sản, ruộng đồng phì nhiêu, cây trái miền nhiệt đới đủ loại thơm ngọt. Người bản xứ miền Nam không thủ cho riêng mình mà sẵn sàng chia sẻ.
Chẳng thế mà vào các năm 1954-55 khi diễn ra cuộc di cư của cả triệu người từ miền Bắc di cư vào Nam – tưởng tượng cả một biển người, như một số ký giả hồi ấy mệnh danh – và người miền Nam đã mở rộng vòng tay đón nhận dân di cư, sẻ nhường đất đai, không có những biểu tình phản đối vì sợ mất công ăn việc làm. Tất nhiên về mặt chính trị thì cũng có những xung đột, tranh chấp, vận động, hóa giải. Song riêng về mặt kinh tế xã hội thì tương đối không có bao nhiêu vấn đề. Xem các đoạn phim tài liệu(*) thu được trong thời gian diễn ra cuộc di tản vĩ đại này, ta thấy các đoàn thể tôn giáo, sinh viên học sinh, công chức, nghệ sĩ được huy động đem biểu ngữ đón đồng bào di cư từ Bắc vào tại bến Bạch Đằng.
Tất nhiên có những dị biệt về văn hóa, ngôn từ. Đã hẳn sự hòa đồng trong những năm đầu thì chưa có. Chẳng hạn, khi mấy anh chị em tôi đi ghi danh nhập học tiểu học thì được nhận học cùng với các trẻ di cư khác vào học trường tiểu học Tôn Thọ Tường trên đường Trần Hưng Đạo, nhưng không cùng học chung với trẻ em miền Nam, mà mượn trường này vào giờ học sinh Nam về nhà ăn và nghỉ trưa, từ 11 giờ tới 2 giờ trưa; và trường chúng tôi có tên là Tôn Thọ Tường Di Chuyển, do các thầy cô di cư dậy. Tôi học tại trường này hết lớp nhì và nhất (tức lớp tư và năm) tiểu học, nên không rõ tình trạng phân biệt (segregation) Bắc Nam này kéo dài bao nhiêu năm. Tuy cách biệt vậy, nhưng không có nghĩa là kỳ thị kình chống nhau.
Trải qua 21 năm miền Nam, sự cách biệt Bắc Nam tuy vẫn còn, một tỉ dụ có thể đan cử, đó là báo chí do người gốc Nam chủ trương thì đa số ban biên tập là người gốc Nam, và ngược lại. Các trường trung học công lập nói chung cũng có sự phân biệt lúc đầu: học sinh gốc Bắc có khuynh hướng thi vào trường Trưng Vương, Chu Văn An, và học sinh gốc Nam thì theo các trường Hồ Ngọc Cẩn, Petrus Ký hay Gia Long. Nhưng theo năm tháng, sự cách biệt cũng dần lu mờ vì các lý do thực tế. Chẳng hạn, sau khi đậu trung học hạng bình thứ, tôi được nhận vào học trường công, và đã chọn trường nữ trung học Gia Long vì ở gần nhà, đi bộ tới trường cũng được. Do đấy bạn trung học của tôi đa số là gốc Nam. Khi tôi viết vở “Các Con Tôi Đã Về” (hiện đăng trên damau.org), tôi dùng giọng Nam một cách tự nhiên mà không để ý, tới khi nghe một chị bạn học cũ nêu lên chi tiết này với sự thích thú.
Dù vậy, sự phân biệt Bắc Nam không phải là một vấn đề hồi ấy, một phần nhờ tinh thần sởi lởi, hiếu khách của người gốc Nam và thái độ dễ hoà nhập của người gốc Bắc. Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là nhờ nền giáo dục đặt trên nền tảng dân tộc – nhân bản – khai phóng khiến giới trẻ chúng tôi bất kể gốc gác, gia cảnh đều được hưởng một nền giáo dục như nhau, tạo nên một thế hệ hòa hợp, bình đẳng. Cái tình tự hòa hợp đó ngày một gắn bó, nuôi dưỡng lẫn nhau giữa những người thuộc thế hệ tôi (lớn lên ở miền Nam vào thập niên 1960) mặc dù chiến tranh và sự xâm nhập gây chia rẽ, xáo trộn của Việt Cộng ngay từ những năm đầu của thời Cộng Hòa. Đấy là miền Nam trước 1975.
Tôi nhớ cách đây vài năm tình cờ đọc một bài trên Facebook của một người ký tên là Nguyên Anh, gốc bản xứ miền Nam, viết cách đây vài năm, thấy hay hay nên đã in và cất, với cả nguồn, nhưng theo đường nối mạng hiện có thì không tìm thấy bài nữa. Tác giả kể lại một lần được “một anh người Bắc, nói năng nho nhã cũng thuộc dạng trí thức” hỏi thế này: “Tại sao cũng là người Bắc, nhưng Bắc 54 di cư vô miền Nam tới giải phóng là 21 năm. Anh vô miền Nam năm 75 đến giờ là 43 năm, gấp đôi dân 54. Thế nhưng tại sao người Sài Gòn lại coi Bắc 54 là một phần của họ, gặp nhau tay bắt mặt mừng như ruột thịt, anh để ý riêng bản thân anh thôi nha. Có thân lắm có vui lắm dân Sài Gòn vẫn luôn mang một khoảng cách khi tiếp xúc với anh, nếu họ biết anh đến với Sài Gòn năm 75.”
Mạn phép tác giả Nguyên Anh, tôi ghi lại bài trả lời dưới đây, giữ nguyên cả vài lỗi chính tả thông thường của người phát âm giọng Nam, chỉ thêm phẩy chấm đó đây cho rõ câu văn:
“Trời, một câu hỏi khó cho thí sinh à nha. Em trả lời thật anh đừng giận em nói. Tách riêng hai phần chính trị và văn hoá nghệ thuật ra đi ha. Phần chính trị, thật ra khi giải phóng vô em mới có gần 15 tuổi thôi về quan điểm thắng, thua em chưa đủ trình độ nhận xét.
“Nhưng nếu nói về cuộc sống của thời trước và thời sau 75 khác nhau nhiều lắm, sướng khổ rõ rệt. Má em chỉ là công chức nhỏ của tổng nha kiều lộ, bây giờ mấy anh gọi là cầu đường đó, nhưng hồi nhỏ em rất sướng, đi học toàn trường dòng, em không biết ngoài Bắc anh có không chứ thời đó mà học nội trú là mắc lắm đó, nhà em không giàu, cậu đi lính ‘ngụy’ (lính Quốc Gia), dì và ông ngoại đều dân kiều lộ, nhưng sống rất thanh thản, mặc dầu lúc đó chiến tranh tràn lan khắp nơi.
“Thời đó người Bắc di cư vô Nam, thường sống từng vùng do chánh phủ chỉ định, rồi từ từ lan ra, người miền Nam học được người Hà Nội nhiều điều: Cần kiệm, lễ giáo, nếp sống thanh lịch quý phái và trí thức. Người miền Bắc vô Nam học được của người Sài Gòn nói riêng và người miền Nam nói chung: Sự giản dị, chân thật, tốt bụng, phóng khoáng. Không câu nệ bắt bẻ hay khó khăn. Và cả hai miền học được của miền Trung cái chịu thương chịu khó. Cái đùm bọc tình đồng hương.
“Cả ba miền hoà nhập với nhau, ảnh hưởng nhau lúc nào không hay… Hồi đó em đi học gặp mấy đứa bạn Bắc Kỳ rốn vẫn hay chọc tụi nó là Bắc Kỳ con bỏ vô lon kêu chít chít, mà tụi nó cũng không giận, chọc lại em mày Nam Kỳ ga guộng bắt con cá gô bỏ dô gổ kêu gột gột, rồi lại khoác tay nhau chơi bình thường. Trẻ con thì như vậy, người lớn gặp nhau ba miền chung bàn nhậu là dô đi anh hai mình, là tay bắt mặt mừng. Em nói dài dòng để cho anh hiểu rõ hơn vì sao Bắc 54 trở thành người miền Nam.
“Chưa kể đến cái tình nha anh. Tình đồng đội khi chiến đấu chung. Ngoài anh chắc gọi đồng chí, trong đây em nói quen tiếng dân Sài Gòn xưa, lúc chiến tranh mà đi lính thì cũng phải đi chung, cả ba miền gặp nhau giữa lúc thập tử nhất sinh thân nhau là chuyện bình thường, đó là lính. Còn người dân giữa cái tang tác đau thương chạy loạn lạc chết chóc hầu như từ mũi Cà Mau đến sông Bến Hải nơi nào mà không có. Từ đó người ta thương yêu nhau và không ai nghĩ miền nào là miền nào. Người ta gọi đó là tình đồng bào, tình quân dân cá nước, nói theo kiểu miền Nam của em. Đó là nói hơi thiên về chính chị chính em đó nha.
“Bây giờ bàn hơi sâu văn hoá nghệ thuật thời đó nha. Em nói với anh ngay từ đầu rồi nhé. Lúc đó em chỉ mới 15 tuổi làm sao đủ tư cách phê bình văn học. Em chỉ kể cho anh nghe theo cái hiểu biết nhỏ bé của em thôi. Người miền Bắc 54 vô miền Nam đem theo được gì nhỉ? Người thì chắc cũng không có của cải gì nhiều rồi, đi giống như đi vượt biên mà có gì! Sao anh cười? Em nói thiệt mà, nhưng có một di sản khổng lồ. Người miền Bắc 54 đã đem cho miền Nam, đó là văn hoá, nghệ thuật. Nếu xét kỹ nhà văn thời đó của người Nam bộ vẫn ít hơn người Trung và Bắc. Những tác phẩm giá trị, từ dịch thuật đến thơ văn hầu như tác giả người Hà Nội, người Huế, Đà Nẵng, Saigon, v.v. toàn những tác phẩm để đời…
“Em xin lỗi giải phóng 42 năm rồi, nhưng nếu ai có hỏi em đã đọc được cuốn sách nào để lại ấn tượng trong em chưa… Xin chào thua, giận em, em chịu, vì có đọc đâu mà nhớ. Chả có gì cho em ấn tượng, chắc một phần do em dốt anh ạ nên không hiểu nổi văn học thời này thôi.
“Nói đến nghệ thuật. Cái này thì em thích ca thích hát nên hơi rành một chút. Chắc anh không ít thì nhiều cũng phải có nghe Khánh Ly, hay Sĩ Phú, Duy Trác, Tuấn Ngọc… những người con Hà Nội, hát trước 75. Nói về văn học có thể anh không biết chứ hát hò anh phải biết sơ thôi.
“Vâng, Hà Nội 36 phố phường để lại cho người miền Nam nhiều ca khúc để đời của Phạm Duy, chắc anh không biết bài Việt Nam, Việt Nam, bài Tình ca, Con đường cái quan của bác ấy? Em nói nhiều về Phạm Duy vì đúng là dân Hà Nội 54 đó anh. Ô, anh biết nhiều về Phạm Duy, như vậy chắc anh cũng biết rõ những nghệ sĩ nổi tiếng trước 75, đến bây giờ vẫn ăn khách, những người ca sĩ mà anh biết không, cái thời ngăn sông cấm chợ, muốn được nghe phải thức canh đài BBC hay đài VOA vừa nghe vừa khóc vì quá xúc động. Đó là lý do tại sao ca sĩ hải ngoại khi về nước người ta đi đón rân trời, một cái vé có khi nửa tháng lương người ta vẫn cắn răng để nghe cho bằng được thần tượng của mình hát. Đó là ca sĩ Hà Nội, còn trong Nam hay ngoài Huế cũng rất nhiều ca sĩ nổi tiếng kiểu Chế Linh, Nhật Trường, Duy Khánh v.v. […]
“Thì đó nhờ những tác phẩm giá trị của văn học nghệ thuật, những nhạc sĩ, ca sĩ, kịch sĩ đều có sự đóng góp của Huế, Sài Gòn, Hà Nội… đã đưa ba miền Nam Trung Bắc gần nhau hơn hoà quyện lại với nhau thành một.
“Cám ơn anh chịu khó nghe em phân tích một cách dài dòng xoay quanh câu hỏi của anh. Vì đây là lần đầu tiên em được nghe một câu hỏi rất thật của một người Bắc vào trong Nam… năm 1975. Thế cho nên em cũng trả lời rất thật lý do vì sao Bắc 54 lại là dân miền Nam dầu chỉ mới sống với nhau có 21 năm. Và dân Bắc 75 dầu sống trong Nam đến 42 năm vẫn mãi mãi là… người Bắc chứ không thể nào là người Hà Nội của dân miền Nam xưa.
“Với một ít kiến thức nhỏ nhoi, một ít kinh nghiệm sống từng trải qua những thăng trầm của đất nước, em xin các cô bác, anh chị đã, đang và sắp đọc những giòng tự sự này một lời xin lỗi nếu như em có viết sai một ít chi tiết nào đó các bậc cao nhân, tiền bối làm ơn bỏ qua cho kẻ hậu bối này. Câu trả lời mơ hồ của em chắc chưa đủ sức thuyết phục cho anh bạn miền Bắc của chúng ta hiểu rõ hơn, nhưng sức người có hạn, em nói với tầm hiểu biết của em hạn hẹp bao nhiêu đấy thôi.
“Xin chỉ giáo thêm ạ. – Tác giả Nguyên Anh”
Năm nay nhiều người miền Nam trong và ngoài nước hẳn cũng sắp xếp mâm quả cầu-dừa-đủ-xoài để cúng Giao thừa tiễn một năm nhiều hoạn nạn đã kéo dài cả năm và tới giờ vẫn chưa dứt, đồng thời đón hương hồn Ông Bà Tổ Tiên về sum họp trong mấy ngày Tết.
Người ta bảo ngày Tết tránh nói chuyện không hay kẻo “dông” cả năm. Nhưng làm sao tôi không nói được khi chính hình ảnh và ý nghĩa của mâm quả cầu-dừa-đủ-xoài đã gợi tôi nghĩ tới tương lai bấp bênh của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay, nơi bị hàng chục hệ thống đập dọc sông Mekong, từ thượng tới hạ nguồn, đã không chỉ ảnh hưởng tới lượng nước đổ xuống vùng đồng bằng vốn là vựa lúa của miền Nam, mà đã ảnh hưởng sâu xa tới đời sống của người dân sống hai bên bờ và đã và đang đe dọa sự tồn vong nhiều loài thủy sinh. Bên cạnh đó là hiện tượng khí hậu thay đổi mà ngay từ đầu thế kỷ này, Việt Nam đã được cảnh báo nếu không có hành động quyết liệt thì vào năm 2030 một nửa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi sản xuất 50 phần trăm lúa gạo quốc gia, sẽ bị ngập nước biển.
Người ta bảo ngày Tết tránh nói chuyện không hay kẻo “dông” cả năm. Nhưng làm sao tôi không nói được khi chính hình ảnh và ý nghĩa của mâm quả cầu-dừa-đủ-xoài đã gợi tôi nghĩ tới tương lai bấp bênh của vùng Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay, nơi bị hàng chục hệ thống đập dọc sông Mekong, từ thượng tới hạ nguồn, đã không chỉ ảnh hưởng tới lượng nước đổ xuống vùng đồng bằng vốn là vựa lúa của miền Nam, mà đã ảnh hưởng sâu xa tới đời sống của người dân sống hai bên bờ và đã và đang đe dọa sự tồn vong nhiều loài thủy sinh. Bên cạnh đó là hiện tượng khí hậu thay đổi mà ngay từ đầu thế kỷ này, Việt Nam đã được cảnh báo nếu không có hành động quyết liệt thì vào năm 2030 một nửa vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, nơi sản xuất 50 phần trăm lúa gạo quốc gia, sẽ bị ngập nước biển.
Trong phần giới thiệu bài phỏng vấn Nhà văn Ngô Thế Vinh cách đây năm năm của phóng viên môi trường Lê Quỳnh in lại trên trang blog Diễn Đàn Thế Kỷ đầu năm ngoái(**), về tương lai của vùng đồng bằng sông Cửu Long trước hai ảnh hưởng lớn, một của hệ thống đập trên sông Mekong và một của hiện tượng khí hậu thay đổi, là những dòng báo động buồn bã này:
“Đã tới năm 2020, mà vẫn còn một số bài viết mới phát tán trên mạng, và tác giả bài viết ấy chỉ dựa vào con số 16% lượng nước sông Mekong đổ xuống từ Trung Quốc, để bảo rằng ảnh hưởng chuỗi đập khổng lồ Vân Nam là không đáng kể, đó như một biện minh che chắn cho những việc làm sai trái của Bắc Kinh trên dòng Mekong trong suốt hơn 3 thập niên qua. Xây chuỗi đập bậc thềm Vân Nam, Trung Quốc đã khởi đầu phá hủy sự cân bằng bền vững của toàn hệ sinh thái lưu vực sông Mekong. Dung lượng các hồ chứa Vân Nam ngoài khả năng giữ hơn 30 tỉ mét khối nước [thời điểm 2016], còn chặn lại một trữ lượng rất lớn phù sa không cho xuống tới hạ lưu. Thiếu nguồn nước ngọt, thiếu phù sa lại thêm ngập mặn với nước biển dâng, cả một vùng châu thổ phì nhiêu ĐBSCL, cái nôi của một nền văn minh miệt vườn, có tương lai trở thành một vùng đất chết do sa mạc hóa. Đó là tình cảnh bi thương của 20 triệu cư dân 13 tỉnh Miền Tây 3 tháng đầu năm 2020 hiện nay.”
Cầu vừa đủ xài – ôi cái tình tự đơn sơ của người miền Nam ấy liệu có sẽ còn được đáp ứng trong 10, 20, 30 năm tới với tình trạng Đồng bằng Sông Cửu Long hiện nay bên cạnh sự án binh bất động của giới hữu trách?
Trùng Dương
Trùng Dương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét