Lần đầu biết đến bức tượng này mình không nghĩ nó do một người Việt Nam tạo nên. Đặc biệt tác giả lại là quân nhân. Một tác phẩm điêu khắc đẹp, thần thái kỳ lạ. Tượng được đúc đồng nặng 10 tấn, cao hơn 6 mét, đặt trước Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà. Tác giả bức tượng này là điêu khắc gia, Đại uý Nguyễn Thanh Thu. (Sau này là chủ quán Cà phê Tượng Đá ở Gò Vấp. Chắc nhiều người biết!) Năm 1966, khi cuộc chiến ngày càng khốc liệt, nghĩa trang Quân đội Hạnh Thông Tây, Gò Vấp trở nên chật chội. Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đưa ra ý tưởng xây dựng nghĩa trang Quân đội mới tại Biên Hoà. Ông bèn cử Đại uý Nguyễn Thanh Thu sang Philippin tham quan, nghiên cứu mô hình Nghĩa trang Quân đội Hoa Kỳ tại Manila, được xem là nghĩa trang đẹp nhất Châu Á thời điểm đó.
Tổng thống căn dặn ông Thu nên tạo một biểu tượng làm "cục nhưn" cho Nghĩa trang để người dân hậu phương luôn tưởng nhớ những binh sĩ đã chiến đấu và chết vì tự do...
Một buổi chiều trên đường từ Hạnh Thông Tây về nhà, Đại uý Thu vô tình ghé vào một quán nước ngồi uống ly đá chanh, nhìn sang bàn bên cạnh ông thấy một người lính trong quân phục lính Nhảy dù đang ngồi uống 5-3 chai beer. Đặc biệt anh lính chỉ ngồi một mình nhưng trên bàn có 2 ly beer, anh ta vừa uống vừa nói chuyện với ly beer còn lại với vẻ mặt rất đau buồn. Tìm hiểu thì ông Thu biết người lính này vừa mới mất một người bạn thân trên chiến trận.
Người lính đó là Võ Văn Hai, cấp bậc Hạ sĩ binh chủng Nhảy dù.
Hình ảnh đau buồn của người lính Dù nhớ bạn cứ ám ảnh ông Thu. Buổi sáng trình dự án cho Tổng thống xem, Đại uý Thu mang theo 7 bản phác thảo. Trong lúc ngồi chờ đợi để được gặp Tổng thống, đầu óc ông vẫn bị ám ảnh nặng nề hình ảnh người lính Dù Võ Văn Hai nhớ bạn, ông bèn lấy viết phác thảo nhanh hình ảnh đó lên một bao thuốc lá.
- Ông là cha đẻ của các bản thảo, ông ưng ý cái nào nhứt? Tổng thống hỏi. Đại uý Thu ái ngại móc túi lấy bao thuốc lá với bản thảo nhỏ xíu vừa vẽ khi nãy ra trình bày với Tổng thống. Sau khi nghe Đại uý Thu trình bày, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu liền ký duyệt bản thảo và chọn luôn tên cho bức tượng là Thương Tiếc!
Sau biến cố 30-4, bức tượng đẹp đã bị giật sập! Và tên của nó, Thương Tiếc, như điềm báo để tiếc thương cho những giá trị một thuở vàng son, một cơ hội dân tộc Việt hoá Rồng bị bỏ lỡ!
Và dĩ nhiên, tác giả bức tượng, Đại uý Nguyễn Thanh Thu, cũng bị lên bờ xuống ruộng với tác phẩm để đời này! Ông bị tù đày, tra tấn...
Người ta "chỉ đường", chỉ cần ông nói ông không phải là tác giả của bức tượng, tác giả bức tượng đã đi nước ngoài rồi, cuộc đời ông sẽ ngay lập tức trở nên dễ thở hơn nhiều...
- "Ôi! Làm vậy đâu có được ông cán bộ ơi! Tàu chìm thì tui chìm theo. Máy bay rớt thì thì tui rớt theo, tượng chết thì tui chết theo!..." Hậu quả tác giả bị vỗ điếc một bên tai, nhốt "cô-néc" 22 tháng, 8 năm tù giam, và thậm chí đã bị chở đi tử hình!
Thật khí khái!
Fb Thắng NaSan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét