Tranh thủ cho trẻ đi dạo ngòai trời, khẩn trương mua thêm đồ ăn dự trữ, đi hiệu thuốc lãnh khẩu trang chính phủ tặng... Người dân Berlin hồi hộp chờ đợi thời tiết đặc biệt diễn ra ở Đức vào cuối tuần này với bão tuyết dữ dội phía Bắc, mưa lớn ngập tràn phía Nam. Nhiệt độ nước Đức nóng lạnh thất thường, Bắc - Nam Đức chênh nhau tới gần 20 độ C. Biên tập viên Đài truyền hình ZDF thốt lên hôm thứ Sáu 05/02: đời người làm nha khí tượng chắc chỉ trải qua một lần như thế.
<!>
Lướt mạng xã hội tiếng Việt tôi bỗng giật mình với một "cơn bão" khác có tên "Cả nước Đức vỗ tay 6 phút trên bán công, tiễn biệt bà thủ tướng Angela Merkel sau 18 năm trời dẫn dắt nước Đức hơn 80 triệu dân".
Cơn bão fake news này kéo ầm ầm trên facebook của người Việt muôn phương, tưởng nhấn chìm nước Đức. Lan truyền với tốc độ dễ gấp ngàn lần con virut corona biến thể, lần này đáng thương thay dường như nó chỉ chọn có mỗi một sắc dân: da vàng gốc Việt.
Nguồn gốc của cái tin vớ vẩn đến diệu kỳ, chẳng có một vị trí nào trong nền báo chí nhân lọai.
Bà Merkel chắc không thể ngờ có cơn bão yêu thương, ngưỡng mộ vô bờ bến đến với bà như thế. Nếu trước đây vài tháng có chót ghen tị với Donald Trump thì nay hẳn bà đã hả hê tọai nguyện.
Tuyên bố từ năm 2018 thôi chức Chủ tịch Đảng CDU, nhiều lần tuyên bố và chốt hạ từ tháng 06/2020 không ra ứng cử chức Thủ tướng Đức nữa, đúng theo lịch trình, bà Merkel sẽ làm nốt nhiệm vụ của mình tới tháng 09/2021. Nước Đức sẽ bầu cử Quốc hội Liên bang và sẽ có tân thủ tướng.
Đang tối mặt tối mũi đánh vật với Covid-19 hành hạ châu Âu, đối phó với cả núi chỉ trích không chỉ từ các đảng đối lập mà cả từ những đồng minh gần gũi, có chính trị gia Đức thậm chí bực bội văng tục trước những diễn biến nửa khóc nửa cười của vụ thuốc tiêm chủng cho Đức và EU, một điều hiếm thấy trong chính trị Đức - bà Merkel hẳn cũng đang lo thắt ruột cho mấy tháng cuối cùng sự nghiệp của bà.
"Nhà đang bao việc", dân Đức đầu óc đâu cho cái vụ vỗ tay 6 phút vào ngày 05/02 kia cơ chứ?
Tôi đã vội phản ứng nhanh với một vài bạn thân quen đang loan tải cái tin giả này: "Fake news đấy! đừng tin", nhưng tôi cũng nhận ra ngay đã quá muộn.
Họ cũng đủ cả: nhà văn, nhà báo, kỹ sư, bác sĩ, sống ở trong nước, đang ở châu Âu và thậm chí không ít người vào đúng ngày 05/02 đang hỉ, nộ, ái, ố ngay trên đất Đức, bên cạnh hàng xóm Đức, TV bật cả ngày...
Người thì bệ nguyên si cái tin gốc ngớ ngẩn kia về Facebook của mình, kẻ thì cũng chế biến đi chút ít cho ra vẻ đó là tin riêng của mình, nhưng tất cả đều chung một thông điệp: Người Đức đang vỗ tay 6 phút rầm rầm kia kìa, tôi biết rẩt sớm, còn mọi người có biết không?
Chuyện vỗ tay hoan hô bà Merkel từng diễn ra ở nhiều diễn đàn bao năm nay. Những thông tin ca ngợi con người bà Merkel được biết đến rộng rãi. Tôi sống khá gần căn hộ của bà Merkel nên rất biết hình thù nó ra sao. Tôi cũng là người có cảm tình và ủng hộ nhiều chính sách của bà.
Việc sử dụng thông tin tích cực về bà Merkel để dựng lên một cái tin giật gân, thú hút sự chú ý và tạo sức lan tỏa chóng mặt như vụ này - với tôi như một hồi chuông báo động lần thứ hai, sau vụ bầu cử tổng thống bên Mỹ. Mạng xã hội và tin tức giả / fake news đang thực sự đe dọa cuộc sống an bình của nhiều người.
Đã có không ít bài báo, các phân tích đánh giá về tác hại của fake news, cả trên trang BBC Tiếng Việt này cũng nhiều. Vậy mà sao cộng đồng Việt ta vẫn có nhiều người "hồn nhiên" tới vậy?
Có anh bạn lớn tuổi của tôi đùa: năm nay năm con trâu, năm người ta lầm lũi kéo cày và để ai đó dắt mũi.
Tới bầu cử quốc hội Đức chỉ còn chừng 7 tháng, tôi có mối lo khác. Vị trí của Đức đối với châu Âu và thế giới không nhỏ. Các đối thủ cạnh tranh của Đức sẽ không để yên.
Đọc nhiều comment của người Việt trên mạng xã hội gần đây, tôi nhận thấy khá rõ có không ít tư tưởng bài ngọai, kỳ thị chủng tộc, chỉ trích vô lối các chính trị gia, chính phủ các nước EU, khen khéo các nhà độc tài, các chế độ chuyên chế.
Tôi thấy có hơi hướng đâu đó của các hãng truyền thông có gốc Trung Quốc, Nga, hay các tổ chức cực hữu của Đức, Ý…
Không thiếu những nguồn tin có uy tín, đáng tin cậy, nhưng không ít người Việt lại vẫn cứ tìm tới những nguồn tin thất thiệt.
Có thể lo hơi quá, một khi tôi đã từng thất bại trong việc kêu gọi người Việt ở Đức xuống đường biểu tình đấu tranh chống tệ phân biệt chủng tộc những năm gần đây thì nay tôi cũng không mong muốn có người Việt ở Đức vì mù quáng tin vào thuyết âm mưu, tin giả, theo chân những kẻ cực đoan xuống đường chống các quy định phòng dịch của chính phủ, hay tệ hơn: diện áo dài, phất cờ Việt theo đám nổi lọan tấn công trụ sở Quốc hội Đức như đã xảy ra hôm 29/08/2020 ở Berlin.
Tỉnh táo, không dễ dãi để tình cảm lấn át lý trí khi tiếp cận với bể thông tin trôi nổi trên mạng xã hội. Giữ an bình cho mình cũng chính là giữ cho cả những người khác.
Tôi vẫn tự răn mình và người thân trong gia đình của tôi như vậy đấy.
*Bài thể hiện quan điểm riêng của nhà báo tự do Lê Mạnh Hùng ở Berlin, Đức.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét