Tặng bạn, nhạc sĩ Nguyễn Trung, San Jose, CA, USA.
Buổi sáng Phục dậy sớm, anh định đạp xe xuống Chức sớm hơn thường ngày để kéo Chức ra ngoài quán cà phê vỉa hè ngồi tán dốc. Bây giờ chương trình HO đang là cao trào. Đi đâu, gặp ai, gia đình có liên quan đến đám cải tạo trở về đều bàn tán rôm rả về chuyện ra đi. Hồ sơ đến đâu rồi, còn nằm ở quận hay đã lên Nguyễn Du? Nguyễn Trãi? Nguyễn Du là con đường Nguyễn Du, có toà nhà ở đầu đường là Sở Xuất Nhập Cảnh, là nơi tiếp nhận hồ sơ HO từ quận gởi lên. Hồ sơ ai được nơi đây kêu lên bổ túc là đã được nửa đoạn đường. Nguyễn Trãi cũng là đường Nguyễn Trãi, cũng có một toà nhà của công an, chuyên làm dịch vụ xuất cảnh. Muốn hồ sơ được chuyển sớm thì đến đây, có những đường giây chuyên môn lo dịch vụ này.<!>
Buổi sáng Phục dậy sớm, anh định đạp xe xuống Chức sớm hơn thường ngày để kéo Chức ra ngoài quán cà phê vỉa hè ngồi tán dốc. Bây giờ chương trình HO đang là cao trào. Đi đâu, gặp ai, gia đình có liên quan đến đám cải tạo trở về đều bàn tán rôm rả về chuyện ra đi. Hồ sơ đến đâu rồi, còn nằm ở quận hay đã lên Nguyễn Du? Nguyễn Trãi? Nguyễn Du là con đường Nguyễn Du, có toà nhà ở đầu đường là Sở Xuất Nhập Cảnh, là nơi tiếp nhận hồ sơ HO từ quận gởi lên. Hồ sơ ai được nơi đây kêu lên bổ túc là đã được nửa đoạn đường. Nguyễn Trãi cũng là đường Nguyễn Trãi, cũng có một toà nhà của công an, chuyên làm dịch vụ xuất cảnh. Muốn hồ sơ được chuyển sớm thì đến đây, có những đường giây chuyên môn lo dịch vụ này.<!>
Đây là những nơi công khai mà chính quyền đã đặt trụ sở để tiếp nhận hồ sơ.
Có nhiều người muốn mình đi sớm hơn thì ra Hà Nội “chạy”, sẽ tốn kém nhiều hơn, nghĩa là sẽ chi khoảng chục triệu để được ”đôn” số thứ tự, nghĩa là nếu anh làm hồ sơ trong thời điểm đó là HO.20 chẳng hạn, có tiền chạy cho công an có thẩm quyền bằng những đường dây kín, thì anh có thể được đôn lên HO 14, 15. Ai cũng muốn ra đi sớm, ai cũng không tin nhà nước này. Dù tốn chục triệu mà được đi sớm thì vẫn hơn. Biết đâu có gì thay đổi thì sao?.
Phục thì nằm chịu chết một chỗ. Anh luay huay kiếm đủ năm trăm ngàn để ra công an phường chứng giấy mà không tìm đâu ra.
Nguyệt là người đàn bà chịu đựng thế kia, mà cũng còn than thở rồi thúc dục Phục:
- Anh chạy mượn đâu đó thử coi, chứ chẳng lẽ chịu chết sao, anh cố gắng mượn bạn bè, bà con.
- Chạy đâu ra mà chạy, bạn bè anh toàn dân đi cải tạo về, còn bà con ai nhìn mình cũng ngoãnh mặt. Sao em không viết thư nhờ Hải.
- Thất lạc địa chỉ Hải từ một năm nay rồi anh không biết sao, nó nói nó chuyển đi tiểu bang khác, rồi lấy vợ, từ đó đến nay biệt vô âm tín.
Hai vợ chồng sinh ra lục đục vì chuyện không đào đâu ra tiền để chạy hồ sơ. Phục cứ đem tập hồ sơ của mình ra săm soi, nhìn, đọc, từ cái giấy ra trại, cái giấy tạm vắng, cái đơn xin xuất cảnh rồi lại cất vô, như người cháu đích tôn của gia đình săm soi cuốn gia phả giòng họ mấy mươi đời vậy.
Bạn bè xôn xao làm đơn, khiến anh càng nóng ruột thêm. Gặp, ai cũng hỏi: Hồ sơ mày đến đâu rồi? Câu hỏi làm anh quýnh quáng, rồi nói lấp liếm câu trả lời, tau đang làm. Nhưng trong lòng anh là cả một trận chiến bùng nổ, làm đầu óc anh cứ rối tung cả lên.
Buổi tối về ngủ, hai vợ chồng xây mặt váo vách. Nguyệt thở dài, anh cũng thở dài. Hai người đều tứ cố vô thân, bà con thân sơ đều ở quê. Xã hội này, cuộc sống này, thôn quê cũng như thành phố đều như nhau, có ai dư dã đâu mà giúp cho anh tiền bạc. Phục nhẩm tính, nếu tính từ khởi đầu, từ lúc mua tập hồ sơ xuất cảnh về, đến khi khi xong xuôi phỏng vấn, không tính tiền ăn uống chi phí trong gia đình, cũng phải tốn ít nhất là năm triệu đồng, một món tiền quá lớn đối với anh lúc này, biết xoay xở thế nào đây?.
Phục thấy thương vợ con quá đổi. Nguyệt đã bỏ tuổi xuân của nàng để lo cho chồng, cho con. Nàng có thể cắn răng chịu đựng, đổ mồ hôi sôi nước mắt, để làm việc. Cực khổ không sợ, khó khăn không nản lòng, nhưng bảo nàng mở miệng đi mượn hay đi vay tiền của những người thân, người sơ, nàng không thể làm được. Cho nên, cứ cái vòng lẩn quẩn, Phục đổ tội cho Nguyệt rồi Nguyệt đổ tội cho Phục, hai bên im lặng “vô tuyến” suốt mấy tuần nay.
Khi Phục thức thì Nguyệt đã dậy từ lâu, nàng đem cái lò nấu ra ngoài chái hiên hâm lại mấy món thức ăn còn lại hôm qua. Phục dắt xe đạp ra cửa, nói trổng không:
- Hôm nay phải đi sớm gặp thằng Chức một chút.
Không đợi Nguyệt trả lời, anh lên xe đi thẳng.
Thành phố bắt đầu một ngày mới, người xe chạy tấp nập trên đường, mới hơn năm giờ sáng mà đã rộn ràng, ồn ào tiếng động.
Chiếc xe đạp lóc cóc chậm rãi bò trên đường. Thời điểm này, xe gắn máy Nhật, Hàn quốc bắt đầu được nhập cảng vào Việt Nam, Cúp 78, DD nữ hoàng, Angel, Dream 2. Ăn khách và sang trong nhất là Dream 2, sản xuất và lắp ráp tại Nhật. Những cán bộ, nhất là công an, hải quan, có chức, có quyền, có tiền, những người có thân nhân ở nước ngoài gởi đô la về, họ đều sắm chiếc xe láng cóng. Chiếc xe nói hộ họ sự giàu sang. Trong công việc làm ăn cũng vậy, chiếc xe thể hiện cho mọi người thấy giá trị của người có xe. Với Phục, những chuyện đó là những chuyện bên ngoài cuộc sống anh, cái mà anh chăm chú là làm sao có được tiền để chạy hồ sơ xuất cảnh.
Phục đánh thức Chức bằng những cái đập cửa. Chức thường ngủ ở phòng ngoài, anh đạp xe về khuya, muốn giữ im lặng cho cha mẹ ngủ, anh trải chiếu trên nền nhà dưới lầu mà ngủ, để tiện buổi sáng mở cửa cho Phục lấy xe luôn.
Hôm nay Phục đến sớm hơn cả nửa tiếng, nên Chức còn vùi đầu trong chăn.
- Chức ơi, dậy đi
Nghe tiếng gọi cửa, Chức mở mắt ra và nghĩ ngay, sao hôm nay Phục đến sớm vậy. Nghĩ vậy nhưng Chức cũng ngồi dậy, lệch xệch đôi dép ra mở cửa cho bạn.
- Sao hôm nay đi làm sớm thế ông?
- Thì tau xuống sớm kêu mày ra uống cà phê.
- Uống thì uống, mày chạy xe ra trước, tau rửa mặt ra sau.
Phục dựng xe đạp vào tường nhà, rồi anh dắt chiếc xích lô ra, anh đạp đến quán cà phê đầu hẽm.
Phục kêu một ly đen, một bao thuốc Đà Lạt, ngồi nhâm nhi ngụm cà phê đầu tiên trong ngày, anh thấy mình tỉnh lại.
Buổi sáng sớm nào, anh cũng uống một ly cà phê và hút một điếu thuốc, nó như một thông lệ, không có tự nhiên lòng anh buồn bã vô cùng.
Nghĩ bây giờ Nguyệt cũng bắt đầu một ngày mới, bắt đầu đẩy xe bánh mì ra đầu hẻm và làm công việc của nàng. Anh thấy thương vợ quá, suốt những ngày về làm vợ anh, Nguyệt chưa có một ngày sung sướng, hạnh phúc thật sự.
Phục chạnh nghĩ đến Hạnh Nhân, hàng ngày anh vẫn đạp xe đón Hạnh Nhân đi chợ. Tình thân có khá hơn, nhưng anh vẫn cố giữ một khoảng cách giới hạn vừa phải. Biết là Hạnh Nhân có cảm tình với anh, thương anh, anh lờ mờ hiểu thế với một trực giác không giải thích, bởi cách nhìn, ngôn ngữ, cử chỉ, với anh, Hạnh Nhân có một cái như là âu yếm, vỗ về, nhưng anh đã giữ lại ở một khoảng cách cần thiết.
Nhiều lúc túng thế quá, anh cũng muốn mở miệng nhờ Hạnh Nhân giúp đỡ cho mượn số tiền để làm đơn xuất cảnh, nhưng mỗi khi mở miệng ra, quai hàm anh như bị dính chặc lại, anh không nói được, không thể bày tỏ ý định của mình, nên mọi chuyện cũng không đâu vào đâu.
Chức đi ra vơi gương mặt vẫn còn ngái ngủ. Chức ngồi xuống chiếc ghế đối diện Phục. Phục vẫn câu hỏi cũ, thường ngày:
- Có tin tức gì mới không?
Chức không trả lời câu hỏi của Phục, mà hỏi lại Phục:
- Hồ sơ mày đến đâu rồi, chạy ra tiền chưa?
- Vẫn dậm chân tại chỗ. Thôi để đó, lo cày kiếm tiền cái đã, được giai đoạn nào hay giai đoạn đó.
Trong đám bạn, Phục chỉ tâm sự với Chức những khó khăn của mình, mà Chức cũng bó tay, có thương nhau cũng chỉ ngồi nhìn.
Chức rít một hơi thuốc rồi nói:
- Mấy thằng bạn hồi ở Suối Máu với mình như thằng Thự, thằng Chiến đã được giấy phỏng vấn rồi đó, tụi nó chuyển từ ODP sang HO nên lẹ, mình mong mình cũng được sớm thì tốt quá.
Phục muốn tâm sự với Chức chuyện Hạnh Nhân, anh muốn dò ý bạn coi thử sự việc này có tác hại gì đến gia đình hoặc làm Nguyệt buồn không? Anh biết trong mọi tình huống làm sức mẻ hạnh phúc gia đình, thường xảy ra là do chuyện tiền bạc hay ngoại tình của chồng hoặc vợ.
Khi Chức trầm ngâm rít thuốc và nhìn làn khói trắng lơ đãng bay vòng vòng trên không trung, thì Phục đằng hắng một cái rồi chậm rãi nói:
- Chức này, tau có một chuyện muốn hỏi ý mày, để mày góp ý với tau, cho tau cái quyết định.
- Chuyện gì vậy? Mày nói đi, để tau làm quân sư quạt mo cho.
- Nghĩa là tau có quen với một người đàn bà, người cùng quê. Hồi trước, khi còn đi học, rất có cảm tình với tau, nay gặp lại, tau chở mối cho bả đi bán hàng. Bả giàu lắm, mày nghĩ tau có nên nhờ bả giúp cho tau mượn tiền chạy dịch vụ xuất cảnh không?
Chức nói không suy nghĩ:
- Nên lắm chớ, mày mượn rồi sau này mày trả lại, chớ có gạt đâu mà sợ, dĩ nhiên mình phải mang ơn.
- Tau định nói với bả mà mỗi khi bắt đầu tau khớp quá, nhưng nay mày góp ý thế, để tau hỏi thử coi.
- Khớp gì, vì chuyện lớn cho nên mày phải can đảm lên, tau nghĩ cũng chẳng có gì đâu, nếu bả có lòng giúp mày thì bả sẽ cho mượn, sông có khúc người có lúc, có dịp nào đó mày sẽ trả ơn lại.
Lời góp ý của Chức làm Phục lên tinh thần, anh dự tính hôm nay đến chở Hạnh Nhân đi chợ thì anh sẽ cố gắng mở miệng, nói thì dễ nhưng mỗi khi mở miệng thật khó khăn.
Chức dặn dò:
- Đây là một việc rất tế nhị, mày đừng cho vợ mày biết, nếu biết, cô ta sẽ nghĩ xấu cho mày đó.
- Tau sẽ làm theo ý mày.
Phục đội nón lên, anh kêu chủ quán trả tiền cà phê thuốc lá, rồi nói với Chức:
- Thôi tau dọt, chạy sớm kiếm tí đỉnh, mày ngồi ngó thiên hạ đi nghe.
- Ừ, thôi mày dọt đi, có kết quả chiều nhớ về báo cáo.
2.
2.
Phục chạy xe ra đường. Hàng ngày anh vẫn thường chạy rong rong kiếm hai ba cuốc dằn túi, rồi đến khoảng chín giờ, anh mới chạy đến nhà Hạnh Nhân đón nàng. Công việc có vẻ suôn sẻ từ mấy tháng nay.
Phục đạp xe đến chợ Hoà Hưng thì có khách. Khách là người đàn bà có gương mặt xinh đẹp, mắt lớn, môi tô son đỏ, hàm răng trắng đều. Khách ngoắc xe rồi leo lên ngay, không trả giá.
Phục đành hỏi:
- Chị về đâu?
- Cho tôi về xuống chỗ cầu Điện Biên Phủ.
Nghe giọng nói, Phục biết người đàn bà này cũng người miền ngoài. Anh hỏi cho qua chuyện:
- Nhà chị dười đó hả?
- Không, tôi xuống nhà người quen nhờ làm cái giấy.
- Giấy gì vậy chị?
Người đàn bà quay lại nhìn anh như quan sát, có lẽ thấy anh ăn mặc tồi tàn, đúng là phu phen thứ thiệt, nên nàng lên tiếng:
- Có người giới thiệu xuống dưới này làm cái giấy Chứng Minh Nhân Dân đó mà.
Phục muốn giới thiệu mình cho người đàn bà yên tâm, anh nói:
- Tôi là sĩ quan chế độ cũ đi tù cải tạo về, chị đừng lo. Mà sao làm giấy chứng minh nhân dân không đem lên công an mà làm.
Người đàn bà nhìn anh một lần nữa, như đánh giá lời nói của anh vừa rồi đúng hay sai, rồi mới trả lời:
- Thì làm giấy giả đó mà, làm giấy để ghép hồ sơ xin xuất cảnh.
Người đàn bà hỏi lại Phục:
- Anh đi cải tạo về hả, mấy năm vậy?
- Dạ, cải tạo hơn bốn năm đó chị.
- Vậy có chương trình HO, anh đã làm đơn chưa?
- Đang làm chị à, mà giấy tờ sao thấy khó khăn quá.
- Khó khăn gì anh?
- Thì chuyện tiền nong, tui tôi không có tiền để chứng giấy, chạy dịch vụ.
- À, công an bây giờ qua cửa ngõ nào cũng ăn, phải có tiền mới được.
Người đàn bà phân trần thêm:
- Như tôi đây này, đi vượt biên mấy lần mà không được, tù lên tù xuống. Bây giờ phải tìm cách khác mà đi, có ông già ở ngoài quê, đi cải tạo về mà không có tiền làm dịch vụ nên tôi “mua” ổng, làm hồ sơ tôi là vợ ổng, ổng đem theo hai đứa con, tôi một đứa.
- Hồ sơ xong chưa chị?
- Cũng gần xong, cón mấy cái giấy nữa nên tôi mới xuống dưới này nhờ làm đây chứ.
Phục nói thầm trong bụng: “Thì ra thế, người ta có tiền đang kiếm cách “chạy” để đi hà rầm ra đó, còn mình đúng trong diện HO, mà không có tiền đành bó tay, chán ơi là chán.
Nghĩ vậy, nhưng anh cũng nói vơi người đàn bà:
- Thế thì tốt quá rồi.
- Cũng mong vậy thôi, nhưng cũng chầm chày may rủi anh ơi, mấy người Mỹ phỏng vấn cũng kỳ cục lắm, có người dễ thì cho qua, còn người khó thì họ hỏi đủ thứ, mình nói không suôn thì bị loại ngay.
Giọng của người đàn bà đúng là giọng quê của Phục, anh tự nhiên thấy thích thú, anh hỏi lại:
- Chị người miền ngoài phải không?
- Đúng rồi, tôi ở ngoài đó. Sao anh biết hay vây?
- Nghe giọng chị nói thì biết, tôi cũng quê ngoài đó mà.
- Anh là anh Phục phải không?
- Đúng rồi, hồi trước tôi là lính của sư đoàn
- Tôi biết anh, anh khỏi cần giới thiệu. Nhìn anh là tôi nhớ ngay, dù anh bây giờ khác xưa nhiều lắm.
- Chị là chị Tiên Phước, phải không?
- Anh cũng nhớ ra tôi à?
- Mới nhìn chị tôi cũng ngờ ngợ, nhưng nhìn kỹ tôi biết đúng chị là Tiên Phước, chị vẫn còn đẹp lắm.
- Đẹp gì anh, chạy ăn gần chết, chồng bỏ, mình tôi phải lo nuôi con, chạy ăn bở hơi tai.
- Nhưng mà chị có tiền mới chạy hồ sơ được chứ.
- Thì cũng như đánh bài, tôi vét hết vốn liếng để đánh canh bài chót này.
Tiên Phước thở dài. Phục nhớ ngày xưa, cô bé...nhưng thôi, chuyện đã qua xa quá.
Tiên Phước hỏi anh:
- Anh bây giờ sống ra sao?
- Thì chạy xe nuôi vợ con. Còn chị?
- Mở quán bia ôm.
- Thật à?
- Thật chứ, nghề này đang hốt tiền mà.
Xe đã chạy qua cầu Phan Thanh Giản, Tiên Phước nói:
- Anh chạy vào hẽm trước mặt, chút xíu nữa thì tới.
Đến nơi, anh dừng xe, Phước trả tiền cao hơn giá anh mong đợi.
Phước đổi cách xưng hô và rũ rê:
- Khi nào rảnh anh tới quán em chơi, quán Bụi Hồng ở đường Tô Hiến Thành, chắc anh chạy xe qua lại đường đó anh biết chứ gì, quán có nhiều em "thơm hết sẩy".
Phục nói:
- Tới thăm chị thì được, chứ kiếm em thì cho tôi xin.
Tiên Phước cười:
- Nói vui với anh thôi, thôi em đi nhé.
Phục quay đầu xe chạy lại trên con đường cũ, anh nhìn đồng hồ, đã gần mười giờ, cuốc xe chạy xa quá. Phục tất tả đạp về hướng nhà Hạnh Nhân, thêm ba mươi phút nữa, mười giờ ba mươi mới đến nơi. Anh bấm chuông, không có Hạnh Nhân. Người giúp việc mở cửa, nhìn anh rồi nói:
- Cô đợi chú lâu quá nên cô đi rồi.
Thường thường, Hạnh Nhân đợi Phục khoảng mười, mười lăm phút, vì biết Phục đang kẹt cuốc xe, nhưng hôm nay đợi trên ba mươi phút, nàng vì có chuyện gấp, với lại nàng cũng giận Phục nữa, nên nàng kêu xe khác.
Phục quay ra xe, lên xe đạp thẳng, thế là không có gì để về báo cáo cho thằng Chức chiều nay đây. Phục thở dài đánh sượt.
Trần Yên Hòa
Trần Yên Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét