Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2020

Đồng Tâm: Vì sao phải che giấu cuộc càn quét - Nguyễn Hùng - VOA


(Hình: Trích xuất từ website báo Thanh Niên)
Khi truyền thông Việt Nam nhất tề đưa tin ngắn theo đúng thông báo của Bộ Công an về diễn biến mới nhất ở Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội, kết luận chính xác có thể đưa ra là đómới chỉ là sự gây nhiễu thông tin pha chút ít sự thật. Điểm chính trong thông báo của Bộ Công an, vốn cũng được trang Thông tin Chính phủ đăng lại, là: “Trong quá trình xây dựng [tường rào bảo vệ Sân bay Miếu Môn], sáng 9/1/2020, một số đối tượng có hành vi chống đối, sử dụng lựu đạn, bom xăng, dao phóng... tấn công lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ, gây rối trật tự công cộng, dẫn đến hậu quả 3 cán bộ chiến sĩ Công an hy sinh, 1 đối tượng chống đối chết, 1 đối tượng bị thương.”<!>
Nhưng sự thật có đúng như vậy không? Theo một video được đăng tải trên Facebook, vụ “gây rối trật tự công cộng” thực tế lại do chính lực lượng công an gây ra. Từ đêm ngày 8 và rạng sáng 9/1 đã có thông tin hàng ngàn công an, an ninh và cảnh sát cơ động đã tập trung cách Đồng Tâm vài cây số. Vụ tấn công quy mô vào xã xảy ra lúc khoảng 4h sáng khi nhiều nhà dân còn đang chìm trong giấc ngủ. Hơn nữa vụ việc cũng không xảy ra tại khu 59 héc ta đất tranh chấp ở đồng Sênh mà tại nơi cư trú hợp pháp của người dân.

Ngay cả trong bản tin của Bộ Công an cũng không nói gì về điều chỉ có thể coi là một vụ càn quét. Thông tin được đưa ra để người đọc hiểu là công an chỉ phản ứng khi người dân gây rối. Nhưng điều ngược lại đã xảy ra. Lực lượng công an đã liên tục bắn súng khi tiến vào Đồng Tâm. Họ cũng được cho là đã xịt hơi cay vào nhà cụ Lê Đình Kình dù trong nhà có cả trẻ em mới vài tháng tuổi.

Nếu chính quyền thực sự có chính nghĩa và không có gì để giấu giếm, họ đã có thể mời các phóng viên tới chứng kiến diễn biến đêm 8/1, rạng sáng ngày 9/1. Thay vào đó họ chặn tất cả các thông tin xác thực từ hiện trường. Anh Trịnh Bá Phương thậm chí bị những người mặc thường phục xông vào bắt khi anh đang tường thuật trực tiếp về tình hình Đồng Tâm. Chuyện chính quyền luôn dùng những lực lượng mặc thường phục mà người dân khó biết đó là công an đích thực hay đầu gấu, côn đồ cũng cho thấy họ ở gần với tà quyền hơn chính quyền.

Việc trang Thông tin Chính phủ đăng lại thông báo của Bộ Công an cũng cho thấy dường như có sự thống nhất trong chính quyền từ trung ương tới địa phương về chuyện càn quyét Đồng Tâm và trấn áp người dân. Điều này xảy ra bất chấp chuyện cả bí thư và chủ tịch Hà Nội đang là đích ngắm của chiếc lò chống tham nhũng và lạm quyền đang được kéo đi nhiều tỉnh thành.

Và trong khi chính quyền ra sức tuyên truyền về sự chính đáng trong các hành động của họ tại khu đất tranh chấp ở đồng Sênh, truyền thông lề trái cũng đưa ra những thông tin hoàn toàn trái ngược.


“Cánh đồng Sênh của xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức vốn gần 100 Héc ta.
“Phía bắc là huyện Chương Mỹ, phía Đông là đường Đồng Tâm đi Hữu Văn, phía Nam và Tây là đường tỉnh lộ DT429.

“Một nửa phía Đông (47,36 héc ta) bị tỉnh Hà Sơn Bình thu hồi, làm dự án sân bay Miếu Môn, năm 1981.

“Phần còn lại là nửa phía Tây (khoảng 50 héc ta) không bị thu hồi, dân Đồng Tâm tiếp tục canh tác bình thường, đóng thuế đầy đủ.

“Hai nửa này có tường xây, mốc bê tông do quân đội cắm từ 1981 đến nay, phân cách rõ ràng.”

Không chỉ có Tạp Chí Mị Dân nói chính quyền muốn đánh đồng hai nửa này để lấy đất của người dân. Và việc họ đưa cả ngàn quân tới càn quét nơi ở của dân Đồng Tâm vào lúc đêm hôm rồi la lên rằng người dân gây rối không làm cho chính quyền Hà Nội được thêm điểm nào về tính chính danh trong vụ này.

Nguyễn Hùng bắt đầu viết báo từ năm 1995 cho tờ Vietnam Investment Review và hai năm sau được Liên Hiệp Quốc chọn là một trong một vài nhà báo châu Á xứng đáng nhận giải thưởng mang tên cố tổng thư ký Dag Hammarskjold. Nguyễn Hùng đến London năm 2000, trở thành phát thanh viên, biên tập viên và phó ban Việt ngữ BBC. Trong vài năm trước khi rời BBC hồi năm 2017 để trở thành giảng viên báo chí kỹ thuật số ở Goldsmiths, University of London, Nguyễn Hùng phụ trách mảng mạng xã hội cho Vùng Đông Á và mảng kỹ thuật số cho Vùng Nam Á của BBC World Service. Nguyễn Hùng là người đồng sáng lập chương trình Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt. Anh cũng sẽ chia sẻ blog này qua trang Facebook - https://www.facebook.com/haynhi3005/. Các bài viết của Nguyễn Hùng là blog cá nhân và được đăng tải với sự đồng ý của đài VOA nhưng không phản ánh quan điểm chính thức của chính phủ Hoa Kỳ.

Không có nhận xét nào: