Đúng 5 năm sau, nước Pháp tưởng niệm các nạn nhân cuộc tấn công khủng bố vào Charlie Hebdo ngày 07/01/2015. REUTERS/Gonzalo Fuentes
Thanh Phương
Cách đây 5 năm, ngày 07/01/2015, đã xảy ra vụ tấn công khủng bố vào tòa soạn của tuần báo trào phúng nổi tiếng Charlie Hebdo ở Paris, khiến 12 người chết, trong đó có 2 cảnh sát. Thủ phạm của vụ tấn công, anh em nhà Kouachi, tự nhận thuộc tổ chức al-Qaida ở Yemen, đã bị bắn hạ sau hai ngày lẫn trốn. Năm năm sau vụ tấn công khiến cả thế giới bàng hoàng, nước Pháp vẫn sống dưới mối đe dọa khủng bố, mà nay được thể hiện qua những hình thức khác, ngày càng khó kiểm soát hơn, như vụ tấn công bằng dao tại Villejuif, ngoại ô Paris ngày 03/01/2020.<!>
Trong tầm ngắm của Hồi Giáo cực đoan
Charlie Hebdo là một tờ báo có lượng độc giả rất giới hạn, vậy thì vì sao Hồi Giáo cực đoan lại căm ghét tờ báo này như vậy ? Để tìm câu trả lời, chúng ta phải trở ngược về tháng 02/2006, khi nhật báo Đan Mạch Jyllands-Posten suýt bị khủng bố tấn công sau khi đăng các tranh biếm họa vẽ đấng tiên tri Mohamed.
Để tỏ tình liên đới với đồng nghiệp Đan Mạch, Charlie Hebdo cũng cho đăng các bức biếm họa Mohamed. Những bức biếm họa này ngay lập tức đã gây phản ứng dữ dội từ giới Hồi Giáo tại Pháp. Nhưng ở đất nước của quyền tự do báo chí, số báo nói trên của tuần báo trào phúng bán đắt như tôm tươi : 400 ngàn bản đã đến với độc giả Pháp.
Không dừng ở đó, đến năm 2013, Charlie Hebdo xuất bản một số đặc biệt đặt tên là Charia Hebdo ( Charia là luật Hồi Giáo ). Vài ngày sau, một quả bom xăng thiêu rụi trụ sở của tờ báo, khiến toà soạn phải dọn đi. Trang web của tờ báo bị tin tặc tấn công, một tờ báo do al-Qaida tài trợ thậm chí còn treo giá một trong những cộng tác viên của Charlie Hebdo. Nhưng ban biên tập tuần báo trào phúng vẫn kháng cự, cho đến ngày 07/01/2015.
Vào lúc 11h20 ngày hôm đó, mặc đồ đen, trùm kín đầu và trang bị súng Kalachnikov, hai anh em Kouachi xông vào tòa soạn Charlie Hebdo nằm trên đường Nicolas Appert, quận 6, Paris. Đầu tiên họ nổ súng vào hai nhân viên bảo trì, giết chết một người. Rồi gặp họa sĩ Coco trong cầu thang, hai kẻ khủng bố bắt cô này làm con tin, buộc cô phải dẫn đến phòng họp của tòa soạn. Và thế là cuộc tàn sát bắt đầu, xóa sổ gần như toàn bộ ban biên tập đang ngồi họp trong phòng, trong đó có tổng biên tập Charb, người bị bắn đầu tiên. Chín người khác bị bắn chết tại đây, trong đó có một cảnh sát được điều động đến để bảo vệ Charb.
Là nhân viên cấp cứu và cũng là cây bút của Charlie Hebdo, Patrick Pelloux là một trong những người đầu tiên đến nơi xảy ra khủng bố, lúc đó kể lại giọng còn bàng hoàng: « Thật là khủng khiếp, nhiều người đã chết rồi, vì họ bị giết giống như xử bắn. Nhưng chúng tôi cứu được những người khác và nói chung những người này vào sáng nay tình trạng khá tốt. Tôi đến đây để nói với bạn rằng tờ báo sẽ tiếp tục hoạt động, bởi vì họ đã không thắng và Charb, Cabu, Bernard, Honoré, Elsa, Cabu, Tignous, Wolinsky, Mustafa, Franck, Michel, và viên cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ chúng tôi đã không chết vô ích. Không nên căm thù người Hồi Giáo. Mọi người, mỗi ngày, trước cửa nhà mình, đều phải làm sống mãi các giá trị của nền Cộng Hòa »
Sau cuộc thảm sát, hai anh em Kouachi ra khỏi tòa soạn, leo lên xe hơi vừa hô to : « Chúng tôi đã trả thù cho đấng tiên tri Mohamed, chúng tôi đã tiêu diệt Charlie Hebdo !». Đụng đầu một toán cảnh sát đang tuần tra bằng xe đạp, hai kẻ khủng bố nổ súng bắn bị thương một cảnh sát, rồi lạnh lùng kết liễu mạng sống viên cảnh sát này, trước khi leo lên xe tẩu thoát. Sau hai ngày truy lùng gắt gao, cuối cùng cảnh sát mới tìm thấy và tiêu diệt hai anh em Kouachi.
Ngay ngày hôm sau, 08/01, một kẻ khủng bố khác, Amedy Coulibaly, tự nhận thuộc tổ chức Nhà nước Hồi Giáo, bắn chết một nữ cảnh sát viên ở Montrouge, ngoại ô Paris, rồi tấn công vào một siêu thị chuyên bán hàng cho người Do Thái, giết chết 4 người, trước khi bị cảnh sát bắn hạ.
Cú sốc đối với nước Pháp
Tổng thống thời ấy, François Hollande, ngay hôm đó nhìn nhận vụ tấn công vào Charlie Hebdo là một cú sốc đối với nước Pháp: « Nước Pháp hôm nay đang đứng trước một cú sốc, cú sốc của cái mà ta có thể gọi ngay là tấn công khủng bố, vì chắc chắn đúng là như thế, vào một tờ báo đã nhiều lần bị đe dọa và vì thế đang được bảo vệ. Trong những lúc như thế này, chúng ta phải gắn kết thành một khối, chứng tỏ chúng ta là một đất nước biết sát cánh với nhau, biết phản ứng đúng mức, một các kiên quyết, nhưng vẫn duy trì khối đoàn kết. Đó sẽ là thái độ, là quyết tâm của tôi trong những ngày tới, những tuần tới.
Tôi sẽ có dịp ngỏ lời với dân Pháp vì chúng ta đang ở vào một giai đoạn cực kỳ khó khăn. Nhiều mưu toan khủng bố đã bị phá vỡ trong những tuần qua. Chúng ta đã biết là nước ta bị đe dọa giống như những nước khác trên thế giới vì chúng ta là quốc gia của tự do. Nay tôi nghĩ đến các nạn nhân, 11 người đã bị giết, 4 người đang trong tình trạng thập tử nhất sinh. Chúng ra nhất quyết tìm ra các thủ phạm và khi nào có thể được, kêu gọi đến sự đoàn kết dân tộc. »
Vụ khủng bố Charlie Hebdo đã gây chấn động dư luận không chỉ ở Pháp, mà còn trên toàn thế giới. Trong những ngày sau đó, hàng triệu người đã xuống đường với một dòng chữ duy nhất : « Tôi là Charlie », vừa phẫn nộ lên án khủng bố, vừa mạnh mẽ bảo vệ quyền tự do ngôn luận. Tại Paris, ngày 11/01/2015, tổng thống François Hollande đã quy tụ 50 nguyên thủ quốc gia trong một cuộc tuần hành lịch sử.
Đối với các thành viên ban biên tập Charlie Hebdo, 5 năm sau, chấn thương từ cú sốc của vụ tấn công khủng bố này vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng Philippe Lançon, một trong những nhà báo thoát chết, nhưng bị thương rất nặng trong vụ khủng bố, khẳng định Charlie sẽ còn sống lâu dài: « Dĩ nhiên đó là một cái bóng vẫn bao phủ lên tờ báo, nhưng công việc đầy rũi ro của chúng tôi đó là đưa tờ báo thoát khỏi cái bóng đó. Chuyện này chúng tôi đã sống qua, và nó đã ảnh hưởng đến Charlie, nhưng nhiệm vụ của tờ báo chính là thoát khỏi chuyện đó, để tiếp tục sống sót, tiếp tục phát triển. Sau những gì đã trải qua, việc tờ báo còn đứng vững đúng là một phép lạ. Những kẻ sát nhân đã không thành công hoàn hoàn. Khi ra khỏi tòa soạn, họ đã hô « Chúng tôi đã giết chết Charlie ». Nhưng họ đã không giết được Charlie, Charie vẫn sống, và tờ báo sẽ sống với những ký ức, với những mâu thuẫn của nó, dù phải chịu những đòn tấn công. Tôi nghĩ tờ báo sẽ còn sống lâu dài. »
Đối với nhà xã hội học Michel Wieviorka, vụ tấn công vào tòa soạn Charlie khiến dân Pháp ý thức là họ sẽ phải sống lâu dài với mối đe dọa khủng bố : « Tôi nghĩ rằng với vụ Charlie Hebdo, dân Pháp ý thức rằng họ đã thật sự bước vào thời kỳ của khủng bố toàn cầu và đang đối đầu với những vấn đề, không thật sự mới, nhưng thật sự là họ đang sống với nó. Họ ý thức là đang có một sự thay đổi sâu rộng trên thế giới và ngay trong nước họ. Đây là một cú sốc kinh khủng.
Vụ Charlie Hebdo trước hết đã khiến dân Pháp xúc động và có một sự đồng thuận khá rộng rãi, nhưng không phải đồng thuận một trăm phần trăm. Đảng cực hữu không nhất trí với phong trào phản đối hành vi khủng bố. Trong giới Hồi Giáo, đâu đó vẫn có những người tỏ vẻ cảm thông với các hành vi khủng bố. Ngoài hai thành phần xã hội đó, ai cũng đều có chung cảm xúc, đều bác bỏ sự man rợ, đều thấy rằng không thể dùng bạo lực như thế để giải quyết các vấn đề. Nhưng chỉ một thời gian sau, chính trị lại lấn át tất cả. »
Khủng bố triền miên
Vụ tấn công vào toà soạn Charlie Hebdo đã mở màn cho một đợt khủng bố chưa từng có tại Pháp, mà cao điểm là các vụ tấn công ở Paris và tại sân vận động Stade de France ngày 13/11/2015, khiến 130 người thiệt mạng, nhiều nhất là tại nhà hát Bataclan. Sau vụ khủng bố đẩm máu nhất tại Pháp kể từ sau đệ nhị thế chiến, chính phủ đã phải ban hành tình trạng khẩn cấp, được triển hạn nhiều lần cho đến tháng 11/2017.
Từ đó, các vụ tấn công khủng bố tiếp diễn cho đến nay. Đối với cơ quan tình báo Pháp, mối đe dọa khủng bố vẫn rất cao. Vấn đề là khủng bố nay gần như không còn được thể hiện qua những vụ tấn công ngoạn mục nữa, mà nay nước Pháp đang đối đầu với một hình thức khủng bố khó lường trước, vì thủ phạm là những người hành động một mình, thường là những kẻ có tâm thần không ổn định, dễ bị kích động, mà lại ngả theo Hồi Giáo cực đoan. Thay vì dùng súng ống, những người này dùng một loại vũ khí rất đơn giản, đó là dao.
Đó là trường hợp của Nathan C., kẻ đã dùng dao đâm chết một người và đâm bị thương hai người khác, trong một công viên ở Villejuif, thị trấn ngoại ô sát Paris, ngày 03/01/2020, trước khi bị cảnh sát bắn chết ngay sau đó. Khi tấn công, hung thủ đã hô « Allah Akbar » ( Thượng đế vĩ đại nhất ). Vụ này nay được giao cho viện công tố quốc gia chống khủng bố điều tra, vì có những dấu hiệu cho thấy đây có thể là một hành vi khủng bố.
Một vụ tấn công tương tự có thể suýt nữa đã xảy ra ở thành phố Metz, miền đông nước Pháp, ngày 05/01/2019. Hôm đó, một người tình nghi theo Hồi Giáo cực đoan và cũng bị rối loạn tâm thần đã bị cảnh sát bắn bị thương, do đã cầm dao xông vào cảnh sát vừa hô « Allah Akbar ».
Chưa hết, cũng trong ngày 05/01, một phụ nữ mặc niqab, tức trang phục của phụ nữ Hồi Giáo trùm kín từ đầu đến chân, có hành tung bất thường, đã bị bắt giữ vào đầu buổi tối tại ga Austerlitz, trên người có một con dao dài 15 cm và một cuốn kinh Hồi Giáo Coran. Tuy nói với cảnh sát là không hề có ý định làm hại một ai, nhưng bà ta lại không giải thích được tại sao lại mang theo dao. Qua kiểm tra căn cước, người ta biết phụ nữ này nằm trong danh sách những người « mất tích » đang được cảnh sát tư pháp truy tìm.
Tất nhiên không thể kết luận ngay đây là một kẻ khủng bố, nhưng rõ ràng là những người như phụ nữ này là mối nguy hiểm tiềm tàng, nếu bị Hồi Giáo cực đoan kích động.
Năm năm sau vị tấn công khủng bố vào tòa soạn Charlie Hebdo, những kẻ đồng lõa với hai anh em Kouachi và với Coulibaly, tổng cộng 14 người, sẽ bị đem ra xử trong năm nay, từ ngày 04/05 đến 10/07, trước một tòa đại hình đặc biệt. Thật ra thì chỉ có 11 người ra tòa, vì một bị cáo thì đã trốn sang Syria từ cách đây 5 năm, còn hai người thì được cho là đã chết.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét