Những người con lai Mỹ ở Việt Nam. Photo Amerasians Without Borders, Hội Tình Lai Không Biên giới (AWB). “Lúc đầu chúng tôi ví những việc làm của mình như vác đá vá trời, chúng tôi không can tâm chứng kiến cảnh hơn 350 anh chị em lai bị kẹt lại ở Việt Nam. Cho đến nay chúng tôi đã đưa được 48 người con lai qua Mỹ,” ông Jimmy Willer, sáng lập viên của Hội Tình Lai Không Biên giới (AWB), nói với VOA. Năm 1988, quốc hội Mỹ thông qua đạo luật Amerasian Homecoming Act (HCA) và cùng với chương trình Orderly Departure Program (ODP), đã mở đường cho những cuộc hành trình rời quê mẹ về quê cha của gần 30.000 con lai Mỹ, sinh ra trong Chiến tranh Việt Nam. Nhưng vào năm 2013, chính phủ Mỹ đã đóng cửa chương trình HCA – xét duyệt hồ sơ chủ yếu căn cứ vào diện mạo - khiến hàng trăm con lai bị kẹt lại Việt Nam. Ông Willer nói: “Chúng tôi đã vận động để cánh cửa ấy không bị khép lại.”
<!>
Ông Jimmy Willer, có tên tiếng Việt là Nhật Tùng, cho VOA biết, ông đã chính thức thành lập AWB vào năm 2010 và bắt đầu phát động chương trình DNA.
Gần đây nhất, tiếp tục nỗ lực để giúp đỡ anh chị em con lai còn kẹt lại Việt Nam, hôm 13/01/2020, AWB, một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở chính tại Spokane, bang Washington, Hoa Kỳ, đã vận động dân biểu Hoa Kỳ cứu xét hồ sơ con lai còn lại, sử dụng kỹ thuật DNA.
Theo AWB, tiến trình xét nghiệm DNA giúp xác minh những người được cho là con lai có đích thực có cha là cựu chiến binh Hoa Kỳ từng tham chiến ở Việt Nam hay không. Phương pháp thử DNA này đã giúp tìm kiếm và truy nguyên lịch sử gia đình, nhờ vậy mà hàng chục người đã được sang Mỹ, ông Willer cho biết.
Ông Jimmy nói: “Hơn 500 mẫu DNA của anh chị em lai được gửi qua Mỹ thử có hơn 400 mẫu cho kết quả là lai.”
VOA có cuộc trao đổi với ông Jimmy Willer về những nỗ lực của AWB trong việc đưa con lai ở Việt Nam sang Mỹ.
VOA: Được biết hồi đầu tuần này ông có cuộc gặp với văn phòng Dân biểu Cathy Mcmorris Rodgers của bang Washington để vận động cho việc đưa những người con lai còn lại ở Việt Nam sang Mỹ, ông có thể cho biết thêm thông tin về cuộc gặp này?
Jimmy Willer:
“Tôi muốn bà Rodgers đề xuất một dự luật với hai điều: 1. Cho phép sử dụng kỹ thuật DNA để xác minh những người lai, không cần biết là họ có tìm được cha hay không, vì việc tìm được cha rất là khó khăn.
“Có đến 58 ngàn quân nhân Mỹ đã mất, và 3 ngàn quân nhân Mỹ mất tích trong Chiến tranh Việt Nam thì việc để tất cả những người con lai tìm được cha là không thể, trừ phi việc DNA có thể cho biết họ có lai hay không mà thôi. 2. Cho phép những người con của họ trên 21 tuổi độc thân được đi cùng với cha mẹ khi hồ sơ được chấp thuận.
“Tôi nói với các phụ tá của bà dân biểu rằng những người con của con lai độc thân trên 21 tuổi sẽ đến Mỹ và sẽ đóng góp vào lực lượng lao động của Hoa Kỳ.
VOA: Cho đến nay thì số người con lai Mỹ còn kẹt lại là bao nhiêu? Và cụ thể ông muốn vận động một nỗ lực pháp lý như thế nào để giúp họ qua Mỹ?
Jimmy Willer:
“Trong bức thư gửi cho văn phòng dân biểu, tôi cũng trình bày chi tiết những hoạt động của AWB cùng danh sách gần 350 người con lai hiện còn ở Việt Nam. Trong đó có 82 người lai đen và 231 người lai trắng, đã thử DNA và hiện chưa tìm được cha trong hội AWB, chưa kể khoảng trên 40 người đang được các hội khác giúp đỡ.
“Vấn đề là phần lớn trong số họ không tìm được cha. Như vậy sẽ phải làm thế nào?
“Khi chúng tôi thực hiện chương trình DNA thì chúng tôi xem tất cả những người này như đang đi trên một chiếc thuyền và chiếc thuyền này đang bị chìm. Tôi muốn cứu hết tất cả mọi người!
“Còn những người mà chúng tôi hiện đang trợ giúp để sang Mỹ là những người bơi gần chúng tôi, chúng tôi kéo họ lên trước. Mục đích của chúng tôi không phải là kéo từng người lên, mà là cứu tất cả mọi người trên chiếc tàu đó.
“Chúng tôi không đòi hỏi một chương trình kéo dài, mà chỉ để hỗ trợ cho 350 người lai này thôi, giúp cho đi trong vòng năm nay, hoặc năm sau phải dứt điểm.
“Do đó chúng tôi cần các dân biểu đề xuất một dự luật, một một tu chính án cho luật hiện hành, áp dụng kỹ thuật DNA.”
“Tôi muốn rằng trong năm nay khi Tổng thống Donald Trump làm việc với Quốc hội về cải cách chính sách di dân, cho DACA… thì bao gồm luôn chính sách cho con lai vào trong gói dự luật ấy.”
VOA: Ông có thể cho biết đôi chút về AWB?
Jimmy Willer:
“Lúc ban đầu tôi nghĩ sẽ có kế hoạch tìm cách đưa con lai sang Mỹ dù biết sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Mình làm cái việc như vác đá vá trời, trong tay không có tài lực, mà sự hiểu biết của mình cũng hạn hẹp trong các vấn đề thủ tục, giấy tờ, luật pháp…
“Năm 2010 chúng tôi thành lập Hội Tình lai Không biên giới (Amerasians Without Borders). Chúng tôi mất đến 5 năm trời để gom hết tất cả những thông tin, hồ sơ về những người lai tại Việt Nam từ Huế đến Cà Mau, bao gồm miền Trung, miền Nam, miền Tây. Lúc đó chúng tôi chỉ truyền miệng với nhau, người này biết người kia để kết nối với nhau.”
“Đến năm 2012, đầu năm 2013 Lãnh sự quán Mỹ tại Việt Nam thông báo rằng Chương trình lai sẽ đóng cửa vào năm 2013 vì đương đơn lai không có đủ chứng từ để nộp hồ sơ. Chúng tôi nghe như vậy thì quyết tâm rằng phải làm sao để cánh cửa đó không bị đóng, mà phải mở ra cho các anh chị em lai.”
VOA: Lý do nào khiến AWB đề xuất kỹ thuật DNA?
Jimmy Willer:
Đa số những người lai tại Việt Nam không chứng minh được nhân thân của họ, họ không chứng minh được rằng người cha của họ là người lính Hoa Kỳ. Họ không còn thực hiện việc chấp thuận dựa trên hình dạng bên ngoài như thời của chúng tôi: nhìn thấy lai là cho đi, thấy lai là cho đi… Sau này thì khó khăn hơn. Khi lớn hơn thì nét lai của chúng tôi phải phai nhạt đi.
“Do đó chúng tôi nghĩ đến giải pháp DNA, nhưng lúc đầu chi phí DNA rất đắc. Khi chúng tôi lập Hội thì chi phí DNA tốn 1.000 đôla/test, sau này còn 350 đôla/test. Số tiền quyên góp từ các sự kiện họp mặt con lai trang trải cho các chi phí DNA, còn dư lại thì hỗ trợ cho các anh chị lai ở Việt Nam bị bệnh hay gặp tai nạn.
VOA: Trong thời gian qua AWB đã hỗ trợ thử DNA cho bao nhiêu người?
Jimmy Willer:
“Mỗi năm chúng tôi chỉ có thể gửi về Việt Nam 100 kit, nhờ bạn bè mang về giúp. Những người trong Hội ở Việt Nam gọi họ lên để thử DNA. Một kit như vậy từ Mỹ về Việt Nam và trở lại Mỹ nhanh lắm cũng mất 2-3 tháng.
“Từ năm 2013 đến nay 2020 chúng tôi đã chuyển đi trên 500 test cho 500 người.”
“Trong 500 kit mà chúng tôi đã thử, số không phải lai, tức hoàn toàn 100% châu Á, là 119 người.”
“Tính đến nay, AWB đã đưa 48 người lai qua Mỹ.”
VOA: Bản thân là một người con lai, ông cảm thấy như thế nào mỗi khi tổ chức của ông kết nối được và đưa được con lai qua Mỹ?
Jimmy Willer:
“Nhật Tùng lớn không có cha, qua Hoa Kỳ năm 1989, và đến năm 1994 thì mới tìm được cha, và hai năm sau, tức năm 1986 thì cha mất.
“Với hoàn cảnh đó, tôi cảm thấy thật vui sướng và xúc động mỗi khi một hồ sơ tìm được cha cho một người con ở Việt Nam. Tôi cảm nhận như tìm lại được người cha của chính mình!”
VOA: VOA xin chân thành cảm ơn AWB và ông Jimmy Willer.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét