Nhà văn Võ Phiến vừa qua đời vào chiều hôm qua ngày 28 tháng 9 tại thành phố Santa Ana California hưởng thọ 90 tuổi.
Võ Phiến là cây bút nổi tiếng của văn học Việt Nam từ thập niên 60 khi cuộc chuyển mình giữa hai luồng tư tưởng tự do và cộng sản lên tới đình cao nhất. Tác phẩm của ông để lại cho Văn học Việt Nam đồ sộ không những ở con số của các trang sách mà trong từng trang sách ấy chứa đựng sự sáng tạo, trăn trở với văn học, với con đường đất nước đã lặn lội qua nhiều chế độ<!>.
Để tưởng nhớ ông, Mặc Lâm có cuộc trao đổi với nhà phê bình văn học Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc, người đã theo dõi và viết nhiều chuyên đề về nhà văn Võ Phiến.
Mặc Lâm: Thưa GS, là người theo dõi, viết nhiều về nhà văn Võ Phiến xin ông cho biết ấn tượng nào của ông về văn nghiệp của nhà văn được xem là lớn và nhiều ảnh hưởng nhất của Văn học Việt Nam hiện đại này.
GS Nguyễn Hưng Quốc: Tôi có ấn tượng rất tốt về Võ Phiến, đó là sự quan tâm của ông đối với văn chương. Ông say mê viết lách đã đành, ông còn có niềm say mê đọc những người khác. Mỗi lần thấy người nào viết hay ông trầm trồ, khen ngợi, động viên khuyến khích họ. Ông không hề có một chút gì ghen tỵ hay khó chịu.
Mỗi lần tôi ra một cuốn sách hay viết một bài báo nào đó mà ông đọc được thì ông trầm trồ khen ngợi bằng những bức thư dài 3, 4 trang để bình luận về một bài báo của tôi. Tôi nghĩ là ở Võ Phiến ngoài cái tài của ông thì điều mà người ta không thể phủ nhận được còn cái tâm của ông đối với giới viết lách, văn chương. Tôi nghĩ hiếm có người nào mà vừa say mê văn chương lại vừa rộng lượng với người khác như Võ Phiến.
Mặc Lâm: Nhà văn Võ Phiến từ nhiều chục năm qua được nhiều người cho rằng là ngòi viết chống cộng, dĩ nhiên các quan chức văn nghệ Việt Nam là những người ủng hộ cho ý kiến này nhất. Riêng GS ông có cho rằng Võ Phiến xem việc chống cộng cho mục tiêu viết lách của mình hay không?
GS Nguyễn Hưng Quốc: Tôi hoàn toàn không đồng ý. Trước năm 1975 ở miền Nam Võ Phiến có viết nhiều thể loại khác nhau trong đó ông viết bình luận văn học, bình luận về chính trị. Ngoài ra ông còn viết tùy bút, truyện dài, truyện ngắn. Thành tựu lớn nhất của Võ Phiến là tùy bút, truyện ngắn thế nhưng người ta bị ám ảnh nhiều về những bài bình luận chính trị của Võ Phiến và người ta cho ông là cây bút chống cộng.
Tôi nghĩ điều này thật ra xuất phát từ chỗ không phải Võ Phiến viết bài chống cộng nhiều nhưng mà chủ yếu ở chỗ Võ Phiến viết bài chống cộng hay anh ạ. Sau này tôi đọc lại những bài bình luận chính trị của Võ Phiến viết về chủ nghĩa cộng sản cũng như cộng sản miền Bắc nói chung từ những năm 60-61-62… trong giai đoạn đó Võ Phiến hiểu rất rõ, rất tinh tế những âm mưu, ý đồ của cộng sản miền Bắc.
Tôi nghĩ rằng người ta gán cho Võ Phiến danh xưng nhà văn chống cộng bởi vì người ta sợ ông, sợ sự sắc sảo của ông. Bởi vậy không có gì ngẫu nhiên sau năm 1975 khi chiếm được miền Nam thì Võ Phiến được coi là cây bút đứng đầu trong danh sách chống cộng, những cây bút được coi là phản động là biệt kích chống cộng…và toàn bộ sách của ông bị cấm xuất bản thậm chí bị tịch thu, thiêu hủy.
Mặc Lâm: Giáo sư có quan hệ mật thiết với nhiều nhà văn trong nước ông thấy thái độ của họ thế nào? Họ có đồng thuận với cáo buộc của nhà nước cho rằng tác phẩm của Võ Phiến là tiền đồn chống cộng hay không?
Tôi có ấn tượng rất tốt về Võ Phiến, đó là sự quan tâm của ông đối với văn chương. Ông say mê viết lách đã đành, ông còn có niềm say mê đọc những người khác. Mỗi lần thấy người nào viết hay ông trầm trồ, khen ngợi, động viên khuyến khích họ. Ông không hề có một chút gì ghen tỵ hay khó chịuGS Nguyễn Hưng Quốc
GS Nguyễn Hưng Quốc: Một cách chính thức trên sách báo xuất phát từ bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền Việt Nam thì tôi nghĩ là mọi người ai cũng thấy Võ Phiến bị lên án, bị công kích và phê phán rất nhiều, thế nhưng trong những cuộc gặp gỡ riêng tư tôi lại thấy người ta rất nể phục Võ Phiến. Ví dụ trước năm 79 hay 80-81 gì đó tôi có dịp gặp nhà thơ Chế Lan Viên một lần tại Sài Gòn ông có nhắc đến Võ Phiến và rất khen ngợi Võ Phiến. Sau này gặp nhiều người khác tôi cũng nghe người ta rất khen Võ Phiến. Một trong những người khen Võ Phiến nhiệt tình nhất là nhà văn Nguyễn Khải.
Cách đây khoản 10 năm Nguyễn Khải có dịp sang Mỹ thì ông có viết thư cho Võ Phiến và bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với Võ Phiến. Nhà văn Võ Phiến có giao bức thư của nhà văn Nguyễn Khải cho tôi để tôi giữ làm tài liệu. Khá nhiều người cầm bút ở miền Bắc cũng như trong nước sau 1975 bộc lộ niềm ngưỡng mộ đối với Võ Phiến.
Mặc Lâm: Trong sự nghiệp văn chương của Võ Phiến có lẽ thành tựu lớn nhất của ông là tập Văn học Miền Nam Tổng quan, là người nghiên cứu và giảng dạy văn học Việt Nam Giáo sư đánh giá công trình này như thế nào?
GS Nguyễn Hưng Quốc: Vâng, sau năm 1975 ở hải ngoại Võ Phiến viết nhiều thể loại khác nhau. Ông viết truyện dài, truyện ngắn, tùy bút, tạp bút thậm chí ông làm thơ nữa! Theo tôi thành tựu lớn nhất của Võ Phiến sau năm 1975 ở hải ngoại chính là bộ Văn Học Miền Nam, trong đó bao gồm nhiều tập mà tập anh vừa nêu là tập đầu tiên, giới thiệu toàn bộ bối cảnh sinh hoạt văn học miền Nam trước năm 75 cũng như những thành tựu, những xu hướng, trường phái khác nhau trong 20 năm văn học miền Nam. Tuy nhiên sau đó ông xuất bản thêm khá nhiều tập khác, có mấy tập chuyên về thơ, về tiều thuyết, tùy bút, kịch….
Nói chung đó không những là thành tựu lớn nhất của Võ Phiến sau 1975 mà thậm chí đó là thành tựu lớn nhất của cả hải ngoại nói chung về văn học miền Nam trước 75. Cho tới bây giờ chưa có người nào viết về văn học miền Nam một cách đầy đủ, sắc sảo, tinh tế đến như vậy anh ạ.
Cho đến bây giờ khi đọc lại cuốn Văn học Miền Nam Tổng quan của Võ Phiến cũng như những bài nhận xét của Võ Phiến về một số nhà thơ, nhà văn miền Nam thì tôi nghĩ người ta sẽ hiểu hơn một nền văn học bị trù dập, bị âm mưu xóa bỏ sau 1975.
Sau năm 1975 ở hải ngoại Võ Phiến viết nhiều thể loại khác nhau. Ông viết truyện dài, truyện ngắn, tùy bút, tạp bút thậm chí ông làm thơ nữa! Theo tôi thành tựu lớn nhất của Võ Phiến sau năm 1975 ở hải ngoại chính là bộ Văn Học Miền NamGS Nguyễn Hưng Quốc
Mặc Lâm: Riêng tại hải ngoại GS có nghĩ rằng nhiều người theo dõi, đọc và bị ảnh hưởng tác phẩm của nhà văn hay không?
GS Nguyễn Hưng Quốc: Thật ra có lẽ những người chịu ảnh hưởng của Võ Phiến cũng khá nhiều nhưng bàng bạc đây đó rất khó ghi nhận. Võ Phiến vốn là một nhà văn lặng lẽ tuy ông có phong cách xuất sắc riêng rất độc đáo nhưng rất lặng lẽ cho nên ảnh hưởng của Võ Phiến đối với người sáng tác khác ở hải ngoại có lẽ không rõ ràng lắm trừ chuyện ông chuyển lửa cho họ bằng sự đam mê, nồng nhiệt của mình. Khuyến khích họ cầm bút, khuyến khích họ tiếp tục sáng tác.
Mặc Lâm: Riêng về giới viết lách và nghiên cứu văn học trong thế hệ của GS có ai xem Võ Phiến là ngọn nến soi rọi trên sáng tác hay nghiên cứu của họ không?
GS Nguyễn Hưng Quốc: Thế hệ chúng tôi khác hơn Võ Phiến nhiều chỗ bởi vì chúng tôi trưởng thành và ra hải ngoại sớm bởi vậy thành thật mà nói những tác phẩm chúng tôi đọc thì có lẽ của phương Tây nhiều hơn là văn học Việt Nam. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chúng tôi không chịu ảnh hưởng của Võ Phiến. Chúng tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ phong cách viết lách của ông. Chịu ảnh hưởng từ đam mê của ông, từ thái độ nghiêm túc đối với chuyện viết văn, làm thơ. Ảnh hưởng của ông đối với thế hệ chúng tôi có lẽ sâu đậm mà còn cần thời gian chúng ta mới nhận ra nó cụ thể như thế nào.
Mặc Lâm: Xin được một câu hỏi cuối, với tư cách cá nhân là người tiếp xúc thường xuyên với nhà văn Võ Phiến, GS có chia sẻ gì về sự ra đi của ông?
GS Nguyễn Hưng Quốc: Với tư cách cá nhân của tôi do quen biết khá nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam trước 1975 cũng như ở hải ngoại sau 1975 thì người gần gũi nhất với tôi là Võ Phiến. Lý do gần gũi bởi vì từ năm 1996 tôi có xuất bản một chuyên khảo viết về Võ Phiến. Trước đó để cung cấp tài liệu thì Võ Phiến gửi thư cho tôi hầu như hàng tuần hoặc hàng tháng. Tôi nhận được hàng trăm bức thư khác nhau của ông trong đó ông kể về cuộc đời, về quan niệm của ông đối với chuyện sáng tác. Về những kỷ niệm của ông trong sinh hoạt nghệ thuật ở miền Nam trước và sau năm 1975, cho nên qua những thư từ trao đổi như vậy tôi thấy rất gần gũi với Võ Phiến.
Tôi có cảm giác Võ Phiến không phải là nhà văn ở ngoài mà là người thân trong gia đình, bởi vậy khi nghe tin Võ Phiến mất thành thật mà nói tôi rất xúc động, bàng hoàng có cảm giác nghẹn ngào như nghe một người thân của mình vừa mới qua đời.
Đó là chỗ riêng tư còn nói một cách tổng quát tôi cho sự ra đi của Võ Phiến là một mất mát với nền văn học Việt Nam nói chung. Không thể hoài nghi được trong suốt thế kỷ 20 thì Võ Phiến là một nhà văn xuất sắc nhất của chúng ta. Mất ông chúng ta mất đi một đại thụ trong văn học Việt Nam.
Mặc Lâm: Xin cám ơn GS Nguyễn Hưng Quốc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét