Kính thưa Niên Trưởng,
Lời đầu tiên gửi đến Niên Trưởng là lòng kính trọng và ngưỡng mộ Niên Trưởng, một chiến sĩ, dù phải xa rời quân ngũ, vẫn không quên nhiệm vụ của một người lính, một người phục vụ cộng đồng liên tục trong nhiều thập niên qua, và một tác giả đã chia xẻ rất nhiều bài học quý giá về phương diện chiến đấu chống Cộng Sản cho đàn em cũng như cho thế hệ nối tiếp .
<!>
Trong nhiều năm qua, cá nhân tôi, một đàn em chưa từng có hân hạnh được gặp gỡ Niên Trưởng, nhưng vẫn theo dõi những bài viết của Niên Trưởng, và tự lấy làm hãnh diện đã từng được đứng cùng hàng ngũ với Niên Trưởng, những năm trước ngày quốc biến. Tuy nhiên, ngày hôm nay, Thứ Bẩy 28 tháng 10 năm 2017, tôi vô cùng sửng sốt khi đọc bài Niên Trưởng viết trên nhật báo Việt Báo “NHẠC PHẠM DUY TRỞ LẠI SAN JOSE TRÊN CON THUYỀN VIỄN XỨ”, ca tụng Phạm Duy hết lời cũng như quảng cáo cho chương trình nhạc Phạm Duy sẽ được Niên Trưởng đứng đầu tổ chức vào ngày 19 tháng 11 tới đây tại hí viện Santa Clara!
Điều không thể phủ nhận được: Phạm Duy là một nhân tài về âm nhạc. Các tác phẩm của Phạm Duy đều mang giá trị rất cao về nội dung cũng như về kỹ thuật nhạc lý, âm điệu, tiết tấu… Giả sử không có Phạm Duy, kho tàng văn hóa và âm nhạc Việt Nam sẽ nhỏ đi rất nhiều. Chính chúng ta, phải nói thật là có nợ với Phạm Duy về những bài nhạc của ông. Trong thời niên thiếu, thanh niên và ngay cả khi chúng ta đã trưởng thành, và phải di tản, nhiều lần, chúng ta đã sống với nhạc Phạm Duy một cách ngây ngất.
Thế nhưng, thời gian đã là một khí cụ làm cho chúng ta nhận rõ một điều này: giá trị của tác giả và giá trị của tác phẩm, đôi khi không hợp với nhau. Sau ngày miền Nam bị bức tử, nhiều tác giả nổi tiếng phải di tản sang sinh sống ở quê người, vẫn tiếp tục sản sinh những tác phẩm giá trị. Trong khi ấy, một số tác giả, một số danh tướng, một số nhân vật nổi tiếng, đã tự bộc lộ cho thấy bản tính thật của mình, chân tướng của những kẻ mê tiền, háo danh mà quên hết nguồn cội. Nhiều tác phẩm tuyệt vời khi trước chỉ là phương tiện làm tiền, là những tấm màn nhung che dấu một hậu trường lộn xộn, bừa bãi, có khi dơ bẩn không thể tưởng tượng được.
Người nhạc sĩ mà chúng ta từng quý mến Vũ Thành An, đã trở thành một kẻ đê hèn trong lao tù, sau khi sang được bến bờ Tự Do, thì thành khẩn, ăn năn, viết bài xin lỗi, rồi đi tu. Những tưởng người này đã thật sự ân hận, nhưng rồi mới đây đã trở về Việt Nam, để làm một chuyến vơ tiền hèn hạ. Nhà thơ Tâm Lý Chiến Du Tử Lê đã về và làm một bài thơ ca tụng “cách mạng”. Ca sĩ Khánh Ky, người đã hát bài “Chôn dầu vượt biển” làm chúng ta rơi lệ, nay cũng đã về để kiếm chút tiền cho tuổi già. Và còn biết bao ca sĩ, nhạc sĩ, văn sĩ, thi sĩ, chiến sĩ, Sĩ quan cao cấp khác cũng đã lẳng lặng về nhà để phùng môi thổi lửa cho nồi cháo Lú của mình. Người hèn hạ nhất trong các kẻ hèn hạ là ông Râu Kẽm, về có kèn bú-dích thổi, có trống của Nhà Đám đánh lùng tùng xòe.. Những nhân vật này, tuy không có tài sản xuất nhạc như Phạm Duy, nhưng cũng nổi tiếng và được kính trọng hay yêu mến ở nhiều phương diện khác. Nhưng rồi, thời gian đã thổi bay các mặt nạ của họ, làm cho chúng ta, khi nhận rõ chân tướng của họ, thì có cảm giác đau đớn như khi bị người yêu lừa gạt và phản bội tàn nhẫn.
Phạm Duy cũng thế. Cá nhân tôi, trước 1973, từng lái xe đến đón ông đi trình diễn, rồi sau khi sang Mỹ, lại gặp ông vài lần ở Quận Cam. Ông từng mời tôi tới nhà chơi, nói chuyện nhân gian. Trong suốt nhiều thập niên ấy, tôi vẫn cung kính tôn sùng ông như một thần tượng, bất chấp 10 bài Tục Ca của ông vô cùng dơ bẩn, vì theo tôi, 10 bài Tục Ca kia chỉ là những nét đen nhỏ trong toàn cảnh huy hoàng. Nhưng đến một lần, ông gọi điện thoại cho tôi, cũng rủ tôi tới nhà ông, tôi có vui miệng hỏi: “Cháu nghe người ta nói bác bây giờ hết chống Cộng rồi?”. Ông cười qua điện thoại: “Tôi bây giờ chống Cộng làm gì nữa! Chống gậy thôi!” Tôi hơi hụt hẫng nhưng cũng chưa đau đớn bằng khi nghe ông nói: “Bây giờ ai cho tôi tiền và bảo tôi viết nhạc cho họ, tôi làm liền!” Trái tim tôi nghẹn lại. Thần tượng tôi đã đổ. (Những câu này, về sau, tôi cũng nghe vài người kể lại là ông cũng nói như thế với họ!) Từ đó, tôi lơ đi, không bao giờ đến kiếm ông nữa. Niềm đau của tôi vẫn âm ỉ cho đến khi nghe tin ông về Việt Nam, cưới cô vợ nhỏ bằng tuổi cháu nội mình, và chế ra vài bản nhạc nhạt nhách thì tôi chán nản vô cùng. Tình cảm kính mến đã biến thành sự chê ghét. Đối với tôi, đã từng là nhạc sĩ, ca sĩ, văn sĩ, thi sĩ, hay chiến sĩ bảo vệ Tự Do, Nhân Bản thì phải giữ tư cách cho đến hơi thở cuối cùng. Những kẻ đổi nhân cách giữa chừng là những kẻ cực kỳ đáng ghét. Và những ai vẫn còn ca tụng những kẻ đã làm mất phẩm giá đó, thì thật là không biết phân biệt phải trái, trắng đen. Về trường hợp Phạm Duy, như đã viết ở trên, kho tàng nhạc của ông vô cùng to lớn, không thể bỏ qua được, thì theo thiển nghĩ, ai muốn hát, cứ hát vì đó là quyền tự do của họ, nhưng còn việc tôn vinh ông ta, đặc biệt lại là do Niên Trưởng chỉ đạo, tôi xin có tâm tình thất vọng.
Kính mong Niên Trưởng dành một chút thời gian để đọc vài lời thô lỗ này và suy nghĩ lại mà bỏ vai trò tổ chức buổi hòa nhạc này để tiếp tục được đàn em kính trọng.
Chu Tất Tiến.
Thân gửi anh Chu tất Tiến
Tôi có đọc thư của anh nhận định về nhạc sĩ Phạm Duy. Xin ghi nhận ý kiến và tâm tình của anh. Tôi có đôi lời phúc đáp như sau. Tài năng âm nhạc và hành xử cũng như phát ngôn của ông Phạm Duy nếu thảo luận sẽ là đề tài bất tận. Thôi đành chấp nhận sự khác biệt. Chỉ xin các bạn tùy nghi đọc kỹ các bài biện luận của cả hai phía để thêm kiến thức. Nếu có thể xin anh đọc nhiều bài khác tôi đã viết về Phạm Duy bao gồm cả bài ông nói chuyện với tôi trước khi trở về Việt Nam. Theo ý kiến riêng những lời nhạc ông viết qua các thời đại là con người thực. Còn những lời tán láo bên lề không phải là tuyên ngôn chính trị của một chính khách. Con người tự nhận là du côn, du đãng, thằng hề, tên hát rong. Con người bị chụp mũ là không chống Cộng nên tức giận mà nói rằng chỉ chống gậy. vân vân. Nếu chúng ta ghi nhận ông là thiên tài đóng góp công nghiệp lớn lao cho văn hóa dân tộc mà bỏ qua thì thôi. Nếu anh và các bạn không tha cho ông thì cũng đành chịu. Riêng tôi, vẫn nghĩ rằng Pham Duy không những đã đóng góp lớn lao cho văn hóa dân tộc mà lại còn dùng âm nhạc và lời ca của ông làm thăng hoa tình yêu nước, yêu quê hương. Công trình này rất ít nghệ sĩ và ngay cả các nhà văn hóa khác không ai làm được. Riêng về việc chống Cộng ông đã viết rất nhiều bài đáng kể bao gồm cả việc phổ thơ Nguyễn Chí Thiện. Bài 54-75 có những câu thành phố Sài Gòn phải mang tên một xác người là một câu hát hết sức nặng nề đối với thần tượng của cộng sản Hà Nội. Tôi rất tôn trọng ý kiến của anh và các bạn, xin phép cho tôi được giữ nguyên tình cảm của chúng tôi với Phạm Duy. Người nhạc sĩ miền Nam đã bị cộng sản lên án tử hình vào tháng tư 1975.
Giao Chỉ Vũ Văn Lộc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét