Vũ Thư Hiên (Danlambao) - ... Không như họ, tiếng gọi của lòng yêu nước, yêu đồng bào đã đưa cô gái mảnh mai, yếu đuối đến với đồng bào, ghi lại những mất mát tang thương đẫm máu và nước mắt ấy, để mọi người được biết bộ mặt của kẻ thù và lũ tay sai. Bắt đầu từ bài báo ấy và sự biểu thị lòng yêu nước, chống xâm lược, bằng cách hiền hoà, tác giả cuốn sách đã “được” vào tù. Nhà tù không phải chỉ là sự giam cầm. Nó còn là huân chương cho người tranh đấu cho một xã hội tốt đẹp, cho tương lai đất nước...<!>
Tôi có chút do dự khi đặt bút viết mấy dòng phi lộ cho cuốn sách. Viết ngắn e không đủ ý. Viết dài thì ai đọc làm gì - sách có, hà tất phải nhiều lời về nó. Phi lộ không phải quảng cáo.
Chẳng ai đọc phi lộ để mua sách. Người ta chỉ đọc nó để biết thêm về tác giả, về ý nghĩa của cuốn sách sau khi đã đọc xong, mà cũng chỉ hãn hữu.
“Những Mảnh Đời Sau Song Sắt” không phải hồi ký về đời tù. Người Việt Nam ở tù nhiều lắm, và thường ở tù lâu. Đã có khá nhiều hồi ký của những bậc trưởng lão tù có thâm niên cả chục năm trở lên. Cuốn này không phải là cái thêm vào những mẫu đã có.
Như tên gọi, cuốn sách bạn cầm trong tay là những mảnh đời hay kỷ niệm vặt về những cuộc đấu trí vừa dài hơi vừa căng thẳng, vừa bi hài nữa, giữa những người cầm quyền không còn yêu nước với một người yêu nước, và chỉ có thế. Những kỷ niệm nhỏ nhoi, nhưng xúc động tâm can.
Tôi biết Phạm Thanh Nghiên đã lâu, từ khi được đọc bút ký “Uất Ức Biển Ta Ơi!”cách đây đã chục năm.
Mọi người đều đã biết về những cuộc bắn giết, cầm tù dân chài Việt Nam trên biển của mình do bọn người mất hết nhân tính nảy nòi từ đủ thứ cách mạng mà đỉnh cao chói lọi của nó là “đại cách mạng văn hoá vô sản” bên Tàu. Trước nỗi đau tột cùng của đồng loại, những người cầm quyền và những nhà báo vô cảm đã không có lấy một tiếng thét phản kháng, một bài báo phẫn nộ.
Không như họ, tiếng gọi của lòng yêu nước, yêu đồng bào đã đưa cô gái mảnh mai, yếu đuối đến với đồng bào, ghi lại những mất mát tang thương đẫm máu và nước mắt ấy, để mọi người được biết bộ mặt của kẻ thù và lũ tay sai. Bắt đầu từ bài báo ấy và sự biểu thị lòng yêu nước, chống xâm lược, bằng cách hiền hoà, tác giả cuốn sách đã “được” vào tù. Nhà tù không phải chỉ là sự giam cầm. Nó còn là huân chương cho người tranh đấu cho một xã hội tốt đẹp, cho tương lai đất nước. Nhờ bài viết ấy mà tôi và tác giả Phạm Thanh Nghiên trở thành bạn bè.
Với cuốn sách này, người đọc được biết tác giả như một nhà đấu tranh bền bỉ, không khoan nhượng, cho quyền lợi của nhân dân và dân tộc. Điều này là rõ ràng.
Nhưng còn một điều chưa rõ ràng mà tôi muốn nói đến: ấy là bút pháp của tác giả trong bài “Uất ức - biển ta ơi!”, và trong những bài báo khác, tôi thấy bóng dáng một văn tài. Nước ta đã có vài nhà văn đi vào nghiệp cầm bút từ giới cần lao. Phạm Thanh Nghiên là một công nhân lao động chân tay, trong đó có nghề quét rác.
Cô có thể trở thành một Nguyên Hồng lắm chứ.
Nhưng tôi nghĩ, tôi tiếc nữa, rằng Phạm Thanh Nghiên sẽ không chọn nghề văn. Cô chọn cho mình công việc khác - người quét rác xã hội.
Nhà văn đã có nhiều, thừa chứ không thiếu.
Xã hội thiếu người quét rác.
Và tác giả cuốn sách này đã chọn cho mình cái mà xã hội thiếu. Chắc chắn cô sẽ hoàn thành tốt công việc của mình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét