Vietnam – Cali Today News – Tháng 10/2017, lần đầu tiên đảng CSVN ban hành một đảng văn cho phép công khai bản kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người phải kê khai. Có thể hiểu động tác này là bước tiếp theo của chủ trương “kiểm tra tài sản 1.000 cán bộ” mà Tổng bí thư Trọng phát ra từ tháng 5/2017, trùng với thời điểm ông Trọng loại ông Đinh La Thăng ra khỏi Bộ Chính trị.
<!>
Đảng văn trên là dạng quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành “Hướng dẫn khung để các cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương tiếp tục phát huy vai trò của nhân dân trong đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”.
Nội dung đáng chú ý là quyết định trên nêu ra hình thức công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng; cổng thông tin điện tử; niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị; thông qua họp báo, hội nghị, hội thảo, sinh hoạt chi bộ; thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị – xã hội; gửi văn bản hoặc bằng các hình thức khác.
Chủ trương “kiểm tra tài sản 1.000 cán bộ” mà Tổng bí thư Trọng phát ra từ tháng 5/2017 cũng đã hứa hẹn cơ quan kiểm tra trung ương “sẽ có thông cáo và công khai đầy đủ đến các cơ quan báo chí và nhân dân”. Có thể hiểu đối tượng của chủ trương này là các cán bộ do Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư quản lý. Theo đó, các quan chức Việt Nam nằm trong diện bị kiểm tra tài sản sẽ bao gồm các ủy viên bộ chính trị, ủy viên ban bí thư, ủy viên trung ương, ủy viên thường vụ của các tỉnh/thành ủy. Con số này vào khoảng 1.000 người.
Hoạt động kiểm tra tài sản được tiến hành khi cơ quan tổ chức có thẩm quyền yêu cầu cần phải kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ; khi có kiến nghị, phản ánh, đơn thư tố cáo có việc kê khai tài sản không trung thực; và khi có dấu hiệu vi phạm quy định của nhà nước về kê khai tài sản.
Hẳn nhiên với quy định công khai hóa tài sản kê khai của quan chức trong chiến dịch mang hai mục tiêu vừa “chống tham nhũng” vừa kiểm soát quyền lực, Bộ Chính trị của ông Nguyễn Phú Trọng đang lặp lại một phần nho nhỏ của “cuộc cách mạng long trời lở đất” mà ông Tập Cận Bình và Ủy Ban Kiểm Tra Kỷ Luật Trung Ương (CCDI) đã tung ra từ năm 2012 đến nay.
Tuy nhiên,một dấu hỏi phát ra là vì sao trong quyết định công khai tài sản quan chức do Ban bí thư vừa ký, đã không nêu rõ đối tượng quan chức kê khai tài sản phải được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong khi đã từ lâu dư luận đòi hỏi đối tượng quan chức cần được minh bạch hóa tài sản (cả nổi lẫn chìm) là các ủy viên bộ chính trị, Ban bí thư, 200 ủy viên trung ương và khoảng 800 ủy viên thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy ở 63 tỉnh thành.
Dấu hỏi trên lại gắn liền với hàng loạt vụ việc có liên quan đến yếu tố “tài sản chìm” mà nhiều dư lận trong và ngoài nội bộ đảng đang ồn ào rằng chính Tổng bí thư Trọng đã chủ động cho “chìm xuồng”: Võ Kim Cự – cựu bí thư Hà Tĩnh và bị xem là một trong những thủ phạm gây ra nạn xả thải của nhà máy Formosa làm ô nhiểm biển 4 tỉnh miền Trung, Nguyễn Thị Kim Tiến – đương kim bộ trưởng Bộ Y tế và là nhân vật phải chịu trách nhiệm về vụ Công ty Pharma nhập thuốc ung thư giả gây phẫn uất trong dư luận, biệt phủ gây phẫn nộ dư luận của Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái và là em ruột Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thanh Trà, Trịnh Văn Chiến – Bí thư tỉnh ủy Thanh Hóa với cô “bồ nhí” cùng khối tài sản bị đồn đoán là khổng lồ…
Biệt phủ gây phẫn nộ dư luận của Phạm Sỹ Quý, giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Yên Bái và là em ruột Bí thư tỉnh ủy Yên Bái Phạm Thanh Trà, cho tới nay vẫn chưa được công bố kết luận thanh tra. Nhiều dư luận cho rằng Tổng bí thư Trọng “che” cho trường hợp cộm cán này.
Cũng cho tới nay, thể chế chỉ có một đảng của ông Nguyễn Phú Trọng vẫn chẳng có biện pháp chế tài hay làm rõ nào đối với một hiện tồn tối tăm không thể chấp nhận được: liên tục trong hai năm 2015 và 2016, các cơ quan pháp luật chỉ phát hiện có 5 trường hợp kê khai không trung thực trong số hơn 1 triệu quan chức kê khai tài sản. Trong khi đó, mạng xã hội đã dậy lên chiến dịch mang tên “Lều của đày tớ” trong ít nhất nửa năm qua, trưng ra rất nhiều hình ảnh các quan chức đầu tỉnh thành và công an có biệt phủ nguy nga và đất đai bạt ngàn…
Cũng bởi thế, quy định công khai hóa tài sản cán bộ của Ban bí thư đã chỉ có ý nghĩa như một bước tiến khẽ khàng trong việc thực hiện chủ trương “kiểm tra tài sản 1.000 cán bộ”, như thể một động tác để đối phó và nhằm khỏa lấp dư luận xã hội về “đảng không thực tâm chống tham nhũng”.
Cũng có một khả năng với xác suất nhỏ là ông Trọng muốn “làm thật”, chỉ có điều không biết phải “làm” thế nào.
Trong thực tế, hồ sơ tài sản “bề chìm” quan chức không chủ yếu đến từ các cơ quan tham mưu của đảng – vốn chỉ quen nắm hồ sơ “bề nổi” theo kê khai. Chỉ có hai cơ quan có thể nắm được cơ bản hồ sơ tài sản quan chức: Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Hai cơ quan này có sẵn những cục, vụ nghiệp vụ để làm chuyện đó.
Cho đến nay, ông Trọng vừa là Bí thư quân ủy trung ương, vừa nằm trong Thường vụ đảng ủy công an trung ương. Tuy nhiên, chức là một chuyện, còn lực lại là một chuyện khác. Chưa có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Trọng “nắm” được Bộ Công an, dù rằng mối quan hệ chỉ đạo của ông với Tổng cục 2 Bộ Quốc phòng có vẻ “cơm lành canh ngọt” hơn.
Do đó, chiến dịch kiểm tra tài sản 1000 quan chức của ông Trọng, nếu có một chút thành thực, cũng nhiều khả năng sẽ bị “đụng tường” – một bức tường lớn, rất cao và còn “khó nhằn” ngay trong nội bộ đảng của ông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét