Mỹ không kích nhầm làm chết 15 nhân viên an ninh Afghanistan
Các quan chức Bộ Quốc phòng Afghanistan xác nhận cuộc không kích của Mỹ chống quân nổi dậy hôm thứ Sáu ở tỉnh Helmand thuộc miền nam đã giết nhầm ít nhất 15 người thuộc lực lượng của chính phủ.<!>
Vụ bắn nhầm phe ta xảy ra ở quận Gereshk, nơi chiến sự diễn ra ác liệt giữa quân đội Afghanistan và phiến quân Taliban.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Afghanistan, Dawlat Waziri, cho biết trong các vụ đụng độ, một tiền đồn an ninh đã bị trúng phi đạn do Mỹ bắn vào cuối chiều thứ Sáu. Ông nói với VOA hôm thứ Bảy rằng vụ tấn công làm ít nhất 15 nhân viên an ninh tử vong và một người bị thương.
Các quan chức quân sự Mỹ đã xác nhận rằng các nhân viên an ninh địa phương có liên hệ với lực lượng chính phủ Afghanistan đã thiệt mạng. Các quan chức này ra một thông cáo gọi những vụ tử vong là điều "không may" và cam kết sẽ điều tra để "xác định tình huống cụ thể đưa tới vụ việc này."
Những vụ đụng độ ở Gereshk nổ ra hôm thứ Năm khi Taliban mở một cuộc tấn công lớn có phối hợp để chiếm quận quan trọng này.
Taliban kiểm soát một số quận ở tỉnh Helmand, tỉnh lớn nhất của Afghanistan và là vùng trồng cây thuốc phiện quy mô lớn. - VOA
2.
Trung Quốc ‘dò la’ cuộc tập trận ba bên ở Úc
Một tàu do thám của Trung Quốc đã bị phát hiện ở ngoài khơi duyên hải Australia gần nơi tiến hành cuộc tập trận chung giữa Mỹ, New Zealand và Australia.
Reuters dẫn lời Bộ Quốc phòng Úc cho biết hôm 22/7 rằng một tàu thu thập dữ liệu tình báo của hải quân Trung Quốc hoạt động ở ngoài khơi bờ biển đông bắc trong khi cuộc thao dượt có tên gọi Talisman Sabre đang diễn ra.
Thông cáo của Bộ này nói rằng sự hiện diện của tàu do thám trên “không làm giảm các mục tiêu của cuộc tập trận”.
Nhưng các quan chức quốc phòng Úc nói với hãng phát thanh và truyền hình ABC rằng động thái trên mang tính “khiêu khích” và phát đi một thông điệp “thiếu thân thiện”.
Hơn 30 nghìn binh sĩ của Mỹ, New Zealand và Australia đang tham dự cuộc tập trận chung dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng Bảy.
Reuters nhận định rằng việc Trung Quốc gia tăng sự hiện diện quân sự, nhất là trên Biển Đông, đang gây căng thẳng với các nước láng giềng.
Mỹ và Australia thời gian qua đã chỉ trích việc Bắc Kinh bồi đắp các đảo nhân tạo và quân sự hóa vùng biển tranh chấp với nhiều nước, trong đó có Việt Nam. - VOA
3.
Trung Quốc muốn độc chiếm Mêkông
Liên quan đến châu Á, tuần báo Courrier international đăng bài “Dòng sông Mêkông được vẽ lại”, trích dịch từ báo Bangkok Post. Bắc Kinh muốn biến dòng sông này thành một tuyến đường trong mạng lưới vận tải, vốn đã chằng chịt, để chuyển hàng hóa Trung Quốc xuống các nước Đông Nam Á.
Ngày 14/11/2015, Trung Quốc đề xuất chương trình Hợp tác Lan Thương-Mêkông (CLM) với mục đích cải thiện giao thương và hợp tác với các nước cùng chung dòng sông là Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Miến Điện và Việt Nam. Trong cuộc họp đầu tiên giữa các bên vào tháng 03/2016, thủ tướng Lý Khắc Cường cam kết tháo khoán 1,35 tỉ euro tín dụng và tuyên bố sẵn sàng cấp các khoản tín dụng tổng cộng đến 83,75 tỉ euro nhằm đầu tư vào các công trình hạ tầng lớn và phát triển mạng lưới giao thông trong vùng Mêkông, trong đó có cả hệ thống đường sắt, cảng sông và vận tải hàng không.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, nhiều công trình khai quang khu vực Mêkông đã được tiến hành, kể cả việc dùng chất nổ phá đá và các dốc đứng để thương thuyền 500 tấn có thể qua lại được, thay vì những con tầu 100-200 tấn như hiện nay.
Tờ Bangkok Post cho biết cải thiện khả năng lưu thông trên dòng Mêkông đã được một số nhà công nghiệp người Hoa chú ý ngay đầu những năm 2000. Chỉ đến khi dự án Hợp tác Lan Thương-Mêkông được đưa ra, người dân Thái Lan trong khu vực mới biết đến dự án này.
Từ 20 năm qua, Trung Quốc xây dựng rất nhiều đập thủy điện trên dòng sông chảy qua lãnh thổ và từ đó, mực nước lên xuống phía hạ nguồn do Trung Quốc quyết định. Hậu quả là nhiều loài cá đã biến mất khiến ngư dân phải chuyển nghề, nông dân trồng hoa mầu bên bờ sông luôn ngay ngáy sợ nước lên bất thường vì Trung Quốc xả lũ.
Bên cạnh dự án vận tải đường thủy trên dòng Mêkông, Trung Quốc đã phát triển mạng lưới đường bộ nối với Thái Lan nhờ trục cao tốc R3A (2008) đi qua lãnh thổ Lào, cây cầu hữu nghị thứ 4 (2013) giữa Thái Lan và Lào dẫn đến vùng Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam), một hải cảng thương mại mới (2011) tại vùng Chiang Saen (Thái Lan)… Những công trình hạ tầng này đã tạo thêm lực đẩy cho giao thương biên giới, đặc biệt nhờ thỏa thuận tự do mậu dịch giữa Trung Quốc và ASEAN, có hiệu lực từ năm 2010.
“Phải thận trọng khi giải quyết với láng giềng phương bắc”
Dự án cải thiện lưu thông trên dòng Mêkông mà chính phủ Thái Lan thông qua hồi tháng 12/2016 bị người dân một ngôi làng sống bên bờ sông phản đối do lo ngại tác động đến môi trường và kinh tế. Song họ lại tỏ ra “dè dặt” trước người láng giềng khổng lồ.
Một chuyên gia về quan hệ Thái-Trung thuộc đại học Thammasat ở Bangkok nhận xét “Trung Quốc là một nước lớn. Điều này khiến người ta phải thận trọng”. Bà không nhắc đến kích thước về mặt địa lý mà nhấn mạnh đến trọng lượng và sức ảnh hưởng kinh tế của quốc gia phương bắc đối với các nước trong vùng, cụ thể thông qua dự án Con đường Tơ lụa mới với những công trình hạ tầng có quy mô lớn để hình thành một mạng lưới giao thông đường thủy và đường bộ nối nền kinh tế Trung Quốc và khu vực Á-Âu.
Trong khoảng 2008-2014, lượng đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN đã tăng hơn 200%. Sông Mêkông vẫn là tuyến đường chính nối miền nam Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á. Giới đầu tư Trung Quốc bị thu hút trước các nguồn tài nguyên dồi dào và tầng lớp trung lưu ngày càng đông với tiềm năng tiêu thụ lớn. Trong cuộc họp đầu tiên giữa Trung Quốc và các nước bên bờ Mêkông, thủ tướng Lý Khắc Cường nêu viễn cảnh chương trình Hợp tác cam kết cùng chia sẻ lợi ích.
Thế nhưng, trên thực tế, người dân địa phương không có chung cách nhìn tích cực như Bắc Kinh, thậm chí họ cho rằng Trung Quốc “lợi dụng” những nước nhỏ. Các dự án phát triển của Trung Quốc, từ các mỏ đồng ở Miến Điện đến các nhà máy giấy và trung tâm thủy điện ở Việt Nam hay các nông trường chuối ở Thái Lan, đều gây ra những quan ngại về môi trường.
Một số khác coi sự đầu tư ồ ạt của Trung Quốc như một “mối đe dọa đến chủ quyền”. Trong một bài báo nghiên cứu, giáo sư Khoa học-Xã hội Pollavat Prapattong thuộc đại học Mae Fah Luang ở Chiang Mai không ngần ngại miêu tả cách thức đầu tư của Trung Quốc như một âm mưu “biến (thành phố Chiang Mai và môi trường) thành một vùng đất của Trung Quốc và cho người Hoa”.
Lào cũng là một trường hợp điển hình. Một số thành phố của nước này bị “vẽ” lại hoàn toàn để dành chỗ cho mạng lưới đường sắt nối liền với Trung Quốc. Các khu đô thị như Luang Prabang và Viêng Chăn ngày càng giống một số khu vực ở tỉnh Vân Nam.
Dĩ nhiên, chính quyền trung ương Bắc Kinh yêu cầu các nhà đầu tư ra nước ngoài phải có trách nhiệm về xã hội và môi trường, nhưng những tiêu chí trên chỉ được một số nhỏ doanh nghiệp nhà nước áp dụng. Trung Quốc thu lợi từ trao đổi thương mại và đầu tư trong khu vực Mêkông nhưng cũng tìm cách để ngăn các nước ASEAN liên minh với nhau chống lại Bắc Kinh trong hồ sơ tranh chấp Biển Đông.
Bangkok Post nhận định khó lòng đánh giá được lợi ích mà người dân địa phương được hưởng từ những công trình mới của Trung Quốc trong vùng Mêkông, nhưng một điều chắc chắn là họ phải quen với một cuộc sống mới, như trường hợp của một ngư dân phải bỏ nghề, từ khi Trung Quốc xây đập trên thượng nguồn, để bất dĩ trở thành công nhân chiết mủ cao su, làm thợ xây hay thợ máy. - RFI
4.
Quân đội Syria loan báo thực thi khu an toàn ở Đông Ghouta
Quân đội Syria hôm thứ Bảy loan báo ngưng chiến sự tại một số nơi thuộc Đông Ghouta sau khi đạt được một thỏa thuận giữa phiến quân và Nga, một đồng minh của chế độ Syria.
Trong một tuyên bố, quân đội nói rằng "việc đình chỉ chiến sự tại một số khu vực của Đông Ghouta ở tỉnh Damascus" sẽ có hiệu lực vào giữa ngày thứ Bảy sau khi tất cả các bên nhất trí với những chi tiết của một thỏa thuận khu an toàn.
Tuy nhiên quân đội Syria nói rằng họ sẽ "trả đũa một cách phù hợp" nếu phiến quân vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Trước đó trong ngày Thứ Bảy, Nga cho biết đã ký một thỏa thuận với phiến quân Syria trong các cuộc đàm phán hòa bình ở Cairo để phác thảo cách thức mà các khu an toàn sẽ hoạt động.
Nga nói thỏa thuận sẽ bao gồm "các tuyến đường cung cấp viện trợ nhân đạo cho dân chúng và cho sự di chuyển tự do của cư dân," và rằng các đoàn xe nhân đạo đó sẽ được điều tới trong vài ngày nữa.
Khu vực Đông Ghouta là một trong bốn khu an toàn được đề xuất ở Syria sau các cuộc đàm phán giữa Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ hồi đầu năm nay.
Theo Nga, tất cả các bên đều đã nhất trí về đường ranh giới chính xác của khu an toàn, "cũng như vị trí triển khai và quyền hạn của các lực lượng theo dõi leo thang."
Cuộc nội chiến Syria đã làm thiệt mạng hơn 330.000 người, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, và cơ quan thế giới này đã thành lập một ủy ban điều tra các vụ tra tấn, giết người chóng vánh và những hành vi tàn bạo khác của tất cả các bên trong cuộc xung đột. - VOA
5.
Mỹ thúc giục Miến cắt đứt quan hệ quân sự với Triều Tiên
Quân đội Miến Điện vẫn duy trì các mối quan hệ với Bắc Triều Tiên dù chính phủ Miến khẳng định không hề có sự hợp tác quân sự với Bình Nhưỡng và Mỹ đang thúc giục Miến phải ngưng hoàn toàn tất cả những liên hệ còn lại với Bình Nhưỡng, theo nguồn tin từ các giới chức đương nhiệm lẫn hồi hưu của Mỹ.
Washington đã nêu rõ quan điểm của mình với lãnh đạo Aung San Suu Kyi và Tướng cao cấp của quân đội Miến Min Aung Hlaing trong chuyến công du của đặc sứ Mỹ về vấn đề Triều Tiên trong tuần này.
Chuyến đi của đại sứ Joseph Yun tới Miến cho thấy Mỹ vẫn tiếp tục quan ngại về các mối liên lạc giữa Miến Điện với Triều Tiên từ các thập niên Miến Điện còn do quân đội cai trị, theo một giới chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21/7.
“Đây là cơ hội để nhắn gửi rằng bất kỳ giao tiếp nào với Bình Nhưỡng, đặc biệt là giao lưu quân sự, đều đi ngược lại với nỗ lực chấm dứt mối đe dọa mà Bắc Triều Tiên đề ra cho khu vực và thế giới,” giới chức không nêu tên cho Reuters biết.
Tòa đại sứ Miến Điện tại Mỹ chưa bình luận về việc này.
Miến Điện khẳng định các thỏa thuận mua bán quân sự và các mối quan hệ quân sự trong quá khứ với Bình Nhưỡng đã chấm dứt trước quá trình chuyển tiếp dân chủ của Miến vào năm 2011.
Người ta tin rằng trước đây Miến Điện từng nhập khẩu võ khí do Bắc Triều Tiên sản xuất và nhân sự của Bình Nhưỡng cũng làm việc tại Miến.
Bộ Ngoại giao Mỹ không loại khả năng áp đặt thêm các biện pháp chế tài với Miến có liên hệ tới Bắc Triều Tiên.
Giới chức Mỹ nói Mỹ và Miến chưa thể tiến tới bình thường hóa quan hệ hoàn toàn trừ phi Washington yên tâm là Miến đã cắt đứt mọi mối quan hệ với Bình Nhưỡng. - VOA
6.
Tổng thống Indonesia lệnh bắn hạ kẻ buôn ma túy
Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã hạ lệnh cho các nhân viên thực thi công lực bắn hạ những kẻ buôn lậu ma túy giữa lúc nước này đang phải đối mặt với vấn nạn ma túy.
“Hãy cứng rắn, nhất là đối với những kẻ buôn lậu ma túy nước ngoài xâm nhập vào nước ta và kháng cự lệnh bắt giữ. Hãy bắn chúng vì chúng ta hiện trong tình thế nguy cấp về ma túy”, ông Widodo nói cuối ngày 21/7.
Theo Reuters, phát biểu của nguyên thủ Indonesia đã khiến nhiều người so sánh với chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu mà Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phát động một năm trước.
Cuộc chiến không khoan nhượng của ông Duterte đã vấp phải sự chỉ trích của cộng đồng quốc tế, trong đó có Liên Hiệp Quốc.
Indonesia hiện cũng thực thi các luật lệ cứng rắn liên quan tới ma túy. Ông Widodo từng bị chỉ trích vì lệnh hành hình những kẻ buôn lậu ma túy đã bị tòa kết tội chết. Các nhà hoạt động và nhiều chính phủ đã kêu gọi Indonesia bãi bỏ án tử hình.
Lệnh bắn hạ của ông Widodo được đưa ra một tuần sau khi cảnh sát Indonesia bắn chết một người đàn ông Đài Loan tại một thị trấn gần thủ đô Jakarta vì chống lệnh bắt sau khi bị phát hiện buôn lậu ma túy. - VOA
|
Tin Hoa Kỳ
7.
Trump đưa vào sử dụng tàu chiến tối tân gần 13 tỉ đôla
Tổng thống Donald Trump tuyên bố đưa vào sử dụng USS Gerald R. Ford, một tàu chiến có công nghệ tối tân trị giá gần 13 tỉ đôla mà ông nói sẽ gửi "một thông điệp 100.000 tấn cho thế giới" và sẽ khiến kẻ thù của Mỹ "run sợ."
Sau ba năm trì hoãn và đội chi phí thêm hàng tỉ đôla, ông Trump chính thức bàn giao hàng không mẫu hạm đầu tiên của thế hệ hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân thế hệ kế tiếp cho Hải quân Hoa Kỳ tại Căn cứ Hải quân Norfolk ở bang Virginia phía đông nam.
"Ở bất cứ nơi nào mà chiếc tàu này đi ngang qua chân trời, đồng minh của chúng ta sẽ an tâm và kẻ thù của chúng ta sẽ run sợ vì mọi người đều biết rằng Mỹ đang tới và Mỹ đang tới một cách oai phong," ông nói.
Tổng thống nói tàu chiến này đóng vai trò "răn đe để chúng ta không phải chiến đấu," nhưng nếu xung đột nảy sinh thì "nó sẽ luôn kết thúc theo cùng một cách. Chúng ta sẽ thắng, thắng, thắng."
Sau khi chỉ trích chính quyền trước "thiếu tính sẵn sàng về mặt quân sự," ông Trump kêu gọi Quốc hội "làm nhiệm vụ của mình" và cung cấp "mức kinh phí ổn định và đoán định được" cho quân đội.
Hàng không mẫu hạm mới này sẽ là chiếc tàu chủ chốt của lớp "siêu hàng không mẫu hạm mới," là lớp mới đầu tiên trong vòng 40 năm và là những tàu chiến đắt tiền nhất từng được chế tạo.
Công tác đóng tàu USS Gerald R. Ford bắt đầu vào năm 2009 và theo lịch trình hoàn tất vào năm 2015 với chi phí là 10,5 tỉ đôla. Hải quân Mỹ cho biết chi phí bị đội lên và những sự chậm trễ trong quá trình đóng tàu là do công nghệ tối tân của nó.
Con tàu này sẽ có tuổi thọ 50 năm và nhà máy điện hạt nhân của nó sẽ cho phép nó hoạt động thêm 20 năm nữa mà không cần phải tiếp nhiên liệu.
Chiếc USS Ford được đặt theo tên của tổng thống thứ 38 của Mỹ, một trung úy chỉ huy trong Hải quân thời Thế chiến thứ hai. Nó được con gái của ông, Susan Ford Bales, đặt tên vào năm 2013.
Những hàng không mẫu hạm lớp Ford sẽ thay thế những siêu hàng không mẫu hạm Nimitz hiện thời, một lớp gồm 10 tàu chiến chạy bằng hạt nhân được đặt theo tên Đô đốc Hải quân Chester W. Nimitz thời Thế chiến thứ hai. - VOA
|
|
8.
WaPo: Tình báo cho thấy Sessions có bàn về chính sách với Đại sứ Nga --- Trump chỉ trích 'rò rỉ' chống Bộ trưởng Tư pháp
Báo The Washington Post loan tin đại sứ Nga tại Mỹ đã báo cáo với cấp trên của ông ở Moscow rằng ông đã thảo luận những vấn đề liên quan đến chiến dịch tranh cử với Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions trong đợt vận động tranh cử tổng thống vào năm ngoái, trái với những gì mà ông Sessions từng tuyên bố công khai.
Tờ Post dẫn nguồn tin là "các quan chức Mỹ hiện nhiệm và tiền nhiệm" trong bài báo của mình cho biết rằng các nhân viên tình báo Mỹ đã chặn giữ được những liên lạc của Đại sứ Sergey Kislyak gửi về cho cấp trên của ông ta nói về các cuộc gặp gỡ với ông Sessions.
Tổng thống Donald Trump đả kích việc rò rỉ thông tin mật này trên Twitter rạng sáng thứ Bảy, nói rằng những vụ rò rỉ "phải dừng lại."
Ông Sessions khai trong phiên điều trần chuẩn thuận chức bộ trưởng Tư pháp hồi tháng 2 trước Thượng viện rằng ông không nhớ có bất kỳ liên lạc nào với các quan chức Nga trong khi giữ vai trò cố vấn chính sách đối ngoại cho ông Trump vào năm ngoái.
Vào tháng 3, tin tức tiết lộ ông Sessions đã gặp ông Kislyak ít nhất hai lần: một lần vào tháng 4 năm 2016 trước khi Donald Trump, khi đó là ứng cử viên tổng thống Đảng Cộng hòa, có bài diễn văn về chính sách đối ngoại, và một lần khác vào tháng 7 năm 2016 bên lề Đại hội Đảng Cộng hòa Toàn quốc.
Vào thời điểm đó, ông Sessions sửa lại phát biểu của mình trước đó, nói rằng họ có gặp gỡ nhưng không bàn về chuyện tranh cử của ông Trump trong những lần tiếp xúc, và ông đã tự rút lui khỏi cuộc điều tra về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử.
Tờ Post dẫn lời một quan chức Mỹ nói rằng ông Sessions đã đưa ra những phát biểu "gây ngộ nhận" và "mâu thuẫn với những bằng chứng khác." Một cựu quan chức cho tờ Postbiết ông Sessions và ông Kislyak đã có những cuộc thảo luận "có thực chất," bao gồm lập trường của ông Trump về những vấn đề ảnh hưởng đến Nga và mối quan hệ giữa Mỹ và Nga sẽ ra sao dưới chính quyền Trump.
Tờ Post đưa tin "các quan chức Mỹ hiện nhiệm và tiền nhiệm" nói rằng các câu trả lời của ông Sessions khác với những gì mà ông Kislyak trình bày với cấp trên của mình. Các quan chức này nhấn mạnh rằng đại sứ Nga có thể đã cố tình nói sai để tung hỏa mù nếu ông ta nghi ngờ mình đang bị tình báo Mỹ theo dõi.
Khi được liên lạc để đưa ra bình luận, phát ngôn viên Bộ Tư pháp Sarah Isgur Flores nói trong một thông cáo: "Rõ ràng tôi không thể bình luận về độ tin cậy của những gì mà những nguồn tin ẩn danh mô tả trong một tài liệu chặn giữ tình báo hoàn toàn không được xácchứng mà The Washington Post chưa nhìn thấy và chưa được cung cấp cho tôi."
Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats được đặt hỏi về bài báo này vào cuối ngày thứ Sáu trong khi đang dự Hội nghị An ninh Aspen ở bang Colorado. Ông nói, "Tôi đã nhìn thấy hàng tít ... Tôi giờ chẳng còn tin những hàng tít hay tin mới nhận nữa."
Đại sứ Kislyak là một nhân tố khiến cựu Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn bị sa thải. Ông Flynn rời chức vào tháng 2 sau khi lộ tin ông ta đã có những cuộc trò chuyện với ông Kislyak về chính sách của Mỹ đối với Nga. Trước đó ông ta đã công khai nói rằng không có cuộc trò chuyện nào như vậy diễn ra.
Nhưng thông tin về các cuộc trò chuyện của ông Flynn với ông Kislyak là dựa trên những đoạn ghi âm các cuộc trò chuyện qua điện thoại do các nhân viên tình báo Mỹ thu được, cho họ bằng chứng hai người nói về chuyện gì. Trong trường hợp ông Sessions, thông tin chỉ dựa trên những gì mà ông Kislyak kể lại.
Đầu tuần này, Tổng thống Trump đã có một cuộc phỏng vấn với báo The New York Times, trong đó ông tỏ ra bực bội về ông Sessions vì ông này rút lui khỏi cuộc điều tra về Nga. Ông Trump cũng nói rằng ông Sessions đưa ra "những câu trả lời tồi" về những tiếp xúc của ông ta với các quan chức Nga trong phiên điều trần chuẩn thuận. Những phát biểu này của ông Trump khơi lên suy đoán rằng ông Sessions có thể bị yêu cầu từ chức.
Hôm thứ Bảy, ông Trump nêu ra thêm những câu hỏi về công việc của ông Sessions trong tư cách bộ trưởng tư pháp, hỏi rằng tại sao ông ta không điều tra những giao tiếp giữa những người đồng sự của ứng cử viên tổng thống thất cử Đảng Dân chủ, Hillary Clinton, với chính phủ Nga và việc cựu giám đốc FBI James Comey rò rỉ những ghi chú của ông về những lần tiếp xúc với ông Trump.
Bất chấp sự tức giận của ông Trump, ông Sessions hôm thứ Sáu nói rằng ông định sẽ tiếp tục tại nhiệm "miễn là điều đó còn thích hợp." - VOA
***
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã tấn công các 'cáo buộc' nhắm vào Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions, người được ông bổ nhiệm.
Ông Trump coi các tin tức bàn về khả năng ông Sessions đã thảo luận với với một phái viên của Nga về các vấn đề liên quan chiến dịch bầu cử của ông là 'rò rỉ bất hợp pháp'.
Washington Post đã đưa ra một tường trình về những cuộc họp mà Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nhóm họp với đại sứ Nga tại Hoa Kỳ, ông Sergey Kislyak.
Ông Sessions luôn phủ nhận các 'cáo buộc' này.
Chính quyền Mỹ đang điều tra sự 'thông đồng' giữa Nga và ê-kíp vận đồng bầu cử của Trump.
Các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Nga đã can dự vào cuộc bầu cử để giúp ông Trump giành chiến thắng.
Nga bác bỏ điều này, và ông Trump nói rằng không có sự thông đồng nào.
Tường trình của Washington Post đã dẫn lời giới chức Mỹ, đương kim hoặc cựu quan chức, đưa ra các thông tin tình báo về khả năng ông Kislyak đã gây các tác động.
Một trong số những người được dẫn lời nói ông Kislyak đã nói chuyện với ông Sessions về các vấn đề then chốt của chiến dịch tranh cử, bao gồm các lập trường của ông Trump về nhiều chính sách quan trọng đối với Nga.
Trong cuộc điều trần xác nhận hồi đầu năm nay, ông Sessions nói ông không liên hệ với người Nga trong chiến dịch tranh cử.
'Tâm điểm tin nhắn'
Khi xuất hiện thông tin là có, ông Sessions nói rằng chiến dịch tranh cử đã không được thảo luận tại các cuộc họp.
Một quan chức xác nhận với Reuters chi tiết về các vụ can thiệp, nhưng chưa có bằng chứng xác nhận độc lập.
Các viên chức đã nói chuyện với Washington Post cho hay ông Kislyak có thể đã bị 'phóng đại' và trích dẫn lời một phát ngôn viên Bộ Tư pháp, người đã lặp lại rằng ông Sessions đã không thảo luận về sự việc can thiệp bầu cử.
Nhưng câu chuyện của tờ báo Mỹ là tâm điểm của một trong những tin nhắn trên Twitter mà Tổng thống Mỹ đã đưa ra vào sáng thứ Bảy, 22/7/2017.
"Một rò rỉ tình báo mới từ Amazon Washington Post, lần này chống lại A.G. Jeff Sessions. Những rò rỉ bất hợp pháp này, như với Comey, phải chấm dứt!" Ông Trump nói.
The Washington Post thuộc sở hữu của Amazon, người sáng lập Jeff Bezos từng là một đối tác của ông Trump.
Chi tiết "Comey" đề cập đến ông James Comey, cựu giám đốc của FBI, là người đã bị ông Trump sa thải.
Đầu tuần này, ông Trump nói với tờ New York Times rằng ông lấy làm tiếc khi đã tuyển dụng ông Sessions.
Tin cho hay, mới đây, con trai cả, con rể và người đứng đầu chiến dịch vận động tranh cử tổng thống của ông Trump đã bị triệu tập ra trước Quốc hội Mỹ để tham gia điều trần về vai trò, vị trí của họ trong các 'liên hệ' có thể có với Nga trước, trong và sau khi ông Trump thắng cử.
Trong một diễn biến khác, nội các của ông Trump vừa trải qua rúng động mới, sau khi ông Sean Spicer, Thư ký Báo chí của Nhà Trắng trong thời gian 6 tháng qua, vừa đột ngột tuyên bố từ chức khỏi chiếc ghế này, do một bất đồng với việc Tổng thống Trump bổ nhiệm một nhà tài chính ở Wall Street, ông Anthony Scaramucci, vào chức vụ Giám đốc bộ phận truyền thông của Tòa Bạch Ốc.
Cựu phát ngôn nhân Spicer nói đó là 'một sai lầm lớn'. - BBC
9.
Mueller yêu cầu bảo lưu tài liệu về cuộc gặp của Trump Jr. --- Chỉ Huy Tình Báo, Nội An khẳng định Nga can dự bầu cử Mỹ
Công tố viên đặc biệt điều tra sự thông đồng khả dĩ giữa ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump với Nga yêu cầu các quan chức Tòa Bạch Ốc bảo lưu bất cứ tài liệu nào về cuộc gặp gỡ vào năm ngoái giữa con trai cả của Tổng thống với một luật sư người Nga, một nguồn tin biết về yêu cầu này nói với hãng tin Reuters.
Công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã gửi yêu cầu bảo lưu tài liệu tới Tòa Bạch Ốc rằng cuộc gặp gỡ vào tháng 6 năm 2016 giữa Donald Trump Jr. tại tòa nhà Trump Tower ở thành phố New York có liên quan đến cuộc điều tra của ông Mueller, nguồn tin này cho biết hôm thứ Sáu.
Văn phòng luật sư của Tòa Bạch Ốc đã chuyển yêu cầu này, một phần thông thường trong giai đoạn đầu của bất cứ cuộc điều tra nào, cho những nhân viên khác của Tòa Bạch Ốc hôm thứ Tư, nguồn tin cho hay.
Tin tức hồi đầu tháng này về cuộc gặp giữa con trai ông Trump với một luật sư người Nga, người được nói là có thông tin gây tổn hại về đối thủ Hillary Clinton bên Đảng Dân chủ, đã khơi lên nghi vấn về những giao tiếp giữa ban vận động của ông Trump với Moscow. Tổng thống Đảng Cộng hòa đã bênh vực cuộc gặp gỡ của con trai là một hoạt động chính trị bình thường.
Ông Mueller, được Bộ Tư pháp bổ nhiệm vào tháng 5, đang điều tra sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử Mỹ 2016, theo cáo buộc, và khả năng ban vận động Trump có thông đồng, một vấn đề đã làm lao đao chính quyền mới đi vào hoạt động được sáu tháng này.
Ông Trump từ lâu đã tỏ ra bực bội về cuộc điều tra mà ông gọi cuộc săn lùng phù thủy, và đã phủ nhận bất cứ sự thông đồng nào. Moscow cũng phủ nhận họ can dự vào chiến dịch bầu cử để tìm cách nghiêng cuộc bầu cử vào tháng 11 năm 2016 về phía có lợi cho ông Trump.
Những tài liệu cần bảo lưu bao gồm email, tin nhắn, thư thoại, ghi chú hoặc hồ sơ. Ông Mueller đang tìm kiếm bất kỳ chỉ dấu nào cho thấy Tổng thống có biết về cuộc gặp của con trai với luật sư Nga và có thể đã gợi ý chủ đề thảo luận, nguồn tin cho hay. - VOA
***
Tổng Thống Donald Trump cho đến nay vẫn không cho biết rõ là ông có tin chính phủ Nga can dự vào bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua hay không. Trong khi đó, các giới chức lãnh đạo cơ quan Tình Báo và Nội An của ông tuần này khẳng định kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ đưa ra trước đây là Nga có làm điều này.
Giám Đốc CIA, ông Mike Pompeo, Bộ Trưởng Nội An John Kelly, và Cố Vấn Nội An và Chống Khủng Bố Tòa Bạch Ốc Thomas Bossert, tất cả đều cho hay họ ủng hộ kết luận rằng Nga thực hiện chiến dịch tấn công mạng và phổ biến tin giả (fake news) để gây ảnh hưởng thuận lợi cho ông Trump, theo hãng thông tấn Reuters.
“Có một câu trả lời giản dị và rõ ràng là ‘có’”, ông Bossert cho hay hôm Thứ Năm, nói thêm rằng không có lý do gì để nghi ngờ kết luận này.
Ông Pompeo còn đi xa hơn nữa, nói rằng Nga đã can dự vào bầu cử Mỹ từ nhiều năm nay, không chỉ trong năm 2016, theo Reuters.
“Dĩ nhiên,” ông Pompeo nói hôm Thứ Năm về nỗ lực hồi năm ngoái của Nga. “Và lần trước nữa, cũng như lần trước đó nữa. Nga không có ý định ngưng lại.”
Các lời xác định này được đưa ra trong cuộc thảo luận về sự yếu kém an ninh mạng của Mỹ tại cuộc họp hàng năm Aspen Security Forum.
Một ngày trước đó, ông Kelly cũng xác nhận các kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ, nói rằng Tổng Thống Nga Vladimir Putin ra lệnh thi hành chiến dịch để tấn công lấy cắp điện thư của các tổ chức chính trị phía đảng Dân Chủ và tiết lộ ra ngoài qua các trang mạng như WikiLeaks.
Tại cuộc họp ở Hamburg, Đức, mới đây, ông Putin cho hay Nga không can dự vào bầu cử Mỹ và sau đó đưa ra bản thông cáo nói rằng ông tin Tổng Thống Trump chấp nhận khẳng định này.
Ông Putin cũng nói nếu giới truyền thông “có thắc mắc gì thì cứ hỏi Tổng Thống Trump”.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Reuters sau cuộc họp thượng đỉnh, Tổng Thống Trump chỉ cho hay ông có hỏi Putin là “ông có làm điều đó không?” và lập lại câu trả lời của ông Putin “hoàn toàn không.” - nguoiviet
10.
Cựu phát ngôn nhân Nhà Trắng: 'tôi không hối hận'
Cựu Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer, người vừa từ chức nói với truyền thông Mỹ ông 'không hối hận' vì quyết định ra đi được loan báo vào hôm 21/7/2017.
Ông Spicer được cho là đã từ chức vì không hài lòng khi ông Donald Trump bổ nhiệm một tân giám đốc cho bộ phận truyền thông của Tổng thống.
Nhưng ông nói với Fox News rằng ông "không hối hận" về sáu tháng trên cương vị làm người phát ngôn tại Nhà Trắng.
Nhà tài chính của Phố Wall, Anthony Scaramucci, đã được Tổng thống Trump bổ nhiệm làm Giám đốc cơ quan Truyền thông của Nhà Trắng, một vai trò mà ông Spicer từng nắm giữ một phần.
Chấn động mới về thay đổi nhân sự diễn ra giữa lúc có các cuộc điều tra về các cáo buộc cho rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái và liệu ê-kíp chiến dịch vận động của ông Trump có hợp tác với Moscow hay không.
"Tổng thống rõ ràng đã muốn bổ sung nhân sự vào bộ phận truyền thông, hơn bất cứ điều gì khác," ông Spicer nói với người phỏng vấn, Sean Hannity.
"Tôi chỉ nghĩ rằng đó là điều có lợi nhất của bộ phận truyền thông của chúng tôi, của cơ quan báo chí của chúng tôi, để không có quá nhiều đầu bếp trong nhà bếp.
"Nếu không có tôi trên đường, họ sẽ có một khởi đầu mới," cựu phát ngôn nhân Nhà Trắng nói và nhấn mạnh việc ông ra đi để tránh làm cản trở, hay ảnh hưởng tới nhân sự mới được bổ sung.
'Một sai lầm lớn'
Ông Spencer bảo vệ chương trình nghị sự của Tổng thống Trump, nói rằng đó là một vinh dự và một đặc ân để phục vụ tổng thống, và cũng chỉ trích điều mà ông gọi là "truyền thông thiên lệch".
Ông nói: "Tôi đã ngày càng thất vọng về cách thức truyền thông ở đây làm công việc - hoặc không làm công việc của họ."
Cựu phát ngôn nhân 45 tuổi này cũng nói rằng ông đã nói với ông Trump rằng ông sẽ "ở lại trong vài tuần để đạt được sự chuyển đổi suôn sẻ" và mong muốn dành nhiều thời gian hơn cho gia đình ông.
Tổng thống Trump viết trên Twitter: "Sean Spicer là một người tuyệt vời, là người đã chịu sự lạm dụng rất lớn từ giới truyền thông thất thiệt, nhưng tương lai của ông là tươi sáng!"
Theo New York Times, ông Spicer đã "kịch liệt" bất đồng với việc bổ nhiệm ông Scaramucci, mà ông tin rằng là một "sai lầm lớn".
Các cuộc họp báo thường xuyên gây tranh cãi của ông Spicer trong sáu tháng vừa qua thu được sự quan tâm lớn, nhưng trong những tuần gần đây, ông đã rút khỏi việc xuất hiện trước ống kính.
Về phần mình, tân giám đốc bộ phận truyền thông Nhà Trắng Scaramucci đã tham dự buổi họp báo vào chiều thứ Sáu để thông báo rằng Sarah Huckabee Sanders, phó phát ngôn của Spicer trong thời gian qua, thay thế ông này.
Ông Scaramucci nói thêm: "Tôi yêu tổng thống và thật vinh dự khi được ở đây", tân Giám đốc truyền thông nói thêm: "Ông thực sự là một con người tuyệt vời."
Ông Scaramucci, người không có kinh nghiệm từ trước về các vai trò truyền thông, vinh danh ông Spicer là "một người yêu nước Mỹ đích thực" và "vô cùng duyên dáng".
"Tôi hy vọng ông ấy sẽ kiếm được một khoản tiền to lớn", ông Scaramucci nói thêm.
Ông Scaramucci cũng xin lỗi và nói rằng ông đã "thiếu kinh nghiệm" khi giải thích những lời chỉ trích trước đây của ông về tổng thống.
Trong một cuộc phỏng vấn tháng Tám năm 2005 với Fox Business, ông bác bỏ ông Trumpnhư là một "gã tồi" và "một công tử được thừa kế tiền của" và " to mồm".
Ông Scaramucci hiện là phó chủ tịch cao cấp của Ngân hàng Xuất-nhập khẩu, một cơ quan của chính phủ Hoa Kỳ, đảm bảo các khoản vay cho các nhà mua hàng của ngoại quốc đối với hàng xuất khẩu của Mỹ.
Là một cựu thành viên của nhóm chuyển giao quyền lực của Trump, ông đã nhầm lẫn khi nói với BBC vào tháng Một rằng Elton John sẽ biểu diễn tại lễ nhậm chức của tân tổng thống. Ca sĩ này đã nhanh chóng phủ nhận điều đó. - BBC
11.
Mỹ nhắn Iran: Thả công dân Mỹ hay lãnh hậu quả --- Mỹ sẽ cấm công dân tới Bắc Triều Tiên
Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh cáo Iran phải phóng thích cho tất cả công dân Mỹ đang bị giam cầm phi lý được hồi hương, bằng không sẽ lãnh thêm ‘hậu quả nghiêm trọng,’ theo thông cáo từ Tòa Bạch Ốc ngày 21/7.
Ông Trump cụ thể thúc giục Iran trao trả Robert Levinson, một cựu nhân viên chấp pháp bị mất tích hơn 10 năm trước tại Iran, đồng thời yêu cầu Tehran trả tự do cho doanh nhân Siamak Namazi cùng thân phụ là Baquer.
Thứ ba tuần này, Washington ban hành các biện pháp chế tài mới với Iran vì chương trình phi đạn đạn đạo của nước.
Những trừng phạt đó cho thấy chính quyền Trump đang tìm cách gia tăng áp lực lên Iran trong khi vẫn duy trì thỏa thuận giữa Tehran với 6 cường quốc thế giới để ngăn chương trình hạt nhân đổi lấy việc dỡ bỏ chế tài tài chính và dầu khí quốc tế.
Thông cáo hôm nay của Tòa Bạch Ốc nói chính quyền Mỹ đang tăng đôi nỗ lực để đưa tất cả công dân Mỹ đang bị giam cầm ở hải ngoại về nước.
Tòa án Iran tuyên phạt Siamak Namazi 46 tuổi và thân phụ Baquer Namazi 80 tuổi mỗi người 10 năm tù về tội danh làm gián điệp và cộng tác với Mỹ.
Iran bắt Siamak hồi tháng 10 năm 2015 khi anh này về thăm gia đình. Cha anh bị bắt vào tháng hai năm ngoái.
Ông Robert Levinson mất tích tại Iran vào năm 2007 và chính phủ Mỹ đã rao giải thưởng 5 triệu đô la cho ai cung cấp thông tin dẫn tới việc đưa Levinson về nước an toàn.
Hôm chủ nhật, Iran loan báo một tòa án của họ đã tuyên phạt sinh viên Xiyue Wang người Mỹ gốc Hoa thuộc đại học Princeton 10 năm tù về tội gián điệp.
Tòa Bạch Ốc khuyến cáo “Iran phải chịu trách nhiệm cho sự an sinh của mỗi một công dân Mỹ mà họ bắt giữ.” - VOA
***
Hoa Kỳ ngày 21/7 tuyên bố sẽ cấm công dân Mỹ du hành đến Bắc Triều Tiên trước nguy cơ bị "giam giữ dài hạn" ở nước này, nơi một sinh viên Mỹ bị bỏ tù trong khi đi du lịch vào năm ngoái và sau đó qua đời.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã chấp thuận quy định "Giới hạn Du hành theo Địa lý" đối với người Mỹ để ngăn họ nhập cảnh Bắc Triều Tiên, phát ngôn viên Heather Nauert nói.
"Một khi có hiệu lực, hộ chiếu Mỹ sẽ không có giá trị để đi tới, đi ngang qua và đi bên trong Bắc Triều Tiên, và các cá nhân sẽ buộc phải có hộ chiếu với chứng nhận đặc biệt để du hành tới hoặc di chuyển bên trong Bắc Triều Tiên," bà Nauert nói.
Hành động này là vì có "những lo ngại ngày càng tăng về nguy cơ nghiêm trọng của việc bắt giữ và câu lưu dài hạn chiếu theo hệ thống chấp pháp của Bắc Triều Tiên," bà nói.
Otto Warmbier, công dân Mỹ 22 tuổi, năm ngoái bị kết án tới 15 năm lao động khổ sai ở Bắc Triều Tiên vì tìm cách trộm một poster tuyên truyền trong khi đang đi du lịch ở nước này.
Anh ta được trả về Mỹ trong tình trạng hôn mê vào ngày 13 tháng 6 sau khi được thả tù trên cơ sở nhân đạo và qua đời vào ngày 19 tháng 6. Không rõ tình huống xung quanh cái chết của anh là như thế nào, và cũng không biết vì sao anh rơi vào tình trạng hôn mê.
Bắc Triều Tiên thông qua truyền thông nhà nước nói rằng cái chết của Warmbier là "một bí ẩn" và bác bỏ cáo buộc rằng anh ta chết vì bị tra tấn và đánh đập trong khi bị giam cầm.
Bắc Triều Tiên hiện đang giam giữ một học giả và một nhà truyền giáo đều là người Mỹ gốc Hàn, một mục sư người Canada và ba người Hàn Quốc làm công tác truyền giáo. Nhật Bản nói Bắc Triều Tiên cũng đã giam giữ ít nhất vài chục công dân của họ.
Không rõ có bao nhiêu người Mỹ hiện đang ở Bắc Triều Tiên và Bộ Ngoại giao nói rằng họ không có chủ trương công bố số lượng công dân Mỹ sinh sống trong hoặc du hành tới một quốc gia cụ thể.
Các quan chức Mỹ nói Bắc Triều Tiên sẽ trở thành quốc gia duy nhất trên thế giới mà người Mỹ bị cấm không được ghé chân. - VOA
Tin Việt Nam
12.
Hải quân Thái Lan bắt 18 ngư dân Việt
Ba tàu đánh cá của Việt Nam và 18 ngư dân mới bị bắt giữ trên Vịnh Thái Lan, một đô đốc hải quân Thái cho biết.
Tân Hoa Xã dẫn lời ông Pornchai Pinthong nói rằng một tàu khu trục của nước này đã phát hiện các tàu cá trên trong hải phận của Thái Lan hôm 17/7.
Chính quyền Thái Lan cho biết rằng các tàu trên xuất phát từ Cà Mau ở miền nam Việt Nam.
Tin cho hay, tổng cộng 33 tàu cá và 189 thuyền viên Việt Nam đã bị bắt giữ và truy tố tội vi phạm lãnh hải Thái Lan trong năm nay.
Không chỉ Thái Lan, mà ngày càng có nhiều nước trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia hay thậm chí Australia, bắt giữ các ngư dân Việt đánh bắt trái phép.
Trao đổi với VOA Việt Ngữ trước đây, đại diện Hội nghề cá Việt Nam từng phản bác quan điểm cho rằng ngư dân Việt Nam phải “dạt” khỏi ngư trường truyền thống ở Biển Đông vì Trung Quốc.
Tháng trước, hai tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã đưa 695 ngư dân Việt từ Indonesia về nước sau khi được nước sở tại phóng thích trong đợt trao trả những người đánh bắt trái phép lớn nhất từ trước tới nay của nước này. - VOA
13.
Người Mỹ gốc Việt lừa đảo ‘thẻ xanh’ lãnh án tù
Một người đàn ông Mỹ gốc Việt đã bị kết án hơn 3 năm tù giam vì tội lừa đảo nhiều người đồng hương muốn đưa nhân thân sang Hoa Kỳ.
Sau khi thụ án 38 tháng tù, ông Hai Van Nguyen, 42 tuổi, còn phải chịu quản chế 3 năm.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, ông Hai Van Nguyen, 42 tuổi ở tiểu bang Washington, lừa nhiều người trong cộng đồng gốc Việt rằng công ty của ông có thể giúp người thân của các khách hàng vào Mỹ hợp pháp.
Ông này đăng quảng cáo trên Facebook về chuyện có thể bảo đảm chuyện xin thẻ thường trú nhân hay còn được gọi là "thẻ xanh" ngay khi nạn nhân tới Mỹ và có quốc tịch trong vòng 5 năm.
Thông cáo của Bộ Tư pháp Mỹ cho hay rằng ông Hai đã lừa đảo các khách hàng tổng cộng khoảng 550 nghìn đôla, và trong phiên xử hôm 17/7 tại tòa liên bang, thẩm phán đã yêu cầu bị cáo phải hoàn trả khoản tiền trên.
Ông Hai bị bắt từ tháng Năm năm 2016 và hồi tháng Tư vừa qua đã nhận tội lừa đảo tiền bạc của nhiều người.
Các nạn nhân của người đàn ông gốc Việt này phải trả ông ta khoản đặt cọc 35 nghìn đôla.
Các khách hàng người gốc Việt ở Connecticut, South Carolina, Maine, Arizona, Ohio và Texas đã ký hơn 50 hợp đồng với ông Hai. - VOA
14.
Kịch về Việt Kiều tại Pháp tạo tiếng vang
Vở kịch 'Saigon' lấy bối cảnh ở một nhà hàng Việt Nam bất ngờ trở thành tâm điểm tại lễ hội kịch nghệ lớn nhất thế giới, theo AFP.
Tuy chỉ diễn ở một sân khấu nhỏ, nhưng vở kịch dài bốn tiếng này đã thu hút cả giới phê bình lẫn khán giả yêu thích kịch nghệ Pháp, với những tràng vỗ tay giòn giã sau mỗi đêm diễn.
Vở kịch "Saigon" của Caroline Guiela Nguyen được tôn vinh là đã phản ánh được nỗi đau và sự hi sinh của cộng đồng người Việt di cư, những số phận được gói gém trong thầm lặng tại Mỹ hay Pháp.
"Vở kịch này không giống như những vở kịch khác, " tờ French daily Le Monde nhận định.
"Vở kịch kết thúc với câu 'Đây là cách chúng tôi kể những câu chuyện về Việt Nam; với vô vàn nước mắt,' Quả thực chúng tôi thích mua nước mắt vốn dĩ đang cạn kiệt trong nền kịch nghệ Pháp," tờ báo này viết.
"Saigon" là một câu chuyện về nỗi niềm của những người Việt bị chia cắt giữa Pháp và quê hương của họ khi chế độ thực dân của Pháp sụp đổ trong sự tủi nhục trước quốc dân đảng và cộng sản Việt Minh trong trận chiến Điện Biên Phủ, tờ AFP viết.
'Việt Kiều'
"Năm 1956 là năm mà những binh lính và thực dân Pháp cuối cùng rời Việt Nam. Nhưng nhiều người Việt Nam có quốc tịch Pháp cũng đi theo. Họ được gọi là 'Việt Kiều', đạo diễn 35 tuổi nói.
Gia đình của cô Caroline cũng rời khỏi Việt Nam năm 1956 và không được phép trở lại Việt Nam cho tới 40 năm sau, năm 1996, khi Mỹ gỡ lệnh cấm vận với Hà Nội.
Khi mặc cả với những người bán trái cây ở một khu chợ ở Hồ Chí Minh, những người phụ nữ bán hàng đã cười nhạo cách nói năng có phần cung cách cổ điển của mẹ Caroline. Việt Nam ngày xưa của bà ấy đã không còn, tất cả chỉ là tàn dư của một quá khứ đã bị lãng quên, AFP thuật lại lời kể của cô.
Như 16 người họ hàng khác lớn lên ở Pháp, Caroline cũng không thể nói được tiếng Việt. "Bố mẹ tôi muốn rất muốn hòa nhập cho nên họ nghĩ việc dạy chúng tôi tiếng Việt là lỗi thời. Họ sợ điều đó sẽ ảnh hưởng đến tiếng Pháp của chúng tôi."
Ám ảnh về một thế giới đã mất
Caroline nói cô mất hai năm di chuyển giữa Việt Nam và Pháp để thu thập các câu chuyện, và khẳng định câu chuyện của gia đình cô chỉ là "một điểm khởi đầu" cho vở kịch.
Vở kịch có bối cảnh ở một nhà hàng Việt Nam tại Paris năm 1996. Một số trong 11 diễn viên nói tiếng Việt và một số khác nói tiếng Pháp.
Caroline nói rằng, trong suốt tuổi thơ đến khi trưởng thành cô luôn nhận thức được khoảng cách giữa thế hệ cha mẹ và con cái.
Cũng như Nguyễn Thanh Việt, tác giả của tiểu thuyết thắng giải Pulitzer "The Sympathizer", các nhân vật cũng bị giằng xé giữa hai nền văn hóa, giữa sự nuối tiếc và ngờ vực.
Nhưng không như nhà văn Nguyễn Thanh Việt, kịch bản của Caroline ẩn ý và gián tiếp tránh né chính trị, mặc dù gia đình của cô gần như là một câu chuyện tiêu biểu cho quá trình thuộc địa hóa châu Á của Pháp.
"Tất nhiên câu hỏi về sự thuộc dân hóa luôn ở đó, nhưng chỉ dừng lại ở đó thì không thỏa đáng," Caroline nói.
"Điều khiến tôi thích thú là nhìn vào những con người mà cuộc đời của họ đã bị định đoạt bởi sự thực dân hóa, và nhìn xem điều gì còn lại trong con người và trái tim họ." - BBC
15.
Giải thích việc nhận chìm bùn thải và phản biện
Vào ngày 4 tháng 7, Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường (Bộ TNMT), ông Nguyễn Linh Ngọc khẳng định vật liệu mà Bộ TN-MT cho phép nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm không phải là xỉ than, chất thải của quá trình chạy nhiệt điện mà là vật liệu nạo vét tại khu vực cảng, gồm cát, bùn của ô quay tàu trước cảng.
Những vật chất được cấp phép nhấn chìm xuống biển có thật sự không phải là chất thải nguy hại?
Ngấm trong bùn đất
Năm ngày sau khi Thứ trưởng Bộ TNMT cấp phép số 1517/GP-BTNMT cho phép Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm 1 triệu m3 bùn thải xuống vùng biển xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, Tổng công ty phát điện 3 (EVNGENCO 3) hay còn gọi là nhà máy nhiện điện Vĩnh Tân 2 cho biết đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển Bình Thuận 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau khi nạo vét.
Thông tin này gây lo ngại rất lớn cho các chuyên gia môi trường và những người quan tâm đến môi trường biển. Qua những diễn đàn và các trang mạng xã hội, họ đồng loạt lên tiếng kêu gọi dừng ngay dự án nhấn chìm bùn thải vì cho rằng lượng bùn thải khổng lồ đó sẽ bức tử hệ sinh thái biển của Bình Thuận.
Để phản hồi bức xúc của công luận, Thứ trưởng Bộ TN-MT phát biểu tại buổi giao ban báo chí ngày 4 tháng 7 rằng vật liệu nhận chìm không bao gồm xỉ than, chất thải của quá trình chạy nhiệt điện và cơ sở pháp lý của việc nhận chìm chất thải đã được quy định trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982- UNCLOS 1982.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 tại tỉnh Bình Thuận đi vào hoạt động chính thức năm 2015, mỗi ngày sản xuất hơn 23 triệu kWh. Còn dự án xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 được khởi công vào sáng ngày 18/7/2015, có công suất 1.200MW, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2018.
Với thời gian và khối lượng điện sản xuất như thế, Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, chuyên gia môi trường từ Hà Nội, khẳng định không thể cho rằng chất bùn thải được cấp phép “nhấn chìm” xuống biển Bình Thuận là không chứa chất thải từ quá trình vận hành sản xuất điện của nhà máy.
“Khi mà những cơn mưa, lũ xảy ra, nước chảy từ đất liền ra biển. Khi chảy như thế thì nó cuốn theo tất cả rác, ngay cả thuốc trừ sâu, thì ngay cả nước bao gồm rác chảy ra, nó đã mang theo rất nhiều chất độc hại.
Vậy thì ở những nhà máy này, trong quá trình người ta đang xây dựng, đã xây dựng xong, có thể chưa vận hành thì cũng đã có rất nhiều loại rác.
Cái thứ hai, nếu người ta chạy thì phải có than, phải có nơi để than, rồi chất thải, và chúng ta thừa biết rằng rác thải của nhà máy nhiệt điện nó có những gì. Thế và, nước mưa nó chảy thì nó không chừa chỗ nào.”
Dựa trên cơ sở hoá học, ông cho biết khi trời mưa, chất độc trong than chảy ngấm vào đất, rồi khi đốt thì những khí trong đó như SO2. NO2, các kim loại nặng như Niken, Crôm sẽ bay tản ra vùng chung quanh, hoặc tích tụ thành mây để mưa xuống. Nói chung tất cả những chất độc hại từ bụi xỉ than sẽ ngấm vào đất và bùn cát.
Theo các nhà khoa học phản biện trên báo chí trong nước, việc nhận chìm khối lượng chất nạo vét gần 1 triệu m3 vừa được Bộ Tài Nguyên- Môi trường cấp phép và 2,4 triệu m3 đang được đề nghị là nguy cơ đe doạ trực tiếp hệ sinh thái biển.
Chất nạo vét hay bùn thải?
Tuy nhiên, ông Nguyễn Xuân Tùng – vụ trưởng Vụ Chính sách và pháp chế, đại diện Tổng cục Biển và hải đảo – Bộ Tài nguyên và môi trường, có mặt tại buổi toạ đàm “Hòn Cau, Biển và Lời nguyền…” tổ chức ở Nha Trang ngày 15 tháng 7 cho biết “vật chất” nạo vét cảng biển của Điện lực Vĩnh Tân 1 được Bộ cấp phép cho “nhận chìm” xuống vùng biển Tuy Phong khác với bùn thải.
Giải thích sự khác nhau dựa trên hướng dẫn của Tổ chức Hàng hải Thế giới, ông cho biết.
“Chất nạo vét cơ bản là chất lắng đọng từ tự nhiên bao gồm các thành phần chủ yếu như cát, sỏi, đá và các chất hữu cơ tự nhiên. Thế còn bùn thải là chất lắng đọng từ quá trình xử lý đất thải. Trong nghị định thư Luân Đôn 1996 có 1 danh mục qui định có 8 nhóm chất để xem xét nhận chìm xuống biển. Trong đó họ cũng phân biệt chất nạo vét và bùn thải.”
Vị này nói thêm rằng thành phần của chất nạo vét đã được phân tích trong dự án nhận chìm bùn cát thải hoàn toàn không có chất ô nhiễm và rất bình thường trên thế giới. Những thành phần chất khác đều dưới ngưỡng cho phép.
4 nhà máy nhiệt điện
Ông Phạm Văn Chi, Nguyên chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà, cho biết tình trạng thực tế hiện nay ở huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận có 4 nhà máy điện với tổng công suất là 4,400 MW.
“Thế thì tôi chỉ nói rằng 1 nhà máy ở Khánh Hoà, 2,400MW là chúng tôi đã toát mồ hôi. Mà tôi đang kiến nghị với địa phương, chính phủ, chỉ nên đầu tư tốt nhất là 600 MW, là 1 trong 4 tổ máy. Nhưng mà người ta đã xây dựng hai giai đoạn, giai đoạn đầu là 1,200 MW và giai đoạn 2 là 2,400 MW và hình như đã được phép.
Ba cái ô nhiễm quan trọng nhất đối với các nhà máy điện chạy bằng than là họ lợi dụng vùng biển của chúng ta để vận chuyển 1 lượng than rất lớn bằng cách nạo vét (nếu như vùng cần nạo vét) để đưa được tàu lớn chở than.
Than của Việt Nam mình gần như là người ta không sử dụng mà người ta phải sử dụng than của Malaysia, của Úc, có hàm lượng Carbon cao hơn. Và tôi cho rằng nếu chúng ta lấy loại than tốt nhất là khoảng 85% Carbon, 15 % và xỉ và các loại không cháy được, thì như vậy nếu nhà máy Vĩnh Tân 2 khoảng 1,200 MW thì nó phải mất 600 tấn than/1 giờ và 14,400 tấn than/ngày.”
Đồng thời, ông đưa ra bài toán của lượng xỉ tối thiểu 1 năm thải ra và phủ khắp mặt bằng dài 1 cây số, rộng nửa cây số và có chiều cao khoảng 1m57. Khối lượng này khi gặp mưa sẽ ngấm vào đất và bùn cát. Do đó theo ông, vật liệu “nạo vét” của 4 nhà máy đó sẽ bao gồm tất cả những bụi xỉ vả độc hại đã ngấm sâu trong bùn đất.
Đổ rác hay nhận chìm?
Khoản 5, Điều 1 của UNCLOS 1982 giải thích thuật ngữ “nhận chìm” (immersion) là “mọi sự trút bỏ có ý thức xuống biển các chất thải hoặc các chất khác từ các tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc công trình khác được bố trí ở biển.”
Công ước vừa nêu cũng ghi rõ thuật ngữ “nhận chìm” không nhằm vào: Việc vứt bỏ các chất thải hoặc các chất khác được sản sinh trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc khai thác bình thường của tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc các công trình khác được bố trí trên biển, cũng như các thiết bị của chúng…
Tuy nhiên, theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Khải, khi được trả lời chúng tôi về cơ sở pháp lý dựa theo UNCLOS 1982 và Luật Môi trường Việt Nam, ông chỉ nói ngắn gọn rằng: “Cái chuyện người ta làm như thế nào mới quan trọng.” - RFA
Link:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét