Liên Hiệp Quốc vào ngày 28 tháng 7 lên tiếng thúc giục Việt Nam trả tự do cho nhà hoạt động Trần Thị Nga.<!>
Bà Trần Thị Nga là một nhà hoạt động xã hội vì quyền của người lao động và môi trường, đồng lời là một blogger, vào ngày 25 tháng 7 bị tòa án tỉnh Hà Nam tuyên án 9 năm tù với cáo buộc tuyên truyền chống nhà nước.
Người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc về các vấn đề nhân quyền Liz Throssell nói trong một buổi họp báo tại Geneva rằng hình phạt nặng nề, cùng cách thức tổ chức phiên tòa không theo đúng chuẩn mực tiến trình tố tụng gây quan ngại rất sâu sắc.
Bà Throssell nói thêm rằng chỉ trong vòng sáu tháng qua đã có đến bảy nhà hoạt động xã hội vì quyền con người bị chính quyền Việt Nam kết án, và từ năm 2014 đến nay có đến cả chục người bị bắt giam, bốn người bị tống xuất phải sống lưu vong tại Mỹ và Pháp. Bà thúc giục Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho những nhà hoạt động xã hội và nhân quyền đó, vì họ chỉ thực hiện quyền tự do biểu đạt của họ mà thôi.
Đặc ủy Nhân quyền Đức
Cũng liên quan đến vụ xử án án bà Trần Thị Nga, Đặc ủy Nhân quyền của Cộng hòa Liên bang Đức, bà Barbel Kofler, vào ngày 27 tháng 7 lên tiếng bày tỏ sự ‘bàng hoàng trước một bản án nặng nề như vậy đối với một người chỉ sử dụng những biện pháp đấu tranh bất bạo động như bà Nga nhằm bảo vệ nông dân mất đất, bảo vệ môi trường và quyền của người lao động.’
Phát biểu của bà Barbel Kofler được đưa ra từ Tòa đại sứ Đức tại Hà Nội, trong đó có nói thêm rằng bản án của bà Trần Thị Nga không phù hợp với những cải cách pháp quyền mà nhà nước Việt Nam đang thực hiện.
Bà đặc ủy Nhân quyền của Cộng hòa Liên bang Đức nhắc đến bản án 10 năm tù mà tòa tỉnh Khánh Hòa tuyên đối với blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào tháng qua; bản án đó tương tự bản án đối với nhà hoạt động Trần Thị Nga, theo bà Barbel Kofler là đi ngược lại các nguyên tắc về nhân quyền mà Việt Nam công nhận. Những bản án như thế vi phạm Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị mà Việt Nam tham gia cũng như Hiến pháp Việt Nam, trong đó có qui định rõ về việc bảo vệ quyền tự do biểu đạt và tự do báo chí.
Xã hội dân sự độc lập
19 tổ chức xã hội dân sự độc lập tại Việt Nam, cùng hơn chục người Việt ở khắp nơi trên thế giới ra tuyên bố phản đối bản án xử bà Trần Thị Nga.
Tuyên bố đề ngày 27 tháng 7 nêu rõ phiên tòa xử bà Nga không phải là công khai như nhà nước Việt Nam nói, đồng thời các quá trình tố tụng không hợp lệ theo pháp luật hiện hành. Tuyên bố cũng cho rằng các chứng cứ dùng để buộc tội bà Trần Thị Nga là mơ hồ, và bản án 9 năm tù giam, năm năm quản chế là một sự nhạo báng công lý.
Các tổ chức xã hội dân sự và cá nhân ra tuyên bố thúc giục nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do lập tức cho bà Trần Thị Nga.
Tù nhân Trần Thị Nga bị kỷ luật sau phiên tòa
Theo những thông tin có được, vào ngày 27 tháng 7 người thân và bạn bè của bà Trần Thị Nga đã đến trại giam để gặp bà Nga theo qui định của luật Việt Nam; thế nhưng Giám thị trại giam không cho thân nhân vào gặp bà Nga, viện lý do là bà Nga là một phạm nhân cứng đầu, quyết tâm chống đối đến cùng, vì thế phải thi hành kỷ luật, không được gặp người thân, không được nhận đồ thăm nuôi và tiền bạc gửi vào.
Bà Trần Thị Nga năm nay 40 tuổi có hai con còn nhỏ, bị bắt giam từ đầu năm nay, nhưng trước đó nhiều lần bị những người mặt thường phục quấy nhiễu và hành hung. Bà từng đi xuất khẩu lao động sang Đài Loan và bị một tai nạn lao động hiểm nghèo. Sau đó, khi về nước bà đã tích cực hoạt động bảo vệ quyền lợi những người lao động, tố giác sự gian dối của các công ty môi giới đưa lao động đi xuất khẩu.
Bà Nga cũng được biết như là một nhà hoạt động rất tích cực trong việc bảo vệ môi trường sau thảm họa Formosa Vũng Áng tại bắc Trung bộ làm cho hàng trăm ngàn dân bị khốn đốn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét