Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017

Trần Vũ Anh Bình và những nhạc phẩm “Ngục tù ca”

Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình sau khi ra tù hôm 21/5/2017.
Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình sau khi ra tù hôm 21/5/2017.
Courtesy: Facebook Huỳnh Anh Tú
Trần Vũ Anh Bình và những nhạc phẩm “Ngục tù ca”
00:00/00:00
Tù nhân lương tâm-Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình, người bị tuyên án 6 năm tù giam và 3 năm quản chế theo Điều 88 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam, chia sẻ về 400 nhạc phẩm được sáng tác trong thời gian ở tù.<!>

Nỗi lòng của nhạc sĩ bị tù đày

“…Xin cho con được nói lên nỗi lòng cùng với nước non. Xin cho con được mặc bao đau đớn giữa lòng quê hương. Cho con được nặng tiếng yêu thương khi dân Việt khóc than khôn lường. Hỏi rằng con nào vui sướng từ khổ đau sâu tận lòng con? Cho con được cất tiếng nói. Cho con được biết sống với trái tim mình nhuộm thắm giọt máu đào Việt Nam.”
Đây là những ca từ được tù nhân lương tâm-Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình sáng tác trong nhạc phẩm “Xin Cho Con Được”, không chỉ riêng tặng cho bà Trần Thị Nga trước ngày Tòa án Nhân dân Tỉnh Hà Nam tuyên 9 năm tù giam đối với bà, một người mẹ đơn thân có hai con nhỏ luôn đấu tranh vì dân chủ nhân quyền. Bài hát này còn là tiếng lòng của chính tác giả được thể hiện bằng một thể loại mà anh gọi là “ngôn ngữ được thêu vào giai điệu” để xoa dịu nỗi bi ai của một tâm hồn nghệ sĩ phải chịu bản án tù đày vì chính những ca khúc do mình viết nên.
Trần Vũ Anh Bình cùng với Nhạc sĩ Việt Khang bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, hồi cuối tháng 10 năm 2012, kết án tổng cộng 10 năm tù giam và 6 năm quản chế, theo Điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam, với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước”. Hai nhạc sĩ thế hệ 7X này là thành viên trong tổ chức xã hội dân sự độc lập “Tuổi trẻ Yêu nước” bị đi tù vì những bài hát hun đúc tinh thần yêu nước của giới trẻ tại Việt Nam, trong đó có những nhạc phẩm được nhiều người đặc biệt yêu mến, như bài “Việt Nam Tôi Đâu” và “Anh Là Ai”.
Khi mình nằm trong không gian tù, mình được gia đình lo lắng thì mình cảm thấy có lỗi nhiều với gia đình, nhất là mẹ của mình. Trong thâm tâm của mỗi con người, chắc chắn phần ít nào đó trong cuộc đời mình cũng đã có lỗi với mẹ
-Trần Vũ Anh Bình
Bản án 6 năm tù giam đã không khuất phục được lý tưởng và niềm đam mê âm nhạc của Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình ở độ tuổi sung mãn trong sáng tác. Phía sau cánh cửa nhà giam, một thế giới lạ lẫm của những thân phận tù mà trong đó có anh, được gọi là “tù nhân chính trị” đã lần lượt khắc vào từng nốt nhạc, âm điệu, ca từ cứ tuôn theo dòng nước mắt lăn dài qua năm tháng.

Tiếp tục sáng tác

Vì những bài hát về quê hương, đất nước mà Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình bị tuyên án tù. Nhưng cũng tại chốn ngục tù, gia tài âm nhạc của anh còn được bổ sung rất nhiều bài hát nhắc đến tình bằng hữu, một thứ tình bạn mà chỉ có những người cùng chung cảnh ngộ mới thấu hiểu. Nhạc phẩm “Vách Chắn Trái Tim” ra đời sau khi Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình được nghe chia sẻ về sự đơn độc của những bạn tù bị người thân yêu nhất là đạo vợ chồng, nghĩa tào khang cũng ruồng bỏ bởi vì họ đã vướng vào vòng lao lý. Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình cho biết mỗi khi cầm đàn và gãy phím nhạc đầu tiên của bài hát “Vách Chắn Trái Tim” thì anh luôn nhớ đến người bạn tù và cũng là người bạn thân thiết của mình, Nhạc sĩ Việt Khang.
“…Khắc tên một người lên vực đời xé nát tâm can. Khắc tên một người qua đêm trắng trót mang tội đời. Ngục tù mang theo thân xác mỏi mòn. Ngục tù mang theo thân xác héo hon. Những đêm trôi, nhớ đến tôi, vẫn nơi tận ngục tối.”
Chia sẻ với Hòa Ái, Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình cho rằng thời gian ở tù là một cơ duyên để cho anh trải nghiệm và từ đó cảm xúc của một nghệ sĩ trong anh càng thấm đuộm hơn nữa tình đồng bào, tình thương yêu của những kẻ khốn cùng. Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình nói là thật may mắn được gặp gỡ với Trần Huỳnh Duy Thức và khoảng 30 nhạc phẩm anh phổ thơ của người tù nhân lương tâm luôn đau đáu vì vận nước:
“Mình chuyển trại cũng như anh Trần Huỳnh Duy Thức chuyển trại qua Xuyên Mộc nên anh em mới gặp nhau. Anh Thức phải nói là một người ăn xong rồi thì viết lách. Anh viết sách. Anh viết thơ. Và đến giờ này, Bình nghe được anh cũng đã sáng tác nhạc ở nhà tù miền Trung. Anh có nhiều điều rất hay. Bình cảm thấy hổ thẹn vì mình không học hỏi được nhiều ở anh Trần Huỳnh Duy Thức.”
18699871_103343930256276_147111360499074385_n.jpg
Bức họa chân dung của Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình. Courtesy: Facebook Trần Bình
“…Sớm hôm đưa đò ra chợ sông, chiều về bên con. Hay con đói lòng chén gạo thừa cũng vừa chăm lo? Thương lắm con đò chiều xa bờ, dõi mắt trông chờ khi trời buông, bao năm biệt xứ rằng mấy ai cho biết tin về? Nhắn người bên lối, ngày qua thương nhớ rất nhiều, ngày qua nắng mưa trăm chiều vẫn biết em ngày chờ đêm trông. Ơn em nói sao cho cạn lời? Ơn em trả sao hết một đời? Nhắn người bên lối rằng mai sớm tôi trở về.”
Những câu thơ ở trên của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức được Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình phổ nhạc với nhan đề “Nhắn Người Bên Lối”. Trong sự đồng cảm đến tột độ về nỗi niềm xót xa của những người con cảm nhận mình mang tội bất hiếu vì bị đi tù bởi nợ nước non, dù cha mẹ không một lời trách cứ, Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình đã phổ nhạc rất nhiều bài thơ của Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Ngọc Cường như lời tạ lỗi cùng các đấng sinh thành và một trong những bài hát anh tâm đắc là bài “Thương Má Thân Gầy”.
“…Má ngồi đợi con như cánh diều mong gió chiều. Má ngồi đợi con như luống cày chờ sáo nâu. Trời sa mưa ngâu, mái tranh thấm ướt bao ngày. Sau nhà ẩm đầy. Má ơi, thương má thân gầy!”
Mình chuyển trại cũng như anh Trần Huỳnh Duy Thức chuyển trại qua Xuyên Mộc nên anh em mới gặp nhau. Anh Thức phải nói là một người ăn xong rồi thì viết lách. Anh viết sách. Anh viết thơ. Và đến giờ này, Bình nghe được anh cũng đã sáng tác nhạc ở nhà tù miền Trung. Anh có nhiều điều rất hay. Bình cảm thấy hổ thẹn vì mình không học hỏi được nhiều ở anh
-Trần Vũ Anh Bình
Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình bộc bạch:
“Khi mình nằm trong không gian tù, mình được gia đình lo lắng thì mình cảm thấy có lỗi nhiều với gia đình, nhất là mẹ của mình. Trong thâm tâm của mỗi con người, chắc chắn phần ít nào đó trong cuộc đời mình cũng đã có lỗi với mẹ.”
Tù nhân lương tâm-Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình được trả tự do hồi hạ tuần tháng năm năm 2017. Bước chân ra khỏi nhà tù với gần 400 nhạc phẩm được sáng tác trong gần 6 năm, Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình ấp ủ tâm nguyện thực hiện một album nhạc với chủ đề “Thương Mẹ Việt Nam” để tri ân người mẹ của mình cùng các bà mẹ của những đứa con mang thân phận tù đày. Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình cho biết nếu như nguyện vọng của anh thành hiện thực, số tiền thu được từ Album “Thương Mẹ Việt Nam” sẽ được chuyển đến Văn phòng Công Lý và Hòa Bình của Dòng Chúa Cứu Thế, ở Sài Gòn, nơi anh đang làm thiện nguyện để giúp đỡ các Thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa, những số phận nghiệt ngã của thời cuộc.
Kết thúc buổi trò chuyện cùng RFA, Nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình chia sẻ Ơn trên cho anh sống một cuộc đời nghệ sĩ và dù phải trả giá bằng ngục tù, nhưng anh vẫn tiếp tục sáng tác những nhạc phẩm với tên gọi “Ngục tù ca” và ca khúc mới nhất “Giọt Nước Mắt” ra đời ngay sau phiên tòa xét xử Blogger Mẹ Nấm-Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với bản án được tuyên 10 năm tù.

“…Nếu được lựa chọn cho con làm lại từ đầu, chỉ xin được chọn cho con được đi mãi sau. Mẹ ơi, xin hãy thứ tha, đường đời con mãi ấp ôm một lý tưởng. Lau giọt nước mắt hoen trên đôi mắt của mẹ ơi! Lau giọt nước mắt hoen trên đôi má thơ đơn côi! Giọt nước mắt rơi giữa quê hương. Giọt nước mắt mang tiếng yêu thương vì con vẫn hoài lý tưởng.”

Không có nhận xét nào: