Biển Đông: Trung Quốc kêu gọi dừng thăm dò dầu khí ở vùng tranh chấp --- Biển Đông: Trung Quốc ép Việt Nam để giành nguồn dầu khí --- TQ đẩy nhanh thử tàu ngầm không người lái ở Biển Đông<!>
Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 25/07/2017 đã lên tiếng kêu gọi ngừng thăm dò dầu khí ở vùng đang có tranh chấp trên Biển Đông. Lời kêu gọi được cho là có hàm ý liên quan đến dự án hợp tác giữa công ty dầu khí Tây Ban Nha Repsol và Việt Nam vừa mới phải dừng lại dưới sức ép của Bắc Kinh.
Dự án khoan thăm dò dầu khí tại lô 136-03, nằm ở ngoài khơi phía đông nam của Việt Nam đã được Hà Nội cấp phép cho tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol và đã đi vào hoạt động từ giữa tháng 6 năm nay. Tuy nhiên lô khai thác này nằm bên trong đường 9 đoạn trên Biển Đông do Trung Quốc tự vẽ để đòi chủ quyền. Việt Nam đã bất ngờ cho ngừng khoan thăm dò dầu khí tại lô nói trên trước sức ép của Trung Quốc, theo nguồn tin của BBC hôm 24/07.
Theo Reuters, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lục Khảng (Lu Kang) cho biết Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là đảo Nam Sa, và có quyền pháp lý đối với các vùng biển xung quanh cũng như đáy biển.
Trong buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, ông Lục Khảng tuyên bố : “Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan chấm dứt các hoạt động xâm phạm đơn phương và hành động thực tế để bảo vệ tình hình không dễ có được ở biển Đông hiện nay“.
Trong khi đó, trang mạng straitstimes.com hôm nay đưa tin Trung Quốc tỏ ý cho biết sẵn sàng hợp tác với Philippines cùng thăm dò khai thác dầu khí trong vùng biển đang có tranh chấp trên Biển Đông.
Ghé Manila ngày hôm qua, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị giải thích rằng trong các vùng biển có chồng lấn quyền lợi, nếu một bên triển khai các hoạt động đơn phương thì bên kia cũng sẽ có các biện pháp tương tự. Như vậy sẽ làm tình hình trở nên phức tạp.
Ông Vương Nghị cũng tuyên bố thêm là hợp tác cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên trong các vùng biển tranh chấp là một sự “khôn khéo về chính trị”. Trước đó một hôm, tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte đã cho biết đã tìm được một đối tác để thăm dò khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Tuy nhiên ông không cho biết rõ cụ thể đối tác nào.
Trung Quốc luôn tuyên bố chủ quyền ở hầu hết Biển Đông. Hồi tháng 7/2016, Tòa Trọng Tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc. Nhưng trên thực địa, chế độ Bắc Kinh vẫn đang chiếm ưu thế trong việc kiểm soát hầu hết vùng biển chiến lược này và gây sức ép với các bên đang có tranh chấp với họ về chủ quyền trên Biển Đông. - RFI
***
Bắc Kinh không còn che giấu ý đồ khống chế Biển Đông giành quyền khai thác nguồn dầu khí trong vùng, và sẵn sàng đe dọa dùng võ lực để cấm các nước khác thăm dò trong vùng biển mà Trung Quốc cho là thuộc chủ quyền của họ. Theo những nguồn tin chưa được chính thức xác nhận, thì vào thượng tuần tháng 07/2017, Bắc Kinh đã dọa Hà Nội là sẽ tấn công các cơ sở Việt Nam ở vùng quần đảo Trường Sa nếu Hà Nội không đình chỉ việc thăm dò vừa tiến hành tại một lô khai thác nằm trong vùng biển sát Việt Nam nhưng bị Trung Quốc nhận là của họ. Cũng theo các nguồn tin trên thì Hà Nội đã phải lùi bước trước sức ép của Bắc Kinh.
Trong bài phân tích đăng ngày 25/07/2017, tập san Nhật Bản The Diplomat cho rằng sự kiện đó chứng tỏ là Bắc Kinh vẫn dùng đến những biện pháp cưỡng chế, ép buộc để đạt mục tiêu, cho dù vẫn phô trương bề mặt hòa hoãn.
Prashanth Parameswaran, tác giả bài viết, đã từng nêu bật cảnh giác đối với điều mà ông gọi là “Ảo tưởng về một Biển Đông bình lặng” và lấy ví dụ về việc Trung Quốc mới đây, vào tháng 6, đã bất ngờ hủy bỏ một chương trình giao lưu quốc phòng thường kỳ với Việt Nam vì không tán đồng một số hoạt động dầu khí của Việt Nam tại Biển Đông. Đối với nhà báo của tờ The Diplomat, Trung Quốc đã làm như vậy nhằm gây áp lực, buộc Việt Nam phải đình chỉ việc thăm dò dầu khí tại vùng Biển Đông mà Bắc Kinh cho là thuộc chủ quyền của họ.
Không lạ vì Trung Quốc đã quen thói bắt nạt
Về sự cố mới nhất được đài BBC tiết lộ hôm 24/07 theo đó Việt Nam đã bị buộc phải đình chỉ việc thăm dò lô dầu khí 136-03 sau khi bị Trung Quốc dọa là sẽ đánh vào các căn cứ của Việt Nam tại vùng quần đảo Trường Sa nếu không chịu dừng, The Diplomat cho rằng, nếu tin trên được kiểm chứng, thì điều đó không có gì đáng ngạc nhiên.
Lý do theo tờ báo Nhật Bản, đó là vì "trong vài năm gần đây, Trung Quốc đã có một loạt hành vi dùng sức mạnh thúc ép các láng giềng để áp đặt ý muốn của Bắc Kinh trong các vấn đề tranh chấp biển đảo. Nhật Bản đã bị Trung Quốc dồn ép từ năm 2012 trong vụ tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Tokyo đang quản lý; Philippines thì bị Trung Quốc lấy mất vùng bãi cạn Scarborough cũng bắt đầu từ năm 2012. Riêng đối với Việt Nam, thì nổi bật là vụ Bắc Kinh đưa giàn khoan HD-981 đến cắm sâu trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào năm 2014".
Theo nhận xét của The Diplomat, cách hành xử hung hăng đó của Trung Quốc không hề có dấu hiệu thay đổi, kể cả khi Bắc Kinh ra sức tuyên truyền cho ý tưởng về một Biển Đông yên ắng trở lại kể từ năm nay nhờ việc Bắc Kinh và ASEAN đã thỏa thuận về bộ khung của một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông.
Trong thực tế, theo The Diplomat, các nước Đông Nam Á đã nhận thức được rõ ba yếu tố mới có liên quan đến Biển Đông: Các giải thích trong phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông phủ nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc; quan điểm mềm mỏng hơn đối với Trung Quốc trên vấn đề Biển Đông của Philippines dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte; và thái độ còn mập mờ của Hoa Kỳ thời tổng thống Donald Trump.
Căn cứ vào ba yếu tố đó các quốc gia Đông Nam Á đã có một loạt bước đơn phương để bảo vệ và thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền của mình. Trong bối cảnh đó, Bắc Kinh cũng gia tăng các hành động nhằm chống lại những động thái này.
Việt Nam thành nước đi đầu chống Trung Quốc tại Biển Đông
The Diplomat công nhận rằng trong số các động thái gần đây của các quốc gia Đông Nam Á liên quan đến Biển Đông, từ việc Indonesia đổi tên một phần của Biển Đông, cho đến thông báo của một quan chức năng lượng Philippines theo đó nước này sẽ khoan dò trở lại tại vùng Bãi Cỏ Rong (Reed Bank) từ nay đến cuối năm, không một động thái nào táo bạo như các quyết định của Việt Nam, đã trở thành nước Đông Nam Á duy nhất đứng mũi chịu sào chống lại các đòi hỏi của Trung Quốc. Và phản ứng của Bắc Kinh đối với Việt Nam cũng dữ dội hơn là đối với các nước Đông Nam Á khác.
Điều đáng ngại, theo bài viết trên tờ The Diplomat, là trong những năm qua, thái độ cứng rắn của Trung Quốc lúc năng, lúc nhẹ tùy theo diễn biến của tình hình. Thái độ cứng rắn của Bắc Kinh đối với Hà Nội hiện nay được thể hiện trong giai đoạn được chính Trung Quốc gọi là hòa dịu trở lại. Điều gì sẽ xẩy ra trong trường hợp tình hình nóng lên?
Riêng về sự cố liên quan đến việc Việt Nam phải tạm dừng đề án thăm dò, khai thác lô 136-06 sau khi bị Trung Quốc dọa dùng võ lực, báo chí quốc tế đã có nhiều bài phân tích cho dù tin này vẫn chưa được xác minh một cách chính thức.
Việt Nam phải cẩn thận để chính sách năng lượng không bị tác hại
Nhật báo Úc The Australian, ngày hôm qua, 25/07 đã cho rằng sự cố đó nêu bật tính chất mong manh của tình hình yên lặng tương đối trên Biển Đông trong một năm gần đây.
Tờ báo đã ghi nhận là ngoại việc giao cho hãng Talisman Vietnam thuộc tập đoàn Tây Ban Nha Repsol thăm dò lộ 136-06, Việt Nam cũng để cho tập đoàn Mỹ Exxon Mobil quyền khai thác một khu vực nằm ở bìa vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, cũng như triển hạn quyền thăm dò một lô ở Biển Đông cho tập đoàn Ấn Độ ONGC Videsh.
Việc Việt Nam phải chiều theo sức ép của Trung Quốc, nếu được xác minh, sẽ có hệ quả tai hại đối với Hà Nội. Tờ báo Úc trích dẫn phân tích của giáo sư Úc Carl Thayer, một chuyên gia kỳ cựu về Biển Đông, cho rằng nếu các công ty nước ngoài bị buộc phải rút đi, điều đó sẽ phá hoại chương trình năng lượng của Việt Nam, khiến cho Việt Nam khó mời được công ty ngoại quốc nào khác vào đấu thầu các dự án năng lượng tương lai của mình.
Đối với giáo sư Thayer, việc Trung Quốc đe dọa đánh Trường Sa là một bước leo thang nghiêm trọng, và như vậy, Bắc Kinh có thể sẽ sử dụng đội tàu đánh cá của họ, đội dân quân biển và lực lượng Hải Cảnh trước khi viện đến Hải Quân.
Theo giáo sư Thayer, việc Trung Quốc đe dọa Việt Nam cũng là một « kịch bản ác mộng » đối với giới lãnh đạo Việt Nam, vì lẽ bất cứ cuộc tấn công nào vào một thực thể do Việt Nam kiểm soát ở Biển Đông, đều sẽ kích động tinh thần bài Trung Quốc của người dân Việt Nam.
Có điều, giáo sư Thayer cho rằng, nếu Trung Quốc đánh Việt Nam, điều đó sẽ gióng lên hồi chuông báo động khắp khu vực, và sẽ lại chia rẽ khối nước Đông Nam Á về phương cách ứng phó. Ngoài ra, hành động đó đồng nghĩa với việc công khai thách thức Mỹ, Nhật và các cường quốc hàng hải khác.
Trong trường hợp đó, giáo sư Thayer đặt ra câu hỏi: “Liệu các nước đó có thực sự muốn chiến tranh với Trung Quốc hay không, chỉ để bảo vệ nền công nghiệp dầu mỏ của Việt Nam, hoặc một vài mỏm đá nhỏ ở Biển Đông?" - RFI
***
Tân Hoa Xã đưa tin vào hôm 22/7 rằng một tàu nghiên cứu của chính phủ đã hạ thủy hàng chục tàu ngầm dò tìm tại một vị trí chưa được xác định ở Biển Đông hồi đầu tháng này. Tân Hoa Xã nói rằng đây là hoạt động phối hợp tàu ngầm không người lái lớn nhất. Việc này diễn ra ngày sau khi Hoa Kỳ tuyên bố tiếp tục tuần tra trong vùng biển đang có tranh chấp.
Theo đài truyền hình CCTVPlus, tàu nghiên cứu "Khoa học” chở các chiếc tàu ngầm đã rời Thanh Đảo vào ngày 10/7 và trở về thành phố Hạ Môn ở tỉnh Phúc Kiến miền đông Trung Quốc hôm thứ Sáu 21/7.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng nói đây là nỗ lực mới nhất của Bắc Kinh nhằm tăng tốc và cải tiến việc thu thập dữ liệu đại dương ở Biển Đông cho các hoạt động của đội tàu ngầm Trung Quốc, diễn ra vào lúc có tin nói Tổng thống Donald Trump chấp thuận kế hoạch cho phép Hải quân Mỹ nhiều quyền tự do hơn trong hoạt động tuần tra trên Biển Đông – một động thái mà các nhà phân tích nói rằng sẽ làm tăng bất trắc trong quan hệ Trung-Mỹ và các vấn đề an ninh khu vực.
Trang web của hãng tin Breitbart News trích lời một viên chức Mỹ cho biết hôm thứ Sáu rằng kế hoạch này do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis phát thảo vào tháng 4 năm nay, khi ông đưa ra kế hoạch 5 năm cho tàu hải quân Mỹ tuần tra vùng biển tranh chấp ở Biển Đông,
Một động thái như vậy có thể được xem như một thách thức đối với tuyên bố chủ quyền lãnh hải của Trung Quốc trong vùng biển đang tranh chấp.
Ông Yu Jiancheng, nhà khoa học thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, cho biết 12 chiếc tàu ngầm Hải quân Haiyi (còn gọi là Sea Wing) sẽ hoạt động trong một tháng để thu thập thông tin chi tiết trên đại dương về nhiều chủ đề, bao gồm nhiệt độ, độ mặn, độ sạch của nước, mức oxy, tốc độ và hướng dòng chảy của đại dương.
"Dữ liệu được truyền ngay lập tức về một phòng thí nghiệm trên đất liền ", nghĩa là thông tin được gửi đi ngay khi nó được thu thập dưới nước, ông Yu đã được Tân Hoa Xã dẫn lời.
Ông Yin Jingwei, Hiệu trưởng Trường Kỹ thuật Âm thanh Hải dương thuộc Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, nói rằng nếu kế hoạch được vận hành như kỳ vọng "việc này chắc chắn là một bước đột phá."
Trường Đại học Kỹ thuật Cáp Nhĩ Tân, trước đây gọi là Học viện kỹ thuật quân sự của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã chế tạo chiếc tàu ngầm đầu tiên của Trung Quốc. Ông Yin là nhà khoa học hàng đầu trong nhiều dự án nghiên cứu quân sự về thông tin liên lạc dưới nước.
Tân Hoa Xã không cho biết cách thức liên lạc giữa các tàu ngầm, hoặc khoảng cách giữa các tàu ngầm khi vận hành. - VOA
2.
Trung Quốc: Tập Cận Bình ra tay "đả hổ" trước Đại hội Đảng
La Croix hôm nay nhận xét « Tập Cận Bình trừ khử các địch thủ để duy trì quyền lực ». Le Monde có bài viết dài mang tựa đề « Tập Cận Bình thanh trừng trước Đại hội Đảng », với sự kiện bí thư thành ủy Trùng Khánh Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) bị thay thế bởi Trần Mẫn Nhi (Chen Miner), một người thân tín của ông Tập.
Tôn Chính Tài : Ủy viên Bộ Chính trị đầu tiên bị Tập « đả hổ »
Bản tin rất ngắn gọn, cũng như trường hợp tất cả những con « hổ » trong đảng bị « đả » trước đây trong nhiệm kỳ năm năm đầu tiên của chủ tịch Tập Cận Bình. Tân Hoa Xã hôm 24/7 loan báo việc mở điều tra đối với ông Tôn Chính Tài vì « vi phạm kỷ luật nghiêm trọng », khẳng định sự thất sủng của người đứng đầu Trùng Khánh - đại đô thị 30 triệu dân đang phát triển mạnh, đồng thời là mảnh đất đầy bẫy rập cho các quan chức nhiều tham vọng.
Le Monde dẫn lời một phóng viên báo nhà nước : « Đó là rủi ro chính trị, không ai ngạc nhiên cả ». Đại hội Đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19 sắp họp vào mùa thu này, và tổng bí thư Tập Cận Bình sẽ tiếp tục nhiệm kỳ 5 năm thứ hai. Nhưng mức độ tập trung quyền lực trong tay ông Tập và các đồng minh như thế nào sau đại hội thì chưa ai biết được.
Ủy viên Bộ Chính trị Tôn Chính Tài như vậy sẽ bị gạt ra khỏi cơ quan quyền lực này. Là bộ trưởng Nông Nghiệp năm 2006 rồi chủ tịch tỉnh Cát Lâm (Jilin) năm 2009, ông được đôn lên làm bí thư thành ủy Trùng Khánh năm 2012. Người tiền nhiệm Bạc Hy Lai, đối thủ tiềm năng của ông Tập sau một vụ xì-căng-đan lớn đã phải ra tòa lãnh án chung thân.
Tôn Chính Tài thuộc loại quan chức « trẻ » : 53 tuổi, nhỏ hơn Tập Cận Bình 10 tuổi. Ông là « thế hệ lãnh đạo thứ sáu » của đảng, nằm trong số những người có thể nối gót nếu ông Tập chịu rút lui vào năm 2022, sau 10 năm cầm quyền như những người tiền nhiệm. Theo ông Tăng Nhuệ Sinh (Steve Tsang), giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc thuộc School of Oriental and African Studies (SOAS) ở Luân Đôn, thì « Đó là một lời cảnh cáo thẳng thừng. Các quan chức tham vọng ở cùng độ tuổi đã được báo trước : hoặc phủ phục trước Tập Cận Bình, hoặc trở thành kẻ thù của ông ta ».
Tăng Nhuệ Sinh giải thích : « Tôn Chính Tài không đứng về phía Tập Cận Bình, cũng như tất cả các bộ trưởng và quan chức có hàm tương đương đã bị thất sủng trong 5 năm qua ».Hồi tháng Hai, Ủy ban Thanh tra Kỷ luật Trung ương do Vương Kỳ Sơn, đồng minh của Tập Cận Bình lãnh đạo, đã chỉ trích hiệu quả làm việc của ban lãnh đạo Trùng Khánh. Họ bị phê phán vì để tham nhũng lan tràn, và ông Tôn thì bất lực trong việc diệt trừ ảnh hưởng « độc hại » của Bạc Hy Lai – dù ông Bạc đang ngồi tù. Ủy ban ra lệnh phải phục tùng « chính quyền trung ương » - tất nhiên phải hiểu là Tập Cận Bình.
Trần Mẫn Nhi, Hồ Xuân Hoa : Hai đệ tử trung thành
Không có gì bất ngờ khi một người thân tín của ông Tập lên thay ông Tôn hôm 15/7, trước khi việc Tôn Chính Tài bị điều tra được chính thức loan báo. Trần Mẫn Nhi, 56 tuổi, chủ yếu làm việc tại nguyên quán Chiết Giang (Zhejiang), từ trưởng ban tuyên huấn rồi lên phó chủ tịch thành phố, nơi ông Tập từng lãnh đạo trong 5 năm (2002-2007). Ông Trần là viên chức tận tụy trung thành với ông Tập. Le Monde nhắc lại, hồi tháng Năm, chức bí thư thành ủy Bắc Kinh cũng đã được trao cho một quan chức khác từng làm việc với Tập Cận Bình một thời gian dài ở Chiết Giang.
Trần Mẫn Nhi nằm trong số những đệ tử trung thành nhất. Từ năm 2015, ông lãnh đạo Quý Châu (Guizhou), một trong những tỉnh nông nghiệp nghèo, là một bước chuyển bắt buộc trước khi được cất nhắc lên cao. Nhà bình luận Lưu Nhuệ Thiệu (Johnny Lau Yui Siu) ở Hồng Kông nhận định : « Ông ta hãy còn non, nhưng mọi thăng quan tiến chức đều nhờ bám chặt Tập Cận Bình ». Chức bí thư Trùng Khánh được coi là một chiếc ghế chiến lược, sau bước nhảy này Trần Mẫn Nhi còn có thể được thăng lên một cấp nữa, trở thành ủy viên Bộ Chính trị sau Đại hội 19.
Một ứng viên khác là Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua), 54 tuổi, bí thư tỉnh Quảng Đông. Cũng như Tôn Chính Tài, ông ta từng được cựu chủ tịch Hồ Cẩm Đào nâng đỡ, nhưng Hồ Xuân Hoa lại biết ngoan ngoãn tuyên thệ trung thành với Tập Cận Bình.
Hồi tháng Tư, Hồ Xuân Hoa đã đến làng Ô Khảm (Wukan), nơi ông ta đã đàn áp phong trào dân chủ, một cách để chứng tỏ sự ủng hộ phe chủ trương cứng rắn. Rồi đến tháng Năm, trong một bài diễn văn kéo dài 1 giờ 40 phút, ông đã nhắc tên Tập Cận Bình đến 26 lần và từ « hexin »(hạch tâm, tức cốt lõi) 7 lần. Đây là từ ngữ dùng để chỉ việc tập trung quyền lực vào tay ông Tập.
Tham vọng Tập Cận Bình có dừng ở năm 2022 ?
Le Monde nhấn mạnh, đây chính là vấn đề chủ yếu của Đại hội 19 : liệu một người kế nhiệm Tập Cận Bình sẽ được chỉ định trong dịp này, như mười năm trước ông Tập đã được đề cử làm phó chủ tịch nước để chuẩn bị lên kế vị ? Hai khuôn mặt trên đây liệu có hy vọng gì không ? Chuyên gia Tăng Nhuệ Sinh nhìn nhận : « Hiện nay chưa ai có thể nói trước gì được ».
Vấn đề này lại còn tùy thuộc vào một câu hỏi khác : liệu tham vọng của Tập Cận Bình có vượt quá kỳ hạn năm 2022 ? Theo thông lệ, sau 10 năm làm tổng bí thư kiêm chủ tịch nước thì phải rời ghế. Tuy trên giấy tờ việc tiếp tục tại vị không bị cấm cản, nhưng nếu ông Tập nhất định ngồi lại, thì sẽ phá vỡ truyền thống xưa nay.
Le Monde nhắc lại, những người tiền nhiệm của Tập Cận Bình sau hai nhiệm kỳ đều rút lui, và tiếp tục giựt dây trong hậu trường. Đặng Tiểu Bình vẫn là khuôn mặt có ảnh hưởng bao trùm lên đời sống chính trị Trung Quốc thậm chí cả sau năm 1990, khi ông Đặng chỉ còn chức vụ duy nhất là chủ tịch danh dự Hiệp hội những người chơi bài bridge Trung Quốc ! Theo La Croix, quyền lực của Tập Cận Bình hiện nay mạnh cho đến nỗi ông ta muốn ngự trị trên ngai vàng cho đến tận năm 2027. - RFI
3.
Moscow dọa hạ quan hệ, trả đũa dự luật chế tài của Mỹ
Phó Ngoại trưởng Nga Serge Ryabkov nói Moscow có thể sẽ trả đũa Mỹ để đáp lại loạt các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga, vì cho rằng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm ngoái.
Hạ viện Hoa Kỳ thông qua dự luật hôm thứ Ba 25/7. Dự luật đồng thời mở rộng quyền kiểm soát của Quốc hội đối với việc Tổng thống Donald Trump có thể giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt Nga.
Theo truyền thông của chính phủ Nga, ông Ryabkov cảnh báo rằng các biện pháp trừng phạt mới sẽ phá hỏng cơ hội cải thiện quan hệ giữa Moscow và Washington. Ông cũng tuyên bố rằng trước đây Nga đã cảnh báo chính quyền của ông Trump rằng Nga sẽ đáp trả mạnh nếu các nhà lập pháp Mỹ thông qua dự luật này.
Quyền giám sát mới được đưa vào dự luật sau hơn một tháng đàm phán lưỡng đảng và vài lần trì hoãn. Một phiên bản trước của dự luật được Thượng viện thông qua với tỉ lệ áp đảo 97/2 vào tháng 6.
Dự luật vừa được Hạ viện thông qua với 419 phiếu thuận 3 phiếu chống, bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với Iran và Bắc Triều Tiên, ngoài các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga vì nhiều lý do.
Dân biểu Cộng hòa Ed Royce, đại diện bang California, nói: "Các chế độ này từ những nơi khác nhau trên thế giới đang đe dọa những lợi ít sống còn của Hoa Kỳ và họ đang gây bất ổn cho các nước láng giềng."
Quốc hội Phê duyệt
Dân biểu Royce cho biết dự luật này đảm bảo các biện pháp trừng phạt kinh tế và ngoại giao cứng rắn được duy trì bằng cách trao quyền cho Quốc hội xem xét và bác bỏ việc giảm nhẹ trừng phạt.
Dân biểu đảng Dân chủ Eliot Engel, thành viên Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện nói với đài VOA ngay trước khi bỏ phiếu khi đề cập đến Tổng thống Nga Vladimir Putin như sau: "Nếu Tổng thống Trump muốn chơi gôn hoặc làm điều gì đó với người bạn thân Putin của ông, thì ông không thể rủ Quốc hội chơi cùng vì chúng tôi sẽ trừng phạt ông Putin."
Dự luật lưỡng đảng giới hạn quyền của Tổng thống Trump về các biện pháp chế tài được đưa ra giữa lúc có cuộc điều tra của Quốc hội về các cáo buộc liên quan giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump với Nga.
Ông William Pomeranz, Phó Giám đốc Trung tâm Wilson thuộc Viện Kennan nói với đài VOA: "Đây là một sự kìm hãm đáng kể đối với Tổng thống Trump vì không một tổng thống nào muốn đánh mất quyền giảm các biện pháp trừng phạt. Trên thực tế, rất hiếm khi Quốc hội đưa quyền này vào. Nhưng rõ ràng, với một loạt các vấn đề về chính trị như hiện nay, Quốc hội đã ra tay trong trường hợp này."
Phản ứng của Tòa Bạch Ốc
Chính quyền Trump nay đồng ý với các lệnh trừng phạt, nhưng trước đó đã phản đối những thay đổi này.
Mấy tuần lễ trước khi dự luật này được thông qua, Tòa Bạch Ốc đã chống lại các nỗ lực hạn chế quyền của cơ quan hành pháp có thể đơn phương giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt, với lập luận rằng điều đó hạn chế các điều kiện mà Mỹ có thể dùng khuyến khích cách hành xử của Nga và để xây dựng mối quan hệ tốt đẹp hơn với ông Putin.
Nếu được thông qua, dự luật sẽ tạo cho Quốc hội một quy trình nhanh chóng để bác lại bất kỳ động thái nào mà tổng thống đưa ra nhằm chấm dứt các biện pháp trừng phạt.
Phó Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Sarah Huckabee Sanders nói với các phóng viên hôm thứ Hai:"Tổng thống rất ủng hộ các lệnh trừng phạt đối với các quốc gia này và muốn đảm bảo duy trì các lệnh này, nhưng đồng thời cũng muốn đảm bảo rằng chúng ta có được những thỏa thuận tốt đẹp. Hai điều đó đều rất quan trọng đối với tổng thống."
Nếu ông Trump không thông qua dự luật này, ông có thể đối diện với những phủ quyết của Quốc hội, và Quốc hội có thể không thông qua các lệnh trừng phạt đối với Iran và Bắc Triều Tiên mà chính quyền của ông ủng hộ.
Những thay đổi trong dự luật phải hợp nhất ở cả Hạ viện và Thượng viện trước khi được chuyển đến tổng thống ký ban hành.
Dân biểu Engel nói với VOA rằng ông hy vọng Thượng viện có thể giải quyết những thay đổi này trước khi các nhà lập pháp Hạ viện bắt đầu kỳ nghỉ tháng 8 vào cuối tuần này. - VOA
|
|
4.
Quân đội Trung Quốc chuẩn bị đối phó khủng hoảng với Bắc Triều Tiên --- Mỹ sắp chế tài thêm Trung Quốc về vấn đề Triều Tiên --- Mỹ: Có tiến bộ trong đàm phán với Trung Quốc về trừng phạt Bình Nhưỡng
Quân đội Trung Quốc hiện đang chuẩn bị cho khả năng xảy ra khủng hoảng với Bắc Triều Tiên, bằng cách củng cố phòng thủ dọc theo đường biên giới dài 1400 km với nước láng giềng khép kín này. Bắc Kinh phải trong tư thế sẵn sàng như vậy trong bối cảnh tổng thống Donald Trump liên tục cảnh cáo là Hoa Kỳ không loại trừ hành động quân sự để ngăn chận chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Trung Quốc đã bắt đầu củng cố phòng thủ dọc theo biên giới Bắc Triều Tiên ngay từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ nhất vào năm 2006, với việc dựng các hàng rào kẽm gai ở nhiều đoạn trên biên giới và tăng cường tuần tra. Vào tháng tư vừa qua, Trung Quốc cũng đã triển khai thêm 150.000 quân dọc theo biên giới Bắc Triều Tiên.
Theo nhật báo Mỹ The Wall Street Journal ngày 25/07/2017, trong chiều hướng đối phó khủng hoảng với Bắc Triều Tiên, quân đội Trung Quốc đã lập một lữ đoàn biên phòng mới, xây các boongke bảo vệ trong trường hợp xảy ra các vụ tấn công bằng vũ khí hạt nhân và hóa học, lắp đặt hệ thống camera giám sát đường biên giới trên núi, sử dụng cả các máy bay không người lái.
Vào tháng trước quân đội Trung Quốc cũng đã mở một cuộc tập trận bắn đạn thật với súng máy từ trực thăng. Trong tháng 7 này, họ còn mở một cuộc thao dượt khác với một đơn vị bộ binh thiết giáp được trang bị những vũ khí mới. Những cuộc tập trận này không chỉ nhằm củng cố khả năng phòng thủ biên giới, mà còn dựa trên giả định một cuộc chiến chống một đối thủ có trang bị vũ khí hạt nhân.
Trả lời báo chí gần đây, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng khẳng định là không hề có hành động quân sự gì đặc biệt ở biên giới Triều Tiên. Ông nhắc lại là Trung Quốc vẫn chủ trương không nên dùng biện pháp quân sự để giải quyết vấn đề bán đảo Triều Tiên.
Mặc dù bộ Quốc Phòng Trung Quốc không trực tiếp thừa nhận những thay đổi nói trên có liên quan đến Bắc Triều Tiên, trả lời nhật báo Mỹ The Wall Street Journal, họ cho biết là lực lượng Trung Quốc bình thường vẫn luôn trong tư thế sẳn sàng chiến đấu và huấn luyện ở biên giới.
Nhưng theo lời một cựu tùy viên quân sự của Mỹ ở Bắc Kinh, tuy đang nỗ lực củng cố phòng thủ ở biên giới, quân đội Trung Quốc vẫn chưa thật sự được chuẩn bị cho một chiến dịch bên trong lãnh thổ Bắc Triều Tiên.
Theo The Wall Street Journal, ngoài việc đối phó với khả năng Hoa Kỳ có hành động quân sự chống Bắc Triều Tiên, Bắc Kinh còn lo ngại làn sóng người tị nạn sẽ ồ ạt đổ sang nếu nổ ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên. Đây là một mối quan ngại rất lớn đối với họ, vì nằm không xa biên giới Bắc Triều Tiên là những khu vực tập trung đông dân số và miền đông bắc Trung Quốc, giáp với Bắc Triều Tiên, có tầm quan trọng về mặt kinh tế. - RFI
***
Mỹ sẽ sớm có các biện pháp chế tài mới nhằm ngăn cản các chương trình võ khí của Bắc Triều Tiên kể cả các biện pháp nhắm vào những định chế tài chính và các tổ chức của Trung Quốc.
Reuters dẫn lời bà Susan Thornton, quyền Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á, ngày 25/7 cho biết các biện pháp trừng phạt mới có thể được áp dụng trong vòng 30 ngày nữa.
Bà Thornton nhấn mạnh: “Chúng tôi đang làm việc để đưa ra một danh sách mới gồm các tổ chức mà chúng tôi thấy có vi phạm. Mọi việc sẽ sớm được thực thi.” - VOA
***
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley ngày 25/07/2017 cho biết: Đàm phán với Trung Quốc về trừng phạt Bắc Triều Tiên đã đạt được triến triển mới. Theo bà Haley, những biện pháp trừng phạt này sẽ rất nghiêm khắc. Trong khi đó, một nguồn tin từ bộ Quốc Phòng Mỹ cho biết Bình Nhưỡng có thể sẽ tiếp tục phóng thử tên lửa trong vài ngày tới.
Theo nữ đại sứ Mỹ : "Tôi nghĩ việc đàm phán đã đạt được tiến triển mới. Tiến độ công việc không được nhanh như tôi mong muốn, nhưng đây là lệnh trừng phạt rất nghiêm khắc và tôi nghĩ mọi người đang đàm phán một cách rất cẩn trọng”.
Từ ba tuần nay, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tiếp tục đàm phán về việc ban hành những biện pháp răn đe mới khắc nghiệt hơn lên chính quyền Kim Jong Un.
Trung Quốc hiện đang thương thảo riêng với Nga về vấn đề này. Nhưng phía chính quyền Putin cho rằng tên lửa hồi đầu tháng 7 không phải tên lửa liên lục địa. Mátxcơva cũng nói rằng hành động trừng phạt chính quyền Kim Jong Un sẽ không đi đến đâu, và đàm phán giữa Bắc Kinh và Bình Nhưỡng mới là biện pháp thiết thực hơn.
Trong khi đó, một viên chức bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ xin giấu tên, cho biết có khả năng Bình Nhưỡng sẽ thử nghiệm một tên lửa mới trong vài ngày tới. Viên chức tiết lộ với hãng tin Pháp AFP rằng “có khả năng” chính quyền Kim Jong Un sẽ phóng thử một chiếc tên lửa tầm trung vào ngày 27/7/2017, nhân kỉ niệm 64 năm kí kết ngừng bắn giữa Bắc và Nam Triều Tiên, ngày mà Bình Nhưỡng gọi là “Ngày Chiến Thắng”.
Theo viên chức này, Bình Nhưỡng đã huy động một số xe vận chuyển thiết bị phóng tên lửa tới khu vực thành phố Kusong, tỉnh Pyongan ở miền Bắc. Đây là nơi Bình Nhưỡng đã phóng thử tên lửa trong thời gian gần đây, chẳng hạn như lần phóng một chiếc tên lừa tầm trung có khả năng bay 700 km vào hồi tháng 5 năm nay.
Vị viên chức nói thêm Bắc Triều Tiên có thể sẽ bắn một trong hai loại tên lửa : một chiếc tên lửa tầm trung hoặc một chiếc tên lửa liên lục địa (được biết đến dưới tên gọi KN-20 hoặc Hwasong-14). - RFI
5.
Bắc Hàn thăm Manila trước hội nghị an ninh khu vực
Phó Ngoại trưởng Bắc Triều Tiên đã gặp gỡ người đồng nhiệm Philippines hôm thứ Tư 26/7 trước cuộc họp an ninh khu vực tại Manila, nơi Bình Nhưỡng dự kiến sẽ phải đối mặt với áp lực phải ngừng chương trình thử nghiệm tên lửa tầm trung.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano nói Phó Ngoại trưởng Bắc Hàn Choe Hui Choi đã dẫn đầu một phái đoàn tới thăm Manila một ngày để thảo luận việc chuẩn bị cho cuộc họp Diễn đàn Khu vực ASEAN vào ngày 7/8. Năm nay, Philippines là nước chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, còn gọi là ASEAN.
Ông Cayetano cho biết mục đích của chuyến thăm là thảo luận việc Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong Ho sẽ tham dự diễn đàn này, và các cuộc hội đàm chủ yếu tập trung vào công tác hậu cần sau khi các quan chức Philippines đưa đoàn Bắc Triều Tiên tham quan các địa điểm tổ chức hội nghị.
Không có thông tin được công bố trước cuộc viếng thăm Manila của phái đoàn Bắc Triều Tiên.
Hai nhà ngoại giao của Bộ Ngoại giao Philippines cho biết Bắc Triều Tiên lo ngại rằng ASEAN có ra tuyên bố mạnh mẽ về tình hình trên bán đảo Triều Tiên nhằm gây sức ép đòi Bình Nhưỡng từ bỏ các cuộc thử nghiệm tên lửa.
Các viên chức Hoa Kỳ hôm thứ Ba 25/7 cho biết họ đã chứng kiến sự gia tăng các hoạt động của Bắc Triều Tiên tại một địa điểm ở thành phố Kusong, có thể là đang chuẩn bị cho một cuộc thử tên lửa khác trong vài ngày nữa.
Bình Nhưỡng cho biết, họ đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên vào ngày 4/7, sau nhiều cuộc thử tên lửa khác kể từ tháng 2.
"Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên cử các nhà ngoại giao hàng đầu kêu gọi khối ASEAN và Philippines, nước chủ tịch luân phiên của khối trong năm nay, để cho Bình Nhưỡng thêm thời gian," một nhà ngoại giao thạo tin về chuyến thăm này nói với Reuters.
Vào đầu năm nay, Bình Nhưỡng đã phái các nhà ngoại giao đến Manila để kêu gọi Chủ tịch ASEAN đừng làm Bắc Hàn bối rối trong cuộc họp khu vực mà các bộ trưởng ngoại giao Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc và Hoa Kỳ sắp tham dự. Bắc Hàn cũng gửi một bức thư tới tổng thư ký ASEAN yêu cầu trợ giúp tương tự.
Một nhà ngoại giao Bắc Triều Tiên cũng đã gặp đại sứ Philippines tại Bắc Kinh với yêu cầu tương tự, và đồng thời mời ông Cayetano tới thăm Bình Nhưỡng.
Ông Cayetano nói trong một cuộc họp báo: "Họ muốn tôi đến Bình Nhưỡng từ Trung Quốc. Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa có kế hoạch đi thăm Bắc Hàn. Chúng tôi thực sự phải tham vấn ý kiến với ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga và Hoa Kỳ.” - VOA
6.
Taliban tấn công Afghanistan, 26 binh sĩ chết
Các viên chức Afghanistan đã xác nhận vụ tấn công do phiến quân Taliban thực hiện hôm thứ Tư 26/7, khiến ít nhất 26 binh sĩ thiệt mạng và 13 người khác bị thương trong tỉnh Kandahar.
Một tuyên bố chính thức được phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Dawlat Waziri trích lời nói rằng vụ tấn công đêm hôm qua ở quận Khakrez nhắm vào Quân đội Quốc gia Afghanistan, còn gọi là ANA.
Ông Waziri nói trong cuộc phản công, quân đội đã "hạ sát và làm bị thương" 80 phiến quân Taliban.
Các chỉ huy quân sự địa phương nói với các phóng viên rằng với sự yểm trợ của không quân, bộ binh đã đẩy lui phiến quân, mở đường cho máy bay trực thăng quân sự đưa những người bị thương tới các bệnh viện lân cận.
Tin nói quân Taliban đã lấy đi nhiều vũ khí và trang thiết bị quân sự khác.
Một phát ngôn viên Taliban cho biết họ đã chiếm được căn cứ quân sự sau khi giết chết 74 lính Afghanistan và bắt 6 người khác.
Hiện chưa thể xác minh một cách độc lập tuyên bố của các bên.
Trong khi đó, lúc sáng sớm hàng trăm phiến quân Taliban đã mở một cuộc tấn công tại một quận chính của tỉnh Noordistan. - VOA
7.
Đối lập Venezuela huy động tổng đình công "chiếm đóng thủ đô"
Venezuela chuẩn bị tổng đình công 48 giờ trong hai ngày 26-27/07/2017, theo lời kêu gọi mang tính chất tối hậu thư của đối lập. Mục đích là buộc tổng thống Nicolas Maduro hủy bỏ cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, ấn định vào chủ nhật 30/07/2017. Đối lập Venezuela xem dự án viết lại Hiến Pháp là mưu kế của ông Maduro bám víu quyền lực, lẩn tránh Quốc Hội hiện hành và cuộc bầu cử tổng thống năm 2018.
Đã có ơn 100 người chết từ khi các cuộc biểu tình chống chế độ bị xem là "độc tài và bất lực" nổ ra từ bốn tháng nay. Hơn 70% dân chúng cũng chống lại dự án của tổng thống, theo một kết quả thăm dò công luận.
Từ Caracas, thông tín viên Julien Gonzalez tường thuật :
Phó chủ tịch Quốc Hội Venezuela thông báo rõ ý định vào chiều 25/07. Ông kêu gọi dân chúng hãy tận lực hy sinh để gây sức ép với tổng thống Nicolas Maduro bốn ngày trước bầu cử Quốc Hội Lập Hiến vào chủ nhật tới.
Đối lập đã báo trước "một tuần lễ đòi hỏi nhiều thử thách từ thể chất đến tinh thần". Sau cuộc tổng đình công ngày thứ năm tuần trước, đối lập Venezuela tiếp tục lấn tới, lần này với khẩu hiệu "hai ngày đình công" bắt đầu từ 6 giờ sáng thứ tư 26/07, giờ địa phương.
Chiếm đóng Caracas
Đông đảo tổ chức công đoàn thông báo ủng hộ và tham gia phong trào đình công, mà đứng đầu là Liên Đoàn Người Lao Động Venezuela. Nghiệp đoàn quan trọng nhất nhì tại quốc gia châu Mỹ La tinh này dự báo cuộc đình công hai ngày sẽ "thành công toàn diện", công chức cũng sẽ tham gia.
Sau thứ tư và thứ năm, cuộc đấu tranh sẽ không giảm cường độ ở ngày thứ sáu bởi vì đối lập đã tung ra tối hậu thư gửi chính phủ: Một cuộc xuống đường cùng với một khẩu hiệu "chiếm lĩnh Caracas" và những hành động khác nếu chính phủ vẫn không nhượng bộ.
Đối diện, tổng thống Nicolas Maduro kháng cự. Một lần nữa ông kêu gọi "nhân dân Venezuela đi bầu Quốc Hội Lập Hiến" hôm chủ nhật. - RFI
8.
Uỷ Ban Châu Âu sẳn sàng khởi động thủ tục trừng phạt Ba Lan
Tuyên bố tại Bruxelles ngày 26/07/2017, phó chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu Frans Timmermans cho biết là Uỷ Ban sẵn sàng “khởi động ngay thủ tục theo điều 7” đối với Ba Lan, nếu Vacxava cách chức các thẩm phán Tòa Án Tối Cao của nước này.
Thủ tục theo điều 7 của hiệp ước Liên Hiệp Châu Âu, vẫn được mô tả như “vũ khí hạt nhân”, là biện pháp trừng phạt nặng nhất, chưa bao giờ được sử dụng đối với một nước thành viên, có thể dẫn đến việc đình chỉ quyền bỏ phiếu của Ba Lan trong Hội Đồng Liên Hiệp, cơ chế quy tụ 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu.
Uỷ Ban Châu Âu cũng thông báo sẽ khởi động một thủ tục xử phạt, một thủ tục thông thường hơn, có thể dẫn đến các trừng phạt tài chính đối với Vacxava, ngay khi Ba Lan chính thức công bố luật mới về việc cải tổ các tòa hình sự. Theo Bruxelles, việc cải tổ các tòa án này bao gồm những biện pháp mang tính phân biệt nam nữ.
Hôm qua, tổng thống Ba Lan, Andrej Duda đã gây bất ngờ khi ông phủ quyết hai đạo luật cải tổ tư pháp khác liên quan đến Tòa Án Tối Cao và Hội Đồng Thẩm Phán Quốc Gia, những đạo luật bị xem là đe doạ đến sự độc lập của ngành tư pháp.
Phe đối lập Ba Lan đã hoan nghênh hành động này của tổng thống. Trong khi đó, các lãnh đạo của đảng Pháp Luật và Công Lý tuyên bố dứt khoát không lùi bước, bất chấp áp lực không chỉ của Liên Hiệp Châu Âu và Mỹ, mà của cả công luận Ba Lan. - RFI
9.
Manila 'hỏi láng giềng' trước khi khai thác dầu với TQ
Philippines hôm thứ Tư trấn an các quốc gia láng giềng ở Đông Nam Á liên quan tới đề xuất của nước này trong việc hợp tác khai thác dầu khí cùng Bắc Kinh tại vùng biển có tranh chấp, hãng tin AFP nói.
Manila hứa sẽ tham vấn với các nước liên quan về các kế hoạch đó.
Việc Tổng thống Rodrigo Duterte làm giảm nhẹ chính sách của người tiền nhiệm trước các đòi hỏi của Trung Quốc ở Biển Đông đã khiến các nước khác trong vùng cảm thấy lo lắng.
Hôm thứ Hai, ông Duterte nói chính phủ ông đang đàm phán với Trung Quốc về việc khai thác chung các nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng biển này sau nhiều năm căng thẳng giữa hai nước.
Truyền thông Philippines dẫn lời Ngoại trưởng nước này Alan Peter Cayetano, nói việc phát triển chung giữa hai nước đã được lãnh tụ Trung Quốc Đặng Tiểu Bình và Tổng thống Corazon Aquino nêu ra từ 1986.
Bộ Năng lượng hôm 12/7 nói rằng việc khoan dầu khí tại Recto Bank, nơi có tên quốc tế là Reed Bank và Việt Nam gọi là Bãi Cỏ rong, có thể sẽ được nối lại vào cuối năm nay.
Tin tức nói chính phủ Philippines sẽ mở thầu cho các nhà đầu tư tham gia đấu thầu các lô thăm dò, khai thác trong tháng Mười Hai.
Các hoạt động tại đây đã bị ngưng từ 2014, khi Manila chờ kết quả phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague về vụ kiện Biển Đông.
'Không hành động đơn phương'
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Philippines Alan Peter Cayetano hôm thứ Tư nói rằng Manila sẽ tham vấn với chín nước thành viên ASEAN về đề xuất khai thác chung với Trung Quốc.
"Sẽ không phải là hành động đơn phương của Philippines, bởi ngài tổng thống đã hứa là sẽ vì hòa bình và ổn định, mà hành động đơn phương của bất kỳ bên nào cũng đều sẽ dẫn tới sự mất ổn định," ông nói với các phóng viên.
"Sẽ cũng có cả các cuộc tham vấn với toàn khối ASEAN bởi chúng tôi muốn có sự ổn định ở đó."
Ông Duterte đã làm giảm nhẹ việc tranh chấp trên biển giữa nước ông với Trung Quốc nhằm đổi lấy việc có được hàng tỷ đô la thương mại và đầu tư từ Bắc Kinh.
Ông cũng từ chối việc áp dụng nội dung phán quyết mà PCA đưa ra năm ngoái theo đó bác bỏ các tuyên bố của Bắc Kinh đối với hầu hết các diện tích trên Biển Đông.
Phiên họp thượng đỉnh của ASEAN hồi tháng Tư, do ông Duterte chủ trì, đã không đưa ra được tuyên bố lên án việc Trung Quốc thúc đẩy việc nắm quyền kiểm soát hầu hết vùng biển này.
Tuần tới, ông Cayetano sẽ gặp các ngoại trưởng khối ASEAN tại Manila, và dự kiến chủ đề Biển Đông sẽ nằm trong nghị trình bàn thảo, AFP nói.
Hiện ông Cayetano từ chối cho biết liệu hoạt động khai thác dầu khí chung giữa Trung Quốc và Philippines có nằm trong các khu vực biển mà Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền hay không.
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị hôm thứ Ba, khi tới thăm Manila, nói rằng Bắc Kinh để ngỏ khả năng phát triển chung với Manila, và cảnh báo việc bất kỳ nước nào tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông "đơn phương phát triển" hoạt động thăm dò, khai thác, sẽ gây tổn hại tới tình hình chung.
"Ở các vùng nước có sự chồng lấn về quyền và lợi ích, nếu một bên đơn phương phát triển, rồi một bên khác có hành động tương tự, thì điều đó sẽ làm phức tạp hóa tình hình trên biển, có thể dẫn đến căng thẳng và cuối cùng thì không ai có thể khai thác được các nguồn tài nguyên," ông Vương nói. - BBC
Tin Hoa Kỳ
10.
Thượng Viện Mỹ bác bỏ dự luật hủy Obamacare
Thượng Viện Mỹ hôm Thứ Ba với số phiếu khít khao là 50 chống, 51 thuận đồng ý khởi sự cuộc tranh luận về một dự luật nhằm hủy bỏ và thay thế Obamacare.
Tuy nhiên, chỉ ít giờ sau đó, các nhà lãnh đạo phía Cộng Hòa tại Thượng Viện gặp thất bại khi một kế hoạch do họ đưa ra nhằm thay thế Obamacare không có đủ số phiếu cần thiết để thông qua.
Trong cuộc bỏ phiếu thứ nhì này vào khuya ngày Thứ Ba, phía Cộng Hòa cần 60 phiếu để thông qua. Tuy nhiên, kết quả sau cùng là 43 phiếu thuận và 57 phiếu chống.
Sự kiện dự luật về chương trình thay thế Obamacare không có được tới 50 phiếu là một chỉ dấu đáng ngại cho giới lãnh đạo Cộng Hòa tại Thượng Viện, vốn vẫn còn đang tìm kiếm một giải pháp ổn thỏa với mọi phe phái trong đảng để thông qua một dự luật nào đó trong tuần này, theo bản tin của tờ New York Times.
Thượng Viện Mỹ nay đang tiến hành các cuộc tranh luận, đưa ra các tu chính và trong vài ngày tới sẽ có cuộc bỏ phiếu sau cùng về một đạo luật có ảnh hưởng lớn lao đến chương trình y tế Mỹ, với trị giá bằng khoảng 1/6 tổng sản lượng nội địa Mỹ.
Tuy nhiên, việc Thượng Viện Mỹ không thông qua được dự luật nào vào cuối tuần này cũng là điều rất có thể sẽ xảy ra.
Cuộc bỏ phiếu vào tối ngày Thứ Ba liên quan đến dự luật được tu chính để bao gồm cả các đề nghị có thể làm hài lòng cả phía bảo thủ lẫn ôn hòa trong phía Cộng Hòa.
Một đề nghị, do Thượng Nghị Sĩ Ted Cruz ở Texas đưa ra, sẽ cho phép các công ty bảo hiểm bán các chương trình “đơn giản”, không có các đòi hỏi chăm sóc sản phụ hay những quyền lợi khác như Obamacare đề ra.
Các công ty này cũng có thể bán các chương trình “đầy đủ” như Obamacare đòi hỏi, nhưng với giá cao hơn.
“Bạn không nên bị buộc mua những gì chính quyền liên bang ra lệnh cho bạn phải mua,” ông Cruz nói. “Bạn nên có quyền chọn lựa những gì đáp ứng nhu cầu của bạn và gia đình.”
Tu chính này cũng gồm có việc cung cấp tiền để giúp trả chi phí bảo hiểm cho những người có lợi tức thấp, kể cả cho những người phải mua bảo hiểm tư nhân sau khi mất Medicaid vì luật mới do Thượng Viện thông qua.
Đề nghị này do Thượng Nghị Sĩ Rob Portman (Cộng Hòa, Ohio) đưa ra cùng các thượng nghị sĩ ở các tiểu bang đã mở rộng chương trình Medicaid theo luật Obamacare.
Nhưng có 9 thượng nghị sĩ Cộng Hòa, ở đủ khuynh hướng, bỏ phiếu chống vì các lý do khác nhau, kể cả vì không có sự rốt ráo dứt bỏ hoàn toàn Obamacare. - nguoiviet
11.
Bài diễn văn của Tổng thống Trump gây ‘bão’ chỉ trích
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/7 đối mặt với làn sóng chỉ trích mới sau khi đọc bài diễn văn theo kiểu vận động tranh cử trước các em Hướng đạo sinh, một bài diễn văn mà phụ huynh và các cựu Hướng đạo sinh cho là tràn ngập những lời lẽ công kích đảng phái và nhạo báng ‘truyền thông giả.’
Những lời phê phán Tổng thống được chia sẻ dồn dập trên trang Facebook của Hướng đạo Mỹ xoay quanh bài diễn văn ông Trump đọc tại West Virginia đầu tuần này vì họ cho rằng những lời lẽ đó không phù hợp với các giá trị của Hướng đạo sinh. Khoảng 40 ngàn người trong đó có hàng chục em trai tuổi từ 12 đến 18 tham dự sự kiện này.
“Tôi là một người Mỹ bị xúc phạm và bức xúc trước những lời lẽ theo kiểu vận động tranh cử không thích hợp của ông Trump ngày hôm qua,” một trưởng của Hướng đạo sinh tên là Jim Schakenbach viết. “Không hề có một câu chữ nào khuyến khích hay động viên, không hề kêu gọi phát huy vai trò lãnh đạo hay phục vụ cộng đồng,” ông Schakenbach diễn giải.
Tòa Bạch Ốc chưa phản hồi tức thì yêu cầu bình luận về những chỉ trích đối với ông Trump.
Các vị Tổng thống trước đây từng đọc diễn văn trước sự kiện 4 năm một lần này của Hướng đạo sinh Mỹ thường đưa ra những lời rao giảng liên quan đến Điều lệ Hướng đạo bao gồm 12 nguyên tắc đạo đức của hướng đạo sinh như dũng cảm, thành thật, trung thành…
Nhiều phụ huynh kêu gọi tổ chức Hướng đạo Mỹ lên án bài diễn văn của Tổng thống và có lời cáo lỗi cùng phụ huynh vì đã để cho con em của họ ‘phơi nhiễm’ trước những luận điệu đó.
Ông Trump, chưa từng là một hướng đạo sinh, cũng chỉ trích cựu Tổng thống Obama rằng đã không tham gia sự kiện này trong thời đương nhiệm dù ông Obama có đọc bài diễn văn qua video trước sự kiện tương tự hồi năm 2010. - VOA
12.
Bộ Tư pháp: Không truy quét di dân, không được tài trợ
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions ngày 25/7 ra chỉ thị giới hạn không cho các nguồn tài trợ của Bộ tới tay các thành phố ‘ẩn náu an toàn’ không hợp tác với các cơ quan di trú liênbang.
Loan báo được đưa ra giữa bối cảnh Bộ trưởng Sessions đang đang chịu áp lực từ quốc hội Mỹ về các cuộc tiếp xúc của ông với cựu đại sứ Nga ở Washington, và cùng lúc chịu áp lực từ Toà Bạch Ốc về quyết định của ông rút ra khỏi cuộc điều tra của Bộ Tư pháp xem xét có sự thông đồng hay không giữa ban vận động tranh cử của Tổng thống Trump với Nga.
Thực hiện lời hứa khi tranh cử, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 25/1 ký sắc lệnh hành pháp nhằm dẹp bỏ ‘các thành phố cư trú an toàn’ cho di dân bất hợp pháp bằng cách đình chỉ các ngân khoản trợ cấp của liên bang dành cho những địa phương chứa chấp di dân không giấy tờ.
Đó là những thành phố giới hạn hỗ trợ nhà chức trách liên bang trong công tác điều tra, truy quét, trục xuất di dân lậu.
Có hàng chục thành phố và hàng trăm quận hạt trên toàn nước Mỹ đã biến thành những nơi cư trú an toàn cho di dân không giấy tờ vì nhiều lý do trong đó có vấn đề không đủ kinh phí và nhân lực để truy quét. - VOA
13.
Mỹ: John McCain vẫn đến Thượng Viện bỏ phiếu dù bị trọng bệnh
Chỉ vài ngày sau thông báo bị mắc bệnh ung thư, hôm 25/07/2017, thượng nghị sĩ có uy tín của đảng Cộng Hòa John McCain, 80 tuổi, với ý thức nghĩa vụ chính trị của mình, vẫn đến Thượng Viện để bỏ phiếu về việc mở thảo luận về dự luật cải cách y tế. Sự xuất hiện của ông McCain đã gây xúc động cả nghị trường. Các nghị sĩ của cả hai đảng Cộng Hòa cũng như Dân Chủ đều coi ông là một nhà chính trị mẫu mực, chiến đấu đến cùng vì lợi ích của người dân, của nước Mỹ.
Thông tín viên Jean Louis Pourtet tại Washington:
Khi John McCain bước vào nghị trường, trên mặt vẫn còn hằn vết sẹo sâu trên mắt trái, ông đã được các nghị sĩ của cả hai đảng đứng dậy hoan hô hồi lâu. Lãnh đạo phe Dân Chủ thiểu số, Chuck Schumer đã đến ôm hôn ông nồng nhiệt.
Thượng nghị sĩ của bang Arizona bị ung thư não, là người vẫn quen với những cử chỉ hào hùng. Ông là cựu phi công chiến đấu, từng bị bắn rơi ở Việt Nam. Bị ngồi tù 5 năm tại đó, ông đã từ chối được trả tự do nếu các đồng đội của ông không được thả cùng.
Cho dù vừa mới trải qua phẫu thuật, từ Arizona ông vẫn bay về Washington vì ý thức nghĩa vụ với cuộc bỏ phiếu. Ông đã ủng hộ mở thảo luận về việc hủy bỏ chính sách y tế Obamacare, đó là vì ông muốn hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa hợp tác với nhau vì lợi ích của đất nước, như ông đã nhấn mạnh trong bài diễn văn dài 15 phút.
Ông nói: “ Chúng ta có gì để mất khi cố gắng cùng nhau làm việc để tìm ra giải pháp?”
Ông than phiền về sự chia rẽ giữa các nghị sĩ của hai đảng và ông cho họ lời khuyên rằng “ Các vị hãy thôi nghe những lời lẽ khoa trương trên phát thanh, truyền hình hay internet, hãy vứt bỏ nó đi!”
Bất chấp bị ung thư rất nặng, người chiến binh già này vẫn chưa sẵn sàng gác lại vũ khí. - RFI
14.
Tổng thống Trump cấm người đổi giới tính gia nhập quân đội
Tổng Thống Donald Trump vừa ra lệnh cấm không cho người đổi giới tính được phục vụ trong quân đội Mỹ, “dù trong bất cứ lãnh vực nào” lấy lý do là có “chi phí y tế và cản trở lớn lao.”
Lời loan báo của ông Trump được đưa ra vào sáng ngày Thứ Tư qua Twitter và không cho biết là sẽ giải quyết ra sao đối với những người hiện đang phục vụ trong quân đội.
Ông Trump tweet rằng sau khi tham khảo với “các tướng lãnh và chuyên gia quân sự,” chính phủ Mỹ “sẽ không chấp nhận hoặc cho phép các cá nhân đổi giới tính phục vụ trong quân đội Mỹ dù trong bất cứ lãnh vực nào.
“Quân đội chúng ta phải tập trung sự chú ý vào chiến thắng quyết định và áp đảo và không thể có thêm gánh nặng về chi phí y tế cũng như sự cản trở lớn lao mà người đổi giới tính trong quân đội sẽ tạo ra,” ông Trump cho biết thêm.
Tại Ngũ Giác Đài, các giới chức trong ban tham mưu của Bộ Trưởng Quốc Phòng Jim Mattis có vẻ bị bất ngờ bởi quyết định này của ông Trump.
Một phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Đại Tá Jeff Davis, từ chối không trả lời các câu hỏi về bản tweet của ông Trump và đề nghị giới truyền thông hãy “gọi cho Tòa Bạch Ốc.”
Văn phòng báo chí Tòa Bạch Ốc cũng không sẵn sàng có câu trả lời cho báo chí.
Một cuộc nghiên cứu của Rand Corporation cho hay có khoảng từ 2,500 đến 7,000 quân nhân hiện dịch và từ 1,500 đến 4,000 người trong lực lượng trừ bị là người đổi giới tính. - nguoiviet
Tin Việt Nam
15.
Ngừng khoan dầu: Việt Nam bị Trung Quốc đe dọa như thế nào?
Kể từ khi có tin Việt Nam phải ngừng khoan thăm dò dầu khí trên biển Đông do bị Trung Quốc đe dọa, truyền thông Việt Nam vẫn im lặng và Bộ Ngoại giao cũng “im lặng một cách khác thường.”
Cho tới hết ngày 26/7, Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng về vụ việc này và thông tin về việc Việt Nam yêu cầu một công ty con của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol ngừng khoan thăm dò dầu khí ở lô 136-03 trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam không xuất hiện trên truyền thông chính thống.
Nguồn tin của các chuyên gia về biển Đông, giáo sư Carl Thayer của Học viện quốc phòng Úc và học giả Bill Hayton của viện nghiên cứu Chatham House, cho biết Trung Quốc đã đưa ra yêu cầu này thông qua đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh. “Sau khi Bộ Chính trị (của Đảng Cộng Sản Việt Nam) xem xét yêu cầu này đã quyết định ngừng khoan dầu,” học giả và nhà báo chuyên viết về Việt Nam Hayton cho biết.
Các chuyên gia về biển Đông cho rằng lối đe dọa này của Trung Quốc là chưa từng có tiền lệ khi Bắc Kinh dọa dùng vũ lực, và trong bối cảnh đó Việt Nam phải nhượng bộ để có thời gian thay đổi chiến lược đối phó với Trung Quốc.
Sự giằng co giữa Việt Nam và Trung Quốc về vấn đề khoan dầu trên biển Đông, theo giáo sư Alexander Vuving của Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương, bắt đầu từ khi tướng Phạm Trường Long cắt ngắn chuyến thăm tới Hà Nội và chương trình giao lưu quốc phòng giữa 2 nước bị hủy bỏ.
Kể từ đó, Trung Quốc và Việt Nam đều huy động 1 lượng lớn các tàu tuần duyên và tàu đánh cá tới khu vực bãi Tư Chính (Vanguard Bank) nằm ở phía Tây Nam trong quần đảo Trường Sa và cách Vũng Tàu khoảng 200 hải lý về phía Đông Nam.
Hôm 23/7, một ngày trước khi bài báo của BCC và giáo sư Carl Thayer nói về quyết định của Việt Nam ngừng khoan dầu trên biển, giáo sư Vuving và Jonathan London đều đưa tin trên trang Twitter cá nhân về việc Trung Quốc đang triển khai dàn khoan HYSY-760 cùng 40 tàu hải giám tới khu vực gần bãi Tư Chính, quanh lô 163-03, là nơi Việt Nam lúc đó đang triển khai dự án khai thác dầu Cá Rồng Đỏ do PetroVietNam hợp tác với Repsol trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Dù Việt Nam và Trung Quốc đều chưa lên tiếng xác nhận hay phủ nhận về thông tin Trung Quốc yêu cầu Việt Nam ngừng khoan dầu, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 26/7 được Reuters dẫn lời nói “Trung Quốc thúc giục bên liên quan dừng các hoạt động vi phạm đơn phương và có hành động thiết thực bảo vệ cho khu vực biển mà không dễ có được.”
Trung Quốc ngày càng hung hăng
“Sự đe dọa này của Trung Quốc đối với Việt Nam cho thấy sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc,” theo giáo sư Thayer.
Cùng chung nhận định này, giáo sư Vuving nói “hành động của Trung Quốc cho thấy họ tiếp tục quyết liệt với các tuyên bố chủ quyền quá đáng của mình trên biển Đông và tự tin về khả năng bắt nạn những nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền (trong vùng biển này).”
Kể từ cuối những năm 2000 và đặc biệt sau 1 năm tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết bác bỏ đường lưỡi bò 9 đoạn của Trung Quốc, nước này vẫn không thay đổi gì trong cách hành xử và thậm chí còn có thêm nhiều hành động hung hăng hơn.
Vào tháng 5 vừa qua, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nói trước công chúng rằng chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc đe dọa “có chiến tranh” nếu Philippines trở lại khai thác dầu và khoan thăm dò ở bãi Recto. Vụ máy bay chiến đấu của Trung Quốc áp sát máy bay do thám của hải quân Mỹ trên biển Đông hôm 24/7 là ví dụ mới nhất cho thấy sự can thiệp của Trung Quốc vào các chuyến bay của Mỹ trên vùng trời phía đông và nam của biển Trung Hoa. Trung Quốc hiện cũng đang tiến hành các cuộc tập trận hải quân ở vùng biển Baltic với hải quân Nga, theo truyền thông quốc tế.
Việc tiếp tục quân sự hóa của Trung Quốc trên biển Đông cũng cho thấy nước này đang coi thường phản ứng của cộng đồng quốc tế.
Những hình ảnh vệ tinh mới nhất do Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS) của Mỹ ở Washington đưa ra hôm 19/6 cho thấy Trung Quốc xây thêm các cơ sở quân sự mới trên các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền.
Washington luôn cáo buộc Bắc Kinh quân sự hóa tuyến hải lộ trọng yếu trong khu vực, nơi có lượng hàng hóa trị giá 5.000 tỷ USD được giao thương hàng năm.
Thượng nghị sỹ Mỹ Cory Gardner hôm 18/7 đã lên tiếng cáo buộc Trung Quốc gần đây có những hành động gây mất ổn định khu vực biển Đông và biển Hoa Đông, làm trái với luật lệ quốc tế và tạo ra hiểm họa xung đột trong tương lai.
Việt Nam phải làm gì?
Nếu Trung Quốc thực sự đe dọa dùng vũ lực để tấn công các thực thể của Việt Nam trên biển Đông để buộc Việt Nam ngưng thăm dò dầu khí thì đây là một sự leo thang chưa từng có và đáng báo động, theo ông Thayer, cũng là giáo sư của Đại học New South Wales.
Việt Nam phải ngưng khoan dầu ở lô 136 bởi vì các lực lượng của họ quá mỏng và không đủ khả năng để bảo vệ các hoạt động khoan thăm dò thêm lâu hơn trước số lượng quá đông của các tàu Trung Quốc, theo nhận xét của giáo sư Vuving.
Các nguồn tin từ Việt Nam mà vị giáo sư của Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương có được cho biết có gần 200 tàu của Trung Quốc được điều tới khu vực bãi Tư Chính trong khi Việt Nam chỉ có hơn 50 tàu ở khu vực khoan dầu này. Tuy nhiên, cũng theo nguồn tin của giáo sư Vuving, việc khoan thăm dò này cũng đã gần hoàn tất nhiệm vụ và họ đã phát hiện ra một mỏ khí có trữ lượng lớn.
Mặc dù một số chuyên gia trong nước cho rằng việc Việt Nam hủy bỏ khoan thăm dò vì bị Trung Quốc đe dọa là “hành động bất lực, hèn nhát” nhưng các chuyên gia quốc tế lại cho rằng đây là một sự rút lui đúng lúc.
“Nếu Việt Nam tiếp tục khoan dầu với (đối tác) Repsol vào thời điểm này thì Trung Quốc sẽ đưa các tàu tới thách thức. Họ sẽ gửi tàu thăm dò và thậm chí tàu khoan tới khu vực mà Việt Nam đang khoan dầu. Những hàng động này sẽ làm mỏng lực lượng tuần duyên và tàu theo dõi các hoạt động đánh bắt cá của Việt Nam và lúc đó buộc Việt Nam phải dừng các hoạt động khoan dầu để tập trung vào việc ngăn cản các hoạt động thăm dò và khoan dầu của Trung Quốc,” theo tiến sỹ Vuving.
Giáo sư Carl Thayer cũng nhận định rằng nếu Việt Nam tiếp tục khoan dầu thì “không nghi ngờ gì Trung Quốc sẽ can thiệp” hoặc bằng việc cắt cáp tàu khoan dầu, hoặc gửi tàu đánh cá tới hoặc có các hành động quân sự chống lại một trong các thực thể của Việt Nam trong khu vực này.
“Việt Nam luôn dùng cả ngoại giao và hành động để đáp trả các hành động của Trung Quốc. Việt Nam không muốn hành động vội vàng trong một thế mà họ không có lợi,” theo giáo sư Thayer và ông cho rằng Việt Nam cần có thời gian để huy động những ý kiến từ quốc tế để đưa ra một chiến lược thích hợp.
Tiến sỹ Vuving cũng cho rằng hành động ngừng khoan dầu của Việt Nam là “một sự rút lui chiến lược chứ không phải là một sự đầu hàng” và Việt Nam “chắc chắn sẽ không từ bỏ các tuyên bố chủ quyền của mình trong khu vực nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của họ.”
Để làm được việc này, bước tiếp theo, theo giáo sư Thayer, là “Việt Nam cần tìm kiếm sự ủng hộ của Nhật, Mỹ, Ấn Độ, Úc và châu Âu đồng thời gặp gỡ các đại diện của các công ty dầu khí nước ngoài đang hoạt động trong EEZ của Việt Nam để tham khảo các đánh giá của họ.” - VOA
16.
Đại sứ Mỹ kêu gọi Hà nội trả tự do cho Trần thị Nga
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam kêu gọi Hà nội hãy trả tự do cho nhà hoạt động Trần thị Nga, người vừa bị tuyên án tù 9 năm dựa trên điều mà đại sứ Mỹ Ted Osius gọi là “những cáo trạng mơ hồ về tội tuyên truyền chống nhà nước”. Trong một cuộc trao đổi với VOA-Việt ngữ, blogger Nguyễn Tường Thụy, nhà báo và cựu tù nhân lương tâm, nói vụ án bà Trần thị Nga chỉ là trường hợp mới nhất trong một chiến dịch đàn áp 'dữ dội' đối với những nhà tranh đấu dân chủ nhân quyền ở Việt Nam.
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius hôm 26/7 ra tuyên bố về bản án bỏ tù nhà tranh đấu cho môi trường Trần Thị Nga. Theo tuyên bố tải lên trang mạng của đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam, đại sứ Osius nói:
“Tôi quan ngại sâu sắc về việc một tòa án của Việt Nam đã kết án nhà hoạt động ôn hòa Trần Thị Nga 9 năm tù giam và 5 năm quản chế với sự buộc tội mơ hồ về “tuyên truyền chống nhà nước”.
Đại sứ Osius kêu gọi Việt Nam trả tự do cho bà Trần thị Nga và tất cả các tù nhân lương tâm, và cho phép tất cả các công dân Việt Nam được “thể hiện quan điểm của mình và tụ họp ôn hòa mà không sợ bị trừng phạt”.
Trao đổi với VOA-Việt ngữ từ Hà nội, blogger Nguyễn Tường Thụy, cho biết phản ứng của ông trước bản án này:
“Tôi rất phẫn nộ mà không chỉ là tôi mà tất cả các anh em, bạn bè của chị Trần thị Nga đều phẫn nộ vì cái bản án này, không những nó oan mà nó còn quá nặng đối với một phụ nữ đang nuôi hai con nhỏ.”
Theo nhà hoạt động này thì chính phủ Việt Nam đã mở một “chiến dịch đàn áp dữ dội” đối với các nhà hoạt động dân chủ ở Việt Nam, mà điển hình là những vụ bắt giữ và những bản án hà khắc đối với nhiều nhà tranh đấu ở trong nước.
Nổi bật nhất gần đây là trường hợp blogger Mẹ Nấm, tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và trước đó trường hợp Luật sư Nguyễn văn Đài cho tới nay đã bị giam hơn một năm rưỡi mà vẫn chưa được mang ra xét xử, và chỉ dấu mới đây nhất về chiến dịch đàn áp của chính quyền Việt Nam, là bản án đối với bà Trần thị Nga.
Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế cũng nêu lên quan ngại về tình hình nhân quyền đang xấu đi ở Việt Nam vì sức ép của quốc tế đã giảm đi phần nào. Ông Nguyễn Tường Thụy đồng ý với quan điểm đó, và ông đơn cử chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ:
“Đặc biệt là chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump của Hoa Kỳ với những gì mà ông đã làm , là phá bỏ TPP dẫn đến cộng sản Việt Nam không còn hy vọng vào TPP để cải thiện điều kiện kinh tế, và chính cái đó đã làm cho sự hy vọng về một sự phát triển kinh tế để đánh đổi một chút về nhân quyền không còn nữa và họ lại quay lại đàn áp… ”
Một yếu tố khác, theo blogger Nguyễn Tường Thụy, là mối quan hệ đang được cải thiện giữa hai Đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc.
“Quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam với Trung Quốc lại tiếp tục có những hàn gắn mới sau những vụ va chạm ở Biển Đông. Việc Việt Nam vừa rồi rút bỏ giàn khoan cộng tác với một công ty củaTây Ban Nha cũng là một chỉ dấu cho thấy Việt Nam đang xuống thang trong quan hệ với Trung Quốc. Nếu nhận định của tôi là đúng thì việc xuống thang này là một yếu tố để nó thúc đẩy đàn áp dân chủ nhân quyền ở Việt Nam.”
Trong tuyên bố ngày 26/7, Đại sứ Mỹ Ted Osius nói “xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ, kết án và những bản án hà khắc” đối với những nhà hoạt động ôn hòa kể từ đầu năm 2016 là “rất đáng lo ngại.”
Nhà báo Nguyễn Tường Thụy kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump hãy quan tâm hơn tới vấn đề nhân quyền, đặc biệt ở Việt Nam.
“Ông Trump phải tiếp tục truyền thống của các đời Tổng thống Mỹ quan tâm tới dân chủ nhân quyền trên phạm vi toàn cầu hơn, đặc biệt là ở Việt Nam, bởi vì những bước lùi của ông, thờ ơ của ông Trump đối với dân chủ nhân quyền từ khi ông lên làm Tổng thống ảnh hưởng một cách tiêu cực đến các phong trào hoạt động dân chủ nhân quyền trong các nước độc tài, nó thúc đẩy sự khủng bố của các nhà nước độc tài.”
Ông Thụy nói để đối phó với chiến dịch đàn áp đang dữ dội hơn ở trong nước, các nhà hoạt động dân chủ phải đoàn kết để tiếp tục đấu tranh, xây dựng lực lượng và tự bảo vệ lấy mình.
“Những người hoạt động dân chủ nhân quyền không còn đường nào khác là phải tự mình bảo vệ lấy mình, bằng cách xây dựng nội lực, xây dựng tinh thần, đó là con đường duy nhất mà những người hoạt động đã làm trước kia và còn phải làm nhiều hơn.”
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trong tuyên bố hôm 26/7 nhấn mạnh tất cả mọi người đều có quyền tự do biểu đạt, lập hội và tụ họp ôn hòa.
Đại sứ Osius ghi nhận một số bước tích cực về nhân quyền của Việt Nam, nhưng hối thúc Hà nội bảo đảm các hành động và luật pháp Việt Nam, kể cả Bộ Luật Hình sự, phải phù hợp với những điều khoản về nhân quyền trong hiến pháp Việt Nam và tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết quốc tế. - VOA
17.
Biển Đông: Làm rõ tin 'VN phải dừng khoan'
Việc hãng Repsol ngưng hoạt động tại một dự án ở Biển Đông, nơi Việt Nam tuyên bố chủ
BBC Tiếng Việt phỏng vấn phóng viên Bill Hayton, tác giả bài viết VN ngừng khoan dầu khí ở Biển Đông về một số vấn đề liên quan tới sự kiện này:
BBC Tiếng Việt: Theo nghiên cứu của ông thì vị trí chính xác của dự án Repsol nằm ở đâu, cách bao xa tính từ đảo chính là đảo Trường Sa?
Bill Hayton: Repsol hiện đang có một số dự án dầu khí khác nhau tại Việt Nam. Dự án vừa phải ngưng là nằm trong Lô 136-03, ở rìa đông nam của vùng Việt Nam tuyên bố là Đặc quyền Kinh tế. Các bạn xem bản đồ dưới đây để biết vị trí chính xác.
Một nguồn tin nói với tôi rằng tại khu vực lô 136-03, người ta đã tìm được khí tự nhiên và một ít dầu, nhưng công tác khoan vẫn chưa đạt tổng độ sâu (Total Depth). Nguồn tin này cho biết chính phủ Việt Nam đã gây áp lực, muốn Talisman-Vietnam phải tìm lý do kỹ thuật nào đó để có cớ ngưng sớm việc khoan tìm dầu.
Tuy nhiên, phía Talisman nói với giới chức Việt Nam rằng giếng khoan hoàn toàn tốt, không có lý do kỹ thuật nào cản trở công việc hết. Cuối cùng, chính phủ đã ra lệnh cho nhà thầu này phải chấm dứt hoạt động chừng một tuần trước khi mũi khoan theo kế hoạch sẽ đạt tổng độ sâu.
BBC Tiếng Việt: Nếu như nó nằm quanh khu vực Bãi Tư chính, thì liệu điều đó có đồng nghĩa với việc chúng ta đang chứng kiến tình trạng căng thẳng hồi 2014, khi mà có một số nguồn tin nói rằng các tàu thuyền Trung Quốc cũng đã tiếp cận các cụm khu vực nhà giàn do Việt Nam xây dựng ở cùng khu vực không?
Bill Hayton: Tôi không rõ chuyện này.
BBC Tiếng Việt: Trong bài viết, khi dùng cụm từ "các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa" trong câu "giới lãnh đạo Repsol được chính phủ tại Hà Nội thông báo vào tuần trước rằng Trung Quốc đã đe dọa sẽ tấn công các căn cứ của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa nếu không dừng việc khoan thăm dò", ông muốn nói cụ thể tới các căn cứ nào?
Bill Hayton: Nguồn tin của tôi không nêu chi tiết.
BBC Tiếng Việt: Vị trí của lô khai thác khí đốt này nằm hoàn toàn trong vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam? Và theo Công ước Liên Hiệp quốc thì Việt Nam có quyền khai thác tài nguyên tại đó?
Bill Hayton: Nếu diễn giải theo Công ước về Luật Biển của Liên Hiệp quốc UNCLOS thì đúng vậy. Những logic mà phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực đưa ra hồi năm ngoái cũng xác nhận điều này, tuy nói một cách chặt chẽ thì phán quyết này chỉ có giá trị ràng buộc đối với Trung Quốc và Philippines. Trung Quốc chưa bao giờ nêu rõ cơ sở để họ đưa ra các đòi hỏi đó. Một số người nói rằng Bắc Kinh đòi hỏi dựa trên các quyền lịch sử ở khu vực, một số người khác nói họ tuyên bố vùng Đặc quyền Kinh tế dựa vào quần đảo Trường Sa như một cụm khu vực. Cả hai lập luận này đều không phù hợp với UNCLOS và cả hai đều bị Tòa Trọng tài bác bỏ.
BBC Tiếng Việt: Một số chuyên gia đã nêu câu hỏi về khả năng Việt Nam phải bồi thường cho đối tác dầu khí Tây Ban Nha. Theo những gì ông biết thì liệu đây có phải là điều sẽ xảyra đối với trường hợp Repsol không?
Bill Hayton: Khó để nói nếu ta không nắm được nội dung hợp đồng ký kết giữa hai bên. Tuy nhiên, Repsol đã chi một khoản tiền lớn cho Talisman và đã chi thêm nhiều triệu đô la vào việc thăm dò ở Lô 136-03. Có con số ước tính đưa ra rằng Repsol và các hãng hoạt động trước đó đã đầu tư khoảng 300 triệu đô la vào khu vực này.
BBC Tiếng Việt: Có ý kiến cho rằng lịch họp của Đại hội Đảng Trung Quốc có thể là một yếu tố khiến Hải quân Trung Quốc hạn chế các hoạt động tại Biển Đông nhằm tránh đối đầu với các nước như Việt Nam. Ông có nghĩ là cái nhìn này vẫn đúng ở thời điểm hiện tại?
Bill Hayton: Nếu là tuần trước thì tôi cũng nghĩ vậy. Vào thời điểm này thì tôi không còn chắc nữa. - BBC
Link:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét