(Ảnh nha sĩ Trần Thái Lực ngày 20-10-2013)
Trong gần bốn thập niên sống ở Canada, tôi từng nghe bạn người bản xứ Canada “gốc nhà quê” kể về kỷ niệm đi hái cranberry mọc hoang ở các vùng đất sũng nước vào mùa thu. Họ nói cranberry mọc hoang ăn ngon hơn cranberry trồng rất nhiều. Nhưng tôi thờ ơ không quan tâm lắm vì thú thật với quý bạn đọc, từ Toronto lái xe về vùng quê xa rồi lội đất sình ướt chân để hái mấy trái dâu nhỏ xíu vị chua chát gắt đối với tôi coi bộ không hấp dẫn tí nào. Thế là tôi chỉ biết ăn uống cranberry qua các món mua ở chợ như mứt cranberry trét bánh mì, nước cốt cranberry, nước cranberry pha, trái cranberry khô, v.v. Tôi chỉ mới biết hình thù cây và trái cranberry từ vài năm gần đây.
<!>
Theo tài liệu sách vở (dĩ nhiên rồi, nếu không làm sao tôi biết), tên cranberry là do hai chữ crane và berry ghép lại. Crane là con chim hạc, berry là dâu; như vậy cranberry là dâu chim hạc chớ gì? Nhưng tôi lại chưa nghe ai gọi cranberry là dâu chim hạc bao giờ. Những người di dân đầu tiên từ Âu châu sang vùng Bắc Mỹ, thấy hình dáng cánh hoa, đài hoa, cuống hoa có vẻ giống như mỏ, đầu, và cổ chim hạc nên đặt cho nó cái tên cranberry luôn cho tiện.
Cranberry còn được biết dưới tên khác là mossberry (dâu rêu) hoặc fenberry (dâu dương xỉ) vì nó thường được tìm thấy mọc dại lẫn với rong rêu và dương xỉ trong những vùng đầm lầy phân hóa có nhiều than bùn ở miền ôn đới Bắc bán cầu.
Hoa dâu chim hạc (ảnh Net)
Vậy mà tên Việt của cranberry theo Bách Khoa Từ Điển Wikipedia không phải dâu chim hạc, dâu rêu hay dâu dương xỉ mà là một cái tên lạ hoắc: Mạn việt quất hay Nam việt quất, nghe càng khó hiểu. Ngoài ra cranberry còn có tên Việt khác là quả nham lê.
Khoảng 95% thu hoạch của dâu chim hạc được chế biến phần lớn thành nước ép trái cây, kế đến là mứt trét, sấy khô có thêm đường, và 5% còn lại bán tươi ở chợ. Cranberry cũng được nghiền thành dạng rau câu (jelly), dạng sệt để trét bánh (jam), dạng sốt (sauce) dùng kèm với món gà tây nướng trong dịp lễ Tạ Ơn hay Giáng Sinh, dạng trái khô để làm bánh, dạng nước uống giải khát, dạng rượu vang… Các sản phẩm làm từ cranberry rất được ưa chuộng và được coi là loại thực phẩm mang lại lợi ích nhiều nhất cho sức khỏe.
Hàng năm vào mùa thu hoạch dâu chim hạc (cứ tạm gọi vậy đi bạn nhé), nhiều liên hoan được tổ chức tại nhiều nơi ở Bắc Mỹ. Gần Toronto nhất, liên hoan dâu chim hạc diễn ra tại thị trấn Bala, quận hạt Muskoka, tỉnh bang Ontario, cách Toronto về phía bắc 193km, khoảng 2 giờ lái xe. Bala Cranberry Festival được tổ chức hàng năm vào cuối tuần đầu tiên ngay sau Lễ Tạ Ơn. Năm nay, Bala Cranberry Festival diễn ra trong 3 ngày Thứ Sáu 18, Thứ Bảy 19 và Chủ Nhật 20 tháng 10, 2013. Địa chỉ: 3181 Muskoka Road 169/P.O. Box 72 Bala ON, P0C 1A0.
Đường đi từ Toronto lên Bala – Google Map
Liên Hoan Dâu Chim Hạc ở Bala đích thực là một lễ hội cộng đồng. Thị trấn nhỏ Bala được xem là thủ đô Cranberry của Ontario, chào đón du khách với thực phẩm, giải trí trực tiếp, thủ công mỹ nghệ và các hoạt động lễ hội. Du khách đến thị trấn, được xe buýt đưa đến nông trại cách đó 5km xong leo lên wagon có máy cày kéo ra ruộng dâu, nơi đó du khách được chứng kiến tận mắt cảnh gặt hái dâu chim hạc như thế nào và lấy trái cây tươi mang về nhà để đánh dấu một chuyến “dã ngoại” lưu lại nhiều ấn tượng. Giá vé dự lễ hội là $7 mỗi người.
Xe đưa du khách ra ruộng dâu. (ảnh Trần Thái Lực)
Đối với người thích chụp ảnh cảnh mùa thu thì đây là dịp chỉ tốn một công mà làm được đôi việc. Vùng Muskoka là nơi lý tưởng để ngắm cảnh mùa thu. Từ xa lộ 11 vừa vào đến thành phố Bracebridge, bạn hãy ghé lại văn phòng du lịch Bracebridge để lấy bản đồ chỉ dẫn bốn lộ trình lái xe ngắm cảnh, một trong bốn lộ trình đó đi ngang qua địa điểm tổ chức Liên Hoan Dâu Chim Hạc Bala.
Trong bối cảnh màu sắc mùa thu ngoạn mục tại một trong những điểm đến đẹp nhất Ontario, Liên hoan Cranberry Bala là một cuối tuần vui hưởng thực phẩm, âm nhạc, phiêu lưu ngoài trời, mua sắm và cảm giác hồi phục nghỉ ngơi cuối tuần. Du khách đến lễ hội xem các nghệ nhân và thợ gặt làm việc, có thể đi máy bay trực thăng để ngắm toàn cảnh, cưỡi bò cơ khí, v.v.
Nằm tại hợp lưu của hồ Muskoka và sông Trăng (Moon River), thị trấn nhỏ Bala với chỉ có 500 cư dân thường trú được biết đến với các đập nước, các cửa hàng chiết trung, và đặc biệt là cửa hàng quà tặng kiêm bảo tàng viện địa phương. Trong dịp lễ hội, viện bảo tàng Bala có mở một cuộc thi chọn người có nhân dáng giống nhất với nhân vật Anne trong quyển tiểu thuyết nổi tiếng khắp thế giới “Anne of Green Gables” của tác giả Canada Lucy Maud Montgomery.
Liên Hoan Dâu Chim Hạc ở Bala hàng năm thu hút hơn 20.000 người trong vòng ba ngày lễ hội. Đó là một thành tích đáng kể. Tính chung từ năm 1984 khi được tổ chức lần đầu tiên, lễ hội đã thu hút 371.200 khách tham quan và giải ngân 533.700 Gia kim tiền học bổng cho các nhóm cộng đồng. Lễ hội hàng năm cũng đã giúp thúc đẩy ngành công nghiệp canh tác dâu chim hạc ở địa phương bằng cách làm việc với các nhà sản xuất có sản phẩm của họ trên đường phố Bala và chở khách đến ruộng dâu.
Toàn tỉnh bang Ontario chỉ có ba nông trại canh tác thương mại dâu chim hạc: Johnston’s Cranberry Marsh và Iroquois Cranberry Growers nằm ven thị trấn Bala trong khi nông trại thứ ba ở gần Ottawa. Điều kiện ưu tiên cần thiết cho dâu chim hạc phát triển là đất than bùn. Về điều này, Bala đạt yêu cầu lý tưởng phong thổ với đất tốt và nguồn cung cấp nước ngọt dồi dào cho ruộng dâu và bảo vệ mùa màng khỏi bị sương giá.
Bạn cũng nên ghé qua xưởng làm rượu vang Muskoka Lakes Winery từng đạt nhiều giải thưởng để nếm rượu làm từ nông phẩm địa phương như dâu chim hạc, dâu xanh hay mua một hai chai để uống hoặc làm quà kỷ niệm.
Dâu chim hạc (ảnh Net)
Trước đây tôi cứ nhầm tưởng cây dâu chim hạc bất quá cũng tương tự như mấy loại dâu kia là mọc trên đất khô. Dâu đen (blackberry) và dâu mâm xôi (raspberry) là loại trái mọc trên cây tôi có hái trong High Park. Tôi cũng có đi hái dâu rơm (strawberry) nhiều lần ở nông trại trồng dâu. Vì vậy nên tôi mới nhầm tưởng dâu chim hạc cũng vậy.
Hái dâu chim hạc mọc hoang thực sự là bạn phải bước chân đi trong vũng nước cạn lấp xấp phủ đầy cây dâu lẫn cỏ dại lẫn rong rêu che kín mặt nước, chẳng biết chỗ nào là cạn, chỗ nào là sâu. Bạn đứng trong nước nhưng khi lần đầu tiên, bạn không nhận biết điều đó. Và vì mặt đất lồi lõm, có khi bạn hụt chân bước trúng chỗ lõm mà không hay khiến cho bạn hồi hộp giật mình. Quả dâu chim hạc hoang không nổi lềnh bềnh sẵn trên mặt nước cho bạn lượm dễ dàng đâu. Bạn phải kéo cành, kéo dây dâu lên mới bứt trái. Chẳng đáng công, ngoại trừ trẻ con và thanh niên thích phiêu lưu mạo hiểm.
Còn ở nông trại trồng dâu chim hạc, người ta làm ruộng dâu có bờ cao ngăn nước. Ruộng dâu lấp xấp nước lúc bình thường được bơm nước vào cho ngập khỏi ngọn dây dâu. Xe gặt chạy qua các luống để làm cho trái dâu rơi ra khỏi cành dây. Hàng triệu trái dâu chín đỏ ối nổi lên mặt nước phủ ngập cả mặt nước và được lùa vây vào một góc ruộng cho máy hút lên xe đưa vào xưởng để rửa sạch, lựa và tồn trữ trước khi được đóng gói hay chế biến. Kỹ thuật gặt hái dưới nước (wet harvesting) này đã được áp dụng trong vòng ba mươi năm qua ở Bala, thủ đô dâu chim hạc của Ontario. So với hái bằng cách thường trên cạn, việc gặt hái dưới nước cắt giảm được chi phí rất nhiều.
Máy bơm hút dâu từ ruộng lên xe chở (ảnh Net)
Một lợi ích khác nữa của việc gặt hái dưới nước là hàm lượng anthocyanin của cranberry (chất dinh dưỡng thực vật cung cấp cho dâu có màu đỏ thẫm tuyệt vời) được tăng lên tỷ lệ thuận với số lượng ánh sáng mặt trời tự nhiên mà quả dâu hấp thụ được khi nổi trên mặt nước. Nếu quả nổi trên nước được tiếp xúc với một lượng tăng của ánh sáng mặt trời tự nhiên (so với điều kiện phát triển và thu hoạch khác), chúng có thể phát triển nồng độ cao chất anthocyanins. Những nồng độ cao chất anthocyanins có khả năng cung cấp cho người tiêu thụ lợi ích sức khỏe mạnh hơn.
Sau mùa thu hoạch, các ruộng dâu được để ngập qua mùa đông để bảo vệ các dây dâu khỏi sương giá đóng băng. Sau đó, cát được đổ trên băng. Vào mùa xuân khi băng tan, cát rơi xuống đáy đầm lầy, giúp cho dây dâu ra rễ. Các đầm lầy sau đó được cho ngập nước một lần nữa cho đến khi các chồi non không còn cần bảo vệ khỏi cái lạnh của đầu mùa xuân nữa. Sau khi xả nước, một hệ thống ống tưới dài tổng cộng 10km được lấp đặt để tưới đều đặn bảo vệ nụ cho đến khi trái chín.
Thực phẩm chế biến từ dâu chim hạc ngày càng được ưa chuộng và tiêu thụ mạnh vì loại trái này mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe. Theo tài liệu của Đại học Harvard xuất bản vào năm 1994 trên Tạp chí Hiệp hội Y khoa Mỹ, uống khoảng 300ml nước cranberry giúp làm giảm lượng vi khuẩn gây ra các chứng nhiễm trùng đường tiết niệu ở người cao tuổi, có thể tác dụng chống lại khuẩn e-coli bám vào thành đường tiết niệu và do đó làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường niệu.
Cánh đồng dâu chim hạc (ảnh Trần Thái Lực)
Chất proanthocyanidins (PACs) có trong dâu chim hạc có thể thúc đẩy quá trình tiêu hóa và ức chế sự bám dính của vi khuẩn H. Pylori ở thành dạ dày, do đó nó có thể ngăn vi khuẩn H. Pylori gây viêm loét và ung thư dạ dày. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng quả dâu chim hạc có thể góp phần làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch cũng như có tác dụng làm hạ huyết áp. Các chất polyphenols, anthocyanins và acid ellagic có trong dâu chim hạc có thể làm giảm quá trình ô-xít hóa LDL, cholesterol, kết khối tiểu cầu và viêm.
Ngoài ra cranberry giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể. Các chất chứa trong quả thực sự giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể và còn giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng do virus và vi khuẩn, có khả năng ngăn chặn sự hình thành các mảng bám ở chân răng. Cranberry giúp hỗ trợ và cải thiện trong điều trị tuyến tiền liệt và sỏi thận và giúp chữa cảm lạnh thông thường.
Được biết ngoài ba ngày lễ hội chính, các nông trại trồng dâu chim hạc mở cửa quanh năm và có bán sản phẩm làm sẵn. Nếu có dịp đi lên vùng đó, bạn đừng ngạc nhiên khi nhìn thấy một con nai vàng ngơ ngác đạp lá vàng khô xào xạc hoặc một vài động vật hoang dã nào khác đang nhìn trộm trong khi bạn thăm nông trại.
Còn tôi, trong khi chờ đợi đến năm sau để đi Muskoka chụp ảnh cảnh mùa thu và dự lễ hội Bala, thôi thì tạm ra chợ mua một bình nước cranberry uống cho bổ.
Phan Hạnh, 22-10-2013.
Nguồn tham khảo:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét