Là lực lượng trừ bị cơ hữu của Vùng 2 nên Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân, cứ sáng có mặt ở Kontum, chiều đã về Phú Bổn, nay Lâm-Đồng, mai Quảng-Đức. Tháng trước chúng tôi bị đặt dưới quyền chỉ huy của Task Force South, tháng sau chúng tôi đã nằm dưới quyền chỉ huy của Biệt Khu 24, cứ xoay vần như thế suốt năm 1968. <!>
Đà-Lạt tháng Năm...Một buổi trưa, đại đội tôi đang giữ nhiệm vụ bảo vệ pháo binh tại phi trường Cam-Ly thì được lệnh cấp tốc lên đường cứu viện cho cánh quân của đại úy tiểu đoàn trưởng. Cánh quân này, gồm Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn 11 Biệt Động Quân cùng hai Đại Đội 2/11 và 3/11, đang bị một tiểu đoàn Việt-Cộng bao vây tấn công rất dữ dội trong vùng rừng rậm cách Đà-Lạt năm cây số về hướng Tây Nam. Đại Úy Hồ Khắc Đàm, Khóa 16 Võ Bị, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 11 đã bị thương. Chúng tôi đi như chạy, chỉ mấy phút sau đã đứng trên đỉnh 1632. Qua một yên ngựa, tôi chuyển đội hình thành tam giác mũi trước, khẩu đại liên 30 làm mũi, Trung Đội 1 của Thượng Sĩ Ngọ bên phải, Trung Đội 3 của Chuẩn Úy Biện bên trái. Tiền quân vừa di chuyển tới con dốc cuối yên ngựa thì súng nổ. Đề lô của tôi hôm đó là hai người Mỹ. Hai anh này là người của đơn vị pháo binh Hoa-Kỳ mà tôi đang bảo vệ. Mười sáu khẩu 105 ly chỉ nằm cách chúng tôi chừng hai cây số phía sau lưng. “Hai chục tràng hiệu quả!” Đạn vừa nổ xong, lại tiếp, “Hai chục tràng hiệu quả!” Cứ thế, tôi dùng đạn đại bác mở đường, rồi thận trọng tiến lên. Thời buổi đó đạn dược quá dồi dào, bắn không hạn chế. Trước mặt tôi, địch trải quân rất thưa, chủ đích của chúng là cầm chân chúng tôi, trong khi lực lượng chính của chúng đang nỗ lực dứt điểm cánh quân của Đại Úy Đàm. Rừng thông không rậm lắm, nhưng có rất nhiều ổ mối. Mỗi ổ mối có thể là một ụ súng của địch. Khi nghe được những tiếng súng bắn tay từ vùng giao tranh phiá trước, tôi bắt đầu xử dụng không quân đánh tiếp cận ngay trước mặt để tiến lên. Tôi đã xử dụng hai phi xuất Sky Raider thả liên tiếp bốn trái Napalm xuống cái khe núi ngăn cách chúng tôi và ngọn đồi cao nhìn xuống trận địa của Đại Úy Đàm. Trong lúc tôi đang phân vân không biết sẽ tiến chiếm ngọn đồi bên kia bằng cách đâm thẳng xuống suối, hay bằng cách đi vòng về bên phải, theo hướng Tây. Con đường vòng thì hơi xa, mà tình trạng của anh Đàm thì đang nguy khốn lắm. Cuối cùng tôi chọn con đường ngắn. Tôi dàn quân hàng ngang, vừa đi vừa bắn. Tới nửa dốc, anh đề lô Mỹ nói L.19 trên trời bị phòng không bắn, phi công bị thương. Chiếc L.19 mới lên thay đòi chúng tôi đánh dấu vị trí quân bạn bằng khói vàng. Tôi cho đánh hai trái khói vàng, một bên phải, một bên trái trục tiến. Một phút sau, L.19 cự nự rằng tại sao họ thấy ở dưới đất có tới bốn, năm vị trí khói vàng, trong khi chúng tôi báo cáo rằng chỉ có hai! Họ yêu cầu chúng tôi đánh dấu lại bằng khói đỏ. Tôi vội thỏa mãn yêu cầu của không quân ngay lập tức. Cũng chỉ một phút sau, phi công lại khiếu nại khi thấy dưới đất xuất hiện bốn, năm cột khói đỏ! Như vậy là địch đã nghe được những lời đàm thoại của quân ta, và chúng đã làm cho L.19 không biết đâu là bạn đâu là địch. Tôi chưa biết phải xử trí ra làm sao trước tình trạng éo le này thì, “Xoẹt!” một trái rocket từ L.19 phóng xuống cách tôi chừng mười mét. Anh đề lô Mỹ vừa kéo tay tôi chạy về bên trái vừa hét vào ống nói truyền tin: “Check air! Check air!” Cách tôi chừng hai chục mét, dưới khe, có nhiều họng súng của Việt-Cộng, cá nhân có, cộng đồng có, đua nhau bắn lên trời. Chiếc Sky Raider chúc xuống theo trục Đông Tây. Tôi và anh đề lô Mỹ nắm tay nhau dẫn đầu đoàn quân chạy thục mạng theo hướng ngược lại. “Ùm!” một quả bom nổ dưới khe, sau lưng. Anh Mỹ mang máy truyền tin té sấp mặt xuống đất. Tôi đỡ anh ta dậy, may quá! Không sao! Nhưng một mảnh bom bay sượt qua, đã bứng đi mất một nửa cái máy PRC 25 của anh. Chiếc Sky Raider thứ nhì lao xuống, ngóc lên: “Ùm!” Chúng tôi theo nhau cắm đầu chạy về hướng Đông. Hai chiếc máy bay tiếp tục chúc đầu xuống, ngóc đầu lên,” Cạch! Cạch!... Cạch! Cạch!...” đại liên trên cánh chim sắt bắt đầu khạc đạn. Chạy được một đoạn đường khá xa, tôi kéo quân lên một bình nguyên cỏ tranh, lập lại đội hình. Anh đề lô mượn tôi một cái máy truyền tin. Anh ta đang loay hoay chưa vào được tần số không lục thì chiếc L.19 quái quỷ đã theo kịp. Thiếu Úy Duyên leo lên một mô mối, dơ cái bản đồ vẫy vẫy anh phi công. Đâu ngờ, lại “Xoẹt!” Phi công đáp lại bằng một quả khói cắm ngay giữa đội hình của Đại Đội 1/11! Ông Duyên vứt cả bản đồ, co giò tẩu thoát. Cứ cái trò chạy nước rút từng chặng như thế này, chắc chẳng bao lâu tụi tôi đứt ruột mà chết! Tôi không có cách nào bắt không quân ngừng truy đuổi được. Nếu tôi ngừng lại để thanh toán tụi Việt-Cộng đang bám đuôi thì chết với bom của Mỹ ngay. Khóc dở, mếu dở, vừa chạy, vừa thở, chợt nhớ ra một điều, tôi níu vai thằng Ty vặn cái chốt đổi tần số truyền tin sang địa chỉ của liên đoàn. Trung Tá Hồ Hữu Dõng, Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân đang theo dõi tình hình trên máy, nên chỉ vài phút sau, chiếc quan sát cơ quẹo ngược về hướng Tây. Trung Tá Dõng ra lệnh cho tôi giữ liên lạc với liên đoàn để ông có thể trực tiếp yểm trợ cho tôi trong thời gian này. Ông nói, vì phải chia quân ra ngăn cản đoàn viện binh của tôi, nên áp lực của Việt-Cộng trên cánh quân của Đại Úy Đàm cũng giảm bớt, nhờ vậy, lực lượng bạn đã giữ vững được vị trí. Ông cho tôi hay, cũng nhờ không quân Hoa-Kỳ can thiệp hữu hiệu, chứ không thì hai đại đội bạn đã bị địch tràn ngập rồi. Tới lúc này, tần số của tiểu đoàn đã hết nhiễu loạn, các cánh quân đã gọi được nhau. Tôi ngóng cổ gióng hướng. Hóa ra tôi chỉ còn cách Quốc Lộ 20 chừng hơn cây số! Từ đỉnh đồi bên này, tôi nhìn thấy xa xa, trên sườn một ngọn đồi hướng Nam, có một đoàn quân đang di chuyển về hướng Tây, nhiều người trong đoàn quân đó che mưa bằng những tấm nhựa trắng dùng để bọc đầu đạn pháo binh. Thì ra đó là Đại Đội 4/11! Đại Đội 4/11 cứ phoong phoong theo đường xe be, chẳng đụng chạm gì cả, nên họ bắt tay được Đại Úy Đàm lúc xế chiều. Còn tôi, phải băng qua hai cái khe và một ngọn đồi, nên tối mịt mới tới được ngọn đồi xảy ra giao tranh. Tiếng súng đã im từ lâu. Sau lần hành quân này mỗi quân nhân tham chiến của đại đội tôi đều được bồi hoàn đặc biệt một đôi giày mới, và một bộ rằn ri mới. Ngày hôm đó tiếng máy bay và tiếng đại bác vang dội núi đồi suốt từ trưa cho tới tối mịt, khiến dân chúng Đà-Lạt phải trải qua một bữa hoảng hồn.
Lâm-Đồng tháng Tám...Đại Đội 1/11 bị tách riêng ra khỏi tiểu đoàn, đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Bộ Chỉ Huy Liên Đoàn. Lúc này Trung Tá Bùi Văn Sâm đã thay thế Trung Tá Hồ Hữu Dõng giữ chức Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn 2 Biệt Động Quân.
Chúng tôi được trực thăng vận vào Gia-Bắc, một bản Thượng bỏ hoang, nằm trên Liên Tỉnh Lộ 8B nối liền Di-Linh (LâmĐồng) với Thiện-Giáo (Phan-Thiết). Nhiệm vụ của tôi là thiết lập một căn cứ hỏa lực dã chiến cho một pháo đội Hoa-Kỳ. Pháo đội này sẽ yểm trợ hỏa lực cho các cánh quân đang truy lùng địch vùng liên ranh Cao Nguyên và Duyên Hải. Đây cũng là nơi Trung Tá Sâm đặt bản doanh bộ chỉ huy hành quân của ông. Sau khi lập xong vòng đai an ninh căn cứ, tôi tung các toán tuần tiễu xa, rồi ngồi chờ pháo binh Hoa-Kỳ chuyển vận súng vào vị trí. Chinook rầm rộ theo nhau đáp. Chưa đầy hai giờ sau, mười sáu khẩu đại bác 105 ly đã sẵn sàng tác xạ.
Tới chiều, ông thượng sĩ trưởng toán liên lạc truyền tin của Sư Đoàn 23 Bộ Binh chạy ra tìm tôi, báo tin: - “Anh Đào” đang trên đường đến thăm. “Anh Đào” là danh hiệu truyền tin của Chuẩn Tướng Trương Quang Ân (Khóa 7 Võ-Bị), Tư Lệnh Sư Đoàn 23 Bộ Binh, kiêm Tư Lệnh Task Force South. Tôi đã đón Tư Lệnh tại bãi trực thăng, thuyết trình cho ông về quân số lực lượng phòng vệ, về các toán tuần tra dã ngoại, và kế hoạch phản ứng khi bị địch tấn công hay pháo kích. Tôi dẫn Tư Lệnh duyệt một vòng vị trí phòng thủ của đơn vị trước khi đưa ông vào hầm chỉ huy của liên đoàn để nghe trung tá liên đoàn trưởng tường trình diễn tiến hoạt động của Biệt Động Quân trong lần hành quân này. Vài tháng trước, sau khi đại đội tôi tịch thu được một kho gạo của địch trong Mật Khu Tứ-Quý, tôi đã giáp mặt Chuẩn Tướng Tư Lệnh Task Force South một lần, và đã được ông gắn cho một Anh Dũng Bội Tinh với Ngôi Sao Bạc. Dịp đó, trong hàng quân, tôi chỉ được ông Tướng bắt tay một cái, nghe ông khen một câu “Tốt lắm!” rồi thôi. Lần này tôi có cơ hội tiếp xúc với ông lâu hơn, nghe ông nói nhiều hơn và nhìn mặt ông rõ hơn. Sau khi đưa Tư Lệnh tới bộ chỉ huy nhẹ liên đoàn, tôi trở về lều của mình, leo lên võng nằm nghỉ. Rồi tôi chợp mắt ngủ quên. Ngoài lều, đám “tà lọt” của tôi ngồi đấu láo. Tôi đang mơ màng thì giật mình vì tiếng ông Thượng Sĩ Nguyễn Lược, Trung Đội phó, Trung đội 3, - Vào hàng! Phắc! Tôi ngồi dậy, nhoài người, thò đầu ra khỏi lều quan sát. Chuẩn Tướng Tư Lệnh đang bắt tay từng quân nhân đang hiện diện trên bãi cỏ gần lều của tôi. Ông ân cần hỏi han từng người, về tình trạng ẩm thực, về việc uống thuốc ngừa bệnh sốt rét rừng, về vấn đề thư từ liên lạc với gia đình, về chuyện bồi hoàn quân trang sau mỗi đợt hành quân dài ngày... Tuyệt đối, tôi không nghe vị Tư Lệnh này “quay” thuộc cấp với những câu hỏi liên quan đến xẻng, cuốc, bi đông, nón sắt, giây ba chạc, tiêu lệnh khi gác giặc, hay cấp số đạn mang trên lưng... Trò truyện cùng thuộc cấp một hồi, Tư Lệnh mới thong thả quay lưng, đi về hướng chiếc trực thăng đang chờ trên bãi. Ông dừng lại giữa đường, dơ tay ra dấu cho đoàn tùy tùng. Đoàn tùy tùng của ông Tư Lệnh đang ghé thăm toán Liên Lạc Truyền Tin của Sư Đoàn 23. Có một nữ quân nhân trong đoàn tùy tùng. Người nữ quân nhân này chính là phu nhân của ông Tướng. Bà đang cùng ông Thiếu Tá Thịnh, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn Truyền Tin Sư Đoàn 23 thăm hỏi những người lính bộ binh. Tôi nghe tiếng Trung Sĩ Nguyên, cựu Thiếu Sinh Quân, đang vòi vĩnh bà vợ ông Tư Lệnh: - Chị cho em vài trăm đi chị! Em cạn túi rồi, thèm thuốc lá quá, mà chưa tới ngày lãnh lương... Bà “Chị Dâu của Thiếu Sinh Quân” lục túi xách tìm tòi một phút, rồi nhỏ nhẹ, như phân bua, - Chị vét túi, chỉ còn năm chục, em cầm tiêu đỡ. Anh chị cũng... chưa tới ngày lãnh lương. Sương trắng từ khe núi bắt đầu dâng lên. Chiếc trực thăng cất cánh, rồi chui vào tầng mây thấp. Tiếng động cơ “Bạch! Bạch! Bạch! ...” loãng trong gió, xa dần. “Niên trưởng” và “Chị” đi rồi. Nhưng hình như, tình huynh đệ chi binh còn vương đâu đây, trong tim chúng tôi... Đêm xuống, trời trở gió, rồi mưa to. Nửa đêm, xảy ra một chuyện bất thường. Từ thung lũng đen ngòm dưới kia, bỗng vang lên những âm thanh ầm ầm như động đất. Chấn động tràn lên đồi, khiến căn lều của tôi cũng rung rinh như muốn sập. “Động đất! Động đất! Bà con ơi!” Thượng Sĩ Lạc, Thường Vụ Đại Đội vừa gõ kẻng báo động vừa lớn tiếng la liên tục. Thế rồi, nhanh như cơn lốc, hàng trăm con voi rừng ào ào vượt dốc xông lên. Cây rừng bị voi đè gãy đổ kêu răng rắc. Khi đàn voi tới cách lều của tôi chừng hai chục thước thì con đầu đàn dẫm phải đống lửa còn nghi ngút khói sau cơn mưa của ông Lạc. Than củi bay lên tung tóe làm nó hoảng hồn, vội quẹo sang bên phải. Thế là cả đàn voi ùn ùn theo nhau dạt về hướng Tây, khu đặt pháo của Hoa Kỳ. Quân Mỹ la chí choé. Đợi đàn voi đi qua, tôi cho quân báo động, dàn quanh khu pháo binh để những xạ thủ Mỹ kiểm tra tình trạng súng ống xem có thiệt hại gì không? Dưới ánh đèn pha, tôi thấy năm, sáu khẩu đại bác 105 ly bị voi ủi gãy gọng, chổng càng. Chừng nửa giờ sau, công việc kiểm tra tình trạng khả dụng của pháo binh chấm dứt, tôi cho lệnh thu quân, người nào về vị trí của người nấy. Tôi cùng Thượng Sĩ Lạc đi một vòng tuần tra các vọng gác, rồi quay về lều. Tôi vừa ngồi trên võng, chưa kịp cởi giầy thì, một đại úy Hoa Kỳ có hai binh sĩ Mỹ hộ tống đã hăm hở tiến tới đòi gặp mặt. Ông đại úy này là sĩ quan an ninh phòng thủ của pháo đội Mỹ. Ông ta nghi rằng Việt Cộng lùa voi đi trước, sau đó chúng sẽ theo chân voi, tấn công ta. Ông ta đã tới từng lều ra lệnh cho binh sĩ dưới quyền tôi trở lại tuyến phòng thủ ngoài rào kẽm gai của pháo đội. Chưa có lệnh của tôi, anh em Biệt Động Quân chưa nhúc nhích. Do đó, ông ta phải đi tìm tôi để điều đình. Ông ta yêu cầu tôi cho quân ra vị trí phòng thủ, và duy trì tình trạng báo động cho tới khi trời sáng. Tôi từ chối yêu cầu này. Thấy vậy, ông ta liền nổi giận la hét om xòm và dọa sẽ tường trình việc này lên Bộ Tư Lệnh Task Force South để thượng cấp khiển phạt tôi. Tôi ôn tồn giải thích cho ông Mỹ này biết rằng, đường đàn voi vừa đi qua là một con dốc trơn trượt sau cơn mưa. Ngay đầu dốc tôi cũng vừa đặt thêm một vọng gác. Nếu Việt-Cộng tiến quân theo đường đó sẽ bị lính gác phát hiện ngay, và chúng ta có dư thời gian để vào vị trí chống trả. Vả lại, đêm nay thời tiết quá lạnh, nếu bắt binh sĩ dưới quyền phải ngâm mình dưới hố cá nhân đầy nước từ nửa đêm tới khi trời sáng sẽ khiến họ nhiễm bịnh. Ngoài ra, có dấu hiệu gì báo cho ta biết chắc chắn rằng địch sẽ tới đâu? Tôi quả quyết với ông đại úy Mỹ rằng, chẳng có thằng Việt-Cộng nào đi theo đàn voi này. Vì đây là một đàn voi rừng, voi dại, không phải voi nhà. Tôi móc túi lấy gói Lucky, mời ông đại úy; ông ta gạt tay từ chối. Sau khi tự mồi cho mình một điếu, tôi thân mật vỗ vai ông sĩ quan Đồng Minh, nhỏ nhẹ, - Này ông bạn ơi! Nhiệm kỳ phục vụ tại Việt-Nam của bạn chỉ kéo dài sáu tháng là cùng. Nếu bạn có thức trắng vài ba đêm cũng chẳng ảnh hưởng gì. Còn chúng tôi thì khác. Chúng tôi đã chiến đấu mười năm, và sẽ còn phải chiến đấu thêm mười, hai mươi năm nữa.Vì thế, tôi phải tiết kiệm mồ hôi, xương máu, sức khỏe của binh sĩ dưới quyền tôi.Thôi bạn về ngủ đi! Chúc bạn ngủ ngon! Hẹn gặp lại. Nào ngờ, cử chỉ thân thiện của tôi chỉ làm ông sĩ quan Mỹ giận dữ thêm, ông ta quát vào mặt tôi: - Người Mỹ đang ngâm mình trong hố nước, các anh cũng phải làm như vậy! Tôi muốn các anh phải ra vị trí ngay bây giờ! Trước thái độ hống hách xấc xược của ông bạn Đồng Minh, tôi không thể dằn nổi cơn thịnh nộ. Tôi đưa ngón tay trỏ chỉ ngay mặt anh ta rồi hét lớn:
- Câm mồm! Tôi là người chỉ huy phòng thủ căn cứ hỏa lực này. Còn anh chỉ là người được tôi bảo vệ! Tuyệt đối anh không có quyền hành gì đối với đơn vị tôi cả! Anh muốn báo cáo việc này với ai thì báo! Tôi không bận tâm! Cút khỏi đây ngay! Sau đó, không thèm nhìn anh ta, tôi quay gót vào lều. Không biết làm gì hơn, ông sĩ quan an ninh Mỹ đành hậm hực dẫn lính bỏ đi. Có lẽ do yêu cầu của bên pháo đội Mỹ, nên hai trực thăng vũ trang đã bay vòng vòng, rọi đèn pha quanh căn cứ từ nửa đêm cho tới sáng. Rồi cũng qua một đêm ồn ào, mất ngủ vì tiếng động cơ máy bay. Trưa hôm sau Tướng Ân và một đại tá Hoa-Kỳ xuống kiểm tra tình hình tổn thất của pháo binh, đồng thời nghe tường trình chi tiết vụ việc lủng củng giữa tôi và ông sĩ quan an ninh của pháo đội. Một phái đoàn báo chí Việt Mỹ cũng chiếm một trực thăng tháp tùng ông Tư Lệnh. Trong căn lều vải, chỉ có hai chiếc ghế dành cho Tư Lệnh và Đại Tá Cố Vấn Sư Đoàn. Những người khác kể cả trung tá liên đoàn trưởng Biệt Động Quân và sĩ quan pháo đội trưởng Mỹ đều phải đứng chen vai nhau. Các phóng viên bấm máy ảnh “tí tách!” liên tục. Ông pháo đội trưởng tổng kết tình hình cho biết, bốn khẩu đại bác 105 ly bị hư hại cần thay thế, hai binh sĩ bị voi dẫm gãy xương đã được tản thương trong đêm.
Sau đó, viên đại úy an ninh Mỹ lên bục trình bày. Anh ta khiếu nại rằng, sau khi đàn voi đi qua, Biệt Động Quân Việt-Nam đã không chịu duy trì tình trạng báo động cho tới sáng, pháo đội Mỹ đã không được bộ binh bảo vệ nếu địch theo chân voi, ào lên tấn công... Rồi tới phiên tôi, - Thưa Chuẩn Tướng, xin Chuẩn Tướng cho lệnh, tôi sẽ trình bày sự việc bằng tiếng Anh hay tiếng Việt? - Trung úy xuất thân từ quân trường nào? - Thưa Chuẩn Tướng tôi tốt nghiệp Khóa 20 Võ Bị. - Nếu trung úy không nói được tiếng Anh thì trung úy nhờ ông trung sĩ thông dịch viên của sư đoàn giúp đỡ cho. Tôi nóng mặt, - Như vậy thì tôi sẽ trình bày sự việc bằng tiếng Anh. Nhờ trung sĩ thông dịch viên dịch lại bằng tiếng Việt cho các phóng viên báo Việt. Cái sơ đồ phòng thủ không tỷ lệ được hai Biệt Động Quân cầm giữ để tôi thuyết trình. Tôi sơ lược sự kiện xảy ra đêm qua. Tôi lý giải quyết định không duy trì báo động của tôi vì đàn voi di chuyển đêm qua là voi rừng, không phải voi nhà. Tôi tin chắc địch không đủ khả năng bắt ép một đàn voi rừng làm theo lệnh được. Với tôi, việc bắt binh sĩ ngâm mình trong hố cá nhân đầy nước dưới thời tiết lạnh giá, trong thời gian năm sáu tiếng đồng hồ là một hành động ngu ngốc. Tôi là một cấp chỉ huy không ngu ngốc, nên tôi không nghe theo yêu cầu ngu ngốc của bất cứ ai. Nghe tôi nhấn mạnh tiếng “stupid” (ngu ngốc) tới hai lần, ông đại tá Mỹ hơi cau mặt, liếc nhìn anh sĩ quan an ninh Hoa Kỳ. Anh ta cúi mặt, dí dí hai mũi giày trên đất. Buổi họp chấm dứt, Tướng Ân đứng lên, vỗ vai tôi, ôn tồn, - Khá lắm! Anh khen chú! Khá lắm!
Ông đại tá Mỹ cũng vồn vã, - You’re excellent! Ông xiết tay tôi thật chặt trước lúc từ giã. Hai ngày sau cuộc hành quân chấm dứt. Hôm đó lại có chuyện bất thường xảy ra! Đại bác đã được năm chiếc Chinook bốc đi hết. Chiếc trực thăng chuyển quân cuối cùng cũng vừa cất cánh sau khi hốt toán đề lô pháo binh của tôi. Trên bãi còn lại một toán sáu người. Tôi lấy làm lạ về cách làm việc cứng ngắc của người Mỹ. Người Mỹ đánh giặc bằng sách vở, việc ai nấy làm, nhiều lúc thấy mắc cười. Hai chiếc tàu cứu cấp và chỉ huy cứ khơi khơi trên trời, cùng hai gunships, bay vào, bay ra, theo đuôi đoàn trực thăng chở quân. Nếu họ xử dụng một trong hai chiếc tàu trống đó mà bốc chúng tôi thì đâu cần điều động hai gunships và một slick quay trở lại đây lần nữa? Bây giờ trên bãi chỉ còn lại sáu người gồm có tôi, Binh Nhứt Trần Ty mang máy PRC 25, cùng hai hộ tống viên là Binh Nhứt Phạm Công Cường, và Hạ Sĩ Nguyễn Phượng Hoàng. Phía Mỹ có một đại úy da đen, nhưng trên bảng tên thì họ của ông ta lại là White (Trắng) cùng một anh binh nhì da trắng mang máy truyền tin cho ông. Hai người Mỹ này là toán liên lạc điều không của ngày hôm đó. Bỗng đâu, sương mù dâng lên cuồn cuộn. Sương đêm như từ dưới đất phun lên, từ gốc cây tuôn ra, từ tàn lá trên cao tỏa xuống, quánh lại như mây, và trắng như sữa. Phút chốc cả vùng đồng cỏ ngập chìm trong biển sương dày dặc. Ông đại úy da đen đứng cách tôi chưa tới sải tay mà tôi cũng không nhìn rõ mặt ông ta. Nguy rồi! Cứ cái đà này thì tối nay chúng tôi phải ngủ lại đây mất thôi! Rõ ràng là chiếc H.U.1D đang bay ngay trên đầu, nhưng tôi không trông thấy đèn pha của tàu. Anh phi công nói, dưới bụng anh ta chỉ là mây trắng, anh ta không dám sà xuống tìm chúng tôi, vì sợ cánh quạt chặt phải tàn cây thì chết! Trực thăng tiếp tục vòng vòng bao vùng cả giờ, nhưng vô vọng. Trời tối dần, trực thăng hết xăng, phải về Blao tiếp nhiên liệu. Rồi trời tối hẳn. Sau khi liên lạc với ban chỉ huy không vận, Đại Úy White báo cho tôi biết rằng, ngày mai, nếu thời tiết tốt, chúng tôi mới được bốc ra khỏi đây. Ông ta đề nghị tôi qua đêm ngay trên bãi đáp. Tôi không đồng ý với White về việc này. Kinh nghiệm cho tôi biết, mỗi khi quân ta rời vị trí một căn cứ hỏa lực, thì không lâu sau đó, du kích địa phương sẽ tới dò la, nhặt nhạnh những vật dụng chúng ta vô tình bỏ lại. Nếu đêm nay ở lại chỗ này, chúng tôi có thể sẽ chạm mặt với du kích, phần bất lợi chắc chắn nghiêng về phía ta. Thế là hai bên giằng co, người đòi ở lại, kẻ đòi di chuyển. Cuối cùng, khi nghe tôi dọa sẽ kéo nhau đi, bỏ thây kệ thày trò anh ta ở lại, anh ta mới đành hậm hực vác ba lô lên vai. Tôi ra lệnh cho chú Cường gài lại hai trái M26 ở hai đầu đường dẫn tới nơi đống lửa cao nghệu mà chúng tôi vừa đốt. Sau đó chúng tôi nối đuôi nhau tụt thẳng xuống dốc núi bên lề Bắc của Tỉnh Lộ 8 B. Chúng tôi vuợt qua con suối nhỏ dưới dốc, rồi leo lên lưng chừng vách đá, ngừng lại nhóm lửa, ngả lưng. Cây cối rậm rạp, sương mù dày dặc, rừng tối thui, cho dù ai đó có đứng cách chúng tôi năm ba mét chưa chắc đã nhìn thấy bếp lửa của chúng tôi. Chỉ cần một người ngồi canh và tiếp củi cho đống lửa cháy đều, năm người còn lại yên chí ngủ. Chừng một giờ sau, bên hướng căn cứ hỏa lực có tiếng lựu đạn nổ “Ùm!” Đại Úy White ghé tai tôi hỏi nhỏ, - Cái gì thế? Tôi trả lời bừa, - Không biết, có thể là du kích, có thể là một con nai... Anh đại úy Mỹ móc túi lấy ra gói thuốc lá, - Ông hút một điếu đi! Lạnh quá! Tôi ngăn tay anh ta lại, - Đừng làm điều này! Nguy hiểm lắm! Tai và mắt của du kích không biết chúng ta đang ở đâu. Nhưng mũi của chúng có thể tìm được chúng ta đó! Bây giờ đang gió Bắc. Người nào đứng bên Tỉnh Lộ 8B chắc chắn sẽ ngửi được khói thuốc của chúng ta ngay. Gắng đợi tới sáng mai, lên tàu rồi, thì tha hồ mà hút. White gật đầu tỏ ý hiểu chuyện. Vừa lúc đó bên kia bờ nổ thêm một tiếng “Ùm!” thứ hai, theo sau là một tràng AK bắn bâng quơ. White giựt tay tôi, lắc mấy cái thật mạnh, rồi bất ngờ dang hai tay ôm tôi vào ngực anh, xiết tôi một cái thật chặt, rồi buông nhanh ra, - My commander! You’re a great commander! Đêm ấy anh chàng da đen còn ôm máy nói chuyện với cấp chỉ huy của anh ta khá lâu. Trước khi thiếp đi, tôi còn loáng thoáng nghe anh ta nhắc đi, nhắc lại vài lần tiếng “Vietnamese Ranger…” gì đó. Hừng đông, sương mù tan nhanh dưới nắng. Chưa tới mười giờ sáng, một slick với hai gunships hộ tống đã có mặt trên vùng. Không lâu sau, chúng tôi đạp chân trên Sân Vận Động Di-Linh. Tại đây, Thiếu Úy Duyên và Tướng Ân đang đứng chờ. Tướng Ân bắt tay tôi và Đại Úy White, - Mission completed! You’re the best! Khi White và người mang máy truyền tin của ông ta đã quay lại trực thăng để trở về đơn vị của họ, Tướng Ân mới vỗ vai tôi, ôn tồn, - Anh rất hài lòng! Tuần tới anh sẽ giao cho chú một nhiệm vụ. Tôi đứng nghiêm, - Vâng, bất cứ nhiệm vụ gì Chuẩn Tướng giao phó, tôi sẽ cố gắng hoàn thành. Thiếu Úy Duyên cũng xen vào: - Tối qua, khi nghe nói trực thăng không vào đón anh nữa, tôi bực quá, gọi máy lên Sư Đoàn cự nự lung tung. Ai đời, dư máy bay lại dùng để hộ tống, trong khi người thì bỏ lại. Nếu ảnh (Duyên dơ tay chỉ vào ngực ông Tướng) mà không vào máy “stop” tôi lại, tôi còn làm tùm lum. Muốn phạt thì cứ phạt, cóc có ngán! Quay qua Tướng Ân, Duyên nói, - Anh thấy chưa? Họ dùng một slick trống, bay theo đoàn tầu chuyển quân để làm gì? Trong khi đại đội trưởng của em bị bỏ lại giữa rừng. Làm ăn gì mà bê bối quá vậy? Tướng Ân xua tay, - Thôi chuyện qua rồi! Anh sẽ bàn lại với họ về sự việc này để rút kinh nghiệm. Thiếu Úy Duyên là một Cựu Thiếu Sinh Quân, Chuẩn Tướng Ân cũng là một Cựu Thiếu Sinh Quân lớp đàn anh của Duyên. Họ là anh em, nên cách cư xử, xưng hô, có khác so với người ngoài.
Tướng Ân nắm tay tôi tản bộ quanh sân vận động. Vừa đi, ông vừa nói, - Trong quân đội, hôm nay anh là chuẩn tướng, chú là trung úy, cấp bậc tuy có cách biệt nhau đấy, nhưng biết đâu? Có một ngày nào đó chú đuổi kịp anh, không chừng chú còn qua mặt anh nữa! Duy chỉ có cấp bậc “NiênTrưởng” là suốt đời, chú đuổi anh không kịp. Có một điều anh muốn nhắc nhở chú là, phải sống sao cho không hổ danh Võ- Bị. Đối với anh em cùng trường, phải thương yêu, nâng đỡ, che chở, đùm bọc lẫn nhau. Phải sống thế nào cho anh ra anh, em ra em. Từ nay, anh cho phép chú, nếu gặp anh, không phải là giữa hàng quân, chú cứ gọi anh là niên trưởng. - Vâng! Tôi tuân lệnh của niên trưởng! Trong thời gian tăng phái cho Task Force South, tôi còn nhiều dịp giáp mặt Anh Đào. Tôi không biết vì lý do riêng tư nào mà vị niên trưởng này lại đặc biệt lưu ý tới tôi. Mỗi khi đơn vị tôi về đóng quân tại Cam-Ly hay Liên-Khương, ông đều tạt xuống thăm tôi vài phút. Ông thường nhắc nhở tôi rằng: “Sự tồn vong của một đơn vị bộ binh không nằm ở trang bị tối tân, hỏa lực hùng hậu, mà nằm ở sự gắn bó giữa thượng cấp và thuộc cấp. Cấp chỉ huy phải lưu ý chăm sóc tới cuộc sống của từng người lính. Vì họ là lớp người được hưởng ít quyền lợi nhất. Nhưng nhiệm vụ của họ lại nặng nề nhất. Mạng sống của họ thật là mong manh. Hãy thương yêu thuộc cấp như thương yêu em út trong gia đình. Có như thế, thuộc cấp mới hết lòng với mình. Khi hữu sự, họ sẽ không bỏ mình.” Tôi rất cảm kích trước những lời chỉ dạy chân tình và quý báu của người đàn anh đáng kính này. Vài ngày sau, tôi nhận một công điện trao tay, từ Văn Phòng Tư Lệnh Sư Đoàn 23 gởi theo trực thăng xuống DiLinh. Tư Lệnh chỉ thị cho tôi phải giám sát một đại úy thuộc Sư Đoàn 23 được gửi tới, theo chân Đại Đội 1/11/BĐQ hành quân trong thời gian một tháng. Ông đại úy sẽ tháp tùng tôi để quan sát, học hỏi kỹ thuật chỉ huy tác chiến của tôi trong suốt thời gian quy định. Chiều hôm đó trực thăng Hoa-Kỳ thả ông đại úy xuống chỗ đóng quân của tôi. Ông đại úy đi một mình, không tùy tùng. Ông đội nón đi rừng, mặc áo “Sô Dù” và trang bị một Colt 45. Trong ba lô của ông có mười ca gạo, và một cái võng, chẳng có poncho, chăn mền, nồi niêu, xoong chảo, chén bát, muỗng nĩa gì cả. Tôi không hỏi ông đại úy lý do tại sao ông ta bị đưa tới đây, nhưng ông ta tự ý tâm sự với tôi rằng, ông ta đang bị phạt. Đúng lý ra, tôi không bận tâm về việc ẩm thực của ông đại úy, nhưng thấy hoàn cảnh của một sĩ quan gặp lúc khó khăn, tôi ra lệnh cho Chuẩn Úy Đinh Quang Biện, Trung Đội Trưởng Trung Đội 3 cấp cho ông ta một người lính lo việc cơm nước. Binh Nhì Triệu Cheng, anh lính nấu cơm của ông Biện được giao nhiệm vụ này. Trong thời gian một tháng, chúng tôi liên tục nhảy diều hâu vào vùng Đa-Dung, La-Ngà, Ma- Nôi... không có vụ đụng độ nào đáng kể. Rồi ông đại úy đáo hạn thọ phạt, từ giã, ra đi. Triệu Cheng cũng bị trả lại Trung Đội 3, tiếp tục nấu cơm cho Chuẩn Úy Biện. Chuyện tưởng chừng như đã quên. Cho tới một chiều nắng phai... Bốn sĩ quan Đại Đội 1/11 ngồi trên xe Jeep lượn quanh hồ Bảo-Lộc. Một bóng hồng dơ tay chận xe tôi. Người đẹp nhoẻn miệng cười tươi, hàm răng tuyệt đẹp,
- Xin lỗi trung úy, em muốn hỏi thăm Thiếu Úy Chân ở Đại Đội 1 Tiểu Đoàn 11.Bốn chàng sĩ quan nhìn nhau, - Cô có lầm không? Tất cả bốn đứa sĩ quan Đại Đội 1 đều ngồi trên xe này. Không có đứa nào tên là Chân cả. Cô gái tần ngần, - Anh Chân, cao cao, trăng trắng, tóc bồng bềnh, mang kiếng mát Ray-Ban, thường đi cùng ông đại úy mặc áo “Sô Dù” đại đội trưởng. Hai anh ấy hay ghé nhà em mỗi khi về phố... Ngồi trên ghế tài xế, Thiếu Úy Duyên bỗng nhảy nhổm, vỗ đùi, - Đúng rồi! Thiếu Úy Chân Đại Đội 1. Đúng rồi! Để chúng tôi đi kiếm dùm cho cô ngay bây giờ. Chào cô, chúng tôi đi nghe! Cô bé lại nhoẻn miệng cười, lí nhí tiếng cám ơn, rồi lui lên lề, nhường đường cho xe chúng tôi đi. Tôi chẳng hiểu nếp, tẻ, mô, tê gì cả, nhưng không tiện hỏi. Khi đã ngồi yên chỗ bên bàn ăn trong Quán Ngọc-Lan, Duyên mới nói nhỏ cho tụi tôi vừa đủ nghe, - Có mấy lần về phố nhận tiếp tế, tui bắt gặp thằng Cheng và “cha nội đại úy học nghề” thậm thụt khu xóm Chùa. Hình như nhà cô bé này cũng ở gần đâu đó. Để chiều nay về, tôi khảo thằng Cheng là rõ ngay. Sáng ngày kế đó, lúc xách nước cho tôi rửa mặt, Hạ Sĩ Nguyễn Lác cười hì hì,
- Thằng Cheng nó đổi tên là Chân, lên làm Thiếu Úy Đại Đội Phó cho ông Đại Úy Đại Đội Trưởng Đại Đội 1 cả tháng nay. Tất cả bà con trong xóm Bàn Đèn Thuốc Phiện sau chùa Phật Giáo, ai cũng biết. Chỉ có các ông thầy Đại Đội 1 là không rõ đó thôi. Tôi chợt vỡ lẽ ra, hiểu chuyện, bật cười. Binh Nhì Triệu Cheng, anh em thường gọi đùa là “Triệu Đại Gia” vốn là cháu đích tôn của ông chủ hãng nhôm Triệu-Đà trong Chợ-Lớn. Vào một đêm mưa buồn giăng giăng, sau Tết MậuThân, điếu thuốc gắn trên môi, “Triệu Công Tử” đang lang thang trên phố vắng không đèn thì bị Tuần Cảnh Biệt-Khu Thủ-Đô chận đường. Cheng bị tóm cổ, thảy lên xe, đưa về Trung-Tâm Quản-Trị Trung-Ương. Binh Nhì Triệu Cheng có mặt ở Đại Đội 1/11trước ngày tôi xuất viện trở về chỉ huy đơn vị. Mấy ngày sau, đại đội phải di chuyển bộ từ cầu Trắng lên sân vận động, chờ trực thăng vào vùng. Vì có lệnh di chuyển gấp, Triệu Cheng không kịp đút cái nồi nấu cơm của anh vào trong bao cát. Cái nồi nấu cơm của thày trò anh được móc vội trên ba lô. Cái nồi đen đong đưa theo bưóc chân Cheng... Đoàn quân đi qua xóm Chùa, dân chúng túa ra đường vẫy tay. Xe Jeep của đại đội dừng lại trước Cà Phê Duyên. Tôi bước xuống đứng bên đường, chờ tài xế Châu Minh Đạt chạy đi mua mấy ổ bánh mì. Tôi nghe nhiều tiếng gọi, - Anh Chân ơi! Anh Chân ơi! - Thiếu Úy Chân! Thiếu Úy Chân! Vào nhà bác nghỉ mệt một lúc rồi đi tiếp. Đi trong hàng quân, Triệu Cheng nhe răng cười. Anh đưa tay khoát khoát, chối từ những lời mời chào.
Anh giở nón sắt ra, cầm tay. Cặp kiếng mát Ray-Ban thật xứng với khuôn mặt thư sinh trắng trẻo hồng hào. Trong bộ tác chiến rằn ri, trông anh như một nam siêu sao trong phim cao bồi màn bạc Mỹ. Những em bé đứng bên đường, có lẽ quen anh, trầm trồ kháo nhau, - Ông thiếu úy mà cũng vác nồi đi hành quân. Ông thiếu úy bình dân quá, chịu chơi quá tụi mày ơi! Khẩu M16 đeo vai, ba lô trên vai, Triệu Cheng vẫn bước khoan thai. Cái nồi nhôm đen, đeo bên hông ba lô, đung đưa theo nhịp bước anh đi. Tôi nghĩ, trong số những bàn tay vẫy vẫy tiễn đưa đoàn hùng binh ra trận ngày hôm ấy, thế nào cũng có bàn tay của cô bé xóm Chùa, cô bé có hàm răng tuyệt đẹp. Cũng từ hôm ấy, gia tài đại đội tôi có thêm giai thoại “Ông Thiếu Úy Bình Dân”.
Mùa Thu trên Cao Nguyên...
Mỗi lần Đại Đội 1/11 về Liên-Khương thì cái lều vải của tôi lại được căng trước sân tư gia của ông chủ xưởng cưa ĐứcTrọng. Lần nào cũng vậy, vừa thấy mặt tôi, cô cháu gái của ông chủ đã mừng rỡ, - Chào trung úy mới “dìa”! Bác Ba ơi! Ông trung úy Bắc Kỳ “dìa gồi” nè! Giọng nói đặc sệt Hậu-Giang của cô bé, tôi không nghe quen, nên thấy ngộ. Bà vợ ông chủ xưởng cưa kể truyện lai lịch cái tên Thu Bình của cháu bà cũng hàm ý lịch sử. Mùa thu năm 1954 hiệp định Genève được ký kết, chiến tranh Pháp Việt chấm dứt, Việt Nam hòa bình. Cháu bà sinh ra vào cuối mùa Thu đất nước thanh bình, nên được đặt tên là Thu Bình. Như vậy, phải hai, ba tháng nữa Thu Bình mới đủ mười bốn tuổi. Ấy thế mà anh thiếu úy đại đội phó cứ cắp đôi cô bé này cho tôi. Cái anh Đặng Hữu Duyên này thực là vô duyên hết chỗ nói! Anh ta còn lấy tên “Thu Bình” làm danh hiệu cho khẩu đội đại liên M60 của đại đội. Trước đó, khẩu đội súng cối 60 ly của Binh Nhứt Lê Văn Ngẫu đã bị anh Duyên khoác cho cái tên “Kim Cương”, vì ở Pleiku có một cô nữ sinh diễm kiều nhảy đầm rất giỏi tên là Kim Cương. Kim Cương và hai chị gái của cô đều thích Biệt Động Quân. Sau này Kim Cương kết duyên với anh Hoàng Kinh Ngữ, Biệt Động Quân thuộc Tiểu Đoàn 23. “Tình báo gia binh” sao mà thính tai đến thế! Chúng tôi chưa tổ chức hầm hố xong, bầu đoàn thê tử của Đại Đội 1/11 đã từ Đà-Lạt ào xuống một xe cam nhông, đầy đàn bà và con nít. Các bà vợ lính đem con từ Pleiku xuống chờ chồng lĩnh lương. Tôi nói với các ông trung đội trưởng tìm cách “du di” cho những quân nhân có gia đình đôi chút thời giờ để họ có thể chăm sóc vợ con. Ông chủ xưởng cưa cho phép thân nhân của đơn vị tôi được xử dụng dãy nhà chứa ván vỏ làm nơi tạm trú. Đời Biệt Động, sống nay, chết mai. Hạnh phúc của những gia đình Biệt Động là cái hạnh phúc “được phút nào, hay phút nấy!” Có lẽ vì thế mà bất cứ hành quân nơi nào, dù xa hậu cứ Pleiku cách mấy, chỉ cần dừng lại đôi ngày gần nơi thị tứ, có đường xe đò, là vợ con binh sĩ tìm tới ngay. Thân nhân binh sĩ trong đơn vị nhìn ông đại đội trưởng như người anh cả. Khi gia đình gặp cảnh khó khăn, họ không ngại ngùng đến nhờ tôi giúp đỡ. Anh chàng nào lạng quạng, có bồ, có bịch, hay cờ bạc, bê tha, bỏ thí vợ con là biết tay tôi ngay.
Các chị cũng hay áy náy về chuyện vợ con của ông đại đội trưởng. Mỗi lần thấy bóng tôi đi ngang qua khu gia binh, các chị thường ân cần: “Trung úy cưới vợ cho có người tiếp tế lúc đi hành quân xa đi trung úy ơi! Trung úy cứ kén chọn hoài! Tụi em chờ mãi chưa thấy trung úy mời ăn xôi gấc!” Những lúc đó, tôi chỉ cười trừ. Chẳng biết trả lời các chị ấy sao cả. Vì lấy vợ đâu phải là chuyện dễ? Lấy vợ mà giản dị như xung phong chiếm một ngọn đồi thì tôi đâu có còn độc thân cho tới hôm nay? Nhà ông chủ xưởng cưa có cái máy lạnh chạy bằng đèn dầu lửa. Binh Nhứt Trung thường gửi bia lạnh của tôi trong tủ lạnh này. Tôi và ông chủ xưởng cưa thường ngồi đối ẩm nói chuyện đời vào những chiều sương rơi. Bãi cỏ bên kia Quốc Lộ 20 là sân bốc của trực thăng. Chúng tôi tập trung bên này đường, đội ngũ chỉnh tề. Càng trực thăng vừa chạm đất, chúng tôi đã ào sang, sẵn sàng leo lên. Cứ tám người một con tàu. Cứ bốn mươi người, một cánh quân. Có khi cánh quân của tôi bị thảy xuống cách cánh quân của Thiếu Úy Duyên hàng chục cây số. Chúng tôi vào vùng, rồi chuyển vùng xoành xoạch. Mưa theo chân chúng tôi từ bãi đáp này, sang bãi đáp khác. Rừng già Cao Nguyên lạnh quanh năm. Đi rừng vào mùa mưa còn thêm nhiều nỗi khổ. Đường trơn như tráng mỡ. Muỗi vắt đông vô kể. Một sáng, đơn vị đang di chuyển trên đường voi thồ trên núi Voi thì tao ngộ chiến. Hai bên mới bắn nhau vài băng AK, và M16, lính Trung Đội 1 của Thượng Sĩ Ngọ đã đè lên nhau, chạy thục mạng về phiá sau. Thiếu Úy Duyên đi đầu cùng Trung Đội 1 cũng chạy bán sống bán chết. Tới chỗ tôi, anh hổn hển,
- Thái Sơn! Chạy mau! Chạy mau! Tôi dang hai tay, chặn đường, níu áo Duyên, - Dừng lại! Dừng lại! Làm gì kỳ vậy? Duyên giựt áo khỏi tay tôi, mặt tái mét, lắp bắp, - O...o... ong!... Ong vò vẽ! Chạy mau! Chạy mau! Duyên xô tôi một cái, rồi phóng đi, nhanh như bay. Tôi và hai anh cố vấn Mỹ tụt lại sau cùng. “Vo!... o...o... Vo!... o...o...Vo!..o...o...” Cha mẹ ơi! Đàn ong như một đám mây đen đặc đang ào ào kéo tới. Những con ong hung hãn lao “vèo!... vèo!” như mưa rào xuống đầu ba đứa chúng tôi. - Run! run! run!... Vừa la lên bằng tiếng Anh, tôi vừa co giò. Hai tay tôi có găng da đi rừng, tôi xòe hai tay che cổ và mặt. Những tiếng “đốp!... đốp!... đốp!” “độp!... độp!... độp!” liên tiếp nổ trên cái mũ đi rừng, làm tôi thót tim từng chặp. Tụi ong vò vẽ này đánh tàn bạo thiệt! Tôi chợt nhớ ra hai quả khói đeo trên dây ba chạc, ngay ngực. Tôi cúi người xuống, dùng răng rút đại một cái chốt an toàn. Quả khói vàng bung mỏ vịt. Tôi chạy tới đâu khói vàng mịt mù tới đó. Tôi phải nín thở, nếu không, tôi có thể chết ngộp chứ không phải chơi. Tôi chạy tới khi quả lựu đạn khói vàng hết xịt khói thì dừng lại. Đàn ong cũng không còn truy kích nữa. Tôi la lớn, - Anh Duyên ơi! Bác Ngọ ơi! Cho đại đội dừng lại. Bố trí kiểm quân!Đại đội nhanh chóng vào đội hình. Trong đội hình đó, tôi nổi bật lên, sáng choang. Từ đầu chí chân, toàn thân tôi nhuộm khói vàng. Đi trong rừng mà ngụy trang kiểu này thì thằng địch, dù bị thong manh, cũng tác xạ trúng mình cái tróc! Kiểm quân xong, chỉ thiếu có một anh trung sĩ cố vấn Mỹ da đen. Chuyến hành quân này, toán cố vấn Mỹ chỉ có một hạ sĩ quan và một binh sĩ truyền tin, không có sĩ quan đi theo đơn vị tôi. Có ba anh lính của đại đội chậm chân, bị ong đánh cho khờ khạo, phải đi cà lết. Anh Mỹ trắng chạy sau lưng tôi cũng bị ong chơi năm bẩy mũi. Cũng may, anh ta có cặp chân dài, vừa phóng lên, anh ta đã bỏ tôi lại đằng sau. Cái ba lô của anh, đựng chiếc PRC 25 bị ghim đầy xác ong. Ong chích xong, là chết bỏ xác. Loài ong này thiệt là anh hùng! Tôi cũng bị ong đánh một phát trúng gáy. Chỉ một phát thôi cũng đủ làm cho tôi cảm thấy xương sống gây gây như muốn lên cơn sốt. Tôi ra lệnh cho đại đội dò dẫm trở lại trận địa. Lựu đạn khói đi trước, quân ta tiến theo sau. Anh trung sĩ cố vấn Mỹ da đen, to như một con bò, nằm một đống giữa đường. Anh chàng vừa rên hừ hừ vừa co giựt chân tay. Anh cố vấn đang lên cơn sốt. Anh đau đớn, lăn lộn, vật vã. Tôi gọi y tá đại đội lên lụi cho anh ta một mũi Peniciline. Chúng tôi tiến tới vị trí chạm súng. Một cái nón cối vỡ nằm trỏng trơ trong vũng máu giữa đường. Những con ong đen đang chui rúc trong bãi óc và máu trên thi thể tên Việt-Cộng. Hắn bị trúng nhiều vết đạn trên người. Trên mặt đường voi đi, hai khẩu AK nằm cách nhau không xa, có vài vỏ đạn AK vương vãi đây đó. Hạ Sĩ Nghết, người khinh binh đi đầu đơn vị nói,
- Vừa tới khúc quanh, tui nghe tiếng người nói chuyện phiá trước, tui đưa súng lên, bóp cò liền. Tụi nó có bắn lại. Tụi nó bắn lên trời. Ông Nghết hạ được một tên tại trận. Tên thứ nhì vứt súng, nhào vào bụi. Nó đạp sập một ổ ong vò vẽ. Vò vẽ phản công, đuổi Đại Đội 1/11 chạy vắt giò lên cổ. Tôi cho một trung đội lục soát quanh triền đồi. Tên Việt Cộng thứ nhì nằm chết cách ổ ong chừng hai chục mét về hướng suối. Hắn bị thương ở ngực và đã chết trên đường thoát thân. Tôi cho người võng anh trung sĩ Mỹ đen đi theo đại đội. Chúng tôi tìm hướng chui ra một bãi cỏ tranh. Tôi gọi tiểu đoàn cho trực thăng tản thương. Ba anh lính Biệt Động Quân Việt-Nam và hai anh cố vấn Mỹ mặt mày sưng vù, miệng rên ư ử, run lập cập, theo nhau leo lên tàu về Đà-Lạt. Sau lần hành quân này, tiểu đoàn được cho nghỉ dưỡng quân vài ngày trong thị xã Đà-Lạt. Đại đội tôi đóng quân trên ngọn đồi đầu đường dẫn vào thành phố. Chỉ cần một buổi là xong việc tái tiếp tế, tái trang bị. Bốn chàng sĩ quan của Đại Đội 1/11 lại leo lên lưng con tuấn mã mang số 103472, rồ ga. Chiếc Jeep mui trần nhong nhong khắp nơi, từ Phở Đắc Tín, qua Cà Phê Tùng, tới Phở Bằng, lên Rạp NgọcLan, xuống Rạp Diên-Hồng, vào cư xá sinh viên đại học, rồi cuối cùng, về “diễn binh” quanh khu Chợ Hòa-Bình. Những cánh phượng vỹ cuối mùa phủ đầy con đường thơ mộng bên bờ hồ Xuân Hương. Đó đây, từng cặp, dập dìu, nam thanh, nữ tú. Những bước chân vô tình đạp trên xác hoa. Tôi thấy trong số những anh kép đang cặp tay người đẹp, đi loanh quanh, hết lên đồi, xuống dốc, lại xuống dốc, lên đồi, có vài ba anh rằn ri, nón nâu... Hình như sau Tết Mậu-Thân, dân chúng Đà-Lạt hết ghét bỏ Biệt Động Quân rồi? Xe qua phố nào, tôi cũng thấy những bàn tay vẫy, những nụ cười. Xe tấp vào lề, đậu bên tam cấp dẫn xuống chợ. Thiếu Úy Duyên trao tay lái cho tài xế. Bốn chúng tôi tà tà lượn một vòng quanh bùng binh, ngắm những bóng hồng từ Sài Gòn lên. Chợ hoa rực rỡ muôn mầu. Bên đường, nhiều xe du lịch đậu nối đuôi nhau. Tôi vừa định kéo ba ông bạn chui vào Cà Phê Tùng, thì một ông rằn ri già đứng bên đường la oang oang, - Các cha nội về đơn vị đi hành quân gấp! Các cha nội ơi! Người vừa kêu réo chúng tôi bỏ thành phố để vào rừng là ông Đại Úy Voòng Lập Dzếnh, Tiểu Đoàn Phó. Hôm ấy là Chủ Nhựt, Chủ Nhựt mà cũng không được nghỉ. Đời Biệt Động, suốt tuần lễ, ngày nào cũng là... Thứ Hai. Chúng tôi trở lại chỗ đậu xe. Xe đi đâu mất rồi? Bà già bán chuối chiên bên đường nói với tôi, - Xe của trung úy bị Quân Cảnh kéo về Quân Trấn rồi! - Bà có thấy chú tài xế đâu không? - Cậu ấy bỏ xe đi mua cái gì đó, lúc quay trở lại thì xe đã bị kéo mất. Cậu ta sợ quá nhờ một anh đi xe gắn máy chở đi tìm xe rồi. Một chiếc Jeep Biệt Động Quân xuất hiện; tôi nhờ quá giang lên Văn Phòng Quân Trấn. Quân Trấn Đà -Lạt nằm trong một khách sạn nhìn ra Hồ Xuân Hương. Chuẩn Tướng Tư Lệnh Task Force South hiện nay kiêm nhiệm luôn chức vụ Quân Trấn Trưởng Đà-Lạt. Một ông trung úy Quân Cảnh đã tiếp tôi tại phòng trực nơi tầng dưới cùng.
Tôi hỏi ông trung úy rằng, Quân Cảnh có giam chiếc Jeep 103472 Biệt Động Quân của tôi không? Ông ta chỉ tay về phía bãi đậu xe, cả chục chiếc Jeep đậu sát nhau. Chiếc 103472 mui trần của tôi nằm phía ngoài cùng. Trên xe còn khẩu M 16 của tài xế cùng cái máy PRC25. - Xe của trung úy chở máy móc, vũ khí mà đậu khơi khơi giữa chợ, không có người canh gác, nên chúng tôi kéo về giam ở đây.
- Trung úy cho tôi biết thủ tục nhận lại xe ra làm sao được không? - Thường thì những xe bị kéo về đây chỉ được trả về đơn vị sau một tuần lễ. Chủ xe bị ký củ, tài xế bị nhốt trong phòng kỷ luật, chỉ được tha vào ngày xe được thả ra. Thiếu Tướng Quân Trấn Trưởng ra lệnh, cứ xe nào đậu trong phố không có tài xế, hoặc xe chở đàn bà trên ghế trưởng xa là tóm ngay. Chiếc Jeep đậu kế xe của trung úy là xe của Trung Tá Ry, Tham Mưu Trưởng Tiểu Khu Tuyên Đức đó! Xe của Trung Tá Ry bị bắt lúc đang chở bà Ry đi chợ; bà Ry ngồi trên ghế trưởng xa. Ông Ry thì tôi biết, vì ông ấy là thầy tôi. Năm tôi còn học trong trường thì ông Ry là Thiếu Tá Trưởng Khoa Công Binh. Thiếu Tá Ry đã dạy Khóa 20 chúng tôi kỹ thuật bắc cầu phao, lái xuồng đổ bộ, cách gài bẫy, gài mìn, tháo mìn, phá cống, phá cầu, chế tạo liều thuốc lõm chống chiến xa, phá lô cốt, hạ cây rừng, phá nòng đại bác... Tôi nhủ lòng, để hôm nào rảnh, hành quân về nghỉ, tôi sẽ ghé thăm ông. Tôi hỏi, - Thằng tài xế của tôi đã tới đây, nó có gặp trung úy không vậy? - Anh ta đang bị nhốt trong phòng kỷ luật. - Tôi muốn gặp nó. Anh cho tôi gặp nó đi. Viên trung úy dẫn tôi sang phòng bên. Khoảng mười cậu tài xế đang bị cấm túc ở đây. Giày của họ bị rút hết dây. Quân Cảnh sợ họ quẫn trí, dùng dây giày thắt cổ tự tử, nên bắt họ đi giày không dây. Thằng đồ đệ ruột Châu Minh Đạt của tôi đang ngồi trò chuyện vui vẻ cùng những anh bạn “giày không dây” mới quen của nó. - Ông thày ơi! Em vừa vào tiệm mua được hai bao Lucky cho ông thày, quay ra thì xe đã bị tụi nó kéo đi mất rồi. Tụi nó tống em vào đây để chờ ông thày tới lãnh mới thả ra. Mấy thằng Quân Cảnh Đà-Lạt này phách lối quá, để hôm nào tụi em lừa lừa, lụi cho tụi nó vài dao, cho biết đời. Tôi nạt, - Im đi! Rồi quay sang anh trung úy Quân Cảnh tôi nói, - Anh trả dây giày cho nó. Tôi lãnh nó ra. - Không có lệnh của Thiếu Tướng, tôi không thả anh ta ra được. - Anh dẫn tôi lên gặp Chuẩn Tướng.
Hình như lúc đó mặt tôi “ngầu” lắm hay sao mà khiến anh Quân Cảnh cuống quít, - Để tôi lên trình. Anh ta chạy nhanh lên lầu rồi xuống ngay, - Thiếu Tướng nói, lính gì thì lính, vi phạm kỷ luật thì thọ phạt đủ ngày mới thả. - Vậy thì anh lên trình với Chuẩn Tướng rằng nếu không thả xe, thả người, ngày mai tôi sẽ không đi hành quân nữa. Tôi sẽ dẫn đại đội tới đây, vào phòng kỷ luật ngồi cho đủ một tuần lễ mới ra. Trên lầu có tiếng người vọng xuống, - Dưới đó có chuyện gì mà ồn ào thế? - Thưa Thiếu Tướng! Có một anh trung úy Biệt Động Quân đang làm loạn ở dưới này. Anh ta cứ đòi gặp mặt Thiếu Tướng, cứ đòi lãnh tài xế và xe ra. - Cho nó lên đây! Tôi vừa dợm chân định chạy lên gác, thì anh Quân Cảnh níu tay, - Anh để lại khẩu Colt trên giá súng kia, đi lên người không. Có lệnh cấm mang vũ khí vào phòng Tư Lệnh. Tôi vứt cái dây ba chạc xuống đầu cầu thang rồi phóng lên lầu. Vừa ló đầu vào phòng tôi đã nghe “Niên Trưởng” cười hì hì, - Pháp bất vị thân! Ngày mai chú mi tới Quân Trấn thọ phạt một tuần. Hết một tuần mới được tha. Tôi tưởng niên trưởng nói thật, nên cũng lễ phép trả lời, - Tuân lệnh! Rồi tôi nhìn ông, thắc mắc,
- Mai đến phiên tôi nhảy đầu. Nếu không có tôi thì ai thay tôi chỉ huy hai Đại Đội 1 và 3? - Ngồi xuống đi! Tôi ngồi xuống cái ghế đặt trước bàn của niên trưởng Ân. Niên trưởng của tôi chìa cho tôi xem một tờ giấy đánh máy, một bản viết bằng Anh Ngữ. Đó là danh sách đề nghị ân thưởng huy chương Hoa-Kỳ cho những chiến sĩ hữu công trong chiến dịch, trên đó, tên tôi đứng đầu. Niên trưởng của tôi gõ gõ cán bút xuống mặt bàn, rồi nhìn tôi, thật ôn tồn, - Sĩ Quan Võ-Bị, cũng như Thiếu Sinh Quân, là những người đã chấp nhận một đời theo nghề lính. Đã là một người lính nhà nghề, thì trước hết phải yêu nghề. Đã là một sĩ quan thì đương nhiên là một cấp chỉ huy. Một cấp chỉ huy hoàn hảo phải hội đủ những đức tính cần thiết của một người chỉ huy đó là: Can trường, thao lược, liêm khiết, và nhân ái. Những đức tính can trường, thao lược, và liêm khiết là tự mình, do mình. Còn đức nhân ái lại liên hệ tới người khác, nhất là với thuộc cấp. Nhớ đừng bao giờ bỏ rơi thuộc cấp. Đừng bao giờ bỏ rơi anh em. Nếu thuộc cấp phạm lỗi, hãy tha thứ cho họ, một lần, hai lần, thế nào họ cũng đổi thay. Quân đội là một tập thể qui tụ hàng trăm thành phần. Do đó, có lúc mình phải duy trì kỷ cương bằng kỷ luật và mệnh lệnh. Nhưng cũng có lúc chúng ta phải chỉ huy bằng tình thương từ trái tim. Cái khó là làm sao biết được, lúc nào nên chỉ huy bằng khối óc, lúc nào nên chỉ huy bằng trái tim. Ông liên đoàn trưởng của chú đã kể cho anh nghe đầy đủ về lý lịch và thành tích của chú. Rồi qua những lần tiếp xúc, anh cũng biết tính khí và khả năng của chú rồi. Đừng nản lòng, hãy cố gắng lên,vàng ròng không ngại lửa. Chú có hiểu ý anh không?- Vâng! Tôi hiểu ý niên trưởng rồi. Cám ơn niên trưởng về những lời khuyên vừa rồi. Thì ra ông niên trưởng này đã được báo biết chuyện tôi bị lao đao như thế nào sau Vụ Phật Giáo Miền Trung năm 1966, chuyện tôi bị bóc lon, bị treo lon vì theo Tướng Nguyễn Chánh Thi... Hôm đó tôi còn được ngồi nghe ông kể vài chuyện liên quan tới đời lính của ông. Kỷ niệm thời Thiếu Sinh Quân, kỷ niệm thời Nhảy Dù. Mỗi chuyện ông kể, là một bài học cho tôi nhớ mà áp dụng sau này. Chiều đó, anh trung úy Quân Cảnh trố mắt, ngạc nhiên khi thấy ông Tướng Quân Trấn Trưởng đích thân tiễn chân một trung úy cắc ké của Biệt Động Quân ra tận xe. Rồi ông Tướng còn đứng lặng nhìn theo bóng chiếc xe mang số 103472 càng lúc càng xa dần. Ngày hôm sau... Chúng tôi chạm địch trong rừng thông cách thác Prenn tám cây số về hướng Tây. Địch hai chết, ta một bị thương là Binh Nhứt Nguyễn Văn Phong thuộc Trung Đội 3. Sương mù dày quá, trực thăng không tìm ra đám khói vàng đánh dấu bãi đáp để bốc thương binh. Chúng tôi đành leo lên một cao điểm để qua đêm. Người lính bị thương nằm trên võng, bên đống lửa. Viên đạn súng trường trúng đùi, chạm xương, nằm trong bắp thịt. Một ống quần của anh đã bị quân y xẻ dọc để tiện băng bó. Y tá đại đội đã làm “ga-rô” nơi phía trên của vết thương. Tôi thấy đùi anh như đang sưng tấy lên. Tôi nhẹ lay đầu võng của Phong, - Chú thấy trong người ra sao? - Em khoẻ mà! Thái Sơn đừng lo. - Chú cố gắng chịu đau qua đêm. Sáng mai anh xin trực thăng đưa chú về Đà-Lạt. - Khuya rồi! Ông thầy đi ngủ đi! Lấy sức. Mai ông thầy còn phải lội nữa mà! Tôi đưa ca cà phê nóng cho Phong, - Chú uống cho khỏe. - Cám ơn Thái Sơn! Sau một hớp cà phê, Phong bắt đầu tâm sự, - Ngày Mùng Một Tết, trung úy bị thương nặng, tụi em lo quá! Tụi em chưa kịp vào nhà thương thăm trung úy, thì đại đội đã bị đưa lên Đà-Lạt đánh nhau. Tụi em chờ mãi không thấy trung úy trở về. Có người còn đưa tin rằng trung úy đã ra loại hai, không trở lại đơn vị tác chiến nữa. Tới khi ông Trung Úy Lương về chỉ huy đại đội thì tụi em tin chắc là trung úy đã đi luôn rồi. Tụi em buồn quá, bàn nhau sẽ leo xe đò về SàiGòn đào ngũ. Hôm tiểu đoàn chấm dứt hành quân vùng Đơn Dương rút về nghỉ trong đồn điền Michelin, em với thằng Đạt đã thay “civil”, chui lên núp dưới sàn xe be chở cây. Dự trù tới Phương-Lâm thì nhảy xuống, chuyển sang xe Lamb về Hố Nai. Nhà bác em ở Hố-Nai. Đâu ngờ, lúc xe be đi ngang cổng trường Nông Lâm Súc, Blao, em thấy trung úy đang đứng nói chuyện với đại úy tiểu đoàn trưởng, em nghĩ trung úy đã xuất viện, về lại đại đội, nên em và Đạt nhảy xuống xe, bỏ ý đào ngũ. Phong chợt cười khì, - Nếu hôm đó em không nhìn thấy trung úy thì bây giờ em đã ở nhà, lấy tên cũ, khai sinh cũ, đi học lại lâu rồi, đâu có bị thương gãy chân nằm đây! Phong bóp bóp bàn tay tôi mấy cái, rồi nghẹn ngào, - Trung úy có nhớ ngày đại đội mình leo Ngô-Sơn không? Ngày đó trung úy giúp em, vác thùng đạn đại liên 30 và khẩu Garant lên núi... - Ừ! Nhớ!... Ngày đó... Có một chú bé mặc rằn ri ngồi khóc bên tảng đá lớn nơi triền núi. Ngọn núi vừa cao, vừa dốc. Ông đại đội trưởng leo tới chỗ cậu bé, - Sao ngồi khóc đây? - Trình trung úy em mệt lắm “gồi”! Thùng đạn nặng quá, em vác “hổng” nổi. - Rồi! Đưa cây Garant đây! Đưa thùng đạn đây! Chút nữa lên tới đỉnh, nhớ đến ban chỉ huy đại đội để nhận lại. Khẩu Garant cao gần bằng thằng bé. Còn thùng đạn này là một trong bốn thùng đạn tăng cường cho khẩu đội đại liên, được giao cho trung đội trực, đang di chuyển cùng ban chỉ huy đại đội. Tôi đã quàng vai khẩu Garant M1, xách thêm thùng đạn đại liên leo lên núi. Chú bé giờ đó chỉ còn cái ba lô nhẹ tênh trên vai. Nhưng chú vẫn vừa đi, vừa khóc rấm rứt không thôi. Khi cậu bé tới nhận lại súng đạn, tôi hỏi, - Này nhỏ! Tên gì? Mấy tuổi rồi? - Trình trung úy, em là Nguyễn Đăng Phong, em mười sáu. Em lấy khai sanh giả, mang tên Nguyễn Văn Phong, tăng hai tuổi, tình nguyện đăng lính Biệt Động Quân. Tôi biết và nhớ tên của nhỏ này từ ngày đó. Bây giờ nó đã cao lớn, mập mạnh hơn nhiều, so với ngày nó mới về đơn vị. Nó đã lên Binh Nhứt và có vẻ chững chạc lắm. Khi nói chuyện, nó cũng bỏ bớt những tiềng “gồi”, “hổng”, mà thay vào đó là “rồi”, “không”... Tôi vỗ nhẹ lên vai Phong, mồi cho anh một điếu thuốc, rồi lên võng. Nửa đêm, nghe tiếng rên, tôi lại chui vào lều y tá Đức, - Gì đó Đức? - Trình trung úy. Vết thương làm độc. Thằng Phong đang lên cơn. Nó bị sốt mê man, ngất đi hoài. Nghe tiếng tôi, Phong giơ tay, - Trung úy cho em nhờ chút! Tôi nhích lại đầu võng của Phong. Phong đưa cho tôi cái bóp của anh, - Đây là giấy tờ và lá thư em mới viết hôm qua. Nếu em chết trước khi trực thăng tới. Em nhờ trung úy gửi giùm cho tía má em . - Đừng nói gở! Gắng chút nữa trời sáng, có máy bay, vài phút là về tới Đà-Lạt. Phong ngước mặt nhìn tôi, dưới ánh lửa, tôi thấy nước mắt nó dàn dụa, - Trung úy! Em thấy ngực nặng như chì, khó thở lắm rồi. Em không biết nói gì để tỏ lòng yêu quý của em đối với trung úy. Trung úy... đừng quên em nhé! - Ừ! Không quên! Anh không quên chú đâu... Bên bếp lửa chập chùng, tôi ngồi bó gối nơi đầu võng của người thương binh đàn em. Đêm dài như không muốn sáng. Lúc tỉnh, lúc mê, khi gà rừng eo óc gáy, Binh Nhứt Nguyễn Văn Phong không tỉnh lại nữa. Tôi cầm tay thằng em, tay nó đã lạnh giá. Tôi vuốt mái tóc cho thằng em, - Ừ! Không quên! Anh không quên chú đâu...
Tháng Chín ngậm ngùi...
Lại một cuộc hành quân chấm dứt, chúng tôi rời Buôn Ma Nôi vào buổi chiều. Pháo binh Hoa-Kỳ được cơ giới vận chuyển, còn đại đội tôi phải đi bằng chân. Tối mò chúng tôi mới tới làng Klong A bên Quốc Lộ 20. Vì sân nhà nào cũng đầy phân trâu, phân bò, nên tôi đành đóng quân qua đêm trên một gò đất bên đường. Mười giờ sáng hôm sau bốn chiếc GMC tới đón chúng tôi về phi trường Liên-Khương, nằm ứng chiến. Chiều hôm ấy Trung Tá Sâm ghé thăm và báo cho tôi một tin không vui: “Anh Đào vừa tử nạn trực thăng ở Đức-Lập!” Nghe tin này, tôi lặng người đi vài phút. Tôi thấy hình như đôi mắt ông Sâm ướt lệ. “Tội nghiệp anh Ân!” giọng ông hơi run. Tôi biết ông Sâm và ông Ân có mối quan hệ gì đó với nhau. Bề ngoài họ là thượng cấp, thuộc cấp. Nhưng bên trong, họ là bạn cùng trang lứa, thân thiết lắm. Trung Tá Sâm là một cấp chỉ huy rất đặc biệt, mười người dưới quyền thì chín người sợ ông và ghét ông. Tôi là người ngoại lệ, lúc nào cũng được ông mến thương và thân thiết, chẳng biết vì sao? Bốn mươi năm sau chiến tranh, có lần trò truyện bằng điện thoại với anh Chung Thanh Tòng, người từng làm phụ tá cho Trung Tá Sâm một thời, tôi nghe anh Tòng cười hì hì, - Ông Sâm khó thấy mồ! Làm phó cho ông ấy mà tôi cũng sợ ổng chết luôn. Ông Sâm chỉ nể có mình chú, thương có mình chú. Có lẽ tại chú vừa giỏi, vừa đứng đắn. Có lẽ Trung Tá Sâm đã giới thiệu tôi với Tướng Ân, nên tôi được ông Tướng này để ý tới cũng nên? Thời gian hành quân dưới quyền Task Force South, vài anh bạn cùng khóa của tôi vừa thấy bóng dáng Anh Đào đàng xa đã lo tìm đường lủi. Có anh đang lái xe lạng lạng quanh Hồ Xuân Hương, ngửng mặt lên, phát giác ra có cái đầu húi cua trên hiên lầu 2 của Quân Trấn Đà-Lạt thì lo mau mau vặn tay lái quẹo lên hướng Nha Địa Dư ngay. Có bạn đang hiên ngang, mũ dắt cầu vai, khoác tay đào dạo phố, bỗng thấy xe Quân Cảnh Sư Đoàn 23 chạy trước, theo sau là chiếc Jeep với cái bảng đỏ một sao trắng, bèn giả đò cúi xuống cột lại dây giầy để dấu mặt. Với Tướng Ân, có lẽ tôi là một ngoại lệ. Có lẽ vì thế mà ngày đó, khi nghe tin Anh Đào tử nạn đã có hai người khóc, đó là Trung Tá Sâm và tôi.
Vương Mộng Long, K20
Seattle tháng Tư năm 2017
Tìm bài viết
Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị
Nhìn Ra Bốn Phương
Thứ Sáu, 28 tháng 7, 2017
Task Force South và Niên Trưởng của Tôi - Vương Mộng Long, K20
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét