I.- Việc đổi tên một tác phẩm.
Ai cũng biết « Đoạn trường tân thanh » là nhan đề Nguyễn Du đặt cho tập truyện bằng thơ của mình, phóng tác quyển ‘Kim Vân Kiều truyện’ của Thanh Tâm tài nhân Nhưng rồi, sau nầy, cái nhan đề đó ít được nhắc đến ngoại trừ đôi lúc trong nhà trường và trong một số sách biên khảo, tuy nhiên cũng chỉ nhắc qua chứ không quan tâm mấy và nhan đề ‘Truyện Kiều ‘ lại được dùng nhiều hơn. Trong dân gian thì cái nhan đề nguyên tác của tác phẫm hầu như không mấy ai biết đến dù ai ai cũng thuộc nằm lòng đôi đoạn trong tác phẫm.
<!>
Lý do khiến gọi ‘Đoạn trường tân thanh’ là ‘Truyện Kiều’ không mấy khó hiểu :
-Trước tiên, nhân vật chính của truyện là Kiều –Vương Thúy Kiều- và suốt tác phẫm chỉ thuật lại cuộc đời Kiều nên gọi ‘Truyện Kiều », nghĩ ra cũng hợp lẽ.
-Tiếp theo, truyện viết bằng văn Nôm nhưng nhan đề lại là từ Hán-Việt, nghe ra phần nào khiêng cưỡng nên gọi bằng nhan đề ‘Truyện Kiều’, nghe ra ‘hợp lý’ hơn vì cùng phong cách ngôn ngữ.
-Sau nữa, đối với giới bình dân, nhan đề ‘Truyện Kiều ‘ nghe ra dễ hiểu vừa nôm na vừa dễ nhớ hơn là ‘Đoạn trường tân thanh ‘.
- Một lý do khác là lúc trích dẫn một đôi câu trong truyện, người ta ghi chú ‘truyện Kiều’ hay ‘Kiều’ vừa ngắn gọn vừa ‘tiết kiệm công và giấy’.(!) hơn là ghi ‘Đoạn trường tân thanh ‘.
Những lý do trên, chắc không ai phản đối. Vì thế, càng về sau, lúc ấn hành tác phẫm nầy của Nguyễn Du, người ta thường lấy tên sách là ‘Truyện Kiều’ từ sách biên khảo đến sách giáo khoa xuất bản ở cả hai miến Nam-Bắc.
Theo Đặng Thanh Lê (‘Truyện Kiều’,nxb Giáo Dục, Hà Nội, 1972) , tác phẫm của Nguyễn Du đã xuất bản 23 lần bằng chữ Nôm và 72 lần bằng chữ Quốc ngữ, không rõ bao nhiêu lần đã lấy đúng nhan đề ‘Đoạn trường tân thanh ‘, người viết không có dữ kiện để xác quyết.
Trong Nam, tuy đôi nhà biên khảo và nhà xuất bản lấy đúng nguyên đề của Nguyễn Du nhưng hầu như không mấy để ý đến ý nghĩa cùng lý do sự việc Nguyễn Du đặt tên cho tập truyện Nôm của mình bằng từ Hán-Việt.
Ở miền Bắc, hầu như chẳng một ai lưu tâm đến sự việc đó. Gần đây, lại có đôi ông ‘trí thức’ sửa cả lời thơ của Nguyễn Du rồi các ‘thi văn sĩ’ Cộng sản ca tụng nhau một cách ngô nghê, buồn cười, ngu ngốc.
Việc sửa đổi nhan đề một tác phẫm do chính tác giả hoặc do các nhà biên khảo chú thích, hiệu đính không là sự việc mới mẻ. Ở Pháp, Victor Hugo đã đổi tên tác phẫm « Những Cảnh Cùng Khổ » (nhan đề lúc bắt đầu viết) năm 1845 ra thành «Những Người Khốn Khổ » (Les Misérables) vào năm 1860 và đổi tên nhân vật từ Jean Trejean sang Jean Valjean (xem ‘Victor Hugo’, nxb Giáo Dục, TP Hồ Chí Minh, 1978). Ở Việt Nam, người viết nhớ mang máng Khái Hưng đã đổi nhan đề quyển tiểu thuyết ‘Thanh Đức’ ra ‘Băn Khoăn’…Trong Văn học, chắc nhiều trường hợp như thế đã xảy ra.
Nhiều trường hợp đổi tên tác phẫm không ảnh hưởng gì đến chủ ý của tác giả cùng ý nghĩa, nội dung tác phẫm nhưng nhiều lúc có thể phản lại hoặc làm sai lệch chủ ý ban đầu của tác giả ; nhất là khi việc sửa đổi đó lại do độc giả hoặc các nhà biên khảo, các nhà xuất bản hoặc vì lý do thời thế. Không rõ đã có trường hợp nào như thế không, người viết không được biết.
Cũng vì không hiểu rõ chủ ý của tác giả nên khi dịch nhan đề một tác phẫm từ tiếng nước nầy sang tiếng nước khác, dịch giả thường không tìm ra được những từ tương đồng (hoặc cách dịch nào sát đúng với nội dung nguyên tác). Chẳng hạn, hai ông Xuân Phúc và Xuân Việt, trong bản dịch ‘ĐTTT’ ra Pháp ngữ lại dùng nhan đề « KIM-VÂN-KIỀU » và dịch nhan đề « ĐTTT’ là « les nouveaux accents de la douleur ». (xem « Kim-Vân-Kiều » par Nguyễn Du », traduit du Vietnamien par Xuân Phúc et Xuân Việt – nrf Gallimard/Unesco, Paris 2003, trang bìa và trang 17). Người viết không mấy đồng ý vì : từ « douleur » không hẳn đúng từ « đoạn trường », có lẽ nên dùng ‘souffrance’, nghĩ ra sát hơn ; cụm từ « les nouveax accents » dùng theo ‘số nhiều ‘ không đúng với từ « tân thanh » ; người viết nghĩ là phải được dùng theo ‘số ít’. Cách dịch nầy, xem ra phần nào ‘phản’ lại nội dung chủ yếu của Nguyễn Du tức phần Tư Tưởng đã phổ vào trong tác phẫm. Trong tác phẫm « Truyện Kiều và Tuổi trẻ - Nguyễn Du » của ba nhà Giáo sư, Học giả Lê Hữu Mục, Phạm Thị Nhung, Đặng Quốc Cơ (nxb Làng Văn, in lần nhất tại Gia Nã Đại, tháng 10-1998) cũng dùng nhan đề ‘Truyện Kiều’ và trong phần Pháp văn, Anh văn dịch là « L’Histoire de Kieu », « The Tale of Kieu » (trang 521 và 591). Cách dịch nầy khiến người ngoại quốc hiểu ĐTTT chỉ là câu « truyện kể » có thể hay nhưng không mang chở những gì sâu sắc. Có thể nói, các học giả đã biên khảo về ĐTTT và các dịch giả về tác phẫm nầy, lâu nay, chưa mấy cẩn trọng trong việc tìm hiểu Nguyễn Du cùng tác phẫm của ông.
Nhan đề một tác phẫm rất quan trọng vì có thể ôm trọn được nội dung tác phẫm cùng nói lên « bề sâu » của tác phẫm..Việc đổi nhan đề ‘Đoạn trường tân thanh’ ra ‘Truyện Kiều’ thiết nghĩ, theo người viết , quả đã vô tình làm sai lệch quá trình tư tưởng và ngôn ngữ Nguyễn Du khá nhiều.
II- Cái Tân Thanh của ÐoạnTrường.
« Đoạn trường tân thanh » chuyển sang tiếng Nôm là « Tiếng kêu mới đứt ruột » hay « Tiếng kêu mới về đau khổ ». Tại sao lại là ‘tiếng kêu mới ‘ ? Có thể trả lời ngay, theo ý nghĩ thông thường, là : vì « tiếng kêu cũ » là ‘tiếng kêu’ đã có nơi quyển « Kim Vân Kiều truyện » của Thanh Tâm tài nhân rồi. Vì là truyện phóng tác nên Nguyễn Du gọi là ‘tân thanh ‘. Học giả Lê Hữu Mục đã viết : « Tại sao lại có chữ ‘tân’ nghĩa là mới ? Chỉ vì tác phẫm của Nguyễn Du được viết dựa váo một tác phẫm cổ của đời Minh tên là ‘Kim Vân Kiều truyện’ của Thanh Tâm tài tử… » (Truyện Kiều và Tuổi trẻ - sđd, trang 34). Mới nghe qua, lối trả lời nầy có thể chấp nhận được nhưng thực sự quả gượng ép. Nếu ‘tiếng kêu’ nơi đây chỉ có nghĩa là ‘tiếng thốt, lời than’ thì việc đổi tên từ ‘Đoạn trường tân thanh’ sang ‘Truyện Kiều’ chẳng có gì phải thắc mắc. ‘Tiếng kêu’ nơi đây được gọi là ‘tiếng kêu mới’ –tân thanh- không giản dị vì Nguyễn Du đã phóng tác truyện của Thanh Tâm tài nhân.
Xét riêng, tác phẫm của Thanh Tâm tài nhân lấy tên là « Kim Vân Kiều truyện » rõ ràng chỉ có nghĩa là câu truyện nói về ba nhân vật : Kim Trọng, Vương Thúy Vân và Vương Thúy Kiều. Tên nhân vật chính lại đứng sau cùng. Như thế có nghĩa là Thanh Tâm tài nhân chỉ thuật lại một câu truyện thương tâm chứ không có một ý hướng, một chủ đích nào sâu xa cả. Chẳng lẽ Nguyễn Du mập mờ ‘đánh lận’ chúng ta qua cách dùng từ Hán-Việt nơi đây ? Ta có thể hiểu được cái ‘hoàn cảnh giới hạn’ (situation-limite, mượn từ của Karl Jaspers) của Nguyễn Du khi đặt mình vào vị trí và thời đại ông sống. Dùng từ ‘tân thanh ‘ chẳng qua chỉ cốt biện hộ cho mình và cho tác phẫm hầu tránh được cái nhìn soi mói, cách suy diễn ác ý (theo cách nói bây giờ là ‘chụp mũ’, cách người Cọng sản thường dùng để bắt tội những ai không cùng quan điểm với họ) của dư luận, cái thói xấu ‘vạch lá tìm sâu’ để kết tội ông của hàng quan lại xấu miệng quen thói tâng công, xiễm nịnh, ưa vu cáo, hãm hại công thần. Nhiều nhà biên khảo cho biết trong thời gian làm quan với triều Nguyễn, Nguyễn Du có nhiều bất đắc chí ; vì thế ít nói, ít góp ý kiến, ít bàn quốc sự. Làm quan mà cứ luôn xin nghỉ hoặc vì bệnh, vì việc nhà, hoặc được phép nghỉ hơn một tháng vào cuối năm 1804, tám tháng vào cuối năm 1808 và đầu năm 1809, hai tháng cuối năm 1812, sáu tháng khi đi Trung Quốc về (xezm ‘Lịch sử Văn học Việt Nam’ tập II, nxb Giáo Dục, TP Hồ Chí Minh, bài ‘Nguyễn Du’ của giáo sư Lê Trí Viễn). Sự việc ít nói, ít bàn, sự việc xin phép nghỉ quá nhiều như thế hẳn vì Nguyễn Du không thoải mái với triều đình, với quan lại dồng triều. Trong chế độ vua chúa ngày xưa, biết bao cái chết oan chỉ vì một lời vu cáo, bịa đặt, xuyên tạc vu vơ. Một Nguyễn Văn Thành chẳng hạn và bao nhiêu trường hợp nhan nhản trong sử sách xưa như Đông Chu liệt quốc, Tam Quốc chí và ngày nay dưới các chế độ Cọng sản. Tác phẫm của Nguyễn Du chẳng đã để Kiều lén sang nhà Kim Trọng tự tình rồi hai người thề nguyền xe tơ kết tóc, một điều trái với kễ giáo đương thời ; Nguyễn Du vạch trần bộ mặt hư đốn của Tổng đốc đại thần Hồ Tôn Hiến, chẳng đã ca tụng những kẻ ‘phản động’ như Từ Hải sao ? Với chữ ‘tân thanh’, Nguyễn Du sẽ có cớ bảo : Đấy là truyện trong sách ngày xưa bên Tàu, thấy cảm thương hồng nhan bạc mệnh mà chép lại, thế thôi. Vì ‘chép lại’ nên gọi là ‘tân thanh’. Đấy là lý do dễ hiểu, ai cũng nghĩ như thế (như lời GS Lê Hữu Mục, vừa trích trên) nhưng, thực sự, theo người viết, không hẳn đúng với Nguyễn Du.
Nguyễn Du chẳng ngại gì bị vua trên quở trách, chẳng ngại gì bị quan lại dèm pha, vu cáo, chẳng ngại gì người đời phê phán, khen chê vì Nguyễn Du luôn im lặng. Nguyễn Du ‘im lặng’ trước thế sự, trước cuộc đời, im lặng trước mọi người –ngay cả với vợ con, bạn bè-, im lặng cả với chính mình để luôn luôn ‘gói trọn’ minh trong lạnh buồn hiu hắt, trong nỗi ‘cô đơn của nhà tư tưởng’, nỗi cô đơn suốt mặt của thiên tài.
Một điều trước nay không được chú ý là sự việc Nguyễn Du không ra hợp tác với nhà Tây Sơn,. Có thể Nguyễn Huệ không mời vì Nguyễn Du đã từng chống Tây Sơn. Mà dù Nguyễn Huệ có mời, có lẽ Nguyễn Du cũng kiếm cách từ chối vì làm sao tránh được dư luận dị nghị về việc đã chống Tây Sơn, nay lại hợp tác. Hơn nữa, theo người viết, Nguyễn Du muốn được sống cái ‘cô đơn’ để trầm ngâm với dòng tư tưởng của mình (trường hợp giống với đức Thích Ca đã bỏ nhà ra đi tìm Đạo hầu giải đáp vấn nan do đâu mà con người mãi mãi khổ đau). Dù Nguyễn Du có thán phục Nguyễn Huệ là một anh hùng chăng nữa. thì theo Nguyễn Du, Nguyễn Huệ cũng là một Từ Hải thôi, tuy Nguyễn Huệ vì dân vì nước chứ không vì cái ‘anh hùng cá nhân’ như Từ Hải. Thế sao lại ra cọng tác với Gia Long ? Có thể Nguyễn Du biết rõ Nguyễn Ánh không là kẻ rộng lượng. Trong ý tưởng Nguyễn Du, Nguyễn Huệ, Gia Long và bất kỳ ai nữa, Đông Tây kim cổ, cũng chỉ là những ‘thiết yếu lịch sử’ một thời rồi lịch sử vẫn mải miết trong dòng sinh hóa hư phù, giả hoặc như với một cô Kiều ‘hết nạn nọ đến nạn kia’ vì rằng « Trăm năm trong cõi người ta…, Những điều trông thấy mà đau đớn lòng ». Dù có ‘đi săn nơi núi Hồng’ (Hồng sơn liệp hộ), có ‘đi câu nơi bể Nam’ (Nam hải điếu đồ), Nguyễn Du không nhằm bắt cá, bắt thú, cũng không phải để ‘tiêu dao’ như những hành giả Lão Trang mà chỉ để được sống với cái ‘cô đơn’ của riêng mình, cái ‘cô đơn của nhà tư tưởng’, cái cô đơn của con người ‘’Trắc thân bất khuất hữu hình ngoại, Thiên tuế trường ưu vị tử tiền’’ (Nguyễn Du : Mộ Xuân cảm hứng - Tạm dịch : Hữu hình thân ấy không tồn tại, Vẫn nghĩ nghìn sau chuyện thế trần). Cái tâm trạng « Muôn đời trần thế cháy tâm can » (1) đó, nào ai biết . Nào ai nhìn ra được ý hướng và ý chí tiềm tàng nơi con người chán hết mọi công danh, chỉ ‘’ngắm nhìn cây trúc sân nhà để độc thoại với chính mình’’ (vô ngôn độc đối đình tiền trúc) dù vẫn không nguôi ‘’ trường kiếm ngang lưng chở gió thu’’ (yêu gian trường kiếm quải thu phong’) (2), không phải để làm nên sự việc gì cải tạo thời thế mà chỉ để âm thầm đeo đuổi công việc ‘’Nhất phiến hàn thanh tống cổ câm’’ (câu thơ chữ Hán trong bài ‘Xuân dạ’, tạm dịch : một tiếng lạnh buồn xua cổ kim). ‘Tiếng lạnh buồn’ đó là gì ? Niềm đau trước cảnh tình đất nước qua bao thời nhiễu nhương ly loạn ? Hay nỗi trầm mặc ưu tư trước diễn trình sinh hóa của nhân sinh ? Hay cái tâm trạng cô đơn, mãi mãi vọng về ‘tiếng lời tư tưởng’ (le dire de la pensée) lặng lẽ nung nấu trong lòng, cái tư tưởng âm u nhiệm mật sẽ giải tỏa cái thế dạ nhân hoàn (l’obcurcissement du monde)? Sự việc còn xa, xa lắm, biết đến bao giờ. Nguyễn Du ru mình vào cô đơn, nuôi dưỡng cái cô đơn đó nơi mình , mượn lời thơ buồn để báo biểu niềm vui sẽ đến dù niềm vui còn xa, rất xa!. ‘Hàn thanh’, tiếng lạnh buồn, tiếng gọi của tư tưởng, tiếng thơ buồn nói lên cái ‘tân thanh’ của đoạn trường, điều mà thế gian không –hay chưa- cảm nhận ra. Niềm vui đó sẽ đến vào giờ phút nhất định của nó. Nguyễn Du nhìn ra niềm vui đó nhưng ông không thể nào bắt gặp vì cuộc tiến hóa còn phải qua bao đổi dời bình diện của ‘cựu thanh’. Vì thế nên chi «’Vui xa đánh đổi buồn gần’, mượn lời thơ buồn an ủi niềm đau nhân thế nơi mình và nơi mọi kẻ : ‘Tiếng thơ bi thảm độ người trầm luân’ (N.T.).
« Tân thanh » là ‘tiếng mới’. Mà ‘tiếng’ là âm thanh, là ngôn ngữ dù là thứ tiếng gì : tiếng gió, tiếng nước, tiếng côn trùng, tiếng bò, tiếng chó, tiếng đụng chạm giữa ly tách, tiếng người,…Căn cứ vào từ nhà Phật, mỗi hiện thể (hay pháp) gồm ba mặt : Thể, Dụng và Tướng, thì trong ngôn ngữ cấu âm của con người, ta có thể xem : Thể của ngôn ngữ là âm thanh, ngữ điệu ; Dụng của ngôn ngữ là ý nghĩa của từ, của mệnh đề và câu ; Tướng của ngôn ngữ là chữ viết tức văn tự, ký hiệu của ngôn ngữ..
Ngôn ngữ, theo nghĩa thông thường là « hệ thống dấu hiệu dùng làm phương tiện truyền đạt, thông giao » (Tout système pouvant servir de moyen de communication – André Lalande : Vocabulaire technique et critique de la Philosophie). Theo Martinet : « Ngôn ngữ là quan năng của con người thông giao với nhau bằng âm hiệu » (Le langage est la faculté qu’ont les hommes de s’entendre au moyen de signes vocaux – André Vergez và Denis Huissman : Petit dictionnaire de la philosophie, les abc du Bac). Định nghĩa như thế là định nghĩa trên cái ‘Dụng’ thông thường của ngôn ngữ. Claude Lévy Strauss ‘định nghĩa’ có phần thâm sâu hơn : « Ngôn ngữ là một lý lẽ của con người, có những lý lẽ của nó mà con người không biết » (La langue est une raison humaine qui a ses raisons et que l’homme ne connaît pas – Xem André Vergnez và Denis Huissman, sđd).. Định nghĩa nầy không cơ sở trên ‘Dụng’ và ‘Tướng’ mà xem ngôn ngữ là thứ của cải được ban cấp bản nhiên cho con người, và con người mặc dầu vẫn sử dụng nhưng không hiểu được bản chất của nó. Đây là một ‘định nghĩa không định nghĩa ‘ mà chỉ nói đến cái sự ‘Hữu’ của ngôn ngữ nơi con người. Hiểu ngôn ngữ theo định nghĩa trên thì từ ‘tân thanh’ mà Nguyễn Du dùng chẳng chứa đựng ý nghĩa nào cao xa và cũng không nói lên chủ ý của tác giả.
Hiểu ở bình diện cao hơn, theo thể điệu M. Heidegger : « Ngôn ngữ là ngôi nhà của Đạo Thể (Hằng Thể) . Trong ngôi nhà đó, con người cư ngụ. Những nhà tư tưởng và thi sĩ là những kẻ canh giữ chỗ cư ngụ đó. Sự canh giữ của họ là công trình viên đạt mối hiển lộ của Đạo thể. Qua cách thể hiện của cách nói của họ, họ mang chở mối hiển lộ đó vào ngôn ngữ và bảo lưu nó trong ngôn ngữ » (3). Hiểu như thế,qua ngôn ngữ và bằng ngôn ngữ, con người thể hiện ‘tính thể của hiện thể’ (l’être de l’étant) nơi mình trong tư cách là một ‘Hữu tại thế’ (l’étant-être, être dans le monde) hay nói cách khác « Ngôn ngữ hoàn thành mối liên hệ của Đạo thể với Tính thể nơi con người ».(4). ‘Tính thể’ nơi đây, hiểu cách thông thường là ‘bản chất’ và Đạo thể hay Hằng Thể là ‘Hữu Thể nền tảng ‘ (Être fondamental), nói theo Đông phương là Đạo Thể trong tư cách là Bản thể căn nguyên (Đạo Thể) và con đường chuyển dịch (Đạo) của Đạo Thể trong cõi sắc tướng tức vũ trụ hiện tượng. Theo M. Heidegger, chỉ riêng nhà tư tưởng và thi sĩ mới viên thành được sự hiển lộ của Đạo thể qua ngôn ngữ. Nhưng ngôn ngữ nơi đây không là Tiếng và Từ, Lời và Câu, Vần và Điệu mà là ‘Cách nói’ (le dire) của họ. Cách nói của nhà tư tưởng và của thi sĩ thể hiện ‘cách nói của tư tưởng’ (le dire de la pensée) nghĩa là cách thể hiện của tư tưởng vào hoạt sinh, vào cõi tại thế.
Tìm hiểu tư tưởng Nguyễn Du trong ‘Đoạn trường tân thanh’, theo ý người viết, là tìm hiểu ngôn ngữ Nguyễn Du, cách nói của Nguyễn Du trong tác phẫm của ông. ‘Tân thanh’ là ‘Tiếng mới’. ‘Tiếng mới’ nơi đây là ‘Cách thức mới’, ‘Thể điệu mới’, ‘Cách nói mới’, ‘cái nhìn mớĩ, ‘Ý nghĩa mới’ về đoạn trường.
Đấy là ‘ý nghĩa cuộc sống, ý nghĩa cuộc đời, ý nghĩa hiện hữu thế gian’. Cuộc sống, cuộc đời, trước nay, được hiểu chung chung : ‘Đời là trường tương tác bất tận của vạn pháp ; Đời là bể khổ, là hý trường ; cuộc sống là một mạo hiểm, một cuộc liều, một phiêu lưu vào hiểm họa. Cuộc sống, ‘cõi người ta’ là phù du, tạm bợ, là giả hoặc, vô thường, là giấc mộng, cơn mơ, mối nợ ; sống là gởi, thác là về,…’. Những thể hiện đó, tất cả đều không sai nhưng « do đâu, tại sao, để làm gì, dẫn về đâu » thì chưa có lời giải đáp. Nguyễn Du giải đáp cho chúng ta theo dòng đi của tư tưởng nơi cõi hoạt sinh.
‘Tân thanh’ nơi đây là ‘ngôn ngữ mới’, và ngôn ngữ nơi đây là ‘ý nghĩa mới’, cái ‘nhìn mới’ về đau khổ, về cuộc đời, cuộc sống mà những cách hiểu trên chỉ là cái ‘ý nghĩa cũ’, cái ‘nhìn cũ’. ‘Đoạn trường tân thanh’ là ‘Tiếng mới’ (hay Tiếng kêu mới) về Đoạn trường. ‘Đoạn trường’ là ‘đau đớn đến đứt ruột’, nói chung là đau khổ. ‘Đau khổ’, ai cũng biết rồi.. Cuộc sống, cuộc đời luôn luôn đau khổ, đau khổ do tự mình gây ra, do từ bên ngoài đổ đến. Không ai không khổ, không xã hội nào không khổ, cả chủng loại người đều khổ, ‘cõi người ta’ là diện trường của khổ. Cuộc sống, cuộc đời là bể khổ mênh mông. Lịch sử nhân sinh là diễn trình của khổ, khác nhau ở mức độ, kỳ gian, cách thế, trạng thái. Không ai thắc mắc ‘tại sao sống là khổ, cuộc đời là bể khổ’.dù đã giải thích theo Triết lý, Khoa học, Kinh tế, Chính trị. Tất cả đều cho đấy là sự việc tất nhiên, muôn đời vẫn vậy, những thứ hầu như là ‘qui luật’ của tại thế, không ai tránh khỏi. Đấy là cái nhìn cựu thanh về đoạn trường. Không tránh khỏi nhưng ai cũng muốn sướng, cũng muốn hạnh phúc nghĩa là thoát được cái khổ. Muốn không khổ nên ai cũng tranh đấu tạo lập của cải, tiền nong, chức vụ, uy quyền, địa vị để được giàu sang, hạnh phúc bằng người, hơn người, thỏa mãn tràn trề mọi ham muốn, ước mong Nhưng rồi những thứ đó cũng là đau khổ, những ‘đau khổ cựu thanh’ vì không dễ gì không đổ mồ hôi, không trào máu mắt để ví đuổi mà chắc gì đã được, dù có được cũng chẳng bền lâu, rốt cuộc cũng bịnh tật, già nua, chết chóc. Cô Kiều đã có tình yêu, giàu sang, địa vị, uy quyền với Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải, thế mà cũng đành mượn sóng Tiền Đường giải nghiệp đau thương. Cuộc đời luôn luôn nghịch lại với mọi ý muốn của ta nên ta luôn luôn đau khổ. Mượn tất cả những đau khổ của Kiều, của Kim, của Thúc, của Hoạn, của Tú Bà, Bạc Bà, Bạc Hạnh, của Từ Hải, .., của chính ông -của kiếp người nói chung-, Nguyễn Du vừa chứng minh những thứ « đoạn trường cựu thanh » vừa từ đó đưa chúng ta đến một ‘tiếng mới’, một cái ‘nhìn mới’ về đoạn trường và đặt tên cho tác phẫm là « Đoạn trường tân thanh ». ‘Tiếng đoạn trường mới’ không là tiếng than mới mẻ hay một đoạn trường mới nào khác, không là một đoạn trường tiếp theo cái đoạn trường đã có mà là cái ‘nhìn mới’ về đoạn trường, khác với cái nhìn cựu thanh trước nay.
Cái « nhìn tân thanh » về đoạn trường là cái nhìn như thế nào ?. Mười lăm năm bị bầm giập, tái tê nơi ‘cõi người ta’ đưa Kiều về đâu, dẫn Kiều đến đâu ? Nàng đã được ‘hồi sinh’ trong cuộc đời nầy (được vãi Giác Duyên vớt lên từ sông Tiền Đường ; cái chết của nàng là cái ‘chết hụt’, không phải chết hẳn để đoạn kiếp, thoát kiếp, hóa kiếp rồi đầu thai vào một cõi nào khác trong ba cõi theo thuyết nghiệp báo thường được hiểu lâu nay). Nàng đã ‘sống lại’ và chính thần chết Đạm Tiên tiêu biểu cho cái ‘Đoạn trường cựu thanh’ báo cho nàng biết ‘Đoạn trường sổ rút tên ra, đoạn trường thơ phải đem mà trả nhau’’ (câu 2721, 2722). « Ðoạn trường sổ » là ‘sổ đoạn trường’, tức chuổi dài đau khổ suốt cuộc sống của mỗi người như Kiều, rộng hơn là cuộc sống đau thương của nhân sinh trong ‘cõi người ta ». « Ðoạn trường thơ », những bài thơ than khóc cảnh sống đoạn trường, hiểu rộng hơn là những trang đời đau khổ gây ra cho nhau qua diễn trình lịch sử của xã hội nhân loại nơi thế gian. Trút được cái ‘sổ đoạn trường’ đó là từ nay cuộc sống yên bình, thoải mái, hạnh phúc vô biên với ‘duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào’.(câu 3724). ‘Duyên xưa’ là duyên tình với Kim Trọng, là cảnh sống đầm ấm yên vui nơi mái nhà cha mẹ trước kia, tất cả đều cùng trở lại với nàng. ‘Phúc sau’ là ‘một nhà phúc lộc gồm hai, Ngàn năm dằng dặc quan giai lần lần’ (câu 3235, 3236), một hạnh phúc trọn vẹn, hoàn toàn và miên viễn ngay nơi ‘cõi người ta ‘, ngay nơi lòng cõi thế khi con người không còn gây khổ cho nhau. Tiếng ‘đoạn trường cựu thanh’ đã đổi thành ‘tân thanh’ cho nàng, tất cả những gì đã mất nay trở về lại với nàng để từ nay, không riêng nàng mà cả Kim Trọng, cả cha mẹ và hai em cùng vui hưởng cảnh hạnh phúc đời đời. Do đâu nàng được như vậy ? Do Kiều đã luôn luôn biết ‘Trăm năm để một tấm lòng từ đây’(câu 880) dù có phải cảnh ‘Lỡ làng nước đục bụi trong’ (câu 879). Từ cái nhìn ‘cựu thanh’ sang cái nhìn ‘tân thanh’, Nguyễn Du đã nói lên ý nghĩa và cứu cánh của đau khổ, đúng theo ý nhà Phật ‘’Phiền não là bồ đề, con tim phiền muộn là con tim giải thoát’’ và đúng theo lời Jésus :‘’Hỡi những kẻ mệt mõi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các người được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhượng ; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta, thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ. Vì ách ta dễ chịu, và gánh ta nhẹ nhàng’’ (Ma : 11-28, 29, 30).
Trước nay, khi giảng luận ‘Ðoạn Trường Tân Thanh’, nhiều học giả nghĩ rằng tác phẫm nầy nói về lẽ ‘Ðịnh mệnh’ của nhà Nho, căn cứ vào câu : Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau’ và thuyết ‘Nghiệp báo’ của nhà Phật, căn cứ vào sự việc ‘Kiều sống lại’ vì được vãi Giác Duyên vớt lên nơi sông Tiền Ðường. Sự việc ‘Kiều sống’ lại nơi đây không nằm trong lẽ ‘nghiệp báo’ vì Kiều có chết đâu, cái chết của nàng là cái ‘chết hụt’ nên không đầu thai vào kiếp nào khác vì nàng vẫn là kiếp người. Giải thích theo thuyết ‘định mệnh’ cũng không đúng. Trong câu thơ trên, ‘Tài’ chỉ cái khả năng cá nhân, nói rộng hơn là cái ‘biệt nghiệp’ của mỗi người ; ‘mênh’ không là định mệnh mà là cuộc đời, cuộc sống xã hội, cái ‘môi trường đồng loại’ mà Nguyễn Du gọi là ‘cõi người ta’, nói rộng ra là cái ‘Cộng nghiệp’ của chủng loại người. Cá nhân và xã hội, biệt nghiệp và Cộng nghiệp luôn gây trắc trở cho nhau, chống đối nhau khiến cả cuộc sống (tài) và cuộc đời (mệnh) luôn diễn ra bao trắc trở, đau khổ, tang thương. Nhưng mối trắc trở, chống đối giữa hai bên (cá nhân và xã hội, cuộc sống mỗi người và cuộc đời chung của chủng loại) sẽ đưa đến kết cuộc là ‘Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai’ (câu thơ 3246 trước khi kết thúc tác phẫm). Ðạo Trời vốn là vậy. Bắt con người và xã hội luôn xung khắc, mâu thuẫn, đau khổ để kết cục đưa dẫn về hài hoà, hảo hợp.
III.- QUA ‘Ðoạn Trường Tân Thanh’, vận mạng Thế giới và Việt Nam ra sao ?
Diễn tiến của đời Kiều từ ‘đoạn trường cựu thanh’ sang ‘đoạn trường tân thanh’ cũng lả diễn tiến của dòng sinh hóa của nhân loại. Lịch sử nhân loại sẽ tiến đến thời điểm cáo chung đoạn trường, mở ra một cảnh đời sung túc, yên vui do từ vận hành của Lẽ Đạo ứng vào cho dòng tiến hóa của nhân sinh. Nhân loại đã quá đau thương, đã đầy dẫy đoạn trường, nhân loại sẽ lại hồi sinh, sẽ ‘sinh thành’ trở lại theo lời Jésus : ‘’Ta làm mới lại hết thảy muôn vật’’ (Khải Huyền : 21 : 5).(từ ‘Ta’ trong câu nầy, theo sách Khải Huyền, chỉ Thượng Đế, theo Đạo học và Triết lý chỉ ‘Đạo Thể, Être’). ‘Thời gian trôi qua, lịch sử có già nhưng người trẻ lại’ (‘N.T.- người’ đây là nhân loại ; ‘người trẻ lại’ có nghĩa nhân loại, qua dọc dài đau thương gây khổ cho nhau sẽ tiến đến một trạng thái sống tươi vui, không còn oan khốc chất chồng)).. M. Heidegger, khi nói về diễn trình Tư Tưởng đã báo biểu điều đó : « Bỡi tiếng gọi từ một nguyên sơ thăm thẳm, một cố quận được hoàn trả lại cho chúng ta » (5). ‘Tiếng gọi’ là tiếng gọi của Thượng Ðế, của ‘Chân Không’ của ‘Như Lai thể’, tóm lại là của Ðạo Thể (Être) từ nguyên sơ, lúc khởi nguyên sinh thành vũ trụ, sinh thành sự Sống. Miền, ‘cố quận’ tức cảnh sống nguyên sơ, cái cõi sống yên vui đầm ấm thưở xa xưa. Biết nghe, biết sống theo tiếng gọi đó thì cảnh sống yên vui, thái hòa sẽ ại trở về với chúng ta sau dọc dài đắm mình trong ‘cõi người ta’ dẫy đầy nghịch chướng. Cái ‘miền cố quận’ (cảnh sống yên vui nơi mái nhà cha mẹ cùng mối duyên tình với họ Kim) đó đã trở lại với Kiều nguyên vẹn, đầy đủ để từ nay mãi mãi là hạnh phúc : ‘Duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào’. Lời trên của M. Heidegger và những câu trên của Nguyễn Du, phần nào có thể ứng dụng cho lớp người Việt Nam tỵ nạn Cộng sản nơi các xứ sở tự do hiện nay.
Và Việt Nam ra sao ? Chế độ ‘’Cộng hòa xã hội chủ nghĩa’’ dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản hiện nay đang làm tay sai cho ngoại bang là ‘’cơn đoạn trường tối hậu » sẽ dìm chết Đảng Cộng sản (như Từ Hải) cùng dìm chết cả dân tộc như Kiều đã phải tự vận nơi sông Tiền Đường. Nhưng Cộng sản chết là chết luôn như Từ Hải (6), còn dân tộc Việt Nam có phải ‘chết theo’ thì lại ‘sống lại’ ;, lại ‘hồi sinh’ như Kiều để tạo nên một cảnh sống mới vui tươi trọn vẹn. Dòng dịch hóa từ đoạn trường sang hạnh phúc đó do từ dòng Sử mệnh đặc thù cùng dòng Văn hóa đặc thù của dân tộc chúng ta (sẽ đề cập trong một bài khác) đã như cô Kiều biết ‘’Trăm năm để một tấm lòng từ đây’’. Cái hạnh vận tột cùng đó sẽ đến nay mai khi Đảng và chế độ Cọng sản phải dứt khoát ra đi như anh hùng Từ Hải (đảng Cộng sản tự xem mình là anh hùng) thì hàng hàng trăm ngàn, hàng triệu thanh niên tỵ nạn cộng sản đã thành đạt nơi xứ người sẽ lại về cùng hàng hàng trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên, học sinh và đồng bào quốc nội cùng đem tráng chí, hùng tâm, năng lực dựng lại nước non. Với vốn liếng Việt Nam sẵn có, với hành trang văn hóa tích tụ từ Anh, Pháp, Đức, Ý, Bĩ, Hòa Lan, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Ba Lan, Phần Lan, Nga, Mỹ, Nhật, Úc, Gia Nã Đại và bao quốc gia khác nữa, tất cả sẽ cùng hội ngộ dựng xây Tổ quốc muôn phần đẹp đẽ hơn xưa. Đấy là cuộc ‘’Hội ngộ của địa cầu’ ( le Rendez-vous des continents) do chính người Việt Nam tự tạo cho mình, cuộc ‘’Hội ngộ địa cầu’’ đủ sắc màu văn hóa của năm châu và Việt Nam lại phùng ngộ Nguyên Xuân trong ngày « Hội Non Sông » tươi đẹp đó với « duyên xưa đầy đặn, phúc sau dồi dào ». (Dĩ nhiên, sự việc đó liên hệ đến diễn tiến của thế giới nhưng xin chưa dề cập nơi đây). Xin trầm tư, suy nghiệm thêm về Ðoạn Trường Tân Thanh để thấy rõ tác phẩm nầy là một tác phẩm Tư Tưởng nói lên vận hành của Lẽ Ðạo nơi thế gian sẽ đưa nhân sinh, cả nhân loại và riêng Việt Nam chúng ta vào một hạnh vận tốt đẹp ra sao mai nầy.
Những điều nói trên –và nhiều điều khác nữa- cho thấy phần nào giá trị Tư Tưởng của tác phẫm Đoạn trường tân thanh. Vì thế, ta hiểu ra lý do Nguyễn Du đặt nhan đề tác phẫm là ‘Đoạn trường tân thanh’ và lý do tại sao Nguyễn Du chỉ phóng tác quyển ‘Kim-Vân-Kiều truyện’ của Thanh Tâm tài nhân, một tác phẫm và một tác giả chẳng mấy tiếng tăm mà không phóng tác một tác phẫm sáng giá nào khác trong kho tàng văn học Trung Hoa cũng như, với thiên tài mình, hư cấu nên một truyện nào tương tự ? Do đó, người viết nghĩ không nên đổi tên ’’ Đoạn trường tân thanh’’ ra ‘’Truyện Kiều’’ ngoài những lúc trò chuyện bình thường hay trường hợp phải dùng vì gọn, nhẹ và để ‘tiết kiệm giấy mực’ như đã nói nơi đoạn đầu bài nầy. Còn khi in ấn tác phẫm và trong các biên khảo, giảng luận thì xin nên dùng đúng nhan đề « Đoạn trường tân thanh ».
nguyễn thùy
________________
Chú thích :
1) Câu thơ của Lê Ngọc Chấn, một đảng viên VNQDĐ, cựu Bộ trưởng quốc phòng thời Đệ Nhất Cọng Hòa Việt Nam, cựu Đại sứ VNCH tại Luân Đôn, mất năm 1986 sau khi ra tù ‘cải tạo’ (!?) Cọng sản.
2) Hai câu trong bài thơ ‘Ký Hữu’ (Gởi bạn) của Nguyễn Du :
Mạc mạc trần ai mãn thái không
Bế môn, cao chẩm, ngọa kỳ trung
Nhất thiên minh nguyệt giao tình tại
Bách lý Hồng sơn chính khí đồng
Nhỡn để phù vân khan thế sự
Yêu gian trường kiếm quải thu phong
Vô ngôn độc đối đình tiền trúc
Sương tuyết tiêu thời hợp hóa long.
Bài dịch của Từ Mai : (trong Tập san Hương Văn, số 22, tháng 6 năm 2003, Wesminster, CA, trang 83, 84) :
Mờ ngập không gian bụi cát tung
Cửa cài, cao gối, lánh nằm trong
Một trời trăng tỏ giao tình gởi
Trăm dặm Hồng cao chính khí cùng
Đáy mắt mây trôi đành thế sự
Ngang lưng kiếm động ngút thu phong
Nín thinh ngắm trúc ngoài sân trước
Sương tuyết tiêu tan lại dáng rồng.
3) ‘’Le langage est la maison de l’Être. Dans son abri, habite l’homme. Les penseurs et les poètes sont ceux qui veillent sur cet abri.. Leur veille est l’accomplissement de la révélabilité de l’ Être ; en tant que par leur dire ils portent au langage cette révélabilité et la conservent dans le langage » - M. Heidegger (Lettre sur l’humanisme), trong ‘Questions III’, nxb Gall. Paris 1989, trang 74. –
4)‘’La pensée accomplit la relation de l’Être à l’essence de l’homme’ (Lettre sur l’humanisme -sđd, trang 73). Trong bản thảo tiếng Anh « ‘Being and thinking – What is called Thinking ? – Meditative thinking’ », ông Mạc Ngọc Pha đã dịch như sau : « Thinking accomplissehes the relation of Being to the essence of man » - Từ ‘Être’ tiếng Pháp, người viết dịch là ‘Đao Thể’, ông Mạc Ngọc Pha gọi là ‘Tính Thể’ và dịch sang tiếng Anh là ‘Being’. Từ ‘Pensée’ tiếng Pháp, người viết dịch là ‘tư tưởng’, ông Mạc Ngọc Pha dịch là ‘tư duy’, sang tiếng Anh là ‘Thinking’. Người viết phân vân không rõ cách dịch nào đúng.
5) ‘’Par l’appel , en une lointaine Origine, une terre natale nous est rendue’’ – M ; Heidegger : Der Feldweg. Bản dịch Pháp ngữ : ‘Le Chemin de Campagne’ của André Préau, trong Questions III, sdđ, trang 15.
6) Ðảng Cộng sản VN cũng chỉ là một thứ Từ Hải, một thứ ‘anh hùng cá nhân’ (dù nhân danh là Ðảng), tự hào đánh thắng hai đế quốc đầu sỏ, đem lại Ðộc lập, Tự do, Hạnh phúc cho dân tộc nhưng rồi dân tộc, đất nước VN ra sao ? Mấy chục năm trời từ ngày cướp được chính quyền (năm 1945) đến nay, Cộng sản VN chỉ làm cái công việc ‘dịch chủ tái nô’ chứ chẳng làm được gì cho dân, cho nước. Từ Hải với ‘năm năm hùng cứ một phương hải tần’ (câu 2450) mà nào có đem lại gì cho vùng đát và nhân dân mà họ Từ đang nắm quyền thống trị. Nguyễn Du không một lời nào nói đến những công đức của họ Từ đối với quần chúng nhân dân. Từ Hải còn phản bội lại lời đã hứa với Kiều ‘Xót nàng còn chút song thân, Bấy nay kẻ Việt người Tần cách xa, Sao cho muôn dặm một nhà, Cho người thấy mặt là ta cam lòng’ (câu 2433-2436) nhưng rồi Từ hải đâu có thực hiện. Chính những phản bội đó đã đưa Từ Hải đến chỗ chết. Ðảng Cộng sản cũng do những phản bội của họ sẽ phải chết, chết hẳn và VN cũng chết theo chúng nhưng VN lại được ‘sống lại’ với một cảnh đời mới ‘phúc lộc gồm hai, Ngàn năm dằng dặc, quan giai lần lần’, điều mà Nguyễn Du đã bảo ‘Sương tuyết tiêu tan, lại dáng rồng’ (câu cuối bài thơ nơi chú thích 2) , được nhắc lại trong Ðoạn Trường Tân Thanh : ‘Trời còn để có hôm nay, Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời’ (câu 3121-3122).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét