Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 23 tháng 7, 2017

Ông Chú Họ Của Tôi - Phùng Annie Kim


Ba tôi kể ông nội của ba tôi và ông nội của chú Kiên là hai anh em ruột. Từ đời ông nội và thế hệ ba tôi chỉ có chú Kiên là thông minh, ham học, học giỏi và tài hoa. Chú lên Hà Nội năm một chín bốn ba, quyết liệt không theo anh em làm nghề đàn truyền thống của họ Phùng. Ba tôi kể chú học tiếng Tây và mê đọc sách. Căn nhà ở số bốn chín Phố Huế ba tôi mua cho em ruột là chú Tư mở cửa hàng bán đàn có một góc nhỏ dành cho chú Kiên và chú Năm, em trai út của ba tôi. Mọi chi phí ăn, ở, tiêu xài cho việc học hành của chú Kiên ở Hà Nội và thím cùng đứa con trai còn bé ở nhà quê đã có ông anh đỡ đần.
<!>Không biết có phải vì chú tiêm nhiễm học thuyết Mác Xít trong sách vở nên vài năm sau chú bỏ nhà đi mất tích. Chú theo Việt Minh.Đối với các chú em họ, ba tôi thương chú Kiên như em ruột, tự hào và nể phục chú nhất. Trong khi các anh em trong họ Phùng chỉ hướng về con đường công nghệ làm đàn và mở tiệm buôn bán thì chú miệt mài chuyện học hành chữ nghĩa. 

Chú là tấm gương cho mẫu người trí thức hiếm hoi của họ Phùng. Thế nhưng ba lại là người buồn chú nhất vì chú âm thầm ra đi không một lời từ giã. Má nói chú là người “vô ơn bạc nghĩa”. Ba chống chế, bênh vực nói chú đi làm chuyện “đại sự ”, đến như vợ con còn phải dấu huống chi họ hàng.Má kể chuyện khi chú bỏ vợ con lên Hà nội học, thằng Cường chưa biết mặt bố. Từ Hà Nội về làng Đào xá tỉnh Hà Đông (bây giờ là Hà Tây vì xáp nhập với tỉnh Sơn Tây) qua ga Đồng Văn đâu có bao xa, vậy mà chú không hề ghé về thăm vợ con một lần. Khi chú thoát ly”, thằng bé đã chập chững biết đi. Bà lại kết tội chú là con người “vô cảm”.

Mỗi lần về quê Đào xá giỗ chạp các cụ, thấy thím làm ruộng vất vả nuôi thằng Cường, ba má tôi thương, an ủi và hay giúp đỡ tiền bạc cho hai mẹ con.Sau bảy lăm, ba má về làng Đào Xá xây mộ các cụ, Má bảo thằng Cường càng lớn càng đẹp trai và giống bố như đúc từ mái tóc xoăn, đôi mắt to, và khuôn mặt cương nghị hình vuông “chữ điền”

Vào trong Nam, khi làm ăn có cơ ngơi ổn định, thỉnh thoảng Ba hay nhắc đến chú Kiên và chú Năm sau này cũng bỏ đi kháng chiến, không biết hai chú bây giờ ra sao, còn sống hay đã chết ? Ba bùi ngùi rơm rớm nước mắt. Má nói lén sau lưng ba: “Tò vò mà nuôi con nhện. Đến khi nó lớn nó quyện nhau đi. Tò vò ngồi khóc tỉ ti. Nhện ơi nhện hỡi nhện đi đàng nào? ”
2 
Hiệp định Geneve chia cắt đất nước năm một chín năm tư. Tin tức về thân nhân còn kẹt lại miền Bắc càng ngày càng mịt mờ tông tích huống chi hai người em đã ra đi từ cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ.Tôi nhớ rõ lúc tôi đang học lớp nhì trường tiểu học Tôn Thọ Tường ở đường Trần Hưng Đạo, một hôm chú Kiên bước vô nhà làm cả nhà sững sờ nhất là ba má tôi. 

Bao nhiêu năm xa cách, họ hàng đều nghĩ chú đã mất ngoài chiến trường. Nào ngờ chú vào Nam, tìm được nhà, gặp ba má tôi xin tá túc một thời gian. Ba tôi mừng lắm, tiếp đón, đãi đằng chú nồng hậu như một thượng khách, nào là cơm hầu nước rót, nào là dấm dúi tiền bạc. Hai anh em hay rù rì thủ thỉ chuyện trò đến khuya.Còn má, vì nể ba, tuy không hài lòng nhưng bà không bao giờ lộ ra nét mặt. Bà hay lo nghĩ xa xôi vì sự xuất hiện bí mật của chú trong Nam. 

Thỉnh thoảng bà cằn nhằn ba về chuyện sao ba cứ tiếp tục cưu mang chú. Có lần bà nói lén chú “Cóc chết ba năm quay đầu về núi”, ba nghe được, giận, hất đổ cả mâm cơm.Chú ít khi ăn cơm nhà với gia đình tôi. Chú nói chú đi học nghề in, đều đặn, sáng đi tối về. Chú không có bạn bè, không tiếp xúc với ai, không làm phiền ai, sống khép kín trong căn phòng nhỏ trên tầng thượng với người anh cả của tôi được một thời gian.

Một hôm, cảnh sát xông vào nhà bắt chú và ba tôi lên xe bít bùng chở đi. Má thuê ngay chiếc xe xích lô máy chạy theo. Biết ba và chú bị nhốt tạm ở Ty Cảnh Sát Quận Nhì trên đường bác sĩ Yersin gần nhà, má yên tâm. Ngày nào bà cũng xẹt ra Ty hỏi thăm tin tức. Sau đó, họ kết án và chuyển cả hai đến trại tù ở Biên Hòa. Chú bị kết tội hoạt động thân Cộng ở tù năm năm còn ba tôi vô tình chứa chấp thân nhân có hoạt động thân Cộng ở tù tám tháng. Cuối tuần, má và hai chị em tôi theo má đi xe Citroen màu đen là xe đò chạy tuyến đường Saigon- Biên Hòa thăm nuôi và tiếp tế thức ăn, tiền bạc cho hai người

Khi chú được thả về, ba tôi sắp xếp cho chú ở chung trong căn nhà ba tôi mua cho bác Cả mở tiệm đàn Đông Hưng trên đường Hiền Vương. Chú kiếm sống bằng nghề mở lớp dạy đàn rất đông học trò và tiếp tục học tiếng Anh ở Hội Việt Mỹ. Ba yên tâm vì chú ra tù có chỗ ở, có công ăn việc làm tự kiếm sống và vẫn quyết chí học hành. Có điều dù được thả nhưng chú vẫn phải ra trình diện với Ty Cảnh sát sở tại vì quá khứ có tiền án

Chú Kiên ở chung với bác Cả tôi khá lâu cũng được vài năm. Bác Cả mất, ba năm sau, anh Hưng con trai trưởng lấy vợ, chú Kiên dọn ra ở riêng và mở lớp dạy đàn ở Phú Nhuận. Trong giai đoạn này, có hai chuyện “động trời” xảy ra đó là chú Kiên đổi họ Phùng, mang họ Bùi và chú âm thầm lấy vợ, làm đám cưới không mời ai. Cả họ bị “sốc”. Má tôi lại có dịp tiếp tục kết tội chú “con người mất gốc”, “ăn cháo đá bát”.

Con đường Hồ văn Ngà là dãy bán đàn của sáu anh em họ Phùng vào Nam lập nghiệp. Cửa hàng đàn Việt Hồng của bác Hương trưởng tộc ở cuối đường Hồ Văn Ngà vào buổi tối, thỉnh thoảng có những buổi họp mặt các bác, các chú thím đề tài xoay quanh chuyện chú Kiên. Má kể chuyện cả họ giận chú. Người ít nói nhất trong các buổi “trà dư tửu hậu” này là ba tôi.Có lẽ ông cũng là người buồn nhất

Tôi còn nhớ rõ trong một buổi tiệc cưới của cô cháu gái, hai chị em chúng tôi được xếp ngồi chung bàn với các anh chị trong họ vì mình đã lớn, sắp sửa là các cô Tú đơn Tú kép. Lâu lắm mới có dịp anh em gặp nhau, ăn uống chuyện trò rôm rả. Anh Hiệp, cháu gọi ba tôi là cậu, là “thổ công” của họ Phùng, tin chú Kiên đổi họ và lấy vợ cũng từ anh mà ra. Anh báo một tin sốt dẻo và giựt gân. Tối hôm đó có sự trùng hợp cũng là ngày đám cưới chú Kiên. Anh nảy ra “sáng kiến” rủ anh em đến nhà hàng Văn Cảnh “ra mắt” chú thím. Ai cũng đồng tình vì tò mò muốn xem mặt thím dâu và làm cho chú...“bất ngờ chơi”. Ba anh em tôi, anh Hưng con bác Cả, anh Phương con bác Hương, anh Khánh con bác Ba Sáng bỏ tiệc về trước. Cùng với anh Hiệp đầu têu, chúng tôi kéo nhau đến nhà hàng Văn Cảnh.

Đến nơi đã thấy chú rể và cô dâu đang tươi cười tiễn khách ra về vì tiệc đã gần tàn. Khi thấy các cháu tuần tự sắp hàng đến chào chú, chú Kiên nét mặt thộn và ngớ ra, chú không nói được lời nào trong khi thím Kiên có chút ngạc nhiên. Cô dâu không đẹp lắm, nét mặt hiền hòa, phúc hậu, tuổi ngoài ba mươi, mặc chiếc áo dài cưới trắng đơn giản, cười chào và hỏi han xã giao đám cháu xa lạ

Không còn mơ hồ gì nữa, chiếc bảng đỏ có dòng chữ “…Chú rể Bùi Đức Tân sánh duyên cùng cô dâu Nguyễn Bích Ngọc...” làm cho đám cháu chúng tôi vô cùng ngán ngẩm và thất vọng về ông chú trí thức nhất họ Phùng. Từ đây, cái tên Phùng Kiên bị xóa sổ trong gia phả họ Phùng, thay vào đó là cái tên lạ hoắc Bùi Đức Tân

Dù sao trên đường về, cả đám cháu tỏ ra hả hê, và khoái trá về trò chọc phá chú nhất là nhớ lại nét mặt “chịu trận” của chú bên cạnh cô dâu. Phen này thế nào thím cũng thắc mắc đám cháu là con cái nhà ai, ở đâu, sao lại ăn mặc như đi đám cưới và xuất hiện vào cuối bữa tiệc. Chú và đám cháu này liên hệ họ hàng thế nào mà chẳng thấy chú mời.

Tối hôm đó, ba anh em chúng tôi về nhà, hí hửng kể lại câu chuyện gặp chú rể Bùi Đức Tân và cô dâu Nguyễn Bích Ngọc cho ba má nghe. Ba tôi nghe xong, nổi trận lôi đình, chửi mắng ba anh em một trận te tua về tội nghe theo mấy anh lớn làm chuyện bất kính với bậc cha chú và làm ảnh hưởng hạnh phúc gia đình của chú. Chỉ có má bênh chúng tôi. Sẵn dịp, má nhắc lại chuyện cũ. Chú dấu ba hoạt động nằm vùng cho Việt cộng, biết đến tá túc ở nhà của ba là mang họa đến cho ông anh mà chú vẫn làm. Cái tâm như thế là ác. Chuyện chú dấu có vợ con ngoài Bắc vì hoàn cảnh đất nước có thể thông cảm được nhưng cái tội trí trá thay họ đổi tên lừa dối thím Ngọc là chuyện không tha thứ được. Cuối cùng má nói lên một sự thật khiến ba chỉ biết im lặng: “Cả đời, ông em của Cậu toàn làm những chuyện bí mật và mờ ám”.

Hậu quả của một trò đùa phá phách không có ác ý là màn cãi vã dữ dội của người lớn. Đây cũng là dịp để má tôi trút những bất mãn bị dồn nén từ nhiều năm nay về người em họ chồng mà ba tôi lúc nào cũng quan tâm, ái mộ và tin tưởng

Rằm tháng bảy là ngày giỗ Tổ họ Phùng trong Nam, cả họ ngạc nhiên khi thím Kiên mang trái cây đến nhà bác Hương trưởng tộc để thắp hương các cụ và nhận họ hàng bên chồng. Thím đi một vòng dãy bán đàn, ghé thăm các bác và cuối cùng ra mắt bà chị dâu với một giỏ trái cây cúng Phật. Chuyện trò với thím không lâu, ba má tôi có cảm tình ngay vì thím ăn nói lịch sự, dịu dàng. Sau này, ba má càng nể khi biết thím gốc gác từ gia đình học thức và danh giá. Thím là cháu gọi bà thị trưởng đầu tiên ở thành phố Đà Lạt lúc bấy giờ là cô ruột. Bố thím đã từng là tùy viên văn hóa ở Thái Lan ngành ngoại giao và thím đang làm thông dịch viên cho cơ quan MACV của Mỹ.

Điều rất ngạc nhiên thím là một Phật tử thuần thành, ăn chay trường và thông hiểu kinh điển Phật giáo thâm sâu nên từ đó má và thím càng trở nên thân tình. Từ khi lấy thím Ngọc, cả họ hình như quý chú Kiên hơn. Riêng đối với chú, vợ chồng tôi còn mang một cái ơn lớn. Chú là người điều khiển chương trình tuyệt vời trong buổi tiệc cưới của chúng tôi. Tài ăn nói hoạt bát, những câu chuyện cười dí dỏm, sự thông minh và nhạy bén trong cách ứng xử đã làm cho chú trở nên người được nhắc nhở nhiều nhất từ phía họ nhà trai và nhà gái sau đám cưới

Chuyện cưu mang chú Kiên không phải chỉ dừng ở đó. Sau này, ba má còn cho chú thím vay tiền để mua căn nhà mặt tiền đang thuê ở Phú Nhuận làm cửa hàng bán đàn mang tên “Phúc Thịnh”.

Hồi đó tôi thắc mắc má tôi là người có óc tính toán lời lỗ trong nghề kinh doanh, tại sao má không cho chú thím vay vàng. Đồng tiền càng ngày càng bị mất giá, cho vay vàng, trả vàng, người cho vay không bị thiệt. Ba má cho chú thím vay bằng tiền mặt và nói chú thím vay “sổi” trả ngay, không có thiệt thòi bao nhiêu. Bà còn nói thêm“ Thôi con ạ, “Người ăn thì còn, con ăn thì mất”, “giúp chú thím nên nhà nên cửa ”. Đó là chưa kể ba tôi là người cung cấp sản phẩm đàn cho chú bán. Những cây đàn tốt nhất ba tôi đều dành cho chú. Chú không cần bỏ vốn, trả tiền theo lối gối đầu, giá cả lại rẻ hơn các đại lý mua sỉ khác.

Tuy nhiên cái tên Bùi Đức Tân vẫn còn trong vòng bí mật. Thỉnh thoảng ba má thường tâm sự với nhau về chuyện chú là người trước đây có tiền án hoạt động nằm vùng cho Cộng sản, tại sao lại cưới được thím Ngọc là nhân viên của cơ quan MACV. Tại sao chú lại đổi tên. Năm năm tù ở Biên Hòa, không biết chú còn dám tiếp tục hoạt động cho Cộng sản nữa hay không. Thím Ngọc có biết các việc làm của chú trong quá khứ không?

Bao nhiêu những ẩn số, những câu hỏi sau cuộc hôn nhân này mà người trong cuộc như thím Kiên còn chưa biết rõ huống chi là người ngoài cuộc. Trước xã hội, chú thím là một cặp vợ chồng trí thức đẹp đôi và hạnh phúc. Đối với họ Phùng, chú thím gần gũi hơn, cư xử lễ nghĩa đúng mực, khéo léo nên cả họ đều quý. Hai đứa con gái và đứa con trai sau này đều mang họ Phùng cũng vén được phần nào tấm màn bí mật giữa chú thím.

**
Sống ở Sài Gòn trước ngày ba mươi tháng tư mất nước, ai cũng từng chứng kiến cảnh các nhân viên làm sở Mỹ hay những người có liên hệ với chế độ Việt nam Cộng Hòa đã tuần tự di tản từ những tháng trước trong đó có gia đình chú Kiên. Căn nhà đã được sang nhượng cho bà mẹ và cậu em trai của thím Ngọc về ở để giữ nhà. Tôi đã nhìn thấy cảnh chia tay bịn rịn đầy nước mắt của chú và ba tôi trong phòng khách khi chú đến chào tiễn biệt.
Chuyến đi của chú xem như không có ngày trở lại. Sau này nghe thím kể ba còn xuống thăm chú thím vài lần và tiễn chú ra phi trường.

Bắc Nam thống nhất là dịp các họ hàng bà con xa gần của ba má vào Nam thăm “cơ ngơi và tội ác của Mỹ Ngụy”. Tình yêu quê hương, tình cảm gia đình sau hai mươi năm xa cách, tính tình hào sảng, hiếu khách và “cái nhà to đùng của ông Đinh” đã trở thành “bến đỗ” hay “trạm dừng chân quốc tế” cho bao nhiêu khách Hà Nội và Đào Xá vào Nam. Ba má tôi đón tiếp khách miền Bắc chu đáo từ nơi ăn, chỗ ở đến các mục vui chơi giải trí. Ông làm người hướng dẫn viên nhiệt tình dẫn bà con đi thăm họ hàng khắp nơi, mua sắm ở các phố Sài Gòn và dĩ nhiên ông là người chi tiền. Những thùng quà cáp nặng ký, tiền dằn túi đi đường và tiền tàu cho chuyến về là chuyện đương nhiên.

Cường là một trong những đứa cháu vào Nam sớm nhất và được ba má tôi thương nhất vì nghèo, xa bố từ bé, tuy sống vất vả nhưng có chí và học giỏi như bố. Vừa bước vào phòng khách, tôi giật mình vì ngỡ gặp… chú Kiên. Chưa gặp Cường bao giờ, chưa cần ba giới thiệu là ai, chỉ cần nhìn khuôn mặt, tôi biết ngay đó là con trai chú Kiên từ ngoài Bắc vào.

Cường cao, gầy, mái tóc bồng bềnh dợn sóng, hơi xoăn chính là mái tóc của chú Kiên. Đôi mắt to, hai mí lồ lộ này đích thực là đôi mắt của bố. Nét mặt khắc khổ, hai má hóp nhưng vẫn có góc cạnh hình vuông của khuôn mặt “chữ điền” giống bố. Cường gầy xọm trong chiếc áo sơ mi ngắn tay cũ kỹ và chiếc quần màu xanh rêu của bộ đội. Khi Cường mỉm cười chào và hỏi thăm, tôi lại có thêm một bất ngờ khác đó là giọng Bắc sang sảng có âm sắc cao, chất giọng rõ ràng, dứt khoát y chang giọng nói của chú Kiên ngày nào. Cuộc sống trong miền Nam của chú Kiên phong lưu, thoải mái làm cho chú trẻ đi còn cuộc sống vất vả, nghèo khổ ngoài Bắc làm Cường già trước tuổi. Hai người trông như hai anh em chứ không phải bố con.

Cường kể chuyện vào những năm chiến tranh khốc liệt, Thím Lê, mẹ Cường nhận được giấy báo tử cho biết chú Kiên đã hy sinh và gia đình thím Lê được truy tặng là gia đình liệt sĩ. Cường được miễn đi lính và được học đến nơi đến chốn. Hiện Cường là dược sĩ và giáo sư khoa Đông y dược Đại Học Đông Y Dựợc Hà Nội. Vợ Cường là bác sĩ sản khoa.

Lúc bấy giờ, sự liên lạc giữa Việt nam và các nước ngoài còn khó khăn do sự cấm vận của Mỹ. Ba tôi đưa cho tôi địa chỉ của chú ở Mỹ nhưng ông bảo ông không chắc lắm. Năm một chín chín mốt, gia đình tôi qua Mỹ diện HO. Với địa chỉ này và lời dặn dò tha thiết của ba tôi “Con sang Mỹ phải tìm cách gặp chú Kiên”, tôi đã liên lạc được với chú thím, với Cường để rồi sau này chứng kiến một bi kịch gia đình và những cảnh đời mà tôi nghĩ chỉ có trong tiểu thuyết hay tưởng tượng.
Hơn bốn mươi năm trôi qua, trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và cuộc nội chiến giữa hai miền Nam Bắc, người con trai sinh ra và lớn lên trong chế độ Cộng sản tưởng sẽ được gặp bố thì bố đã di tản “theo chân Mỹ Ngụy” cùng với hàng triệu người bỏ nước ra đi. Những lá thư của Cường gửi sang Mỹ làm cho chú vui mừng khi biết thím Lê còn sống và hãnh diện khi biết Cường là dược sĩ và đang học tiếp để trình luận án phó tiến sĩ. Chú có ý định trở về Hà Nội thăm vợ con.

Năm sau, chú mua vé về Hà Nội. Trên đường bay từ phi trường Baltimore Washington Int, chú sẽ ghé phi trường Los Angeles hai ngày thăm vợ chồng tôi.

Từ năm bảy lăm đến năm chín hai, tính ra hai chú cháu xa cách đã hơn mười lăm năm. Thời gian này người Việt về Việt Nam thăm thân nhân đã nhiều hơn trước. Chú không già đi chút nào, da dẻ hồng hào, đi đứng nhanh nhẹn, ăn nói hoạt bát như ngày xưa. Chú khoe qua Mỹ, chú đi học lại và lấy bằng BA. Hiện chú đang phụ giảng tại một trường trung học và sắp về hưu. Tôi gọi phone báo cho má biết chú đang ở Cali. Tôi nghe má kể chuyện được tin chú về Việt nam, ba tôi là người vui mừng nhất. Ông bà sẽ bay ra Hà Nội đón chú, sau đó đại gia đình họ Phùng sẽ đưa chú về làng Đào Xá. Cả làng ai cũng nôn nao và háo hức. Ai cũng muốn gặp “người liệt sĩ”… “chết đi sống lại”, “áo gấm về làng” từ…Mỹ.

Năm sau, chú về Hà Nội cũng ghé Cali thăm vợ chồng tôi. Ngồi uống trà với chú trong vườn, chú tâm sự thím Ngọc có ý định đi tu. Chú nói làm gì có chuyện “sắc sắc không không” như trong triết lý của đạo Phật. “Vợ mình còn đó, con mình còn đó”. Nào ngờ ít lâu sau thím gọi phone cho biết sau chuyến đi Hà Nội về Mỹ lần này, thím quyết định ly dị. Cái “duyên” vợ chồng đã hết. Một sự sắp xếp tình lý vẹn toàn cho cả hai. Thím đi theo lý tưởng tâm linh đã ấp ủ từ lâu. Chú về Hà Nội ở với hai mẹ con Cường để bù đắp tình cảm cho người vợ lớn và đứa con mất tình thương của bố từ tấm bé. Căn nhà ở Mỹ sẽ bán chia đôi. Một cuộc chia tay êm đềm vào cuối đời của cặp vợ chồng “đồng sàng dị mộng”.

Thế là chú Kiên làm giấy tờ xin định cư vĩnh viễn ở Việt Nam. Cái “check” đủ xài cho người già về hưu đều đặn chuyển trong chương mục ngân hàng của chú hàng tháng. Phân nửa tiền bán căn nhà ở Mỹ chú đã chuyển cho Cường để xây căn nhà sáu phòng ở Hà Nội. Chuyến về Việt nam lần thứ ba lần này là chuyến chót để chú thực hiện ước mơ “Xin nhận nơi này làm quê hương”.

Chú về Việt Nam vào năm hai ngàn lẻ năm cũng là năm thím qua Cali thăm vợ chồng chúng tôi. Tôi còn nhớ mãi lời tiên đoán của thím “Để rồi hai cháu xem, chú không ở Việt nam lâu đâu. Chú ở không nổi đâu. Chú sẽ về Mỹ”.

Tại Cali, chùa chiền nhiều, thời tiết ấm áp, thím có ý định xuất gia gieo duyên với một ngôi chùa nào đó ở quận Cam trong khoảng một năm và nhờ chúng tôi tìm giúp thím. Tôi nghĩ đến các sư cô ở chùa SN bèn đến xin thỉnh ý quý sư cô. Đây là một ngôi chùa sư nữ trang nghiêm, thanh tịnh theo phái Thiền tông rất hợp với căn cơ tu hành của thím. Chùa có ba chị em cùng đi tu. Sư cô trụ trì là vị có trình độ Phật học cao sâu và thực chứng về pháp môn tu Thiền. Đủ duyên lành, các sư cô nhận lời. Những ngày cuối tuần chúng tôi đều đến chùa thăm thím. Tu được một năm, thím xin về Maryland ở với con trai.

Trong thời gian thím gác bỏ hết chuyện đời trong quá khứ về Cali tu gieo duyên ở chùa SN, muốn giữ cho tâm người tu được thanh tịnh nên có nhiều chuyện “thâm cung bí sử” về chú thím tôi chưa dám hỏi. Phải đợi đến năm sau vợ chồng tôi sang Maryland thăm thím.

Mỗi buổi sáng ba thím cháu có thói quen đi bộ, leo lên ngọn đồi cách nhà thím khoảng một dặm, ngồi trên băng ghế đá trong sân trường đại học, đây là cơ hội tốt nhất để tôi đặt những câu hỏi còn vướng mắc trong lòng và nghe thím giải tỏa nỗi niềm. Chuyện chú bị tù. Thím làm việc ở cơ quan MACV. Lý lịch chú khi chú thím làm đám cưới. Chuyện Thím Lê và cháu Cường. Cái tên Bùi đức Tân. “Mission Impossible”. Thím có yêu và sống có hạnh phúc.v..v
Với giọng trầm và buồn, thím kể cho chúng tôi nghe câu chuyện ngày ấy....

*
Câu chuyện ngày ấy:

“Các cháu có biết không, ngày ấy, thím gặp chú ở nhà người bạn của thím tên là anh Bùi Đức Long. Chú là bạn thân với anh Long. Chú nhận anh Long là anh nuôi, về sau chú đổi họ theo anh Long mới có cái tên Bùi Đức Tân. Lúc đó, thím là chị cả của một đàn năm đứa em gái chưa chồng, gặp chú khi thím đã ba mươi ba tuổi, thím bị chinh phục ngay bởi sự lịch lãm, kiến thức, tài hoa và sự chững chạc của người đàn ông đứng tuổi, độc thân. Sau một thời gian quen biết và tìm hiểu ngắn ngủi, chú nhờ anh Long làm mai và đứng ra tổ chức đám cưới. Đám hỏi và đám cưới cùng ngày. Công việc của thím là phiên dịch các tài liệu tối mật “top secret” cho máy bay nên cơ quan MACV có xét lý lịch của người phối ngẫu. Lúc đó chú có tên là Bùi Đức Tân. Bùi Đức Tân là người có lý lịch tốt.Thím kết luận âu cũng là duyên số cả. Thím có chí nguyện đi tu từ bé, đã vào chùa xin xuất gia một lần rồi. Vì chưa có thuận duyên nên phải ra đời lấy chồng. Thím mắc nợ chú nhiều lắm.

Khi tôi tò mò hỏi lúc thím quyết định lấy chú, thím có yêu chú không. Chú thím sống có hạnh phúc không, ông chồng tôi ngồi bên cạnh nhăn mặt nhìn tôi tỏ ý tại sao tôi lại hỏi những câu hỏi riêng tư, kỳ cục mà người Mỹ rất cấm kỵ. Thấy vậy, thím vỗ vai chồng tôi:

- Không sao đâu. Họ hàng của chú bên này không có ai, chỉ có hai cháu là người thân thiết nhất. Hai cháu cũng là người gần và hiểu thím nhiều nhất. Thím rất quý vợ chồng cháu. Nếu có phải kể lại câu chuyện đã qua trong đó có những chuyện riêng tư của chú thím cũng đâu có gì là quan trọng. Cũng là dịp các cháu biết thêm về chú thím. Thế rồi thím tiếp tục kể:

“Nếu cháu hỏi thím có yêu chú không. Có chứ. Thím có yêu chú. Vì có yêu nên thím mới chịu làm đám cưới. Thím có hạnh phúc không? Có. Hạnh phúc nhất là thời gian đầu sống với nhau và sau đó có được ba mặt con. Các em Minh Khoa, Tú Duyên, Thúy Dao sinh ra là những đứa con của tình yêu thím dành trọn cho chú. Chú thím sống bình an hạnh phúc cho đến khi qua Mỹ và kéo dài cho đến mười năm sau. Vào khoảng năm một chín tám lăm, tình cờ thím khám phá chú tham gia tổ chức Cộng sản ở trên vùng New York. Thím giả vờ không biết, âm thầm theo dõi, tìm hiểu những khuôn mặt xa lạ, những cuộc gặp gỡ, hò hẹn bất thường, những chuyến đi xa mấy ngày không lý do. Cờ đỏ sao vàng, bản tin, hình ảnh, các mối liên hệ và các công tác hoạt động. Thím mất cả năm trời mới có đầy đủ tất cả những bằng chứng để đem người Việt cộng nằm vùng ở Mỹ này ra ánh sáng. Chú không chối cãi được.

Lúc ấy thím giận lắm, hăm dọa chú đủ điều, bắt chú phải nói thật những hoạt động của chú từ khi còn ở Việt nam cho đến khi qua Mỹ. Có lúc thím dùng tâm lý và tình cảm gia đình thuyết phục chú. Nếu chú cố tình dấu diếm, thím sẽ ly dị và cho các con biết những chuyện chú đã làm. Có lúc thím dùng lý trí, nghiêm khắc và cứng rắn như một quan tòa tra khảo và kết tội phạm nhân mà không cho chú được bào chữa. Có lúc thím phải ngọt ngào dụ dỗ. Chú chỉ cần nói sự thật, chú sẽ được tha thứ. Mọi chuyện thím sẽ cho qua. Chú sẽ còn vợ, còn con, còn một mái gia đình mặc dù thím biết rằng nó sẽ không còn êm ấm như ngày xưa nữa.

Hai cháu biết không, chú khai hết. Thím nghĩ rằng vì tương lai các con đang tuổi lớn, vì tiếc hạnh phúc gia đình đang trên con đường đổ vỡ, vì chú còn thương thím và trên hết, chú sợ thím vì thím có khả năng làm lớn chuyện. Thế là chú tự thú tất cả từ chuyện chú theo Việt minh ở Hà nội, chú vào Nam nhận công tác, chú và ba cháu bị tù ở Biên Hòa, ông bạn nằm vùng Bùi Đức Long, cái tên Bùi Đức Tân giả mạo, đám cưới Thím, cơ quan MACV, di tản qua Mỹ... tất cả nằm trong tổ chức gián điệp nằm vùng của Cộng sản hoạt động mà thím chỉ là phương tiện. Từ đó, thím mất niềm tin, mất lòng kính trọng, mất cả tình thương yêu. Chỉ còn là lòng thù hận và chán ghét. May cho thím nhờ biết tu nên thím buông xả và tha thứ hết. Bây giờ có chăng là chút nghĩa cũ càng vì những đứa con.

Kể đến đây thím nghẹn lời, đôi mắt đỏ hoe. Nỗi đau khổ và ẩn ức thím giữ trong lòng hai mươi năm nay mới có dịp thổ lộ với hai người thân duy nhất của “chú tôi” ở Mỹ.

Những câu hỏi chưa dừng ở đây. Tôi nhắc đến thím Lê và cháu Cường, thím chậc lưỡi, lắc đầu ngao ngán:

“Các cháu ơi,từ khi hai cháu sang Mỹ liên lạc được với chú, năm sau có địa chỉ chính xác, chú thím nhận được hàng loạt những lá thư từ Hà Nội gửi sang, người gửi là cháu Cường. Thím được đọc những lá thư trong đó Cường bày tỏ lòng thương nhớ và tha thiết mời chú về Việt Nam ở với hai mẹ con. Trong đời, Thím đã tha thứ cho chú một lần. Lần này thím quá buồn, tình cảm khô cạn không còn gì để tha thứ hay phản ứng gì nữa. Hồi ở Việt nam, ba má cháu và các bác vì thương chú nên dấu thím chuyện này. Thím không trách ba má và họ hàng chút nào. Hoàn cảnh chiến tranh, thím hiểu và thông cảm. Thím chỉ trách chú sao không nói cho thím biết sự thật từ lúc đầu. Dù biết sự thật, thím vẫn thương và lấy chú. Mười bảy năm sống với nhau, chú lừa dối thím. Đối với thím Lê và cháu Cường, thím tội nghiệp và ủng hộ chuyện cháu Cường mời chú về Việt Nam sống với họ. Bao nhiêu năm chú sống vô trách nhiệm với vợ con, bây giờ là lúc chú phải về để chia sẻ và bù đắp tình thương cho họ. Thím mừng vì đã trả hết “nghiệp” rồi cháu ạ. Thím có tự do đi theo con đường riêng của thím vào cuối đời.”

Kể đến đây thím nhắc đến buổi tối đám cưới ở nhà hàng và cái tên Bùi Đức Tân:

“Còn chuyện tại sao chú đổi họ, thím nhớ mãi buổi tối đám cưới, các cháu đến chào chú thím làm thím hết sức ngỡ ngàng. Thím nhớ mãi Kim Chi lúc ấy nắm tay thím, nói những câu rất tình cảm “Thím ơi, hôm nào thím ghé chơi thăm ba má cháu nhé. Ba má cháu sẽ vui lắm khi biết thím”. Chuyện đổi họ, chú giải thích rất đơn giản vì có sự xung đột giữa chú và bà con họ Phùng nên chú bỏ họ Phùng và không muốn liên hệ với bà con họ hàng nữa. Lúc đó thím tin và nói chú làm như thế là sai. Thím sẽ là cái cầu nối giữa chú với họ hàng bên chồng. Thím tự động hỏi han tin tức, đến thăm các bác và ba má cháu đấy chứ. Thím thấy đây là cái họ lớn trong Nam, anh em có truyền thống đoàn kết, thương yêu và giúp đỡ nhau làm cho thím hết sức quý trọng. Sau đó Thím thuyết phục chú phải đổi lại họ Phùng và cho các em Khoa, Duyên, Dao theo họ Phùng để giữ gốc gác gia đình bên nội.

*

Thế là chú Kiên vô cùng hạnh phúc trong thời gian mới về sống đoàn tụ gia đình với thím Lê, người vợ trẻ chú đã bỏ đi thời thanh xuân và đứa con trai duy nhất nay đã thành công và thành danh thời Việt nam mở cửa.

Theo lời chú kể, cái dinh cơ đồ sộ sáu phòng, chú và thím Lê được xếp mỗi người một phòng, còn lại là phòng của vợ chồng Cường- Hà và hai đứa con trai. Mỗi tháng, chú gửi mười triệu, khoảng năm trăm đô tiền ăn ở cho chú và thím Lê. Một cái sân rộng ngăn dãy nhà phía sau là nơi bào chế thuốc và là chỗ ăn ở cho người làm. Mặt tiền là phòng mạch ngăn đôi. Nửa căn là nơi Cường khám bệnh, hốt thuốc. Cường nổi tiếng hốt thuốc mát tay nên bận bịu suốt ngày. Hà là bác sĩ đỡ đẻ, khám thai kiêm luôn dịch vụ phá thai ngoài giờ. Sau giờ hành chánh, phân nửa căn còn lại là thế giới của đàn bà. Phòng mạch lúc nào cũng đông khách. Hai con chó “berger” giống Đức bị cột sau vườn chỉ được thả ra khi phòng mạch đóng cửa.

Mối liên lạc giữa vợ chồng tôi và thím Ngọc vẫn đều đặn qua phone. Một hôm, thím báo tin chú Kiên gọi về cho biết chú chán sống ở Việt Nam và muốn trở về Mỹ. Hai thím cháu có dịp bàn chuyện không dứt về sự quả báo, luật nhân quả và lời tiên đoán của Thím năm xưa. “Chú không ở lâu đâu. Chú ở không nổi đâu. Chú sẽ về Mỹ”. Chuyện chú Kiên muốn trở về Mỹ làm tôi nhớ đến câu nói của má tôi ngày nào, nếu bà còn sống, bà sẽ lập lại: “Cóc chết ba năm quay đầu về núi”. Chú về ở Việt Nam được ba năm. Câu thành ngữ ấy sao mà trùng hợp với hoàn cảnh của chú đến thế.

Chuyện chú Kiên “bỏ của chạy lấy người” trở về Mỹ nguyên nhân là do xung đột gia đình giữa mẹ chồng nàng dâu, giữa chú và Cường nhưng trên hết là sự thất vọng về “Những thiên đường mù” (1) xã hội chủ nghĩa chỉ là ảo tưởng và chỉ có trong lý thuyết. Về Mỹ, chú kể không nhiều. Phải đợi chị Kim Chi, bà chị gái lớn của tôi qua Mỹ thăm con gái, chị là người sắp xếp cho chú vô Nam ở nhà chị và mua vé cho chú về Mỹ kể lại những tình tiết trong những cuộc cãi vã, tôi mới hiểu lý do tại sao chú Kiên không thể tiếp tục sống với vợ chồng Cường - Hà

“Chung là có đụng”, “Xa thơm, gần thối”, “Ở xa mỏi chân, ở gần mỏi miệng” là tâm lý chung của người đời và là những kinh nghiệm dân gian có giá trị bất biến. Chị Kim Chi kể rằng chú về Hà Nội sống gần thím Lê, dần dà chú khám phá ra Hà đứa con dâu đối xử với thím Lê tồi tệ từ nhiều năm nay khiến thím đã hai lần tự tử trong quá khứ. Nhiều lần chú bất mãn khi chứng kiến Hà xem chú không ra gì, mắng thím xa xả. Còn Cường luôn luôn bênh vợ, trách mẹ. Lần mới nhất, thấy thím xuống phòng mạch, Hà mắng thím “Bà là bà nhà quê. Ăn mặc như thế ai cho phép bà xuống đây. Phòng mạch này không phải là chỗ của bà” và đuổi thím lên lầu. Chú giận quá nhưng cũng ráng nhịn nhục cho qua.

Có lần Cường đi vắn, con chó “berger” sủa mãi không dứt, thím Lê lấy cây khua con chó bị con chó táp vào chân. Hà phán một câu “Cho bà đáng đời, Ai bảo..” Thấy Hà nhẫn tâm, chú giận quá mắng Hà là “Đồ mất dậy”. Hà phản ứng liền “Ông ở đâu về đây chửi tôi là đồ mất dậy”. Chú phải băng chân và chở thím đi bệnh viện. Cường về, chú kể về người vợ hỗn láo xưng hô với bố là “ông” “tôi” và coi chó hơn mẹ. Cường bênh Hà nói tại thím chọc chó nên bị chó cắn. Hai bố con cãi nhau. Trong lúc nóng giận, chú bảo Cường là “Đồ mất dậy” Cường mắng bố “Ông bỏ tôi từ lúc còn nhỏ. Ông có dậy tôi đâu mà chửi tôi là đồ mất dậy. Ông không phải là bố tôi. Ông cút đi”.

Bi kịch xảy ra từ trận đụng độ này. Chú có ý định về Mỹ nhưng thấy thím Lê sống lui cui một mình, bị Hà khinh bỉ, bức hiếp, chú tội nghiệp không nỡ bỏ đi còn chú thì ngậm đắng nuốt cay, nhẫn nhịn cho qua. Từ đó hai ông bà đi chợ nấu ăn riêng.

Chị Kim Chi kể tiếp Cường hay vắng nhà qua biên giới Trung Quốc để tìm mua thuốc Bắc và các dược liệu từ các loại lá, cây, củ.. về cắt, sao, tán làm thuốc. Một buổi tối, chú sang nhà chú Tư giỗ các cụ, chú về rất khuya, những người giúp việc nhà và công nhân đã đi ngủ, khu nhà sau đã tắt đèn tối om. Có chìa khóa riêng, chú vào nhà thấy đèn phòng mạch còn sáng, nghe tiếng rúc rích, chú tò mò liếc vào khe cửa sổ thấy Hà đang đú đởn với Minh, anh bác sĩ bạn Hà cùng làm việc phá thai ngoài giờ. Chú không tin vào mắt mình. Họ đang làm tình trên chiếc giường khám bệnh. Khi Cường về, chú nói sự thật cho Cường biết, Cường lồng lộn “Ông đặt điều làm nhục vợ tôi. Ông hèn lắm. Ông không xứng đáng làm bố tôi”.

Giọt nước cuối cùng đã làm tràn ly. Chú quyết định gọi cho chị Kim Chi nhờ chị giúp chú vô Sài Gòn ở nhà chị một thời gian và mua vé cho chú về Mỹ. Nghe lời chị Kim Chi, chờ Cường và Hà đi vắng, chú lén ra hãng máy bay mua vé một chiều Hà Nội- Sài Gòn. Chú lẳng lặng nắm tay người vợ già đáng thương, nước mắt chảy ròng ròng, không dám nói lời từ biệt sợ lộ chuyện chú bỏ đi. Chú âm thầm lên máy bay với vài bộ quần áo, giấy tờ, rời ngôi nhà phân nửa là công sức lao động của chú không một chút tiếc nuối với một nỗi đau nát lòng.

Kết thúc chuyện chú Kiên là chú về Mỹ sống với vợ chồng Khoa. Vợ Khoa là người Mỹ gốc Đức. Hai vợ chồng sống với nhau nhiều năm mà vẫn chưa có con. Khoa sửa sang lại căn nhà, cơi thêm phòng hướng Đông cho chú. Thím vẫn ở căn phòng hướng Tây cũ của chú ngày xưa. Duyên Và Dao cuối tuần hay vào những ngày lễ lớn thường lái xe từ New York về thăm chú thím ở Maryland. Thời gian chú thím ở chung nhà với Khoa là thời gian chú thấy lòng nhẹ nhàng, thanh thản và được an ủi. Thím đưa những kinh sách Phật cho chú đọc, giúp chú giải tỏa niềm đau nỗi khổ trong triết lý “Tứ Diệu Đế” của đạo Phật. “Đời là bể khổ. Nước mắt của chúng sinh nhiều hơn nước của đại dương”. Thím còn giúp chú tập Thiền cho tâm lắng những vọng động của những biến cố gia đình đã qua

“Đông Tây không bao giờ gặp nhau”. Hai hướng mặt trời mọc và lặn không bao giờ xảy ra cùng một lúc cũng như hai căn phòng chú thím đang ở, hai hướng đông và tây chẳng bao giờ có cùng chung một lối đi. Ít lâu sau thím dọn lên New York ở với em Duyên và người chồng Mỹ.

Thím kể với tôi ông đại tá tình báo cuối đời nghe lời thím xin quy y. Trước khi ông mất, trong tay ông không phải quyển “Hiện Tượng Học Và Chủ Nghĩa Duy Vật Biện Chứng” (1) mà là bộ Kinh Lăng Nghiêm, bộ kinh cao sâu, uyên áo của đạo Phật mà ông tâm đắc và nghiên cứu vào cuối đời.

Cali ngày 13 tháng 6 năm 2016

Phùng Annie Kim

Chú thích (1) “Những thiên đường mù”- Dương Thu Hương. (2) “Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng” -Trần đức Thảo- nhà xuất bản Minh Tâm 1951
(Copy từ Việt Báo).

Không có nhận xét nào: