Chiến đấu cơ Trung Quốc Tây An H-6 trong khu vực eo biển Miyako, Nhật Bản. Ảnh chụp tháng 3/2016.AFP PHOTO / JOINT STAFF. Lầu Năm Góc kêu gọi các nước ở biển Hoa Đông và Biển Đông cùng kiềm chế và tránh những hành vi khiêu khích. Lời kêu gọi được phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Mỹ đưa ra trong một buổi họp báo và được trang Economic Times đưa tin ngày 18/07/2017.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về chiếc máy bay ném bom Tây An H-6 (Xian H-6) của Trung Quốc nhiều lần bay qua eo biển Ba Sĩ (Bashi) nằm giữa Philippines và Đài Loan và eo biển Miyako của Nhật Bản vào tuần trước, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Jeff Davis phát biểu : « Chúng tôi tiếp tục kêu gọi các bên trong khu vực, tại Biển Đông và biển Hoa Đông, hãy kiềm chế, tránh những hành động khiêu khích và tôn trọng chủ quyền của mỗi nước trong hoạt động của mình ».
Trước đó, ông Trầm Kim Khoa (Shen Jinke), phát ngôn viên lực lượng Không Quân Trung Quốc, khẳng định cuộc tập trận trên khi trích lại thông báo trên website của kênh truyền hình nhà nước CGTN : « Lực lượng Không Quân Trung Quốc trong tuần qua đã tiến hành nhiều cuộc tập trận ngoài khơi, với chiến đấu cơ H-6K và với nhiều loại máy bay khác qua eo biển Ba Sĩ và eo biển Miyako, để thử nghiệm thực lực chiến đấu ngoài khơi ». Theo truyền thông Tokyo, Nhật Bản đã điều chiến đấu cơ đến khu vực, đề phòng chiến đấu cơ Trung Quốc thâm nhập không phận Nhật Bản.
Phát ngôn viên bộ Quốc Phòng Trung Quốc cảnh báo « các bên liên quan không cần phải cường điệu và làm ồn ào về chuyện này mà nên quen dần với các cuộc tập trận như vậy ».
Thế nhưng, theo Economic Times, chính Trung Quốc lại phản đối máy bay ném bom của Mỹ bay trên Biển Đông trước cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20 tại Hamburg, Đức.
Trung Quốc phản đối dự luật cho phép chiến hạm Mỹ thăm Đài Loan
Khu trục Mỹ USS Lassen hoạt động trong vùng 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp ở Biển Đông (Ảnh chụp ngày ngày 27/10/2015)US Navy/CPO John Hageman/Handout via Reuters/File Photo
Trung Quốc hôm 17/07/2017 đã lên tiếng phản đối sau khi Hạ Viện Hoa Kỳ thông qua một dự luật cho phép các chiến hạm Mỹ lại được ghé thăm Đài Loan.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang),được AFP trích dẫn, tuyên bố : « Trung Quốc kiên quyết phản đối mọi hình thức trao đổi chính thức hay tiếp xúc quân sự giữa Hoa Kỳ và Đài Loan ». Ông Lục Khảng cho rằng dự luật này « rất có hại », kêu gọi phía Mỹ « không nên quay ngược chiều lịch sử, làm tổn hại cho lợi ích chung trong quan hệ hai nước ».
Hạ Viện Mỹ hôm thứ Sáu 14/7 đã thông qua dự luật quốc phòng (National Defense Authorization Act) cho năm tài chính 2018, cho phép chính phủ định ra ngân sách quốc phòng hàng năm. Luật này còn phải được Thượng Viện thông qua và tổng thống phê chuẩn, trong đó có một điều khoản sửa đổi, kêu gọi Lầu Năm Góc xem xét khả năng tái lập những chuyến viếng thăm Đài Loan của các chiến hạm Mỹ và ngược lại.
Các chiến hạm Mỹ không còn ghé thăm Đài Loan kể từ khi Hoa Kỳ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh năm 1979.
Quan hệ Mỹ-Trung trong những tuần lễ gần đây đang căng thẳng do Hoa Kỳ bán vũ khí trị giá 1,3 tỉ đô la cho Đài Loan, bất đồng trong hồ sơ Bắc Triều Tiên và yêu sách chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông.
Bắc Kinh vốn luôn coi Đài Loan là một tỉnh nổi dậy, đã giận dữ sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump điện đàm với tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, sợ rằng ông Trump sẽ từ bỏ chủ trương « Một nước Trung Hoa ». Nhưng sau đó tổng thống Mỹ khẳng định với ông Tập Cận Bình là vẫn tôn trọng nguyên tắc lâu nay.
Một năm sau phán quyết của tòa, Biển Đông không hề tĩnh lặng
Trung Quốc bồi đắp đảo nhân tạo tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), Trường Sa. Ảnh vệ tinh tháng 6/2017.CSIS/Reuters
Theo nhà nghiên cứu Benoit Hardy-Chartrand trên Japan Times, có nhiều đổi thay và nhiều điều vẫn tồn tại, một năm sau khi Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ra phán quyết về Biển Đông. Tháng 7/2016, Tòa Trọng Tài đã dội một gáo nước lạnh vào tham vọng của Bắc Kinh, khi tuyên bố Trung Quốc không có « quyền lịch sử » tại Biển Đông, và đường lưỡi bò tự vẽ là vô căn cứ, khẳng định Bắc Kinh đã vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Được cho là bước ngoặt quan trọng trong tranh chấp Biển Đông, phán quyết trọng tài vẫn đang là trung tâm tranh luận tại châu Á-Thái Bình Dương cũng như tại phương Tây. Một số người cho là phán quyết đã làm giảm căng thẳng, nhưng họ không thể đưa ra những bằng chứng để khẳng định tuyệt đối.
Cho dù người ta tin rằng phán quyết trọng tài đã mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Bắc Kinh và Manila, nhưng theo tác giả Hardy-Chartrand, không thể lầm lẫn việc giảm bớt căng thẳng tại Biển Đông với một tình trạng ổn định thường xuyên. Đây chỉ là một sự yên tĩnh ngoài mặt, mà bên dưới là những cơn sóng ngầm.
Vào lúc tòa đưa ra phán quyết, nhiều người đã cho rằng chính quyền Trung Quốc sẽ buộc phải sửa đổi. Suốt một năm sau, Bắc Kinh đã có thái độ tương đối mềm mỏng hơn với các quốc gia đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, ít có những hành động khiêu khích quân sự, và không còn chính thức nêu ra « đường 9 đoạn » vốn là cơ sở cho yêu sách chủ quyền vùng biển chiến lược này. Các ngư dân Philippines được phép quay lại ngư trường truyền thống ở bãi cạn Scarborough, mà lâu nay vẫn là trở ngại trong quan hệ với Manila.
Với sự thay đổi trong thái độ và chính sách của Trung Quốc từ sau phán quyết, có thể vội vàng kết luận là quyết định của Tòa Trọng Tài đã mang lại tác động mong muốn. Thật ra cũng không hẳn là sai, vì căng thẳng giảm hẳn tại Biển Đông. Trong 12 tháng qua, hầu như không có vụ đụng độ nào với các nước láng giềng, và giọng điệu của Bắc Kinh cũng bớt phần hung hăng.
Philippines, quốc gia khởi kiện tỏ ra thân thiện hơn với Trung Quốc và không nhắc đến phán quyết trọng tài. Bắc Kinh cùng với các nước ASEAN gần đây cũng thỏa thuận về một bộ khung cho Quy tắc ứng xử tại Biển Đông.
Sự yên tĩnh này thật ra rất đáng ngờ, vì vẫn còn nhiều dòng chảy ngầm chưa hề thay đổi. Trước hết về bãi cạn Scarborough, không có gì chứng tỏ Trung Quốc đã thay đổi quan điểm về yêu sách chủ quyền tại đây cũng như trên toàn bộ Biển Đông. Một năm qua, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tuyên bố chủ quyền trên các thực thế ở Biển Đông, quân sự hóa nhiều đảo nhân tạo cho dù ngoài miệng thì chối bỏ.
Tại Trường Sa, Trung Quốc bồi đắp ba đảo chính, nhờ đó kiểm soát các vùng biển xung quanh dễ hơn, và giám sát hoạt động của các nước láng giềng. Bắc Kinh cũng tăng cường sự hiện diện của các chiến hạm, tàu tuần duyên, tài trợ cho ngư dân ra biển mà không cần thực sự đánh bắt cá. Các tàu nước ngoài được yêu cầu tránh xa các đảo nhân đạo được Trung Quốc bồi đắp, trong khi theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), các thực thể này không thể tạo ra quyền sở hữu vùng biển xung quanh.
Tình hình tương đối yên tĩnh tại Biển Đông thật ra là kết quả của các xu hướng độc lập với phán quyết của Tòa Trọng Tài. Điều quan trọng nhất là tổng thống mới của Philippines, ông Rodrigo Duterte đã đi ngược lại chính sách của người tiền nhiệm Aquino. Ông Duterte thân thiện với Bắc Kinh để đổi lấy những món đầu tư, và đồng ý đối thoại để giải quyết bất đồng thay vì vận dụng chiến thắng ở La Haye. Đây cũng chính là chủ trương đàm phán song phương của Trung Quốc xưa nay, nhằm bắt nạt những con cá bé.
Sóng yên biển lặng, nhưng tình hình này không thể kéo dài. Chính quyền Trump gần đây đã bắt đầu tiến hành các cuộc tuần tra vì tự do hàng hải để thách thức tham vọng vô bờ bến của Trung Quốc. Nhật Bản cũng tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông, với việc điều chiến hạm lớn nhất của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản là Izumo, thăm nhiều đối tác ASEAN trong chuyến hải hành ba tháng.
Trung Quốc không bao giờ từ bỏ chủ trương bành trướng, nhất là khi đang nắm trong tay những con bài chủ, sau khi quân sự hóa các đảo trên Biển Đông. Phán quyết của Tòa Trọng Tài có nguy cơ rơi vào quên lãng. Và sự yên lặng hiện nay trên vùng biển chiến lược này chỉ là lừa dối.
Trung Quốc tập trận bắn đạn thật tại Tây Tạng
Quân đội Trung Quốc trong một cuộc tập trận hồi năm 2016 tại Aundh in Pune cách Mumbai, Ấn Độ, 140 cây số về phía Đông Nam. Ảnh minh họa.INDRANIL MUKHERJEE / AFP
Báo chí Ấn Độ ngày 17/07/2017 dẫn nguồn tin từ Hoa lục cho biết quân đội Trung Quốc đã tiến hành tập trận bắn đạn thật tại Tây Tạng, trong bối cảnh biên giới Ấn-Trung đang căng thẳng.
Theo đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV, địa điểm diễn ra cuộc tập trận là khu tự trị Tây Tạng, nhưng không cho biết thời gian cụ thể. Còn theo Hoàn Cầu Thời Báo, đơn vị tham gia là bộ chỉ huy quân sự khu vực Tây Tạng, một trong hai đơn vị cao nguyên của quân đội Trung Quốc, hiện đang giám sát đường biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ, tại nhiều đoạn giáp với vùng núi Tây Tạng.
CCTV cho biết, đơn vị đóng quân dọc theo hạ lưu và trung lưu sông Brahmaputra, và chịu trách nhiệm tác chiến. Các video trên mạng cho thấy binh lính sử dụng lựu đạn chống tăng, hỏa tiễn phá công sự. Các đơn vị radar nhận diện máy bay địch và pháo binh dùng tên lửa phá hủy mục tiêu. Cuộc tập trận kéo dài 11 tiếng đồng hồ, bao gồm cả việc triển khai nhanh bộ binh và phối hợp tấn công.
Ngoài ra, cơ quan phụ trách mạng lưới thông tin di động Tây Tạng cũng tổ chức diễn tập việc thiết lập mạng di động tạm thời tại Lhasa để bảo đảm liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
Các thông tin trước đó nói rằng quân đội Trung Quốc đã thao tác nhiều hệ thống vũ khí hiện đại, kể cả một loại chiến xa hạng nhẹ sản xuất trong nước.
Trung Quốc và Ấn Độ hiện đang dàn quân tại khu vực Dokalam, vùng đất tranh chấp giữa Bắc Kinh và Bhutan - một trong những quốc gia nhỏ nhất thế giới không có quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và ký hiệp ước hữu nghị với Ấn Độ. Khu vực này giáp với bang Sikkim của Ấn và Tây Tạng của Trung Quốc, gọi theo Ấn Độ là Doka La, còn theo Trung Quốc là Động Lãng. Quân Ấn Độ đã ngăn chận việc quân Trung Quốc xây dựng một con đường tại Dokalam, Bắc Kinh đòi New Delhi phải rút quân ngay lập tức.
Trung Quốc : Các nhà tranh đấu vận động cho vợ Lưu Hiểu Ba được tự do
Bà Lưu Hà (Liu Xia) vợ nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (Liu Xiaobo). Ảnh ngày 15/07/2017.Shenyang Municipal Information Office/via REUTERS
Nhà chức trách Trung Quốc tới nay vẫn từ chối tiết lộ nơi bà Lưu Hà. Vợ nhà tranh đấu đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010 Lưu Hiểu Ba, bị quản thúc tại gia. Xuất hiện trong lễ tang của chồng cách đây vài ngày, bà Lưu Hà trông có vẻ hoàn toàn suy sụp và kiệt sức. Tình trạng sức khỏe của bà Lưu Hà gây lo ngại.
Nhà tranh đấu Hồ Giai (Hu Jia), giải thưởng Sakharov của Quốc Hội Châu Âu năm 2008, đồng thời là bạn của hai vợ chồng ông Lưu Hiểu Ba đã quyết định tung ra chiến dịch « Trả tự do cho bà Lưu Hà ». Giải thích với RFI, nhà tranh đấu Hồ Giai giải thích phải hành động khẩn cấp và ông nghĩ rằng các chính trị gia và công luận trên toàn thế giới phải chìa tay giải thoát bà Lưu Hà khỏi nỗi tuyệt vọng.
Theo lời ông Hồ Giai, từ khi ông Lưu Hiểu Ba đoạt giải Nobel Hòa Bình 2010, bà Lưu Hà hoàn toàn bị cách ly. Mỗi tháng bà chỉ được gặp chồng một lần, nhưng bà Lưu Hà không được phép kể cho ông Lưu Hiểu Ba nghe chuyện bà bị quản thúc tại gia và chuyện em trai bà bị xét xử. Chịu quá nhiều sức ép về tâm lý, bà phải dùng thuốc ngủ. Đối với nhà tranh đấu Hồ Giai, bà Lưu Hà « nhà tù tinh thần giam giữ bà Lưu Hà còn tàn bạo hơn nhà tù mà ông Lưu Hiểu Ba đã trải qua ».
Sau khi cha mẹ bà lần lượt qua đời vào năm 2006 và 2007, bà Lưu Hà quyết định kể cho chồng nghe mọi chuyện.
Nhà tranh đấu Hồ Giai kết luận rằng ở Trung Quốc, bà Lưu Hà « sẽ bị kiểm soát chặt chẽ (…) nhà chức trách Trung Quốc không muốn người được nghe những lời tâm sự, chia sẻ cuối cùng của ông Lưu Hiểu Ba rời khỏi đất nước ».
Nhật Bản : « Không phải lúc đàm phán với Bắc Triều Tiên »
Ngoại trưởng Nhật Fumio Kishida bên lề cuộc họp tại trụ sở Liên Hiệp Quốc. Ảnh ngày 17/07/2017.ANGELA WEISS / AFP
Ngay sau khi Hàn Quốc đề nghị đàm phán với Bắc Triều Tiên về quân sự và nhân đạo, ngày 17/07/2017, Nhật Bản khẳng định phải tăng cường sức ép và trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, chứ không phải là lúc ưu tiên đàm phán.
Tháp tùng ngoại trưởng Nhật Bản tham gia một cuộc họp tại Liên Hiệp Quốc ở New York, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao, Norio Maruyama, nhấn mạnh : « Không phải lúc dành cho đàm phán. Giờ là lúc tăng cường sức ép để có một cuộc đối thoại nghiêm túc » với Bình Nhưỡng.
Hãng tin AFP nhắc lại bộ Quốc Phòng Hàn Quốc đề nghị mở đàm phán với Bình Nhưỡng vào thứ Sáu 21/07/2017 tại ngôi làng biên giới Bàn Môn Điếm, trong bối cảnh Hoa Kỳ đang đàm phán với Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc về một nghị quyết trừng phạt mới nhắm vào Bắc Triều Tiên sau vụ Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa liên lục địa ngày 04/07/2017. Nếu Bình Nhưỡng chấp nhận đề nghị của Seoul, đây sẽ là cuộc họp chính thức đầu tiên giữa hai miền Triều Tiên kể từ tháng 12/2015.
Đề xuất đàm phán của Seoul với Bình Nhưỡng được Liên Hiệp Châu Âu ủng hộ. Trả lời báo giới, bà Federica Mogherini, lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu nhận định : « Không cần giải pháp quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Cần tiến hành phi hạt nhân hóa bằng con đường hòa bình ». Ngoài việc nhấn mạnh đến vai trò của Hàn Quốc trong hồ sơ này, bà Mogherini cũng khẳng định « Bruxelles sẵn sàng ủng hộ mọi nỗ lực (của Hàn Quốc) bằng mọi phương tiện có thể ».
Liên Hiệp Châu Âu đã đưa thêm vào danh sách trừng phạt một số cá nhân và doanh nghiệp của Bắc Triều Tiên nhằm đáp trả việc Bình Nhưỡng tiếp tục chương trình vũ khí đạn đạo.
Sau vụ Bắc Triều Tiên thử tên lửa liên lục địa ngày 04/07/2017, Liên Hiệp Châu Âu dự định xem xét thông qua thêm một số biện pháp trừng phạt chế độ Kim Jong Un sau khi tham khảo chặt chẽ các đồng minh.
Philippines triển hạn thiết quân luật
Biểu tình tại Manila chống thiết quân luật được ban hành tại miền nam Philippines.REUTERS/Romeo Ranoco
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 18/07/2017 yêu cầu Quốc Hội triển hạn thiết quân luật trên đảo Mindanao đến cuối năm để chống các tổ chức thánh chiến vũ trang. Tuy nhiên, phe đối lập quan ngại yêu cầu của tổng thống mang tính chuyên chế.
Thiết quân luật hiện được áp dụng trên toàn vùng Mindanao, nơi có đến 2 triệu dân, được tổng thống Duterte ban hành ngày 23/05/2017 và có thời hạn 60 ngày. Tuy nhiên, AFP nhận định có rất ít khả năng các cuộc giao chiến ở Marawi sẽ sớm kết thúc vì vậy, tổng thống Duterte đã yêu cầu triển hạn thiết quân luật.
Theo Hiến Pháp Philippines, quyết định triển hạn phải được Quốc Hội thông qua. Ông Ernesto Abella, phát ngôn viên phủ tổng thống, cho biết Quốc Hội sẽ họp vào thứ Bẩy 22/07 để bàn về vấn đề này. Hiện phe của tổng thống Duterte chiếm đại đa số tại Quốc Hội nên yêu cầu triển hạn của tổng thống sẽ không bị phản đối.
Nghị sĩ Edcel Lagman, thuộc phe đối lập, cho rằng yêu cầu của tổng thống Duterte là một bước thụt lùi lớn cho nền dân chủ Philippines. Ông cảnh báo nguy cơ Philippines lại trở thành « nạn nhân » của tình trạng lạm quyền của quân đội và đàn áp chính trị sau 30 chế độ độc tài Marcos sụp đổ.
Song song với việc yêu cầu Quốc Hội triển hạn thiết quân luật để đối phó với các nhóm Hồi Giáo cực đoan tại Marawi, tổng thống Philippines cũng hứa trao thêm quyền tự chủ cho cộng đồng Hồi Giáo thiểu số. Dự luật mang tên « Bangsamoro » (vùng đất Moros), được gửi đến tổng thống ngày 17/07, nhằm chống lại chủ nghĩa cực đoan của các nhóm Hồi Giáo vũ trang ở miền nam Philippines.
Từ Manila, thông tín viên RFI Marianne Dardard giải thích :
« Đạo luật mới về quyền tự trị của Bangsamoro là cơ hội thứ hai, thậm chí là cơ may cuối cùng. Gần hai tháng sau khi lực lượng đồng minh của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo tìm cách chiếm thành phố Hồi Giáo lớn nhất Philippines, một số người không ngần ngại trầm trọng hóa thách thức này.
Chính tổng thống Philippines Rodrigo Duterte khẳng định rằng tiến trình hòa bình là một ưu tiên sau một năm ông nhậm chức. Vì văn bản dự thảo luật trước đây về quyền tự chủ của Bangsamoro vẫn vô hiệu ở Quốc Hội. Không kể đến thất bại của các dự định trước đó, phải mất tới 17 năm đàm phán để đi đến thỏa thuận hòa bình được ký vào năm 2014 với lực lượng nổi dậy, chủ yếu là Mặt trận Giải phóng Hồi Giáo Moro (MILF).
Cũng chính từ năm 2014 này, nhiều nhánh phiến quân của các nhóm ly khai khác nhau ở miền Nam đã tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ».
Chủ tịch Quốc Hội Indonesia bị cáo buộc tham nhũng
Chủ tịch Quốc Hội Indonesia, Setya Novanto, bị điều tra tham nhũng. Ảnh ngày 18/07/2017.Reuters
Ủy ban chống tham nhũng Indonesia ngày 18/07/2017 thông báo chủ tịch Quốc Hội và cũng là nhân vật quan trọng thứ ba trong guồng máy lãnh đạo, ông Setya Novanto, bị cáo buộc tham nhũng. Vụ tai tiếng này liên quan tới nhiều quan chức chính phủ khác.
Ông Setya Novanto là một trong những chính trị gia có ảnh hưởng lớn nhất tại Indonesia.
Theo AFP, ông Novanto bị nghi ngờ lạm dụng quyền lực, biển thủ công quỹ, sử dụng ngân sách Nhà nước để làm giàu cho nhiều người khác. Theo Ủy ban chống tham nhũng của Indonesia, tổng cộng hơn 150 triệu euro đã bị thất thoát trong giai đoạn 2009-2015, tương đương hơn một phần ba ngân quỹ dành cho chương trình thẻ căn cước điện tử. Chủ tịch Quốc Hội Indonesia đã bác bỏ cáo buộc tham nhũng trong một cuộc họp báo.
Trước đây, ông Setya Novanto đã từng bị điều tra về vụ tham nhũng liên quan tới công ty khai thác quặng mỏ Freeport-McMoRan của Mỹ và đã phải từ chức chủ tịch Quốc Hội. Nhưng sau khi được công nhận là không tham nhũng, ông lại được bầu làm chủ tịch Quốc Hội vào năm 2016.
Theo bảng xếp hạng của tổ chức Transparency International, Indonesia đứng hạng thứ 90 trong số 176 quốc gia tham nhũng trên thế giới.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét