1.
Vì thích sống ở Vĩnh Long, nên khi ra trường, tôi cùng mười chín bạn nữa chọn về Tiểu khu này. Tiểu Khu Trưởng thời đó là ĐT Trần Văn Thì.
Tưởng chỉ “làm việc” ở tỉnh Vĩnh Long thôi, nào ngờ lại thường xuyên phải “tăng phái” qua Vĩnh Bình và Chương Thiện. Tôi về Đại Độí 1, Tiểu Đoàn 443 đóng ở Huyện Long Hồ. Sau 1-2 tuần “đi bên cạnh”, ông Đại Đội Trưởng cho tôi “về” làm Trung Đội Trưởng TĐ 1 (gọi là Mạnh Quỳnh, cho dễ nhớ), chắc là ổng thấy tôi có thêm vài ba “kinh nghiệm trận mạc”.<!>
Tôi theo ĐĐ vào tận xã Hòa Bình, Huyện Tam Bình. Tại đây, Trung Đội tôi có nhiệm vụ đóng chốt chặn “những người anh em”. Để giữ an toàn cho TĐ, nhất là cho mình, mỗi ngày đến gần tốì, tôi lại cho Trung Đội vào đóng trong nhà dân. Một TĐ lúc bấy giờ chỉ có khoảng chưa tới 30 nguời kể cả TĐ Trưởng. Có lần đi hành quân, tôi là người đi thứ ba, rồi đến anh Truyền Tin đi đầu. Nếu có chết, tôi sẽ “đi” trong loạt đạn đầu.
Bình thường, tôi cho anh em đi bắt chuột đồng, rắn rết hay câu… cá chốt để “cải thiện bữa ăn”. Câu cá chốt ở đây rất dễ, không cần mồi, cứ thả lưỡi câu xuống nước, chờ một chút là “được”. Ông ĐĐT thường chỉ ngồi một chỗ, nhậu lai rai “xây chừng chẩu” (cà phê đen pha với đế) với anh Hạ Sĩ xạ thủ M79 ở “bản doanh” ĐĐ đối diện UBND Xã (gần như bỏ hoang). Ông ĐĐT còn trẻ, chắc chỉ hơn tôi vài tuổi, nhưng trông ông rất “bụi”, nhậu đế tối ngày. Có nhiều lần, mới 7-8 giờ sáng, tôi đã thấy ông ngồi nhậu với anh Hạ Sĩ. Ổng biết tôi không nhậu, chỉ “phá mồi” nên không thèm gọi. Ông ngồi nhậu từ sáng sớm đến tối mịt mà vẫn không say. Ở đơn vị tôi, “lúc rảnh”, người ta hay bầy nhậu với nhau cho hết ngày. Ai không uống được đế, sau này cũng thành “lưu linh”. Lính tráng là như thế, nhất lá lính tác chiến. Có vài lần tôi nhậu cũng “tơi bời hoa lá”, ói mửa đầy người, mắt hoa, chân đi không vững.
Cách UB và chỗ ông ĐĐT nhậu là một con rạch nhỏ đưa nước từ Quận Tam Bình vào (quên tên), nói cách khác, con sông đã ngăn cách vị trí chỗ ông ĐĐT ngồi với trụ sở UBND bỏ hoang. Trên con rạch nhỏ ấy, nổi lên những mảng lục bình trôi ra trôi vào theo con nước. Không ai có giờ rảnh bơi xuồng hay ghe vớt lục bình, nên loại cây này tha hồ mọc và muốn trôi đi đâu thì trôi. Làm đời lục bình trôi giạt đây đó, thế mà sướng.
Tụi tôi đóng trong nhà bà Pha. Gọi là nhà cho sang, thực ra, đó là căn chòi lá, chỗ gia đình bác Pha chui ra chui vào che mưa nắng. Trong “chòi” thường có một cái hầm nổi đắp bằng đất tránh đạn pháo của cả “hai bên”. Xã gần như “vùng xôi đậu”. Trong xã không có một căn nhà gạch nào. Từ “ngã ba” UB đến nhà ông bà Pha, nơi chúng tôi đóng quân, tới gần môt cây số. Chúng tôi đi loăng quăng trên bờ đất cạnh con lạch nhỏ, có chỗ phải lội nước để đi qua những giề rau muống. Rau muống, vì không người chăm sóc, được dịp mọc đầy sông, không hàng lối hay ngăn nắp gì cả.
Ông bà Pha có hai cô con gái. Cô lớn tên Hưởng, cô nhỏ tên Lách. Hai chị em không phải sinh đôi, nhưng giống nhau như đúc. Mới gặp, không thể phân biệt được ai với ai. Hai chị em đều có nước da “bánh mật” vì phải đi cấy lúa tối ngày, khi cho nhà mình, khi cho nhà người ta. Tôi để ý thấy cánh tay áo bà Ba của hai cô có nối thêm một đoan ngắn nữa, dùng để che da tay khỏi bị “ăn” nắng khi đi cấy và ngăn cạnh bén của lá lúa cứa vào. Nói chung, hai cô rất rõ nét của các cô gái thôn quê, đẹp man mác, nhưng rất duyên dáng và hiền hậu. Vì là chị, cô Ba Hưởng trông có vẻ mặn mà hơn, sắc sảo hơn cô Tư Lách một chút.
Vì là Trung Đội Trưởng, tôi còn để ý thấy trong ấp không có qua một người đàn ông hay anh thanh niên nào. Nhà nào cũng chỉ toàn đàn bà hay con gái mà thôi. Họ làm việc thay thế đàn ông trong nhiều lãnh vực. Nhưng chúng tôi không bao giờ nêu thắc mắc chuyện này với Bác Pha gái hay hai cô con gái của bác. Họ cũng chưa khi nào nói về chuyện này với chúng tôi. Tôi đoán bác Pha trai hay ông anh nào của hai cô gái là du kích huyện hay xã, ấp gì đó, trốn nơi nào đó gần nhà, vì nhiều lần bác Pha gái lỡ miệng gọi hai cô con là Ba Hưởng và Tư Lách. Vậy là phải có anh hay chị Hai “gì” nữa, lớn hơn Ba Hưởng và Tư Lách chứ? Kể ra tôi làm “tình báo” cũng được lắm đấy, nhưng thôi, kệ họ. Tôi có quan niệm “họ” không làm “gì” mình thì thôi. Nhưng cần phải để ý. Tôi tự dặn lòng mình như vậy. Thỉnh thoảng không thấy mặt cô Ba Hưởng, hay cô Tư Lách đâu, cả ngay cả đến bác Pha gái. Họ đi chỉ một người. Họ đi đâu trong vòng một ngày, rồì lại về nhà, xem như mọi chuyện bình thường. Tôi suy đoán họ đi thăm nuôi bác Pha trai hay anh, chị Hai của họ, nhưng cứ “tỉnh bơ”. Tuy nhiên, tôi vẫn báo cáo lên ông ĐĐT. Ông Tiểu nói với tôi, tài liệu tình báo cho biết cha của hai cô là Cán bộ binh vận, chắc hẳn bác Pha gái hay một trong hai cô con đi “thăm nuôi’’ bác trai hay cậu anh, cô chị. Phải đề phòng họ thật kỹ.
Chúng tôi đóng ở đó một mạch 3-4 tháng.
2.
Một lần, tôi không phải đi hành quân, hai cô cũng không phải đi cấy lúa, bác Pha gái ở nhà. Tôi đang “nghịch” chiếc ghe tam bản (ghe làm bằng ba miếng gỗ dài và rộng) của nhà bác. Vì không biết chèo, hơn nữa trong ghe chỉ có một mái giầm (chèo, thông thường mỗi chiếc ghe tam bản chỉ có một mái giầm) mà thôi, chiếc ghe cứ quay “mòng mòng”, không chịu đi tới, cũng không đi lui. Cả nhà bác Pha gái túa ra sân nhìn tôi lần đầu chèo ghe như nhìn cái gì lạ lắm. Mắc cở muốn chết. Tôi toát mồ hôi. Trên sân, bác Pha gái và hai cô con cười ngặt nghẽo cho cái vụng về của cậu con trai “thành phố” lần đầu chèo ghe. Tôi định chèo ghe đi tới. Ở bên kia con lạch có mấy nhánh lục bình còn tươi rói, nở hoa tím rất đẹp. Tôi định hái tặng hai cô con gái bác Pha. Lục bình nở tím cả con sông. Chưa khi nào tôi thấy lục bình nhiều như vậy. Có những chiếc lá đang rung rinh trong nắng. Chưa buổi chiều nào đẹp như vậy.
Chập sau, tôi vẫn chưa hái được bụi lục bình nào, bác Pha gái hỏi tôi:
-Ở nhà, tên cậu là gì?
Không suy nghĩ, tôi đáp “đại”:
-Cháu là con một, bác và hai cô cứ gọi cháu là Hai Út.
Tôi chỉ muốn pha trò khi trả lời như thế. Ai ngờ bác Pha gái và hai cô con cứ gọi tôi như vậy trong suốt những ngày đóng quân ở nhà bác.
Bất chợt, cô Hưởng nói lớn cho tôi nghe:
-Anh Hai Út lui ghe được không? Hái cho em mấy nhánh lục bình kia đi.
Tôi nhìn theo tay cô Hưởng chỉ, đúng là mấy nhánh lục bình tôi tính hái hồi nãy.
Tôi làm tàng:
-Được chứ. Dễ ẹc.
Tôi cố gắng xoay xở đủ cách, nhưng chiếc ghe không theo “lệnh” tôi, vẫn quay và lúc lắc, chứ không lui được chút nào. Cũng may ngày xưa tôi có học bơi chút đỉnh, nên không sợ cho lắm, chứ không thì “gay go”. Tôi không sợ té xuống nước, mà chỉ sợ “bị quê” vì không điều khiển được chiếc ghe theo ý mình.
Một chập sau, tôi mới hái được mấy nhánh lục bình. Tôi mang lại trước mặt cô Ba Hưởng, vô duyên nói:
-Đây, lục bình của cô.
Cô Ba Hưởng nhìn tôi, lí nhí cám ơn.
“Gái quê mà cũng lịch sự thế?” Tôi hơi mỉm cười với ý nghĩ của mình.
-Khi rảnh, tôi sẽ hái cho cô nữa. À, tôi quên hái cho cô Tư rồi.
Tôi nhìn cô Lách, ngỏ lời xin lỗi. Tư Lách cũng nhìn tôi:
-Dạ, không sao, anh. Lần sau cũng được mà.
Lời nói của Tư Lách có vẻ tự nhiên, nhưng có vẻ trách móc. Tôi nghe rõ, nhưng không biết phải làm sao.
Khi đưa lục bình cho cô Ba Hưởng, không biết sao tay tôi lại chạm vào tay cô. Cái đụng chạm “vô tình” làm tôi bồi hồi, cảm thấy ấm áp, pha lẫn chút rung động đầu đời. Tôi có cảm tưởng khó tả. Năm đó tôi mới 21, 22 tuổi, cái tuổi còn đang tươi đẹp, mộng mơ, ít giao tiếp với người khác phái… Gái quê rất thành thật, chất phát. Có người “để ý” là tin ngay. Nhưng con trai “thành phố” như tôi, đâu dễ “phải lòng” gái quê. Tôi chỉ “đùa cợt” cho vui vậy thôi, mà hai cô không biết. Đôi lúc tôi cũng thấy “đi” quá, nhưng bản tính như vậy, không sao sửa được.
Từ đó trở đi, tôi biết Ba Hưởng có “để ý” đến tôi và tôi cũng có phần“để ý” đến Ba Hưởng. Hình như bác Pha gái và cô Tư Lách cũng biết, nhưng họ không nói gì.
Mỗi ngày tôi và Ba Hưởng lại thấy gần nhau hơn, nhưng không đứa nào nói với đứa nào đến nửa lời. Tụi tôì cảm thấy ngại ngùng, pha lẫn chút mắc cở, khi đứng cạnh nhau.
Ông ĐĐT nói riêng với tôi nhưng Hưởng nghe được khi đứng gần đó:
-Coi chừng có ngày “vác chiếu ra Tòa”, nghe mầy.
Nghe ổng nói vậy, tôi chỉ nhe răng cười trừ, ổng đâu biết tôi đang “giởn”. Hưởng cũng không nói gì, cười lỏn lẻn bên tôi.
3.
Một đêm có trăng, Ba Hưởng hẹn chờ tôi ở đám ruộng mới gặt phiá sau nhà. Con gái gì mà gan qúa, dám hẹn với con trai ngoài ruộng trước. Lúc đầu tôi định không đi, nhưng sau lại nghĩ mình là con trai sao mà nhát vậy. Sợ gì? Thế là tôi gật đầu. Hưởng vui ra mặt.
Xem đồng hồ thấy gần đến giờ, tôi “lận” cây Colt 45 sau lưng cho chắc ăn, rồi một mình ra ruộng. Khi đến gần “điểm hẹn” là bụi mù u, tôi thấy trăng lên đã cao. Hưởng hẹn ở chỗ này rất thuận tiện cho hai đứa.
Tôi ngồi đại trên bờ đất, xích gần Ba Huởng. Tôi ngửi thấy mùi thơm phát ra từ chiếc áo bà ba cổ tròn Hưởng đang mặc. Tự nhiên tôi ôm lấy Hưởng. Mùi con gái, dù là “gái quê”, làm tôi ngây ngất. Mắt Hưởng long lanh nhìn tôi. Hưởng để yên như thế. Chợt Hưởng chạm phải cây Colt 45 của tôi. Tôi thoáng một chút bối rối. Hưởng hỏi:
-Sao anh lại “đi” Sĩ quan chống phá Cách Mạng?
Tôi hơi giật mình, nghĩ thầm:
-Chết mẹ, con nhỏ này thuộc “phiá bên kia” rồi. Làm sao đây?
Tôi trả lời Hưởng:
-Anh đi bảo vệ quê hương. Người miền Nam không thích sống chung với CS.
Lát sau, Hưởng mới nói:
-Bao giờ mới có hòa bình hè?
Nghe Hưởng nói, giọng điệu sặc mùi CS, tôi thấy hơi ơn ớn. Coi chừng “dính trấu”. Tôi nhắc mình như thế. Hưởng hỏi:
-Anh sinh ngoài Bắc hay trong Nam?
-Anh là Bắc Kỳ 100%.
-Anh “di cư” hả?
-Phải.
Chuyện giữa tôi và Ba Hưởng chỉ “lẩm cẩm” như thế. Tôi không biết nói gì hơn, tôi đoán Hưỏng cũng vậy. Tôi ngửi thấy mùi thơm vương vất mũi mình. Cầm tay Hưởng, tôi hỏi “cho có’’ để giết thì giờ:
-Mơi em có đi cắt lúa không?
-Em không “ga guộng” nữa.
-Sao vậy?
-Cắt hết “gồi”.
Tôi hơi buồn cười, nhưng không để Hưởng biết. Ở vùng này, có nhiều người phát âm chữ “r” thành “g”, nên mới có câu: “Bỏ con cá gô dzô gổ, nó nhẩy gồ gồ”.
-Anh ở đây bao lâu?
Tôi lại nói đại, làm như mình có thể quyết định mọi thứ:
-Vài ba tuần hay vài ba tháng gì đó.
-Vậy sao?
Hưởng ngồi yên bên tôi. Hai đứa nghe rõ hơi thở của nhau. Đêm xuống mỗi lúc càng dầy đặc.
4.
Hưởng lại hẹn gặp tôi ở đám ruộng khô nước phiá sau nhà, cạnh bụi mù u. “Anh chàng thành phố” gật đầu bằng lòng ngay, và nghĩ mình là người may mắn nhất trên đời.
Đợi đến giờ, tôi ra chỗ hẹn. Đêm thật sáng không gợn một đám mây. Ruộng khô còn thơm mùi lúa. Tôi bồi hồi đi về phiá bụi mù u, nhưng không thấy Ba Hưởng đâu. Sau một hồi chờ đợi, tôi “lầm bầm” trong miệng.
-Kỳ ta? Nhỏ này hẹn mình ở đây. Đâu mất rồi?
Tôi đợi thêm một chập nữa cho chắc ăn:
-Nhỏ này “dám” cho mình “leo cây” sao đây?
Không chờ lâu thêm được nữa, tôi đành đi vào có ý xem Huởng đâu. Trong nhà vẫn leo lét ngọn đèn dầu nhỏ trên bàn. Hình như Bác Pha gái và Tư Lách đã ngủ. Vào đến trong nhà, tôi để mắt nhưng vẫn không thấy Hưởng đâu. Nhà chỉ có hai cái mùng, bác Pha nằm một cái, và chị em Hưởng một cái. Trong cái mùng kia, chỉ thấy một mình Lách đang ngủ. Mền đắp ngang bụng. Hơi thở đều đều. Tôi bắt đầu thấy lạ.
-Kỳ nhỉ?
Hưởng hẹn gặp tôi ở bụi mù u, mà sao không thấy? Mất công tôi phải thông báo cho anh em gác trong Trung Đội nhận diện, hỏi mật khẩu, không bắn ẩu trúng tôi. Trung Sĩ Bao nhìn tôi, cười hóm hỉnh:
-Chúc “ông thầy” vui vẻ.
Tôi cũng nhếch mép cười trước khi quay đi. Vậy mà… Hưởng đâu?
Tôi lại đi ra khỏi nhà. Tôi vẫn không thấy Hưởng đâu. Bụi mù u trống trơn không một bóng người.
Dưới ánh trăng lờ mờ phiá trước mặt, tôi thấy một sợi dây kéo dài giữa hai bụi mù u nhỏ, như có bàn tay người sắp xếp, chạy dọc theo bờ ruộng cạn.
Tôi định thần, dụi mắt nhìn kỹ hơn. Một trái lựu đạn nội hóa được cột chặt vào một bụi mù u, “chốt” sắt nhỏ đã được tháo ra, thay vào là đầu khúc tăm xuyên qua. Đầu tăm cột với sợi dây, chạy dọc theo bờ ruộng chừng 1 hay 2 mét, nối với bụi mù u bên kia, là là trên mặt ruộng. Tôi suy nghĩ thật nhanh. Đây là một vụ “gài lựu đạn”. Nếu có ai không để ý, đụng phải sợi dây, tăm sẽ sút ra và trai lựu đạn sẽ kích hỏa… “Ầm!” Thế là xong. Không biết trái lựu đạn sẽ nổ mạnh như thế nào, nhưng chắc chắn thân người sẽ tung lên, bụi mù, đất cát và máu quyện với nhau.
Thoạt đầu tôi rất hoang mang, không biết ai định hại mình. Chẳng lẽ Hưởng tính giết tôi?
Tôi quay vào, nói nhỏ với Bao đang gác. Bao rất rành “chuyện này”. Anh cùng tôi “vô hiệu hoá” trái lựu đạn, kẻo mai có nguờì đạp phải.
Hôm sau Hưởng vẫn chưa về. Tôi đem việc đó báo cáo với ông ĐĐT. Ông im lặng một lát.
Ngay chiều hôm đó, tôi xách ba lô, cùng Trung Đội, trình diện Đại Đội. TĐ khác tới thay thế chúng tôi.
Tôi chỉ kịp chào từ giã bác Pha gái và Tư Lách, còn Ba Hưởng, cho tới lúc tôi đi, vẫn chưa nghe nói gì.
Hà Việt Hùng
6-2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét