Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 17 tháng 7, 2017

Một Quân đội bị Lãng quên: VIETNAM’S FORGOTTEN ARMY - Andrew Wiest

forgottenarmy
                                                                           Trước hết xin cho phép tôi được tri ân hội Ái Hữu Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại đã mời tham dự biến cố tuyệt vời này, và chúng tôi cũng muốn đặc biệt cám ơn ông Lê Tinh Thông vì ông đã bỏ nhiều công sức thực hiện cuộc hội thảo.<!>
Tôi xin được tự giới thiệu là Andrew Wiest, dạy môn “Lịch sử Chiến tranh Việt Nam” tại Đại học Southern Mississipi. Tôi chào đời năm 1960, là vào thời điểm cuối của thế hệ “nhi đồng hậu Thế chiến II” tại Hoa Kỳ. Do đó, tôi còn quá trẻ để phục vụ trong cuộc chiến Việt Nam, nhưng cuộc chiến ấy vẫn hiện diện quanh tuổi trưởng thành của tôi, nhất là trên các đài truyền hình. Tôi rất muốn học hỏi về cuộc chiến ấy, nhưng các trường từ trung học đến đại học không có nơi nào dạy môn đó cả.
Lịch sử và nhân dân Hoa Kỳ hình như đều muốn quên lãng trận chiến và những người chiến đấu trong chiến tranh đó.
Sau đấy, tôi học môn lịch sử quân sự trong đại học, và chuyên ngành về Thế chiến I. Nhưng tôi cũng kín đáo tự học hỏi về cuộc chiến của thế hệ chúng tôi: Chiến tranh Việt Nam. Để hiểu thấu đáo bí mật này, năm 1997, tôi tình nguyện giảng dạy một lớp về Chiến tranh Việt Nam. Như có thói quen trong các lớp mình dạy, tôi mời một số cựu chiến binh trong trận chiến đến diễn thuyết cho sinh viên. Những câu chuyện họ kể khiến cho tôi xúc động sâu xa. Tôi học được thêm về trận chiến Việt Nam, nhưng vẫn thấy thiếu sót cái gì đó, cho nên vào năm 2000, tôi đem một số cựu chiến binh và sinh viên sang tận Việt Nam để học về cuộc chiến ở ngay tại hiện trường.
Tuy nhiên, trong chuyến du hành đó, một việc rất bất ngờ đã xảy ra.
Tại Huế, tôi gặp ông Phạm Văn Đính, cựu sĩ quan của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, một người đã từng oanh liệt chiến đấu trong nhiều năm, để rồi năm 1972 phải đầu hàng cùng cả đơn vị bị vây hãm trong trận Tấn công mùa Phục sinh “Easter Offensive” [ta gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa]. Và bản thân ông thì chạy qua bên địch.
Khi trở về Hoa Kỳ, tôi gặp ông Trần Ngọc Huế, cũng là cựu sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hoà và chiến hữu của ông Đính. Tuy nhiên, thay vì đầu hàng, ông Huế lại cùng đơn vị chiến đấu đến cùng khi bị địch quân vây hãm trong chiến dịch Lam Sơn 719 tại Lào năm 1971. Ông Huế bị giam 13 năm trong trại tù cộng sản, thêm sáu năm quản thúc tại gia trước khi được đi qua Mỹ.
Với tôi, việc hai người là bạn thâm giao từng chiến đấu bên nhau, lại có hai kết cục quá khác biệt, là một bí mật nữa cần được giải đáp. Tôi sang Việt Nam để tìm hiểu về cuộc chiến tranh của người Hoa Kỳ, nào ngờ lại tìm thấy một cuộc chiến của người Việt Nam.
Sau đó, tôi bắt đầu tìm tòi và nghiên cứu tất cả những gì tôi thấy về miền Nam Việt Nam và trận chiến của họ, nhưng phải chấp nhận một sự thật phũ phàng là mình gần như không tìm thấy gì nhiều về những điều muốn biết. Vai trò của Việt Nam Cộng Hòa trong trận chiến hầu như là một sự vô hình với Tây Phương. Và tôi ý thức được là tôi đã có một dịp may lớn. Lấy cuộc đời của hai ông Đính và Huế làm tâm điểm, tôi quyết định sẽ làm những gì có thể làm được hầu điều chỉnh quan điểm lịch sử sai lầm và thảo lại lịch sử của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Sau sáu năm nghiên cứu và biên soạn của tôi, nhà “New York University” cho xuất bản cuốn “Một Quân đội bị Lãng quên: Anh hùng và Bội phản trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa”, với nội dung trình bày lại phần lớn của cuộc chiến có kết hợp quan điểm của Quân lực Cộng Hòa.
Tôi thường được hỏi, nhất là từ các sinh viên khi họ chuẩn bị đề thi cuối năm, rằng ta có thể thắng trong cuộc chiến Việt Nam không. Và câu trả lời của tôi – xin đừng cho sinh viên của tôi biết! – là một lời khẳng định: chắc chắn!
Thật ra, điều tôi muốn nói là các đơn vị Hoa Kỳ sẽ không thắng được dù nếu cố gắng thêm để đạt được vài thành tích lớn lao. Vì trận chiến Việt Nam không để Hoa Kỳ chiến thắng mà là để miền Nam chiến thắng. Rốt cuộc thì chỉ có Quân lực Việt Nam Cộng Hoà mới có khả năng chuyển biến thắng lợi chiến thuật ngoài trận địa thành một thắng lợi chiến lược lâu dài.
Với lối suy nghĩ đó, tôi cho rằng chỉ khi nào chúng ta hiểu được miền Nam và bản chất của sự liên minh với Hoa Kỳ, thì mình mới hiểu thấu đáo về chiến tranh Việt Nam. Thay vì bị phủ nhận, miền Nam và quân đội của họ phải là trọng tâm của cuộc chiến. Đã đến lúc trả lại sự công bình cho Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Quan điểm của quảng đại quần chúng và của nhiều tài liệu lịch sử Tây phương về Quân lực Việt Nam Cộng Hoà mà tôi tìm thấy đều đơn giản và sai sót trầm trọng. Nhiều chứng liệu lịch sử hoàn toàn gạt bỏ Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, trong khi một số khác sơ sài đề cập đến Quân lực này thì lại kết án họ là không hiệu quả và tất yếu thất bại dưới tay quân đội cộng sản. Chỉ cần một cái nhìn bao quát, nơi đâu ta cũng thấy công chúng và các chứng liệu lịch sử có ảnh hưởng đều đánh giá miền Nam là suy nhược trầm trọng.
Miền Nam Việt Nam đã gặp chiến tranh suốt thời kỳ ngắn ngủi, từ 1954 đến 1975 – họ không hề có một ngày an bình. Trong cuộc chiến, miền Nam mất hơn 200 ngàn chiến binh, chưa kể chán vạn tổn thất dân sự. Chiến tranh dai dẳng khốc liệt, còn khó khăn hơn mọi hoàn cảnh mà quân đội Hoa Kỳ đã phải đối phó. Sau khi cuộc chiến chấm dứt, hơn một triệu rưởi người dân miền Nam đã rời bỏ quốc gia thân yêu của họ, và hàng trăm ngàn người bị giam trong các trại tập trung ở miền Bắc. Những chứng cớ không thể chối bỏ này cho ta thấy rằng thay vì hiển nhiên thất bại, miền Nam đã chiến đấu dai dẳng và quyết liệt cho quyền tự do của họ.
Nếu miền Nam đã chiến đấu anh dũng thì vì sao họ không thắng?
Với sự yểm trợ của người khổng lồ Hoa Kỳ, tại sao miền Nam không gieo cho hậu duệ của dân miền Bắc nỗi trăn trở là “vì sao miền Bắc lại thất trận”? Nếu Quân lực Việt Nam Cộng Hoà không có nhược điểm sinh tử và nếu họ có một chút hy vọng kiểm soát trọn quốc gia, thì câu hỏi chúng ta đặt ra lại càng gây khó chịu!
Quân lực Việt Nam Cộng Hoà có thể chỉ là một lý cớ đã bị viện dẫn quá lâu nhằm giải thích sự thất bại của Hoa Kỳ. Và đã đến lúc ta phải xét lại trọn vẹn hơn vai trò của Hoa Kỳ trong sự thất bại của một quốc gia thật ra có hy vọng sống còn.
Các nguyên nhân thất bại của liên minh Mỹ-Việt thật rất phức tạp, quá phức tạp để ta có thể đào sâu trong khuôn khổ của buổi hội thảo. Vả lại, chủ đề nghiên cứu ban đầu của tôi chỉ nhắm vào hai sĩ quan trung cấp trong Quân lực Cộng Hoà và chú trọng vào tình hình chiến sự tại Quân Đoàn I.
Vì vậy, cuốn sách của tôi, hay buổi nói chuyện hôm nay, không có tham vọng trình bày trọn vẹn lịch sử phức tạp của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Nhưng cả quyển sách lẫn bài thuyết trình hôm nay có thể nêu ra vài kết luận khái quát về khả năng và lịch sử của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, cũng như gợi ý thảo luận về ưu khuyết điểm của sự vận hành và thất bại của liên minh Mỹ-Việt.
Dù có thể là quá khái quát, tôi cần nêu lên hai điểm khởi đầu.
Trước nhất – dù đã chiến đấu trong nhiều năm rồi, Quân lực Việt Nam Cộng Hoà là một vận dụng bất toàn khi mối quan tâm của Hoa Kỳ vào trận chiến Việt Nam bắt đầu gia tăng vào đầu thập niên 1960. Trong khi quân nhân miền Nam đã chiến đấu can trường thì đa số lãnh đạo cao cấp nhất của Quân lực Cộng Hoà đều bị chính trị hóa và bị phân hóa. Cuộc tranh giành quyền lực nội bộ phương hại nặng nề cho Quân lực Việt Nam Cộng Hoà – đặc biệt là sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ – nên cần được thay đổi từ căn bản.
Thứ hai – dù đầy thiện chí, những nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm gây dựng quân đội cho miền Nam cho thấy những hiểu biết phiến diện của họ về thực trạng Việt Nam. Sau chiến tranh Cao Ly, Hoa Kỳ cố lập ra một lực lượng quân sự tại miền Nam với bản chất quá Tây Phương. Thay vì thi hành trong khuôn khổ văn hóa Việt Nam, mà lại lãng quên nhiều triển vọng của hình thái chiến tranh chống nổi dậy, người Mỹ góp phần gây dựng Quân lực Cộng Hoà quanh các đơn vị Bộ binh Mỹ, vốn lệ thuộc vào nguồn tiếp vận dồi dào, vào hỏa lực và kỹ thuật, để đoạt thắng lợi chiến thuật.
Khi xây dựng Quân lực Cộng Hòa như một sức mạnh quy ước, người Mỹ hầu như coi thường khía cạnh phiến loạn của cuộc chiến ở miền Nam, khiến Quân lực Việt Nam Cộng Hoà không sẵn sàng đối phó với cuộc chiến. Chính sách Hoa Kỳ cũng sai lầm khi xây dựng một Quân lực Cộng Hòa dù hữu hiệu cũng quá tốn kém – một quân đội thuộc loại hạng nhất thế giới mà kinh tế miền Nam không thể cáng đáng nổi.
Việc Hoa Kỳ trực tiếp nhập cuộc năm 1965 chỉ làm tình thế thêm rối ren.
Đáng lẽ gửi quân đội đến phối hợp với Quân lực miền Nam tại chiến trường này, Hoa Kỳ lại đưa quân vào giành chiến thắng thay cho Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Đáng lý là cùng làm việc trong một tập thể để tạo dựng một quân đội và một miền Nam có khả năng vượt qua chiến tranh, quân lực Mỹ lại đẩy Quân lực Việt Nam Cộng Hoà qua bên lề để một mình giành lấy chiến thắng. Quyết định ấy đã gạt Quân lực Cộng Hoà và lãnh đạo quân sự của họ ra ngoài biên, đâm ra trì hoãn và cản trở những cải cách cần thiết.
Chính sách này còn khiến cho Quân lực Việt Nam Cộng Hoà càng tùy thuộc vào Hoa Kỳ về cố vấn, tiếp vận và hỏa lực.
Như ta sẽ thấy, các đơn vị Cộng Hòa đã chiến đấu anh dũng bên các đơn vị đồng minh, và gặt hái nhiều chiến thắng vẻ vang, mà thường bị lãng quên trong lịch sử chung của trận chiến. Tuy nhiên, cho đến năm 1968 chính sách Hoa Kỳ có góp phần tạo ra một Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, dù hữu hiệu về chiến thuật, chỉ được thiết trí để tác chiến bên quân lực Mỹ, thay vì là một quân đội có thể tự tồn tại. Chỉ sau vụ tấn công 1968, khi Hoa Kỳ muốn rút khỏi chiến tranh hơn là bảo đảm sự sống còn của Quân lực miền Nam, họ mới giúp đào tạo một Quân lực Việt Nam Cộng Hoà có khả năng tự lực tự cường sau khi quân Mỹ triệt thoái. Nhưng việc đó quá trễ, và quá ít.
Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, Tư lệnh Sư đoàn I Bộ binh và sau đó là Tư lệnh Quân Đoàn I của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, đã tóm lược sự tình như sau: “Gia nhập cuộc chiến với tinh thần và tác phong của một đội cứu hỏa, người Mỹ hăng hái xông vào cứu vãn ngôi nhà Việt Nam khỏi bị thiêu hủy, nhưng không hề quan tâm đến nạn nhân. Cho tới khi ý thức được rằng cả nạn nhân cũng phải được huấn luyện thành người cứu hỏa để cứu lấy ngôi nhà của họ thì Hoa Kỳ mới bắt đếu lưu tâm đến họ. Một khoảng thời gian quí báu đã bị lãng phí. Đến khi các nạn nhân được cấp cứu đã có thể đứng dậy tiến lên vài bước, thì đội cứu hỏa được gọi về trạm của họ”.
Trong khung cảnh đó, khi tìm hiểu kỹ về trường hợp của các ông Phạm Văn Đính và Trần Ngọc Huế, tôi có cơ hội nghiên cứu sâu rộng hơn vai trò tác chiến của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà.
Đa số sử gia Tây phương về chiến tranh Việt Nam đều điểm lại các bài ký sự chiến trường nổi tiếng, từ trận đánh tại thung lũng Ia Drang năm 1965 đến trận đánh trên đồi Hamburger Hill năm 1969. Các bài tường thuật này thường là xúc động và vinh danh chiến binh Mỹ. Tuy nhiên chúng lại thiếu một yếu tố quan trọng. Trong các trận đó, hầu như Quân lực Cộng Hoà đều bị đồng loạt bỏ quên.
Thực tế thì người chiến binh Cộng Hòa đã hiện diện trên các chiến trường đó. Họ đã từng tác chiến trước khi lính Mỹ tới, rồi họ chiến đấu bên quân lực Mỹ trong hầu hết các trận lớn của cuộc chiến. Để hiểu được tường tận những thịnh suy của cả cuộc chiến, chúng ta phải đưa Quân lực Việt Nam Cộng Hoà vào khối sử liệu về trận chiến.
Trong buổi nói chuyện ngày hôm nay, tôi chỉ đề cập đến hai trận đánh quan trọng nhất trong cuộc nghiên cứu của tôi để chứng minh là hiển nhiên phải kể đến vai trò của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa một cách đầy đủ hơn trong lịch sử chiến tranh Việt Nam.
Cứ chọn bất cứ quyển sách nào về cuộc tấn công Tết Mậu Thân 1968 là quý vị cũng có thể thấy rất nhiều tin tức hay dữ kiện về các trận đánh tại thành phố Huế. Trong tất cả các quyển sách đó, tác giả đều ngợi ca Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ là đơn vị đã trước hết bảo vệ rồi gan dạ vãn hồi an ninh chung quanh công sự của bộ Tư lệnh MACV của Mỹ. Và đơn vị đã tái chiếm Huế bằng cách đánh đuổi địch từ nhà này xuyên qua nhà khác cũng là Thủy quân Lục chiến Mỹ.
Họ không ngớt lời xưng tụng Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ nhưng hoàn toàn bỏ quên sự tham chiến của các đơn vị Việt Nam Cộng Hoà.
Các quân nhân Thủy quân Lục chiến Mỹ đã giao tranh rất anh dũng, và đã giải phóng một phần lớn phía Nam sông Hương, và chứng minh được danh tiếng như những đơn vị tinh nhuệ nhất thế giới. Trong trận Tết Mậu Thân oanh liệt đó, Thủy quân Lục chiến Mỹ có 147 chiến binh hy sinh (theo số liệu của ông Keith William Nolan trong cuốn “Battle of Hue – Tet 1968” xuất bản năm 1996, trang 185).
Nhưng cũng trong trận Mậu Thân đó, Quân lực Việt Nam Cộng Hoà lại ít đươc đề cập đến, dầu họ đã đánh đuổi địch tại nhiều địa điểm nhất, đặc biệt là trong Thành Nội. Thành tích của các đơn vị Việt Nam, với hỏa lực và vũ khí yếu kém hơn Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ, được minh chứng với Đại đội Hắc Báo của Trần Ngọc Huế và Tiểu đoàn 2 thuộc Trung đoàn 3 của Phạm Văn Đính. Họ chiến thắng các lực lượng Bắc Việt và Cộng sản miền Nam trong một trận chiến dài và gian khổ mà không có sự yểm trợ hỏa lực trực tiếp của các lực lượng đại pháo cơ hữu.
Sau khi chiến trận kết thúc, phía Việt Nam Cộng Hòa có 357 quân nhân tử trận, và giết được 2.642 bộ đội Bắc Việt và cộng sản miền Nam. Không ai có thể nghi ngờ được việc quân nhân Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ chiến đấu cách anh dũng và gian khổ tại Huế. Tuy nhiên, người ta quan niệm rằng trận chiến đó là của người Hoa Kỳ, với sự trợ lực nhỏ của quân lực miền Nam. Đấy là một quan niệm hết sức sai lầm.
Trận đánh giải phóng thành phố Huế trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân là cơ hội để chúng ta nhìn nhận một cách chính xác và trả cho Quân lực Việt Nam Cộng Hoà những thành quả và danh dự mà họ đã tạo được trong một chiến thắng có thể nói là hào hùng và anh dũng nhất.
Một trận đánh cũng nổi tiếng nhất trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ và trong phim ảnh, là trận chiến tại đồi Hamburger vào năm 1969.
Trong các sách vở hiện có, các tác giả đều mô tả một trận đánh bi thảm và anh dũng của các đơn vị Hoa Kỳ thuộc Tiểu đoàn 3, Sư đoàn 187 Nhảy Dù, nhằm tái chiếm ngọn đồi đã bị các quân nhân Bắc Việt cuồng tín chiếm giữ suốt mười ngày. Khi gần thoái chí thì các quân nhân Mỹ lại tìm ra phương cách chiến thắng quân địch, và chiếm được vị trí oai hùng trong quân sử Hoa Kỳ từ cuộc chiến Việt Nam.
Tuy nhiên, sự thực lại khác hẳn.
Chính Tiểu đoàn 2 của Trung đoàn 3 của Sư đoàn I Bộ binh Việt Nam – dưới sự chỉ huy của Phạm Văn Đính – đã tiến chiếm đỉnh đồi trước. Để rồi được điều động đi nơi khác mà “nhường” chiến thắng lại cho lực lượng Hoa Kỳ.
Chỉ với hai thí dụ cụ thể đó để làm điểm tựa, chúng ta có thể thấy được rằng muốn hiểu biết rõ ràng và thâm sâu về chiến tranh Việt Nam, ta phải kể đến sự tham gia của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà vào lịch sử của chiến tranh Việt Nam.
Sau Tết Mậu Thân, vai trò của Quân lực này trong trận chiến đã thay đổi một cách rõ rệt. Đa số người lính Cộng Hoà nghĩ là họ đã thắng trận chiến chống quân cộng sản tại miền Nam từ năm 1969. Đa số các vùng nông thôn đều bình yên, và địch thủ đang lẩn trốn. Về phần hai ông Đính và Huế, họ nghĩ rằng bước tiến sắp tới sẽ là tiến qua Lào hoặc tấn công ra Bắc Việt để đánh vào gốc. Cũng như các chiến hữu trong Quân lực, họ rất ngạc nhiên vì đáng lẽ tiếp tục tiến mạnh thì người Mỹ lại bắt đầu rút lui: một hành động làm thay đổi toàn diện cục diện của chiến tranh Việt Nam.
Đa số các sử gia người Mỹ về chiến tranh Việt Nam không mấy để ý đến trận chiến sau năm 1970, vì cho rằng thảm kịch của Hoa Kỳ sắp sửa hạ màn. Nhưng, thảm kịch của quốc gia Việt Nam mới chỉ bắt đầu. Những trận đánh lớn nhất trong cuộc chiến chưa khai diễn, những trận chiến ít được truyền thông và báo chí Tây Phương theo dõi – mà lại là những trận then chốt để hiểu được vì sao chiến tranh Việt Nam lại kết thúc như vậy.
Vì không còn nhiều thời gian duyệt xét lại từng trận đánh lớn, tôi sẽ nhắc đến hai trận đánh nổi bật nhất trong công việc nghiên cứu của riêng tôi: trận Lam Sơn 719 vào đất Lào và trận tổng tấn công mùa Phục Sinh, gọi là Eastern Offensive vào năm 1972 [mà người Việt gọi là Mùa Hè Đỏ Lửa).
Trong trận đánh sang Lào năm 1971, lần đầu tiên Quân lực Việt Nam Cộng Hòa tung các đại đơn vị vào đất địch mà không có cố vấn Hoa Kỳ. Trong trận chiến, quân đội Việt Nam đã tỏ ra rất hùng mạnh. Trước một địch thủ đông hơn, với khí giới tối tân hơn do khối cộng sản cung cấp, các quân nhân miền Nam đã kiên trì chiến đấu, được thể hiện qua kinh nghiệm của Trần Ngọc Huế. Ông Huế, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, thuộc Trung đoàn 2 của Quân đoàn I Bộ binh, đã cùng đơn vị của ông phải giải vây sau sáu lần bị địch bao vây, trước khi Huế bị trọng thương. Chỉ có 26 người còn sống sót trở lại Việt Nam, trong khi Huế bị bắt làm tù binh và bị giam 13 năm trong các trại tù cộng sản tại miền Bắc.
Kinh nghiệm của chiến dịch Lam Sơn 719 cũng cho thấy là quân lực Việt Nam chưa sẵn sàng để sống còn một mình. Họ có vấn đề lãnh đạo ở cấp cao nhất. Và vẫn phải tùy thuộc vào hỏa lực yểm trợ của Hoa Kỳ, là những khó khăn có thể giải quyết được trong tương lai. Thay vì bổ khuyết và sửa chữa các khó khăn này, Hoa Kỳ lại càng rút quân nhanh chóng hơn.
Vào mùa Phục Sinh năm 1972, quân đội Bắc Việt tung toàn lực vào Nam với hy vọng mau chóng kết thúc trận chiến. Mặc dù bị thiệt hại nhiều lúc đầu, quân lực Việt Nam đã chống trả mãnh liệt tại các chiến trường Quảng Trị, Kontum và An Lộc – những trận chiến gần như không được biết tại Hoa Kỳ. Không có bất cứ trợ giúp nào của binh lính Mỹ tại trận địa, chỉ có các cố vấn Mỹ và hỏa lực Hoa Kỳ, Quân lực Việt Nam Cộng Hoà đã dứt khoát đánh bại địch quân trên ngần ấy mặt trận.
Với quân cộng sản miền Nam bị triệt hạ, hai chiến dịch Lam Sơn 719 và tái chiếm cổ thành Quảng Trị chứng minh cho thế giới thấy Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, với sự cố vấn và yểm trợ của Hoa Kỳ, vẫn có thể đương đầu với quân Bắc Việt.
Trên một số phương diện, hệ thống kết hợp này đã thành công. Quân lực Việt Nam từng được đào tạo để chiến đấu bên lực lượng Bộ binh Hoa Kỳ. Bây giờ, việc hợp tác giữa nhân lực Việt Nam và hỏa lực Mỹ đã chứng tỏ sự công hiệu, nhất là trong trận tấn công mùa Phục Sinh. Nhưng người Mỹ đã quá mỏi mệt với “trận chiến của họ”, nên nhanh chóng rút cả cố vấn lẫn sự yểm trợ hỏa lực ra khỏi chiến tranh. Cuối cùng, họ cắt giảm luôn viện trợ tài chánh cho Việt Nam.
Hoa Kỳ đã bỏ ra nhiều thời gian và công sức giúp cho việc đào tạo một Quân lực Việt Nam Cộng Hoà có thể chiến đấu trong một liên minh bên cạnh quân lực Hoa Kỳ, với Hoa Kỳ giữ vai chính. Quân lực Cộng Hoà chiến đấu rất giỏi trong cái thế phân công ấy, và thắng bao nhiêu trận mà hoàn toàn bị Tây Phương phủ nhận. Vào giai đoạn cuối của trận chiến, liên minh ấy đã vất vả tiến gần chiến thắng thực sự. Nhưng chẳng may, người đồng minh chỉ đạo lại bỏ cuộc, để quân lực Việt Nam trong một hoàn cảnh mà họ không hề được huấn luyện để đảm nhiệm – là đơn phương chiến đấu. Với thời gian, họ sẽ thích ứng để đảm đương vai trò mới đó. Nhưng việc Hoa Kỳ rút hết viện trợ quân sự và tài chánh lại không cho Quân lực miền Nam khoảng thời gian thích ứng này.
Hoa Kỳ tháo chạy quá nhanh, để Quân lực Việt Nam Cộng Hoà có thể tồn tại một mình.
Để hiểu biết tường tận trận chiến Việt Nam, chúng ta phải nói đến Quân lực Việt Nam Cộng Hoà trong cuộc chiến. Một điều mà tôi hy vọng rằng quyển sách của tôi có thể làm là chứng minh Quân lực miền Nam đã chiến đấu cam go và bền bỉ cho nền độc lập của Việt Nam Cộng Hòa. Quân lực Việt Nam có thể thắng trận chiến, và xứng đáng được hưởng một số phận khác.
Tôi muốn kết thúc phần phát biểu của tôi bằng cách cám ơn một lần nữa tất cả quý vị đã cho tôi cơ hội nói chuyện hôm nay, bằng cách chào kính các cựu quân nhân trong Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Quý vị là bậc anh hùng, và tôi vinh dự được là kẻ tường thuật.

Không có nhận xét nào: