Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 22 tháng 3, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Tư 22/3 - Lê Minh Nguyên

Ông Tillerson bị chỉ trích vì không dự hội nghị ngoại trưởng NATO
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson bị chỉ trích về quyết định không tham dự cuộc họp các Bộ trưởng Ngoại giao NATO vào tháng tới ở Brussels, và thông báo của ông sẽ đi thăm Nga vào cuối tháng 4.<!>
Tại một cuộc họp báo hôm thứ Ba, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Mark Toner nói với các phóng viên rằng ông Tillerson không thể dự cuộc họp NATO vì lịch làm việc của ông không cho phép.

Hôm thứ Ba, hãng tin Reuters tường thuật rằng thay vì dự cuộc họp NATO đầu tiên của ông với 28 đồng minh, ông Tillerson sẽ có mặt trong cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Donald Trump với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào ngày 6-7 tháng 4 ở khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida.
Ông Toner nói ông Tom Shannon, quyền Thứ trưởng Ngoại giao chuyên trách chính trị và từng là quyền ngoại trưởng, sẽ đại diện cho Hoa Kỳ tại cuộc họp của NATO. 

Khi được hỏi việc Ngoại trưởng Tillerson không tham gia cuộc họp của NATO sẽ gửi thông điệp gì đến các đồng minh thân cận của Hoa Kỳ, ông Toner nhấn mạnh Hoa Kỳ vẫn giữ 100% cam kết với NATO. Ông lưu ý rằng ông Tillerson gặp hầu hết các ngoại trưởng NATO hôm thứ Tư trong khuôn khổ hội nghị của Liên minh Đánh bại Nhà nước Hồi giáo ở Washington.
Tổng thống Trump đã nhiều lần bác bỏ tầm quan trọng của NATO, nói rằng tổ chức này đã "lỗi thời", mặc dù vậy, trong một cuộc họp báo ở Brussels hồi tháng trước, Phó Tổng thống Mike Pence bày tỏ lập trường ủng hộ kiên định của Mỹ đối với liên minh NATO. Ông Tillerson cũng đã bày tỏ sự ủng hộ của ông đối với NATO. - VOA

2.
Mỹ, Hàn Quốc nói vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên thất bại

Hoa Kỳ và Hàn Quốc cho biết một vụ thử tên lửa của Bắc Triều Tiên đã kết thúc với thất bại.
Một phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ cho hay tên lửa này dường như đã phát nổ trong vài giây sau khi phóng đi từ bán đảo Kalma ở miền đông Bắc Triều Tiên.
Quân đội Hàn Quốc nói vụ thử rõ ràng đã không diễn ra bình thường.

Cả hai nước đều không đưa ra chi tiết về loại tên lửa được thử, và cả hai nước đều nói họ đang tiếp tục phân tích về vụ phóng.
Đầu tháng này, Bắc Triều Tiên đã phóng bốn tên lửa đạn đạo tới vùng biển ngoài khơi Nhật Bản để đáp trả các cuộc tập trận quân sự hàng năm của Hoa Kỳ-Hàn Quốc, mà Bắc Triều Tiên xem như là sự chuẩn bị cho chiến tranh.

Ngũ Giác Đài nói 3 trong số các tên lửa đó đã bay khoảng 1.000 km và rơi xuống vùng biển của Nhật Bản. Các quan chức Mỹ cho hay các vũ khí đó là những tên lửa tầm trung không gây nguy hiểm cho Bắc Mỹ. - VOA

3.
Khủng bố ở Anh, 5 người chết, 40 người bị thương

5 người thiệt mạng, khoảng 40 người bị thương tại London hôm 22/3 sau khi một ô tô lao vào khách bộ hành và một hung thủ đâm dao vào một cảnh sát gần Quốc hội Anh.
Số thương vong trong vụ khủng bố bao gồm kẻ đâm dao và cảnh sát bị trúng thương. Ba nạn nhân khác nằm trong số những người bị chiếc ô tô tông khi xe tăng tốc trên cầu Westminster trước khi lao vào hàng rào chắn ngay bên ngoài Quốc hội.

Thủ tướng Anh nói địa điểm vụ tấn công không phải là ngẫu nhiên.

Viên chức chống khủng bố cao cấp nhất của Anh, Mark Rowley, cho biết vụ tấn công khởi sự khi chiếc ô tô trên cầu Westminster tông vào một số khách bộ hành làm bị thương nhiều người trong đó có 3 cảnh sát. Chiếc xe sau đó tiếp tục lao vào khu vực gần Quốc hội, ít nhất một hung thủ có dao tiếp tục cuộc tấn công và tìm cách xông vào Quốc hội, ông Rowley cho biết.
Ông nói cuộc điều tra khẩn trương của cảnh sát đang được tiến hành dựa trên quan điểm đây là hành động khủng bố có liên hệ tới Hồi giáo. Cảnh sát biết nhân thân của kẻ tấn công nhưng chưa cung cấp chi tiết vào thời điểm này, nguồn tin này cho hay.

Sự việc xảy ra trong ngày kỷ niệm các vụ tấn công của Hồi giáo cực đoan khiến 32 người thiệt mạng tại Brussels.
Tòa Bạch Ốc cho hay Thủ tướng Anh đã trao đổi với Tổng thống Mỹ Donald Trump về vụ việc.
Anh đang trong tình trạng báo động ‘nguy cấp 2’ nghĩa là rất có khả năng xảy ra tấn công bởi các phần tử chủ chiến.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ loan báo sẽ hậu thuẫn Anh trong cuộc điều tra và cho biết tình hình an ninh nội địa Mỹ không có gì thay đổi. - VOA

4.
Hải quân Mỹ cập cảng Myanmar lần đầu tiên kể từ sau Thế Chiến 2

Một chiếc tàu Hải Quân Hoa Kỳ cập cảng Myanmar (trước đây là Miến Điện) chính thức lần đầu tiên trong 7 thập niên, một quan chức Hoa Kỳ cho biết hôm thứ Ba.
Hải quân Hoa Kỳ cho biết tàu vận tải nhanh viễn chinh USNS Fall River neo đậu tại thủ đô Yangon của Myanmar trong một chuyến viếng thăm thiện chí kéo dài bốn ngày nhằm tăng cường tình hữu nghị và trao đổi văn hoá giữa các quân nhân Mỹ và nhân dân Myanmar.

Đây là chuyến cập cảng đầu tiên của một tàu hải quân Mỹ tới Myanmar kể từ sau Thế Chiến thứ 2.
Quan hệ giữa Hoa Kỳ và Myanmar nồng ấm trong những năm gần đây khi quốc gia này thoát ra khỏi những thập niên quân đội nắm quyền cai trị.

Myanmar đã tổ chức bầu cử tự do vào năm 2015, và tháng 10 năm ngoái chính quyền Tổng thống Obama đã dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đối với Myanmar. Tuy nhiên, các nhà hoạt động vẫn tố cáo chính phủ đàn áp nhân quyền các sắc tộc thiểu số như Rohingya, một nhóm thiểu số Hồi giáo trong quốc gia đạo Phật chiếm đa số.
Chuyến cập bến lần này diễn ra khi tân chính phủ dân sự của Khôi nguyên Nobel Hòa bình Aung San Suu Kyi đang mở cửa với thế giới sau thời gian dài quân đội cai trị và cô lập. Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ là các cường quốc đang cố thiết lập mối quan hệ với chính phủ mới.

Thủy thủ đoàn Fall River sẽ tiến hành các hoạt động với Hải Quân Myanmar cũng như tham quan thủ đô Yangon. - VOA

5.
Philippines, Thái muốn hoàn tất Quy tắc ứng xử Biển Đông năm nay
Philippines và Thái Lan hôm 21/3 nhấn mạnh nhất thiết phải hoàn thiện khung sườn cho Bộ Quy tắc ứng xử Biển Đông (COC) trong năm nay.

Điều này được nêu bật trong ngày đầu chuyến công du của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Thái Lan. Ông Duterte nói trong một tuyên bố chung rằng hai nước đã đồng ý cần phải nhanh chóng xúc tiến các cuộc thảo luận về Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông và chung cuộc là hoàn tất Bộ Quy tắc COC.
“Cả 2 nước đều nhấn mạnh nhu cầu duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực, bao gồm Biển Đông. Chúng tôi nhận thức rằng tôn trọng tự do hàng hải ở Biển Đông là mối quan tâm của tất cả các quốc gia trong cũng như ngoài khu vực,” ông Duterte tuyên bố.

Philippines cũng như Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan đều tuyên bố chủ quyền tại một số khu vực trong Biển Đông. Thái Lan không nằm trong số đó, tuy nhiên nước này thúc giục Trung Quốc cũng như các bên tranh chấp vượt ra ngoài tranh chấp biên giới và tìm cách xoa dịu căng thẳng trong khu vực.
Vào 12/7/2016, Tòa Trọng tài thường Trực ở Hague, Hà Lan, đã ra quán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên hầu hết Biển Đông là không có cơ sở. Mặc dù Tòa tuyên bố có lợi cho Philippines, nhưng Tổng thống Duterte vẫn duy trì quan điểm rằng chỉ đẩy vấn đề chủ quyền của Philippines đối với các hòn đảo tranh chấp khi thích hợp. - VOA

6.
Uy thế quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông không đối thủ?

Trung Quốc đảm bảo vai trò lãnh đạo trung tâm ở Biển Đông và các nước khác không thể bì với uy thế quân sự của Bắc Kinh trong khu vực, theo một tờ báo nội bộ của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc mà hãng tin Kyodo có được.
Trong khi Trung Quốc nhất mực phủ nhận hành động quân sự hóa Biển Đông, bài báo này là một sự thừa nhận hiếm hoi của quân đội Bắc Kinh về ý định thực thụ của họ tại khu vực. Đặc biệt, theo Kyodo, thông tin này còn cho thấy chính sách đẩy mạnh ảnh hưởng quân sự trong khu vực dưới vỏ bọc ‘các hoạt động dân sự’.

Kyodo cho biết tác giả bài viết là các sĩ quan trong hạm đội Nam Hải, đơn vị có nhiệm vụ duy trì, bảo vệ sự hiện diện của Bắc Kinh ở Biển Đông.

Các chuyên gia quân sự Trung Quốc này nói rằng những dự án bồi đắp đảo của Trung Quốc, về phương diện nào đó, đã giúp quân đội Trung Quốc chiếm lợi thế chiến lược về an ninh quân sự ở Biển Đông.
Tờ báo nội bộ của quân đội Trung Quốc còn nói thêm rằng rất có thể sẽ có khủng hoảng quân sự ở Biển Đông nhưng nguy cơ lan ra thành xung đột quân sự hoàn toàn hay chiến tranh thì rất nhỏ. 

Về đối đầu quân sự với Mỹ, bài viết cho rằng Washington có phần chắc duy trì quan điểm dường như trung lập về vấn đề chủ quyền trong khu vực.

Tác giả nói Mỹ ‘thiếu khả năng lẫn ý chí để tham gia vào xung đột quân sự hay chiến tranh với chúng ta’ và kêu gọi rằng dù cố gắng ngăn khủng hoảng quân sự, Trung Quốc cũng phải lợi dụng khủng hoảng để đối phó một cuộc tấn công từ quân địch, vận dụng mọi phương tiện cần thiết để ‘đánh kẻ thù vào trúng điểm đau nhất’ và ‘dạy chúng một bài học.’
Bài báo cũng đề ra hai phương án cho Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông.

Một là ngăn các nước láng giềng chiếm cứ thêm các thực thể đất đai ở Biển Đông, xua tan ý định của các nước gây gián đoạn cho các hoạt động thường lệ của Bắc Kinh trên biển như đánh bắt hay phát triển dầu khí.
Hai là hoạch định lâu dài, đánh từ phía sau mặt trận dân sự, tránh khai pháo và nên chuẩn bị cho một trận chiến lâu dài để bảo vệ chủ quyền, an ninh, quyền lợi quốc gia. - VOA

7.
TQ thúc đẩy Con đường tơ lụa, Úc khước từ

“Một Vành đai, Một Con đường” là sáng kiến của Trung Quốc muốn đầu tư 4 ngàn tỷ đô la vào các dự án hải cảng, cầu đường và đường sắt ở hải ngoại, và Bắc Kinh đang thúc đẩy các nền kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương tham gia vào sáng kiến của mình.
Tuy nhiên, Úc khẳng định sẽ không có thỏa thuận về dự án Cơ sở hạ tầng Bắc Australia trong chuyến thăm tuần này của Thủ tướng Trung Quốc, Lý Khắc Cường.

Một giới chức Úc cho biết “Sẽ không có bản ghi nhớ nào được ký về vấn đề này trong chuyến thăm [của ông Lý.]”
Chuyến thăm của ông Lý diễn ra giữa bối cảnh khó khăn trong quan hệ Trung-Úc. Canberra đang thúc đẩy Washington tăng cường sự hiện diện trong khu vực và có lập trường cứng rắn hơn đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc.

Ngoại trưởng Úc Julie Bishop tuần rồi kêu gọi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump mở rộng vai trò của Hoa Kỳ ở châu Á nhằm đảm bảo hòa bình và ổn định.
“Dù các nước phi dân chủ như Trung Quốc có thể phát triển mạnh khi tham gia vào hệ thống hiện nay, một trụ cột quan trọng trong thứ tự ưu tiên của chúng ta là cộng đồng dân chủ ", bà Bishop nói trong một bài phát biểu tại Singapore, khiến Bắc Kinh phản ứng lạnh nhạt.

Đáp lại, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Trịnh Trạch Quang nói với báo giới hôm 21/3 rằng: “Trong tương lai chúng tôi hi vọng bạn bè trong các lĩnh vực khác nhau ở Úc có thể bỏ qua tư tưởng “Anh thắng, tôi thua” và những thành kiến ý thức hệ.”
Tranh cãi về việc liệu Úc có nên hỗ trợ sáng kiến “Một Vành đai, Một Con đường” cũng tương tự như sự ngần ngại của Canberra đối với việc gia nhập Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á.
Năm 2014, Úc thoạt tiên quyết định không tham gia với ngân hàng đa phương do Trung Quốc dẫn đầu này, theo sự vận động của Hoa Kỳ và Nhật Bản. Nhưng khi Anh và một số quốc gia phương Tây khác vượt rào và ký kết với AIIB, Canberra đã gia nhập.

Cựu đại sứ Úc tại Trung Quốc, ông Geoff Raby, người đang điều hành một hãng tư vấn các doanh nghiệp Úc-Trung, cho biết: “Trong cộng đồng an ninh, quốc phòng ở Canberra có quan điểm rằng các sáng kiến như Ngân hàng AIIB và ‘Một Vành đai Một Con đường’ là một cách để bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc mà Mỹ sẽ bị thiệt hại.’
Hồi tháng 3, Ấn Độ cũng đã loan báo phản đối sáng kiến này vì Hành Lang Kinh Tế Trung Quốc-Paskintan đi qua Ấn Độ. Hành làng này vốn được Trung Quốc xây dựng để kết nối cảng Gwadar miền Tây Nam Pakistan với Tân Cương ở cận Tây Trung Quốc. - VOA

8.
Tổng thống Philippines tuyên bố tin tưởng Trung Quốc --- Biển Đông: Bắc Kinh cải chính vụ xây dựng ở bãi Scarborough --- TQ xây trên bãi Scarborough có thể đẩy Philippines trở lại với Mỹ

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ngày 22/3 tuyên bố ông tin tưởng rằng Trung Quốc sẽ không xây cất trên bãi cạn Scarborough ở Biển Đông vì ông được Bắc Kinh ‘hứa danh dự’ và hơn nữa Bắc Kinh cũng không muốn dập tắt tình hữu nghị mới giữa hai nước.
Phát biểu của ông Duterte được đưa ra giữa những quan ngại tại Philippines bắt nguồn từ tuyên bố của thị trưởng Tam Sa rằng Trung Quốc đang hoạch định công tác chuẩn bị để xây một số trạm quan trắc môi trường, kể cả trên bãi cạn Scarborough.

“Tôi được thông báo rằng họ sẽ không có hành động gì tại Panatag mà không tôn trọng tình hữu nghị đôi bên,” ông Duterte cho biết tại cuộc họp báo đầu giờ ngày 23/3. Panatag là tên người Philippines đặt cho Scarborough.
Tổng thống Philippines nói chính phủ Trung Quốc đảm bảo rằng họ sẽ không xây cất gì trên bãi cạn có tranh chấp này.

Ông không cho biết cụ thể thời điểm nhận được lời đảm bảo đó từ Trung Quốc là khi nào.
Trước đó, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, khẳng định tin nói Bắc Kinh sắp xây trạm quan trắc ở Scarborough là ‘nhầm lẫn’ và ‘không đúng.’

Bãi cạn Scarborough là biểu tượng của cuộc tranh đấu lâu nay của Philipines trong việc xác quyết chủ quyền chống lại tham vọng hàng hải của Trung Quốc.

Bãi đá này là ngư trường đánh bắt dồi dào cho ngư dân Philippines trước khi bị lực lượng tuần duyên Trung Quốc phong tỏa khu vực vào năm 2012. - VOA

***
Vào tuần trước, một quan chức Trung Quốc tiết lộ rằng nước này đang chuẩn bị xây dựng một số trạm quan sát môi trường ở Biển Đông, trong đó có một trạm trên bãi cạn Scarborough mà họ đã chiếm từ tay Philippines. Phía Philippines đã liên tiếp phản đối, và vào hôm nay, 22/03/2017, Trung Quốc đã cải chính là không hề có kế hoạch tiến hành xây dựng ở bãi cạn Scarborough.
Theo hãng tin Anh Reuters, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã phủ nhận các thông tin, theo đó Bắc Kinh bắt đầu trong năm nay công việc chuẩn bị xây dựng một trạm quan trắc môi trường trên bãi cạn Scarborough ở Biển Đông.

Nhân cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, bà Hoa Xuân Oánh khẳng định rằng dựa theo các cơ quan có liên can đến vụ việc, thì các thông tin về việc xây dựng trạm quan trắc môi trường trên bãi Scarborough đều sai lạc và không đúng. Theo bà : « Trong vấn đề Scarborough Shoal, lập trường của Trung Quốc rất nhất quán và rõ ràng là Trung Quốc coi trọng mối quan hệ với Philippines ».
Tuy nhiên, chính ông Tiêu Kiệt (Xiao Jie), thị trưởng của thành phố gọi là Tam Sa, trước đó đã tiết lộ rằng Trung Quốc dự định bắt đầu công việc chuẩn bị trong năm nay để xây dựng trạm quan trắc môi trường trên một số hòn đảo, trong đó có Scarborough. Thông tin này được chú ý vì Tam Sa là đơn vị hành chánh được Bắc Kinh tạo ra để chịu trách nhiệm quản lý Biển Đông.

Các tuyên bố của ông Tiêu Kiệt từng được tờ báo Hainan Daily loan tải và đăng trên mạng. Thế nhưng, theo hãng Reuters, vào hôm nay, phần đề cập đến bãi Scarborough đã bị xóa đi trong tuyên bố của ông Tiêu Kiệt.

Lời cải chính của bộ Ngoại Giao Trung Quốc được đưa ra vài tiếng đồng hồ, sau khi chính quyền Manila xác nhận đã yêu cầu Bắc Kinh làm sáng tỏ vụ việc.
Theo hãng tin Mỹ AP, phát biểu với báo giới tại Bangkok, quyền ngoại trưởng Philippines Enrique Manalo cho biết là bộ Ngoại Giao Philippines đã đề nghị Trung Quốc làm rõ thông tin về kế hoạch xây một trạm quan sát môi trường trên bãi cạn Scarborough. Ông Manolo khẳng định rằng tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã nói rất rõ rằng Manila muốn giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình, nhưng sẽ hành động để bảo vệ lợi ích quốc gia, nếu cần thiết.

Bãi cạn Scarborough – mà Philippines gọi là Panatag - là một khu vực ở phía bắc Biển Đông, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, nhưng đã bị Trung Quốc đòi chủ quyền và giành lấy quyền kiểm soát vào năm 2012.
Tổng thống Duterte hồi đầu tuần thừa nhận Philippines không thể ngăn Trung Quốc xây các cơ sở trên bãi cạn Scarborough. - RFI

***
Báo chí Trung Quốc dẫn lời thị trưởng thành phố Tam Sa của Trung Quốc nói hồi tuần trước rằng chính quyền của ông ta sẽ bắt đầu chuẩn bị lập một trạm quan trắc môi trường tại bãi Scarborough, một bãi cạn nhỏ cách đảo Luzon của Philipplines 230 km.
Các nhà phân tích nói nếu Trung Quốc thực hiện ý định, việc này sẽ đe doạ đến lòng tin mà Trung Quốc vừa thiết lập với Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sau một thời kỳ sóng gió từ năm 2012 đến giữa năm 2016.

Ông Euan Graham, giám đốc an ninh quốc tế của Viện Chính sách Quốc tế Lowy ở Sydney, nói: "Nếu Trung Quốc trắng trợn, bắt đầu tiến hành bồi đắp, tôi nghĩ mọi chuyện sẽ rất khó khăn cho ông Duterte. Và tôi nghĩ công luận sẽ bắt đầu xoay chiều ở Philippines".
Ông Duterte hôm thứ Ba nói qua trang web của văn phòng tổng thống rằng ông "không thể chặn đứng Trung Quốc" tại bãi cạn Scarborough. Đề cập đến thực tế là quân đội Philippines tương đối yếu, ông nói: "Tất cả chúng ta mai đây sẽ mất quân đội và cảnh sát, và chúng ta là một quốc gia bị tiêu diệt".

Tuy nhiên, sau đó, Bộ Tư pháp Philippines cho biết họ sẽ phản đối Trung Quốc về ý định của nước này liên quan tới bãi cạn Scarborough.
Ông Carl Baker, giám đốc về các chương trình thuộc tổ chức tư vấn Diễn đàn Thái Bình Dương CSIS ở Honolulu, nói: “Dường như những người chỉ trích đang gia tăng áp lực đòi ông Duterte phải mạnh mẽ khi phản ứng" với Trung Quốc.

Một số nhà phân tích nói việc Trung Quốc bật đèn xanh đối với công trình hoặc làn sóngphản đối ông Duterte ở Philippine có thể thúc đẩy nước này quay lại tìm kiếm sự trợ giúp từ Hoa Kỳ, chủ thuộc địa cũ và là đồng minh quân sự lâu đời.

Người tiền nhiệm của ông Duterte là Benigno Aquino đã dựa vào Hoa Kỳ về trợ giúp quân sự, kể cả các cuộc tuần tra hàng hải chung sau năm 2014. Ông Duterte, người lớn tiếng chống các ảnh hưởng của Mỹ ở Philippines, đã huỷ bỏ những cuộc tuần tra đó, nhưng ông lại tỏ ra hòa hoãn với Tổng thống Donald Trump kể từ ông Trump nhậm chức vào tháng Giêng.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson nói vào tháng Giêng trước khi ông được chuẩn thuận rằng Trung Quốc cần phải bị ngăn chặn khỏi các đảo nhân tạo mà họ đã xây ở vùng biển tranh chấp, lời phát biểu này làm Bắc Kinh bất bình. - VOA

9.
Nghi phạm Bắc Hàn là con trai cựu đại sứ

Các nguồn tin cho hay một trong các nghi phạm Bắc Hàn đang bị Interpol truy nã vụ sát hại Kim Jong-nam là con trai cựu đại sứ Bắc Hàn tại Hà Nội.
Nguồn tin của BBC cũng như một số nguồn tin khác của hãng tin Nam Hàn Yonhap nói nghi phạm Việt Nam đã bị bắt, cô Đoàn Thị Hương, từng có quan hệ thân mật với người này.

Ông Ri Ji Hyon, 33 tuổi, là con trai của ông Ri Hong, người từng làm đại sứ ở Hà Nội thời kỳ đầu những năm 2000.
Lần duy nhất ông Ri Hong xuất hiện trên báo chí là hồi tháng 6/2002, khi tiếp nhận 5.000 tấn gạo mà Chính phủ Việt Nam viện trợ cho CHDCND Triều Tiên từ Quỹ Dự trữ Quốc gia. Trước đó ông cũng tháp tùng Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương trong chuyến thăm đầu tiên của ông tới Bình Nhưỡng tháng 5/2002.

Thông thường một đại sứ Bắc Triều Tiên ở Việt Nam có nhiệm kỳ bốn năm.
Con trai đại sứ Ri Hong, Ri Ji Hyon, được cho là ở Việt Nam cả sau khi cha đã kết thúc nhiệm kỳ, học và nói tiếng Việt thành thạo.
Ri Ji Hyon được cho là đã thực tập tại đại sứ quán CHDCND Triều Tiên ở Hà Nội khoảng một năm hồi năm 2009, tức là dưới thời đại sứ Ma Chol Su, và cũng làm luôn công việc phiên dịch.

Yonhap dẫn nguồn giấu tên nói ông này có thể đã lôi kéo và tuyển mộ cô Đoàn Thị Hương tham gia vụ sát hại ông Kim Jong-nam ở Kuala Lumpur hôm 13/2.
Cô Hương và nữ nghi phạm Indonesia Siti Aisyah bị cáo buộc đã bôi chất độc thần kinh VX lên mặt ông Kim Jong-nam nhưng họ khai là tưởng mình tham gia một trò chơi cho show truyền hình thực tế.

Ông Ri Ji Hyon là một trong bốn nghi phạm Malaysia đã nhờ Interpol truy nã, tuy khả năng cao là cả bốn người này đã nhanh chóng rời Malaysia về Bình Nhưỡng ngay sau vụ sát hại.
Nghi phạm Bắc Hàn duy nhất bị bắt trong vụ này, Ri Jong Chol, đã được thả vì thiếu chứng cứ.
Cảnh sát Malaysia còn truy lùng ba người khác, được tin vẫn còn ở trong nước này, trong đó có Hyon Kwang Song, bí thư thứ hai tại đại sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur.

Đang bị giam
Đoàn Thị Hương, 28 tuổi, người Việt Nam, được cho là nữ nghi phạm mặc áo thun có chữ 'LOL' trong băng ghi hình CCTV
Siti Aisyah, 25, người Indonesia. Cơ quan chức năng Indonesia cho biết cô này khai rằng cô nghĩ mình đang tham gia một show hài tình huống trên TV
Đang truy tìm

Hyon Kwang Song, 44 tuổi, Bí thư thứ hai tại Sứ quán Bắc Hàn ở Kuala Lumpur, được tin rằng vẫn đang ở Malaysia.
Kim Uk Il, 37 tuổi, nhân viên hãng hàng không Bắc Hàn Air Koryo, được tin rằng vẫn đang ở Malaysia.
Ri Ju U, 30 tuổi, người Bắc Hàn có tên khác là "James", được tin rằng vẫn đang ở Malaysia.
Ri Ji Hyon, 33 tuổi, người Bắc Hàn, được cho là đã trốn về Bình Nhưỡng.
Hong Song Hac, 34 tuổi, người Bắc Hàn, được cho là đã trốn về Bình Nhưỡng.
O Jong Gil, 55 tuổi, người Bắc Hàn, được cho là đã trốn về Bình Nhưỡng.
Ri Jae Nam, 57 tuổi, người Bắc Hàn, được cho là đã trốn về Bình Nhưỡng. - BBC

10.
Nhật đưa vào hoạt động tàu chở trực thăng lớn thứ hai

Theo hãng tin Reuters, hôm nay, 22/03/2017, chiếc tàu chở trực thăng lớn thứ hai của Nhật Bản, chiếc Kaga, được đưa vào hoạt động, nâng cao khả năng của quân đội Nhật triển khai lực lượng ra bên ngoài, nhằm đối phó với ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc ở châu Á.
Các tư lệnh của hải quân Nhật Bản đã tiếp nhận chiếc tàu dài 248 mét tại một xưởng đóng tàu ở Yokohama, gần Tokyo. Tại buổi lễ tiếp nhận tàu Kaga, thứ trưởng Quốc Phòng Nhật Takayuki Kobayashi đã nhắc đến việc Trung Quốc đang xây các căn cứ quân sự ở Biển Đông và có những hành động làm thay đổi nguyên trạng vùng biển này, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại cho an ninh khu vực.

Kaga là chiếc tàu chở trực thăng lớn thứ hai sau chiếc Izumo. Theo hãng tin Reuters, Nhật Bản dự trù vào tháng 5 tới sẽ điều chiếc Izumo đến Biển Đông đi một vòng trong 3 tháng. Đây sẽ là cuộc biểu dương lực lượng rầm rộ nhất của hải quân Nhật ở vùng biển bên ngoài trong hơn 70 năm qua.
Với việc chiếc Kaga được đưa vào hoạt động, Nhật Bản kể từ nay có khả năng tiến hành các chiến dịch ở bên ngoài thường xuyên hơn. Chiếc tàu chở trực thăng lớn thứ hai này sẽ neo đậu ở Kure, miền tây Nhật Bản, từng là căn cứ của chiến hạm nổi tiếng nhất thời Thế chiến thứ hai, chiếc Yamato. Tàu Izumo thì neo đậu ở Yokosuka gần Tokyo, nơi mà hàng không mẫu hạm Ronald Reagan, thuộc hạm đội 7 của Mỹ, đặt căn cứ. Cả hai chiếc đều có thể hoạt động với 9 trực thăng. - RFI

Tin Hoa Kỳ
11.
Mỹ chủ trì cuộc họp 68 nước, chống IS

Ngoại trưởng từ 68 quốc gia nhóm họp tại Washington hôm nay thứ Tư (22/3) để thống nhất các bước kế tiếp bài trừ Nhà Nước Hồi Giáo (ISIS), đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu kể từ sau khi Tổng thống Donald Trump đắc cử hồi tháng 11 năm ngoái.
Cuộc họp được chủ trì bởi Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson. Tổng thống Trump thề sẽ đặt cuộc chiến chống Nhà Nước Hồi Giáo lên ưu tiên hàng đầu và hồi tháng Giêng đã chỉ đạo Ngũ Giác Đài cùng các cơ quan khác đệ trình kế hoạch đánh bại IS.

Các chiến binh Hồi giáo đang thất thủ tại cả Iraq và Syria khi 3 lực lượng riêng biệt được hậu thuẫn của Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, và Nga tiến vào cứ địa của IS ở Raqqa, Syria.
Đây là cuộc họp đầu tiên kể từ khi lực lượng chính phủ Iraq được hậu thuẫn bởi liên quân do Mỹ dẫn đầu chiếm lại một số thành phố ở Iraq từ tay IS năm ngoái và giải phóng thành phố miền đông Mosul.

Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi đã có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Trump hôm thứ Hai (20/3). Ông cho biết được Mỹ cam kết sẽ hậu thuẫn thêm trong cuộc chiến chống lại IS.
Thông cáo từ Tòa Bạch Ốc sau cuộc họp nói rằng Tổng thống Trump và Thủ tướng Abadi nhất trí rằng “chủ nghĩa khủng bố không thể bị tiêu diệt chỉ bởi sức mạnh quân sự” và hai nhà lãnh đạo kêu gọi siết chặt quan hệ thương mại hơn nữa. - VOA

12.
Dự án bức tường biên giới của Trump tiến thêm một bước

Theo Sở Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ, đề xuất xây một bức tường dọc theo biên giới Hoa Kỳ-Mexico của Tổng thống Trump đang tiến triển với những mô hình và thiết kế của bức tường được xây vào tháng 6 năm nay.
Trong khi các quan chức của bộ không cho biết bao nhiêu công ty hưởng ứng kêu gọi chính thức của cơ quan yêu cầu đệ nạp thiết kế cho bức tường rào, các phúc trình đã công bố cho thấy một số công ty lớn có kinh nghiệm quản lý các công trình quy mô đã bày tỏ ý định muốn tham gia.

Các thiết kế bao gồm một bức tường xi măng và một bức tường sử dụng các vật liệu khác tương tự như một hàng rào.
Trong khi đó, một công ty nhỏ cách đó hàng ngàn cây số đang làm việc với một số công ty thiết kế và xây dựng các dự án với hy vọng sẽ giành được một phần của dự án trong đề xuất trị giá hàng tỷ đô la này.
Công ty Riverdale Mills, ở vùng Northbridge, bang Massachusetts, đã cung cấp hàng rào an ninh cao, bảo vệ đoạn đường dài 43km trong tổng số 3000km của đường biên giới.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA, giám đốc điều hành Jim Knott của Riverdale nói nhà máy của ông có thể chế tạo hàng rào bằng thép với những lỗ nhỏ khiến việc leo lên hoặc cắt rào rất khó. Nếu đề xuất chung này được chấp nhận, ông nói công ty của ông có thể nhanh chóng sản xuất loại rào cản đặc biệt này và có thể mở rộng sản xuất với máy móc và nhân viên mới, nếu cần.
Xây một bức tường để chặn người nhập cư bất hợp pháp không cho nhập cảnh vào Mỹ là một lời hứa chủ yếu của ứng cử viên Tổng thống Donald Trump.
Gần một phần ba biên giới đã có rào chắn hoặc những bức tường. Tuy nhiên, nhiều khu vực, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa, không có các rào cản tương tự.

Bức tường mới dự kiến cao 9m, sẽ chặn các nỗ lực đào đường hầm gần 2 mét dưới mặt đất, và trông "đẹp mắt" từ phía Hoa Kỳ.
Các chi tiết kỹ thuật đòi hỏi thiết kế phải có nhiều cổng để cho phép xe cộ qua lại, và cấu trúc phải có khả năng chống chọi ít nhất là một giờ bị đập phá bằng búa tạ, lửa hàn, ô tô tự động hay các công cụ thông dụng khác.
Ước tính chi phí xây dựng bức tường khoảng từ 8 tỷ đến 20 tỷ đô la.

Những người chỉ trích dự án xây tường bày tỏ lo ngại về mức kinh phí, họ nói bức tường có thể phương hại đến các hoạt động thương mại ở các khu vực biên giới của Hoa Kỳ và gây ra các vấn đề về môi trường.
Giới chỉ trích còn nói rằng nhiều người đang sống bất hợp pháp ở Mỹ đã đến nước này một cách hợp pháp trên một chiếc máy bay và sau đó ở lại khi đã quá hạn thị thực, một vấn đề không thể được giải quyết bằng cách xây một tường rào. Ông Trump tuyên bố ông sẽ buộc Mexico trả tiền xây tường, nhưng các giới chức Mexico thẳng thừng bác bỏ ý kiến đó. - VOA

13.
Mỹ tăng tiền lời, người Việt lo lắng

Sau những tranh cãi về việc có tăng hay không, cuối cùng vào chiều thứ Tư 15/3, lãnh đạo Cục Dự Trữ Liên Bang Mỹ (FED) ra quyết định tăng lãi suất giữa lúc thị trường việc làm ổn định và lạm phát ở mức tăng nhẹ. Theo đó, lãi suất mới sẽ tăng thêm 0.25%, từ 0.75% lên 1%. Đây là lần tăng lãi suất thứ nhì trong vài tháng qua.
Trong thời kỳ suy thoái, FED hạ lãi suất thấp kỷ lục nhằm thúc đẩy tăng trưởng và giải quyết tình trạng thất nghiệp tại Mỹ.

Tại sao FED tăng lãi suất?
Tăng lãi suất lần này được cho là cần thiết và nằm trong kế hoạch lèo lái nền kinh tế vì nếu lãi suất được giữ ở mức quá thấp trong thời gian dài sẽ có nguy cơ tạo ra lạm phát đột ngột, có thể buộc FED phải tăng lãi suất lên vội vàng, làm rối loạn nền kinh tế. Việc tăng lãi suất cũng đồng nghĩa với việc Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ nhìn thấy dấu hiệu của một nền kinh tế vững mạnh.

Ngược lại, khi tình hình khó khăn hơn thì FED sẽ giảm lãi suất để khuyến khích người dân và doanh nghiệp vay tiền cũng như chi tiêu, từ đó, tiền được bơm vào để thúc đẩy nền kinh tế. Vì vậy, trong thời kỳ khủng hoảng, FED đã giữ lãi suất ở mức gần như 0%.
Tuy nhiên, khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi và tăng trưởng thì FED sẽ tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát.

Có nên lo lắng?

Theo các chuyên giá dự đoán, tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng đến việc người tiêu dùng trả nợ thẻ tín dụng, vay mua xe, mua nhà, và các khoản nợ khác. Đặc biệt thị trường địa ốc và ô tô bị ảnh hưởng rõ nét nhất, cụ thể là giá nhà và ô tô có thể trở nên đắt hơn.
Theo tạp chí Forbes, mặc dù lãi suất thay đổi nhưng yếu tố mấu chốt quyết định mức lãi tín dụng phải trả tùy thuộc vào điểm tín dụng cá nhân, nghĩa là nếu một cá nhân có điểm tín dụng cao (trả nợ đúng hạn, giữ nợ ở mức thấp) thì có khả năng được hưởng mức lãi suất thấp hơn mức thị trường và ngược lại. Do đó, các chuyên gia tin rằng điểm tín dụng mới là thứ mà dân Mỹ cần quan tâm.

Số liệu từ Cục Thống Kê Hoa Kỳ cho thấy có khoảng 1.980.344 người Việt đang định cư tại Mỹ. Cộng đồng người Việt đông thứ tư ở Mỹ, xét trong nhóm các sắc tộc Á châu, sau Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines.
Một người Việt hành nghề môi giới địa ốc hơn 20 năm nay tại miền Đông Hoa Kỳ nói với VOA Việt ngữ rằng chị mong lãi suất sẽ giữ ở mức này, không vượt quá 5%.

“Chỉ sợ khi mà phân lời nó lên 6 hay 7%, thì có lẽ thị trường sẽ là thị trường chết,” chị Nguyễn Thị Hiền tiếp lời.
Anh Andy Nguyễn, một nhân viên chuyên làm hồ sơ cho vay ở California, cho rằng vẫn còn quá sớm để nói bất cứ điều gì, nhưng anh biết chắc rằng việc tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng những người đang có nhu cầu mua nhà hay những ai đang có nhu cầu vay tiền ngân hàng.

Nỗi lo lắng này là có cơ sở, khi mà số liệu chỉ ra rằng lần tăng lãi suất gần đây nhất của FED (12/2016), lãi suất vay mua nhà vọt lên 4.3% từ con số 3.5 % của năm trước đó. - VOA

14.
Ông Trump tập hợp đảng Cộng hòa ủng hộ dự luật cải cách chăm sóc y tế

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump hôm thứ Ba vận động sự ủng hộ dành cho kế hoạch cải tổ hệ thống chăm sóc y tế quốc gia của ông, ve vãn các nhà lập pháp đảng Cộng hòa tại Hạ viện hai ngày trước một cuộc biểu quyết quan trọng.
Ông Trump đã tới điện Capitol để nói với các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa rằng cuộc bỏ phiếu hôm thứ Năm là cơ hội tốt nhất của họ để hủy bỏ một đạo luật mà họ đã đả kích trong suốt bảy năm qua, tức là Đạo luật Chăm sóc Sức khoẻ Giá phải chăng mà cựu Tổng thống Barack Obama xem là thành tựu lập pháp mang dấu ấn của ông. 

Được biết đến rộng rãi dưới tên Obamacare, đạo luật này đã giúp hơn 20 triệu người có bảo hiểm y tế, nhưng luật này đã bị các đảng viên đảng Cộng hòa chỉ trích nặng nề vì nó buộc tất cả những người Mỹ phải mua bảo hiểm, nếu không, sẽ phải trả một khoản tiền phạt.
Một số đảng viên Đảng Cộng hòa bảo thủ phản đối kế hoạch bãi bỏ Obamacare được ông Trump hỗ trợ, nói rằng kế hoạch đó không đi đủ xa để lật ngược Obamacare. Để vận động sự ủng hộ, các nhà lãnh đạo Đảng Cộng hòa vào cuối ngày thứ Hai đã công bố 43 trang thay đổi gồm các cách để cung cấp các khoản tín dụng thuế rộng rãi hơn cho người từ 50 đến 64 tuổi và đẩy nhanh việc bãi bỏ một số thuế của Obama đối với những người đóng thuế giàu có từ năm 2018 đến năm nay.

Mặc dù ông Trump đã đặt cược vào những tháng đầu nhiệm kỳ của mình để bãi bỏ Obamacare, nhưng tiến trình chuyển tiếp không có gì chắc chắn. Không một đảng viên Dân chủ nào trong Hạ viện ủng hộ việc bãi bỏ Obamacare, khiến đảng Cộng hòa phải xoay sở để tìm đa số. Muốn thông qua việc bãi bỏ luật này và chuyển sang Thượng viện, họ không thể để mất hơn 21 trong tổng số 237 phiếu của đảng Cộng hòa tại Hạ viện.
Tại một cuộc mít tinh chính trị vào cuối ngày thứ Hai ở Louisville, Kentucky, ông Trump nói với những người ủng hộ ông, "đây là cơ hội mà chúng ta đã chờ đợi từ lâu để thoát khỏi Obamacare và chúng tôi sẽ làm điều đó". - VOA

15.
Trợ lý cũ của Trump 'giấu' khoản tiền 750.000 đôla

Có thêm cáo buộc ở Ukraine về các quỹ bí mật cho biết đã đóng góp cho Paul Manafort, cựu chủ tịch ban vận động của Donald Trump.
Nghị sĩ Serhiy Leshchenko nói ông có bằng chứng cho thấy ông Manafort tính che giấu khoản tiền 750.000 đôla do một đảng thân Nga đóng góp năm 2009.

Phát ngôn viên của ông Manafort bác cáo buộc "vô căn cứ".
Ông Manafort từng là cố vấn của cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych. Ông bác bỏ việc nhận bất kỳ khoản tiền mặt nào.
Ông bị buộc từ chức chủ tịch chiến dịch của ông Trump tháng 8/2016 sau khi có phát giác về mối liên hệ của ông với ông Yanukovych.

Ông Manafort là một trong số các trợ lý của tổng thống hiện đang bị điều tra về những liên hệ khả dĩ với Nga trong chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ.
Hôm 20/3, giám đốc FBI James Comey lần đầu tiên xác nhận đang điều tra việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Hôm 21/3, ông Leshchenko, cựu nhà báo điều tra, công bố một giấy biên nhận có chữ ký của Manafort, cho thấy khoản thanh toán 750.000 đôla cho việc vận chuyển lô hàng máy tính đến công ty Davis Manafort.
Khoản tiền này đến từ một công ty hải ngoại ở Belize qua ngân hàng ở Kyrgyzstan.
Ông Leshchenko cho biết hợp đồng này là khoản thanh toán cho ông Manafort về dịch vụ tư vấn của ông cho đảng Các khu vực của ông Yanukovych. - BBC

16.
Mỹ cấm máy vi tính trên máy bay: Lý do khủng bố hay thương mại?

Hôm qua, 21/03/2017, Hoa Kỳ, và sau đó là Anh Quốc, đã thông báo lệnh cấm hành khách đem máy vi tính và máy tính bảng trong hành lý xách tay trên những chuyến bay trực tiếp từ các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ, với lý do nguy cơ khủng bố.
Pháp và Canada cho biết đang xem xét những biện pháp tương tự, trong khi các nước khác như Đức, Úc và New Zealand thì hiện giờ loại trừ khả năng đó.

Tổng cộng có 8 quốc gia nằm trong diện bị cấm, toàn bộ là các nước đối tác hoặc đồng minh của Mỹ : Jordani, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Koweit, Qatar, Liên hiệp các Tiểu vương quốc Ả Rập và Maroc.
Lệnh cấm nói trên không được áp dụng đối với các hãng hàng không Mỹ, mà chỉ áp dụng cho các hãng lớn ở vùng Vịnh như Qatar Airways, Emirates và Eithad Airways. Kể từ sáng thứ bảy, 25/03/2017, trên các chuyến bay trực tiếp từ các hãng này đến Hoa Kỳ, hành khách không được đem theo những máy điện tử có kích thức lớn hơn điện thoại di động. Như vậy là toàn bộ máy vi tính sách tay, máy tính bảng, máy đọc dĩa DVD, máy đọc sách…. đều phải được để trong hành lý ký gởi, sẽ được đặt trong khoang hành lý của máy bay.

Theo giải thích của một quan chức Mỹ, thông tin tình báo cho thấy là các nhóm khủng bố tiếp tục nhắm vào giao thông hàng không và đang tìm những phương pháp mới để tiến hành khủng bố trên các chuyến bay, chẳng hạn như giấu chất nổ trong các hàng điện tử.
Thế nhưng, câu hỏi được đặt ra, như nghi nhận của thông tín viên RFI tại Washington Anne-Marie Capomaccio, đó là : Nếu Mỹ sợ khủng bố gài chất nổ trong các thiết bị điện tử, thì tại sao lại cho để những thiết bị đó trong khoang chứa hành lý ? Tại sao không cấm luôn cả điện thoại di động, vì những điện thoại thế hệ mới cũng tối tân không thua gì máy vi tính ?

Một câu hỏi khác đó là tại sao lệnh cấm chỉ được áp dụng đối các hãng hàng không nước ngoài, mà không áp dụng đối với cả các hãng hàng không Mỹ bay trên cùng những tuyến bay đó.
Và câu hỏi cuối cùng : Hoa Kỳ ra lệnh cấm như thế là vì họ không tin tưởng vào cơ quan an ninh của các nước có liên quan hay là vì họ có ý đồ thương mại ? Rõ ràng là khi đi từ các nước Ả Rập và Thổ Nhĩ Kỳ đến Mỹ, hành khách nào muốn làm việc với máy vi tính trên máy bay thì sẽ chọn hãng hàng không của Mỹ.

Hiện giờ, các quan chức Mỹ không cho biết là lệnh cấm sẽ được thi hành đến khi nào, mà chỉ cảnh cáo là những hãng hàng không nào không tuân thủ lệnh cấm có thể bị tước quyền bay đến Hoa Kỳ. 
Trước mắt, lệnh cấm máy vi tính trên máy bay chắc chắc sẽ gặp nhiều chỉ trích từ dư luận các nước có liên quan, trong bối cảnh mà chính quyền Donald Trump siết chặt kiểm soát biên giới và thi hành một chính sách nhập cư cứng rắn hơn, chủ yếu là nhắm vào các nước Hồi Giáo, viện lý do bảo đảm an ninh cho nước Mỹ trước nguy cơ khủng bố. - RFI

Tin Việt Nam
17.
Vì sao Việt Nam 'nhờ Mỹ tác động' lên Google và Facebook?

Một thành viên chính phủ Việt Nam mới lên tiếng bác bỏ thông tin “bị ung thư giai đoạn cuối”, và “nhờ” Đại sứ Mỹ ở Hà Nội dùng ảnh hưởng của mình để hối thúc một số công ty của Hoa Kỳ phải có hành động liên quan tới các thông tin “xấu, độc” trên mạng.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn hôm 21/3 kêu gọi ông Ted Osius “tác động để Google, Facebook có đại diện tại Việt Nam để dễ bàn bạc hơn khi xử lý những vấn đề liên quan đến pháp luật Việt Nam”, báo chí trong nước đưa tin.

Trước đó năm ngày, ông Tuấn nói trong một cuộc họp với các doanh nghiệp quảng cáo trên các trang mạng xã hội của Mỹ rằng danh dự, nhân phẩm của ông “bị xúc phạm” sau khi xuất hiện trên YouTube thông tin mà ông nói là “sai sự thật về sức khỏe của mình”.
“Các bạn thấy tôi có khỏe không. Tôi vừa xem trên YouTube một clip cho rằng, tôi bị bệnh ung thư giai đoạn cuối. Thực tế, tôi đang rất khỏe mạnh, không có vấn đề gì. Chúng ta thấy có những việc như thế và hôm nay, chúng ta gặp nhau ở đây bàn về vấn đề thông tin thất thiệt, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xuyên tạc được tung lên YouTube, các mạng khác”, tờ Soha News dẫn lời ông Tuấn nói như vậy, đồng thời hối thúc các doanh nghiệp trong nước ngưng quảng cáo trên YouTube và Facebook cũng như các trang mạng xã hội khác cho tới khi các thông tin “xấu, độc” chống chính quyền Hà Nội bị ngăn chặn.

Tối 22/3, VOA Việt Ngữ thấy một đoạn clip dài gần 23 phút có nội dung ông Tuấn “có nguy cơ ung thư vì ăn hải sản nhiễm độc” với hơn 5 nghìn lượt xem vẫn còn trên trang YouTube.
Về chuyện này, luật sư Hà Huy Sơn, người từng bào chữa cho thân chủ bị tung tin sai, nói: "Cái chuyện đó thì tôi cho rằng nó xâm phạm đời tư, bí mật riêng tư, đời sống của cá nhân, vi phạm bộ luật dân sự. Người bị cái tin đồn đấy thì người ta có thể là khởi kiện một vụ án dân sự ra tòa. Pháp luật bảo vệ quyền riêng tư của công dân".

Ông nói thêm: "Trên đất Việt Nam, kể cả người nước ngoài cũng được bảo vệ trong không gian pháp luật như vậy. Luật dân sự tức là người đưa tin sai đấy phải xin lỗi. Và cái thứ hai phải bồi thường về thiệt hại vật chất và tinh thần do người bị hại người ta chứng minh được, chứ không phải là chịu trách nhiệm hình sự”.
Ông Tuấn không phải là quan chức Việt Nam đầu tiên vấp phải tin đồn “bị ung thư”. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Nguyễn Đức Chung hay Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cũng bị đồn như vậy trên YouTube.

Trong một dòng trạng thái trên Facebook, luật sư Trần Vũ Hải mới viết: “Mạng xã hội ngày càng xuất hiện nhiều tin đồn. Những người có vai vế, tên tuổi cần làm quen với những tin đồn đó và biết cách ửng xử thích hợp. Nếu tin đồn vô bổ, lờ đi là cách tốt nhất. Nhưng có những tin đồn không thể lờ được, cần dập tan hoặc công khai đáp lại”.
Trong cuộc gặp với Đại sứ Mỹ tại Việt Nam hôm 21/3, theo Infonet, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết rằng “Google [công ty sở hữu YouTube] mới xử lý được hơn 40 clip trong số khoảng 8.000 clip độc hại”.

“Đặc biệt, Google chỉ chặn clip để người ở Việt Nam không xem được, còn người ở nước ngoài vẫn xem được, trong khi yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông là khi thấy clip vi phạm thì phải gỡ bỏ hoàn toàn”, ông Tuấn được trích lời nói.
Về đề nghị gỡ bỏ video của Việt Nam, luật sư Hà Huy Sơn nhận định: "Tôi không biết YouTube có hoạt động kinh doanh ở Việt Nam hay không. Nếu mà có đăng ký hoạt động kinh doanh ở Việt Nam thì nó mới là đối tượng điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Nếu mà họ có đăng ký kinh doanh ở Việt Nam thì cái việc đưa các nguồn tin xâm phạm đời tư, trái với quy định của pháp luật Việt Nam thì cái yêu cầu dỡ bỏ thông tin đấy tôi cho rằng là cũng có cơ sở pháp lý".

Trong một thông cáo gửi cho báo chí, YouTube cho biết rằng “chúng tôi có các chính sách rõ ràng về các yêu cầu gỡ bỏ từ các chính phủ khắp thế giới”.
“Chúng tôi dựa vào các chính phủ thông báo cho chúng tôi các nội dung mà họ tin là trái phép thông qua các kênh chính thống, và nếu thấy hợp lý, chúng tôi sẽ thực hiện việc hạn chế sau khi xem xét kỹ lưỡng”, thông cáo viết tiếp. “Mọi yêu cầu này đều được theo dõi và đưa vào ‘Báo cáo Minh bạch’ của chúng tôi”.

VOA Việt Ngữ có tiếp cận báo cáo này và thấy rằng Việt Nam đã 12 lần yêu cầu Google gỡ bỏ các đoạn clip trên YouTube. Không chỉ Việt Nam mà chính phủ nhiều nước khác như Nhật hay Mỹ cũng từng có nhiều đề nghị như vậy.
Theo báo chí Việt Nam, trong cuộc gặp với Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Đại sứ Ted Osius phản ánh về “việc Google đang rất lo ngại về các quy định của Nghị định 72 về việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng và Thông tư 38 quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới”. Tới tối 22/3, Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội chưa đăng tải thông tin về cuộc gặp giữa ông Osius và ông Tuấn.

Việt Nam thời gian qua bị nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền như Human Rights Watch chỉ trích việc “kiểm soát Internet”, nhưng Hà Nội luôn bác bỏ cáo buộc này. - VOA

18.
Việt Nam bắt giữ hai blogger vì tuyên truyền chống Nhà nước

Reuters hôm nay 22/03/2017 loan tin Việt Nam đã bắt giữ hai blogger vì các bình luận chống Nhà nước, nhằm "cảnh cáo các trường hợp tuyên truyền chống đối" khác.
Ông Bùi Hiếu Võ, 55 tuổi, được biết dưới tên « Hieu Bui »trên Facebook, và Phan Kim Khánh, 24 tuổi, đã bị bắt giữ để điều tra vì cáo buộc « tuyên truyền chống nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam » - theo như thông cáo trên trang Facebook của chính phủ hôm nay.

Hãng tin Anh nhận định, mặc dù có những cải cách sâu rộng về kinh tế và tăng cường cởi mở trong xã hội, đảng Cộng Sản Việt Nam vẫn kiểm duyệt chặt chẽ các phương tiện truyền thông, hoàn toàn không dung thứ những chỉ trích.
Cổng thông tin điện tử bộ Công An nói rằng ông Võ đã « đăng tải nhiều thông tin có nội dung xuyên tạc, phỉ báng »chính quyền, cũng như « kích động sử dụng bom xăng và axit tấn công lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lực lượng công an ».

Ông Khánh thì quản trị hai blog (Báo Tham Nhũng, Tuần Việt Nam), ba trang Facebook (Báo Tham Nhũng, Tuần Báo Việt Nam, Dân Chủ TV), hai kênh YouTube (Việt Báo TV, Việt Nam online), « liên tục đăng nhiều thông tin có nội dung bịa đặt, xuyên tạc ». 
Reuters nhắc lại, tuần trước Hà Nội cũng đã kêu gọi tất cả các công ty làm ăn tại Việt Nam chấm dứt quảng cáo trên YouTube, Facebook và các mạng xã hội khác cho đến khi tìm được cách thức chận lại việc đăng tải những thông tin « độc hại » chống chính quyền.

Reuters cũng dẫn nguồn tin chính quyền cho biết, cả hai blogger trên làm việc với đảng Việt Tân có trụ sở tại Hoa Kỳ, vốn bị Hà Nội coi là tổ chức khủng bố và bất kỳ người Việt nào có liên can đều bị cho là đồng phạm và bị trừng phạt.
Trang thông tin của bộ Công An Việt Nam nói thêm, ông Bùi Hiếu Võ có móc nối với thành viên của Việt Tân tại Úc. Ông Phan Kim Khánh thì có liên lạc với « một số đối tượng phản động » trong đó có blogger Nguyễn Văn Hải tức Điếu Cày ở Mỹ, tham gia quản trị một số trang mạng của Việt Tân và một số tổ chức hải ngoại khác. - RFI

Link:

Không có nhận xét nào: