Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 2 tháng 3, 2017

Tin Cập Nhật Thứ Năm 2/3 - Lê Minh Nguyên


Trung Quốc khẳng định ủng hộ WTO  Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 2/3 tuyên bố Bắc Kinh ủng hộ việc làm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sau khi chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết có thể bất chấp phán quyết của WTO mà Washington xem là can thiệp vào chủ quyền của Mỹ.<!>
Duy trì một hệ thống đa phương công bằng và cởi mở, với WTO ở vị trí trung tâm, có lợi cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu và vì lợi ích của tất cả mọi người, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói.
"Kể từ khi Trung Quốc gia nhập WTO, Trung Quốc đã luôn luôn chủ động hỗ trợ công tác của WTO, và lập trường này sẽ không thay đổi," ông nói trong cuộc họp báo hàng ngày khi được hỏi về đề nghị của Mỹ.

Bộ Thương mại Trung Quốc từ chối bình luận.

Trong một văn kiện về nghị trình chính sách thương mại hàng năm công bố trước Quốc hội vào ngày thứ Tư, văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ cho biết chính quyền "sẽ không dung chấp" những tập tục thương mại bất công làm méo mó thị trường.
Những tập tục này bao gồm từ thao túng tiền tệ và trợ cấp không công bằng của chính phủ cho tới đánh cắp tài sản trí tuệ, văn kiện này cho biết.

Văn kiện cho thấy chính quyền Mỹ có thể tìm cách thúc đẩy giới hạn của những gì được xem là chấp nhận được theo những quy định của WTO nhằm giữ đúng lời hứa lúc vận động tranh cử là sẽ cắt giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc và Mexico, và đem công ăn việc làm trong ngành sản xuất trở về Mỹ.
Nó đánh dấu một hướng đi khác với sự tuân thủ nghiêm ngặt của chính quyền Obama đối với WTO trong những thách thức của Mỹ đối với những tập tục thương mại bất công của nước ngoài.

Trung Quốc, lo lắng những ngành công nghiệp lệ thuộc vào xuất khẩu của mình sẽ bị tổn hại, đã nhiều lần thúc giục các nhà lãnh đạo toàn cầu khước từ chủ nghĩa bảo hộ thương mại, điều mà ông Trump đã cổ súy trong chiến dịch "Nước Mỹ Trên hết" của mình. - VOA

2.
Lập pháp EU tăng áp lực áp đặt visa lên công dân Mỹ

Nghị viện châu Âu ngày 2/3 kêu gọi lãnh đạo EU buộc người Mỹ phải đệ đơn xin visa trước khi đi thăm châu Âu trong mùa hè này, gia tăng áp lực để giải quyết tranh chấp xuyên Đại Tây Dương lâu nay về vấn đề này.
Hội đồng châu Âu nhấn mạnh là họ đang theo đuổi một giải pháp ngoại giao, cho nên khó có khả năng Hội đồng sẽ biểu quyết đặt ra thời hạn chót vào tháng 5 để áp đặt visa, động thái này có thể làm thiệt hại cho lãnh vực du lịch của châu Âu.

Washington từ chối miễn visa cho 4 quốc gia đông Âu và Síp, trong khi công dân của 23 nước thành viên khác có thể vào Mỹ qua chương trình miễn visa của nước này. Quy định của EU kêu gọi đối xử bình đẳng với toàn thể công dân Liên hiệp Châu Âu.

Các giới chức Hội đồng nhắc đến một hội nghị các bộ trưởng EU và Hoa Kỳ dự trù tổ chức vào ngày 15 tháng 7 tới  để cố gắng giải quyết vấn đề đã kéo dài kể từ năm 2014. Các giới chức EU đã ấn định một thời hạn chót để thông qua một giải pháp cách đây gần một năm, nhưng chưa có hành động nào cả.
Một phát ngôn viên của Hội đồng, đại diện cho hội đồng bao gồm chính phủ của 28 nước thành viên EU nói “Chúng tôi sẽ báo cáo những tiến bộ đạt được trước cuối tháng 6 và tiếp tục làm việc chặt chẽ với Nghị viện và Hội đồng EU.”

Một giới chức Hội đồng nói đang tiếp xúc với chính quyền Mỹ “để thúc đẩy cấp visa hoàn toàn hỗ tương,” nhưng không nói rõ sẽ có hành động ngay tức khắc.

Các nước cựu cộng sản Ba Lan, Croatia, Bulgaria, và Romania cũng như đảo Síp ở Địa Trung Hải đã kêu gọi Brussels chấm dứt kỳ thị của Hoa Kỳ đối với công dân nước họ.

Tuy nhiên cái giá phải trả về kinh tế khi hạn chế visa đối với hàng triệu du khách- doanh nhân Mỹ thăm châu Âu mỗi năm là một trở ngại lớn.

Hầu hết các nước EU thuộc vùng Schengen cho phép người dân tự do du lịch bên trong châu Âu không phải kiểm soát hộ chiếu.
Nghị viện châu Âu nhất trí thúc đẩy Hội đồng thông qua những biện pháp hạn chế đối với công dân Mỹ trong vòng 2 tháng.” Các nhà lập pháp ít có quyền hạn tức thời để bảo đảm hành pháp tuân thủ những yêu cầu này.
Canada cũng áp đặt yêu cầu visa đối với các công dân Bulgaria và Romania, nhưng đã loan báo là lệnh này sẽ được hủy bỏ vào tháng 12 năm nay. - VOA

3.
Ngạc nhiên dự báo tăng trưởng ‘chậm đôi chút’ của Ấn Độ

Các báo cáo hoạt động doanh thương trong thực tế, từ các đơn vị buôn bán nhỏ cho đến doanh nghiệp lớn, đều nói bị ảnh hưởng bởi trình trạng khan hiếm tiền do lệnh cấm lưu hành giấy bạc mệnh giá lớn của Thủ tướng Narendra Modi khiến có nhiều phân tích nói rằng kinh tế Ấn Ðộ sẽ bị giảm mạnh trong mấy tháng qua.
Thế nhưng các số liệu mới nhất lại cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế Ấn Độ chỉ giảm đôi chút trong 3 tháng vừa qua, khiến nhiều chuyên gia kinh tế ngạc nhiên.

Theo các số liệu chính thức, kinh tế Ấn Độ đã tăng trưởng với tốc độ 7% trong giai đoạn 3 tháng từ tháng 10 đến tháng 12 – thấp hơn mức dự báo trước đó là 7,4%, song tốc độ tăng trưởng đó là quá cao so với dự kiến.

Các số liệu đó là một tin phấn khởi cho chính phủ vốn đang bị các nhà kinh tế và lãnh đạo phe đối lập cực lực chỉ trích về lệnh cấm lưu hành giấy bạc có mệnh giá cao vào tháng 11 năm ngoái và khiến dân chúng rút khoảng 86% tiền mặt ra khỏi hệ thống ngân hàng. 
Chính phủ Ấn Ðộ nói lệnh cấm lưu hành tiền mệnh giá lớn là một nỗ lực của chính phủ nhằm tăng lượng dự trữ trong ngân hàng và siết chặt kiểm soát việc trốn thuế và tham nhũng.

Bộ trưởng Tài chính Arun Jaitley nói: "Mặc dù thực hiện việc loại bỏ một số loại tiền, chúng tôi tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất trên thế giới." Ấn Độ tự hào đã vượt qua tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc kể từ năm 2015.

Theo một báo cáo về nạn thiếu hụt tiền mặt ở các khu vực nông thôn, ông bộ trưởng cho biết "các dữ liệu cho thấy lĩnh vực nông nghiệp cũng thể hiện sự phát triển lành mạnh."
Tuy nhiên các chuyên gia tài chính ở Ấn Độ cảnh báo rằng tự hào và ăn mừng như thế là quá sớm.

Kinh tế gia N. Bhanumurthy thuộc Viện quốc gia về tài chính và chính sách ở New Delhi cho biết khi các dữ liệu cuối cùng được tổng hợp cho cả năm "chúng ta có thể phải giảm bớt những con số này."
Các chuyên gia nói rằng các dữ liệu có thể chưa phản ánh đầy đủ các tác động lên mọi khu vực kinh tế trên cả nước. - VOA

4.
Trung Quốc tham gia tiến trình hòa bình Myanmar

Chính phủ Myanmar đang gặp gỡ với một liên minh các nhóm phiến quân sắc tộc trong tuần này trong nỗ lực hồi sinh tiến trình hòa bình sau nhiều tháng bị đình trệ do bạo lực gia tăng ở phía bắc Myanmar.
Bạo lực gia tăng đã làm cho phai nhạt hy vọng mới chớm nở về khả năng bà Aung San Suu Kyi sẽ kiểm soát quân đội và thúc đẩy hòa bình. Tình hình bất ổn gần biên giới phía nam đã khiến Trung Quốc trực tiếp tham gia vào tiến trình hòa bình này.

Chính phủ Myanmar và các phiến quân đón nhận sự ủng hộ của Trung Quốc một cách thận trọng, nhưng một số nhà phân tích đặt câu hỏi liệu Bắc Kinh có đang tìm cách gây ảnh hưởng đến tiến trình này thông qua các liên kết với các nhóm nổi dậy hay không.

Nối lại đàm phán
Hôm thứ Tư, lãnh đạo thực quyền của chính phủ Myanmar, bà Aung San Suu Kyi đã tổ chức một cuộc họp cấp cao đầu tiên kể từ giữa tháng 10 với Hội đồng Liên bang Dân tộc Thống nhất (UNFC) có 7 thành viên bao gồm cả nhóm quân đội Độc lập Kachin (KIA).

Họ thảo luận về các điều kiện của phiến quân để tham gia hội nghị hòa bình, ký kết thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc (NCA), và tham gia vào một cuộc đối thoại chính trị để thành lập một hội đoàn dân chủ liên bang.

Tám trong số 21 nhóm phiến quân đã ký NCA vào năm 2015, việc này được các chính phủ phương Tây hỗ trợ và khen ngợi. Chính phủ Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) muốn tập hợp tất cả các nhóm với nhau.
Nhưng khôi phục niềm tin cần thiết sẽ không được dễ dàng. Các nhóm phiến quân đã bị chọc tức bởi sự im lặng của NLD trong cuộc tấn công gần đây của quân đội, trong đó theo hiến pháp, quân đội kiểm soát Bộ quốc phòng và Bộ Nội vụ.

Sự tham gia của Trung Quốc 
Kể từ tháng 9, quân đội đã phát động các cuộc tấn công lớn, với nhiều cuộc không kích, nhắm vào nhóm KIA và dân tộc Ta'ang, Kokang và nhóm phiến quân Rakhine ở miền bắc Myanmar.

Bốn nhóm đã thành lập Liên minh phương Bắc-Miến Điện vào cuối tháng 11và phát động các cuộc tấn công trả đũa nhắm vào khu vực Muse, khu biên giới Myanmar-Trung Quốc có tỷ trọng mậu dịch hàng năm hơn 4 tỷ đôla. Các phiến quân đã chiếm thị trấn biên giới Móng Ko trong nhiều tuần và làm hư hại cầu, đường.
Cuộc giao tranh xảy ra buộc hàng ngàn người dân phải chạy trốn sang Trung Quốc nên Bắc Kinh lên tiếng kêu gọi một lệnh ngừng bắn ngay lập tức. Thỉnh thoảng Trung Quốc đã ủng hộ tiến trình hòa bình kể từ khi cuộc xung đột nổ ra ở miền bắc Myanmar vào năm 2011. Hiện nay các cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc đang đưa tin nhiều hơn và Trung Quốc đã bắt đầu tổ chức nhiều cuộc họp.

Hoan nghênh Bắc Kinh

Giám đốc văn phòng Euro-Burma, ông Harn Yawnghwe, người đã tham dự cuộc họp này nói với đài VOA rằng: "ông Sun Guoxiang nói rằng Trung Quốc sẽ không can thiệp vào Myanmar ... Trung Quốc sẽ không hành động như là một quan tòa hoặc một trọng tài. Nhưng Trung Quốc muốn thấy hòa bình và ổn định ở Myanmar. "
Ông Yawnghwe nói thêm rằng dưới những điều kiện mà các nhóm NCA đã ký, có lẽ sẽ chấp nhận sự tham gia của Trung Quốc.

Thư ký UNFC Khu Oo Reh nói rằng liên minh chưa liên lạc với Trung Quốc và liên minh vẫn đang xem xét vai trò của Trung Quốc trong tiến trình này là gì.

Zaw Htay, người phát ngôn của bà Aung San Suu Kyi nhấn mạnh rằng quá trình NCA đã "xuất phát từ địa phương" nhưng cho biết nhà lãnh đạo Myanmar đã yêu cầu Trung Quốc hỗ trợ trong chuyến thăm tháng 8 đến Bắc Kinh rằng "Trung Quốc là quốc gia quan trọng để khuyến khích tất cả các nhóm không tham gia ký kết cùng ngồi lại với nhau." - VOA

5.
Đảng đối lập Cam Bốt bầu lãnh đạo mới

Đảng đối lập chính ở Cam Bốt CNRP ngày 02/3/2017 bầu lãnh đạo mới, một tháng sau khi chủ tịch đảng Sam Rainsy từ chức.
Hãng tin Pháp, AFP nhắc lại, hôm 11/02/2017, ông Sam Rainsy, chủ tịch đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt (CNRP) bất ngờ thông báo rút lui khỏi vị trí lãnh đạo, sau hai thập kỷ đứng đầu lực lượng chính trị đối đầu với thủ tướng Hun Sen. Sam Raisy đang sống tại Pháp, đã bị tư pháp kết án tại Cam Bốt.

Hôm nay, đảng CNRP đã chỉ định ông Kem Sokha, trước là phó của Sam Rainsy, làm chủ tịch đảng. Phát biểu trước các thành viên lãnh đạo đảng, ông Kem Sokha thừa nhận thời gian qua, đối lập đã trải qua nhiều «  bão tố chính trị ».
Các lãnh đạo của đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt, trong đó có cả ông Kem Sokha đã bị dính án hoặc có những rắc rối với tư pháp.
Tháng trước, Quốc Hội Cam bốt đã thông qua điều luật cho phép giải tán các đảng phái chính trị vi phạm pháp luật hay trong ban lãnh đạo có người bị kết án. Các nhóm bảo vệ nhân quyền ở Cam Bốt coi đó là một công cụ của chính quyền Hun Sen nhằm ngăn chặn đối lập, loại bỏ các đối thủ chính trị từ xa. - RFI

6.
Đài Loan tăng cường tuần tra tại Biển Đông

Bộ trưởng Quốc Phòng Đài Loan, ngày 02/03/2017 tuyên bố Hải quân và Không quân của Đài Loan sẽ gia tăng tuần tra tại Biển Đông, đồng thời tiến hành các cuộc luyện tập chung giữa hai binh chủng để đối phó với sức mạnh quân sự của Trung Quốc.
Phát biểu tại Quốc Hội Đài Loan, bộ trưởng Phùng Thế Khoan (Feng Shih Kuan), được Reuters trích dẫn, đánh giá rằng Trung Quốc thay đổi chiến lược và đầu tư vào các vũ khí, thiết bị quân sự mới, quân đội của Đài Loan « cần có những cải cách mới trong hoạt động huấn luyện… Lực lượng Hải quân, khi đi tuần tra ở Biển Đông, sẽ tiến hành luyện tập với lực lượng Không quân, để bảo vệ ngư dân, các tàu tiếp tế hậu cần, đồng thời thao dượt các hoạt động cứu hộ » nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng tuần tra trên biển và trên không.

Lãnh đạo quốc phòng Đài Loan đã tuyên bố như trên trong bối cảnh ngân sách quốc phòng 2017 của Trung Quốc sẽ được thông báo nhân khóa họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc, khai mạc vào cuối tuần này.
Bắc Kinh thường xuyên đe dọa, nếu cần, sẽ dùng vũ lực đánh chiếm lại đảo Đài Loan, mà Trung Quốc coi là một tỉnh của nước này.

Còn tại Biển Đông, Đài Loan hiện chiếm giữ Ba Bình, đảo lớn nhất trong vùng quần đảo Trường Sa, nơi đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei.

Trung Quốc thường xuyên điều chiến đấu cơ đi tuần tra ở Biển Đông và gần đây, lấy danh nghĩa tập trận, Bắc Kinh điều hàng không mẫu hạm tiến sát vào đảo Đài Loan.

Do vậy, theo bộ trưởng Quốc Phòng Phùng Thế Khoan, việc triển khai và phối hợp luyện tập giữa các lực lượng Không quân và Hải quân ở Biển Đông là nhằm bảo đảm an ninh cho Đài Loan. - RFI

7.
Đội bóng đá người Tây Tạng bị từ chối visa Mỹ

Một đội bóng đá nữ người Tây Tạng nói họ bị từ chối visa vào Mỹ để tham dự một giải đấu ở Texas. 
Họ cho biết họ bị trả lời là "không có lý do chính đáng" để vào Mỹ. 

Hầu hết các nữ cầu thủ là người Tây Tạng tỵ nạn sống ở Ấn Độ, và họ đến xin visa tại sứ quán Mỹ ở Delhi.

Dưới chính quyền ông Trump, Mỹ tạm thời cấm công dân từ bảy quốc gia vào Mỹ. Nhưng công dân Tây Tạng và Ấn Độ không có trong danh sách này. 
Cassie Childers, giám đốc của Hội bóng đá nữ Tây Tạng và là một công dân Mỹ, cho BBC hay bà đã đi cùng đoàn 16 nữ cầu thủ đến phỏng vấn ở sứ quán hôm 24 tháng Hai. 

"Tôi thất vọng vì chúng tôi đã lên kế hoạch cho chuyến đi này từ nhiều tháng trước. Đó là một khoảng khắc lớn trong cuộc đời của mỗi cầu thủ khi họ được thông báo về chuyến đi. Đây lẽ ra là cơ hội họ cho thế giới biết phụ nữ Tây Tạng có khả năng đạt được bất cứ điều gì," bà nói. 
Bà Childers cũng nói thêm bà "hổ thẹn" vì đất nước bà đã từ chối cấp visa cho đội bóng đá nữ này. 

Tuy nhiên, bà cho rằng việc đội bị từ chối visa không phải là do chính quyền ông Trump. 

"Tôi đã sợ chuyện này sẽ xảy ra. Người Tây Tạng thường khó xin được visa Mỹ vì giới chức lo ngại họ sẽ xin tỵ nạn," bà nói. 

Bà cho biết đội bóng "có tinh thần tốt mặc dù gặp trở ngại này."

"Các cầu thủ rất tích cực. Tôi rất nản nhưng họ làm tôi hăng hái. Tôi hy vọng những nước khác, nơi người Tây Tạng được chào mừng, sẽ mời chúng tôi. Còn không, chúng tôi sẽ vẫn tụ tập ở một thành phố Ấn Độ và tập luyện."
Hầu hết các nữ cầu thủ trong đội có Chứng minh thư Ấn Độ, giấy tờ tùy thân do chính phủ Ấn Độ cấp cho người tỵ nạn Tây Tạng và có thể dùng như hộ chiếu. 
Hai người trong đội có hộ chiếu Ấn Độ. 

Bốn cầu thủ khác sống ở Nepal, và là công dân Nepal, đã xin visa Mỹ ở Kathmandu, nhưng chưa nhận được hồi âm từ nhân viên sứ quán Mỹ.

Một quan chức chính phủ Mỹ phát biểu với hãng AP rằng họ không bình luận về các trường hợp cụ thể, nhưng quan điểm của Mỹ với Tây Tạng không thay đổi - Tây Tạng vẫn được công nhận là một tỉnh của Trung Quốc. 
Đội bóng nữ này định tham dự Dallas Cup, một giải đấu hàng năm cho các đội bóng trẻ trên toàn thế giới. - BBC

Tin Hoa Kỳ
8.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ tự loại mình khỏi cuộc điều tra liên quan tới Nga --- Mỹ: Ủy ban Tình báo sẽ điều tra liên hệ giữa Trump với Nga

Bộ trưởng Tư pháp Hoa Kỳ Jeff Sessions đã tự loại mình ra khỏi bất kỳ cuộc điều tra liên bang nào về sự can thiệp bị cáo buộc của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Ông Sessions trả lời câu hỏi của báo giới hôm thứ Năm sau khi báo The Washington Post loan tin rằng khi còn là thượng nghị sĩ Hoa Kỳ và là một thành viên trong ban vận động tranh cử của ông Trump, ông Sessions đã tổ chức hai buổi gặp gỡ trước bầu cử với Đại sứ Nga Sergei Kislyak, nhưng không khai báo thông tin này trong phiên điều trần chuẩn thuận ông.
Nhiều nghi vấn đã được nêu lên về việc liệu ông Sessions có nói chuyện với đại sứ Nga về chiến dịch tranh cử hay không. Một số nhà lập pháp của cả hai đảng đã yêu cầu ông Sessions phải tự loại mình ra khỏi cuộc điều tra, trong khi một số người thuộc Đảng Dân chủ nói rằng ông nên từ chức, cáo buộc ông nói dối sau khi đã tuyên thệ.

Ông Sessions đã khai chứng hữu thệ tại phiên điều trần chuẩn thuận ông rằng, "Một vài lần tôi được gọi là người đại diện phát biểu trong chiến dịch đó và tôi không có trao đổi liên lạc nào với người Nga, và tôi không thể bình luận về việc này."
Ông Sessions nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng ông không bao giờ có ý định lừa dối bất cứ ai và câu trả lời của ông là "trung thực và chính xác" như ông hiểu câu hỏi vào thời điểm đó.

Ông Sessions cho biết cuộc gặp với Đại sứ Kislyak - lần đầu tiên tại Đại hội Đảng Cộng hòa Toàn quốc vào tháng 7 và lần thứ hai tại văn phòng trong Điện Capitol của ông vào tháng 9 - không liên quan gì đến cuộc vận động tranh cử của ông Trump vào Tòa Bạch Ốc. Ông cho biết các cuộc hội đàm là một phần công việc của ông trên cương vị một thành viên của Ủy ban Quân vụ Thượng viện.

Ông cho biết ông và đại sứ nói về chủ nghĩa khủng bố và Ukraine, mô tả cuộc trò chuyện có lúc "căng thẳng" khi nói tới sự can dự của Nga ở Ukraine.
Ông Sessions hôm thứ Năm nói rằng ông quyết định tự loại mình ra khỏi bất kỳ cuộc điều tra nào về sự can thiệp cáo buộc của Nga, theo khuyến nghị của nhân viên ông tại Bộ Tư pháp. Ông nói không ai nên xem quyết định của ông là sự xác nhận rằng bất kỳ cuộc điều tra nào hiện đang được tiến hành.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump cho biết ông "hoàn toàn" tín nhiệm ông Sessions và rằng ông Sessions không nên đứng ngoài cuộc điều tra. Ông cũng nói rằng ông không biết gì về cuộc gặp giữa ông Sessions với Đại sứ Nga cho đến khi truyền thông loan tin.

Bộ trưởng Tư pháp là quan chức chấp hành pháp luật hàng đầu của Mỹ.
Tòa Bạch Ốc và phe Cộng hòa cáo buộc phe Dân chủ chơi trò chính trị với vấn đề này. - VOA

***
Ủy ban Tình báo của Thượng viện Hoa Kỳ đồng ý mở cuộc điều tra cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm ngoái.
Cuộc điều tra sẽ rà soát những mối liên lạc giữa chiến dịch tranh cử của Donald Trump và Moscow, các thành viên Ủy ban xác nhận.

Đến nay, các thượng nghị sĩ Cộng hòa miễn cưỡng đồng ý với yêu cầu mở cuộc điều tra từ đảng Dân chủ.

Nhà Trắng phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái trong chiến dịch tranh cử.
FBI và Ủy ban Tình báo cũng đang xem xét cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Thông cáo của Ủy ban này cho biết chủ tịch Ủy ban Devin Nunes, và Dân biểu Adam Schiff đã nhất trí về cuộc điều tra.

Cuộc điều tra nhằm tìm kiếm lời đáp cho các câu hỏi sau:

Hoạt động mạng của Nga có nhằm chống lại Hoa Kỳ và đồng minh?

Chính phủ Hoa Kỳ có phản ứng gì trước những liên hệ của cơ quan an ninh Nga với chiến dịch tranh cử Mỹ? 

Mỹ cần làm gì để bảo vệ chính mình và các đồng minh trong tương lai?

Việc rò rỉ những thông tin mật có liên quan đến đánh giá của cộng đồng tình báo về các vấn đề này?
Tổng thống Trump liên tục bị đặt câu hỏi về mối liên hệ giữa các cố vấn của ông với Moscow từ chiến dịch tranh cử. Nhà Trắng kiên quyết phủ nhận những cáo buộc.

AP tường thuật rằng các luật sư của Nhà Trắng hôm 28/2 chỉ thị các nhân viên tại đây cất giấu những tài liệu có thể liên quan đến sự can thiệp của Nga vào bầu cử Mỹ.
Tuần trước, Chuck Schumer, Lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện cho biết: "Có mối quan ngại thực sự rằng một số người trong chính quyền có thể đang cố che đậy mối liên hệ với Nga bằng cách xóa các email, văn bản và hồ sơ có thể đem lại manh mối về vụ này."

Cộng đồng tình báo Mỹ kết luận rằng cáo buộc tin tặc Nga tấn công dữ liệu của các tổ chức Dân chủ được tiến hành nhằm giúp ông Trump đánh bại bà Hillary Clinton.

Cố vấn An ninh Quốc gia Michael Flynn đã bị sa thải tháng trước sau khi ông bị phát hiện lừa dối Nhà Trắng về những cuộc trao đổi với Đại sứ Nga tại Mỹ. - BBC

9.
Chính quyền Obama chuyển thông tin tình báo về Nga cho Quốc hội

Báo New York Times đưa tin rằng một số quan chức của chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama tìm cách chuyển thông tin về các mối liên hệ có thể có giữa chiến dịch tranh cử của ông Trump và các quan chức Nga, nhằm phục vụ công tác điều tra sau này.
Báo The Times dẫn nguồn từ các quan chức hiện tại và trước đây, trong đó một số người cho rằng họ “lên tiếng để thu hút sự chú ý đến nguồn thông tin này, và để bảo đảm Quốc hội điều tra.”

Báo Times cho biết nguồn thông tin đến từ nhiều đồng minh của Mỹ, trong đó có Anh và Hà Lan, mô tả các cuộc họp giữa các quan chức Nga và các cộng sự của ông Trump tại thành phố châu Âu. Báo này cũng trích dẫn việc cơ quan tình báo Hoa Kỳ ngăn chặn việc các quan chức Nga thảo luận về những mối quan hệ với các cộng sự của ông Trump.

Ông Trump bác bỏ một bản tin của Times trước đó cho biết các nhà chức trách Hoa Kỳ đã có thông tin các liên lạc lặp đi lặp lại giữa những người có liên quan với các chiến dịch tranh cử của ông Trump và các quan chức tình báo Nga.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, Sean Spicer, nói rằng không có gì mới với bài báo này.

Báo Times dẫn lời ông Spicer nói: "Tin mới duy nhất là những người được bổ nhiệm chính trị trong chính quyền của ông Obama đã tìm cách để tạo ra một câu chuyện, tạo cớ biện hộ cho sự thất bại của họ trong cuộc bầu cử."

Cựu Tổng thống Obama khi đó đã ra lệnh thẩm định tin tức tình báo và kết quả cho thấy Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch gây ảnh hưởng cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 với mục tiêu giúp ông Trump giành chiến thắng.

Báo Times cho biết vào những ngày cuối của chính quyền Obama, các quan chức xử lý thông tin tình báo thô chuyển thành các báo cáo có mức độ thông tin mật thấp để bảo đảm rằng nhiều người hơn có thể tiếp cận, và chuyển thông tin này cho các dân biểu ở Quốc hội.
Tờ báo này cho rằng, theo các quan chức chính quyền cấp cao trước đây, bản thân ông Obama không tham gia vào các nỗ lực chuyển giao các thông tin tình báo này. - VOA

10.
Ngoại giao Mỹ bị "lu mờ" dưới thời Donald Trump?

Một ngoại trưởng vô hình. Một bộ Ngoại Giao bị xem nhẹ và bị đe dọa cắt giảm mất 1/3 ngân sách. Lãnh đạo kém năng lực. Chưa bao giờ ngành ngoại giao Mỹ lại thảm hại như lúc này.
Ai cũng biết rằng ngoại trưởng và bộ Ngoại Giao cùng với các đại sứ và tổng lãnh sự là những bộ phận thực thi các chính sách đối ngoại do Nhà Trắng và Hội Đồng An Ninh Quốc Gia NSC vạch ra. Nhưng việc ông Donald Trump thông báo tăng 9% ngân sách quốc phòng, bù lại cắt giảm ngân sách nhiều ban bệ, trong đó có bộ Ngoại giao và nguồn tài trợ quốc tế thông qua Cơ Quan Hỗ Trợ Phát Triển USAID, trực thuộc bộ Ngoại Giao, đang khiến các quan chức và giới ngoại giao Mỹ hiện nay lo lắng.

Tại Washington hiện đang lan truyền những đồn đãi về một kế hoạch cắt giảm đến 37% trên khoản ngân sách hằng năm là 50 tỷ đô la của bộ Ngoại Giao. Tuy đề xuất ngân sách cho năm 2018 này còn phải được Quốc Hội thông qua, nhưng con số đề xuất đã gây « chấn động » tại Washington, kể cả những chính khách thuộc phe Cộng Hòa ủng hộ ông Trump.

Theo họ, cắt giảm ngân sách của bộ Ngoại Giao và USAID « có lẽ sẽ là một thảm họa », vì « nguồn hỗ trợ quốc tế chiếm chưa tới 1% ngân sách nhưng rất cần thiết cho an ninh quốc gia », giúp « ngăn chặn các cuộc xung đột ».
Thế nhưng, theo AFP, sự « mờ nhạt » đó của bộ Ngoại Giao Mỹ có lẽ cũng bắt đầu từ ngày 01/02/2017, ngày ông Rex Tillerson chính thức trở thành lãnh đạo thứ 69 của ngành ngoại giao Hoa Kỳ. Ngay từ ngày đó, nhiều tiếng xầm xì đã lan truyền khắp các hành lang cho rằng mọi việc có lẽ sẽ trái ngược hẳn với người tiền nhiệm John Kerry.

Nếu so về mặt tính cách, cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí ExxonMobil lại là một người rất kín tiếng so với một John Kerry tuy diễn giải dài dòng, nhưng rất chuyên nghiệp và có giao tiếp rộng với báo giới. Trong vòng một tháng, tân ngoại trưởng Mỹ chỉ phát biểu có ba lần trước công chúng, nhưng lại không nêu bật được các ưu tiên trong chính sách ngoại giao của mình.

Tại Mêhicô, ôngTillerson lại tỏ vẻ không mấy lưu loát khi nói về cuộc khủng hoảng ngoại giao giữa hai nước và có vẻ như bị đồng nghiệp là bộ trưởng An Ninh Nội Địa John Kelly « lấn lướt ». Các cuộc đối thoại của ông với các đồng nhiệm nước ngoài chỉ hạn chế trong vài cái bắt tay, vài phép xã giao và các thông cáo báo chí. Nếu như trước đây, mỗi ngày phải có đến hàng chục các cuộc tiếp xúc thì giờ như nước nhỏ giọt.
Hơn nữa, không giống như tất cả những lần trước mỗi khi có sự thay đổi chính quyền tại Washington, lần này, thời hạn bổ nhiệm các vị trí ngoại giao bị khuyết kéo dài một cách không bình thường. Rex Tillerson thậm chí còn bị mất một người cộng sự được cho là rất già dặn kinh nghiệm mà ông rất mong muốn giữ lại.

Một điểm bất thường khác được hãng tin Pháp để ý đến là sự biến mất của các cuộc họp báo ngắn mỗi ngày, được coi là hoạt động « thiêng liêng » của phát ngôn viên bộ Ngoại Giao từ hôm 19/02/2017 đến nay. Từ nhiều thập niên nay, cuộc họp báo này, vốn thường được phát trực tiếp trên các đài truyền hình, làm say mê các trang mạng xã hội, cho phép nền ngoại giao Hoa Kỳ nêu rõ các quan điểm của mình về các cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới. Theo tiết lộ, thông lệ này sẽ được nối lại vào ngày 06/3 tới đây, nhưng rất có thể là sẽ không diễn ra mỗi ngày như trước nữa.

Nền ngoại giao Mỹ tương lai sẽ ra sao ? Phải chăng tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ trên thế giới đang có nguy cơ bị « lu mờ » dần dưới thời Donald Trump? - RFI

Tin Việt Nam
11.
Hội Đồng Liên Tôn VN tại Hoa Kỳ cố vấn cho DB Correa

Dân biểu liên bang Lou Correa muốn Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ làm cố vấn về tôn giáo và nhân quyền cho ông và thường xuyên cập nhật cho ông về các diễn biến liên quan đến tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam, theo một thành viên của Hội đồng.
Một ngày sau khi tuyên thệ nhậm chức, dân biểu liên bang Hạ Viện Hoa Kỳ Lou Correa đã gặp gỡ Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ. Buổi gặp diễn ra tại văn phòng Địa Hạt 46 của quận Cam, California, ngày 23/2.

Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, Tổng thư ký Hội Đồng Liên Tôn tại Hoa Kỳ nói với VOA hôm 28/2 rằng dân biểu Correa rất quan tâm đến tình hình Việt Nam và “ông muốn có những biện pháp thích ứng ngay.” Giáo Sư Giàu nói:
“Trong tuần vừa qua Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ đã có cuộc gặp mặt với dân biểu liên bang Lou Correa. Chúng tôi biết ông là một người tích cực trong mọi công tác tranh đấu cho tự do dân chủ và nhân quyền, và đặc biệt là tự do tôn giáo tại Việt Nam. Vừa qua, trước việc đồng bào Việt Nam bị đàn áp, chúng tôi không thể thờ ơ trước thảm họa của đất nước. Tiếng nói của dân biểu và Quốc hội Hoa Kỳ là những tiếng nói quan trọng. Chúng tôi cũng trình bày cho ông biết những việc xảy ra ở đất nước mình.”

Theo giáo sư Nguyễn Thanh Giàu, dân biểu Correa mong muốn Hội Đồng Liên Tôn thường xuyên trao đổi thông tin, nhất là giúp ông cập nhật về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam:
“Ông muốn là Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ giữ liên hệ thường xuyên với ông, giúp cho ông, làm cố vấn trong vấn đề nhân quyền, cũng như tự do tôn giáo ở tại quê nhà. Ngày hôm đó chúng tôi cũng đệ trình cho ông một bản lên tiếng của Hội Đồng Liên Tôn tại Việt Nam cho văn phòng của ông Lou Correa và bản lên tiếng mới nhất của Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ yểm trợ cho vấn đề hiện tại.”

Giáo sư cho biết thêm trong buổi gặp với dân biểu Correa, các chức sắc đại diện các tôn giáo trong Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ đã lần lượt trình bày những vụ đàn áp tôn giáo, việc giam giữ, quản thúc, sách nhiễu các chức sắc tôn giáo khi họ đến tỉnh Vĩnh Long ngày 13/2, và đàn áp giáo dân Song Ngọc ngày 14/2 khi họ lên tiếng đòi Formosa phải ngưng việc làm thiệt hại cho môi trường và phải bồi thường thoả đáng cho những thiệt hại mà Formosa đã gây ra.

Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ được thành lập vào năm 1993, là một tổ chức bao gồm các lãnh đạo tinh thần của các tôn giáo gồm có: Cao Đài, Chính Thống Giáo, Công Giáo, Phật Giáo, Phật Giáo Hoà Hảo và Tin Lành.
Các chức sắc của Hội đồng gặp dân biểu Correa gồm có Mục sư Nguyễn Xuân Hồng (Tin Lành), Linh mục Trần Văn Kiểm (Công Giáo), Giáo sư Nguyễn Thanh Giàu (Phật Giáo Hoà Hảo), Chánh trị sự Hà Thủ Băng (Cao Đài) và ông Nguyễn Khanh.

Dân biểu liên bang Hạ Viện Hoa Kỳ Lou Correa, thành viên đảng Dân chủ, đại diện cho địa hạt 46 của California tuyên thệ nhậm chức vào ngày 22/2. Ông Correa đắc cử chức dân biểu tiểu bang California năm 1998. Ðến năm 2004, ông đắc cử chức giám sát viên quận Cam. Năm 2006, ông đắc cử chức Thượng nghị sĩ California, Địa Hạt 34, và giữ vị trí này cho tới năm 2015.
Theo Giáo sư Giàu ông Correa “là một người bạn tốt và luôn nhiệt tình tranh đấu cho tất cả những nguyện vọng và nhu cầu của cộng đồng Việt Nam trong hơn 20 năm qua.” - VOA

12.
Xuất hiện video gây ‘sốc’ trong vụ xô xát tại Samsung Bắc Ninh

Một số video xuất hiện trên mạng đã quay lại cảnh xô xát mà báo chí quốc tế gọi là “gây sốc” giữa công nhân và bảo vệ của nhà máy Samsung Display tại Bắc Ninh, trong khi tại khuôn viên nhà máy có đến cả ngàn công nhân tập trung.
Các video lan truyền trên mạng cho thấy từng lớp công nhân tiến vào phía hàng rào rồi bị đẩy ra khi lớp khác lại lao vào. Một video khác cho thấy có một người nằm bất động dưới đất và những người xung quanh liên tục nói “Thôi, đừng đánh nữa”. Một số người nói nạn nhân là một nhân viên người Hàn Quốc của công ty Samsung Display.

Tin tức trong nước cho hay vào khoảng 1 giờ ngày 28/2, đã xảy ra một vụ ‘xô xát’ giữa công nhân và bảo vệ của công ty Samsung Display tại Khu công nghiệp Yên Phong Viglacera, Bắc Ninh, khiến “cả nghìn” công nhân tập trung tại khuôn viên của nhà máy này.
VnExpress dẫn lời một nhân chứng cho biết "Đến giờ làm việc, nhiều người xếp hàng đứng ở cổng chờ bảo vệ kiểm tra, một nam công nhân khoảng 40 tuổi bị người phía sau xô ngã, nhóm bảo vệ kéo anh này vào phòng và xảy ra ẩu đả. Nhiều công nhân bức xúc, truy đuổi nhóm bảo vệ".

Trong khi đó, một nhân chứng khác cho báo Tiền Phong biết khi các công nhân xếp hàng làm thủ tục rời khỏi công trường sau ca làm việc, một công nhân người Việt đã bị lực lượng bảo vệ, gồm cả người Hàn Quốc và Việt Nam, nhốt vào phòng và hành hung. Hàng chục công nhân chứng kiến sự việc đã kéo vào đánh lại và đập camera giám sát và các thiết bị.

Phía Samsung sau đó đưa ra thông cáo nói đây là vụ va chạm giữa công nhân nhà thầu xây dựng và bảo vệ tại công trường. Công ty của Hàn Quốc khẳng định không có mâu thuẫn nào xảy ra giữa Samsung và người lao động Việt Nam.
Anh Hậu, một đốc công chuyên tuyển dụng công nhân cho các công ty Hàn Quốc ở Bắc Ninh, nói với VOA rằng quan hệ giữa giới công nhân và chủ lao động người Hàn Quốc trong khu vực là “khá tốt”. Anh nói:

“Hầu như người Hàn thì dễ làm việc hơn người Việt. Có quy củ, nhưng họ làm việc thoáng lắm, không như người Việt. Người ta không gây khó khăn cho mình đâu. Cái ông sếp mà em làm, ông ấy trả giá cao hơn một chút”.
Ngay sau khi xảy ra ẩu đả, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã gửi công văn hỏa tốc đến các cơ quan chức năng, yêu cầu lực lượng công an tìm hiểu nguyên nhân và vãn hồi trật tự trong khu vực.

Trong báo cáo gửi lãnh đạo tỉnh hôm 1/3, công an Bắc Ninh nói nguyên nhân dẫn đến xô xát là do “hệ thống kiểm soát an ninh tại các cổng từ của nhà máy hoạt động chậm, lực lượng bảo vệ có sơ suất trong khi làm nhiệm vụ, lượng công nhân thi công ở công trường đi làm nhiều, bị ùn với số lượng rất đông, tới hàng nghìn người, dẫn đến hiểu lầm và xô xát với một bảo vệ công trường”.
Vụ ẩu đả đã khiến một bảo vệ người Việt bị thương phải nhập viện và đã được xuất viện sau đó.

Samsung Display Việt Nam ở Bắc Ninh có tổng vốn đầu tư 4 tỷ đôla và dự kiến mang lại 20.000 việc làm tại Việt Nam, với mức doanh thu ước tính đạt 60 tỷ đôla vào năm 2020. - VOA

13.
Mỹ giúp Ninh Thuận xây dựng Trung tâm điều phối thiên tai

Một trung tâm điều phối quản lý thiên tai do Hoa Kỳ trợ giúp vừa được khai trương tại tỉnh Ninh Thuận vào hôm 1 tháng 3.
Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Mỹ ở Việt Nam hôm 2 tháng 3 cho biết, thông qua sự hợp tác chặt chẽ và hỗ trợ giữa Đại sứ quán Hoa Kỳ, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ và Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, trung tâm mới sẽ giúp các nhà chức trách địa phương điều khiển việc sơ tán người dân ra khỏi các khu nhà nguy hiểm, dự trữ nhu yếu phẩm dành cho cứu trợ khẩn cấp và ứng phó với hậu quả của các cơn bão bằng cách triển khai và liên lạc với đội ngũ ứng phó ban đầu tại các khu vực bị tàn phá nặng nề nhất. Ngoài ra, trung tâm cũng là có chức năng là nơi tránh bão an toàn.

Đây là một trong trong nhiều trung tâm điều phối thảm họa và trú ấn mà Hoa Kỳ và Việt Nam đang cùng xây dựng nhằm nâng cao khả năng ứng phó và chống chịu của Việt Nam khi thảm họa xảy ra tại các vùng ven biển. Kể từ năm 2009 đến nay, Hoa Kỳ đã giúp Việt Nam 23 triệu đô la xây dựng dựng các trung tâm điều phối quản lý bao gồm các khu trú ẩn thảm họa, trường học, trạm y tế và cầu ở nhiều thị trấn, làng xã trên khắp Việt Nam. - RFA

14.
Nhật Hoàng gặp thân nhân cựu lính Nhật ở Việt Nam

Tại khách sạn Sheraton ở Hà Nội vào trưa hôm 02/03, Nhật Hoàng và Hoàng hậu đã gặp 15 người là vợ, con, cháu của cựu lính Nhật tham gia hàng ngũ Việt Minh trong cuộc chiến chống Pháp tại Việt Nam.
Cuộc gặp dự kiến 15 phút đã kéo dài khoảng 40 phút với bầu không khí được mô tả là rất ấm áp.

Ông Trần Đức Hiếu, có cha là một lính Nhật, tham dự sự kiện này nói với Nguyễn Hoàng của BBC tiếng Việt tại Hà Nội rằng ông cảm thấy rất phấn khởi.
Khoảng 700 lính này được lệnh từ chỉ huy người Nhật phải về nước sau khi Pháp thua hồi 1954, nhưng những người đầu tiên trở về đã không được phép mang theo vợ người Việt và những người con ở Việt Nam. - BBC

15.
VN đứng 131/167 trong Chỉ số Dân chủ 2016 của Economist

Việt Nam đứng thứ 131/167 bảng Chỉ số Dân chủ 2016 của EIU (Economist Intelligence Unit), tổ chức dự báo và tư vấn có uy tín của Anh.
EIU thuộc nhóm The Economist Group, nhà xuất bản tạp chí The Economist.

Đây bảng xếp hạng mức độ dân chủ của 165 quốc gia và hai vùng lãnh thổ được EIU thực hiện hàng năm với đánh giá gần như toàn bộ dân số và đại đa số các quốc gia trên thế giới.
Bảng xếp hạng chia các quốc gia thành bốn loại: 

Thực sự dân chủ: 19 nước

Dân chủ chưa hoàn hảo: 57 nước
Dân chủ lai tạp (đang chuyển đổi): 40 nước

Chế độ chuyên chế, độc tài: 51 nước

Và Việt Nam (đứng thứ 131), Trung Quốc (136), Lào (151) và Bắc Hàn (167 - cuối bảng) là nằm trong nhóm Chế độ chuyên chế độc tài. So với các nước trong vùng Châu Á và Châu Úc, Việt Nam đứng thứ 24 trong số 28 nước được xếp hạng.
Nhóm nghiên cứu EIU, nhóm thực hiện bảng Chỉ số Dân chủ, gọi năm 2016 là "năm suy thoái dân chủ toàn cầu và với Hoa Kỳ là phá hủy dân chủ".

Các yếu tố và tiêu chuẩn đánh giá, xếp hạng của EIU
Chỉ số Dân chủ được EIU thực hiện theo đánh giá gồm 5 yếu tố, với thang điểm 10 (tối đa), bao gồm: 

I. quy trình bầu cử và đa nguyên; 

II. các quyền tự do của công dân; 

III. hoạt động của nhà nước; 

IV. sự tham gia chính trị; và 

V. văn hóa chính trị 

và chỉ số dân chủ của mỗi quốc gia được tính trung bình từ 5 yếu tố này.
So với các nước trong vùng Châu Á và Châu Úc, Việt Nam đứng thứ 24 trong số 28 nước được xếp hạng, và Việt Nam và một trong ba nước duy nhất trong số này (cùng với Trung Quốc và Bắc Hàn) có yếu tố Quy trình bầu cử và đa nguyên đạt 0 điểm. 

Việt Nam cũng là một trong số 5 nước (cùng với Trung Quốc, Lào, Bắc Hàn và Afghanistan) có chế độ chuyên chế độc tài tại vùng Châu Á-Úc, vùng bị đánh giá là trì trệ, không có chút thay đổi nào về dân chủ so với năm 2015.
Tuy nhiên so với năm 2015, Việt Nam lên được 3 bậc trong bảng xếp hạng (từ 134 lên 131).

Các nhà nước thuộc diện Chế độ chuyên chế, độc tài theo EIU là các nhà nước không có đa nguyên chính trị.

Tại đây một số cơ chế dân chủ chính thức có thể tồn tại nhưng không có thực chất. Bầu cử nếu có diễn ra thì không tự do và công bằng. 
Các đặc điểm khác là:
Những vi phạm quyền tự do dân sự bị bỏ qua. 
Truyền thông đặc trưng là thuộc sở hữu nhà nước hoặc do các nhóm có liên hệ với chính phủ cầm quyền kiểm soát. 
Có tình trạng đàn áp những chỉ trích chính phủ và kiểm duyệt nặng nề. 
Không có hệ thống tư pháp độc lập. - BBC

16
Số người siêu giàu ở Việt Nam tăng nhanh

Số người siêu giàu trên thế giới được dự báo sẽ tăng mạnh trong thập niên tới, theo báo cáo thường niên của Knight Frank Wealth Report, trong đó, mức tăng ở Việt Nam sẽ có tỷ lệ tăng cao nhất.
Bản báo cáo được Knight Frank, hãng chuyên tư vấn bất động sản có trụ sở tại Anh, thực hiện, nói rằng số những người có khối tài sản từ 30 triệu đô la trở lên trên toàn cầu sẽ tăng thêm 43% trong 10 năm tới, đạt 275.740 người, nhanh hơn nhiều so với mức tăng dân số trong cùng thời kỳ.

Ước tính tại Á châu tính đến 2026, số lượng người siêu giàu sẽ tăng gần gấp đôi, đạt hơn 88 ngàn người.
Theo bản báo cáo, lượng người siêu giàu ở Việt Nam, hiện mới chỉ là một cộng đồng nhỏ, được dự đoán là sẽ tăng lên 170% trong 10 năm tới, đạt 540 người, trong lúc tỷ lệ này ở Trung Quốc và Ấn Độ là 140% và 150%.

Nếu chỉ tính số người có tài sản trị giá hàng triệu đô la tại Việt Nam, tuy chưa đạt mức siêu giàu 30 triệu, thì con số được dự đoán sẽ tăng vọt, từ 14.300 lên 38.600 người trong cùng thời kỳ.
Tỷ lệ 170% chưa phải là mức tăng nhanh nhất Việt Nam từng đạt được.

Trong thời gian 2000-2006, giới siêu giàu đã tăng tới 320%, cũng là tỷ lệ cao nhất thế giới.
Cùng thời kỳ này, tỷ lệ tại Ấn Độ là 290%, và Trung Quốc là 281%, theo bản báo cáo của Knight Frank.

Tuy tăng cao về con số triệu phú, Việt Nam còn đứng sau Trung Quốc rất xa về con số tỷ phú.
Một báo cáo hồi tháng 10/2016 cho hay Trung Quốc có 594 tỷ phú - vượt trên cả Hoa Kỳ (535 người) - với ông Vương Kiện Lâm, đứng đầu danh sách khi đó nhờ khối tài sản 32,1 tỷ đôla.

Tuy nhiên chưa có người Trung Quốc nào lọt vào danh sách 20 người giàu nhất thế giới.
Một yếu tố quan trọng tác động tới việc thay đổi thu nhập trong năm 2016 là do kết quả hoạt động của các thị trường chứng khoán, tính trên giá trị tiền đô la Mỹ, theo Andrew Amoils, Giám đốc Nghiên cứu của New World Wealth, một hãng chuyên nghiên cứu thị trường toàn cầu. 
"Tại nhiều quốc gia, hoạt động này trong năm 2016 mạnh hơn nhiều so với 2015," bản báo cáo của Knight Frank trích dẫn lời Amoils.

Bản báo cáo cũng dẫn nguồn World Bank, theo đó đánh giá quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam trong thời gian 25 năm qua là "đáng kể", với việc các cải tổ kinh tế và chính trị đã được chuyển hóa thành mức thunhập được nâng cao.

Tuy World Bank cảnh báo rằng Việt Nam có thể dễ bị tổn thương trước các cơn sốc kinh tế và môi trường, nhưng viễn cảnh kinh tế vẫn khá tốt, với mức tăng trưởng GDP trung bình đạt khoảng 6% từ nay cho tới 2020.
"Chúng tôi trông đợi là số lượng các triệu phú Việt Nam sẽ tăng mạnh nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong các lĩnh vực chăm sóc y tế, trong ngành sản xuất và lĩnh vực dịch vụ tài chính," ông Amoils nói.

Các triệu phú đô la không chỉ giữ tiền trong ngân hàng, theo bản báo cáo, mà tính trung bình họ để 24% tài sản vào các khoản đầu tư bất động sản. 

Tất nhiên, 'bất động sản' được nhắc tới ở đây không bao gồm một hoặc hai căn nhà họ dùng để ở.

Gần một phần ba có kế hoạch đầu tư vào các bất động sản ở nước ngoài trong thời gian hai năm tới.
Dòng tiền từ nước ngoài đổ vào trong những năm gần đây đã dẫn tới việc giá bất động sản tăng mạnh tại một số thành phố được giới nhà giàu ưa thích ở Canada, Australia, New Zealand và Anh Quốc. - BBC

17.
Loại visa mới đi Úc cho giới trẻ Việt Nam

Từ ngày 1/3/2017, Việt Nam và Australia sẽ bắt đầu thực hiện chương trình "Thị thực Lao động Kết hợp Kỳ nghỉ" (visa subclass 462), theo thông cáo của Đại sứ quán Australia tại Việt Nam. 
Chương trình hợp tác này cho phép các công dân trẻ tuổi Việt Nam, với độ tuổi từ 18 đến 30, đến Australia trong thời hạn một năm để làm việc ngắn hạn và học tập. Chương trình này cũng cho phép các công dân trẻ tuổi Australia đến Việt Nam làm việc và du lịch.

Hàng năm sẽ có 200 ứng viên Việt Nam đủ tiêu chuẩn được cấp thị thực subclass 462 đến Australia và tương tự - 200 công dân Australia đủ tiêu chuẩn sẽ có thể nhập cảnh Việt Nam.
Theo chương trình này, các công dân Việt Nam đủ tiêu chẩn sẽ được lưu trú tại Australia trong thời hạn một năm. Trong thời gian đó, họ có thể tham gia vào các hoạt động trao đổi văn hóa và du lịch; lưu trú với thời hạn 12 tháng tại Ôxtrâylia kể từ ngày nhập cảnh đầu tiên; làm việc trong thời gian lưu trú 12 tháng, nhưng không quá sáu tháng với mỗi một chủ sử dụng lao động; và học tập không quá bốn tháng.

Các ứng viên cũng có thể xin visa subclass 462 lần thứ hai nếu họ đã từng làm việc trong các ngành du lịch, khách sạn, nông nghiệp, lâm nghiệp, đánh bắt thuỷ sản tại lãnh thổ phía Bắc Australia trong ba tháng.
Chương trình Thị thực Lao động Kết hợp Kỳ nghỉ được bắt đầu từ ngày 1/3/2017 và sẽ được mở lại vào 1 tháng Bảy hàng năm.

Trong Ngân sách Liên bang 2016-17, chính phủ Australia cho biết sẽ áp dụng thử nghiệm nhiều loại visa mới trong những thị trường quan trọng trong đó có Việt Nam để mời gọi khách du lịch và nhà đầu tư, trang Tin tức Australia cho hay. 
Được biết chính phủ Australia sẽ sớm đưa ra hình thức visa du lịch nhập cảnh nhiều lần trong 3 năm (three-year multiple entry visa) dành cho công dân của những quốc gia có nguy cơ thấp về di trú trong đó có Việt Nam, Thái Lan, Ấn Độ, và Chile. - BBC

Link:

Không có nhận xét nào: