Tại sao Kim Jong Un tự cho phép "lộng hành"?
Cuộc điều tra vụ ám sát Kim Jong Nam vẫn được cảnh sát Malaysia tiếp tục với tình tiết mới là khởi tố hai nữ nghi phạm người Indonesia và Việt Nam. Bình Nhưỡng không hợp tác và chỉ khẳng định nạn nhân là một công dân Bắc Triều Tiên mang hộ chiếu ngoại giao với tên Kim Chol. Còn Hàn Quốc, Malaysia và Hoa Kỳ đều khẳng định đó là người anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un.
Vụ ám sát xảy ra ngay giữa sân bay quốc tế Kuala Lumpur đông hành khách qua lại, khiến không ít người đặt câu hỏi lớn : Tại sao nhà lãnh đạo độc tài Bắc Triều Tiên tự cho mình quyền làm mọi việc ?
Theo một bài báo được đăng trên tờ Dongfang Ribao (Đông Phương Nhật Báo) phát hành tại Hồng Kông và được Courrier International trích dịch ngày 23/02/2017, lý do chính là sự « nương tay » của cả Bắc Kinh và Washington.
Kim Jong Un thách thức cả thế giới khi cho người ra tay ám sát anh trai ngay giữa thanh thiên bạch nhật và trước bàn dân thiên hạ. Trong khi giới chuyên gia còn đang tìm cách phân tích động cơ, lý do chọn thời điểm và địa điểm hành động để Bình Nhưỡng loại bớt một mối đe dọa, chắc Kim Jong Un đang cười đắc thắng « Các người làm gì được ta ? »
Trung Quốc dung túng Bắc Triều Tiên để thách thức Hoa Kỳ
Các cơ quan truyền thông Trung Quốc không đề cập nhiều đến tình tiết vụ ám sát và tiến trình điều tra. Tại sao ? Vì chính tại Bắc Kinh và Macao là nơi Kim Jong Nam chọn để « ở ẩn ». Tuy nhiên, tất cả đều đồng loạt nhấn mạnh đến việc nạn nhân là một người ủng hộ chính sách đổi mới và mở cửa, giống người chú Jang Song Thaek (từng là nhân vật số hai của chế độ trước khi bị xử tử năm 2013). Kim Jong Nam là một quân át chủ bài của Trung Quốc trong việc thuyết phục Bắc Triều Tiên tiến hành cải cách. Thế nhưng, với vụ sát hại tại Malaysia ngày 13/02/2017, chẳng còn ai dám hỏi người nào có thể đứng ra bảo vệ được Kim Jong Nam.
Từ hơn một nửa thế kỷ nay, ngành ngoại giao Trung Quốc đã đạt được nhiều thành công lớn nhưng vẫn tỏ ra bất lực trong việc kiểm soát tình hình chính trị nội bộ của các nước đồng minh. Dĩ nhiên, nhiều người sẽ cho rằng đó là chính sách tôn trọng chủ quyền và không can thiệp vào nội bộ của nước khác, nhưng lịch sử chứng minh rằng trên thực tế, hoặc ngành ngoại giao Trung Quốc bị trì trệ, hoặc chơi hai mặt. Hơn nữa, chính sách đối ngoại của Bắc Kinh, trong vòng 30 năm gần đây, còn được thúc đẩy bởi sự phát triển tâm lý Sô-vanh nước lớn và xu thế luật rừng.
Phải nói là Trung Quốc « gây hấn » với hầu hết các nước láng giềng : để miền bắc Miến Điện rơi vào cuộc chiến du kích ở vùng biên giới, nuôi tham vọng ngày càng lớn với quần đảo Điếu Ngư mà Nhật Bản quốc hữu hóa và gọi là Senkaku, gay gắt chỉ trích Tokyo không thừa nhận vụ thảm sát Nam Kinh và khẳng định Đài Loan là một phần lãnh thổ của Hoa Lục. Chỉ có mỗi chuyện gây sức ép với Bắc Triều Tiên hoặc thay đổi nước này là làm cho Trung Quốc phải « câm nín » về các thành tích của mình.
Để biện bạch cho lập trường ủng hộ chế độ của Kim Jong Un, xã hội Trung Quốc từng đưa ra rất nhiều luận điểm, trong đó phải nhấn mạnh đến « tình đoàn kết không gì lay chuyển được trước một mối nguy hiểm chung » song dường như « bảo bối » này không còn hiệu nghiệm, hay thuyết cùng nằm trong « khối xã hội chủ nghĩa ». Ngoài ra cũng có nhiều luận điểm mới xuất hiện, như « Trung Quốc chẳng được lợi lộc gì nếu bán đảo Triều Tiên thống nhất », nếu vậy thì phải chăng có điều gì đó hơi mất thể diện đối với một quốc gia đứng hàng thứ hai thế giới, và đang cố vươn lên hàng đầu như Trung Quốc, lại phải lo ngại sự cạnh tranh của nước láng giềng nhỏ bé hơn. Đương nhiên, Trung Quốc phải tìm cách bảo vệ các lợi ích của mình, nhưng tại sao Bắc Kinh cứ khăng khăng bảo vệ di sản mà Hoa Kỳ và Liên Xô để lại từ sau Thế Chiến II ?
Cũng có người nói rằng sức mạnh bá chủ của Trung Quốc càng hùng hậu nếu có thêm mộtkẻ « coi trời bằng vung » đứng ra thách thức Hoa Kỳ. Thế nhưng, thách thức của kẻ này (cụ thể là các cuộc thử nghiệm hạt nhân) có vẻ như là một thủ đoạn nhắm tới Hoa Kỳ, nhưng lại đe dọa trực tiếp đến lợi ích của Trung Quốc.
Bắc Triều Tiên tự do hành động vì toan tính của các cường quốc
Trên thực tế, nếu như một nhà lãnh đạo độc tài như Kim Jong Un tự cho mình thách thức mọi điều hay lẽ phải của nhân loại, các quy tắc cơ bản của cộng đồng quốc tế và quyền lực của Liên Hiệp Quốc, đó là nhờ vào những quan điểm trái ngược của các cường quốc. Chắc chắn sẽ có người hỏi tại sao Hoa Kỳ không trừ khử luôn Kim Jong Un như đã từng làm với Saddam Hussein và Muammar Kadhafi ? Nhưng nên nhớ là vào những thời điểm đó, Hoa Kỳ đã viện vào lý do chiến tranh ở Irak và cuộc nổi dậy ở Libya để can thiệp.
Một lý do quan trọng hơn là dù Hoa Kỳ có tức giận vì nguyên tắc không phổ biến vũ khí hạt nhân bị vi phạm, nhưng trên thực tế, mối đe dọa vũ khí nguyên tử ở những phần còn lại của thế giới hoàn toàn có thể kiểm soát được. Chắc chắn Mỹ nằm trong tầm bắn của vài chục quả tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên, nhưng« Chú Sam » có các phương tiện kỹ thuật để phòng ngừa. Vì vậy, mối đe dọa hạt nhân hay những lời đe dọa khủng bố của Bắc Triều Tiên nhắm vào Mỹ chỉ mang tính tượng trưng mà thôi.
Nếu đúng như vậy, bản thân Kim Jong Un, chế độ toàn trị của Bắc Kinh và những hành động khiêu khích ở bên ngoài không phải là mối đe dọa đối với an ninh quốc nội Mỹ và trật tự ở vùng Đông Bắc Á. Thực vậy, với Hoa Kỳ, Bắc Triều Tiên không đáng sợ bằng Trung Quốc và động thái của Bình Nhưỡng đang gây bất lợi cho Bắc Kinh. Đây mới chính là điều Washington tính toán và cũng là lý do giải thích tại sao thái độ « bao dung » của Trung Quốc đối với Bắc Triều Tiên không khiến Hoa Kỳ phẫn nộ.
Dù tổng thống Donald Trump đưa ra nhiều ý tưởng đặc biệt đang làm xáo trộn xã hội Mỹ trong những ngày đầu của nhiệm kỳ, nhưng hồ sơ Bắc Triều Tiên không nằm trong danh sách ưu tiên cần giải quyết của ông chủ Nhà Trắng. Điều này có thể hiểu là có rất ít khả năng Hoa Kỳ dùng đến sức mạnh quân sự để giải quyết triệt để mối đe dọa hạt nhân này.
Điểm cuối cùng, nếu Kim Jong Un vẫn có thể hành động một cách ngông cuồng và bắt người dân Bắc Triều Tiên chịu khổ cực, không phải vì ông ta là một thiên tài, mà do các nước khác để nhà lãnh đạo độc tài đó cơ hội hành động. Chừng nào còn đất diễu võ giương oai, Kim Jong Un còn hả hê thể hiện.
LHQ phanh phui mạng lưới buôn lậu quốc tế của Bắc Triều Tiên
Nhiều mặt hàng phương Tây được bán tại một khách sạn dành cho người nước ngoài ở Bình Nhưỡng. Ảnh minh họa ngày 08/10/2015.REUTERS/Damir Sagolj
Theo báo chí Hoa Kỳ, Liên Hiệp Quốc sắp công bố một bản báo cáo về các mạng lưới buôn lậu quốc tế, giúp chế độ Bình Nhưỡng có nguồn tài chính, để phát triển chương trình tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, bất chấp các trừng phạt của Hội Đồng Bảo An, nhờ sự đồng lõa của một số quốc gia. Mặc dù không bị lên án đích danh, nhưng vai trò của Trung Quốc - đồng minh chủ yếu của chế độ Bình Nhưỡng - bị phơi bày.
Hãng tin Hoa Kỳ CBS News ngày 02/03/2017 cho biết cụ thể đã có được trong tay bản báo cáo 105 trang, dự kiến sẽ được công bố trong một tuần nữa. Báo cáo của nhóm chuyên gia, thuộc Tiểu ban trừng phạt 1718 (tên của một nghị quyết Liên Hiệp Quốc), cho thấy chế độ Bắc Triều Tiên đã lập ra cả một hệ thống các cơ sở tài chính rất phức tạp với tên và địa chỉ giả, để vận chuyển vũ khí, tiền bạc và vàng. Báo cáo kết luận : Để vô hiệu hóa các lệnh cấm ngày càng nghiêm khắc của Liên Hiệp Quốc, Bắc Triều Tiên đã sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn trước.
Bắc Kinh cố ngăn báo cáo
Theo hãng thông tấn CNN, báo cáo do Hội Đồng Bảo An đặt làm, lẽ ra đã được công bố từ ngày 22/02. Theo một số nguồn tin, Trung Quốc tìm cách ngăn chặn việc phổ biến bản báo cáo này.
Thông tín viên Marie Bourreau từ New York cho biết thêm :
« Bắc Kinh đặc biệt không muốn bản báo cáo này được công bố và tìm mọi cách ngăn chặn. Bởi nhận định của các chuyên gia Liên Hiệp Quốc đang đặt Trung Quốc trước một áp lực rất lớn.
Nếu như Bình Nhưỡng có thể tiếp tục buôn bán được với quốc tế và đầu tư cho các vụ thử hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo, một phần chủ yếu là nhờ hậu thuẫn ngầm của Trung Quốc. Bắc Kinh đã dung túng nhiều cơ sở thương mại trung gian và nhiều tổ chức bình phong của Bắc Triều Tiên.
Từ các phương tiện quân sự bán cho Eritrea, Mozambique hay Cộng Hòa Dân Chủ Congo, đến tượng đồng các lãnh đạo châu Phi, hay quặng sắt xuất khẩu…, danh sách "thượng vàng hạ cám" trong báo cáo của nhóm chuyên gia Liên Hiệp Quốc cho thấy chế độ Bắc Triều Tiên không những đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, mà còn tìm cách lách các trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, để tiếp tục đưa hàng ra ngoài.
Bản báo cáo của Liên Hiệp Quốc xuất hiện vào thời điểm rất bất lợi cho Trung Quốc, bởi chính quyền Bắc Kinh vừa tỏ thiện chí, hồi giữa tháng Hai vừa qua, với quyết định tạm ngừng nhập than từ Bắc Triều Tiên, để phản ứng lại việc Bình Nhưỡng bắn thử tên lửa một lần nữa.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng Bình Nhưỡng đã đạt được những tiến bộ rất lớn trong chương trình tên lửa đạn đạo vào năm 2016. Như vậy, Trung Quốc đang bị dồn vào chân tường, buộc phải có hành động kiên quyết để ngăn chặn tham vọng của chế độ Bắc Triều Tiên ».
Kim Jong Nam : Malaysia truy nã một nghi can Bắc Triều Tiên
Ri Jong Chol, nghi can Bắc Triều Tiên duy nhất bị Malaysia bắt trong vụ án Kim Jong Nam, được thả ngày 03/03/2017.Kyodo/via REUTERS
Malaysia phải thả một nghi can và truy nã một nghi can khác, đều là người Bắc Triều Tiên, đó là diễn tiến mới nhất trong cuộc điều tra vụ ám sát Kim Jong Nam, người anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng Kim Jong Un.
Ri Jong Chol, nghi can Bắc Triều Tiên duy nhất bị cảnh sát Malaysia bắt được trong vụ án Kim Jong Nam đã được thả trong ngày 03/03/2017. Chưởng lý Mohamed Apandi Ali cho biết phải thả và trục xuất nghi can này vì « thiếu chứng cớ buộc tội ».
Trả lời phỏng vấn của AFP, giám đốc cảnh sát quốc gia Khalid Abu Bakar không che dấu tâm trạng bực tức : « Chúng tôi biết Ri Jong Chol có vai trò trong vụ ám sát nhưng bất hạnh thay, chúng tôi không đủ yếu tố để truy tố ông ta ». Người đứng đầu cảnh sát Malaysia bác bỏ tin đồn cho là có áp lực chính trị và ngoại giao.
Song song với quyết định trục xuất nghi can Ri Jong Chol, cảnh sát Malaysia phát lệnh truy bắt một công dân Bắc Triều Tiên khác, nhân viên của công ty hàng không Bắc Triều Tiên Air Koryo. Tư pháp Malaysia cũng yêu cầu bí thư thứ hai của Sứ quán Bắc Triều Tiên « hợp tác » điều tra.
Trong số 10 nghi can trong vụ ám sát bằng chất độc tê liệt thần kinh VX hôm 13/02/2017, bảy người Bắc Triều Tiên thoát về Bình Nhưỡng ngay trong ngày.
Hai nữ « sát thủ » người Indonesia và Việt Nam đã bị truy tố về tội giết người hôm 01/03/2017. Cả hai đối diện với án tử hình. Bộ Ngoại Giao Việt Nam cho biết sứ quán Việt Nam tại Kuala Lumpur sẽ trợ giúp pháp lý và tìm luật sư cho công dân Đoàn Thị Hương.
Kuala Lumpur cầu cứu tổ chức OPCW
Theo bộ Ngoại Giao Malaysia, Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học OPCW đã cung cấp cho cảnh sát Malaysia những thiết bị và kỹ năng điều tra cũng như sẽ hỗ trợ thêm trong tương lai. VX được sử dụng để giết Kim Jong Nam mạnh gấp 10 lần khí sarin, thuộc loại vũ khí sát hại hàng loạt bị Liên Hiệp Quốc ngăn cấm.
Những nguy cơ tài chính ám ảnh nghị trường Trung Quốc
Một công trường tại thành phố Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 03/03/2017.REUTERS/Aly Song
Làm thế nào giảm bớt nợ công mà không làm chậm tăng trưởng kinh tế, đó là bài toán nan giải đang đặt ra cho giới lãnh đạo Bắc Kinh, vào lúc mà nhiều nguy cơ tài chính đang ám ảnh các đại biểu Quốc Hội Trung Quốc tại kỳ họp thường niên, sẽ khai mạc ngày 05/03/2017.
Kỳ họp lần này của Quốc Hội Trung Quốc diễn ra trong bối cảnh năm 2017 đảng Cộng Sản sẽ mở Đại Hội mà trong đó nhiều vị trong số 7 lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, ngoại trừ chủ tịch Tập Cận Bình, sẽ về hưu.
Tại Trung Quốc, các đại biểu Quốc Hội chẳng có thực quyền gì vì ở nước này không có bầu cử dân chủ, tính chính đáng hiện nay của đảng Cộng Sản chính là dựa trên mức tăng trưởng kinh tế, mà trong nhiều năm vẫn ở mức hai con số. Thế mà tỷ lệ tăng trưởng này đã rơi xuống còn 6,7% vào năm 2016, mức thấp nhất từ một phần tư thế kỷ qua.
Trong những năm gần đây, chính quyền Bắc Kinh đã cố thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bằng cách đầu tư ồ ạt vào các dự án cơ sở hạ tầng và duy trì các lãi suất ở mức rất thấp, giúp cho các doanh nghiệp Nhà nước sống sót, nhất là những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ.
Nhưng chính sách này đã tạo ra một bong bóng đầu cơ trong các khu vực như nguyên liệu và nhất là địa ốc, với việc giá nhà đất ở một số thành phố tăng đến chóng mặt. Tín dụng địa ốc ở Trung Quốc trong năm 2016 đã lên tới gần 700 tỷ đô la, chiếm tới 45% tổng số khoản vay ngân hàng. Nếu bong bóng địa ốc này mà vỡ thì nó sẽ gây ra những hậu quả rất nặng nề cho nền kinh tế thứ hai thế giới.
Theo dự báo các chuyên gia của công ty Capital Economics, được hãng tin AFP trích dẫn, tại kỳ họp lần này của Quốc Hội, chính phủ Bắc Kinh sẽ tỏ ý định từ bỏ chính sách thúc đẩy tăng trưởng mang tính ngắn hạn để tập trung vào việc kềm chế các nguy cơ tài chính.
Ngày 02/03, chỉ ba ngày sau khi được bổ nhiệm, ông Quách Thụ Thanh, tân chủ tịch Uỷ Ban Giám Sát và Quản Lý Ngân Hàng Trung Quốc (CBRC), đã tuyên bố sẽ siết chặt quản lý ngành ngân hàng, « tấn công » vào nạn đầu cơ địa ốc và nạn tín dụng đen.
Cho tới nay, các ngân hàng Trung Quốc thường không quan tâm đến khu vực tư nhân, mà chỉ cấp các khoản vay cho những tập đoàn Nhà nước vừa làm ăn thua lỗ, vừa sản suất dư thừa. Những tập đoàn này sống sót được là nhờ tiếp tục vay nợ. Còn các ngân hàng thì lợi dụng các lãi suất rất thấp để đích thân đầu tư vào các thị trường và tham gia vào mạng lưới tín dụng đen, tức là tín dụng không được kiểm soát.
Nhưng vấn đề là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc mà chậm lại thì các căng thẳng xã hội sẽ bùng phát, áp lực sẽ gia tăng lên đồng nhân dân tệ, vốn đã rơi xuống mức thấp nhất từ 8 năm nay. Ấy là chưa kể tình trạng dòng vốn chảy ra nước ngoài sẽ còn trầm trọng hơn.
Các nhà quan sát đang chờ xem trong trong báo cáo hàng năm mà thủ tướng sẽ đọc tại Quốc Hội vào Chủ Nhật tới, chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế được đề ra cho 2017 là bao nhiêu, từ đó xác định là chính sách kinh tế của Trung Quốc sẽ đi theo hướng nào.
Dầu sao thì giới lãnh đạo Bắc Kinh không có con đường nào khác là phải thể hiện quyết tâm củng cố nền kinh tế trong bối cảnh Đại Hội Đảng sẽ diễn ra trong năm 2017 và trước nguy cơ nổ ra chiến tranh thương mại với nước Mỹ của Donald Trump.
Quốc hội Trung Quốc chuẩn bị khai mạc khóa họp thường niên
Lực lượng an ninh Trung Quốc tập hợp tại quảng trường Thiên An Môn, ngày 03/03/2017oliciers, soldats et bénévoles quadrillent Pékin.REUTERS/Tyrone Siu
Tại Bắc Kinh hôm nay, 03/03/2017, Hội Nghị Hiệp Thương Chính Trị Toàn Quốc Trung Quốc, gọi tắt là Chính Hiệp, khai mạc kỳ họp. Cuộc họp này diễn ra trước kỳ họp thường niên của Quốc Hội Trung Quốc sẽ bắt đầu từ ngày 05/03 trong bối cảnh đảng Cộng Sản Trung Quốc năm nay sẽ thay đổi ban lãnh đạo.
Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt gởi về bài tường trình :
« Khi những phần tử ưu tú của đảng Cộng Sản đổ về thủ đô, người dân bị đẩy ra xa. Các nhà đấu tranh nhân quyền, các nhà bất đồng chính kiến và dân khiếu kiện đều, hoặc là bị quản thúc tại gia, hoặc bị đuổi ra khỏi Bắc Kinh. Trên quảng trường Thiên An Môn, với Đại Lễ Đường Nhân Dân, nơi mà 3000 đại biểu sẽ dự họp, hôm nay không một bóng người. Trong khi đó, hàng trăm ngàn cảnh sát, binh lính và tình nguyện viên tuần tra khắp thành phố.
Đây chính là giờ của « Lưỡng hội », hai cuộc họp của Chính Hiệp và Quốc Hội Trung Quốc. Ngày Chủ nhật tới, các đại biểu, vốn không có thực quyền, sẽ tề tựu đông đủ để nghe bài diễn văn của thủ tướng Lý Khắc Cường.
Tăng trưởng đang mất đà, nợ công ở mức kỷ lục, sản xuất dư thừa gây tác hại cho kinh tế : Ông Lý Khắc Cường sẽ trình bày kế hoạch của chính phủ để đối phó với những thách thức đó. Một vấn đề trọng yếu khác : sau khi Hoa Kỳ loan báo tăng mạnh ngân sách quân sự, Trung Quốc sẽ dành cho quân đội nước này bao nhiêu tiền ? Vào năm 2016, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc chỉ tăng 7,6%, nhưng căng thẳng gia tăng ở Biển Đông có thể làm thay đổi tình hình.
Trong hậu trường, đại biểu nào cũng lo củng cố vị thế của mình, trước một đợt cải tổ sâu rộng ban lãnh đạo Đảng vào mùa thu tới ».
Thêm một tàu Trung Quốc đưa du khách đến Hoàng Sa
Thành phố Tam Sa (Sansha), trong vùng quần đảo Hoàng Sa, nơi đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam, ở Biển Đông (Ảnh chụp ngày 27/01/2012)STR / AFP
Một tàu du lịch mới của Trung Quốc vừa mở chuyến đi đầu tiên đưa hơn 300 du khách đến quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam.
Hãng tin Reuters ngày 03/03/2017, trích dẫn Tân Hoa Xã của Trung Quốc, cho biết là tàu du lịch mang tên Trường Lạc Công Chúa (Changle Princess) đã khởi hành vào chiều hôm trước từ thành phố Tam Á thuộc tỉnh đảo Hải Nam chở theo 308 du khách trong một chuyến đi bốn ngày ba đêm đến nhóm đảo Lưỡi Liềm thuộc quần đảo Hoàng Sa.
Tàu du lịch mới này có thể chuyên chở tổng cộng 499 người, có 82 phòng, với các dịch vụ ăn uống, giải trí, mua sắm, chăm sóc y tế và bưu điện. Trước đó, phía Trung Quốc đã tiết lộ các dự án khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng và các thương xá trên nhóm đảo Lưỡi Liềm.
Vào tháng 06/2016, Trung Quốc đã loan báo các kế hoạch đưa tàu du lịch đến Biển Đông và phát triển các khu nghỉ mát theo kiểu Maldives ở vùng này. Bộ Ngoại Giao Việt Nam lúc đó đã lên tiếng phản đối, xem đây là hành động vi phạm chủ quyền của Việt Nam.
Ngày 02/03, một phát ngôn viên của của Chính Hiệp Trung Quốc (Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Trung Quốc) đã bác bỏ những chỉ trích của quốc tế về Bắc Kinh xây dựng các cơ sở quân sự trên những đảo nhân tạo ở Biển Đông và cho rằng các đảo và đá ở vùng biển này là của Trung Quốc, việc xây dựng các cơ sở ấy là chuyện « hoàn toàn bình thường ».
Chuyên gia Úc lo ngại Biển Đông « sôi sục » với Donald Trump
Chuyên gia Andrew Davies của Viện Chiến Lược Úc đề xuất Canberra xem lại chính sách quốc phòng vì tình hình an ninh quốc tế « sẽ xấu đi » với tổng thống Mỹ Donald Trump. Biển Đông « sôi sục » là vấn nạn số một của Úc.
Theo nhận định của Andrew Davies, được đài ABC trích dẫn ngày 03/03, thái độ « dương oai » của Washington về Biển Đông sẽ đưa đến đụng độ với Bắc Kinh. Xung đột tại Biển Đông sẽ cắt đứt con đường nhập khẩu nhiên liệu của Úc.
Chia sẻ mối lo ngại này, phát ngôn viên của công ty vận chuyển hàng hải NRMA Peter Khoury nhấn mạnh : Úc lệ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, chở từ các nhà máy lọc dầu ở Singapore, đi ngang Biển Đông, về Úc.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét