Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 21 tháng 3, 2017

Lá Thư Úc Châu Trang Thơ Nhạc cuối Tuần (25 - 3) - TS Nguyễn Nam Sơn

Nhac:
1. Trường ca Mẹ Viet Nam: Phạm Duy - Ban Hoa Xuân 

<!>
2.  Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi:  Phạm Duy - Quang Lê - Mai Thiên Vân
https://vid.me/h2kK
3. Trong Hội Chùa Hương: Doãn Tiến - Thu Hiền
https://vid.me/VR6H
4.  Trương Chi, Mỵ Nương & Chuyện Tình Bên Nhánh Sông Gầy: Tùng Châu - Lê Hựu Hà - Nguyễn Duy An - Như Quỳnh - Lâm Nhật Tiến
https://vid.me/1E3i
Tình thân
NNS
.............................. .............................. .............................. .............
I. Chuyện Thời sự & Xã hội



(i) BXVN: Nuôi dưỡng lòng yêu nước
CLB Lê Hiếu Đằng trân trọng phát động và thiết tha kêu gọi:
NUÔI DƯỠNG LÒNG YÊU NƯỚC
Nếu bạn và quý vị còn nhớ công ơn tiền nhân đã dựng và giữ nước, để dòng máu Lạc Hồng không bị đồng hóa, để có non sông gấm vóc Việt Nam hôm nay, mỗi khi có thể, xin đừng quên đặt một bông hoa, thắp một cây nhang tại tượng đài, đền thờ Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung... Mọi người hãy cùng cầu nguyện cho đất đước được bình an.
Post những hình ảnh đó lên internet, bạn và quý vị sẽ góp phần nuôi dưỡng lòng yêu nước đến muôn đời.
Dù quốc nội hay hải ngoại, bạn và quý vị đều có thể làm được việc đơn giản nhưng rất ý đó.
Nước Việt còn hay mất, tùy thuộc mỗi chúng ta.
Trân trọng!
Sài Gòn, ngày 17 tháng 3 năm 2017
CLB Lê Hiếu Đằng
----------
Ảnh: Sáng 12/3/2017, ông Lê Thân, Chủ nhiệm CLB Lê Hiếu Đằng cùng nhà báo Võ Văn Tạo đặt hoa tưởng niệm liệt sĩ Gạc Ma tại tượng Trần Hưng Đạo, Thánh tổ Hải quân Việt Nam (trong công viên Bạch Đằng, trước cổng chính Học viện Hải quân NDVN - Nha Trang)



(ii) Ths Nguyễn Tiến Trung: Tư duy "mày được tao mất"
Gần đây, có một đoạn phim dài khoảng nửa tiếng bị rò rỉ trên các mạng xã hội. Đoạn phim quay lại bài phát biểu của Thiếu tướng, Giáo sư Tiến sĩ Trương Giang Long, Phó tổng cục trưởng Tổng cục chính trị Bộ Công an, giám đốc Học viện chính trị Công an nhân dân.
Dù đoạn phim được dư luận chú ý nhưng đến lúc tôi viết bài này thì Bộ Công an không hề đưa ra bình luận nào về đoạn phim, cũng không bác bỏ tính xác thực của nó. Do đó, tôi giả định rằng đoạn phim vừa nêu là xác thực, và những gì Tướng Long nói đại diện cho tư duy của các tướng lãnh công an nói riêng, cũng như tư duy của các lãnh đạo cộng sản nói chung.
‘Bạn vàng’ hiện nguyên hình
Ngay phần mở đầu, Tướng Long đã khẳng định : "Trung Quốc, tôi xin thưa các đồng chí là, không bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính chủ quyền của chúng ta ở Biển Đông, không bao giờ từ bỏ dã tâm này. Mà cái này không phải chỉ thời ông Tập Cận Bình đâu, ông khác lên cũng sẽ như vậy thôi. Câu chuyện là, bao giờ họ sẽ lấy và lấy bằng cách nào…"
Sau đó, Tướng Long cũng tiết lộ là công an Việt Nam đã phát hiện hàng trăm người làm việc cho Trung Quốc trong hệ thống chính trị. Vậy còn bao nhiêu người mà công an chưa phát hiện ? Cũng như tại sao người dân chưa thấy các gián điệp làm việc cho Trung Quốc bị đem ra xét xử để răn đe những phần tử bán nước khác ? Và tại sao những buổi lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ đã hi sinh trong các cuộc chiến với Trung Quốc lại bị chính lực lượng công an, an ninh ngăn cản ?
Tin tốt là nhà cầm quyền đã nhận thức được đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ thù chứ không phải "bạn vàng". Còn tin xấu là nhà cầm quyền vẫn mơ hồ trong chính trị, nhầm lẫn bạn - thù, để đến nỗi nhìn đâu cũng thấy "thế lực thù địch", từ người dân Việt Nam đến các quốc gia láng giềng khác và xa hơn như Mỹ, Nhật Bản.
Chính từ sự hồ đồ trong nhận thức chính trị này đã dẫn đến những hành động mâu thuẫn nhau. Trên báo chí chính thống thì đăng tin bài tràn ngập về các trận chiến với Trung Cộng, gọi thẳng mặt Trung Cộng là quân xâm lược hèn hạ, nhưng khi người dân làm lễ tưởng niệm các liệt sĩ thì bị phá hoại, ngăn cản.
Năng lực chính trị yếu kém
Tướng Long cũng thổ lộ : "Đại hội 12 đảng ta mới bừng tỉnh, mới ghi vào trong nghị quyết của mình là mọi chủ trương đường lối đối ngoại của chúng ta đều phải lấy lợi ích dân tộc làm trọng và đều phải xuất phát từ lợi ích dân tộc". Một đảng cầm quyền nắm vận mệnh cả dân tộc hàng mấy chục năm nay mà đến tận Đại hội 12 năm 2016 mới bừng tỉnh rằng quyền lợi dân tộc là trên hết thì còn gì để nói ? Vậy trước đó đảng Cộng sản đặt quyền lợi của ai ở trên hết, của Nga Xô, Trung Cộng, hay của chính đảng Cộng sản ? Bao nhiêu máu xương của dân Việt đã đổ xuống trong các cuộc chiến tranh do đảng cộng sản tiến hành vì lợi ích của ai ?
Thật là "Ma đưa lối quỉ dẫn đường. Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi" ! (trích Truyện Kiều - Nguyễn Du)
Cũng trong đoạn phim trên, Tướng Long bày tỏ mộng ước nước Việt Nam hết đói nghèo để mà hết hèn. Ông nói nếu thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mà cao và có tiền bạc dư dả để mua vũ khí thì không lo ngại ai xâm lược.
Vậy Tướng Long có bao giờ suy nghĩ xem tại sao cả nước dưới sự lãnh đạo "sáng suốt, tài tình" của đảng Cộng sản đã hơn 40 năm mà nước Việt vẫn "nghèo", "hèn" không ? Công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa quốc gia vào năm 2020 đã thất bại. Rõ ràng ông đã gián tiếp thừa nhận đảng Cộng sản Việt Nam không đủ năng lực quản trị quốc gia để đưa đất nước trở nên hùng cường, thịnh vượng.
Một đảng chính trị chân chính cần phải có tầm nhìn cho quốc gia và có khả năng hiện thực hóa tầm nhìn đó, đưa đất nước đến dân chủ, giàu mạnh. Tài tình của một đảng chính trị không phải ở việc khôn lỏi trong chuyện đi đôi co chữ nghĩa với Mỹ thế nào, đòi Mỹ đón tiếp ra sao, đàn áp dân thế nào như lời Tướng Long đã kể.
Tư duy ‘mày được tao mất’
Trong tư duy của giới lãnh đạo cộng sản không hề có khái niệm các bên cùng thắng. Họ chỉ nghĩ nếu như người khác có lợi thì họ bị thiệt. Đó là lý do tại sao họ thấy nếu người Việt Nam có dân quyền hiện thực thì họ sẽ bị thiệt vì bị mất quyền lực bất hợp pháp. Cũng như họ cho rằng nếu nước Mỹ, Nhật Bản có lợi thì Việt Nam sẽ bị thiệt hại.
Từ tư duy như vậy dẫn đến thảm trạng của đảng Cộng sản Việt Nam hiện tại, "tứ bề thọ địch", không có bạn bè, đến cả anh "bạn vàng" thật ra cũng là "thù địch". Lãnh đạo cộng sản ngồi ở trên đỉnh quyền lực nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị lật đổ. Trong khi đó, các quốc gia có nền tảng pháp luật chuẩn mực với chính quyền chính danh do dân bầu ra như Mỹ, Nhật Bản, Nam Triều Tiên… đâu bao giờ lo sợ bị lật đổ.
Tướng Long có bao giờ suy nghĩ tại sao Nhật Bản, Nam Triều Tiên liên minh quân sự với Mỹ nhưng không ai nói các nước đó mất độc lập không ? Những thứ "đồ chơi" mà Tướng Long mơ ước Việt Nam sở hữu để đối phó với Trung Cộng thì Mỹ đang cung cấp cho Nhật Bản, Nam Triều Tiên như các hệ thống tên lửa Aegis, Thaad, PAC, máy bay F22, F35,…
Rõ ràng là việc liên minh, liên kết với nhau giữa các quốc gia là câu chuyện các bên cùng có lợi, cùng thắng chứ không phải một nước có lợi thì nước khác bị thiệt hại.
Cả dân tộc cùng thắng
Tương tự như thế, các lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam nên hiểu rằng người dân Việt Nam là nguồn tài nguyên quan trọng nhất của quốc gia chứ không phải là "thế lực thù địch". Nhà cầm quyền cần phải trao trả quyền làm chủ cho người dân, thực hiện trưng cầu dân ý, phúc quyết hiến pháp, bầu cử tự do, và đảm bảo quyền sở hữu đất đai, tài sản của dân.
Khi người dân làm chủ đất nước thì người dân sẽ ra sức xây dựng nó và bảo vệ nó. Lúc đó lo gì các trí thức Việt Nam từ trong nước đến hải ngoại không đóng góp ý kiến tâm huyết để xây dựng, chuyển giao công nghệ, kể cả công nghệ quốc phòng. Lúc đó thì kẻ thù nào dám nhòm ngó một Việt Nam đoàn kết ?
Khi pháp luật chuẩn mực đảm bảo quyền tư hữu của người dân thì dân mới yên tâm làm ăn kinh doanh. Khi đó thì lo gì đất nước này không giàu, không mạnh.
Khi người dân được làm chủ thì chính các đảng viên cộng sản cũng là dân, cũng là chủ đất nước, cũng được pháp luật chuẩn mực bảo vệ tính mạng và tài sản hợp pháp. Vậy thì tại sao nhà cầm quyền phải lo sợ ? Và có phải pháp luật chuẩn mực là giải pháp để cả dân tộc cùng thắng hay không ?
Cần khẳng định rằng người Việt là đồng bào, giữa người Việt không có thù địch. Dân tộc này, tiêu biểu như thời Nguyễn Trãi còn cấp lương thực, ngựa xe cho quân Trung Quốc xâm lược về nước thì các lãnh đạo cộng sản lo gì dân tộc này sẽ không bao dung với họ. Đảng cầm quyền hãy trở về với nhân dân trong tình tự dân tộc, cùng nhau đoàn kết dân tộc trên nền tảng pháp luật chuẩn mực để "dựng lại người, dựng lại nhà" (tựa bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn), như câu ca dao mà tổ tiên Việt Nam đã nhắn nhủ :
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng.



(iii) Paulus Lê Sơn: Những người lính VNCH vẫn mãi là mùa xuân
Tôi bị thúc bách rất ghê gớm bằng những hình ảnh cuộc sống thực tế của các TPB VNCH, vì thế tôi quyết định đẩy mình đi đến với các gia đình Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa (TPB VNCH), tôi như thấy mình như một người lính ra chiến trận. Mùa Xuân đến cho lòng người phơi phới.
Tôi xác nhận rằng, chẳng bao giờ là đủ khi đến với những con người đang lê dần về bên kia thế giới. Họ đã một thời oai phong, tài tử lãng mạn trên chiến trường, trong cuộc sống hằng ngày. Thời thế lại đẩy đưa họ chìm vào những nỗi đau không kể siết và không ai thấu hiểu nỗi.
Tôi cùng một người bạn rong ruổi trên chiếc xe gắn máy đi khắp miền Sài Gòn và phụ cận, xuống tận miền Đông để tìm gặp các TPB. Người ta nói có đi thì mới đến, có đến thì mới biết được, có biết thì mới hiểu, đã hiểu rồi thì càng thêm yêu mến, cảm thông.
Chúng tôi cùng cười với niềm vui của họ và nước mắt tự trào ra lăn dài trên má với những câu chuyện đời của các TPB. Họ từng có một gia đình ấm áp, hạnh phúc, những người con tuyệt vời, họ từng là những lính trận gan góc, trí tuệ những cũng đầy nhân văn. Để rồi, sau năm 1975, với cái được gọi là Giải Phóng Miền Nam của chế độ cộng sản đã đẩy hàng ngàn người lính VNCH lâm vào cảnh bi đát, đơn côi và nghèo khổ.
Ông Đỗ Sáng trước đây là thuộc binh chủng Nhảy dù (mũ đỏ), hiện đang sống đơn độc tại một phòng trọ ở Sài Gòn nói về gia cảnh của ông mới thấy hết được nỗi đau mà ông đang phải chịu đựng. Ông kể, trước kia nhà ông ở Quận 4 Sài Gòn, cũng thuộc thành phần khá giả của đất Sài Thành khi xưa, ông có một vợ và hai con. Thế mà sau năm 1975, ông rơi vào cảnh thất thế giống như VNCH và cộng sản đối xử vô cùng bạc đãi. Vợ ông bệnh tật, các con ông cũng mang nhiều bệnh hoạn, không được sự quan tâm của xã hội, nên phải bán nhà ở Quân 4 để chữa trị bệnh cho vợ, con. Nhưng rồi vợ con cũng rời bỏ ông mà về bên kia thế giới. Ông sống đìu hiu, cô quạnh trong một phòng trọ cũ kỹ hun hút nơi hẻm sâu vỏn vẹn chưa đến 10 mét vuông với cuộc sống mưu sinh hàng ngày bằng nghề xe ôm. Nhưng chúng tôi nhận thấy, tinh thần người lính của ông Sáng không bao giờ tàn lụi và mất đi trước những “bảo vật” đời lính của ông được nâng niu và trân trọng khi ông đem ra “khoe” cho chúng tôi được biết.
Về miền Đông, khu vực Bình Dương, Bình Phước, chúng tôi khá bất ngờ vì càng đi mới càng biết rõ trên đất nước này, nhiều vùng và nhiều tỉnh thành Việt Nam còn có rất đông đảo những người lính VNCH đang sống. Và, chúng tôi cảm nhận rằng họ đang phải sống “nép mình” do cái chế độ cái xã hội hiện tại áp đặt lên họ. Chúng tôi tiếp cận họ với lòng chân thành và tình yêu mến, họ cảm nhận được điều đó nên đã cởi lòng và chia sẻ với chúng tôi bằng tất cả niềm cảm xúc của họ như dồn nén bấy lâu.
Đứng trước di ảnh của một TPB mới qua đời khoảng 1 năm về trước, người phụ nữ là em gái của TPB nói với chúng tôi “ông không có vợ con, đời lính tráng tung hoàng khắp nơi, về rồi ở vậy, đến lúc mất đi thì có tôi là người nhang khói cho ông ấy thôi”.
Tại Bến Cát, Bình Dương, chúng tôi may mắn được gặp một nhóm các TPB đã tề tựu đầy đủ, có bác thì bị mù, bác bị cụt chân, bác thì bị điếc, bác thì không còn khả năng điều khiển bản thân, họ đón tiếp chúng tôi rất ân cần, chu đáo.
Câu chuyện được chia sẻ qua lại, mỗi người một chiến tích, chúng tôi như hòa vào trong một không khí của tình đồng đội chiến hữu dù ở hai bậc thế hệ khác nhau. Họ vẫn tin tưởng vào một mùa Xuân mới đang tới gần cho dân tộc Việt Nam.
Các bác TPB cũng bước sang tuổi chiều tà, như ngọn đèn leo lét không biết tắt lúc nào. Chúng tôi đi đến nơi nào cũng đều nghe những tin buồn về bác nào đó mới qua đời. Tự trong đầu nghĩ liệu mươi năm sau có còn TPB Việt Nam Cộng Hòa nữa không? Chúng tôi lại càng thấy cái chế độ cộng sản này bất nhân vô cùng vô tận vì 42 năm qua vẫn một thái độ thù địch, hèn hạ, bỉ ổi đối với người lính VNCH.
Chia tay các bác TPB, trong tâm thức những người trẻ như chúng tôi như hiện hữu sức sống mãnh liệt, tinh thần của các TPB như những trồi non mơm mởn vươn lên giữa Mùa Xuân xanh biếc đầy hi vọng. (Mùa Xuân 2017)

(iv) Phạm Thanh Giao: Ngày 6 và 7 tháng 4 - Lịch sử Thế giới - nhiều đen tối từ đây
Rất nhiều người trong chúng ta đã biết hai ngày 6 và 7 tháng 4 tới này, ông Trump đã mời Tập Cận Bình đến “Cung Điện Mùa Đông” của mình ở Mar-a-Largo, bàn tính song phương qua nhiều vấn đề, chủ yếu là:
– Quân Sự khu vực châu Á,
– Kinh Tế giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ và,
– Sự sắp xếp của đôi bên về việc lèo lái Chính Trường Thế Giới.
THẾ NHƯNG, VIỆC QUAN TRỌNG NHẤT, CÓ LẼ KHÔNG GÌ KHÁC, NGOÀI VIỆC HAI BÊN ĐIỀU ĐÌNH TRỰC TIẾP VỚI HI VỌNG LÀ MÌNH SẼ CAO TAY HƠN ĐỐI THỦ.
Với kinh nghiệm buôn bán không mấy gì “chính đáng” nhưng rất thành công của ông Trump, ông hi vọng mình sẽ khả quan ở ngay sân nhà.
Với kinh nghiệm chính trị suốt mấy mươi năm qua cũng rất thành công của ông Tập, ông cũng tự tin mình sẽ nắm chắc được phần thắng, cho dù ở ngay trên sân người. Điểm qua những sự việc xảy ra trong suốt mấy năm qua, ngay từ dạo ông Trump ra tranh cử thì ta thấy:
– Khởi đầu, ông Trump rất lớn tiếng lên án Trung Quốc về mọi mặt, từ kinh tế gian lận, đến việc giữ giá đồng Nhân Dân Tệ trái luật, qua việc xây những hòn đảo trái phép trên biển Đông … nhưng ông luôn thay đổi thái độ mềm mỏng gần như là cấp kỳ. Như chuyện gởi thư chúc tết Tập. Chuyện gọi điện thoại hỏi thăm Tập để tái khẳng định chính sách Một Trung Hoa, và chuyện mời Tập qua nhà kỳ này, cho thấy ông Trump chỉ dùng lời đao to búa lớn như một cách điều đình.
– Ông Trump trước đây rất mạnh miệng trong việc Trung Quốc xây đảo trái phép, nay thì im re không còn thấy nhắc tới dù chỉ một lần. Tuần rồi, còn chuyển qua “Cũng tại Obama đã để Trung Quốc xây dựng đảo trái phép mà không dám làm gì”. Điều này đúng nhưng cái luận điệu thì rõ ràng là kiếm cớ đổ lỗi để tiện đường … tháo lui.
– Rồi lại còn chuyện anh Ủn và Bắc Triều Tiên. Đây là mối đe dọa lớn nhất cho nước Mỹ, mà chính quyền Hoa Kỳ phải bó tay, không muốn chạm trán với hủi. Những nguồn tin tình báo đều có kết luận chung, là chỉ trong một thời gian ngắn sắp tới, Bắc Triều Tiên sẽ có khả năng bắn đạn nguyên tử qua tới bất cứ thành phố nào của Hoa Kỳ.
– Ông Trump đã tiêu hủy TPP, gây chiến với Mễ Tây Cơ, và chủ trương bế quan tỏa cảng, không muốn giao lưu với thế giới qua hội nhóm WTO.
– Ông Trump cũng đã rút chân ra khỏi Liên Hiệp Quốc, đe dọa NATO, gây hấn với Đức, Anh Quốc và những quốc gia Âu Châu, đẩy Đài Loan phải đối đầu trực tiếp với Trung Quốc, và bỏ bê các đồng minh ở Á Châu.
Nói tóm lại, thì tất cả những việc mà ông Trump đã làm sau 2 tháng nhậm chức, đã đẩy Hoa Kỳ vào thế yếu hẳn. Trong lúc đó, Trung Quốc:
– Đẩy mạnh sự bành trướng ở Á Châu qua những ký kết kinh tế RCEP thay thế TPP.
– Dõng dạc đứng lên trước hội nghị G20 nhận trách nhiệm dẫn dắt thế giới.
– Ủng hộ tiền bạc và nhân lực tối đa với tổ chức Liên Hiệp Quốc, ngõ hầu có ảnh hưởng nặng trong tương lai. Họ đã thay thế Hoa Kỳ, ngay sau khi Hoa Kỳ rút lui. Việc lũng đoạn ảnh hưởng trên Liên Hiệp Quốc sẽ là một tai hại rất lớn cho người dân, ở các quốc gia độc tài trên thế giới.
– Tiếp tục xây cất các hòn đảo nhân tạo ở Hoàng, trường Sa. Tiếp tục xây dựng sự bành trướng qua việc kết nối Á Âu bằng con đường Tơ Lụa. Ngày nay, họ còn ngắm nghé tới những quốc gia ở Trung và Nam Mỹ. Hiệp ước RCEP có cả 2 quốc gia kẹp Hoa Kỳ ở giữa là Mễ Tây Cơ và Canada.
– Đẩy mạnh việc đào tạo sinh viên và các cơ sở giáo dục, cũng như phát triển mạnh mẽ về các cơ sở đào tạo khoa học kỹ thuật, trong khi ông Trump cho cắt giảm tối đa.
– Ông Trump ký sắc lệnh cắt giảm viện trợ cho đồng minh, thì Trung Quốc cho gia tăng “viện trợ” lên gấp 3 lần năm ngoái để dụ dỗ họ.
Tựu trung, Hoa Kỳ dưới triều đại của ông Trump, tuy chỉ trong một thời gian rất ngắn, nhưng đã co cụm lại quá nhiều. Tất cả những khu vực mà Hoa Kỳ rút lui, trung Quốc nhảy vào thay thế, và hơn nữa.
Vậy thì ông Trump có lợi thế gì để điều đình?
Xin thưa là nothing, không có gì cả. Tuy vậy, đất nước Hoa Kỳ vẫn là một thị trường to lớn của Trung Quốc. Họ xuất cảng sang đây 600 tỷ đô la hàng hóa trong năm ngoái. Đây là con số không thể bỏ qua được. Tuy vậy, họ cũng biết người dân Mỹ quá “ghiền hàng hóa rẻ đến từ Trung Quốc”, điều này không thể chối cãi cũng như không thể cắt bỏ. Cứ thử đi một vòng bất cứ cơ sở kinh doanh nào trên đất Mỹ, sẽ thấy sản phẩm của Trung Quốc có mặt ở khắp nơi.
Để kết luận, chuyện quan trọng gì sẽ xảy ra mà có ảnh hưởng trên toàn thế giới, sau ngày họp 6-7 tháng 4 này?
SAU 75 NĂM ĐÓNG ĐÔ Ở VỊ TRÍ SỐ 1, HOA KỲ SẼ PHẢI BÀN GIAO CÁI GHẾ ĐÓ CHO TRUNG QUỐC.
ĐI ĐÂU CŨNG KHÔNG THOÁT KHỎI CÁI MÓNG VUỐT CỦA TRUNG QUỐC KỂ TỪ NAY.
Để đổi lại, ông Trump là dân buôn bán mà, chắc chắn sẽ có những khế ước mậu dịch “mới nhìn” thì sẽ có lợi cho Hoa Kỳ. Trung Quốc sẽ “cố gắng” đứng ra “quản thúc” Ủn và Bắc Triều Tiên, việc này tuy khó khăn cho Tập nhưng lại giúp họ yên trí giải quyết nội bộ, hơn là để Hoa Kỳ nhúng tay vào.
Những hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông thì sao? Điều này cũng chẳng quá khó đoán, bởi ai cũng hiểu rằng, đến thời điểm này, để bứng Trung Quốc ra khỏi khu vực đó, và nhất là tiêu diệt những hòn đảo đó, chắc chắn là một chuyện không tưởng.
NẾU OBAMA ĐÃ KHÔNG LÀM CHUYỆN ĐÓ NGÀY XA XƯA, THÌ ÔNG TRUMP LẠI CÀNG KHÔNG CÓ LÝ DO HAY ĐỘNG LỰC NÀO ĐỂ LÀM NGÀY NAY.
Bàn hội nghị của đôi bên sẽ chỉ là những chia chác giữa 2 cường quốc. Người Mỹ đã quá dại dột khi chỉ dựa vào vũ khí của mình. Người Trung Quốc đã quá khôn ngoan và quỷ quyệt để biết cách tránh né.
Họ học cái bài học đắt giá mà Liên Xô đã phải trả trong thời chiến tranh lạnh. Họ xử dụng gậy ông đập lưng ông. Họ cứ để Hoa Kỳ loay hoay phí phạm mọi sức lực vào quân sự, trong khi đó Trung Quốc dồn cả sức lực vào việc phát triển kinh tế, kỹ thuật khoa học và mở mang thị trường thế giới.
Việt Nam đã hoàn toàn mất vào tay Trung Quốc sau thời điểm mà tên bán nước Nguyễn Văn Linh đã tuyên bố: “Tôi cũng biết rằng, dựa vào Trung Quốc sẽ mất nước, nhưng mất nước còn hơn mất Đảng”. Đảng cộng sản Việt Nam đã khẳng định điều này sau khi từ chối bắt tay với Hoa Kỳ dưới đời TT Bill Clinton, và nhất là lần cố gắng sau cùng của TT Obama trước khi ông ấy rời ghế TT.
VIỆC SÁT NHẬP VIỆT NAM VÀO TRUNG QUỐC CHỈ CÒN LÀ VẤN ĐỀ THỜI GIAN (Mong tác giả đoán sai !!!).
II. Văn Nghệ



(i) Huy Phương: "Bóng ma" Nhạc vàng
Theo tin báo chí trong nước, vào Tháng Ba năm nay, Cục Nghệ Thuật Biểu Diễn thuộc Bộ Văn Hóa Thông Tin-Du Lịch vừa quyết định “tạm thời dừng lưu hành năm ca khúc sáng tác trước năm 1975.” Đây là những nhạc phẩm đã được cấp phép trước đó, bây giờ lại có lệnh tạm dừng phổ biến.
Trong thời buổi này người ta khó để đi tìm một định nghĩa cho nhạc vàng, đã được nhìn lệch lạc qua lăng kính chính trị, nhất là sau năm 1975, sự thừa thắng và kiêu ngạo đã làm cho người Cộng Sản có cái nhìn ác độc thiếu công bình cho nền văn học tự do trước thời kháng chiến hay sau khi đất nước chia đôi, ở miền Nam. Nhạc vàng được những nhà cầm quyền miền Bắc gán ghép cho là thứ âm nhạc bệnh hoạn, sầu não, bi lụy thiếu “chiến đấu tính.” Có người còn hồ đồ cho đó là thứ nhạc sến. Cường điệu thêm theo cách nói của Nguyễn Hữu Liêm là “cái âm điệu tủi thân bi đát,” hay là một loại “nước dừa tang thương bằng âm nhạc.”
Nhưng có lẽ chính xác hơn hết, chúng ta phải tìm đến định nghĩa của nhạc vàng của Jason Gibbs trên trang Talawas: “Âm nhạc Tây phương phi cộng sản cũng như âm nhạc thịnh hành ở đó trở thành một đối tượng quan tâm lo ngại trong chính sách văn hoá của những người cộng sản. Nhạc vàng – cái tên đặt cho loại nhạc không chính thống này – bị “gác” và cấm cho đến cuối những năm 1980…”
Sau khi đất nước chia đôi năm 1954, ở miền Bắc văn học được định nghĩa như là một công cụ cho chính trị, ca nhạc, văn sĩ được xem như là những cán bộ văn nghệ của chế độ, mệnh danh là “văn công.” Âm nhạc được mang một màu đỏ để cổ vũ tinh thần chiến đấu của chiến sĩ, phục vụ chiến tranh, truyền đạt những chính sách của nhà nước, khuyến khích tình yêu lý tưởng cộng sản, cũng có cả những bài hát trữ tình, thể hiện tình yêu quê hương đất nước hoặc cổ vũ lao động, xây dựng, nhưng không rời xa việc kết nối với lãnh tụ, đảng và chính sách.
Trong suốt 30 năm “kháng chiến đã thành công,” các nhạc sĩ lãng mạn lừng lẫy một thời không di cư vào Nam được, chấp nhận lột xác, kiểm thảo về quá khứ sai lầm, lên án các tác phẩm của mình để sống còn. Sau phong trào Nhân Văn Giai Phẩm nhạc tiền chiến bị cấm hẳn. Loại nhạc được lưu hành tại miền Bắc trong thời kỳ 1954-1975, được gọi là nhạc đỏ. Suốt 30 năm, miền Bắc không có nổi một bản nhạc ca tụng tình mẹ, cho tình yêu, nếu trước đó chưa chịu chia phần cho đảng! (*)
Ở Hà Nội năm 1971, một vụ án liên quan đến “nhạc vàng” được xem là “nghiêm trọng,” đó là vụ án “Toán Xồm – Lộc Vàng,” miền Bắc kết án những người này chủ trương phổ biến “văn nghệ đồi truỵ,” dùng các bản nhạc vàng bi quan, sầu thảm, lả lướt, lãng mạn để truyền bá lôi, kéo thanh niên…” Kết quả là hai người đàn ông, một chịu bản án một người 10 năm, một 15 năm tù. Một người còn sống, một người đã chết ngoài đường phố sau khi mãn hạn tù đày.
Tại miền Bắc, Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với sự lãnh đạo của đảng Lao Động Việt Nam, tân nhạc cũng như điện ảnh, có nhiệm vụ chính là cổ vũ chiến đấu. Dòng nhạc “cách mạng” chiếm vị trí độc tôn, các nhạc sĩ lãng mạn hầu như không còn sáng tác.
Với đường lối cộng sản, ảnh hưởng âm nhạc của Trung Quốc và Nga ngày càng sâu đậm theo tỷ số ngày càng cao của các nhà soạn nhạc được gởi đi du học ở các nước cộng sản. Sau Tháng Tư, 1975, dân miền Nam, lần đầu tiên được nghe loại nhạc mang âm hưởng Trung Quốc, líu lo, được các giọng tenor và soprano hát như “Cô Gái Vót Chông,” “Bóng Cây Kơ-Nia,” “Tiếng Đàn Ta Lư…”
Ở miền Bắc người ta đã nghe thấy hàng chục bản nhạc ca tụng lãnh tụ Hồ Chí Minh và “đảng Cộng Sản quang vinh” ra rả trên đài phát thanh và truyền hình suốt ngày. Các nhạc sĩ mẫn cán dưới thời lãnh tụ Tố Hữu ra sức bình sinh, viết một hai bài dâng bác và đảng để biểu diễn lòng trung thành tuyệt đối, được lòng tin cậy của đảng, lại có thêm chút tem phiếu! Nếu Tố Hữu có 50 bài thơ viết về bác và đảng thì đàn em cũng phải có một hai bản nhạc ca tụng lãnh tụ và “đảng quang vinh.” Đó là “Việt Bắc nhớ Bác Hồ” (Phạm Tuyên), “Hồ Chí Minh Đẹp Nhất Tên Người ” (Trần Kiết Tường), “Đôi Dép Bác ” (Văn An), ” Nhớ Ơn Hồ Chí Minh” (Tô Vũ), “Lời Ca Dâng Bác ” (Trọng Loan), “Trồng Cây Lại Nhớ Đến Người” (Đỗ Nhuận), v.v… hay “Chào Mừng Đảng Lao Động Việt Nam” (Đỗ Minh), “Dưới Cờ Đảng Vẻ Vang” (Lưu Hữu Phước), “Vững Bước Dưới Cờ Đảng” (Phạm Đình Sáu), “Tiến Bước Dưới Cờ Đảng” (Văn Ký), “Dâng Đảng Quang Vinh” (La Thăng), “Từ Khi Có Đảng” (Nguyễn Xuân Khoát)…
Trong không khí ấy, người dân miền Bắc, nhất là lớp tuổi đi theo kháng chiến khi đã có trí khôn, bắt đầu tiếc nuối thời tiền chiến mơ mộng và thèm khát nói lên tiếng nói chân thật của trái tim. Người dân miền Bắc, qua những chiến lợi phẩm mà con cháu họ mang về từ miền Nam với những cuốn băng và cái máy cassette của “bọn đế quốc,” những bản nhạc, mới nghe qua, khá lạ lùng về lời ca, nhạc điệu, nhưng thật sự là gần gũi làm rung động tâm hồn của họ. Đó chính là loại nhạc vàng vẫn thường nghe nhà nước tuyên truyền là bệnh hoạn và vô cùng độc hại!
Người ta kể chuyện sau khi vào thăm Sài Gòn sau năm 1975, món quà quý nhất mà nhà thơ Huy Cận mang về Bắc là băng nhạc cassette thu thanh băng nhạc “Ngậm Ngùi” thơ của ông, do Phạm Duy phổ nhạc, với tiếng hát của nhiều ca sĩ miền Nam. “Ngậm Ngùi” là bài thơ trước chiến tranh, mà chế độ miền Bắc đã khai tử, người lớn không ai còn nhớ, và trẻ con chưa hề biết!
Cũng không phải ngẫu nhiên mà những năm gần đây, nhiều ca sĩ hải ngoại đã thay phiên nhau về nước hát nhạc vàng, và đã được người trong nước đón nhận khá nồng nhiệt. Chương trình của những ca sĩ hải ngoại như Tuấn Vũ, Thanh Tuyền, Giao Linh, Khánh Hà, Phi Nhung, Hương Lan, Ý Lan… tổ chức với mật độ dày đặc và thường xuyên hơn ở Hà Nội và Sài Gòn. Thái độ thích nghe loại nhạc này của trong nước thu hút nhiều ca sĩ hải ngoại về hát. Nhiều công ty ca nhạc trong nước cũng phấn khởi với những chương trình ca nhạc bán hết vé của các ca sĩ hải ngoại. Đó là nỗi khao khát được nghe loại nhạc vàng “bệnh hoạn” “độc địa” của một thời để giải toả cái khộng khí u uất giam cầm của những loại nhạc ca tụng lãnh tụ và đảng.
Có bao nhiêu bài hát được ca sĩ hải ngoại về hát ở trên sân khấu trong nước, đã được “cho phép” hay “bị cấm,” khó ai có thể kiểm chứng được, nó tùy lúc, tùy thời, tùy người và tùy…tiện. Vì “tùy tiện” nên nhiều ca khúc bị cấm mà người ta không hiểu vì sao bị cấm. Mỗi lần mùa Xuân tới, bản “Ly Rượu Mừng” dân chúng hát nát ra mấy chục năm nay để thay cho loại nhạc “mừng Xuân, mừng Đảng,” mà cho tới nay chính phủ mới cho phép dùng. Nhưng hãy coi chừng, một ngày kia, chính quyền nhức đầu sổ mũi lại cấm hát thì biết thế nào mà lần! Để ăn chắc, mỗi lần đang hát thì bị công an lên sân khấu lập biên bản, từ nay cứ làm đơn xin duyệt, mỗi lần xin duyệt tốn thêm chút cà phê, thuốc lá; nhưng đã có cái khuôn dấu rồi, vẫn chưa ăn chắc, vì chính quyền, tổ chức, vốn ba đầu sáu tay, rừng nào cọp nấy! Cũng có cô ca sĩ và bài hát được xử dụng ở Hà Nội những không được trình diễn ở Huế.
Chính quyền Cộng Sản lại là những anh nhát gan, sợ ma. Thôi thì vì trào lưu thanh niên trong nước muốn mặc quân phục VNCH, hát nhạc thời chiến trước năm 1975, thì ta cấm hẳn nhạc lính đi, nhưng vì sao cứ nói đến mùa Thu là ngại người ta nhớ đến ngày cướp chính quyền. Mùa thu chết của Phạm Duy lấy ý từ bài thơ của nhà thơ Pháp Apollinaire (1880-1918) thì theo Nguyễn Lưu, bài này là “đỉnh cao chống Cộng của Phạm Duy, với một bút pháp sâu cay, đểu giả…”
Ngay như những công dân chính thức CHXHCN Việt Nam là Phạm Duy và Trịnh Công Sơn, người đã được nhà nước Cộng Sản vinh danh, đặt tên đường, một số nhạc của họ giờ này vẫn chưa được phép phổ biến, nghĩa là đang còn bị xếp loại cấm hát. Theo BBC, mặc dầu Phạm Duy đã trở về Việt Nam định cư từ năm 2005, tuy nhiên, cho tới nay, mới khoảng 1/10 số bài hát của ông được phép biểu diễn ở trong nước. Với Trịnh Công Sơn, bài “Nhớ Mùa Thu Hà Nội,” cũng bị cấm hai năm, những người Cộng Sản “chẻ sợi tóc làm tư” để tìm những gì mà họ cho là ẩn ý trong từng lời hát!
Nhạc vàng đi ngược lại đường lối, chủ trương của đảng, ru ngủ làm mất sức sản xuất, lao động và học tập của dân chúng, hay là chỉ vì nó dễ ghét, vì lòng ganh tỵ vì được quá nhiều người thích.
Lấy kính hiển vi soi rọi vào năm bài hát vừa bị cấm hay mới bị cấm trở lại, thấy cũng không có lính, không có cờ, không có mùa Thu mà vẫn bị cấm, nên trên facebook có người mới hát nhại rằng: “Có đường không cho đi, cấm đi người vẫn đi, hỏi tại sao cấm đi?”
Chuyện buồn cười hơn là cả một bài hát vớ vẩn, “Đừng Gọi Anh Bằng Chú” của Diên An, cũng bị lên danh sách cấm. Thì ra đây là chuyện thù vặt, bài này nguyên là của nhạc sĩ Anh Thy, một quân nhân hải quân VNCH, tác giả những bài hát lính như “Hải Quân Việt Nam,” “Hải Đăng,” “Hoa Biển,” “Lính Mà Em,” “Tâm Tình Người Lính Thuỷ…” Có lẽ vì gặp khó khăn với chế độ trong nước, nên ca khúc này được đổi tên tác giả là Diên An. Cái tồi của trong nước là không dám nói thẳng vì Anh Thy là lính VNCH nên bản nhạc phải cấm. Anh đã là lính VNCH thì dù anh có viết những bài không dính líu gì đến lính, tôi vẫn cấm anh! Đó là đường lối chủ trương “hoà hợp hoà giải minh bạch” của đảng!
Có những thứ đã chết mà người ta tôn vinh, xây lăng cho nó, nó vẫn chết, nhưng có những thứ người ta muốn chôn vùi, huỷ hoại, nó vẫn đội mồ sống dậy.
(*)Trái tim anh chia ba phần tươi đỏ. // Anh dành riêng cho đảng phần nhiều. // Phần cho thơ và phần để em yêu… (Tố Hữu)*

(ii) Trương Duy Nhất: Những câu hát bị cầm tù

(Nhân việc Cục nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch buộc dừng, cấm lưu hành 5 ca khúc: Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh - Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương), Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), Con đường xưa em đi (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương), thuộc dòng nhạc Việt Nam Cộng hoà trước 1975).

Tôi không phản đối cách phản đối của Nguyễn Lưu. Mỗi người một quan điểm, cách nhìn. Hướng đến một xã hội dân chủ, phải trên tinh thần đấy. Ý thức chính trị, hay gu âm nhạc cũng vậy.  Nhưng tôi không thể không lên tiếng khi chính quyền, bằng một quyết định hành chính cấm cản tôi hát những ca khúc mình yêu thích. Cầm tù cả những câu hát là lối hành xử của một xã hội mu muội. 
Âm nhạc, tự thân, ai thích thì cứ hát lên, ngêu ngao vậy. Anh thích "đường vinh quang xây xác quân thù", nhưng tôi lại khoái "con đường xưa em đi". Anh ưa "đảng đã cho ta một mùa xuân", nhưng tôi nuốt không trôi cái "mùa xuân đảng", tôi dị ứng đảng, tôi khoái "chuyện buồn ngày xuân" hơn...
Xã hội văn minh, không phải dàn đồng ca để "bắt nhịp kết đoàn". Cấm phổ biến, cấm hát là lối hành xử phản âm nhạc, phi văn hoá.
Cộng hoà, Cộng sản, hay thể chế nào cũng đều có những ca khúc "nhiệm vụ chính trị" của riêng họ, cho riêng họ. Nhưng đó là thứ âm nhạc tuyên truyền, cổ động, xong nhiệm vụ tự nó chết. 
Âm nhạc, hay là vượt qua mọi ranh giới. Những tình khúc Cộng hoà, sống đến được thời nay, tức tự nó đã vượt qua khái niệm Cộng hoà - Cộng sản. Gần nửa thế kỷ sau cuộc chiến, vẫn chặn một đường biên phân rạch nhạc bên này bên kia, vẫn bỏ tù cả những câu hát.
Đất nước tôi, sao mê muội đến vầy? Đến những bản tình ca cũng không thoát vòng tù tội.

*** Nguyễn Lưu: Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Lưu phát biểu trên tờ VTC News hôm 16/3 rằng theo ông, 5 bài hát này "có rất nhiều vấn đề về mặt tư tưởng". "Khi chúng ta ca ngợi những bước chân người lính, đó phải là những bước chân của người đi bảo vệ, xây dựng Tổ quốc, chứ không phải của những người dại dột đi theo kẻ thù, chống lại quyền lợi của dân tộc." ông Lưu nói. "Chúng ta không căm thù, không khinh ghét những bước chân ấy, nhưng tốt nhất, chúng ta nên khép lại, coi đó là nỗi đau của lịch sử. Đây là lúc chúng ta nên nắm tay nhau, cùng nhau đi con đường mới, xây dựng đất nước chứ không phải là tìm lại "những bước chân xưa". (Theo BBC)

*** Đỗ Trung Quân: Trả lời BBC qua điện thoại từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhà thơ, nhạc sỹ Đỗ Trung Quân cho rằng 5 ca khúc bị cấm này "không phải là các ca khúc đặc sắc nhất [của dòng nhạc Bolero] để trở thành vấn đề, đến mức chúng ta phải cấm hay nghe".
"Với tư cách là người đã sống ở hai chế độ, tôi thấy không có gì phải nặng nề chuyện đó cả," ông Quân nói. "Tôi có thể không thích Bolero, nhưng tôi không thích ai phủ nhận dòng nhạc này theo kiểu chà đạp, cấm đoán."
"Đến năm 2017 rồi, mà một số người xưng danh mình là nhạc sỹ vẫn có một lối suy nghĩ như thế, chắc cũng không ai tin được chuyện hòa giải hòa hợp như họ hay nói đâu."
"Âm nhạc rất giống với cũng như ẩm thực, mình ăn món gì thì mình sẽ chỉ ăn mãi món đó thôi, món khác mình không chịu được," ông nói tiếp. "Nhưng thực sự mà nói, những người am hiểu về nghệ thuật đều biết rằng nghệ thuật chỉ có hay và đẹp, chứ không có đúng và sai".(Theo BBC)
*** Ts Chu Mộng Long: Chuyện kiểm duyệt, đúng hơn là lệnh cấm các ca khúc miền Nam trước 1975 hiện nay đã tái hiện đúng bản chất Hồng vệ binh thời Cải cách ruộng đất và Nhân văn - Giai phẩm. Đó là thời từng cấm cải lương, cấm cả Thơ Mới, văn chương Tự Lực văn đoàn và những tác phẩm mang tính nhân văn. Nhưng Hồng vệ binh thời ấy chỉ là nạn nhân của giặc dốt. Dốt sinh ra ác. Bao nhiêu văn nghệ sĩ và bao nhiêu tác phẩm từng bị chôn vùi.
Ngày nay Hồng vệ binh đã tự hào thoát dốt với những cái tên nhạc sĩ, nhà báo, nhà phê bình... đủ các loại “nhà”, nhưng dốt vẫn hoàn dốt. Đó là những cái tên như Nguyễn Thu Đông, Nguyễn Lưu, Nguyễn Thụy Kha. Không chỉ 5 ca khúc mà có ông còn đòi cấm tất cả như đã từng cấm ngay sau năm 1975 cho “đảm bảo tư tưởng”. Ngu dốt mà nắm quyền cai trị là một thảm họa của dân tộc, dù chỉ là cai trị về văn hóa.
Kích động chia rẽ dân tộc, gây thêm hận thù, phá hoại tiến trình hòa giải dân tộc không ai làm tốt hơn mấy ông vô học mang danh trí thức này!
Một bạn hỏi tôi, sao không đối thoại với lí luận của mấy ông này. Tôi bảo đối thoại với họ khác nào nói chuyện cù nhầy với King Kong?
Lý do kiểm duyệt: Thế lày nà thế lào?
Về việc cấm các ca khúc của miền Nam trước 1975, báo chí viết khá nhiều bài với những thông tin khác nhau. Search trên Google thấy cả đống, cũ lẫn mới. Báo thì nói 5 ca khúc bị cấm. Báo thì khẳng định là 18 ca khúc. Báo thì nói là “rất nhiều”.
Tuổi trẻ giật tít: KHÔNG THỂ CÔNG KHAI CÁC CA KHÚC BỊ CẤM!
Đọc báo lõ cả mắt vẫn không thấy rõ lí do vì sao không công khai. Không công khai thì biết đường nào mà tránh? Phạt rình à?
Chỉ biết một số bài báo gần đây dẫn lời quan chức kiểm duyệt nói lí do cấm biểu diễn một số ca khúc như “Cánh thiệp đầu xuân” (Lê Dinh- Minh Kỳ), “Rừng xưa” (Lam Phương), “Chuyện buồn ngày xuân” (Lam Phương), “Đừng gọi anh bằng chú” (Diên An), “Con đường xưa em đi” (Châu Kỳ - Hồ Đình Phương). Lí do ấy là, bài hát không rõ tác giả (mặc dù tên tác giả to đùng gắn theo bài hát), lời bài hát bị biến dạng so với chuẩn ban đầu của ca từ (mặc dù ca từ gốc vẫn còn in nguyên vẹn đó).
Vậy thì chỉ có thể là nội dung chính trị, mặc dù lại chính các quan chức kiểm duyệt khẳng định “không có vấn đề gì về nội dung chính trị”.
Thế lày là thế lào?
Trên một số trang FB có nói, bài “Con đường xưa em đi” bị kiểm duyệt vì có hai từ nhạy cảm: “chiến trường” và “phiên gác”. Giời ạ, vậy thì không kể là miền Nam hay miền Bắc thời chiến tranh, có vô số bài hát có hai từ gọi là “nhạy cảm” ấy. Cấm hết thì lấy đâu ra ca khúc mà hát! Mà không hát thì dân ta chỉ còn biết… chửi như hát hay à?
Tôi thử kiểm duyệt hết cả 5 ca khúc trên lần nữa vẫn không thấy có lời nào phản động, thù địch hay chống cộng. Tất nhiên, chống chiến tranh giết chóc, ca ngợi tình yêu và sự sống thanh bình thì có ở nhiều bài hát. “Phản chiến” là nội dung của gần như tất cả ca khúc một thời bị quy là “nhạc vàng, nhạc ngụy” chứ không riêng 5 ca khúc trên.
Gần đây có thông tin đòi xử phạt các quán karaoke sử dụng băng đĩa nhạc tuyên truyền hình ảnh binh lính Việt Nam Cộng hòa. Chẳng nhẽ chỉ vì hình ảnh ai đó minh họa mà bài hát phải “lụy phần dư”?
Theo tôi, hình ảnh cũng chỉ là (dấu vết) lịch sử. Không lẽ người ta ám thị nặng nề đến mức lo sợ “xác ướp trở lại”? Nếu đúng như thế thì bệnh tự kỉ ám thị đã rơi vào đồng bóng quá nặng nề.
Nếu không phải vì những lí do trên thì chỉ có thể là do bệnh GATO (ghen ăn ghét ở). Trào lưu hát lại nhạc xưa làm cho mấy tay nhạc sĩ dỏm thời nay khó chịu. Không phải ngẫu nhiên mà tay nhạc sĩ Hồ Hoài Anh tỏ ra thù địch với nhạc bolero! (tay giám khảo này tuyên bố “cuộc thi này nói không với bolero”- Ngọc chú)
Tôi là lính cộng sản thứ thiệt đây. Tôi từng đặt câu hỏi từ khi còn tại ngũ, rằng tại sao chính quyền Sài Gòn không cấm mà nhà nước Hà Nội lại cấm? Tôi từng nói với thủ trưởng của tôi, người cũng hay nghe lén nhạc vàng, rằng thì là, lẽ ra ta phải biết ơn những nhạc sĩ phản chiến, bởi chính họ đã góp phần làm nên chiến thắng của ta. Chứ nếu họ mà sáng tác nhạc hiếu chiến cổ vũ chém giết, có khi còn lâu ta mới thắng! Thủ trưởng tôi nói, ừ chính quyền Sài Gòn ngu thiệt, dùng toàn bọn nhạc sĩ phản động chống mình mà không biết...
Đỉnh cao trí tuệ: Vua Kong kiểm duyệt ca khúc
Vua Kong vừa tiết lộ rõ lí do kiểm duyệt ca khúc “Con đường xưa em đi”. Trước đó dư luận đoán già đoán non là do nội dung chính trị, ở chỗ ca từ có hai từ “chiến trường” và “phiên gác” nhạy cảm liên quan đến lính ngụy. Một anh Kong khác trong Bộ kiểm duyệt né tránh, cho rằng “không phải vì nội dung chính trị” mà vì có những nội dung mơ hồ.
Bây giờ thì King Kong mới chịu nói thẳng: “‘Chiến trường anh bước đi’ là chiến trường nào đây?”
Đúng là câu hỏi đạt đỉnh cao trí tuệ!
Vậy là lâu nay dân ngu cứ hát chứ không cần biết chiến trường đó là chiến trường nào, của ta hay của địch. Nay nhờ vua Kong hỏi mới ngớ người ra!
Vua Kong mà hỏi nữa thì bài hát này xóa sổ hẳn chứ không chỉ “tạm dừng”. Chẳng hạn như hỏi “Có nàng hoen đôi mi” là nàng nào?, “Khách qua đường vắng tanh” là khách nào?, vì sao vắng tanh? “ghi một đêm trăng thanh” là trăng nào? Trăng Liên Xô hay Trăng đế quốc Mỹ? vân vân... Cuối cùng, “Chỉ còn em với anh”, tức là trăng đã lặn mất tăm, lúc đó anh với em làm trò gì? Có hủ hóa không?
Một bài hát mơ hồ, không rõ địch ta, không rõ địa chỉ, hành động mờ ám như vậy bị kiểm duyệt là đúng! Đề nghị tẩy não tất cả những ai đã thuộc bài hát này cho nó triệt để!
Phải công nhận Kong thông minh, sống dai, xứng đáng là biểu tượng Vua Văn hóa Việt!
Hà Nội đề xuất xây tượng đài cho Kong là hoàn toàn xứng đáng! Tốn nghìn nghìn tỉ cũng nên làm!
*** Blog chú Tễu: “Ý kiến của anh chàng Nguyễn Lưu (trông mặt cũng nghệ phết nhưng đếch phải Lưu Nguyễn nhập Thiên Thai) rất chi là hay. Vì quan sát thấy từ hôm Cục kia cấm lưu hành 5 ca khúc trước 75 thì khắp phố phường hàng băng đĩa rong nào cũng có hàng chục đĩa CD bán cho khách vì rất rất nhiều người hỏi mua. Dân văn phòng ai cũng mở các bài này để nghe cho biết, cho đã.
Vì vậy, Nguyễn Lưu nêu ý kiến như thế này là cơ hội mở tổng kho Ca khúc về lính Việt Nam Cộng Hòa. Tuyệt vời! Ca khúc Việt Nam Cộng Hòa nó buồn, ca từ hay, phối khí tốt, thu thanh tốt, lại hát tròn vành rõ chữ nên ai cũng muốn nghe.
*** Nhà văn Phạm Đình Trọng: Nhà nước không dân và nền nghệ thuật không con người

(Trích)...Chỉ điểm hai việc vừa làm của cơ quan văn hóa nhà nước cộng sản Việt Nam cũng thấy rõ điều đó:

Việc thứ nhất. Bộ phim Kông – Đảo Đầu Lâu, dù là phim được dàn dựng ở Việt Nam, có thiên nhiên kì thú Việt Nam, dù là phim ăn khách, hốt bạc của Hollywood ở thời điểm hiện nay và chỉ ở thời điểm hiện nay mà thôi, phải chỉ rõ như vậy vì mỗi thời điểm Hollywood lại có một bộ phim gây sửng sốt cho cả người thờ ơ nhất với điện ảnh, lôi cả người thờ ơ đó cũng phài đến rạp cinéma nộp tiền cho Hollywood. Dù vậy Kông vẫn chỉ là phim giải trí của tư duy Mỹ, của tâm hồn Mỹ.
Chỉ là phim ăn khách nhất thời của tư duy Mỹ, tâm hồn Mỹ vậy mà lãnh đạo bộ Văn hóa nhà nước cộng sản Việt Nam lại sốt sắng có ngay công văn đóng dấu quốc huy nhà nước đòi Hà Nội phải dựng tượng Kông, con đười ươi khổng lồ của tư duy Mỹ, của tâm hồn Mỹ ở nơi linh thiêng nhất của kinh kỳ Thăng Long – Hà Nội, nơi “lắng hồn núi sông ngàn năm”, nơi Hồ Gươm lãng đãng sương khói huyền thoại.
Tư duy Mỹ là tư duy lí, tư duy cụ thể, tư duy vật thể. Tâm hồn Mỹ hình tượng hóa sức mạnh thiên nhiên hoang dã bằng những con vật khổng lồ, Kinh Kông, Khủng Long. Kông – Đảo Đầu Lâu, Công Viên Kỉ Jura là sản phẩm của tâm hồn đó.
Tư duy Việt Nam là tư duy tình, tư duy trừu tượng, tư duy huyền thoại, tâm linh. Tâm hồn Việt Nam hình tượng hóa sức mạnh thiên nhiên bằng vị thần Thủy Tinh huyền ảo nhưng cũng rất bình dị, đời thường. Con người huyền thoại của dân gian Việt Nam chỉ phi thường ở hành động. Còn vóc dáng, hình hài vô cùng bình dị. Thánh Gióng phi ngựa sắt phun lửa diệt giặc Ân như đốt cỏ khô cũng chỉ là một đứa trẻ vừa rời nôi mẹ.
Với tư duy huyền thoại, mỗi dòng sông, mỗi dãy núi, mỗi hồ nước mang trầm tích lịch sử Việt Nam đều có một vị thần linh thiêng gắn liền với truyền thống văn hóa Việt, gắn liền với lịch sử dựng lên nước Việt, gắn liền với tâm linh người Việt. Núi Nghĩa Lĩnh ở đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng có vua Hùng của cội nguồn dân tộc. Đỉnh Ba Vì có thần Tản Viên của hồn thiêng đất nước. Hồ Tây có thần Kim Ngưu của nền văn minh lúa nước. Hồ Gươm có thần Kim Quy của trang sử hiển hách chống giặc phương Bắc xâm lược.
Văn hóa của đất nước là sự thăng hoa của tâm hồn dân tộc, là hồn cốt làm nên bản sắc riêng của một dân tộc, giúp dân tộc đó tồn tại bền vững với thời gian, với lịch sử đầy biến cố dữ dội và khắc nghiệt, giúp dân tộc đó không bị đồng hóa bởi những nền văn hóa khác. Đứng đầu cơ quan văn hóa của đất nước có Vua Hùng, có thần Tản Viên, có thần Kim Qui mà lăm le muốn đưa đười ươi King Kông khổng lồ, sản phẩm của tâm hồn Mỹ, văn hóa Mỹ đến đứng sừng sững bên Hồ Gươm bảng lảng sương khói huyền thoại của thần Kim Qui. Đặt quái vật Kinh Kông lừng lững đổ bóng đè sập xuống bức tượng nhỏ bé bậc tiên hiền Lý Thái Tổ khai sinh ra kinh thành Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội rạng rỡ. Ôi, nền tảng tri thức văn hóa và tâm hồn Việt trong những ông quan văn hóa của nhà nước cộng sản Việt Nam đó!
Việc thứ hai. Bài hát khi đã đến với người hát, người nghe, đến với công chúng thì công chúng là người quyết định sự tồn tại của bài hát. Bài hát có sức sống lâu dài với thời gian hay chết yểu đều do công chúng, những người hát và người nghe quyết định. Khi đó sự tồn tại của bài hát không còn phụ thuộc vào người sáng tạo ra nó, lại càng không phụ thuộc vào cơ quan quyền lực cho phép hoặc không cho phép nó tồn tại.
Chất lượng nghệ thuật mới là cái giấy phép quyền uy nhất cho tác phẩm nghệ thuật đi vào cuộc sống. Tác phẩm nghệ thuật của một thời và cái thời của nó đã qua, tác phẩm sẽ bị quên lãng, không cần cấm đoán. Nhưng cái thời của tác phẩm đã qua mà tác phẩm vẫn được những người thời sau chấp nhận là tác phẩm đã vượt được cái thời hạn hẹp của nó để đến với mọi thời. Ca khúc Con Đường Xưa Em Đi của hai nghệ sĩ Châu Kỳ và Hồ Đình Phương là tác phẩm âm nhạc như vậy.
Giai điệu của ca khúc Con Đường Xưa Em Đi là một giai điệu đẹp, giai điệu dìu dặt của những trái tim đang thổn thức yêu đương nhưng khắc khoải trong xa cách bởi chiến tranh: Chiến trường anh bước đi / Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe… Giai điệu ngân nga trong trái tim nhiều thế hệ sống ở miền Nam đất nước thời đất nước còn bị lưỡi gươm ý thức hệ chém đôi ở vĩ tuyến 17.
Chiến tranh đã qua. Đất nước không còn chia cắt. Giai điệu Con Đường Xưa Em Đi không những vượt giới hạn thời gian mà còn vượt giới hạn không gian, vượt vĩ tuyến 17, trở thành giai điệu quen thuộc của nhiều người Việt Nam trên cả nước, vượt biên giới quốc gia đến những nơi có người Việt sinh sống trên khắp thế giới. Dùng quyền uy nhà nước và vay mượn, bịa đặt bất cứ lí do gì để cấm đoán Con Đường Xưa Em Đi đều phơi bày nền tảng văn hóa thấp kém và sự đố kị, nhỏ nhen, hẹp hòi của một cơ quan văn hóa cấp nhà nước. Và hiệu ứng tất yếu phải đến là không những không cấm được bài hát lại làm cho bài hát bị cấm nổi tiếng hơn, nhiều người biết đến hơn, giai điệu bài hát bỗng ngân nga trong hồn nhiều người Việt Nam hơn.
Quen thói quyền uy cấm đoán thấp kém, nhỏ nhen như vậy, dù danh xưng là cơ quan văn hóa cấp nhà nước nhưng không xứng tầm cơ quan văn hóa của dân tộc Việt Nam mà chỉ là cơ quan văn hóa của mấy người cộng sản cầm quyền vốn nhỏ nhen, đố kị, chỉ quen sắt máu hận thù giai cấp, chuyên chính vô sản, nhìn nhận sản phẩm văn hóa, sự thăng hoa của tâm hồn con người bằng ý thức hệ cực đoan méo mó, bằng trận tuyến ta – địch lỗi thời. Chỉ có nhà nước không dân, không cần biết đến dân mới cấm đoán giai điệu ngân nga trong tâm hồn người dân.
Nghệ sĩ đích thực sáng tạo ra giá trị nghệ thuật chung của loài người. Nghệ sĩ Việt Nam sáng tạo ra giá trị nghệ thuật chung của dân tộc Việt Nam. Lưu Hữu Phước là người cộng sản và đang là yếu nhân trong nhà nước cộng sản ở miền Bắc. Vậy mà chính quyền Sài Gòn, một chính thể đối kháng, không đội trời chung với cộng sản vẫn lấy tác phẩm âm nhạc Tiếng Gọi Thanh Niên của Lưu Hữu Phước làm quốc ca của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa ở nửa phía Nam đất nước. Một nhà nước như vậy xứng đáng là một nhà nước văn hóa, nhà nước của cả dân tộc Việt Nam.
Thời đất nước chia cắt Bắc – Nam, tác phẩm nghệ thuật dù sáng tạo ở miền Bắc hay miền Nam đều là giá trị Văn hóa của dân tộc Việt Nam, làm nên bộ mặt văn hóa của đất nước Việt Nam, tạo nên giá trị thẩm mỹ của con người Việt Nam. Sau năm 1975, bằng bạo lực súng đạn và nhà tù, nhà nước cộng sản Việt Nam đã giam cầm, tù đày những người dân Việt Nam sống ở miền Nam không cùng ý thức hệ cộng sản, gây nên sự chia rẽ, ly tán sâu sắc dân tộc Việt Nam cho đến nay và còn rất lâu về sau không thể hàn gắn, không thể hòa giải, hòa hợp dân tộc. Hơn 40 năm đất nước không còn chia cắt, cơ quan văn hóa của nhà nước cộng sản Việt Nam vẫn xét nét, cầm tù những tác phẩm nghệ thuật của miền Nam thời đất nước chia cắt, khoét sâu thêm sự chia rẽ, ly tán cả trong nghệ sĩ Việt Nam, cả trong nghệ thuật Việt Nam.
Ngồi ghế cao của nước, hưởng lương hậu của dân để chỉ làm những việc hại dân, hại nước như vậy. Đó là quan chức của nhà nước cộng sản Việt Nam hôm nay.
.............................. .............................. .............................. ..................
Kính,
NNS

Không có nhận xét nào: