Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 7 tháng 3, 2017

GIỚI HOẠT ĐỘNG VN VÀ QUỐC TẾ CÙNG HÀNH ĐỘNG VÌ TỰ DO NGÔN LUẬN TRÊN INTERNET CHO CƯ DÂN MẠNG VN

Trong hình ảnh có thể có: 5 người, mọi người đang đứng và kính râm
Một ngày hội thảo về Tự Do Internet tại Việt Nam mang tên “Vietnam Cyber Dialogue” do Việt Tân phối họp cùng tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF), và tổ chức Hiến Chương 19 (Article 19) tổ chức lần đầu tiên tại thành phố Valencia, Tây Ban Nha đã có sự có mặt của đông đảo của các thành phần tham dự viên gồm hơn 30 các tổ chức NGO quốc tế, Liên Hiệp Quốc, các công ty internet như Facebook, Google, và đặc biệt một số người hoạt động đến từ nhiều nơi trên thế giới.<!>
Hình: Các anh chị em trong phái đoàn Việt Nam tại Hội Nghị Tự Do Internet ăn tối sau một ngày làm việc bổ ích.
Vietnam Cyber Dialogue là một phần của Hội nghị Tự Do Internet (Internet Freedom Festival - IFF 2017), một Hội Nghị Quốc Tế về Tự Do Internet với sự tham dự của hơn 1300 người đến từ 140 quốc gia. Khi lên kế hoạch tổ chức sự kiện này, Ban Tổ Chức mong muốn đây sẽ là một diễn đàn để các đối tác quốc tế và Việt Nam gặp gỡ, trao đổi, và cùng đưa ra những kế hoạch và hướng hoạt động mới nhằm nâng cao quyền tự do ngôn luận trên mạng của người dân Việt.
 
Tại Việt Nam ngày nay, tất cả các phương tiện truyền thông đều nằm trong sự điều hướng của nhà nước nhằm bưng bít thông tin. Quyền tự do ngôn luận của người dân hoàn toàn bị tước đoạt dưới nền công an trị luôn gieo rắc sợ hãi cho những ai muốn lên tiếng phản biện. Vì vậy, Internet trở thành phương tiện truyền thông duy nhất để người dân thể hiện chính kiến, dù có những người vẫn bị bắt bớ, tù đày khi sử dụng quyền nói lên tiếng nói chính đáng của mình.
Không chặn được xu hướng chung của toàn cầu, nhà nước luôn tìm cách để kiểm duyệt và giới hạn quyền tự do internet của người dân, qua một số phương cách như rãi mã độc, hack Facebook, đánh sập và ngăn chặn các trang web và blog, sử dụng dư luận viên để phá rối, hay hành hung, bỏ tù các blogger, facebooker với những điều luật như 258, 88…
Trong một ngày hội thảo, các tham dự viên được tìm hiểu sâu hơn về những chiêu trò mà nhà cầm quyền CSVN sử dụng để khống chế, đe dọa cư dân mạng. Trong khi đó, các tổ chức quốc tế được nghe về những câu chuyện đàn áp, khủng bố từ những người hoạt động Việt Nam. Những anh chị em hoạt động đến từ nhiều nơi cũng có cơ hội để chia sẻ kinh nghiệm cũng như học hỏi các kỹ thuật và kỹ năng để bảo vệ an toàn cho bản thân và nâng cao khả năn hoạt động của mình trên môi trường mạng.
Chúng tôi chấm dứt một ngày làm việc trong tinh thần phấn khởi với nhiều dự án cho những ngày sắp tới. Một số trong nhiều ý tưởng được các tham dự viên đưa ra để cùng nhau thực hiện
- Cùng hai công ty Facebook và Google đối phó với tình trạng dư luận viên trên Facebook và Youtube
- Mở rộng dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật khẩn cấp cho giới hoạt động Việt Nam (thí dụ khi Facebook bị đánh cấp, blog bị đánh sập)
- Thành lập hệ thống để chuyển tải thông tin về Việt Nam đến quốc tế một cách nhanh chóng trong các trường hợp khẩn, khi như có một sự kiện như biểu tình hay có ai bị đánh hay bị bắt
- Gia tăng các huấn luyện về kỹ thuật và những phương tiện mới cho những người hoạt động
Thông Tin Đức Quốc - http://www.thongtinducquoc.de/node/3165
 
SUY NGHĨ NHÂN NGÀY 8 THÁNG 3
Mac Văn Trang
Trong hình ảnh có thể có: 8 người
Đã từ lâu rồi, chúng ta coi ngày 8/3 như “NGÀY LỄ TÔN VINH PHỤ NỮ” (dân dã gọi là ngày nịnh chị em). Chúng ta mải tặng quà, hú hí… mà quên dần đi tinh thần ngày 8/3, là ngày đấu tranh cho những người phụ nữ bị áp bức, bị ngược đãi, để giành lấy quyền sống, quyền làm người… Trên đất nước chúng ta còn biết bao nhiêu chị em nông dân mất đất thành dân oan tội nghiệp; hàng vạn chị em công nhân lao động trong điều kiện khắc nghiệt, thiếu nhà trọ, thường ngộ độ thức ăn, không nơi gửi con, khô héo đời sống văn hóa, tinh thần; bao nhiêu phụ nữ và em gái bị bạo hành, buôn bán…
Những cái tồi tệ đó đáng là dịp được nêu lên trong ngày 8/3 để đòi được cải thiện, thì lại bị che lấp đi bởi những lời hào nhoáng tán tụng chị em… Đặc biệt một số chị em dấn thân đấu tranh cho Dân chủ, Nhân quyền, Tiến bộ xã hội đang bị bắt bớ, giam cầm càng cần được quan tâm. Ngày 8/3 này đúng ra phải là ngày đấu tranh đòi tự do cho những chị em, như: Nguyễn Thị Minh Thúy, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Trần Thị Nga … được trở về với những đứa con thơ của các chị, đang khắc khoải ngày đêm khát khao mong ngóng mẹ.
LỊCH SỬ đây: Ngày 8 tháng 3 năm 1857, các công nhân ngành dệt chống lại những điều kiện làm việc khó khăn và tồi tàn của họ tại TP New York: 12 giờ làm việc một ngày. Hai năm sau, các nữ công nhân Hoa Kỳ trong hãng dệt thành lập công đoàn (syndicat) đầu tiên để đấu tranh cho quyền lợi công nhân...
50 năm sau, ngày 8 tháng 3 năm 1908, 15.000 phụ nữ biểu tình trên đường phố New York để đòi được giảm giờ làm việc, lương cao hơn…Khẩu hiệu của họ là "BÁNH MÌ và HOA HỒNG" (Bread and Roses). Bánh mì tượng trưng cho bảo đảm kinh tế gia đình, hoa hồng tượng trưng cho đời sống tốt đẹp hơn. (Wikipedia).
Tinh thần ngày 8/3 là để đấu tranh cải thiện đời sống của những phụ nữ yếu thế trong xã hội, đã bị lu mờ dần, trở thành “ngày hội” của những người phụ nữ ưu thế, may mắn!
Vì vậy tôi xin lỗi, ngày 8/3 năm nay không chúc mừng và tặng hoa cho các bạn nữ, mà gửi lời cầu mong cho các chị em đang gặp bất hạnh, đủ sức lực và can đảm vượt qua nghịch cảnh!
6/3/2017
MVT
FB Mac Văn Trang
 
THÁNG 3 – PHỤ NỮ VÀ HOA XUYÊN TUYẾT
Ls. Lê Quốc Quân
Trong hình ảnh có thể có: thực vật, hoa và thiên nhiên
Khi cô đơn lạnh lẽo giữa bốn bức tường tôi đều nghĩ đến bông hoa xuyên tuyết. Loài mang tên Latin là Galantus có nghĩa là giọt sữa. Giot sữa từ trời đã làm ấm lại cả không gian, mang theo sức sống tinh tuyền của trời đất. Hoa nở mạnh vào tháng 3.
Trong hình ảnh có thể có: 1 người, đang cười, đang đứng và ngoài trời
Tháng 3 bừng lên sức sống từ những người phụ nữ như những giọt sữa đang nuôi dưỡng trái đất này. Ngày 8/3 bắt nguồn từ sự đấu tranh của những người lao động nữ ở Hoa Kỳ. Rất nhiều nước phương tây coi tháng 3 là tháng của phụ nữ. Tháng 3 này đối với tôi cũng rất đặc biệt vì đang mùa hoa bưởi trong vườn, nơi tôi đã dành trọn một năm để gieo trồng.
Khi cởi giày và bước chân lên luống cày, tâm hồn tôi tràn ngập một cảm hứng gieo trồng chứ không săn bắt. Tôi biết chúng ta đã lấy đi của thiên nhiên quá nhiều và giờ là lúc chúng ta phải trả lại. Chúng ta để lại quá nhiều những lo toan trên khóe mắt của những người phụ nữ, giờ là lúc tạo dựng cho họ sự bình yên.
Tôi không thấy hoa xuyên tuyết dưới lớp tuyết dày mà tôi thấy nó ở nghị lực trong cơ thể già nua của mẹ, Tôi không thấy nó trong sự hoảng hốt vốn có mà là sự bình thản qua những thăng trầm của vợ. Tôi thấy nó trong sức học và khát khao vươn lên của những đưa con tôi, dường như những Thiên thần nhỏ bé vẫn luôn cư ngụ trong tâm hồn các con.
Trong hình ảnh có thể có: hoa, thực vật và thiên nhiên
Tôi thấy nó trong tất cả những người phụ nữ của dân tộc tôi. Họ tần ngần giữa chợ và miệt mài bước đi, tay hô vang khẩu hiệu. Phụ nữ nhạy cảm hơn đàn ông và họ đang có nhiều dự cảm về sự đổi thay.
Fb Lê Quốc Quân
 

Người Việt tại Đức đồng hành cùng đồng bào quốc nội, đấu tranh cho quyền sống!

Thực Hiện Bureau CTM Media - Á Châu -
06/03/2017
 
ĐỨC QUỐC (CTM Media) – Frankfurt am Main, Đức Quốc, Chủ Nhật, 05.03.2017
Hưởng ứng lời kêu gọi của đồng bào quốc nội và Liên Hội Người Việt tỵ nạn tại Đức, rất đông đảo người Việt từ Nam chí Bắc cũng như các nước láng giềng đã về trước tòa thị sảnh ở Römerberg, Frankfurt am Main, tại quảng trường “Nữ thần Công Lý“ (“Justitia“) để cùng đồng bào khắp nơi trên thế giới gióng lên tiếng nói đòi hỏi công lý cho hàng triệu nạn nhân của thảm họa môi sinh do Formosa và đảng Cộng Sản Việt Nam gây ra; đòi hỏi chủ quyền cho dân tộc Việt Nam, chống Hán Hóa và nô lệ Tàu Cộng.
Người ta nhận thấy có sự tham gia và phát biểu của các tổ chức, hội đoàn và đồng bào tỵ nạn Cộng Sản bằng Việt-Anh-Đức và Pháp ngữ từ những thành phố sau đây (đặc biệt có phần phát thanh lời chia xẻ của TT Thích Thiện Minh từ quốc nội gửi đồng bào hải ngoại):
Hamburg, Bremen, Dorsten , Krefeld, Mönchengladbach, Recklinghausen, Köln, Haiger,  Frankfurt a.M, Offenbach, Egelsbach, Wiesbaden, Flörsheim, Mainz, Darmstadt, Bad Homburg, Mannheim, Ludwigshafen, Neustadt a.d.W., Speyer,  Saarbrücken, Saarlouis, Pforzheim, Karlsruhe, Offenburg, Nürnberg, Freiburg…. Ngoài ra, còn có các đồng hương đến từ Vương Quốc Bỉ, Hội Ái Hữu miền Trung (Bruxelles) và từ Pháp Quốc (Strasbourg), Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Đức Quốc, Hội Phật Tử Aschaffenburg, Ban Văn Vũ Điểm Sáng (Darmstadt), Hội Cao Niên Frankfurt, Hội Vovinam Việt Võ Đạo Frankfurt, Dưỡng Sinh Cổ Truyền Thiên Địa Saarbrücken, Hội Odenwald, Đảng Dân Tộc, Đảng Việt Tân…..
Đặc biệt có rất nhiều người trẻ cũng như các em thiếu nhi tham gia, cầm trên tay những biểu ngữ bằng tiếng Việt, tiếng Đức, tiếng Anh:
“Ủng hộ tổng biểu tình trên toàn cõi Việt Nam“, “05.03.2017. Tag des Volksaufstands in Vietnam“ ( 05.03.2017. Ngày tổng biểu tình ở Việt Nam.), “Formosa, Get out of Vietnam !“ “Formosa cút ra khỏi Việt Nam“, “Freiheit für alle Menschenrechtler in Vietnam“ (Tự do cho tất cả các nhà đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam), “Cứu biển, cứu dân”, “Formosa trả biển sạch lại cho Việt Nam”….
Đoàn biểu tình vừa đi diễn hành trên quảng trường “Nữ thần Công Lý” vừa hô to những khẩu hiệu như: “Menschenrechte für Vietnam”, “Democracy for Vietnam”, “Liberté pour Vietnam”, “Đả đảo Cộng Sản hèn với giặc, ác với dân”… và hát những ca khúc đấu tranh như “Trả lại cho dân”, “Đáp lời sông núi”, “Việt Nam quê hương ngạo nghễ“…. Cùng với đồng bào quốc nội đoàn biểu tình đã cùng xướng lên  bài thơ “Quốc Nội Hải Ngoại Xuống Đường” sau đây:
Quốc nội hải ngoại
Cùng nhau xuống đường
Bảo vệ môi trường
Không để cá chết.
Chúng ta cương quyết
Chống Formosa
Thải độc tố ra
Làm hại biển đất
Trăm tấn hóa chất
Giết cá hại dân.
Người người quyết tâm
Bảo vệ nòi giống.
Những kẻ phản quốc
Cản đánh người dân
Bọn vô lương tâm
Sẽ bị xét xử.
Những người yêu nước
Sẽ cùng với dân
Nhất định vạch trần
Những điều sai trái
Ai bán đất nước
Ai phản bội dân
Tham nhũng phì thân
Khấu đầu Trung Cộng.
Vào khoảng 13 giờ ban tổ chức Liên Hội NVTN, gồm những ông: Phó chủ tịch nội vụ Nguyễn Văn Rị, phó chủ tịch ngoại vụ Trịnh Đỗ Tôn Vinh, Tổng thư ký Lê Trung Ưng, đã tuyên bố kết thúc và gửi lời chân thành cảm ơn những đóng góp quý báu của tất cả tham dự viên cho cuộc biểu tình đồng hành chung với đồng bào quốc nội ngày hôm nay, cũng như những đóng góp liên tục về tinh thần, vật chất cũng như những lời kinh nguyện, ngõ hầu đại cuộc giải phóng dân tộc và canh tân đất nước sớm được thành tựu.
 
Đánh dấu 35 năm Dựng Cờ Chính Nghĩa

Lý Thái Hùng

Ngày 8 tháng 3 năm nay, đánh dấu đúng 35 năm (1982-2017) ngày Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, gọi tắt là Mặt Trận, tiền thân của Đảng Việt Tân, công bố bản Cương Lĩnh Chính Trị nhằm minh định lập trường đấu tranh cứu nước và dựng nước, sau 7 năm thống trị của đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Tuyên ngôn cứu nước đã diễn ra trong bối cảnh tan tác, đau thương của toàn thể dân tộc sau khi miền Nam Việt Nam sụp đổ vào cuối tháng 4, 1975. 
Tại miền Nam, hàng trăm ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị đày ải nơi các trại tù khổ sai chung thân dưới mỹ từ “Trại tập trung cải tạo”. Hàng trăm ngàn gia đình thân nhân của các quân cán chính này đã bị lưu đày đến những vùng rừng sâu nước độc dưới mỹ từ xây dựng “Khu kinh tế mới”. Hàng triệu người khác liều mình tìm đường vượt biên, vượt biển lánh nạn cộng sản và gần 2/3 trong số họ bỏ mình trên đại dương hoặc những vùng biên giới Đông Dương. Nền kinh tế trù phú miền Nam hoàn toàn bị phá hủy dưới chủ trương “đánh tư bản mại sản.”
Tại miền Bắc, cuộc chiến tranh biên giới do Đặng Tiểu Bình phát động dưới cái gọi là “dạy cho đàn em CSVN một bài học”, đã huy động gần nửa triệu Hồng quân và súng đạn, tổng công kích 6 tỉnh miền Bắc vào đầu năm 1979, đã không chỉ khiến cho hàng vạn người bị hy sinh, hạ tầng cơ sở bị phá hoại nặng nề, mà còn làm cho hàng triệu người dân miền Bắc sống điêu đứng trong nhiều năm dài.
Những thảm cảnh không bút mực nào tả xiết này đã hoàn toàn bị bưng bít bằng bức màn sắt của chế độ, bao trùm lên toàn thể đất nước từ 1975 đến 1986, khi chế độ buộc phải mở cửa giao thương với thế giới bên ngoài để cứu nguy nền kinh tế phá sản. Người Việt Nam lúc đó bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài, đè nghẹt dưới gọng kềm chuyên chính, cảm nhận đất nước đang từng ngày biến thành địa ngục trần gian. 
Chính trong bối cảnh vô vọng đó của dân tộc, và trước sự thờ ơ của thế giới coi số phận Việt Nam như đã an bài, người Việt Nam đã không đầu hàng nghịch cảnh mà cương quyết vùng lên tìm đường cứu nước. 
Tại buổi lễ trong vùng rừng núi Đông Dương, Tướng Hoàng Cơ Minh, Chủ Tịch Mặt Trận đã tuyên xưng chính nghĩa của dân tộc: 
    Những nguyện vọng nhỏ bé nhất của người dân như cơm đủ ăn, áo đủ mặc, sống cảnh gia đình đoàn viên cũng không còn có thể thực hiện được ... Nguy hại hơn nữa, CSVN đã đưa Tổ Quốc chúng ta vào vòng thống trị của đế quốc, đem quân khống chế Lào, xâm chiếm Kampuchia... Vì sự sống còn của dân tộc, vì khát vọng tự do và hòa bình, dân tộc Việt Nam quyết tâm hy sinh và chiến đấu ... 

    Trong bầu không khí phấn khởi của Mùa Xuân Khởi Nghĩa, trong niềm căm phẫn tột độ của toàn dân, với tinh thần “Quyết tâm giải phóng Việt Nam”, Mặt Trận công bố Cương Lĩnh Chính Trị để hướng dẫn toàn dân trong công cuộc đấu tranh giải phóng Tổ Quốc và xây dựng Quê Hương.
Châm ngôn của Mặt Trận là: “Lấy chính nghĩa để huy động toàn dân. Lấy chính nghĩa để khuất phục kẻ thù. Lấy chính nghĩa để tranh thủ thế giới.”
JPEG - 264.2 kb
Lễ Công Bố Cương Lĩnh Chính Trị ngày 8-3-1982⁠⁠⁠⁠
Vì thế ngày 8 tháng 3, Mặt Trận đã tuyên xưng đây là ngày Dựng Cờ Chính Nghĩa.
Người Việt Nam đã không chiến đấu để bảo vệ quyền lợi của một cá nhân hay dòng họ như thời quân chủ xa xưa. Người Việt Nam cũng không chiến đấu để bảo vệ quyền lợi cho một giai cấp, của một đảng độc tôn. Chính nghĩa đấu tranh của người Việt Nam vào thập niên 80 là ở chỗ chúng ta chiến đấu để giành lấy độc lập và tự do, vì quyền lợi tối thượng của đất nước và vì lẽ sống còn của toàn dân đang bị thiểu số độc tài áp bức.
Nhưng có chính nghĩa không chưa đủ, chúng ta còn phải quảng bá và phát huy chính nghĩa đó bằng những quan niệm và hành động thực tiễn. 
Hành động thực tiễn biểu hiện qua tinh thần chiến đấu trường kỳ, không chấp nhận thỏa hiệp hay nhượng bộ đối phương cho đến ngày chế độ độc tài hoàn toàn sụp đổ, và đất nước có cơ hội canh tân, xây dựng một nền dân chủ vững chắc, tự do, văn minh và nhân bản. 
Hành động thực tiễn còn biểu hiện tinh thần sẵn sàng từ bỏ cuộc sống ấm êm tại hải ngoại, để đồng cam cộng khổ với quốc nội trong từng nỗ lực xây dựng tiềm lực đấu tranh lâu dài. 
Với tinh thần đó, những thành viên của Mặt Trận, đã nối tiếp nhau xây dựng hành lang phục quốc từ những ngày đầu thành lập khu chiến gian lao với hai bàn tay trắng, tới con đường Đông Tiến hào hùng với những chuyến nhập nội đầy hiểm nguy, trắc trở - bằng chính xương máu và tài lực của mình, dựa trên những quan niệm thực tiễn làm kim chỉ nam hành động: lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản, đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí và đứng trên lập trường dân tộc để đấu tranh toàn diện.
Trong chiến lược “Toàn Dân Toàn Diện”, Mặt Trận kêu gọi sự tham gia của mọi thành phần dân tộc, và tấn công chế độ trên mọi bình diện, mọi phương tiện, với phương châm “tiết kiệm xương máu của toàn dân và bảo tồn tài nguyên của đất nước”, nhằm tiến tới một cuộc “vùng dậy của toàn dân” để chấm dứt chế độ độc tài. 
Với chủ trương “Lấy đại đoàn kết toàn dân làm vũ khí,” Mặt Trận cũng đã kêu gọi anh em thuộc “hàng ngũ bên kia” quay trở về phục vụ dân tộc thay vì chủ nghĩa “Cộng sản quốc tế”. 
35 năm trước, Mặt Trận không chủ trương mở một cuộc chiến tranh mới mà là tiến hành một cuộc đấu tranh giải phóng. Nếu sức mạnh của chiến tranh đến từ nòng súng, đến từ đại pháo xe tăng thì sức mạnh chính yếu của đấu tranh giải phóng đến từ con tim, đến từ quyết tâm của con người. Chính những quyết tâm này, chúng ta đã cùng nhau thắp sáng ngọn lửa tự do và liên tục trao đến tay nhiều thế hệ, kể cả những người từng ở bên này hay bên kia chiến tuyến trước năm 1975.
Lúc đó vẫn có một số người nghi ngờ về chủ trương này, liệu có thể đạt được mục tiêu giải phóng đất nước sau những bàng hoàng về sự sụp đổ của miền Nam trong lúc có hơn 1 triệu quân trong tay? Nhưng đến ngày hôm nay, chúng ta càng thấy rõ, như lời tâm huyết của cố Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh, đã từng chia sẻ với đồng bào: 
    Chúng ta không chủ trương chiến đấu đơn độc, nhưng không ngại chiến đấu một mình. Chúng ta luôn lấy sức mạnh dân tộc làm căn bản. Không nước nào giúp chúng ta mà không vì quyền lợi của chính họ. Hãy vận động sự hỗ trợ của thế giới trên căn bản tương quan quyền lợi. Có những vấn đề Việt Nam mà người Việt Nam phải giải quyết. Có những vấn đề Việt Nam của thế giới mà thế giới phải chung tay giải quyết. Không ai thương dân tộc Việt Nam bằng chính người Việt Nam.
Do đó, muốn Việt Nam có tự do và dân chủ thật sự, chính người Việt Nam hơn lúc nào hết phải cùng nhau góp phần đấu tranh bằng hết tấm lòng, khả năng và trí tuệ của mỗi người. 
Sự tham gia biểu tình vào ngày 5 tháng 3 vừa qua ở trong và ngoài nước, qua lời kêu gọi tâm huyết của Linh Mục Nguyễn Văn Lý đã là một minh chứng cho tinh thần “lấy sức mạnh dân tộc làm chính” qua sự hiệp lực của mọi người vì đại cuộc. 
Nhìn lại 35 năm ngày Dựng Cờ Chính Nghĩa, mặc dù cuộc đấu tranh chưa thành tựu và còn rất nhiều chông gai phía trước, nhưng chúng ta vững tin là sớm muộn gì chế độ độc tài cộng sản cũng phải cáo chung, với những chỉ dấu rõ rệt trong hiện tình đất nước:
Thứ nhất, lòng dân đã chán ngán và nhìn thấy rõ đảng CSVN chỉ là một tập đoàn say mê quyền lực, không có khả năng mang lại đời sống tự do và hạnh phúc thực sự cho toàn dân. Hai vấn đề ô nhiễm môi trường tại miền Trung và tình trạng lạm thu, cướp đất ở các địa phương đang là ngòi nổ của bất ổn xã hội. 
Thứ hai, nội tình đảng CSVN đang trong tiến trình phân rã vì những cấu xé và thanh toán nhau giữa các phe nhóm. Cái gọi là phòng chống “tự diễn biến” hay “tự chuyển hóa” chỉ là tiếng vọng từ đáy vực của đảng cầm quyền, đang trong thời kỳ tẩu tán để tháo chạy.
Thứ ba, phong trào dân chủ đang trưởng thành với sự xuất hiện đa dạng của nhiều thành phần đấu tranh và đã lan rộng ở nhiều nơi cùng với Sài Gòn và Hà Nội. Điều quan trọng là lực lượng dân chủ đã có thể tự điều chỉnh và khắc phục những đòn trấn áp của an ninh, để phát triển tiềm lực trong quần chúng.
Tóm lại, 3 thập niên sau ngày Dựng Cờ Chính Nghĩa chưa phải là thời gian quá dài trong dòng lịch sử dân tộc, nhưng đủ cho phong trào dân chủ Việt Nam bắt rễ để chuẩn bị cho thế trận mới trong ngày toàn dân tổng phản công toàn diện, bằng chính sức mạnh của người Việt Nam trong và ngoài nước. 
Thông điệp nhân bản, xây dựng và chủ trương thực tiễn của Mặt Trận phát xuất từ tấm lòng trong sáng của những người Việt Nam yêu nước, đầy nhiệt tình và can đảm - dù đã hy sinh hay vẫn còn kiên trì chiến đấu, đã thắp sáng ngọn lửa chính nghĩa của dân tộc qua nhiều thế hệ, và đang góp phần xiển dương dòng lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam.
Lý Thái Hùng
8/3/2017

Không có nhận xét nào: