Nguồn: “How Donald Trump could take America out of NAFTA“, The Economist, 23/01/2017
Lê Thị Hồng Loan dịch
Donald Trump đã liên tục chỉ trích Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA). Ông đã gọi nó là “thỏa thuận thương mại tồi tệ nhất có lẽ từng được ký ở bất cứ nơi nào, nhưng chắc chắn là thỏa thuận tồi tệ nhất từng được ký ở đất nước này”.
<!>
Ông đổ lỗi cho hiệp định này về tình trạng mất việc làm trong ngành sản xuất xe hơi của Mỹ, một phần tư trong số đó đã biến mất kể từ năm 1994. Và ông hứa hẹn sẽ đàm phán lại hoặc thậm chí rút khỏi hiệp định này. Liệu Trump có thể rút Mỹ ra khỏi NAFTA hay không, và hậu quả sẽ là gì nếu ông ta thực sự làm điều đó?
Có lẽ câu hỏi lớn nhất về chính quyền mới kể từ cuộc bầu cử là liệu Tổng thống mới đắc cử có ý định theo đuổi kế hoạch trong chiến dịch của mình, hay liệu ông ta sẽ chỉ đơn giản sử dụng những luận điệu mà ông cần để được đắc cử.
Về vấn đề các công việc thuê ngoài (“outsourcing”), Trump đã tỏ ra kiên định. Trong những tuần gần đây, sử dụng tài khoản Twitter của mình, ông đã gây sức ép lên Carrier, một nhà sản xuất điều hòa không khí, để duy trì một nhà máy ở Indianapolis mà họ đã lên kế hoạch chuyển sang Mexico – nhằm giữ lại khoảng 800 việc làm. Một trong những nhà sản xuất ôtô lớn nhất của Mỹ, Ford, đã loại bỏ kế hoạch xây dựng một nhà máy mới ở Mexico một tháng sau đó, thay vào đó tuyên bố rằng họ sẽ đầu tư 700 triệu USD vào một liên doanh mới ở Michigan để chế tạo xe điện. Trump cũng đã đe dọa GM và Toyota với một mức “thuế nhập khẩu cao” nếu các công ty này xuất khẩu xe được lắp ráp ở Mexico vào Mỹ.
Thuế quan sẽ vi phạm các điều khoản của NAFTA. Tuy nhiên, Trump có thể thử sử dụng quyền hành để áp đặt nó bằng cách này hay cách khác, có lẽ dưới hình thức một biện pháp “cấp thiết”. Sau đó, tòa án sẽ có quyền phán quyết để loại bỏ biện pháp này. Nhưng Trump cũng có quyền lực để khiến Mỹ phải rời khỏi NAFTA hoàn toàn mà không cần tham khảo ý kiến Quốc hội. Để làm như vậy, ông ta sẽ chỉ phải đưa ra thông báo trước sáu tháng đến Canada và Mexico. Sau khi rời khỏi NAFTA, mức thuế quan đối với hàng hóa giữa Mỹ và hai nước láng giềng lớn của nó sẽ quay trở lại cái được gọi là mức thuế quan “tối huệ quốc”, theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Đối với hầu hết các hàng hóa, các mức thuế này nằm vào khoảng 3,5%, mặc dù một số lĩnh vực bị đánh thuế ở mức cao hơn. Để đạt được mức “thuế nhập khẩu cao” (mà ông đã đề cập đến mức 35%), Trump có thể viện dẫn một điều khoản của Đạo luật Thương mại năm 1962 vốn cho phép áp đặt mức thuế cao hơn để đối phó với một mối đe dọa an ninh quốc gia, hay, thực tế hơn, một quy định từ năm 1974 vốn sẽ cho phép tổng thống phản ứng tùy theo quyết định của mình đối với hành vi “phân biệt đối xử” từ phía bất kỳ đối tác thương mại nào.
Trump sẽ nhận được những gì cho rắc rối của mình? Một sự rút lui hoàn toàn khỏi NAFTA sẽ gây ra sự hỗn loạn cho các doanh nghiệp với các chuỗi cung ứng trải dài qua biên giới phía nam của nước Mỹ. Gần 60% hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico là đầu vào cho sản xuất của Mỹ. Nền kinh tế của Mỹ sẽ bị giáng một đòn mạnh, đặc biệt là các tiểu bang nằm gần biên giới.
Mexico, quốc gia phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, có lẽ sẽ sớm lâm vào suy thoái. Điều này sẽ khuyến khích di cư lên phía bắc nhiều hơn (vì vậy Trump có thể cần phải xây dựng một bức tường lớn hơn). Tác động kinh tế dài hạn chủ yếu sẽ là hàng hóa trở nên đắt đỏ hơn đối với người tiêu dùng. Nhiều người Mỹ có thể báo cáo tìm được công việc trong các nhà máy ôtô của nước này, nhưng ít người trong số họ sẽ có đủ tiền để mua một chiếc SUV mới bóng loáng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét