Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 26 tháng 2, 2017

Những Vui Buồn của Tai Biến Mạch Máu Não - DaoVien

Lục Thông Quyền

<!>
Cũng như mọi sáng, sau khi xem thoáng qua cột tin tổng quát trên tờ báo Wall Street Journal và uống nốt ly cà phê đen, Việt thong thả ra cửa chính, tay cầm chiếc gậy, bước qua đường, sang bên kia lối đi trước nhà để đi bách bộ buổi sáng. Anh phải làm chuyện này mỗi ngày, theo lời khuyên của ông bác sĩ thần kinh (neurologist) điều trị, mươi năm về trước.
Tai biến Mạch Máu Não
Anh vẫn nhớ một buổi sáng năm 2007, anh ngồi chơi với thằng cháu ba tuổi đang ngồi trên lòng, anh thấy mỏi chân, không duỗi chân ra được. Anh bế cháu bé xuống đất, rồi đứng dậy, tìm cách bước ra ngoài cho thoải mái. Anh thấy lúc bước đi, chân trái nặng hơn trước, đi đứng khó khăn hơn. Con gái anh, mẹ thằng bé, hỏi anh Bố làm sao thế? Anh trả lời là tự nhiên thấy chân trái hơi nặng, bước đi khó khăn.

Lối vào bệnh viện HOAG
Lối vào bệnh viện HOAG

Thấy vậy, con gái anh vội vàng chở anh ngay đến nhà thương HOAG gần nhà. Anh đã phải nằm đó hai ngày. Người ta cho anh biết là anh đạ bị “Stroke” , tiếng Việt là Tai biến mạch máu não. Sau đó anh được chuyển đến bệnh viện Memorial Coast Hospital, vì đây mới là bệnh viện bảo trợ bởi công ty bảo hiểm của anh. Ở đó năm ngày để sau cùng người ta chuyển anh đến bệnh viện Saddle Back Hospital, là một bệnh viện lớn hơn, có đầy đủ phuong tiện chữa trị tai biến mạch máu não hơn.

Anh ở bệnh viện này khá lâu. Người bác sĩ điều trị được gọi là một “physiatrist, bắt đầu bằng nhiều cuộc phỏng vấn. Người ta muốn biết trong gia đình anh, trước đây ai bị những bệnh gì, chết vì chứng bệnh gì, nhất là có lên quan đến tai biến mạch máu não không. Mấy ngày sau anh mới thấy có một ông bác sĩ được giới thiệu là chuyên về thần kinh học (neurologist), là người sẽ trông nom cho anh. Sau khi chẩn bệnh, ông bác sĩ thần kinh cho biết bệnh của anh là Nghẽn mạch máu não bên phải và liệt chân bên trái ( Right Thalamic Hemorrage with Left Herni paresis). Anh được giải thích là có hai thứ strokes . Một thứ là ischemic stroke: mạch máu não bị nghẽn, máu không đem dưỡng khí vào các tế bào thần kinh được. Thứ kia nguy hiểm hơn là hemorragic stroke, mạch máu não bị vỡ ra, máu đã chẩy chan hòa ra óc rồi. Anh chỉ bị ischemic stroke thôi, cũng là may! Ông này cho thuốc anh dùng chỉ để làm cho loãng máu như Coumadin, rồi Aspirine 325.
Lúc đầu, anh phải có người giúp mới lên gường nằm được. Người ta đưa cho anh một cái chai hay một cái chậu sâu để đi tiểu, Trong ngày sẽ có lao công đến quét dọn rồi đổ đi. Muốn đại tiện, anh phải gọi người đến giúp, sẽ có người mang một xe lăn đến, đem anh đến nhà vệ sinh. Môt kỷ niệm đáng nhớ là một hôm ông bác sĩ điều trị đến thăm khá sớm, thấy đồ tiểu tiện anh dùng qua đêm vẫn còn đấy, lao công chưa mang đi, ông bác sĩ này đích thân dọn đi cho anh, rồi mới nói chuyện sau. Ít lâu sau đó, tự anh đi lại được. Thế là người trong bệnh viện hàng ngày đưa anh đến một chỗ để tập đi, đi tới đi lui. Mới đầu còn có tay vịn cho khỏi ngã. Sau đó đi tay không.
Cái xe lăn
Cái xe lăn
Nằm trong bệnh viện một mình cũng rất buồn, nhưng vợ con anh, cùng các sư cô ở Chùa vẫn đến thăm, mang sách vở đến cho anh đọc. Độ ba tuần sau anh được về nhà. Bệnh viện cho anh mượn một chiếc xe lăn mang về nhà để di chuyển. Ít lâu sau bệnh viện đến lấy lại chiếc xe lăn và thay bằng một chiếc xe đẩy bốn chân. Bệnh viện cho người đến để đấm bóp tay chân, dậy anh tập thể dục, khuyến khích anh đi lại, đọc sách báo.
Cái xe đẩy 4 chân
Cái xe đẩy 4 chân
Sau khi người của bệnh viện không đến nữa, gia đình anh phải thuê người đến hàng ngày, rồi cách vài ngày, đến giúp anh đi lại cho khỏi ngã và tập thể dục.  Ít lâu sau, không cần người giúp việc nữa vì anh đi lại vững vàng được một mình với một chiếc gậy.
Về nhà, đọc sách về Tai biến mạch máu não (Stroke and the Family, của Dr. Stein), anh mới thấy thật không may, vì y khoa đã có một thứ thuốc chích, gọi là tPA (tissue plasminogen activator), chữa được stroke, với điều kiện là bệnh nhân phải được chữa trị sớm, trong vòng 3 tiếng đồng hồ ngay sau khi bị tai biến. Nhà thương HOAG không có, hay chưa biết đến, thứ thuốc này. Khi anh đến bệnh viện Saddle Back Hospital thì đã quá trễ.
Ông bác sĩ thần kinh chẳng chữa gì hơn mà chỉ khuyên anh mỗi ngày đi bộ 20 phút hoặc hơn nếu có thể và giữ tinh thần hoạt động bằng cách đọc sách, học một thứ gì, trực tiếp hay qua internet. Mới đầu anh học chữ nho (Hán tự). Anh thấy mất công quá, rồi thấy cũng chẳng đi đến đâu, ít lâu sau anh chuyển sang viết “blog“. Anh lập ra một “website” riêng của anh và viết bài trong đó cho bạn bè xa gần đọc cho vui.
Đi Bách bộ
Sáng hôm ấy, khi anh sang đường để đi bộ như thường lệ, anh thấy đường còn ướt vì đêm qua có mưa phùn. Nhà anh ở gần biển nên ẩm ướt hơn đất liền. Anh thầy có nhiều con ốc sên từ cỏ bên lề bò ra đường, chắc là muốn tìm chỗ khô ráo hơn. Mỗi lần thấy vậy anh không muốn con sên phải chết vì người đi lại dẫm phải hoặc bị những con chim quạ, bay xà xuống ăn mất. Vì vậy anh phải cúi xuống, nhặt con sên, bỏ lại vào đám cỏ lề đường.

Chú quạ đen
Chú quạ đeb
Trên đường về gần đến nhà, Việt nhìn thấy từ xa có một con ốc sên khá lớn, độ bằng ngón chân cái người lớn. Anh vội rảo bước đến gần con sên, thì bỗng nhiên có một con quạ đen đáp xuống đất, không xa trước mặt anh. Con chim đi thong thả, từng bước một – không nhẩy như những con chim nhỏ hơn – cũng đang tiến dần đến con ốc sên trước mặt. Việt thấy vậy, cố chạy nhanh để đuổi con quạ đi mà thấy có vẻ như vô vọng. Bí quá, để cứu con ốc sên, anh vội ném cái gậy cầm trên tay vào con quạ. Điều anh không ngờ tới là khi không còn gậy, anh mất thăng bằng liền ngã ngồi xuống đất, đau điếng người. Nhìn lên, anh không thấy con ốc sên đâu nữa chỉ thấy con quạ đang bay lên cao. Thế là công không lại mắc nạn. Anh không tự mình ngồi dậy được. Anh phải lê người đến một chiếc xe hơi đậu trước nhà, bám chặt vào đó mà đu người lên mới đứng lên được.
Chú chuột nhắt
Chú chuột nhắt
Nhân chuyện này, anh nhớ đến một chuyện khác cách đấy không lâu. Một hôm vừa ở nhà ra, sang bên kia đường để đi bộ, anh thấy một con chuột nhỏ, chỉ bằng nắm tay đứa trẻ, đang nằm dưới mương lề đường. Con chuột này không phải loại chuột cống mà anh rất sợ. Con chuột này lông mầu xám, lông bụng mầu trắng, cái mũi không dài, hơi đỏ. Anh đến gần thì nó chạy dưới mương, vào gầm xe hơi. Chẳng làm gì được, anh tiếp tục đi bộ. Trên đường về gần trước nhà, anh thấy con chuột đã bò ra giữa đường cái rồi. Chắc hẳn chú chuột muốn sang bên kia đường, đứng đấy còn do dự. Thấy vậy anh Việt biết là nhiều phần con chuột sẽ bi xe hơi đi qua cán chết. Anh vội đuổi nó chạy trở lại ven đường. Anh thấy có một tờ giấy dầy loại các-tông, anh liền hớt nó lên rồi hất nó vào bãi cỏ bên đường. Chú chuột quay lại nhìn anh rồi chạy biến vào bãi cỏ. Mấy hôm sau, anh lại thấy chú chuột nằm trong bãi cỏ nhìn ra ngoài, thấy anh, lại chạy vào trong bãi cỏ, không ra ngoài nữa.
Tập thể dục
Hàng ngày, theo lời ông bác sĩ thần kinh, buổi chiều, anh ra sân sau nhà để tập thể dục. Trước khi anh bị tai biến mạch máu não, sức khoẻ còn tốt, anh đã theo một ông thầy dậy Thái Cực Quyền, còn gọi là Taichi. Taichi có nhiều môn phái, đúng hơn là có nhiều bài quyền khác nhau. Có bài chỉ có 36 thế. Bài quyền anh học có 72 thế, trong đó có một số thế được nhắc lại như thế Vân Thủ chẳng hạn.

Sau khi anh bị tai biến mạch máu não, sức khỏe kém đi, khó đứng vững, anh không tập Taichi được. Anh chuyển sang tập Đạt Ma Chân Kinh hay là tập Phẩy Tay rồi tập Gậy Dưỡng Sinh của ông Mai Bắc Đẩu. Anh thấy cả hai bài tập này cần đứng vững, anh không tập được nữa. Sau cùng nhân một hôm đi khám mắt với một bà Nhãn khoa (optometrist) người Trung Hoa. Bà này khuyên anh nên tập Lục Thông Quyền, vừa tốt cho sức khỏe lại có thể làm mắt anh sáng hơn..
Về nhà tìm trên internet, anh mới thấy Lục Thông Quyền là một môn thể dục do một bà võ sư ở Hương Cảng chế ra, với mục đích là đả thông sáu bộ phận con người là Đầu, Mình và 4 Tay Chân, rất thích hợp với những người bình thường thanh niên nam phụ lão ấu. Lục Thông quyền có 36 thế. Trong những thế này, có một số thế anh không tập được, như thế “Jumping Jack” (phải nhẩy cả hai chân lên). Vì vậy anh chĩ tập được một số thế thôi.
Đổi lại, với mỗi thế tập anh tập 10 lần, mỗi lần kèm theo một cái Thở, hít vào, thở ra . Anh cho rằng hít thở như vậy mới là cách tập chính yếu bồi bổ sức khoẻ. Tập múa may tay chân chỉ giúp phần nào.
Bác sĩ Nguyễn khắc Viện lúc già
Bác sĩ Nguyễn khắc Viện lúc già
Anh nhớ lại chuyện ông bác sĩ Nguyễn Khắc Viện (1913 – 1997). Năm 1942, ông bị lao phổi nặng, điều trị ở bệnh viện Saint Hilaire du Touvet, Grenoble. Thời đó bệnh lao chưa có thuốc chữa như bây giờ. Từ năm 1943 đến năm 1948 ông phải chịu mổ 7 lần, cắt bỏ 8 cái xương sườn, cắt bỏ toàn bộ lá phổi bên phải và một phần ba lá phổi bên trái.
Các bác sĩ Pháp bảo ông chỉ có thể sống chừng hai năm nữa thôi. Trong thời gian nằm chờ chết, ông đã tìm ra một phương pháp… thở để tự chữa bệnh cho mình, và kết quả là ông đã sống đến tuổi 85 mới chết (1997), nghĩa là sống thêm được 50 năm nữa, họat động tích cực, năng nổ trong nhiều lãnh vực! Chuyện khó tin nhưng có thật!
Nghĩ vậy, mỗi lần tập một thế trong Lục Thông Quyền, Việt đều hít vào thở ra, tuy rằng trong Lục Thông Quyền, người ta không nói đến chuyện phải hít thở. Anh tính ra, mỗi lần tập song, anh đã hít thở trên hai trăm (200)  lần, như thế là đủ. Với Lục Thông Quyền, tập luyện mỗi ngày, anh thấy rất tốt. Ở tuổi anh, 87 tuổi rồi, anh không bao giờ thấy đau lưng như trước đây nữa.
Anh nhớ lại cách đây nhiều năm khi chưa bị tai biến mạch máu não, một hôm anh bị đau phần dưới lưng (low back pain) rất nặng, đau xuống chân trái, không đi lại được, có khi anh phải bò dưới đất, Đó là triệu chứng của chứng bệnh bị đau Thần kinh tọa (sciatica) Thoái hóa cột sống. Anh đi khám bác sĩ. Người bác sĩ cho anh biết, muốn chữa chỉ có hai cách: Phẫu thuật và tập thể dục, nhất là bơi lội. Anh vào một câu lạc bộ thể dục thể thao, mỗi ngày bơi lội nhiều vòng trong hồ tắm, rồi vào ngồi spa nóng rồi lạnh theo kiểu Thụy Điển. Ít lâu sau anh mới hết đau lưng. Tuy nhiên thỉnh thoảng anh vẫn bị low back pain trở lại.
Từ khi anh tập Lục Thông Quyền anh không còn bị đau lưng nữa. Ngoài ra, Lục Thông Quyền còn giúp anh tập trên đầu, cổ, mắt, mũi và bàn tay, giúp anh ngoái cổ ra đằng sau, khi lái xe hơi, và tập đàn, dễ dàng hơm
Vườn sau nhà
Phía sau nhà anh là một cái vườn, có hai bậc. Vườn phía trên là vườn trồng rau thơm: những thứ như: Kinh giới, Tía tô, rau Răm, Húng quế, Oregano, Basil, thêm vào đó là một bụi Xả. Vườn phía dưới dùng để trồng các thứ rau thông thường như Kale, Cà chua, Xà lát, Ớt, Hành xanh, và các cây leo như đậu ve, Xu xu (Chayote), Fava bean, mồng tơi, Chanh, Quýt..

Cà chua là loại cây được được ốc sên, sâu bọ chiếu cố đến nhiều nhất, kể cả chuột Buổi sáng, ra thăm vườn, con anh thấy nhiều quả cà chua đỏ mọng đẵ bị chuột ăn gần hết. Con anh đã phải mua ngay hai cái bẫy chuột loại lớn để bắt chuột. Con anh bắt được nhiều con chuột khá lớn. Anh khuyên cậu ta đem lồng chuột đi thật xa, một nơi đồng không mông quạnh, để thả chuột đi.
Nhiều cây ra hoa, làm cho ong bướm đến khá nhiều. Có một hôm anh thấy một loại chim rất nhỏ, mỏ rất dài, bay rất nhanh, có thể bay, đứng nguyên một chỗ, lại có thể bay lùi được. Người ta gọi loài chim này là Chim Ruồi, vì nó rất nhỏ. Anh thỉnh thoảng thấy nó bay đến, lơ lửng bay đứng yên một chỗ rồi bay đến hút mật một nhị hoa. Hút song một lúc, nó bay lùi lại, rôi bay tiến đến hút thêm một chút rồi bay vụt đi mất.
Con chim Ruồi
Con chim Ruồi

Chim chóc cũng hay đến thăm vườn nhà anh, nhưng toàn là những loại chim tương đối nhỏ, có nhiều con trông rất đẹp, lông vũ nhiều mầu sắc. Những loại chim lớn chỉ bay trên cao và đậu trên những cành cây lớn, rất cao. Một hôm anh thấy bay trên cao một con chim nhỏ, nhưng rất dữ, đuổi theo một con chim lớn hơn rất nhiều. Bay đến nơi nó mổ tới tấp vào con chim lớn, khiến con này phải bay thấp xuống mà chạy chốn. Anh được cho biết loại chim này được gọi là chim cắt. Chim cắt là một loại chim ăn thịt sống (carnivore), nhỏ nhưng có mỏ quặp xuống rất sắc.

Buổi chiều trong khi đang tập thể dục, anh thấy từng đàn chim bay từ phía Tây – là vùng biển – sang phía Đông – là nội địa, rất nhiều, để rồi đậu trên cành lá um tùm của những cây rất cao gần nhà anh. Nhìn chim bay về tổ, anh lại nhớ đến một câu trong một bản nhạc (Đường về Đất Phật) : “Đường chim bay không lưu dấu, Nghiệp xưa rồi sẽ quay đầu”, trong lòng anh thấy rất vui.
 Cây cầu mới lạ
Nhà anh gần biển, không xa một khu thương mại lớn, được nhiều người biết đến. Trên đường đến khu thương mại này, ban quản trị thành phố cho xây một cái cầu khá dài, vắt ngang một con đường lớn vào khu thương mại. Cây cầu này được xây cất rất khác thường. Một đầu là một con đường đắp đất, dốc, từ mặt đường lên mặt cầu. Con đường đất này khá dài, có một độ dốc vừa phải để khách bộ hành có thể đi bộ hay đi xe đạp lên cầu được. Đầu cầu kia, có cầu thang và thang máy để lên cầu. Toàn bộ cây cầu có lan can làm bằng những miếng kính trong suốt. Đặc biệt, riệng 10 thước đầu cầu, lan can có kinh mầu xanh nhạt, trông rất đẹp.

Câ cầu nhìn từ xa
Câ cầu nhìn từ xa
Đứng sau nhà, tập Lục Thông Quyền. anh vẫn thấy nhiều khách bộ hành đến thăm cầu, người lớn, trẻ con, cả gia đình hay riêng lẻ từng người, có cả những người già ngồi trên xe lăn được gia đình đưa lên cầu – chắc bằng thang máy – có người dắt theo chó, lớn nhỏ đủ loại. Người ta thích ra đứng đầu cầu để ngắm cảnh. Cầu đã cao, nhìn rất xa, nhất là về chiều, trời gần tối, bảng lảng bóng hoàng hôn, đứng trên cầu cao nhìn ra xa, nhìn thấy biển rộng hẳn là tuyệt đẹp. Khách đến thăm cầu nhiều nhất vào cuối tuần hay những ngày nghỉ lễ.
Đứng từ nhà, nhìn đầu cầu từ xa, anh thấy rất nhiều cảnh tượng rất khác thường. Có những đôi bạn trẻ ôm nhau tình tứ hoẳc đứng chụp hình, có những ông bố bế con lên để con nhìn trên cao, nhìn xa hay nhìn xuống đất, có vườn hoa rất đẹp, có người ôm chó ngồi xuống nền cầu, có người đi xe đạp hay xe gắn máy phóng lên cầu. Ngày lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lich, cây cầu có trang hoàng kết hoa cho đẹp mắt.
Từ vườn sau nhà đến đầu cầu khá xa. Anh chỉ nhìn thấy mà không có âm thanh, xem một thứ phim câm.
Anh nhớ lại, ngày xưa, khi anh còn nhỏ, rất nhỏ, có một người đẩy một cái xe qua nhà, để cho các trẻ em xem phim câm. Cái xe có nhiều cửa nhỏ để nhìn vào trong. Ai muốn xem phải bỏ tiền vào một chỗ thì cửa nhỏ mới mở ra để nhìn vào xem phim được.
Tiền đây là tiền đồng làm bằng kẽm (nickel) hay bằng đồng (copper). Ngày xưa, thời Pháp thuộc, ngoài tiền giấy – piastre – có mệnh giá lớn, có hai thứ tiền có mệnh giá nhỏ. Đồng tiền Khải Định và đồng tiền Bảo Đại. Ba (3) đồng Bảo Đại mới bằng (giá) một đồng Khải Định.
Đồng tiền Khải Định và Bảo Đại
Đồng tiền Minh Mạng, Khải Định và Bảo Đại
Ngưuời ta có câu: “Thóc lúa không có người đong. Bán buôn một Bố giá đồng ba Con” Chữ Bố để chỉ đồng Khải Định. Chữ Con để chỉ đồng Bảo Đại. Tiền giấy do nhười Pháp in ra, còn tiền Khải Định và Bảo Đại thì do Triều đình Huế đúc.
Sau khi đã có đủ tiền, người chủ xe vặn một cái máy để chiếu một đoạn phim câm ngắn. Thí dụ phim Hề Charlot chẳng hạn. Trẻ em xem rất thích, vì thấy mới lạ,
Bây gìờ anh Việt thấy gì trên cầu cao? Nhiều chuyện nhỏ nhưng anh thấy rất thú vị: một ông bố bế con lên chỉ trỏ cho con xem đằng xa có gì? một bà mẹ đang bế con nhỏ mà gió thổi làm tóc mẹ cuốn vào mặt con, làm nó phải quay đi; hai em nhỏ chơi với hai con chó đang quanh quẩn bên chủ nhà; một con chó lớn, ngửa mặt nhìn chủ nó không biết đang nói gì mà đuôi vẫy rối lên. Nhìn từ xa anh mới thấy nhiều người thích nuôi chó và chó là một động vật rất thân thiết với chủ. Anh vẫn không hiểu sao thấy nhiều người ở Việt Nam đi bắt chó về ăn thịt.
Tập thể dục song thì trời sâm sẩm tối, Vào trong nhà, anh thấy mọi người đã ngồi vào bàn chuẩn bị ăn cơm chiều Thằng cháu bé 3 tuổi năm xưa bây giờ đã là một cậu học sinh Trung học. Thời gian đã qua thật mau với những vui buồn của cuộc đời. Thế nhưng Tai biến mạch máu não vẫn còn đó.
____________________________________________________________________
1.  Bài vè để tập thở của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện
Thót bụng thở ra
Phình bụng thở vào
Hai vai bất động
Chân tay thả lỏng
Êm chậm sâu đều
Tập trung theo dõi
Luồng ra luồng vào
Bình thường qua mũi
Khi gấp qua mồm
Đứng ngồi hay nằm
Ở đâu cũng được
Lúc nào cũng được!

Không có nhận xét nào: