Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

BÁC SĨ, NHÀ VĂN ĐỖ HỒNG NGỌC - MỘT MẶC KHÁCH HÀO HOA - Lê Minh Quốc

mot-mac-khach-ho-hoa-1R
Phải nói thật, tôi thích bác sĩ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc, còn một lẽ do anh là cháu ruột của một trí thức lạ lùng ở miền Nam: Nguiễn Ngu Í (1921- 1979), tên thật Nguyễn Hữu Ngư, sinh tại Bình Thuận. Đi chênh vênh giữa cơn điên và sự tỉnh táo lạ thường, ông Í đã chủ trương cải tiến chữ Quốc ngữ (chẳng hạn thay y bằng i, k bằng c, gi bằng j, kh bằng k, p bằng b, ph bằng f...) và để lại những tác phẩm như Qê hương, Lịch sử Việt Nam, Giấc mộng lớn chưa thành, Suối bùn reo, Sống và viết với...
<!>
Vì lẽ đó, khi gặp Đỗ Hồng Ngọc, tôi đã đặt câu hỏi: “Thưa anh, được biết, nhà văn nổi tiếng Nguiễn Ngu Í là cậu của anh. Thuở mới vào nghề viết, anh có học hỏi được gì từ người cậu rất cá tính, rất lạ lùng, rất “quái kiệt giang hồ” của mình?”. Còn nhớ lúc ấy, anh mỉm cười: “Nhiều chứ! Tôi mồ côi cha sớm, lúc 12 tuổi sống trong chùa với bà cô ở Phan Thiết thì ông đến thăm, cho một đống sách báo rồi bắt tôi đi học! Ngay lúc đó, tôi đã thấy mình mê sách báo, muốn làm “nhà văn, nhà báo”… như ông rồi! Nhưng tôi lại giấu biệt ông khi những bài thơ đầu tiên của tôi được đăng báo, đến lúc ông biết, ông khen có “giọng điệu” và “ý tưởng” riêng. Sau này, ông coi tôi như một người bạn… văn, có bài nào mới ông bắt tôi nghe và cho ý kiến”.
Và thêm một điều nữa, Đỗ Hồng Ngọc nổi tiếng từ rất sớm. Trước năm 1975, anh sáng tác thơ với bút danh Đỗ Nghê, đã có tác phẩm đăng trên các báo Bách Khoa, Tình Thương… Nhiều bài cũng được bạn bè “đánh giá cao” như Em còn sống mãi, Tâm sự Lạc Long Quân, Lời ru, Cổ tích về ngôn ngữ v.v… Sau này anh đã tập hợp in trong tập thơ đầu tay Tình người, xuất bản năm 1967.
Nhớ đến anh, lập tức những câu thơ trong bài Thư cho bé sơ sinh thấm đẫm tính nhân văn, thấu hiểu lẽ vô thường trong cõi nhân sinh lại vọng về trí trí nhớ:
Khi anh cắt rún cho em
Anh đã xin lỗi chân thành rồi đó nhé
Vì từ nay em đã phải cô đơn
Em đã phải xa địa đàng lòng mẹ
Có thể tách lấy khổ thơ này. Nó đã trở thành bài tứ tuyệt có một tứ thơ chắc và gọn. Tứ tuyệt này, tựa như thông điệp mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã viết: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”. Khi làm MC dẫn chương trình ra sách mới của anh tại Đường sách TP.HCM, tôi thật sự xúc động khi có người là học trò của anh ngày trước đã ngâm lại bài thơ này. Không gian hôm ấy, dưới vòm me xanh đang náo động, ồn ào bỗng dưng im bặt. Mọi người lặng im sống cùng con chữ của vị thầy thuốc chào đón một sinh linh bé bỏng vừa cất tiếng khóc dưới ánh sáng mặt trời. Anh kể: “Bài thơ này, tôi viết vào năm 1965, khi còn là sinh viên y khoa năm thứ ba, thực tập tại bệnh viện Từ Dũ, khi đỡ được một bé đầu tiên ra đời “mẹ tròn con vuông”. Tôi viết bài thơ ngay tức khắc trong chừng mươi phút, rồi còn cao hứng chép vào sổ phúc trình sau phần bệnh án, bị thầy HNM rầy “đỡ đẻ không lo đỡ đẻ lo làm thơ”! Thế nhưng hôm sau đã thấy bài thơ được ai đó viết lên bảng đen và được nhiều bạn bè đồng nghiệp lưu truyền…”.
Trước đây, nhà văn hóa Nguyễn Hiến Lê nhận xét về anh: “Một bác sĩ mà lại là một thi sĩ thì luôn luôn làm cho người ta ngạc nhiên một cách thú vị”. Câu này, càng về sau lại càng thấy đúng.
Con đường vào đời của Đỗ Hồng Ngọc cũng thú vị lắm, anh cho biết: “Tôi mê dạy học, mê văn chương và cũng mê làm nghề y. Hồi xưa, đậu Tú Tài 2 xong (1962), tôi băn khoăn không biết nên học Văn khoa, Sư phạm hay Y khoa… Ông Nguyễn Hiến Lê khuyên nên học y, vì ngành y có thể giúp đời cụ thể và nếu có tâm hồn, có năng khiếu thì làm nghề y cũng có thể viết văn và dạy học được. Tôi nghe lời”.
Từ quyển sách Những tật bệnh thông thường trong lứa tuổi học trò (1972), và nhất là Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng (1974) đã tái bản rất nhiều lần, đến nay anh đã tung hoành khá nhiều thể loại. Đáng chú ý nhất là các tập sách mà anh phân loại một cách dí dỏm là viết cho “Tuổi hườm hườm” như Gió heo may đã về;   Già ơi… chào bạn, Chẳng cũng khoái ru?  Những người trẻ lạ lùng, Thư gởi người bận rộn… Những năm tháng gần đây, anh đã chú tâm nghiêng cứu về Phật học, về thiền. Có thể kể đến những tập sách như  Nghĩ từ trái tim, Gươm báu trao tay, Thiền và Sức khỏe, Gì đẹp bằng sen?
Hôm kia, anh đã tặng tôi những đĩa VCD thu lại những buổi nói chuyện của anh với Phật tử, tôi ngạc nhiên quá. Có những vấn đề lâu nay đã đọc nhưng chỉ như ngọn gió thoáng qua, nay, nghe anh giải thích lại cảm thấy gần gũi, dễ hiểu. Ấy là do gì? Do am hiểu về y học, do suy ngẫm nhiều và có tâm hồn thơ nên những triết lý uyên thâm ấy đã được anh giải thích uyển chuyển, tươi mới hơn chăng? Còn nhớ lúc phỏng vấn anh, tôi đã cố tình đặt ra những câu hỏi khó, nào ngờ, anh trả lời ngọt xớt. Tôi thường đùa rằng, câu hỏi hay mà người trả lời cũng hay.
Chẳng hạn, "Nếu cùng một lúc có ba đối tượng: hài nhi, phụ nữ và ông lão. Cả ba đều cần kíp đến chuyên môn của một bác sĩ. Chỉ được chọn một trong thời điểm “thập tử nhất sinh” ấy, anh chọn đối tượng nào?”. Anh mỉm cười: “Tôi la lên cho có nhiều người đến giúp. Trong cấp cứu y khoa tôi học được như vậy. Phải kêu cứu. Sau đó, đánh giá mức độ nặng nhẹ và khả năng cứu chữa để chọn ưu tiên can thiệp. Không có sự “phân biệt đối xử” trong y khoa. Một cô hoa hậu viêm ruột thừa thì cũng giống như bất cứ một cô gái nào khác viêm ruột thừa thôi!”.
Một câu hỏi khác: “Nếu cho anh chọn một điều ước có tầm ảnh hưởng cho phụ nữ - “một nửa thế giới của đàn ông”, anh sẽ ước gì?”. Anh đáp: “Ước phụ nữ là phụ nữ chớ đừng biến họ thành đàn ông! Hiện nay, có lẽ do nhiều phụ nữ biến thành đàn ông quá nên đàn ông bèn có khuynh hướng… biến thành phụ nữ, hoặc đàn ông đi… tìm đàn ông để kết bạn! Rắc rối sinh ra từ đó!”. Ngẫm ra cũng có lý đấy chứ? Thêm một câu hỏi nữa: “Người phụ nữ đẹp, theo anh, cần phải có những yếu tố nào - nhan sắc hay sức khỏe?”. Trong cuộc đời, có đôi lúc ta đứng trước sự lựa chọn, chỉ chọn một, thế mới khó.
Hãy nghe anh trả lời: “Không phải nhan sắc, cũng chẳng phải sức khỏe, mà chính là cái tâm hôn của người đó. Bùi Giáng có lần viết: “Em ơi em đẹp vô cùng/ Vì em có cái lạ lùng bên trong”; và tôi thêm “Em ơi em đẹp vô song/ Vì em có cái bên trong lạ lùng”! Cái đẹp bên trong đó mới tạo ra thứ nhan sắc không tàn phai, và chính nó cũng tạo ra sức khỏe, là thứ sảng khoái vế thể chất, tâm thần và xã hội như ta biết. Muốn có cái đẹp bên trong đó, phải rèn luyện, phải học tập… dài lâu, nền nếp. Trong khi sửa mắt sửa mũi, độn ngực độn mông có thể làm ngay tức khắc. Cái đáng lo bây giờ là người đẹp nào cũng giống… người đẹp nào, vì cùng một khuôn mẫu cả!”.
Cách trả lời, cách viết theo lối này âu cũng là “duyên ngầm” của nhà thơ, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc. Có lần, anh cho biết: “Để có thể luôn giữ được sự bình quân từ tâm hồn đến sức khỏe, phải làm gì? Rất đơn giản. Gần gũi với thiên nhiên chừng nào tốt chừng đó. Tôi nhận ra “hạnh phúc rất đơn sơ” bạn ạ. Sống trong hiện tại, sống trong “chánh niệm” thì sẽ phát hiện nhiều điều hay. Chẳng hạn chỉ cần biết thở “chánh niệm”, bạn sẽ ngạc nhiên:
Lắng nghe hơi thở của mình
Mới hay hơi thở đã nghìn năm xưa…
Một hôm hơi thở tình cờ
Dính vào hạt bụi thành ra của mình
Của mình chẳng phải của mình
Thì ra hơi thở của nghìn năm sau…”.
Đọc những gì anh viết gần đây, theo tôi, đó là sự thông tuệ đã cô đọng, đã chắt lọc của một tâm hồn an lạc. Một trong bài thơ của anh, tôi thích Ở Tuyền Lâm. Chỉ 16 chữ nhưng đã là một “bonsai thơ”:
Nước xanh như ngọc
Sâu đến tận trời
Vốc lên một vốc
Ơi mùa xuân ơi
Lúc đọc, tôi lại nhớ đến 20 chữ trong bài thơ Dục Bàn Thạch kính (Tắm ở khe Bàn Thạch) của Cao Bá Quát: “Sáng lên Hoàng Sơn trông/ Chiều xuống Bàn Thạch tắm/ Nhặt hòn đá mỗi nơi/ Núi sông không đầy nắm (Hóa Dân dịch). Từ sự đồng điệu ấy, ta lại hiểu thêm và “ngạc nhiên một cách thú vị” về cõi hồn, cõi thơ của Đỗ Hồng Ngọc.
Khi bàn về tác phẩm của anh, tất nhiên không thể bỏ qua những trang viết về chuyên môn của bác sĩ. Ở đây, anh thể hiện sự dí dỏm, đôi lúc ta tủm tỉm cười và dõi theo từng dòng: “Osho trong cuốn Hành trình nội tại từng nói: Con người khổ là do sử dụng cái đầu nhiều quá, suy nghĩ nhiều quá, nên chuyển hướng xuống sống bằng trái tim, sống bằng tình cảm, nhưng như vậy cũng vẫn còn khổ, cần chuyển xuống sống bằng cái… rốn thì sẽ hạnh phúc hơn! Ý ông muốn nói sống bằng rốn nghĩa là sống bằng hơi thở (thở bụng, đưa hơi xuống huyệt đan điền…) thì ta sẽ giải quyết được nhiều vấn đề căng thẳng trong đời sống. Nhưng theo tôi, chúng ta không chỉ dừng lại ở rốn mà nên xuống thấp hơn chút nữa, đến tận  ruột già, vì nói cho cùng… hạnh phúc đến từ ruột già đó vậy!”.
Đọc anh còn là một cách thư giản, như được trò chuyện với một người bạn gần gũi và thân mật.
Ai đó đã nói, “văn tức là người”, câu này hoàn toàn đúng với tính cách Đỗ Hồng Ngọc. Với tôi, anh là một nghệ sĩ tài hoa đúng nghĩa cao đẹp của từ này, chứ tôi hoàn toàn không hề thấy anh có dáng dấp gì gọi là “nghệ sĩ”. Đã “nghệ sĩ” ắt bê bối hình thức, nói năng bạt mạng, và đôi khi tính cách vượt qua cái ngưỡng bình thường. Không, anh không hề có những biểu hiện ấy, ở anh là một trí thức lịch lãm, chừng mực và toát ra một điều gì đó về đạo đức gần với mẫu người như Trần Văn Khê, Nguyễn Hiến Lê… thì phải.
Trước đây, hơn mươi năm trước, tôi nhận xét: “Nhắc đến bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, lập tức chúng ta nghĩ ngay đến một nhân vật khá đặc biệt: lãng tử và phiêu bồng trong thơ, dí dỏm và mạch lạc khi viết về y học, trầm mặc và sâu lắng trong tạp bút và thỉnh thoảng ông cũng ký họa chân dung bạn bè… Gặp ông, dù chỉ trong phút chốc tình cờ hoặc có hẹn trước, thế nào cũng thấy ông cười tươi và từ ánh mắt ấy, dường như luôn có sự quan tâm đến người đối diện. Ông không ồn ào và gần như ít la cà chốn đông người. Và cứ thế, lặng lẽ sống an nhiên và lao động hết mình, ông đã có nhiều tác phẩm quen thuộc với bạn đọc”.
Nay, bác sĩ, nhà văn Đỗ Hồng Ngọc vẫn là mẫu người ấy. Mới đây thôi, nhân xuân xanh nắng ấm của ngày Nguyên đán, tình cờ tôi đọc những câu ngũ ngôn của anh. Đọc chậm một chút để cùng an lạc trong hồng xuân mới: “Hội An còn ngái ngủ/ Mái chùa ôm vầng trăng/ Giật mình nghe tiếng chổi/ Gà gáy vàng trong sương…”.
Há chẳng phải thêm điều khiến ta “ngạc nhiên một cách thú vị” về anh đấy ư?

LÊ VĂN NGHỆ
(nguồn: Báo ANTG giữa tháng số 109 -2.2017)
Ghi chú: Lê Văn Nghệ là bút danh của Lê Minh Quốc

Không có nhận xét nào: