Cách đây khoảng 2 năm, tôi có đọc một bài báo trên internet nói về sự kỳ thị của con người. Tôi không biết tác giả đã đi qua những thành phố, thủ đô, đất nước nào, nhưng kết luận của tác giả khiến tôi chưng hửng: Chỉ có ở Mỹ, quốc gia duy nhất trên thế giới mới không thấy có sự kỳ thị.<!>
Tôi chưng hửng, ngạc nhiên vì kết luận hời hợt này. Theo tôi, kỳ thị là bản chất của con người. Loài người kỳ thị nhau vì nhiều nguyên nhân: Chủng tộc, màu da, tôn giáo, văn hóa, ngôn ngữ, trình độ văn minh, giai cấp xã hội…, nói tóm lại là hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm lý do khác nhau.
|
Bài viết này hình thành từ ngẫu hứng sau khi tổng thống thứ 45 của Mỹ, ông Donald Trump ban hành sắc lệnh di dân mới, chủ nghĩa dân túy với khẩu hiệu “America first” từ đó được kích động tối đa. Do đó trong bài viết này, người viết chỉ muốn nói đến sự kỳ thị chủng tộc, màu da, hai yếu tố kỳ thị dễ dàng nhận ra nhất trong đời sống, sinh hoạt hàng ngày. Bài viết sẽ không nói đến sự kỳ thị, phân biệt đối xử của chế độ CS với người dân miền Nam sau năm 1975, quân cũng như dân vì đây là trường hợp đặc biệt phải có một bài nói riêng mới diễn tả hết sư thâm hiểm, gian ác cũng như hậu quả kinh hoàng của chính sách, chủ trương kỳ thị này |
Ngoài ra, bài viết cũng chỉ là nhận định cá nhân với cái nhìn hạn chế, giới hạn bởi sự chủ quan, không có thống kê hay thăm dó ý kiến, chỉ căn cứ vào một số những kinh nghiệm đã gặp, những trao đổi với bạn bè, người quen, những người đi du học từ miền Nam thập niên 60 hay ra đi từ những ngày cuối tháng 04.1975. Họ đã sống ít nhất 40-50 năm ở các nước Âu Mỹ để có thể nhận định,nói về những kinh nghiệm của sự kỳ thị.
Người Việt Nam chỉ chiếm 0.6% dân số Mỹ (gần 2 triệu so với dân số 320 triệu, thống kê năm 0015), Trước tháng 04.1975, người Việt sống ở Mỹ rất ít, hầu hết là sinh viên du học từ miền Nam, môt số sĩ quan, sinh viên sĩ quan, quân nhân thuộc các quân binh chủng của quân đội VNCH đang được đào tạo chuyên môn hoặc tu nghiệp trong các căn cứ quân sự như Lackland, Fort Benning, Fort Hunter… và rất hiếm người định cư, ở luôn trên nước Mỹ. Chỉ từ sau 30 tháng 4 năm 1975, số người Việt sinh sống ở Mỹ mới tăng dần theo năm tháng, lên đến gân 2 triệu người như ngày hôm nay.
Cho rằng chỉ ở trên nước Mỹ không có kỳ thị thì đúng là một nhận định hoàn toàn sai lầm. Sự kỳ thị trên nước Mỹ có thể không rõ ràng để dễ dàng nhận ra. Lý do vì Mỹ là một quốc gia đa chủng tộc, được thành lập cách đây hơn 240 năm bởi các sắc dân da trắng từ các nước Âu Châu di dân qua như Anh, Đức, Pháp, Ý… cùng các nô lệ ở các nước thuộc châu Phi, sau này được gọi là Afro-American. Người Mỹ nguyên thủy (Native American) chỉ là thổ dân của các bộ lạc da đỏ.
Một người Viêt sống ở Mỹ tại những nơi có cộng đồng người Việt đông đúc như ở San José, Westminster, Garden Grove, Santa Ana… (California), Houston (Texas) khó lòng nhận ra sự kỳ thị chủng tộc, màu da, nếu chỉ quanh quẩn nơi thị tứ, khu vực kinh doanh, phố xá, khu dân cư mà đa số hàng quán buôn bán, nhà hàng, phòng mạch bác sĩ, văn phòng luật sư… đều do người Việt Nam hay người Á Châu làm chủ. Tuy nhiên, nếu phải đi làm việc, học hành, kinh doanh, sinh sống ở những tiểu bang miền Đông, các thành phố ít người Việt Nam hay châu Á, sẽ dễ dàng nhận ra sự kỳ thị. Cho dù sự kỳ thị không bộc lộ rõ ràng bằng những cuộc biểu tình chống đối, la hét hay bằng biểu ngữ, báo chí, truyền thông… vì hiến pháp cấm tuyệt đối mọi hành vi biểu lộ sư phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ, tôn giáo…nhưng nếu chỉ cần để ý một chút, người ta có thể nhận biết được sự kỳ thị ngấm ngầm ở chung quanh.
Hãy thử lái xe về các tiểu bang như New Orleans, Mississippi, Georgia…đến các thị xã nhỏ hay các vùng quê, vào trong các tiệm ăn, nhà hàng, siêu thị…hỏi thăm đường phố, chỉ cần nhìn ánh mắt không có thiện cảm của người dân nơi đó khi thấy chúng ta bước vào thì nhận ra ngay có kỳ thị hay không. Tất nhiên họ không (hoặc chưa) làm gì khi chúng ta chỉ ghé qua đó một thời gian ngắn 15-20 phút, vài tiếng đồng hồ, nhưng nếu đến những khu phố nhiều người da trắng sinh sống để định cư thì chưa biết được chuyện gì sẽ xẩy ra.
Nhưng ngay cả ở California, nếu vào làm việc trong những công ty, hãng xưởng, nơi hầu hết công nhân viên là người da trắng, người Việt cũng có thể cảm nhận được sự kỳ thị, dù không bộc lộ rõ ràng bằng hành động hay lời nói, sự cư xử. Chỉ riêng chuyện lương bổng, phân chia công việc cũng có thể nhận ra sự kỳ thị về mầu da, chủng tộc. Chỉ trừ những trường hợp đặc biệt, những cá nhân thật giỏi, xuất sắc, vượt hơn lên tất cả đồng nghiệp thì sự kỳ thị mới có thể không còn nhận ra. Bạn không tin ư? Hãy nói chuyện, hỏi han con cái về việc làm, đồng nghiệp nơi chúng làm việc.
Ở Mỹ, nơi không có sự kỳ thị hoặc kỳ thị ít nhất chỉ có thể là trong quân đội. Mội trường quân ngũ, nơi kỷ luật là sức mạnh, sự sống chết, chiến đấu liên kết những cá nhân chặt chẽ với nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Một sự kỳ thị, không những chỉ gây nguy hiểm cho cá nhân kẻ có đầu óc kỳ thị mà còn cho cả đơn vị, làm mất đi sức mạnh, hiệu năng chiến đấu của đơn vị.
Thế còn người Việt chúng ta thì sao? Có kỳ thị dân tộc nào không? Câu trả lời chắc làm nhiều độc giả buồn lòng không ít: “-Có và có nhiều là khác”. Chúng ta chê bai người Lào, người Miên là thấp kém, không văn minh, chê người da đen là làm biếng, ít chịu học hành, khinh người Mễ là không biết cố gắng phấn đấu, không tính chuyện đường dài, ăn xổi ở thì, không chịu giáo dục con cái…
Có thể nói không sợ sai lầm, đa số người Việt chúng ta khinh thường người Mỹ đen, Mễ, Miên, Lào… nhưng chính dân tộc Việt Nam lại chẳng có gì hơn họ. Trong cộng đồng NVHN có những cá nhân xuất sắc trong nhiều lãnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa, kinh tế…nhưng khi cần có một sức mạnh tập thể để có thể tranh đấu hầu đạt được một mục đích, lợi ích lâu dài nào đó thì chúng ta không có.
Đừng quên rằng nếu không có những cuộc tranh đấu cho quyền bình đẳng của người Mỹ gốc Phi Châu ở thập niên 60 thế kỷ trước với cao điểm là sự ám sát tiến sĩ Martin Luther King Jr. thì liệu người Việt chúng ta sẽ đứng chỗ nào trong xã hội Mỹ ngày hôm nay? Nếu người viết không nhớ lầm, trong hồi ký của đại tướng Colin Luther Powell, cựu ngoại trưởng dưới thời Tổng Thống George W. Bush có kể lại rằng: “ Trong thập niên 60, khi còn mang cấp bậc đại úy, Powell đã từng bị từ chối phục vụ trong một nhà hàng vì màu da của mình.”
Trong khi đó chúng ta kỳ thị lẫn nhau. Người Nam kỳ thị ngưới Bắc, Người Trung kỳ thị người Nam, người theo Thiên chúa giáo kỳ thị Phật giáo, Cao Đài, Hòa Hảo, người qua Mỹ năm 75 kỳ thị dân vượt biên sau này, kỳ thị H.O…Cùng một mầu da, sắc tộc, tiếng nói mà chúng ta còn cư xử với nhau nhu thế thì làm sao kết hợp được sức mạnh tập thể như người Mỹ da đen, người Mễ để mong làm chuyện lớn?
Sắc lệnh di dân của tổng thống Donald Trump ký sau khi nhậm chức nhắm vào 7 nước Hồi giáo, tạm hoãn nhập cảnh 90 ngày công dân từ các nước Sudan, Somalia, Syria, Libya, Iran, Iraq, Yemen cho dù họ đã có visa và thẻ thường trú được cấp trước đó dường như không làm thức tỉnh một số người Việt trước chủ nghĩa dân túy của ông Trump mà còn làm tăng thêm tính kỳ thị của những người này.
Số người này cuồng nhiệt ủng hộ sắc lệnh, cho rằng sắc lệnh không liên quan gì đến cộng đồng NVTNCS, chỉ nhắm vào khủng bố Hồi Giáo. Đúng thế! Hiện tại thì chưa, bởi hầu hết chúng ta đã nhập quốc tịch Mỹ. Tuy nhiên đừng quên rằng, khi Hitler mới lên nắm chính quyền, ông ta cũng chưa vội vã thanh trừng, tầm nã người Do Thái ở Đức. Tất cả những người Do Thái bị Hitler sát hại ở Đức đều là những người đã có quốc tịch Đức từ nhiều thế hệ cha ông.
Trước khi Hitler xua quân tiến chiếm Ba Lan, Tiệp Khắc, Pháp, xóa bỏ hiệp ước hòa bình đã ký với Nga.., khởi động Thế Chiến Thứ Hai, không người Do Thái nào nghĩ rằng họ sẽ bị truy tầm nguồn gốc để thanh lọc và tiêu diệt nên hầu như không có ai chạy trốn. Bài học lịch sử đó dường như không mấy người Việt quan tâm.
Trong lòng nhiều người vẫn đang tự hào “Chúng tôi là người tị nạn cộng sản, đã nhập quốc tịch Mỹ, chúng tôi ủng hộ Donald Trump, Trump sẽ không làm gì chúng tôi”. Những người này cho rằng ai chống lại sắc lệnh của ông Trump là bênh vực khủng bố Hồi giáo, ai chống lại chuyện xây bức tường ở biên giới Mỹ – Mễ là che chở cho dân nhập cư lậu, khuyến khích tội phạm…
Một người bình thường có chút suy nghĩ, không có đầu óc kỳ thị, chắc chắn không thể nhận định, kết luận như vậy. Bênh vực khủng bố Hồi giáo để dễ dàng tìm đến cái chết vi bom tự sát, vì đạn AK47 bắn xả vào người ư? Bênh vực nhập cư lậu để khuyến khích tội phạm, để con em chúng ta học hành dang dở, vướng vào ma túy, cần sa à? Chẳng ai điên khùng bênh vực những chuyện như thế
Vậy tại sao lại chống ông Trump? Câu trả lời chính xác là chính quyền cần có kế hoạch, phương thức hành động hữu hiệu để ngăn chận khủng bố ISIL, cũng như giảm thiểu việc nhập cư bất hợp pháp vào nước Mỹ. Muốn được như vậy, chính quyền của ông Trump, thay vì ký sắc lệnh di dân kỳ thị như đã ban hành nhưng bị vô hiệu hóa, cần thành lập những ủy ban đặc biệt nghiên cứu chiến lược, chiến thuật chống trả khủng bố, chống nhập cư lậu. Những ủy ban này chắc chắn cần sự giúp đỡ, cộng tác chặt chẽ hơn trước của người Hồi Giáo, người Mễ Tây Cơ…
Để kết luận, có thể nói còn nhân loại thì còn kỳ thị, tính kỳ thị tiềm ẩn trong tất cả mọi người. Tính kỳ thị tăng lên, giảm đi hoặc mất hẳn tùy thuộc vào sự giáo dục, môi trường sống, niềm tin tôn giáo, xã hội chung quanh, cũng như luật pháp có bảo vệ quyền bình đẳng của mỗi người, không phân biệt chủng tộc, mầu da, tiếng nói không? Độc giả hãy click vào lin dưới dây để xem phim The Siege nói về Khủng bố Hồi giáo và sự ký thị trên nước Mỹ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét