Ngày 26/2, nhóm Tuổi trẻ Yêu nước Hải ngoại đã tổ chức ngày ‘Hội luận Nhân quyền’, với sự tài trợ của Cộng đồng Việt Nam Nam California, thành phố Garden Grove
<!>.
Từ California, anh Nguyễn Thiện Thành, thành viên của nhóm Tuổi trẻ Yêu nước, nói với VOA rằng ngoài đề tài nhân quyền, hội luận còn đề cập đến phong trào dân chủ, diễn biến hòa bình, tổ chức xã hội dân sự, truyền thông mạng xã hội, chính sách đối ngoại và kinh tế của Tổng thống Donald Trump:
“Hội luận lần này, thứ nhất, là để tổng kết lại phong trào đấu tranh của Tuổi trẻ Yêu nước, việc các thành viên trong nước bị cầm tù, bị đàn áp sau khi ra tù. Thứ hai, chúng tôi mời một số diễn giả có hiểu biết sâu về tình hình chính trị để tham gia hội luận với chúng tôi. Họ giúp hướng dẫn cho tuổi trẻ có ý thức và đường hướng đúng về đấu tranh dân chủ trong nhiệm kỳ Tổng tống Donald Trump.”
Theo anh Thành, các diễn giả thuyết trình tại hội luận bao gồm tiến sĩ Lê Minh Nguyên tổng kết các phong trào đấu tranh nhân quyền tại Việt Nam thời gian qua, dược sĩ Christina Cao bàn về các giải pháp đấu tranh cho cộng đồng Việt hải ngoại, kỹ sư Lê Thành Nhân và ông Phan Thanh Châu bàn về diễn biến hòa bình, ông Đỗ Như Diện và ông Phạm Đạt nói về vai trò của các tổ chức xã hội dân sự.
Ngoài ra, theo anh Thành hội luận còn bàn về sự thay đổi các chính sách kinh tế, chính trị của Tổng thống Trump qua sự trình bày của ông Lý Văn Quý, giáo sư Nguyễn Bá Lộc, ông Đặng Văn Âu; vai trò của mạng truyền thông xã hội qua tham luận của nhà báo Uyên Vũ …
Anh Thành nói rằng hội luận sẽ giúp xây dựng đường hướng đấu tranh cho giới trẻ, đặc biệt khi hiện nay người dân đã ý thức các giá trị tự do, dân chủ và nhân quyền:
“Người dân ngày càng ý thức hơn về tự do dân chủ, nhân quyền. Họ thấy được dân chủ gắn liền với dân sinh. Bây giờ họ nhận thấy lợi ích của họ là phải đấu tranh. Những người đầu tàu giúp cho người dân hiểu rõ các vấn đề thì đang bị cầm tù hay để ý nhằm mục đích triệt hạ các nguồn cung cấp kiến thức và phương thức đấu tranh. Với đà bắt bớ này chứng tỏ một sự sợ hãi của chính quyền Việt Nam.”
Anh Thành kỳ vọng rằng sẽ có đổi mới trong phương thức đấu tranh trong thời gian sắp tới khi tăng cường kết hợp hoạt động đấu tranh cho nhân quyền với hoạt động truyền thông mạng xã hội Internet.
Phát biểu tại hội luận nhân quyền, cựu tù nhân chính trị Tạ Phong Tần giải thích vì sao nên thành lập các tổ chức xã hội dân sự hiện nay tại Việt Nam, chứ không nên thành lập tổ chức chính trị:
“Theo luật pháp của Việt Nam hiện hành, tổ chức XHDS được phép tồn tại và không bị cấm, còn tổ chức chính trị hiện nay bị cấm vì bị quy vào điều 79 Bộ Luật hình sự, tội lật đổ chính quyền. Mục tiêu của chúng ta là đấu tranh nhưng phải bảo toàn lực lượng. Tôi viết hơn 1000 bài báo, họ bắt nhốt tôi vì họ cảm thấy tôi là người nguy hiểm. Bộ Ngoại giao Mỹ nói là họ đàm phán với Việt Nam để đưa tôi sang đây rất khó khăn vì Việt Nam nói Tạ Phong Tần là một người rất nguy hiểm. Mặc dầu trong 1.000 bài viết đó không có một câu, một chữ nào là ‘lật đổ chính quyền. Trong cáo trạng, họ nói rằng ‘Tạ Phong Tần đang thực hiện chiến tranh tâm lý.’”
Bà Tạ Phong Tần nói rằng ý thức được quyền con người là vấn đề cốt lõi của xã hội dân sự:
“Muốn có xã hội dân sự phải có con người của xã hội dân sự. Đó là con người có ý thức về nhân quyền, về quyền con người của mình.”
Bà Tạ Phong Tần, chủ trang blog Công lý và Sự thật, bị bắt vào ngày 5/9/2011 và bị kết án tù 10 năm vào năm 2012 vì tội Tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ Luật Hình sự. Bà được trả tự do trước thời hạn và sang Mỹ ngày 19/9/2015. Bà Tần cũng là một trong những thành viên sáng lập Câu lạc bộ Nhà báo Tự do cùng với blogger Điếu Cày (Nguyễn Văn Hải) năm 2007.
Anh Nguyễn Thiện Thành là thành viên của nhóm Tuổi trẻ Yêu Nước tại Việt Nam từ năm 2011. Sau khi thực hiện nhiều đợt kêu gọi thanh nhiên chống lại sự bá quyền của Trung Quốc, anh bị truy lùng nên phải sang Thái Lan tị nạn vào năm 2012 và sau đó định cư tại Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét