Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Ba, 28 tháng 2, 2017

Chuyện Tình Buồn Của NGA - Phan Thái Yên















1966 
Gã trưởng toán du kích quăng mẩu tàn thuốc rê xuống nền cát khô xám. Hắn bồn chồn nhìn về phía bìa rừng thoắt rạng màu xanh của biển nối trời. Giữa bãi dương ngả nghiêng gảy ngọn, xác chiếc máy bay quân sự nằm im bốc khói. Ðám du kích hăm hở kéo gở từng thùng hàng ra khỏi lòng phi cơ, khuân chạy hối hả về phía đường mòn.<!>
Nhóm phi hành đoàn ba người bị xâu trói chung với một người đàn ông luống tuổi mặc thường phục, mặt sưng húp những vết bầm tím. Họ ngồi bên lối mòn, lo lắng nhìn về phía xác chiếc phi cơ, đầu máy trơ trọi chiếc cánh quạt gảy vênh trong nắng chiều. Người trưởng toán phất tay ra hiệu cho gã du kích mặt non choẹt đang giương súng canh chừng nhóm tù binh rồi khum tay nói gióng về phía đám người đang ì ạch khiêng vác. 

* Mấy nẩu lẹ lên. Tụi Ngụy Sư Ðoàn 2 sắp sửa càn tới rồi đó. 

Nhóm tù binh uể oải đứng lên theo mũi súng của thằng bé du kích. Người sĩ quan Không quân mang lon Chuẩn úy thở dài quay nhìn khoảng biển trời xanh ngát sau lưng, chậm bước theo đoàn người đi sâu vào cánh rừng dương. 
Buổi chiều xuống nhanh trong rừng. Nóc hàng dương sâu thẳm bóng đêm thỉnh thoảng hé phô khoảng trời cuối năm mơ hồ bầy sao xa nhạt. Ðoàn người đến một xóm nhỏ nằm khuất trong rừng dừa. Tiếng chó sủa khan lẫn trong tiếng súng cầm canh vu vơ réo qua thôn xóm cùng nét mặt lấm lét của tên giao liên lúc thì thào với gã trưởng toán du kích ở bìa xóm khiến nhóm tù binh lén nhìn nhau, ánh mắt lóe lên chút hi vọng mơ hồ. Có lẽ đây là vùng xôi đậu trên tuyến đường vào bưng mà toán du kích buộc phải dừng chân qua đêm. Niềm hi vọng chưa kịp nhen nhúm đã lụn tắt lúc gã trưởng toán thấp giọng chia cắt nhóm tù binh, mỗi người theo một du kích vào nghĩ ở các nhà khác nhau trong xóm. 

Người Trung úy phi cơ trưởng phân bua với tên du kích, xin được đi cùng với ông già mặc thường phục để săn sóc vết thương cho cha. Hắn vẫy tay bằng lòng mà miệng thì cằn nhằn, đe dọa: 

* Ngụy quyền chớ cha mẹ gì. Nẩu mà nói láo là Cách Mạng bắn bỏ liền. 
Người phi cơ trưởng bắt tay, nói lời an ủi với anh Thiếu úy Hoa tiêu, rồi quay qua vỗ vai người Chuẩn úy trẻ tuổi, cười buồn: 

* Nếu anh không xin đổi công tác lúc sáng ngay, thì bây giờ anh đang vui vầy Giáng sinh với gia đình ở Ðà Nẳng rồi. Thôi thì số phận cả, anh Tài gắng giữ vững niềm tin. 
Chuẩn Úy Tài đứng lặng nhìn bạn đồng ngũ đi khuất vào bóng đêm cho đến khi tên du kích dùng mũi súng đẩy anh đi về phía cuối xóm. 

Tài ngồi im lặng bên chiếc bàn nhỏ ở góc nhà. Anh nhìn đôi tay bị trói như nhìn một điều không thực. Phải chăng đây chỉ là giấc mơ hay số phận đã thật sự xô đẩy anh từ trên đường bay về với hạnh phúc rơi ụp xuống cánh rừng nguy nan này. Hình ảnh của một ngày định mệnh oan khốc rã rời quay trong đầu anh choáng váng... 
Người bạn tốt bụng đã nhường anh chuyến công tác chở quà về cho gia đình binh sĩ của Phi Ðoàn ở Sài Gòn để anh có dịp cùng hưởng Giáng sinh với người vợ chưa cưới của mình. Phi đạo nắng vàng trãi dài theo con tàu vút cánh bay lên. Họ nói cười đổi trao 

nhau hạnh phước của Mùa Vui Giáo Ðường hòa trong tiếng máy bình phi rộn rã tiếng lòng. Ðang chuyện trò bỗng mọi người im bặt khi cánh quạt phi cơ dừng sựng như con tim chợt ngừng đập. Khói đen sặc sụa trong lòng con tàu đang mất dần cao độ trước đôi mắt bất lực của người phi công. Cánh rừng dương trào lên rùng rùng chao đổ trong âm thanh hổn loạn vỡ vụn. Bầy du kích dao súng ồn ào như bầy sói tìm được mồi ngon. Sóng biển xanh trào vỡ, dội vào cuối tia ngoái nhìn. Ðôi cánh tay bị trói chặt. Lối mòn trong cánh rừng dài xuyên đêm, chập choạng bước chân. Ánh đèn dầu hiu hắt trong mái tranh nghèo đâu đó dưới cánh rừng dừa rập rình tiếng chó sủa khan. Bóng hai người đàn bà ngồi bên bếp lửa lắt lay lên vách phên thưa... Có thể nào đây lại là chuyến bay của định mệnh trớ trêu... Tài cảm thấy mệt rã rời. Anh nhắm mắt, gục đầu xuống đôi tay bị trói chặt. 
Người tù binh giật mình ngồi dậy, khi người đàn bà luống tuổi đặt nồi khoai vừa nấu lên mặt bàn. Bà quay nhìn gã du kích đang ôm súng, ngồi ngủ gà ngủ gật bên liếp cửa khép. 

* Chú mày mở trói cho người ta rồi lấy khoai ra ngoài cái chỏng trước hiên vừa ăn vừa gác. 
Nhìn gã du kích ngái ngủ đang còn chần chừ , người đàn bà trẻ, mang thai vào những tháng cuối, lên tiếng hòa giải. 
* Thôi thì nẩu cởi trói tay nhưng giữ chân trói lại để người ta ăn miếng khoai. 

Từ suốt chiều đến khuya nhịn đói lại phải đi bộ cả chục cây số, người tù binh ngồi ăn ngon lành mấy củ khoai nóng mới luộc. Bà già ngồi trên chiếc ghế đối diện, hỏi thăm tuổi tác, quê quán của người thanh niên. Bà quay nhìn con dâu đang ngồi tư lự bên bếp lửa, chép miệng. 
* Năm trước còn học đệ nhất ở Ðà Nẳng... vậy là bằng tuổi với chồng của con rồi. Thời buổi gì đâu! Cha con, anh em, bạn bè quay đánh nhau loạn xà bần. Thiệt hết biết... 

Người tù binh dò hỏi địa danh khu xóm và số phận ngày mai của mình với hi vọng người đàn bà có thể biết được đôi điều. Bà nhìn ra ngoài hiên, thấp giọng. 
* Làng này thuộc Sa Huỳnh, phía biển. Ngày mai họ sẽ dẫn chú băng quốc lộ vào mật khu đâu đó trong miệt Thạch Trụ để giam giữ cho an toàn hơn. 

Người thai phụ đặt bình nước và mấy cái ly lên bàn. 
* Vợ chồng tôi trước học cùng lớp ở Trần Quốc Tuấn. Tôi là cô giáo trong thôn. Mấy tháng trước chồng tôi bị bắt giam ở Quảng Ngãi vì tội trốn lính và hoạt động chống chính phủ Sài Gòn. 

Xé đưa cho người tù binh trang giấy học trò cùng cây viết lá tre, bao thư, và hủ mực màu tím, chị vội vàng nói nhỏ vào tai anh. 
* Anh viết vài hàng nhắn tin về gia đình. Cuối tuần này tôi đi Quảng Ngãi thăm chồng sẽ gởi về Ðà Nẳng giúp anh. 

Người tù binh xúc động nói lời cảm ơn. Anh vội vã nhắn tin cho gia đình ở Ðà Nẳng và viết lời thương yêu tha thiết đến người vợ chưa cưới ở Sài Gòn. 
Hai mẹ con người đàn bà ngồi chắn ở liếp cửa ra vào, bóng họ đổ dài bất động trên nền đất ... 

Những ngày đầu năm sáu lăm, sau lần vào Sài Gòn và hỏng đợt khám sức khỏe vào Không Quân phải trở về học lại cho kỳ thi Tú Tài II, Tài có vẻ suy tư và ít nói hơn trước. 
Bạn bè trong lớp ai cũng cảm thấy sự im lặng khác thường của người bạn vẫn thường ồn ào, bởn cợt hàng ngày. Lúc đầu các bạn nghĩ Tài buồn vì không được vào Không Quân, cho đến một hôm họ vô tình đọc được đoạn thơ Nguyên Sa mà Tài đã nắn nót chép lại. 

Em sẽ cười phải không em 
Vì không ai cấm được chúng mình yêu nhau!... 
Không ai cấm được anh làm những câu thơ anh thích 
Không ai cấm đươc anh làm cả bài thơ 
Với một chữ N 
Với một chữ G 
Và với một chữ A .. (Nga - Nguyên Sa) 

Thì ra Tài đã phải lòng cô nữ sinh Sài Gòn tên Nga trong thời gian ở chờ khám sức khỏe vào Không Quân. Một người bạn thân có bà con với gia đình Nga nên đã giới thiệu Tài ở tạm trong nhà suốt thời gian lưu lại Sài Gòn. Cô học-trò-Nguyên-Sa tóc ngắn, áo lụa, và đôi mắt sáng tinh anh, bỡ ngỡ nụ cười dịu ngọt đã làm dịu lòng gã con trai xứ Quảng đa tình chợt biết mình vừa yêu vô cùng màu áo lụa nguyên sơ. Từng tờ thư vụng về gởi đi, xao xuyến nỗi đợi chờ dài suốt cả mùa xuân. Vết thời gian trĩu nặng chợt bay biến cùng lúc với bao trách cứ âm thầm vào một ngày trước mùa thi, Tài cầm trên tay tờ thư hồi âm với giòng chử trao thương anh vẫn thầm mong ước. Chỉ một tờ thư đã đủ làm vui lại những cơn buồn và đổ mật lòng nhau cho mịn màng thương nhớ. 

Năm đó Tài thi rớt, anh vào Thủ Ðức. Con đường tình gần hơn nên chẳng cần chi những tờ thư. Mỗi cuối tuần Nga đều vào quân trường thăm người yêu. 
Vào một tuần bị cấm trại, Tài định ?nhảy dù? về Sài Gòn với người yêu. Anh len theo một đoàn SVSQ đi về phía cổng quân trường. Ðoàn SVSQ này không đi nghĩ phép như anh nghĩ mà là đi khám sức khỏe để chọn qua Không Quân. Lần khám sức khỏe bất đắc dĩ và mang đầy dấu ấn của định mệnh đó đã đưa đẩy Tài trở thành ?ông quan tàu baỷ của Phi Ðoàn 110 ở Ðà Nẳng. Không lâu sau, Tài và Nga đính hôn. Cô gái sinh trưởng ở Sài Gòn nhưng Nội Ngoại đều gốc gác ở Kim Bồng, Hội An, náo nức đợi chờ lần về với quê chồng mà cũng là về lại nguồn cội của mình. Tài thì không hề bỏ qua bất cứ cơ hội nào để theo máy bay Phi Ðoàn bay về Sài Gòn thăm hôn thê cho dù chỉ một đêm hay vài giờ ngắn ngủi. Cơ hội cuối cùng đầy trớ trêu khắc nghiệt của định mệnh đã đến với chàng, với đôi tình nhân tưởng đang thoả thuê tắm mát trên đầu ngọn suối trăm năm... 

Người đàn bà giật mình mở choàng mắt, hốt hoảng biết mình vừa qua cơn ngủ thiếp. Qua liếp cửa mở hé, gã du kích đang ngồi dựa lưng vào cột hiên đầu nhà, mê mệt ngủ say. Trời đã quá nửa khuya, bóng trăng tàn mờ rọi tàu dừa rủ lá thành những vệt dài đen nhọn trên khoảng sân cát nhuộm chìm trong màu hoang xám điêu tàn. 
Dưới quầng sáng yếu ớt lắt lay từ chiếc đèn dầu bấc lụn, người tù binh ngồi bất động, mắt nhìn sửng tấm hình người vợ chưa cưới. Sau cơn ho rũ rượi, bà mẹ bước về phía chiếc bàn, im lặng đứng nhìn người lính một hồi lâu rồi lấy bức thư nhắn tin cẩn thận dấu vào túi áo trong. Ðôi bàn tay gian truân của bà mẹ vịn hờ lên vai người lính. Bà nhớ đến con mình trong ngục thất. Giọt nước mắt của người mẹ lóng lánh trong đêm. 

1986 
Chiếc phi cơ của Air France ngóc đầu lấy cao độ bay nhanh vào khoang trời xanh lãng đãng từng cụm mây trắng nỏn nà. Bên dưới, sông Sài Gòn loáng nắng nằm cuộn mình xa đuối vào cuối tầm mắt. Giòng sông quanh co lượn lờ giữa vùng châu thổ, mướt rượt cây xanh. Người thiếu phụ chừng vừa bốn mươi, đôi mắt sáng dịu hiền nhìn thành phố quê hương xa dần rồi khuất chìm dưới trần mây trắng. Lòng người đàn bà hụt hẩng nỗi đau bị rớt rụng như cánh diều đứt dây lượn chao trong gió. Cảm giác lạ lẫm phụ rẫy và trốn chạy khiến người đàn bà chợt đưa tay lau nhanh giọt lệ vừa ứa ra. 

Người đàn ông độ tuổi năm mươi vẫn ngồi đăm chiêu nhìn xuống giòng sông đã không khuất sau mây. Lòng ông nhen nhúm nỗi hi vọng về dòng sông mới của hai người, nơi không còn những u hoài rất cũ mà ông đã xẻ gánh chia sầu từ rất lâu với cô gái thùy mị ngày xưa ông vẫn mãi yêu thương. 
Họ kết hôn chỉ chừng hơn năm nay. Suốt thời gian trước đó, hai mươi năm dài, ông chỉ là người đứng bên lề, yêu thương trong im lặng. Như gã viên bộc cần mẫn trung thành trong khu vườn cấm, ông giữ mối buồn riêng, thành khẩn làm người thân thích mang an ủi vỗ về đến cho người đàn bà tiết hạnh, thủy chung. 

Người đàn ông khẻ vuốt lên mái tóc thuôn dài của vợ, ngón tay dừng lại bên bờ vai thon, mơn động vỗ về. Ðôi vai nàng chợt run lên cơn thổn thức. Ông xúc động nhìn đôi mắt lệ trào lần đầu tiên đã chẳng ngại ngần, chẳng quay mặt khóc thầm. 
Có những giòng lệ cần được tuôn tràn cho tủi nhớ phôi pha, cho ước hẹn cũ một lần cuối trở về rồi vĩnh biệt như hạt muối rã tan theo nước cuối dòng sông hòa mình với biển. Ðừng lau khô, hảy để những giọt nước mắt tình thân cuốn trôi đi cuộc đời xa cũ từ một thuở đôi mươi. Hảy theo dòng trôi hết những đa đoan, để bên bờ sông còn lại đôi ta nghênh đón con nước mới đắp đổi lòng nhau. Còn lại hai con người sống sót sau cuộc tình quá lớn, nhắn nhủ thương nhau bằng mối tình có tuổi. 

Hai mươi Mùa Giáng Sinh trôi qua kể từ chuyến bay định mệnh của người chồng chưa cưới. Từ đó, mỗi mùa vui giáo đường đến với nhân gian là thêm một mùa tình sầu cho riêng nàng hái trái. Nga vẫn nhớ như in ngày đầu oan nghiệt và bao năm tháng theo sau cho cây sầu trổ nhánh héo hon. 
Tuần trước Giáng Sinh, Tài nhắn sẽ tìm mọi cách bay vào Sài Gòn với nàng trong đêm thánh đầu tiên sau ngày đính ước. Bản tính trầm lặng, thế mà suốt ngày hôm trước lễ, nàng không thể trấn tỉnh được nỗi vui kích động trong lòng. Người trưởng phòng ở Bộ Kinh Tế nơi Nga làm việc, ý nhị nói đùa lúc cho phép nàng về nhà sớm hơn thường ngày. 

* Nay thì tôi hiểu vì sao cô Nga đính hôn với người ở xa rồi. Nhìn cô vui, lòng tôi cũng rộn theo. 
Sau ngày Nga đính ước, tuy biết tình cảm của mình đã lỡ làng, người thanh niên trí thức và có gia thế ấy vẫn cư xử thân mật và rộng lượng với nàng như một người thân trong gia đình. Nga cũng hiểu tình ý của anh Thu, nhưng tình yêu thắm thiết đầu đời con gái nàng đã trao trọn cho người sĩ quan Không quân trẻ tuổi. 

Nỗi quay quắt đợi chờ như sóng trong lòng dâng theo thời gian chậm chạp trôi từ chiều vào tối. Tiếng chuông giáo đường ngân nga thúc dục mà Nga vẫn quẩn quanh chờ bóng dáng quen thuộc của người chồng chưa cưới. Lo lắng trách hờn len lấn với đợi chờ khiến thời gian như ngừng trôi. 

Lễ Nửa Ðêm đã qua từ lâu mà nàng vẫn ngồi một mình trong bóng tối dưới mái hiên nhà. Cây trứng cá trước sân rũ lá dưới ánh đèn phố khuya vắng lặng. Ðã bao lần họ ngồi bên 
nhau dưới hiên nhà, cầm tay nhau không nói vì đôi tim đang bận bịu nhịp yêu đầu. Dưới tàng cây, khoảng bóng lá rụng lổ đổ sân nhà, là nơi đôi môi nàng đón nhận hương mật ngọt đầu đời thơm ngát nụ tình. Trong bóng đêm huyền diệu, mắt anh hiền và sâu vô cùng, thật thà như hơi thở run run lời đính ước. Tình yêu tháp cánh diệu kỳ sáng màu trăng rỡ ràng và nàng đón lấy cùng người, chấp chới đôi chim liền cánh, bay qua trời thanh xuân... 

Nga phụng phịu suốt tuần vì chiếc ghế ?độc quyền? dưới hiên nhà đã bị ?thằng cha dô diêng? bạn của người anh họ chiếm cứ. Anh chàng từ ngoài Trung vào lưu lại nhà trong mấy ngày chờ khám sức khỏe vào Không Quân. Thằng Mỹ, đứa em tọc mạch của nàng, báo cáo sơ khởi. 

* Anh Tài học ngang lớp với chị đó. 
* Kệ người ta. 
* Anh Tài hát hay lắm. 
* Kệ người ta. 
* Anh Tài muốn mượn cây đàn. 
* Không cho! 
* Nhưng chị đã cho tui cây đàn đứt dây đó rồi. Tốn hết mấy chục thay bộ dây, chớ đâu có giỡn chơi... Ờ, mà chị Nga, anh Tài có bà con với mình không? 
* Không. Chả là bạn với anh Khương, bà con của ba má ở ngoài quê Quảng Nam. 
* Ủa, vậy thì ngộ quá há !? Ảnh tên là Huỳnh Ngọc Tài, còn tên chị là Huỳnh Ngọc Ngạ..Ngộ quá há!!! 
* Kệ người ta... Hứ! ...Cái thằng quỷ dịch này! ... 

Nga rượt em ra khỏi phòng mình trong tiếng cười vang của Mỹ. 
Cái tên trùng hợp của anh chàng học trò Ðà Nẳng có đôi mắt hiền hiền làm Nga cứ suy nghĩ vẫn vơ. Buổi tối, nàng ngồi ra vẽ chăm chú học bài nhưng tai vẫn lắng nghe Tài đang chỉ cho Mỹ bài học đàn ghi-ta đầu tiên. Giọng nói chơn chất lạ tai, nàng thỉnh thoảng nghe lúc cha mẹ nói chuyện riêng với nhau, giờ sao nghe cũng ...dể thương. Nga đứng nép mình sau cánh cửa, lén nhìn anh học trò xứ Quảng sửa tay cho Mỹ đang lúng túng khảy từng nốt nhạc ...Tôi xa đô thành. Một đêm trăng mông mênh... Ðêm đã khuya. Tiếng đàn vụng về đã theo thằng Mỹ chìm trong giấc ngủ mê của đứa bé mười ba tuổi. Tiếng đàn bây giờ trầm bổng buông theo tiếng hát tình ca nồng ấm lòng người... 

Ngày đó có em đi nhẹ vào đời 
Và đem theo trăng sao đến với lời thơ nuối 
Ngày đó có anh mang lại mộng ngời 

Tìm trong đêm rách rưới cơn mơ nào lẻ loi... (Ngày đó chúng mình ? Phạm Duy) 
Ngày Tài về lại Ðà Nẳng, Nga ngồi lại chiếc ghế của mình dưới hiên nhà, lòng bâng khuâng vương vấn mở từng trang thơ Nguyên Sa. Tài đã lén để lại quyển thơ trên bàn học nàng, mẫu giấy trắng chia hờ tập thơ làm dấu bài thơ ?Ngả đã ươm má nàng hồng lên thẹn thùng lúc đọc. 

Nói cho anh đi, Nga ơi... 
(em làm ơn chóng chóng) 
Lại bên anh đi ? bằng một lối rõ thật gần 
Bằng một lối gần hơn con đường cong 
Bằng một lối gần hơn con đường thẳng 
Bằng má hồng non, bằng mắt nhìn trinh trắng 
Bằng những lời yêu mến tan trên đôi môi... (Nga - Nguyên Sa) 

Nga lúng túnh chờ đợi một điều không rõ. Chỉ biết lòng cô nữ sinh Gia Long buồn vu vơ chiều tan trường đi về dưới hàng me lá đổ hay đêm thức khuya nhìn con phố vắng trước nhà, nhạt nhòa dưới ánh đèn đường đôi tình nhân chung bước. 
Ngày nhận thư bức thư đầu tiên của chàng học trò ngoài Quảng, nỗi nhớ về nàng từ một người nơi xa làm Nga vấn vương xúc động và run sợ cùng lúc. Nàng mong thư Tài mỗi tuần mà lòng thì vẫn mãi phân vân khi đặt bút viết hồi âm. Cho đến một buổi chiều cuối tuần, trời mưa, bất chợt nghe Ngày Ðó Chúng Mình trong một chương trình nhạc yêu cầu, nàng chợt nhớ tới người phương xa quay quắt. Nga xúc động trãi lòng mình, gởi lời trao thương lên trang giấy. Tình yêu của họ ngày càng nồng thắm qua từng tờ thư chắp tình nhau, qua bao lần tay-trong-tay lòng-bên-lòng ngây ngất hẹn hò, qua cuộc đính hôn nối đời nhau thách thức định mệnh khó lường. 

Bức điện tín từ Phi Ðoàn đã trả lời sự lo lắng của người vợ chưa cưới một cách tàn nhẩn như định mệnh khốc liệt đang trùm phủ hai người. Máy bay ngộ nạn. Phi hành đoàn mất tích. Cô gái mảnh mai khụy xuống theo lệ trào. Cả trời đất như sụp đổ quanh nàng. Vài tuần sau, bức thư Tài viết bằng mực tím trên nửa trang giấy học trò, đóng dấu bưu điện Quảng Ngãi, như chiếc phao con đã đem lại chút hi vọng cho người đắm tàu giữa đại dương. Nga sống với lòng vọng tưởng Tài đang bị cầm giữ đâu đó miệt núi rừng Quảng Ngãi và một ngày trong tương lai chàng sẽ trở về với nàng cho hết trăm năm. 
Chuyến trở về quê chồng không áo dài khăn cưới như nàng vẫn ước mơ. Nàng về thăm gia đình chồng vẫn đang chạy vạy tìm kiếm tung tích con trong cấp bách cuống cuồng. Nhìn gối chăn ngay ngắn trên chiếc giường của người chồng chưa cưới và tấm hình hai đứa rạng rỡ tươi cười ngày đính hôn, nước mắt nàng lại trào ra. Trên đường từ Ðà Nẳng về lại Sài Gòn, Nga ghé vùng duyên hải Sa Huỳnh, tìm đến bãi dương, nơi chiếc máy bay 

bị ngộ nạn. Nhìn cánh rừng dương ngút mắt, rũ đầu phiền muộn trong gió chiều, nàng mường tượng người yêu đang bị tù đày ở một nơi nào đó chỉ cách chổ nàng đang đứng vài mươi cây số mà sao như ở một thế giới khác mù tăm. Xa tít bên ngoài độn cát trắng chạy dài, biển và trời vẫn ngát một màu xanh vĩnh cửu. Từng con sóng bạc đầu xô nhau vào bờ rồi bọt bèo mất biệt. Biết về đâu hởi con sóng chìm sâu. Lòng nàng thổn thức theo từng bước chân thất lạc trên cát rã rời. 
Tháng đổ vào năm, mòn mỏi từng mùa mưa nắng. Một năm. Ba năm... Người yêu vẫn biệt tăm, không một dấu vết, tin tức. Nga sống trong khép kín đợi chờ. Có lẽ hàng năm khi mùa Giáng Sinh về, kỷ niệm tình yêu cũng theo về son điểm lại ước nguyền trong tâm hồn nàng. Năm bảy ba trôi qua cuốn theo hi vọng mới về những lần trao đổi tù binh. Rồi năm bảy lăm choàng đến mang theo vận nước điêu linh. Cuộc biển dâu cuốn xoáy tất cả, chẳng chừa một ai, kể cả niềm hi vọng ích kỷ cuối cùng của người đàn bà chờ người yêu từ gần mười năm qua. Cho dù tàn tạ lầm than, cuối cùng rồi người yêu của nàng cũng sẽ trở về từ một xó rừng góc núi nào đó. Và nàng đã thất vọng đớn đau... 

Bị mất việc làm, Nga rời gia đình, mở tiệm may nhỏ sống qua ngày ở một vùng ngoại ô Sài Gòn. Năm tháng thấm thoát trôi qua trong tần tảo cơ hàn, chồng chất thêm gần hai mươi tuổi đời lên vai cô gái đôi mươi mảnh mai thuở nào. Anh Thu, người trưởng phòng của thời làm việc trước bảy lăm, từ bao năm qua vẫn là người bạn tốt của nàng. Anh thủy chung với mối tình thầm lặng của mình như Nga vẫn âm thầm đợi chờ một ngày trở về 
không bao giờ đến của Tài. Thượng đế đã không nỡ để những con người chung thủy trong tình yêu phải mãi sống xa nhau... 

Nga víu chặc tay chồng trên vai mình. Nàng mỉm cười, mắt còn vướng lệ. 
* Mình có thu xếp kịp đến Paris vào dịp Giáng Sinh không anh? Em muốn được nhìn tháp Eiffel vào dịp Lễ Nửa Ðêm. 
Người đàn ông gật đầu, rạng rỡ cười. 
* Em biết Nguyên Sa có những bài thơ về Paris rất hay không? 
Người đàn bà gật đầu. 
* Em đố anh Paris có bao nhiêu đèn xanh đèn đỏ 
Người chồng khẻ hôn vợ. 
Và anh đố em: Em có nhớ, 
Mỗi ngày bao nhiêu lần anh hôn em?... 


Phan thái Yên 

Không có nhận xét nào: