Mùa thu Shirakawa-go cho du khách cảm xúc hoàn toàn khác với những mùa thu ở các nơi trên trên thế giới. Màu vàng óng ả của nắng thu trải đều trên những mái nhà thẳng đứng, hay các con đường nhỏ của ngôi làng. <!>
Được biết đến nhiều hơn với hình ảnh ngôi làng tuyết trắng cổ tích nhưng mùa thu ở Shirakawa-go thực sự là một thời khắc khó bỏ qua, đặc biệt cho những ai muốn khám phá xứ sở Phù Tang vào mùa lá vàng, lá đỏ này.
Con sông nhỏ trước cổng làng nằm cạnh khu rừng thu, tạo cho ngôi làng không gian hút hồn du khách đến thăm mùa thu nơi đây.
Cầu dây bắc qua sông có tên gọi Deaibasi – cầu Kỳ duyên, dài 107 m. Đây là một trong những biểu tượng của ngôi làng Shirakawa-go với mong muốn người dân luôn được sum vầy, hòa thuận.
Ngôi làng Shirakawa-go trong những ngày trời thu xanh ngắt với những ngôi nhà bao phủ bởi cỏ lau cao vút, phía sau là mảng rừng cây đủ màu đỏ, vàng, xanh của thiên nhiên.
Nằm trong vùng tuyết rơi dày đặc của Nhật Bản cùng mùa đông kéo dài tới 5 tháng nên người dân Sharakawa luôn tìm cách để thích nghi với thiên nhiên khắc nghiệt. Lối vào một xóm nhỏ trong làng được làm bằng gỗ để tránh trơn trượt vào mùa đông khi bị tuyết dày bao phủ. Vào mùa thu, con đường gỗ này trông xinh xắn với những lùm cỏ lau mọc 2 bên đường.
Ngôi làng có 1.600 người dân sống chủ yếu bằng du lịch. Đất nông nghiệp chiếm 4% còn lại là đồi núi. Thửa ruộng đặt xen kẽ giữa nhà dân. Lối đi vào mỗi nhà dù khá nhỏ nhưng cũng chính là lối đi để trồng trọt, chăm sóc ruộng đồng của người nông dân vùng núi Shirakawa-go.
Mặt trước của ngôi nhà có rất nhiều cửa sổ, thường 3-7 cái. Người dân ở đây tin rằng những ô cửa sổ này là nơi đón thần mặt trời đến thắp sáng và sưởi ấm ngôi nhà của họ.
Mái nhà được kèo vào cột với nhau bằng thừng mà không dùng đinh và được làm bằng vật liệu nhẹ như cói, cỏ tranh dày đến 50 cm để giữ ấm vào mùa đông và mát vào mùa hè. Hình dáng mái nhà tựa như 2 bàn tay của một tín đồ Phật giáo chắp lại, khấn niệm trong các ngôi đền chùa. Nó vừa mang tính chất tâm linh giúp che đỡ người dân khỏi những trận tuyết dày đặc, vừa giúp tuyết rơi thẳng xuống đất và không đọng lại trên mái nhà. Lối kiến trúc này còn được gọi là phong cách Gassho-zukuri.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét