"Mùa xuân sang với hoa anh đào" sắp trở lại trên nước Nhật. CY xin chia sẻ với các bạn một phim tình cảm hay mà CY đã xem đi xem lại nhiều lần và kể lại sau đây.
<!>
“An” hay “Sweet Bean” là một phim tình cảm nhẹ nhàng do nữ đạo diễn Naomi Kawase thực hiện năm 2015, trình chiếu tại Liên hoan Phim Cannes 2015 và Liên hoan Phim Quốc tế Toronto 2015.
Câu chuyện bắt đầu xảy ra vào mùa xuân khi hoa anh đào bừng nở khắp nơi nơi trên nước Nhật. Và câu chuyện kết thúc vào mùa xuân năm sau trong không gian anh đào mênh mang tỏa ngợp. Qua phim này, đạo diễn Kawase nhằm nhắn gởi đến người xem một thông điệp ngầm là con người dù trong hoàn cảnh nào cũng nên vui sống hài hòa với môi trường chung quanh từng giây phút của cuộc đời. Triết lý của câu chuyện được gói ghém trong lời nhắn nhủ được thu băng của Tokue: “Giá trị của con người không nằm trong sự nghiệp của họ mà đơn giản là trong tâm thức hài hòa biết tìm được niềm vui từ trải nghiệm cảm giác với thế giới chung quanh.”
Phim gồm có ba nhân vật chính thuộc ba thế hệ khác nhau nhưng đều có thân phận kém may mắn thiếu một mái ấm gia đình, tâm hồn lẻ loi và cô đơn trong xã hội. 1. Tokue là một phụ nữ 76 tuổi bị nghi mắc bệnh phong cùi phải bắt buộc sống trong viện điều dưỡng. Đặc biệt Tokue luôn dành thì giờ để chiêm ngưỡng hoa anh đào. Dù trước sự đối xử e dè của xã hội, Tokue vẫn giữ được cho mình một tâm hồn thư thái biết yêu quý vạn vật thiên nhiên. 2. Sentaro là một người đàn ông trung niên cựu tù đang làm lại cuộc đời bằng công việc bán bánh. 3. Wakana là một cô bé học sinh nghèo chứng kiến và ghi nhận câu chuyện; có thể đó cũng chính là hình ảnh tuổi thơ thật của đạo diễn Kawase. (PH)
Phim bắt đầu với cảnh Sentaro thức dậy sớm từ căn apartment thuê số 304 trong một chung cư ở một thị trấn nhỏ. Chàng nặng nề lê bước chân đến cuối dãy hành lang rồi bước lên từng bậc cầu thang sắt gây tiếng động cồm cộp. Tới sân thượng, chàng nhìn xuống phố, những hàng cây anh đào hai bên đường đang trổ hoa ngập trời. Chàng ngồi bệt xuống sàn, tựa lưng vào chấn song, đốt một điếu thuốc đầu ngày, lim dim mắt tận hưởng không khí ban mai trong lành thoảng hương hoa anh đào.
Trời sáng tỏ hơn. Chàng nhìn xuyên qua mấy làn dây điện giăng mắc, những cành cây chi chít hoa anh đào trông càng rực rỡ hơn dưới ánh nắng ban mai. Chàng bơ thờ lại bước xuống cầu thang và đi bộ đến chỗ làm là một tiệm bánh nhỏ. Chàng mở cửa tiệm, cột khăn trùm đầu, mặc tạp dề vào và bắt đầu công việc trộn bột làm bánh kếp.
Đèn đỏ nơi ngã tư đường; cổng sắt ngăn xe lưu thông hạ xuống, đoàn tàu điện sơn màu vàng vun vút lao qua. Đoàn tàu chạy qua rồi, cổng mở lên, những người bộ hành băng qua đường, trong số đó có Tokue Yoshii. Bước đi chậm chạp liêng xiêng, bà va trúng một ông đi ngược chiều khiến cho chiếc nón ông ta đang đội rớt xuống. Ông ta quay lại càu nhàu câu gì đó; Tokue cũng nhẹ cúi đầu lí nhí.
Nhìn thấy cái tiệm bánh nhỏ nơi một góc cuối đường với vài chiếc bàn đặt bên ngoài, Tokue Yoshii dừng bước và đảo mắt quan sát khung cảnh bao quanh. Bà ngẩng mặt say sưa ngắm những cây anh đào đầy hoa trắng phớt hồng đang đong đưa trong làn gió thoảng. Bà ư ử như thể muốn hòa quyện tâm tình cùng với thiên nhiên.
11 giờ quán mở cửa, ba nữ sinh vừa ăn bánh kếp dorayaki vừa líu lo trò chuyện. Một cô đang nói chuyện với bạn qua điện thoại cầm tay, người bạn bên kia đầu dây chọc ghẹo “Bồ định hẹn hò với Sentaro đấy à?”. Cô này đáp lại “Với một anh già nghiêm nghị như vậy à? Không bao giờ!” Sentaro đã quen với lối nói chuyện thẳng thừng tỉnh bơ không ngại ngùng của đám thực khách học trò; chàng vẫn lặng thinh tập trung đổ bánh, khéo léo tạo thành những chiếc bánh dorayaki tròn trịa đều đặn đồng cỡ trên mặt lò nóng.
Một cô cật vấn Sentaro “Bộ hôm nay anh bỏ thêm thành phần lạ trong bánh à?” Cô chìa cái bánh đã cắn dở cho Sentaro xem và tiếp lời “Trong cái bánh của tôi có một cánh hoa anh đào đây này. Bánh bị ô nhiễm rồi. Ghê quá! Í ẹ!”.
Sentaro lấy một mớ bánh khác đưa cho các cô như là để đền bù và nói: “Nếu các em rời đi, tôi sẽ cho các em mớ bánh này!” Ba cô học trò thích thú, nói cám ơn và đứng dậy rời quán. Vừa bước ra cửa, các cô gặp Wakana đang bước vào. Họ chào nhau.
Wakana vào quán là ngồi xuống như chờ đợi thức ăn. Sentaro đưa ngay đĩa bánh. Wakana ăn một cách từ tốn. Sentaro rót cho Wakana một cốc sữa, Wakana im lặng nâng cốc uống. Bà Tokue hiện ra ngoài cửa kính tươi cười và ra hiệu cho Wakana gọi Sentaro giùm. Wakana gọi Sentaro xong tiếp tục nhẩn nha ngồi ăn bánh kếp, chẳng tỏ chút gì vội vã. Cô bé theo dõi hoạt cảnh bà lão đi xin việc.
Tokue mặc một chiếc áo khoác dầy, nút cài kín cổ, đầu đội mũ len. Bà cất giọng rụt rè:
“Ở đây đang cần người phụ việc phải không? Tôi thấy có treo bảng.”
“Đúng vậy.”
“Có giới hạn tuổi tác không?”
“Chẳng hay bà bao nhiêu tuổi?”
“76.”
Sentaro nhìn bà lão yếu đuối mà lấy làm ái ngại rồi nói: “Chúng tôi trả lương không nhiều đâu.”
“Bao nhiêu?”
“600 yen một giờ.”
“Ô… như vậy là nhiều đó. Trả tôi ít hơn phân nửa thôi cũng được.”
Sentaro trả lời dứt khoát: “Tôi nghĩ không được đâu.”
Bà lão chưa chịu đi, tự giới thiệu: “Tên tôi là Tokue Yoshii.”
Sentaro ngần ngại khi thấy bà lão cố van nài xin việc. Chàng nói: “Công việc nặng nhọc sẽ làm cho bà bị đau lưng đó. Nó cực nhọc hơn bà tuởng.”
Thấy bà lão cứ chần chừ mãi, Sentaro đuổi khéo: “Đây, bà hãy cầm lấy một cái bánh này”.
Tokue lục ví định lấy tiền trả. Sentaro cản: “Không không. Cái này là tôi mời. Xin bà vui lòng…”
Tưởng đâu bà lão đã bỏ đi, không ngờ bà còn đứng đó chỉ tay lên cây hoa anh đào trước cửa tiệm và hỏi: “Ai trồng cây anh đào này vậy ông?”
Sentaro nhìn qua cửa kính thấy những cành đầy hoa che rợp cả bầu trời. Chàng lừ khừ đáp: “Người ta trồng nó lúc nào tôi không biết vì lúc đó tôi chưa có ở đây.”
Chừng đó Tokue mới bỏ đi và hứa sẽ quay trở lại. Wakana trông theo chiếc lưng còm cõi của bà. Bà chợt quay lại vẫy bàn tay chụm lại quều quào với nụ cười rạng rỡ sung sướng. Bà nói mơ hồ “Bye nha con trai…”
Sentaro trầm ngâm nhìn theo bà một lúc xong nhanh nhẹn lấy mớ bánh nướng hư hỏng đưa cho Wakana. Cô bé lí nhí cám ơn rồi lấy hết mớ bánh đó cho vào túi ny lông mà cô để sẵn trong cặp đi học. Wakana hỏi Sentaro: “Cái công việc bán thời gian đó, cháu muốn xin làm được không?”
“Nhưng cháu bận học mà.”
“Có thể vì hoàn cảnh cháu sẽ không vào trung học nữa. Chú nhớ lưu ý nha.”
“Ừ, được.”
Wakana rời tiệm bánh, bước đi không vội vã. Bé dừng lại trên cầu bắc qua lạch nước, phóng tia nhìn xa xa nơi có đoàn xe lửa sơn vàng chạy vút qua. Bé trở về căn phòng trọ tối tăm, cầm đọc một mảnh giấy để trên bàn, cất mớ bánh vào tủ lạnh.
Tiếp đó, bé đến bên chiếc lồng ngắm con chim hoàng anh đang nhảy nhót lăng xăng và bảo nó: “Đừng ồn Marvy. Em phải im lặng.” Wakana bảo con chim nuôi im lặng là vì chủ nhà không cho người thuê nuôi thú vật. Miếng giấy để trên bàn nàng vừa đọc có thể là tờ giấy cảnh cáo của chủ nhà.
...............
Một ngày khác….
Gần trưa đến giờ đóng cửa, Sentaro đang lau chùi dọn dẹp thì Tokue quay trở lại tươi cười đưa cho Sentaro mảnh giấy và nói:
“Cái tên của tôi viết như vầy đây.”
Sentaro cầm tờ giấy đọc rồi trao lại ngay cho Tokue và nói:
“Nhưng rất tiếc tôi không thể mướn bà”.
Tokue chìa hai bàn tay biến dạng của mình cho Sentaro xem và phân trần:
“Như ông thấy đó. Mười ngón tay của tôi có cong queo đôi chút. Ông trả cho tôi 200 yen thôi cũng được.”
“Tôi xin lỗi. Không được đâu.”
“Ông chủ à. Tôi đã thử nếm cái bánh kếp của ông cho tôi. Tôi nghĩ vỏ bánh thì được nhưng nhân đậu thì không ngon.”
“Nhân không dễ làm đâu”, Sentaro nói.
Tokue đáp: “Tôi làm nhân đậu này suốt 50 năm.”
“50 năm?”, Sentaro hỏi lại.
Tokue đáp: “Phải. Nửa thế kỷ. Nhân đậu luôn luôn là tình cảm dính liền với cuộc đời tôi đó ông chủ à.”
“Nhưng rất tiếc tôi không thể mướn bà. Tôi xin lỗi.”
Tokue lấy trong giỏ xách ra một gói và nói, “Đây, ông chủ thử nếm cái này đi.”
“Cái gì vậy?”, Sentaro cầm gói bánh đưa trả lại, nhưng Tokue đã vội vàng bỏ đi.
Sentaro mở gói ny lông; bên trong là một cái hộp nhựa đựng nhân đậu đỏ. Chàng mở hộp ra xem rồi lẩm bẩm, “Nhân đậu gì trông lổn nhổn.” Chàng thảy cái hộp nhân đậu vào sọt rác rồi tiếp tục lo công việc lau dọn. Nhưng trầm ngâm nghĩ lại, chàng lại lôi hộp đó ra đặt lên mặt bàn, mở nắp hộp, ngồi xuống ghế, cúi người dí mũi sát vào hộp ngửi. Chàng quệt một miếng nhân đậu trên đầu ngón tay và nếm thử. Chàng quệt thêm một miếng nhiều hơn, chu miệng mút với vẻ hài lòng.
...................
Một buổi tối, cô bé Wakana đi bộ đến một quán ăn. Tình cờ Sentaro cũng vừa đến, trên đầu vẫn còn cột khăn trùm tóc khi làm bếp. Sentaro gọi một chai bia và một phần ăn đồ chiên (tempura). Wakana cũng gọi một phần ăn tempura. Sentaro gọi cậu hầu bàn mang cho chàng cái gạt tàn thuốc. Cậu hầu bàn nhìn Wakana cười. Sentaro hỏi “Quen à?” Wakana bảo đó một người bạn học cùng club ở trường và đang theo trung học.
Trong bữa ăn, qua làn khói thuốc, Sentaro kể lại cho Wakana nghe chuyện bà Tokue quyết tâm xin việc. Chàng công nhận món nhân đậu đỏ của bà làm ngon tuyệt làm chàng ngạc nhiên; hương vị của nó hoàn toàn khác hẳn với cái món chàng dùng. Wakana góp ý là chàng nên để cho bà ta thử việc vì bà tỏ ra quá ân cần. Sentaro không nói.
Sáng ngày hôm ấy, khi hoa anh đào đã rụng cả rồi sau những cơn mưa, những cành anh đào đã phủ đầy lá xanh, Tokue trở lại quán của Sentaro. Đứng trước quán, bà mỉm cười nhìn đám lá xanh. Với bà, vạn vật đều có sự sống tình cảm như con người, đáng được trân quý tôn trọng. Vừa thấy bà, lần này Sentaro không giấu được sự mừng rỡ. Chàng tươi cười nhanh nhẩu cất tiếng chào bà. Bà chia sẻ sự quan sát của bà với chàng rằng hoa đã rụng hết cả rồi, bây giờ toàn là lá xanh lao xao trong gió. Chỉ còn sát gốc cây một vài cành non với hoa nở muộn.
Bà bảo “Chúng vẫy tay chào đấy.” Và với gương mặt tỏa sáng và điệu bộ tươi vui như trẻ con, bà đưa hai bàn tay biến dạng lên vẫy lại lá xanh. Sentaro cũng cảm thấy vui lây, chàng ngưng tay với công việc đang làm và bước ra trước quán ngước nhìn trời ngập nắng mai. Chàng thẹn thùng cúi đầu nói:
“Món nhân đậu đỏ ngọt của bà làm ngon quá!”
“Ông chủ có ăn thử nó à?”, bà mừng rỡ hỏi.
“Dạ vâng”, chàng đáp xong tiếp lời ngay “Nếu cô không ngại, cô có thể giúp cháu được không?”
Tokue cúi đầu chấp nhận. Sentaro mời bà vào ngồi xuống bàn để thảo luận công việc. Chàng hỏi bà có đủ sức mạnh để nhấc nồi không, đủ sức quậy đậu để làm nhân bánh không. Bà đáp chắc bà sẽ phải để chàng lo phần nhấc nồi. Chàng hỏi thế bà có thể cầm cây quậy đậu được không. Bà bảo đương nhiên là được. Rồi chàng nhắc đến là trước đây bà có nói là hai bàn tay của bà hơi cong queo. Bà trấn an là điều đó không gây trở ngại trong công việc. Sentaro nói chàng chỉ cần bà giúp làm phần việc nhân đậu thôi. Tokue vô cùng xúc động khi biết rằng sau cùng rồi ý muốn giúp việc ở quán của bà đã được toại nguyện. Sentaro xin bà ghi xuống số điện thoại. Bà nói bà không có điện thoại cầm tay, nhưng bà sẽ đến quán đúng giờ vì bà thức dậy rất sớm, trước cả khi gà gáy.
Bà Tokue hỏi Sentaro rằng có bao giờ chàng đã tự tay làm món nhân đậu chưa. Sentaro đáp chàng đã từng thử qua nhiều lần nhưng đều thất bại, khi thì đậu cháy khét, khi thì không đúng độ nhão để trét bánh. Chàng nhìn nhận việc đó đối với chàng khó quá.
Bà Tokue hăm hở nói để bà đi làm món nhân đậu. Sentaro nói 11 giờ quán mở cửa và chàng bắt đầu làm nhân đậu lúc 9 giờ. Khi Sentaro đưa bà xem thùng đựng đậu, bà hết sức ngạc nhiên vì đó không phải là đậu tươi mà là đậu đặt mua trước theo số lượng lớn. Sentaro nói: “Thì từ trước đến giờ vẫn vậy.”
Bà Tokue nghe lấy làm sửng sốt. Bà nói nhân đậu là linh hồn của bánh kếp dorayaki, phải đối xử với nó tử tế. Sentaro bảo đậu này vẫn mới vì người ta giao ngay sau khi chàng gọi đặt hàng. Về món nhân đậu, bà nằng nặc nói: “Chúng ta sẽ bắt đầu sửa soạn sớm trước khi ông mặt trời ló mặt.”
Đến phiên Sentaro ngạc nhiên hỏi: “Ông mặt trời?”
Bà Tokue nói “Đúng vậy. Ông mặt trời.” Với bà thì bất cứ vật gì cũng có tình cảm và linh hồn cả.
Hôm sau, khi trăng đêm chưa lặn, Sentaro phải ra quán sớm lúc “ông mặt trời chưa ló mặt” trong khi chàng chưa kịp chải chuốt tóc tai cho tươm tất. Trong ánh sáng nhá nhem và không gian tĩnh lặng, Sentaro nhìn thấy bà Tokue đã đứng trước cửa quán sẵn rồi. Chàng chào và hỏi bà: “Cháu chào cô”.
Bà thì đang mải chú tâm đến một chuyện khác. Bà nói: “Có một cây anh đào với chùm trái nhỏ xíu.”
Chàng nói “Vậy à?” rồi hỏi “Xe buýt chạy sớm thế hả cô?”
Bà đáp: “Không sao. Đừng lo chuyện đó.” Chàng nói “Vâng” xong lo mở khóa cửa và mời bà vào.
Sentaro bật công tắc đèn. Căn quán nhỏ sáng lên. Bà Tokue tức khắc lấy từ trong túi xách nón vải trắng trùm tóc lại. Bà nôn nóng mở nắp thau đựng đậu đỏ đã ngâm qua đêm. Bà reo lên thích thú, “Ồ… tốt quá…” Rồi bà cúi người dí mắt nhìn những hạt đậu trong thau. Bà hỏi “Ông chủ à, ông có nhìn chúng trước khi ngâm không?” Chàng hỏi lại “Nhìn gì?” Bà nói “Nhìn đậu azuki này này.”
Bằng hai bàn tay có những ngón cong queo, Tokue dùng thìa gỗ vớt một ít hạt đậu đưa gần lên mắt xem xét:
“Ông chủ thấy không, có hạt không được tốt.”
Sentaro cũng cúi xuống nhìn gần: “Đúng rồi. Cháu xin lỗi.”
“Tại sao ông chủ phải xin lỗi chứ?”, Tokue nói.
“Cháu cũng không biết.”
“Ông chủ đổ nó vào nồi đồng đi. Ồ, nhìn nước đậu nè.”
“Dạ vâng. Nước nâu đục chất bẩn.”
Sau một lúc nấu đậu, Tokue mở nắp nồi canh chừng rồi bảo Sentaro nhấc nồi trút đậu ra rổ sắt để xả nước. Bà lăng xăng làm việc một cách hứng thú và cười lên khi tay chạm phải cái nồi đang nóng khiến Sentaro cũng lây cái vui của bà. Bà nói huyên thuyên: “Như vầy nè nhá. Xả nước và trộn đậu lên cho thật đều, nếu không đậu sẽ đắng. Ồ, được rồi đấy. Trút nó lại vào nồi đi. Múc nước mới đổ vô. Chậm chậm từ từ. Tốt. Tốt lắm.”
Trong lúc ngồi chờ đậu chín, Sentaro hút một điếu thuốc, bà Tokue háo hức nôn nao chờ sản phẩm chuyên nghiệp của mình. Bà nói: “Sắp xong rồi đó. Tôi có thể ngửi mùi đậu đã bắt đầu đổi khác.”
Bà mở nắp nồi nhìn vào. Nước trong nồi đã bốc hơi cạn bớt đang sôi sùng sục; những hạt đậu đỏ nở no đầy phơi mình lẫn đám bọt nổi bong bóng nhảy lưng tưng trông thật vui mắt.
Đậu nấu chín xong, Tokue chỉ dẫn Sentaro đặt nồi dưới vòi nước, cho nước ngập; lớp bọt từ từ trôi hết và nước sẽ trong vắt. Bà dặn phải cẩn thận để đậu không bị vỡ nát. Sentaro nhận xét công việc làm nhân đậu quả là nhiêu khê phiền phức. Quan sát thấy Tokue cúi sát mặt nhìn nồi đậu chín đã vớt ra rổ, Sentaro thắc mắc hỏi: “Cô cúi sát mặt nhìn cái gì vậy?”
Và rồi khi thấy mớ đậu chín nở nứt vỏ lụa căng đầy, Sentaro cũng phải kêu lên: “Ồ… đẹp thật. Thì ra nó phải là như vầy.”
Đậu đã thật ráo hết nước lại được đổ vào nồi trộn với đường và sữa. Xong Tokue ngồi xuống trước sự ngạc nhiên của Sentaro.
“Lại phải chờ nữa hả cô?” Chàng sốt ruột hỏi.
“Nấu liền không tốt, phải để cho đậu làm quen với đường rồi thấm chất ngọt vào. Nó cũng giống như lần hẹn hò đầu tiên vậy đó; đôi tình nhân cần tìm hiểu quen biết nhau chứ.”
“Mình phải chờ bao lâu hở cô?”
“Hai giờ.”
“Hai giờ?” Sentaro nhìn đồng hồ trên tường: chín giờ kém bốn phút. Chàng đến ngồi tựa bệ cửa sổ hút thuốc, cúi đầu nghĩ ngợi. Hút xong điếu thuốc, chàng khép cửa sổ lại, đứng lên bước đến bên nồi nhân đậu.
“Bây giờ là phần quan trọng đây.” Bà căn dặn Sentaro. “Phải đặt cái thìa gỗ sát dưới đáy nồi và khuấy đều liên tục, nếu không đậu sẽ khét thì coi như hỏng. Đừng khuấy mạnh tay quá làm nát hết đậu. Vặn lửa thấp xuống. Cẩn thận. Bây giờ vốc mạch nha (mizuame) bỏ vào.”
“Mạch nha? Vâng.” Sentaro như một cậu học trò ngoan làm theo những lời chỉ dẫn của bà Tokue.
Cuối cùng thì công việc nấu nhân đậu đỏ đã xong. Sentaro đổ nó ra một cái khay đựng hình chữ nhật. Chất đậu bây giờ đã sệt và bốc khói nghi ngút tỏa mùi thơm. Đã sắp đến giờ mở cửa quán, Sentaro xoay qua bắt tay nướng bánh. Chàng trét nhân làm cái bánh đầu tiên trao cho Tokue và làm cái bánh thứ hai cho chàng. Sentaro cắn hai miếng liền nhai ngon lành.
“Ông chủ thấy thế nào?”, Bà Tokue hỏi.
“Cháu chưa hề ăn một cái bánh nào ngon như thế này. Sau cùng cháu đã làm được bánh dorayaki mà cháu có thể nuốt.”
“Ông chủ nói sao?”
“Cháu muốn nói trước đây chưa bao giờ cháu ăn hết một cái bánh dorayaki.”
“Sao vậy?”
“Cháu không thích ngọt. Nhưng nhân đậu của cô làm ngon tuyệt. Hiếm khi nào cháu ăn bánh ngon như thế này.”
“Vậy tại sao ông chủ lại mở quán bán bánh dorayaki mà không làm quán rượu?”
Câu hỏi của bà Tokue gợi nhớ một việc không tốt từng xảy ra trong quá khứ cuộc đời Sentaro nên chàng ngập ngừng không nói. Chàng nhìn đồng hồ trên tường: “Ấy chết! Đã 11 giờ rồi. Đến giờ quán mở cửa.”
Đám nữ sinh thực khách thường xuyên của quán hôm nay nhốn nháo khi ăn bánh kếp. Họ nhận xét mùi vị nhân bánh hôm nay có khác, ngon hơn mọi khi. Họ đùa bảo Sentaro là ngôi sao show ẩm thực. Họ hỏi Sentaro đã làm gì? Phải chăng chàng nghiêm túc hơn trong công việc và đã cải thiện? Sentaro đáp là chàng chỉ thay đổi một chút thôi. Khách hàng đến mua bánh nhiều hơn, khen bánh ngon, ai cũng nói vậy. Sentaro bận rộn thêm nhưng vui ra mặt.
Một ngày nữa nơi quán bánh dorayaki với sự giúp việc của bà Tokue. Sentaro đang nhồi bột, bỗng nghe tiếng bà Tokue: “Cố gắng làm việc giỏi ngoan nhé.”
“Vâng thưa cô.”
“Không phải cậu chủ. Tôi đang nói chuyện với mớ đậu.”
“Nói chuyện với đậu?, Sentaro nhỏ giọng lẩm bẩm. Chàng nói: “Người ta nói họ thích nhân bánh lắm. Đám học trò mê như điên.”
“Vậy à? Tôi cũng mong gặp họ.”
“Họ chỉ là bọn trẻ ồn ào thôi mà.”
“Trẻ con ồn ào là tốt chứ sao. Tôi muốn gặp chúng.”
“Ồ! Tới giờ mở cửa quán rồi! Nhanh quá!”
Sentaro kéo màn cửa nhìn ra và kêu lên: “Chao ôi! Người ta đến đông quá!”
“Khách hàng đông như vậy, một mình ông chủ trông không xuể đâu.”
“Vậy thì cô giúp cháu nhanh lên. Bánh bán đắt hàng rồi, vui quá.”
Nhưng niềm vui của Tokue không tồn tại được lâu. Một hôm sau khi quán đã hết giờ bán, trong lúc Sentaro đang dọn dẹp thì bà chủ nợ có dắt theo bốn con chó kiểng ghé qua. Chẳng cần màu mè chào hỏi gì, bà chủ nợ đi vào ngay vấn đề: “Nói chuyện một chút được không?”
“Có chuyện gì không thưa bà?”
“Có chứ. Có một tin đồn đãi về người mới vào làm cho quán này.”
“Ồ. Bà Tokue. Bà ấy làm sao?”
“Bà ta tên Tokue à? Sao anh chẳng hề báo cho tôi biết.”
“Bà ấy chỉ giúp tôi làm nhân đậu.”
“Và làm việc nơi quầy phục vụ nữa phải không? Một người bạn đã cho tôi biết về bà già đó. Hai bàn tay của bà ta bị tật phải không?”
“Cũng dị tật một phần nào.”
“Bạn tôi nói có thể bà ta là người cùi. Thời buổi bây giờ người ta tránh nói tới chữ cùi và gọi nó là bệnh Hansen. Bà ta bao nhiêu tuổi vậy?”
“Bà ấy giữa tuổi 70 nhưng còn khỏe mạnh.”
“Bà ta ở đâu?”
Sentaro mở ngăn kéo lấy tờ khai xin việc của Tokue cho bà chủ nợ xem. Mang kính vào, bà chủ nợ xem rồi buông tiếng thở dài. Bà nói: “Đó là viện điều dưỡng, nơi người ta tập trung những bệnh nhân phong cùi đó. Nhìn chữ viết như gà bươi của bà ta kìa.”
“Bà ấy bảo bệnh đã được chữa lành rồi.”
“Đương nhiên là bà ta nói thế. Anh không biết à? Trong trường hợp bị cùi nặng, các ngón tay rụng mất, mũi họ cũng sẽ bị soi mòn dần.”
“Nhưng Tokue còn đủ những ngón tay, còn mắt mũi bình thường.”
“Tôi không biết.” Ngưng một chút, bà chủ nợ kể: “Tôi nhớ hồi còn nhỏ tôi có thấy những người cùi ngồi ở trước chùa…”
Có tiếng chó sủa; bà chủ nợ phải ngưng kể để la rầy con chó, xong bà ta kể tiếp: “Những người cùi đó ngồi trước chùa ăn xin. Khi họ đã rời đi, nhân viên Sở Y Tế phải tẩy trùng chỗ đó.”
“Nhưng thưa bà, quán này đang buôn bán tốt hơn trước nhờ món nhân đậu đỏ của bà Tokue nấu.”
“Tôi biết. Nhưng nếu lời đồn đãi lan rộng ra, khi mọi người đều biết thì có phải lúc ấy quán này sẽ tiêu tan không.”
“Người nói với bà là ai?
“Anh không cần phải biết.”
Ngập ngừng một lúc, bà nói lời quyết liệt: “Dù gì đi chăng nữa, anh phải đuổi việc bà ta.”
“Xin lỗi bà cho tôi một thời gian để suy nghĩ.”
Bà chủ nợ thở dài xong bảo Sentaro đưa cho bà chai kem thoa sát trùng. Bà thoa hai tay và nói: “Tôi không thích nhưng phải nhắc lại điều này cho anh nhớ. Chồng tôi đặt cái quán này vào tay anh. Sentaro à, chồng tôi đã tin cậy anh. Anh là quản lý ở đây. Hơn nữa, vợ chồng tôi đã ứng tiền ra lo giải quyết xong cái vụ lộn xộn của anh trước đây, anh vẫn còn thiếu chúng tôi tiền nợ. Tôi nghĩ anh biết anh phải làm sao.”
Dứt lời, bà chủ nợ đứng dậy rời đi ngay.
Không nhịn được sự bực dọc, Sentaro vung tay ném một vật gì đó xuống sàn nhà.
Sentaro buồn bã nghĩ ngợi mông lung và cảm thấy rất khổ tâm rối trí. Chàng không biết phải giải quyết cách nào cho ổn thỏa mọi phía. Trằn trọc ngủ không được, chàng thức dậy thật sớm, nặng nề lê bước lên sân thượng ngồi cúi đầu vật vờ tựa chấn song.
Chàng lại trở về phòng nằm sấp người ngay trên sàn gạch, lầu bầu khổ sở thầm thì buông tiếng than van. Chàng móc điện thoại ra bấm nút gọi. Từ đầu dây kia, tiếng của Tokue:
“A, cậu chủ. Cậu đang ở đâu vậy?”
“Cháu… cảm thấy… hơi…”
“Cậu chủ có sao không?”
“Cháu… mệt.”
“Cậu chủ làm việc quá sức, không chịu nghỉ ngày nào đến kiệt sức đó. Sao cậu chủ phải làm việc cho quán này cực nhọc thế trong khi lại không thích món ăn ngọt?”
“Cô ơi… Cháu nghỉ ngày hôm nay được không?”
“Nghỉ hai hay ba ngày cũng được.”
“Không. Ngày mai cháu sẽ đi làm trở lại.”
“Thôi được. Bề nào tôi cũng đã đến quán rồi. Vậy tôi sẽ nấu nhân sẵn cho ngày mai nhé.”
“Nếu cô không phiền. Cháu nhờ cô việc đó vậy.”
Nơi quán, Tokue một mình lui cui gắng sức rửa đậu, nấu đậu để làm nhân bánh, nhấc những vật dụng nặng. Bà lắc đầu nói một mình: “Thật mình không muốn quán đóng cửa ngày hôm nay chút nào.”
Thế là bà kéo màn cửa lên. Một ông khách hàng đứng sẵn bên ngoài cất tiếng hỏi ông muốn mua ít bánh được không. Tokue trả lời là vẫn còn sớm quá, hỏi ông khách có thể chờ một lúc được không. Rồi bà khuấy bột đổ bánh.
Do bà chưa quen tay, những chiếc bánh do bà đổ to hơn bình thường, hao bột hao nhân hơn, bánh để lố lửa hỏng cũng nhiều hơn.
Khách hàng hỏi mua bánh liên tục khiến Tokue bận rộn trở tay không kịp. Bấy giờ Tokue có ý nghĩ là quả thật Sentaro làm việc cực quá.
Quán vừa đến giờ đóng cửa thì cô bé học trò Wakana xuất hiện. Tokue mừng rỡ chào đón mời Wakana vào. Tokue kể chuyện xảy ra trong ngày cho Wakana nghe, đưa cho cô bé xem cả lô bánh kếp không đạt tiêu chuẩn mà vì chưa quen tay, Tokue đổ không tròn trịa hoặc già lửa. Tokue mời cô bé ăn, trìu mến nhìn cô bé, bảo với cô rằng tuổi trẻ thật đáng trân quý và đáng yêu biết bao, còn trẻ thì thật là một điều may mắn.
Nhìn ngắm những con chim bay ngoài trời, Tokue chia xẻ cảm nghĩ với Wakana rằng loài chim sống tự do thật là sung sướng. Tokue hỏi Wakana có anh chị em không; cô bé trả lời là không. Bà lại hỏi như vậy Wakana có cảm thấy cô đơn không; cô bé lắc đầu và trả lời “Không”. Bà nói chắc tại Wakana có thú cưng, một con chó hay một con mèo gì đó. Wakana đáp không có chó mèo mà chỉ có một con chim hoàng anh thôi. Tokue hỏi cô bé tiếng chim hót như thế nào; Wakana tươi cười giả bộ tiếng chim kêu “Chíp chíp chíp chíp”. Tokue lại hỏi thêm “Khi nó ăn thức ăn ngon thì nó kêu làm sao?” Wakana ngây thơ tươi cười đáp “Dạ nó hót mạnh hơn Chíp chíp chíp chíp”. Tokue khen hay quá.
Sáng hôm sau, Sentaro lừng khừng từ nhà đến cửa hàng. Đến nơi, từ ngoài nhìn vào, chàng đã thấy Tokue cặm cụi làm việc bên trong. Không đi vào ngay, Sentaro ngồi xuống băng ghế bên hông quán, đưa mắt quan sát người phụ việc già đang chăm chỉ làm việc. Qua làn khói thuốc, chàng suy nghĩ mông lung một lúc lâu rồi mới mở cửa đi vào. Tokue ngưng tay, lật đật bước ra cúi đầu chào một cách kính cẩn.
Sentaro nói “Cháu tưởng hôm nay cô nghỉ chứ. Hôm qua cô đã làm nhân đậu sẵn rồi cơ mà?”
Tokue đáp “Đúng vậy. Nhưng khách hàng đến mua, tôi không nỡ từ chối nên tôi làm bánh bán.”
“Cô cũng khuấy bột và nướng vỏ bánh kếp à?”
“Đúng vậy. Nhưng tôi làm hỏng khá nhiều.”, Tokue cười khúc khích trả lời. Bà cũng không quên cúi đầu nói “Xin lỗi ông chủ. Nhưng bao nhiêu bánh đều bán sạch. Tôi phải để bảng HẾT BÁNH. XIN LỖI QUÝ KHÁCH”.
“Cô trông quán một mình suốt ngày hôm qua; chắc cô mệt lắm phải không?”
“Thưa phải”.
“Vậy mà hôm nay cô cũng đã đến đây sớm rồi. Cô nấu mấy ký đậu vậy?
“Hai ký.”
“Được rồi. Nếu cô không quá mệt, và nếu cô muốn, hôm nay cô giúp đứng tiếp khách và bán hàng được không?”
“Ông chủ muốn thật vậy sao? Tôi thích lắm.”
Mọi thứ đều chuẩn bị xong xuôi. Chưa đến giờ mở cửa. Bên ly trà nóng, Sentaro ngồi tâm sự: “Cô biết không. Sở dĩ cháu làm cái công việc trông coi cửa hàng này là vì cháu có thiếu người ta một món nợ. Và đó là một gánh nặng mà cháu phải cưu mang suốt cả cuộc đời.”
Tokue quan tâm lắng nghe và hỏi:
“Món nợ lớn lắm à? Liệu ông chủ có bị người ta gạt gẫm không đấy.”
“Không. Chủ của cái quán này đã bỏ tiền ra để cứu cháu cho nên cháu chịu ơn họ và phải làm công việc này để đền ơn.”
“Chuyện đời của chúng ta gay go trắc trở cho nên chúng ta phải làm việc cực khổ thôi.”
“Cám ơn cô. Cháu sẽ cố gắng làm việc hết sức mình.”
Thế là hôm nay Tokue đứng ở quầy bán hàng tiếp khách. Nhóm học trò con gái là khách hàng thường trực đến quán ăn sáng vừa ăn vừa đùa giỡn tán chuyện khiến cho bầu không khí của cái quán nhỏ chộn rộn hẳn lên. Thấy Tokue đứng bán hàng, các cô học trò nghịch ngợm bình luận đùa là cái quán này cũng “cơ nghiệp hóa” đây.
Tokue cũng vui lây với nét thơ ngây trẻ trung của họ, cũng góp phần vào câu chuyện tự nhiên dễ dàng. Bà khuyên đám trẻ là dù gặp phải thất bại cũng nên xem đó như là một trò chơi để vui vẻ sống vì còn có tự do. Wakana hỏi ngày xưa còn trẻ Tokue muốn làm gì; bà đáp bà muốn dạy Nhật văn, muốn đọc và bình thơ với học trò, nhưng thời thế sau khi chiến tranh vừa dứt lúc đó lộn xộn…
Tokue chưa kể hết câu chuyện thì đám học trò phải cầm bánh kếp ăn dở dang rời quán vì chỉ còn năm phút nữa là đến giờ vào lớp.
Thấy Wakana vẫn ngồi yên đó, Tokue ngạc nhiên hỏi “Bộ cháu không đi học à?” Wakana đáp “Không.” Tokue hỏi xin Sentaro mấy cái bánh kếp hư để gói đưa cho Wakana. Khi bà Tokue đưa bánh, cô học trò Wakana để ý thấy những ngón tay dị dạng gồ ghề của Tokue nên hỏi “Tay của bà làm sao vậy?” Tokue bảo là do tay bà bị dị ứng với biến đổi thời tiết. Wakana tiếp tục gặng hỏi; bà mới bảo đó là do căn bệnh lúc bà còn nhỏ.
Nghi ngờ, Wakana vào thư viện tìm tài liệu đọc để tìm hiểu. Tài liệu cho biết luật ngăn ngừa bệnh cùi ở Nhật bắt những người bị tình nghi phải sống cô lập cách ly với xã hội. Luật này đến năm 1996 mới bãi bỏ.
Thế rồi vào những ngày kế tiếp, nhóm nữ sinh chẳng đến quán bánh kếp của Sentaro nữa, khách qua đường cũng không còn dừng lại để mua. Sentaro ngầm hiểu nguyên nhân tại sao. Vào một ngày hè trời trở lạnh bất thường, quán vắng teo không một người khách hàng, Sentaro nói với Tokue:
“Thôi kể từ hôm nay cô ở nhà nghỉ đi.”
Tokue mỉm cười gượng gạo, đội mũ và khoác áo ra về. Sentaro bước ra đứng trước quán nhìn theo dáng đi lom khom chậm chạp của bà, thấy bà đang ngẩng mặt nhìn lên đám lá cây anh đào và đưa tay vẫy chúng như vẫy chào một người bạn; điều đó khiến cho Sentaro trầm tư suy nghĩ. Đóng cửa quán, Sentaro ra về, hòa mình vào dòng người xuôi ngược dửng dưng xa lạ. Trong bóng tối căn chung cư, Sentaro ngồi thừ, đắm chìm suy nghĩ. Ngoài trời, ánh trăng vời vợi bóng mây…
Một thời gian sau…
Nơi quán, Sentaro mang hai miếng lót ngồi bằng len do Tokue đan tặng đặt lên băng ghế, ngồi xuống dựa lưng hút thuốc. Một nhân viên bưu điện dừng xe gắn máy, nhanh nhẹn trao cho chàng một lá thư. Thì ra đó là thư của Tokue. Bà viết:
“Cậu chủ thân mến,
Tôi biên thư này để thăm hỏi công việc ở quán ra sao. Tôi cảm thấy lo ngại cậu chủ có thể xuống tinh thần. Khi nấu đậu, tôi luôn luôn lắng nghe những câu chuyện mà những hạt đậu kể. Và tôi tưởng tượng đến những ngày nắng và những ngày mưa mà những trái đậu đã trải qua, cơn gió nào đã làm cho những thân cây đậu mong manh run rẩy. Hãy lắng nghe cuộc hành trình của chúng. Vâng, hãy lắng nghe chúng thầm thì. Tôi tin rằng tất cả vạn vật trên thế gian này đều có một câu chuyện để kể. Ngay cả ánh nắng mặt trời và cơn gió, tôi nghĩ cậu chủ cũng có thể nghe chuyện chúng kể. Biết đâu đó là lý do tại sao mà dường như tôi bị các yếu tố ngoại cảnh thôi thúc tôi nên biên thư liên lạc với cậu chủ. Cậu chủ ạ, chúng ta phải cố gắng vượt lên trên nỗi hổ thẹn để mà sống, mặc dù đôi khi sự dốt nát của người đời muốn nghiến nát chúng ta. Có những lúc chúng ta phải dùng đến trí tuệ và sự nhuệ mẫn để đối phó với đời. Tôi nghĩ tôi nên nói điều này với cậu chủ. Tôi tin rằng một ngày kia cậu chủ sẽ tạo ra được một loại bánh kết đúng như nguyện vọng mong muốn. Hãy tự tin theo đuổi hoài bão cậu chủ ạ.”
Mùa thu đã đến, một con đường dẫn đến quán rực lên với hai hàng cây bạch quả ngập lá vàng. Wakana mặc áo choàng đỏ, hai tay ôm chiếc lồng chim hoàng anh có che ấm đến quán. Sentaro cất vội chai rượu sake dưới kệ quầy. Cô bé nữ sinh hỏi Tokue đâu. Sentaro bảo bà ấy đã tự ý nghỉ việc rồi. Wakana ngơ ngác.
Sentaro hỏi: “Sao? Có chuyện gì không?”
Wakana đáp: “Cháu bỏ nhà ra đi.”
“Bỏ nhà đi? Từ hồi nào?”
“Mới sáng nay.”
Sentaro hít mấy hơi thuốc liền, dáng điệu lừ khừ. Wakana mở lớp vải dầy; con hoàng anh nhảy nhót trong lồng.
“Tên nó là Marvy. Cháu trọ trong chung cư và người ta cấm vật nuôi. Hàng xóm than phiền và chủ nhà bảo cháu phải đem chim đi nơi khác. Có lần tại quán cháu đã thưa chuyện này với bà Tokue. Bà bảo nếu cháu không nuôi được con Marvy thì chú hoặc bà ấy sẽ nuôi cho.”
“Thế mà không nói cho tôi biết.”, Sentaro lẩm bẩm.
“Chú nhận nuôi nó được không?”, Wakana hỏi.
“Nuôi nó thế nào được? Tôi cũng ở chung cư vậy.”
Wakana cúi đầu tỏ vẻ thất vọng. Chẳng hiểu nghĩ gì, Wakana phân trần:
“Cháu chỉ nói lại với duy nhất một người khác về những ngón tay dị dạng của bà Tokue.”
“Người đó là ai?”, Sentaro hỏi.
“Mẹ cháu.”, Wakana đáp.
“Tin đồn khó mà giữ kín, sớm muộn gì cũng lan ra khắp mọi người biết. Nhưng trong vụ này không phải tin đồn thôi mà chắc còn có lý do nào khác. Chính tôi mới là người có lỗi. Tôi đã không bảo vệ được bà ấy.”
“Chú à, hay là chúng ta đi thăm bà nơi bà đang ở? Khi cháu mới gặp bà ấy, bà ấy và cháu cùng ngắm trăng. Trăng mọc lên trên những cây anh đào đàng kia đó. Bà nhìn trăng rồi nhìn con Marvy và hứa như vậy đó.”
“Một lời hứa với trăng? Hừm…”, Sentaro lắc đầu.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét