Một thẩm phán liên bang trước đây đã tạm thời đình chỉ việc thi hành sắc lệnh di trú của Tổng thống Trump, hôm thứ Hai cho biết vụ án thách thức chính lệnh cấm nhập cảnh sẽ được xúc tiến, trong khi một thẩm phán liên bang khác ban hành một phán quyết mới để ngăn chặn việc thi hành lệnh cấm nhập cảnh tại bang Virginia.
<!>Thẩm phán James Robart, một thẩm phán liên bang tại thành phố Seattle trước đây trong tháng phán quyết rằng những người đến từ Iraq, Iran, Syria, Libya, Yemen, Somalia và Sudan, tức là 7 nước bị cấm nhập cảnh theo sắc lệnh của Tổng thống Trump, nếu có thị thực nhập cảnh hợp lệ, vẫn có thể vào nước Mỹ, và chương trình nhận người tị nạn vẫn có thể tiếp tục, trong khi toà án cứu xét xem liệu sắc lệnh của Tổng thống Trump có hợp pháp hay không.
Từ khi phán quyết vừa kể được đưa ra, chính phủ Mỹ đã kháng án lên một hội đồng gồm 3 vị thẩm phán tại Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 của Hoa Kỳ. Toà này ra phán quyết duy trì quyết định của toà cấp dưới do thẩm phán James Robart chủ trì, tức là đình chỉ việc thi hành sắc lệnh cấm nhập cảnh của ông Trump.
Tòa cấp cao có 25 vị thẩm phán, một trong các vị thẩm phán này tuần trước yêu cầu toàn thể các vị thẩm phán hoặc một ban gồm 11 thẩm phán mở phiên xử, nghe lại những lập luận về liệu có nên duy trì lệnh đình chỉ sắc lệnh tạm thời hay không. Hai bên trong vụ tranh tụng sẽ đệ nạp hồ sơ trước ngày thứ Năm 16/2 sắp tới.
Bộ Tư pháp Mỹ hôm thứ Hai đã yêu cầu Thẩm phán Robart đừng tiến xa hơn nữa, để thách thức tính hợp pháp của sắc lệnh của ông Trump cho tới khi Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9 đã đi đến quyết định, nhưng ông Robart bác bỏ đề nghị đó của Bộ Tư pháp.
Tiểu bang Washington, cùng với bang Minnesota đang dẫn đầu thách thức pháp lý này. Hai tiểu bang này lập luận rằng mở phiên toà để xét tính hợp hiến của sắc lệnh của ông Trump tại toà án cấp dưới sẽ không can thiệp với tiến trình kháng án và những gì đang xảy ra tại Tòa Phúc thẩm Khu vực Tư pháp số 9.
Chính phủ của Tổng thống Trump nói rằng họ đã hành động trong phạm vi quyền hạn của mình khi ra sắc lệnh di trú, đơn cử nhu cầu giữ gìn an ninh quốc gia. Chính phủ của Tổng thống Trump cũng bác bỏ những lời chỉ trích cho rằng lệnh cấm du hành của ông, áp dụng đối với các nước có đa số dân theo Hồi giáo, là lệnh cấm người Hồi giáo nhập cảnh Hoa Kỳ.
Trong chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông thoạt tiên để nghị hoàn toàn cấm cửa người Hồi giáo, nhưng sau đó thay đổi kể hoạch và chỉ nhắm vào các quốc gia có liên kết với khủng bố.
Thẩm phán toà án bang Virginia Leonie Brinkema đơn cử những bước hành động đó trong phán quyết của bà hôm thứ Hai, và áp đặt lệnh cấm đối với việc thi hành một phần sắc lệnh của Tổng thống. Lệnh cấm của toà án bang Virginia không áp dụng đối với chương trình tị nạn.
Hiến pháp Hoa Kỳ nghiêm cấm chính phủ thành lập một tôn giáo chính thức, hoặc có bất cứ hành động nào nhằm cổ vũ hoặc cấm đoán một tôn giáo. Sắc lệnh của Tổng thống Trump nêu rõ rằng những người tị nạn thuộc một thiểu số tôn giáo ở đất nước họ đang bị đàn áp, sẽ vẫn được nhận vào Mỹ.
Các lập luận của bang Virginia được dựa vào tác động của lệnh cấm nhập cảnh đối với các trường đại học và trường cao đẳng cộng đồng, nói rằng nhiều sinh viên đã rút đơn xin nhập học, các trường sẽ bị mất tiền học phí, và sinh viên bang Virginia đang theo học ở nước ngoài có thể trở thành mục tiêu của phong trào bài Mỹ.
Thẩm phán Brinkema đơn cử một giới chức đại học tiểu bang nói rằng lệnh cấm đã tác động đến việc du hành của ít nhất 350 sinh viên ghi danh theo học tại 5 trường học lớn nhất tiểu bang.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét