Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

Chân dung người nữ diễn viên - Nhật Tiến

Hình minh họa

Hồi nhỏ, khi còn cắp sách đi học ở lớp nhất trường Hàng Vôi, ngày nào tôi cũng có dịp đi qua nhiều khu phố tráng lệ ở Hà Nội. Tôi học lớp chiều và hay đi học sớm vì có thói quen la cà chỗ này, chỗ kia.<!>
Qua phố Hàng Trống, tôi hay đứng tại tòa báo Giang Sơn hay Liên Hiệp để đọc những tiểu thuyết in từng kỳ trên tờ báo ra trong ngày, được tòa soạn treo trước cửa ở khu cho người qua lại xem tự do. Qua phố Hàng Khay, tôi hay đứng lại ở khu chợ Hoa ven bờ hồ ngắm nhìn những bông hồng, bông cúc hay glaïeul phô những mầu sắc rực rỡ trên những nền lá xanh biếc. Nhưng điều mà tôi ghi nhớ sâu xa nhất vẫn là bức hình chân dung được trưng bầy tại một tiệm ảnh có tên là Dung Photo ở ngay trên Phố Bờ Hồ.

Tôi không phải là loại người say mê nghệ thuật chụp ảnh. Tôi cũng không quan tâm đến những bức hình chụp phong cảnh hay tĩnh vật trưng bầy ở hai bên tủ kính lồng trong những khung cảnh đẹp đẽ mỹ thuật.

Tôi chỉ chú ý, hay nói đúng hơn bị thu hút bởi mỗi một tấm chân dung chụp hình một thiếu nữ. Nàng là ai, tên là gì, tôi chẳng đủ số tuổi mơ mộng để quan tâm nhưng thực sự tôi đã bị lôi cuốn bởi đôi mắt đó, vầng trán đó, mái tóc đó và nụ cười đó. Người thiếu nữ trong hình còn rất trẻ, chỉ trạc khoảng mười lăm, hay mười sáu, cái số tuổi chưa làm cho đôi mắt trong veo kia vương vấn một nét buồn, cho nụ cười kia vẫn còn mang đầy vẻ hồn nhiên, vô tư và duyên dáng như những búp hồng mới nở ?

Hôm đầu tiên bức ảnh chân dung được bầy ra trong tủ kính, tôi đã chiêm ngưỡng một cách sững sờ. Rồi kể từ đó, không ngày nào đi qua mà tôi lại không đứng lại, nhìn, ngắm, ghi gói từng chân tóc, từng kẽ mày, từng những nốt đen lốm đốm trên giấy ảnh ở vành môi của nàng, ở khóe mắt của nàng, ở hàm răng trắng nuốt có một cái răng khểnh rất xinh, rất nghịch ngợm và đầy vẻ hồn nhiên, vô tư của nàng.

Thời gian si mê bức chân dung ấy kéo dài có đến trên bốn năm. Bốn năm trời trôi qua, bức ảnh ấy vẫn còn tồn tại ở đó, trong khung kính sáng lòa, ở vị trí chính giữa, thuận tiện cho khách qua lại bên đường ghé lại nhìn ngắm và hầu như chủ nhân của tiệm Dung Photo cũng đắc ý với tác phẩm của mình nên không chịu thay đổi đi mặc dầu những hình ảnh phong cảnh khác cứ vài tháng lại được thay đổi một lần.

Tôi thầm cám ơn ông ta lắm, vì như thế, tôi vẫn còn có dịp hàng ngày nhìn ngắm hình ảnh con người trong mộng của tôi. Rồi sau đó, tôi đã ngồi lên ghế nhà trường bậc trung học. Tôi đã đến số tuổi để mộng mơ. Và trong những phút giây lan man suy nghĩ về những cơn xao động mong manh trỗi dậy trong tâm hồn, tôi vẫn thấy thấp thoáng chân dung của nàng. Tôi đã đặt cho nàng cái tên giản dị nhưng đầy đủ ý nghĩa đối với tôi là “Dung Photo”, lấy ngay tên của tiệm ảnh đã sáng tạo ra bức chân dung của nàng.

Một năm trước ngày có hiệp định chia cắt, anh bạn cùng lớp với tôi bỗng một hôm nêu ra một phát giác hết sức động trời:

- Tớ biết địa chỉ ‘‘Dung Photo’’ của cậu rồi!

Tôi giật nẩy người lên như chưa bao giờ bị hứng chịu một cơn chấn động mạnh mẽ đến thế. Thấy mặt tôi hơi biến sắc, Hòa, người bạn của tôi vỗ vai cười:

- Bộ cậu yêu thật đấy à?

Tôi đỏ mặt lên, cố biện minh:

- Bậy nào! Người ta ít ra cũng hơn mình hai, ba tuổi. Mấy lại đã gặp nhau bao giờ mà yêu với đương.

Hòa thì thào tiết lộ:

- Năm nay cô ấy đúng mườỉ chín ! Sắp lên xe hoa về nhà chồng đấy! Cậu có muốn biết tên thật là gì không?

Tôi vội vã giơ tay cản lại, như muốn chối bỏ tất cả những điều gì do anh bạn đã tiết lộ.

- Khỏi cần! Khỏi cần! Với tôi bao giờ nàng cũng chỉ có một tên là “Dung Photo”.

Tôi nói mà thấy như giọng của mình nghẹn lại. Sự nghẹn ngào này không giấu nổi ánh mắt tinh tế của Hòa, cho nên anh ta biết ý xoay câu chuyện qua một đề tài khác. Tôi cho như vậy là hơn, vì thực sự ngay lúc đó, tôi không có đủ can đảm để nghe rõ hơn về những chi tiết quanh nàng. Còn có gì nữa đâu khi nàng sắp lên xe hoa về nhà chồng.

Một tuần lễ sau ngày tiết lộ của Hòa, tiệm Dung Photo cất bức ảnh chân dung đi, không trưng bầy ra nữa. Có thể nó đã được mua lại bởi người chồng chưa cưới của nàng. Mối tình si mê viển vông của tôi bị cắt đứt phũ phàng nhưng chính điều đó lại càng để lại trong lòng tôi những vết thương khó lành.

Cả khu phố Bờ Hồ như hoang sơ hẳn đi vì thiếu vắng bức chân dung của nàng. Tôi mất thói quen đạp xe nhàn tản trên đường phố lúc về chiều mà không lần nào lại không ghé qua Dung Photo để nhìn ngắm ánh mắt, nụ cười của người thiếu nữ ấy. Gọi là tôi thất tình thì không đúng vì tôi chưa bao giờ được gặp nàng, nhưng những phút nhớ nhung, xao động đã gậm nhấm, làm tôi đã thổ lộ tâm sự của mình trên hàng xấp nhật ký viết riêng cho mình đọc.

Tới tháng Bẩy năm 1954, trước khi giã từ Hà nội để vô Nam, tôi đến chào từ biệt Hòa tại nhà anh ta ở phố Đường Thành. Hòa tiếp tôi ở trên chiếc ghế xích đu đặt ở sân ngoài. Ngồi tại đó, tôi có thể nghe tiếng những âm thanh cười nói phát ra từ phòng khách phía trên, qua một khung cửa sổ mở rộng. Có giọng nói của đàn ông xen với tiếng trả lời ấm áp, rộn rã của thiếu nữ. Hòa chỉ tay về phía ấy và nháy mắt với tôi:

- Dung Photo đấy! Bà ấy sắp trở thành chị dâu của tôi.

A! Thêm một điều mới lạ nữa mà bây giờ tôi mới phát giác ra. Tôi đã từng biết Dung Photo sắp đi lấy chồng, nhưng tôi không thể ngờ được rằng nàng lại sắp lấy anh ruột người bạn cùng lớp của tôi. Chẳng phải Hòa giấu giếm gì nhưng một phần vì tôi không muốn hỏi tiếp tới sau câu chuyện bữa nọ đã xảy ra, phần khác, Hòa đã trông thấy phút nghẹn ngào của tôi qua ánh mắt, qua giọng trả lời đầy xúc động của tôi khi được tin Dung Photo sắp đi lấy chồng.

Nhưng bây giờ thì tôi không còn nhiều thời gian để quan tâm đến những chi tiết ấy nữa. Tôi sắp xa Hà nội. Tôi sắp dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới với một viễn ảnh nhiều khích động, nôn nóng và dĩ nhiên là hoàn toàn mới lạ đi với tuổi trẻ ham bay nhẩy như tôi. Cho nên, tôi vẫn giữ được vẻ thản nhiên khi được Hòa cho biết Dung Photo sắp trở thành chị dâu của anh ta. Tôi biết rõ tôi đang chuẩn bị để dời xa thành phố này. Trả lại đây cơn mơ mộng viển vông của thời thơ ấu. Trả lại phố phường những ngày đạp xe đi dưới bóng mát của những lùm cây đầy ắp âm thanh xao động buổi sáng sớm cũng như lúc xế chiều. Tôi sắp xa tất cả, kể cả người đẹp mà tôi đã từng ấp ủ bóng dáng của nàng qua bức hình ở tiệm Dung Photo với những đêm trằn trọc thao thức, với những trang nhật ký kéo dài liên miên, bất tận hết tập vở này đến tập vở khác.

Lúc tôi sắp sửa ra về thì Dung Photo cũng từ phía nhà trên đi ra cổng. Ngồi ở trên ghế xích đu, qua những cành ngọc lan ngả là là xuống sân sỏi nhỏ, tôi thấy nàng nhí nhảnh đi bên cạnh người chồng chưa cưới, anh Hùng, mà tôi đã có nhiều lần gặp gỡ nói chuyện bâng quơ.

Nàng có mái tóc đẹp hơn cả trong hình, bởi ở tấm hình, tôi chỉ được nhìn thấy phía đàng trước, và tấm hình đen trắng chẳng thể diễn tả được cái vẻ bồng bềnh như mây khói của cả một làn tóc mây dài có màu đen như mun, có dáng óng ả như một mối tơ thả xuống hai bờ vai thon gọn ghẽ trong chiếc áo dài đơn sơ mầu tím Huế của nàng. Lúc nàng quay lại nói với Hòa, tim tôi thắt lại vì hình ảnh lộng lẫy của nàng. Dung Photo quả là có sắc đẹp trên cả những hình ảnh mà tôi vẫn từng ấp ủ.

Dù là lần đầu tiên tôi gặp nàng, nhưng hầu như tôi có cảm giác gặp lại một người thân quen. Tôi đã chẳng có bốn năm dài đằng đẵng mỗi ngày chiêm ngưỡng nàng trong bức ảnh chân dung là gì. Nhưng nàng chẳng thể biết được tôi là ai lúc đó. Nàng nhìn tôi với cặp mắt hững hờ. Tia nhìn chẳng kéo dài quá một giây đồng hồ mong manh. Làm sao nàng có thể hiểu được trên cõi đời này lại có một kẻ đã dành cho nàng bao nhiêu tâm tư và thì giờ đến như thế.

Sau bữa đó, là gần ba mươi năm dài chia xa. Tôi không còn được nghe tin tức gì về Hòa, về anh Hùng cũng như về đám cưới của nàng sắp được cử hành. Cuộc sống mới của tôi ở miền Nam có những lôi cuốn mãnh liệt. Hà Nội lùi xa dần trong trí nhớ của tôi.

Những hình bóng cũ, những kỷ niệm cũ, những tâm tình mơ mộng cũ lâu ngày đã bị chìm khuất sau lớp bụi mỗi lúc một dầy thêm của thời gian, của những va chạm trong cuộc sống, của những biến cố mà con người phải trực diện từng ngày trong một đất nước có chiến tranh.

Mãi tới đầu năm 1978, khi gặp lại Hòa, từ miền Bắc vô Sài Gòn, mọi thứ cũ càng trong quá khứ mới có dịp trỗi dậy. Chúng tôi, sau những phút e dè khởi đầu, đã có thể hàn huyên với nhau đủ thứ chuyện, dĩ nhiên câu chuyện về đời sống của người đẹp năm xưa không thể không đề cập đến. Sau dây là lời kể lại của Hòa:

- Sau khi cậu đi Nam rồi, những ngày đầu của sự tiếp thu Hà nội là những ngày sôi động nhất. Tuổi trẻ thành phố ùa xuống đường cuồng nhiệt như thác lũ đầu mùa. Với tất cả thiện chí và nhiệt thành, cộng thêm cả yếu tố ham vui, ham hoạt động, họ đã đón nhận thể chế mới như một cơ hội làm lại xứ sở sau những năm tháng dài ngủ quên dưới chế độ thuộc địa của Pháp. Chín mươi chín phần trăm đều không biết Cộng sản là gì ngoại trừ một thiểu số thanh niên nhậy cảm như anh Hùng. Điều này đã trở thành một cái hố ngăn cách khởi đầu giữa anh Hùng và chị ‘‘Dung Photo’’. Chị ấy đẹp lại có khiếu văn nghệ, hát hay, đàn giỏi, nên tham gia đủ loại chương trình trình diễn. Trong khi ấy, anh Hùng khép kín mình lại để làm thơ, viết văn mà không bao giờ đăng báo cả. Đám cưới đã dự tính của hai người trên căn bản đó đã bị đình hoãn, rồi mâu thuẩn sâu sắc ngày một gia tăng đến độ phải hủy bỏ. Một thời gian sau, anh Hùng tham gia phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, đóng góp rất hăng hái cho tờ Nhân Văn rồi tờ Đất Mới của sinh viên, trong khi ấy chị Dung Photo đã có người yêu mới, một cán bộ Văn công cao cấp, có Đảng tịch và dĩ nhiên là già hơn chị ấy ít ra là mười lăm tuổi.

Trước ngày lên xe hoa về nhà chồng, chị ấy có gặp anh Hùng một lần cuối. Cố gắng cuối cùng của chị là mong cứu vãn tình thế nguy hiểm của anh Hùng trước khi quá trễ. Chị tiết lộ cho anh Hùng hay rằng Đảng Ủy đang chuẩn bị đánh lớn, đánh quyết liệt vào đầu não cũng như những dây mơ rễ má của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm. Ngoài lý do “không còn đường nào khác”, chị ấy còn cố lay chuyển tư tưởng của anh Hùng:

-Anh không thấy đất nước đã đổi mới rồi sao? Độc Lập là ước mơ của toàn thể mọi người. Bây giờ không còn là lúc để ngồi đặt vấn đề mà là thực sự bắt tay vào công cuộc xây dựng đất nước. Dĩ nhiên, một đất nước vừa trải qua cuộc kháng chiến trường kỳ thì ở lãnh vực nào không có sai sót. Chúng ta, nhân danh tuổi trẻ, sẽ nỗ lực sửa chữa những sai sót ấy. Tương lai, vận mệnh của quê hương này ở chúng ta. Thế thì còn có điều gì nữa mà anh ngần ngại?

Anh Hùng chỉ lẳng lặng ngồi nghe mà không phát biểu một lời nào. Thực sự lòng anh vô cùng chua xót khi nhìn thấy người yêu như một cánh chim hăm hở, muốn vụt cất cánh bay lên trời cao mà không biết, hay không muốn biết bầu trời đang vần vũ những cơn bão tố.

Dung Photo có lý tưởng của nàng. Ôi cái lý tưởng của tuổi trẻ bao giờ chẳng được vun đắp bằng những nhiệt tình sôi nổi nhiều hơn là những lý luận dài dòng.

Nửa năm sau đó, chị đi lấy chồng cùng lúc với biến cố anh Hùng bị bắt đem đi cải tạo tập trung.

Hôm công an ùa vào nhà khám xét, căn phòng của anh bị tìm bới tung tóe cả lên. Họ mang đi rất nhiều bản thảo, giấy tờ, và cả những tờ báo anh viết dầy đặc những lời ghi chú lên đó nữa.

Hòa kể đến đây thì chậm rãi rút ở túi ra một bức hình. Vừa thoáng nhìn, tôi đã la lên:

- Hình của Dung Photo. 

Hòa gật đầu:

- Đúng rồi! Bản chính, tấm lớn lồng kính mà ngày xưa cậu đã từng chiêm ngưỡng bốn năm liền thì anh Hùng đã trả lại cho chị ấy từ ngày hai người hết liên hệ với nhau. Duy còn có tấm được rửa ra cỡ nhỏ này thì anh ấy không hiểu vô tình hay cố ý giữ lại trong ô kéo, mãi đến lúc công an lục lọi nó mới rơi ra và tôi đã giữ lại sau khi anh ấy bị dẫn giải đi. Không bao giờ anh tôi còn có dịp nhìn lại bức hình này bởi anh ấy đã chết trong lao tù ở Việt Bắc.

Kể đến đó, khuôn mặt xanh xao của Hòa chợt như dắn đanh lại. Tôi thấy ánh mắt của anh gợn lên những tia sáng đục ngầu và long lanh như ngấn lệ. Tôn trọng giây phút cảm xúc chợt đến trong tâm tình của người bạn cũ, tôi lẳng lặng cầm bức hình lên ngắm nghía.

Cả một dĩ vãng xa vời tưởng đã chìm khuất trong lớp bụi chồng chất của thời gian này đột nhiên sống dậy một cách vô cùng mãnh liệt. Tôi như thấy lại tâm tình của tôi năm mười bẩy tuổi. Tôi như vừa đã đứng ở đó, ngày hôm qua, tay còn dắt chiếc xe đạp cũ mầu xanh, đứng say mê nhìn ngắm bức chân dung lộng lẫy bầy trong tủ kính của tiệm Dung Photo ở trên đường phố Bờ Hồ.

Vậy mà hơn một phần tư thế kỷ đã trôi qua. Thời gian thì khoảnh khắc mà tang thương, dâu bể đã chồng chất biết bao nhiêu là nỗi niềm.

Đêm hôm ấy, Hòa lưu lại nhà tôi để còn tiếp tục tâm sự. Tôi thấy rõ những khoảng cách biệt, ngỡ ngàng giữa tôi và Hòa cứ ngày một thu ngắn lại. Thì ra dù đã được tôi luyện, nhào nặn dưới chế độ Cộng sản đến bao nhiêu năm, hầu như mỗi con người miền Bắc đều còn ấp ủ một mối tâm tình riêng biệt, đào rất sâu, chôn rất chặt, và nó chỉ bung ra một cách hiếm hoi khi có dịp.

Tôi được nghe Hòa kể tiếp:

- Chị Hồng....ấy quên, “Dung Photo” của cậu chứ, sau này trở thành một diễn viên nổi tiếng ở miền Bắc. Chị ấy chuyên thủ những vai trò có tính chất khích động tuổi trẻ, làm sống dậy trong tâm hồn tuổi trẻ cái ý thức phục vụ xây dựng trên căn bản nuôi dưỡng sự căm thù. Tôi hiểu rằng chị chỉ là một hòn bột nằm trong tay nhào nặn của người chồng làm văn công ở cấp cao. Chính ông ta viết kịch, hoặc dịch kịch bản từ Trung Quốc hay Liên Xô, rồi cũng chính ông ta đạo diễn cho chị để đặc tả những xen, cảnh mà tình huống mâu thuẫn lên cao nhất, căng nhất.

Sự thành công tột bực của chị đã phủ một hào quang đến nỗi làm cho chính chị bị chóa mắt. Chị ấy có ảo tưởng như mình là một biểu tượng của tuổi trẻ tiến bộ trong một xã hội cũ kỹ đang chuyển mình tiến lên một vận hội mới. Chị ấy say sưa đả phá những động lực làm trì trệ con đường xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Trước còn ở trên sân khấu, sau lan ra cả đến cuộc đời thực tế mà nạn nhân bị chĩa mũi dùi đầu tiên chính là người chồng già nua, nhiều tuổi Đảng của chị.

Ông ta đâu có phải là ông thánh. Chẳng có ai là thánh trên cõi đời này kể cả mấy ông trùm nằm trong Trung Ương Đảng. Nói cho rõ hơn, nhiều anh cắc ké cũng muốn hủ hóa nhưng làm gì có điều kiện. Phần lớn đã biến thành những mẫu người gan lì, chịu đựng, nhưng trong thâm tâm vẫn ẩn náu một niềm mơ ước được bung ra như một vẩy sét nằm trong những thanh thép đã được trui rèn. Các ông cán bộ cấp cao thì đời sống hẳn phải khác hơn người. Họ được chế độ đặc biệt ưu đãi. Họ có cái thẩm quyền xét đoán, phê phán người khác mà ngược lại, không ai có quyền thắc mắc gì về những hành vi, về đời sống thực của họ cả.

Quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa chỉ là một cái bánh vẽ trang trí cho bộ mặt của chế độ, trong khi ấy, kẻ làm chủ đích thực lại nằm trong tay một giai cấp mới đã hình thành, giai cấp có đảng tịch nắm quyền chi phối tư tưởng của mọi người. Chồng của chị Hồng là một thành viên của giai cấp ấy.

Ông ta, khi xuất hiện trước đám đông trước các kẻ cộng tác liên hệ đến nhiệm vụ, thì đã mang một bộ mặt hết sức lý tưởng. Và nhân danh cái lý tưởng ấy, ông thôi thúc giới trẻ lăn xả vào đóng góp. Nhưng ngược lại, ở đời sống riêng tư, rõ ràng là ông ấy đang thụ hưởng ngay chính trên những thành quả do mọi người đem lại. Hơn ai hết, trong cương vị của một người sống ngay kề cận, Hồng đã nhận thức được cái thực tế bẽ bàng và chua xót này.

Một lần, trong bữa cơm, vừa bưng bát lên ông ta đã buông xuống và chê gạo hẩm không ăn. Hồng nói rằng trong hoàn cảnh mọi người còn đang thiếu thốn, không ai có quyền đòi hỏi hưởng thụ nhiều hơn. Ông ta đã chỉ vào mặt của Hồng, tác sác:

- Cô hãy lột cái vỏ diễn viên tuồng tích trên sân khấu ấy đi khi trở về sinh hoạt trong đời sống gia đình.

Hồng cảm thấy bị xúc phạm nặng nề sau câu nói trắng trợn ấy. Lần đầu tiên nàng thấy thấm thía sâu xa về vai trò con bù nhìn bị giật dây cho đóng trò của mình, trong khi ấy nàng vẫn tưởng mình đang ra sức phục vụ cho một lý tưởng tốt đẹp đáng tôn thờ.
Một lần khác, sau một mùa kịch thành công sôi nổi, Hồng đã nhận được rất nhiều thư từ của khán giả gửi về ngợi khen. Đặc biệt có một lá thư chỉ viết vỏn vẹn vài câu nhưng chứa đựng cả một sức nặng đủ khiến cho Hồng choáng váng. Lá thư được gởi từ một nữ công nhân trẻ:

- Chị trình diễn hay lắm. Tài năng của chị đã lôi cuốn cả một Thế hệ tuổi trẻ như tôi. Tôi tin chị đến độ lấy hình ảnh của chị làm mẫu mực, lấy lời nói của chị làm châm ngôn hành động. Và tôi đã lao đầu một cách mù quáng vào mọi công tác, mọi chiến dịch nhằm xây dựng xã hội, cái xã hội mà ở đó tôi đã bị bứng ra khỏi truyền thống gia đình, ra khỏi bàn tay thương yêu của cha mẹ. Rồi chị có biết số phận của những con thiêu thân như tôi hiện nay đang làm gì không? Thưa chị, tôi vừa đang là công nhân cho một hợp tác xã vừa phải đi làm một con điếm mới đủ nuôi thân!”

Hồng đã giấu lá thư không cho chồng biết, bởi nàng đã thấy rõ, cho đến lúc này, ông ta không còn là người có thể chia sẻ được với Hồng trong những cơn giông tố của tâm hồn bắt nguồn từ những nguyên nhân mà ông ta không thể nào cảm thông được.

Sau lần đó, Hồng thoát được ra khỏi cơn mơ chỉ sống trong hào quang của những nhân vật do chính nàng thủ diễn. Nàng khỏi sự quan tâm đến đời sống của mọi người chung quanh. Nàng hay lén đi lang thang trên những con đường quanh co, có khi là ở trong thành phố đông đúc chật hẹp, có khi là ở vùng ngoại ô với những mái nhà xiêu, vách nát. Nàng đã nhìn thấy những mảnh đời tối tăm, cực nhọc. Nàng đã thấy những khuôn mặt bạc nhược của những con người bị thiếu thốn đủ thứ nhưng lại bị những chiến dịch, tuyên truyền, những khẩu hiệu, những nghị quyết, những đợt học tập ngắn hạn, dài hạn thôi thúc tối đa. Những nhận thức mới này đã đánh một đòn nặng lên cân não của Hồng đến độ nó có ảnh hưởng mãnh liệt trên khả năng trình diễn của nàng.
Chồng nàng là người trước tiên nhìn ra cái nhược điểm đó. Ông ta mang đầy vẻ bồn chồn của một kẻ dồn hết vốn liếng vào việc nuôi dưỡng một con ngựa mà nay nó bắt đầu giở chứng không chịu dồn hết sức lực ra bốn vó trong mỗi cuộc đua. Điều này đã nhiều lần gây ra những xô xát, cãi cọ sau mỗi buổi trình diễn, trước thì còn ở nhà riêng, trong sinh hoạt gia đình riêng tư, sau nó bùng nổ ngay cả trên sân khấu.

Lần ấy là một buổi diễn tập cuối cùng trước khi vở kịch khai diễn trước quần chúng, có sự tham dự của nhiều cán bộ cao cấp của nhiều ban ngành thuộc bộ môn sân khấu. Vở kịch bị cắt ngang nhiều lần bởi những nhận xét của ông chồng đạo diễn:

- Chỗ này em chưa đặc tả hết phẩm chất của người nữ công nhân trong chế độ ta. Hãy nghĩ đến sự căm thù của một tầng lớp bị bóc lột tới tận xương tủy. Hãy dồn sự căm thù vào một câu nói. Câu nói ấy ngắn ngủi thôi nhưng nó là biểu tượng của một nhận thức đã chín mùi, đã tới bước nhẩy vọt, bùng vỡ....

Hồng nhẫn nại trong cơn mệt mỏi tận cùng của mình. Nàng nhắm mắt lại để tập trung ý chí và khêu gợi niềm hận thù. Nhưng vô ích! Như một sợi cao su đã bị căng ra nhiều lần, tới giây phút đó, sức đàn hồi chỉ còn là một cái gì nhão nhoẹt. Nàng thấy thấm thía về những nỗi xót xa, ê chề mà từ lâu nàng đã từng có cái cảm giác như nó đã hiện diện, gậm nhấm trong vùng sâu thẳm của tâm tư của mình. Nếu ngay phút này nàng được yên nghỉ, được nằm úp mặt vô trong tấm chăn để khóc vùi thì có lẽ nàng sẽ trấn át được cơn giao động đang làm cho óc nàng căng thẳng như muốn nổ tung ra.

Nhưng thực sự thì nàng đang đứng ở đây, trên bục gỗ sân khấu, dưới ánh sáng của những ngọn đèn chói lòa, trước cặp mắt soi mói của những diễn viên, những công nhân phục vụ sân khấu, những cán bộ văn hóa chỉ đạo và nhất là tiếng nói cứ mỗi lúc một gay gắt của chồng nàng vang dội bên tai:

- Tập trung....căm thù.....nhẩy vọt.....bùng vỡ!

Những âm thanh chát chúa ấy nhóm lên trong lòng nàng sức phản kháng cứ mỗi lúc một gia tăng. Nàng phẫn nộ nhìn xuống dưới sân khấu. Cái lũ ngồi bệ vệ, lom lom dòm ngó từng điệu bộ theo dõi từng cử chỉ, đôn đốc, phê bình, chỉ trích từng câu nói, từng cách lên giọng xuống giọng mà những bản mặt của họ, những bản mặt hưởng thụ, phè phỡn hoàn toàn mâu thuẫn với những điều họ bắt nàng làm, buộc nàng phải đặc tả, lại có thể đòi hỏi, yêu sách đối với những người như nàng ư! 

Nàng mơ ước một xã hội công bằng thật đấy, nàng khích động tuổi trẻ xây dựng một tương lai đầy xán lạn mới thật đấy, nhưng nhất định không phải là đi chung một mục đích, một con đường như lũ người đầy quyền hành và ham hưởng thụ này. Trong cuộc đờì, nếu có những giây phút đặc biệt nghiêm trọng, đặc biệt thiêng liêng, đặc biệt mầu nhiệm có thể làm cho con người như sực tỉnh một cơn mơ, đầu óc tràn ngập ánh sáng của sự minh triết để có thể vụt nhận thức thấu suốt được cả một chặng dài mê lộ mà mình vừa trải qua thì đúng giây phút đó đã vừa xẩy đến với nàng. Nó soi rọi cho nàng thấy hoàn cảnh của những con người lầm than cơ cực dưới xã hội mới. Nó chỉ rõ cho nàng thấy cái công trình ra sức đóng góp bằng tất cả tài năng và nhiệt tình của tuổi trẻ như nàng chỉ là những cố gắng vun đắp cho một đẳng cấp phong kiến mới. Giá trị của nàng do đó chỉ là một con bù nhìn bị giật dây cử động hay một hòn bột được nhào nặn tùy theo cung cách, ý muốn của những kẻ có quyền hành.

Thế là trong một giây phút bất ngờ nhất, nàng như có một động lực sâu thẳm, chất chứa, xúc tích từ bao nhiêu năm nay bật lên như sức bật của một cái lò so, khiến cho nàng có thừa đủ ý chí và sức mạnh để giật cái khăn quàng, (một y phục hóa trang của diễn viên) ra khỏi cổ và ném nó xuống đất. Rồi mắt nàng long lên với vẻ căm hờn nhìn chồng lúc đó đang đứng rất gần.

Phúc, tên chồng của nàng, thừa đủ bén nhậy để thấy sự bất thường đang xẩy đến trong tâm tư, tình cảm của vợ mình. Ông ta nhào lại phía Hồng nói to để lấp liếm, nhưng dụng ý là để che giấu hình ảnh chống đối của Hồng trước đám cán bộ ngồi ngay ở hàng ghế đầu quan sát buổi diễn tập:

- Em cố gắng nhiều quá nên kiệt sức rồi. Thôi! Tôi đề nghị các đồng chí tạm nghỉ giải lao. 

Vừa nói ông ta vừa dùng toàn lực để đẩy nàng về phía sau sân khấu. Hồng rợn lên vì cái cảm giác như bị xô bởi cái sức lực mang động cơ của sự hận thù. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, bởi cơn bất kham chợt đến của Hồng có thể gây đổ vỡ trên nhiều mặt, Đoàn kịch nghệ, kịch bản, những buổi trình diễn đã dự liệu và trên tất cả là chính địa vị cũng như uy tín của chồng nàng.

Ngần ấy yếu tố đã đủ để Phúc xô Hồng dưới sức nặng của hai cánh tay và với sự căm ghét tận cùng. Hồng hơn ai hết cảm nhận rõ điều đó. Bởi nhiều năm qua, Phúc chưa bao giờ phản ứng quyết liệt đến như thế, và cũng bởi vì chưa bao giờ Hồng đã giở chứng một cách bất kham ngay trên sân khấu của buổi tập.

Phúc xô Hồng về phía cửa phòng hóa trang của diễn viên. Ông ta đẩy mạnh nàng vô trong, rồi đóng thật mạnh cánh cửa lại. Với hai bàn tay đầy móng sắc, ông ta bấu chặt lấy hai bờ vai của Hồng, trì nặng xuống bằng cả sức nặng của thân hình và bằng tia nhìn đỏ ngầu vì cơn xúc động, giận dữ. Rồi ông ta rít lên qua những kẽ răng nghiến chặt:

- Cô làm cái gì thế? Muốn phá hoại hả?

Hồng không đáp mà chỉ cố vùng vẫy. Hơn bao giờ hết, nàng thấy thực tế đang xẩy ra ứng đúng vào cuộc sống của một nữ diễn viên như nàng. Nghĩa là nàng đã bị bủa vây bởi hàng rào của bạo lực. Bạo lực không phải chỉ ở hôm nay, phút này mới có nhưng nó đã hiện diện từ lâu dưới hình thức bàn tay sắt được bọc nhung. Bao lâu nay nàng cảm thấy làn nhung êm ái, mềm mại là bởi vì nàng chỉ đã tuân phục một cách tuyệt đối. Tình thế đổi khác khi nàng nổi chứng bất kham. Và sự phản ứng của chế độ, mà đại diện gần gũi là chồng nàng cũng đổi khác một cách nhậm lẹ, phũ phàng. 

Nghĩ đến những đòn thù mà chế độ trước đây đã đưa ra với biết bao nhiêu con người, Hồng thực sự hoảng sợ. Cơn hoảng sợ ùa đến nhanh chóng không kém, nó gây cho nàng cảm giác buốt nhói ở sống lưng. Nhưng chỉ ít giây sau nó cũng bị nàng nhận chìm xuống bằng những hình ảnh của xã hội lầm than cơ cực bên ngoài, bằng lá thư của người nữ khán giả vừa làm công nhân vừa làm điếm mới đủ nuôi thân.

Những thứ đó không phải hôm nay, bây giờ mới có, mà thực sự nó đã âm thầm hiện diện trong tâm tưởng của nàng, giống như những cơn xoáy nước có sức âm thầm bền bỉ có thể làm sụp đổ cả một cây cầu.

Nàng vẫn thường tự nhủ rằng mình cố gắng đến tối đa trong mọi nhiệm vụ hàng ngày đâu phải để chỉ phục vụ cho một tầng lớp giai cấp mới đã thành hình và đang cấu kết với nhau một cách bền chặt. Nhưng rồi càng ngày thực tế càng cho thấy rõ ràng tuổi trẻ và lòng nhiệt thành đã bị lợi dụng một cách triệt để và tinh vi. Hồng không muốn tiếp tục để bị khai thác như những con bù nhìn chỉ biết cử động khi bị giật dây.

Nàng gằn giọng nói với Phúc:

- Anh buông tôi ra! Đối với tôi, từ nay là chấm dứt.

- Chấm dứt cái gì?

- Mọi nhân vật kịch cỡm và những ý đồ gian xảo của anh xây dựng trên những nhân vật ấy.

- Cô mất cảnh giác và sai lập trường một cách nghiêm trọng rồi.

- Thì đã sao!

- Cô không lường được hết mọi hậu quả về thái độ điên rồ của cô đâu !

Hồng vụt nổi giận. Nàng có cảm giác kinh tởm bộ mặt của Phúc đến cùng cực. Nàng hét to lên mà hẳn tất cả mọi người ở bên ngoài cũng đều nghe thấy:

- Anh đừng có dọa dẫm tôi. Tôi chấp nhận hết. Thà hậu quả xẩy ra thế nào thì cũng còn hơn là tôi tiếp tục con đường trình diễn nhớp nhúa này. Anh cút đi! Anh cút đi!

Phúc xô nàng ngã xuống nền gạch và đi ra như một con hổ dữ ! Ông ta đóng sầm cánh cửa phòng lại, mạnh đến nỗi mấy tấm gương treo trên tường bị xao động mạnh, và có một tấm bị rớt xuống sàn gieo lên tiếng vỡ loảng xoảng.

Mọi người đổ xô vào phòng, nhưng không ai lại gần Hồng cả. Họ thực sự e ngại trước vẻ mặt đầy tính chất khác thường của Hồng. Lúc nàng bước ra, cả bọn giạt ra cả hai bên. Hồng không nhìn ai nhưng có cảm giác như cả trăm con mắt đang dồn về phía mình. Khi bước qua dẫy ghế đầu, nàng nghe thấy giọng của Phúc cố gắng phân trần:

- Tôi xin lỗi các đồng chí! Dù cô ấy là ai, tôi cũng sẽ có biện pháp thích đáng.

Đột nhiên Hồng lấy lại được sự bình tĩnh đến độ chính nàng cũng không hiểu được sức mạnh nào đã đem lại cho nàng cái phẩm chất ấy. Có thể là sự khinh bỉ ! Có thể là cơn phẫn nộ, sự oán ghét, lòng căm thù, những tình cảm nàng đã được nuôi dưỡng, dạy dỗ nhưng không phải để trút lên đầu những con người ưu tú như những người nữ công nhân, như Hùng, như những ngòi bút trong phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, mà chính là dành cho những cán bộ văn công cấp cao như lũ người trước đây vẫn còn có quyền phán xét và được nàng để cho phán xét.

Hồng quay lại đám người lố nhố để mỉm một nụ cười ngạo nghễ. Nàng không biết Phúc sẽ áp dụng những biện pháp thích nghi nào, nhưng điều đó có gì đáng quan tâm khi nàng đã tự giải phóng chính mình.

Đã từ lâu lắm, hôm nay nàng mới nhớ lại hình bóng của anh Hùng với tràn ngập nỗi xót xa như bị sát muối ở trong lòng.


***


Sau bữa đó, Hồng đã không trở về nhà mà đạp xe về tạm trú ở nhà mẹ của nàng ở mãi khu cư xá tập thể Giảng Võ. Những gì đã xẩy đến cho nàng, chính Hòa cũng không được biết. Hòa chỉ đã kể thêm:

- Lần cuối cùng tôi gặp lại chị Hồng là lần tôi đi công tác trên vùng những đồi trà ở Phú Thọ cách đây vừa đúng năm năm. Chị ấy đã lập gia đình với một bộ đội phục viên đã cụt một chân trong mặt trận chống Pháp ở Điện Biên Phủ. Hai người có vẻ hòa hợp với nhau. Anh ấy thản nhiên ngồi nghe chị kể lại cho tôi nghe tất cả những chi tiết mà tôi vừa thuật lại. Sau cùng, anh ấy chỉ nói thêm:

- Tôi bị loại ra khỏi vòng chiến từ sau năm 1954.Tôi không can dự gì vào với thời cuộc ngoài công tác phục vụ sản xuất những sọt trà. Thiên nhiên đem lại cho chúng tôi đôi chút hơi hướng của sự tự do, và điều này khiến cho chúng tôi bớt ngộp thở. Chú nghĩ mà coi, ở cái xã hội này, sân khấu đã lan ra cả đời sống. Còn có ai trong cái xã hội này mà không là một diễn viên đang thủ lấy vai trò của mình.


Nhật Tiến
Tháng 4,1985
khaiphong.net

Không có nhận xét nào: