Tối thứ Tư 1/2/2017 bạo động đã xảy tại Đại học Berkeley. Sự kiện này đã được truyền thông mau chóng đưa tin trên toàn nước Mỹ.
<!>
Hơn nửa thế kỷ trước phong trào tự do phát biểu chính kiến đã ra đời từ sân trường này, nay xảy ra bạo động vì một diễn giả được mời đến nói chuyện là người có quan điểm khác với nhiều giáo sư và sinh viên của trường. Sproul Plaza thường xuyên có biểu tình từ hơn nửa thế kỷ qua, nhưng đốt phá để phản đối là điều đi ngược lại truyền thống sinh hoạt của sinh viên Berkeley.
Ai đã gây ra bạo động vào tối hôm Milo Yiannopoulos dự định diễn thuyết tại đây?
Milo Yiannopoulos là biên tập viên của trang báo mạng cực kỳ bảo thủ Breitbart. Một trong những người sáng lập và từng điều hành báo này là Steve Bannon, hiện là một nhà chiến lược cao cấp của Tổng thống Donald Trump. Ông Bannon được cho là tác giả của sắc luật về tị nạn và di dân vừa được Tổng thống Donald Trump ban hành và đã gây ra những cuộc xuống đường phản đối.
Ông Milo năm nay 32 tuổi, là một người đồng tính, gọi Trump là papa, coi sắc dân da trắng là siêu việt và đã có những lời phát biểu mang tính thù ghét phụ nữ hay gây sợ hãi cho nhiều nhóm dân. Đứng ra mời diễn giả là nhóm sinh viên Cộng hòa trong trường (Berkeley College Republicans).
Hơn 100 giáo sư đã gửi thư cho Hiệu trưởng Nicholas Dirks yêu cầu hủy bỏ buổi nói chuyện. Hiệu trưởng không đồng ý vì cho rằng dù diễn giả có quan điểm hay những phát biểu không phù hợp với quan điểm của nhiều giáo sư, sinh viên thì trước hết quyền tự do phát biểu của diễn giả được bảo vệ bởi Hiến pháp và luật pháp.
Trong thư đề ngày 26/1/2017 gửi đến nhân viên và sinh viên trường, Hiệu trưởng Dirks nói việc không hủy hỏ buổi nói chuyện là thể hiện những truyền thống của trường là khoan dung, bao gồm mọi người, đa dạng và đó chính là nền móng căn bản của đại học này, cũng như các trường khác, là nơi rộng mở cho nghiên cứu và học hỏi.
Sự kiện một đại học đã có những quyết định mời, rồi lại rút lại lời mời hay huỷ bỏ diễn thuyết đã xảy ra ở nhiều đại học trong những năm gần đây và đưa đến những tranh luận.
Năm 2014 một ủy ban của sinh viên lo việc mời diễn giả cho lễ ra trường tại Đại học Berkeley đã đề nghị danh hài Bill Maher. Sau đó có thông tin danh hài này từng phát biểu miệt thị đạo Hồi nên bị phản đối và sinh viên đòi rút lại lời mời. Ủy ban của sinh viên đồng ý, nhưng Hiệu trưởng Dirks không đồng ý và Bill Maher đã có mặt và đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp tháng 12/2014.
Lần này, dù có phản đối của một số giáo sư và sinh viên, hiệu trưởng Đại học Berkeley cũng đã không hủy buổi diễn thuyết của Milo Yiannopoulos.
Chương trình dự định diễn ra lúc 8 giờ tối ngày 1/2/2017 tại phòng hội trong MLK Student Union Building với sức chứa 500 người. Khi thông tin được đưa ra, các vé tham dự đã được bán hết trong một thời gian rất ngắn.
Hơn 5 giờ chiều đã có sinh viên và người ngoài kéo đến biểu tình. Khi tôi đến nơi thấy hai máy bay trực thăng của các đài truyền hình lượn vòng trên không để ghi hình.
Chung quanh tòa nhà MLK có rào chắn hai lớp bằng sắt. Cảnh sát được bố trí trên lan can tầng hai và trong hành lang.
Hình ảnh này không xa lạ với sinh viên Berkeley vì mỗi khi có diễn giả nổi tiếng hay một nhân vật gây tranh cãi đến trường nói chuyện, an ninh được tăng cường để bảo đảm quyền tham dự cũng nhưng quyền biểu tình phản đối.
Năm ngoái, khi cựu Tổng thống Bill Clinton và ái nữ Chelsea đến nói chuyện, an ninh cũng chặt chẽ như hôm 1/2 vì có biểu tình phản đối.
Khi cuộc biểu tình chính thức bắt đầu, phát biểu trước đám đông là Yvette Felarca, một nhà hoạt động cực tả, cựu sinh viên Berkeley và hiện là giáo viên cấp hai. Bà thường có mặt trong sân trường này và trong nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ ở miền Bắc California từ Berkeley, Oakland đến San Francisco, Sacramento. Những năm trước tôi cũng đã thấy bà cầm loa phát biểu khi sinh viên xuống đường chống tăng học phí hay trong các cuộc biểu tình của nhóm 99% và Occupy Wall Street. Ngày Tổng thống Donald Trump nhậm chức, có biểu tình vào buổi trưa cũng thấy bà đứng giăng biểu ngữ. Bà luôn luôn phản đối các chính sách của Mỹ, dù lãnh đạo Hoa Kỳ là đảng Dân chủ hay Cộng hòa.
Bà hoạt động trong nhóm By Any Means Necessary - Bằng bất cứ phương tiện nào cần thiết. Tờ rơi của nhóm kêu gọi “Shut Down Milo Yiannopoulos – No white supremacist neo-Fascist at UCB!” (Bịt miệng Milo Yiannopoulos – Không cho da trắng ưu việt tân phát xít đến Đại học Berkeley!)
Giọng bà oang oang và rất cương quyết, tố cáo Milo, Tổng thống Trump là những người kỳ thị mọi giới, mọi thành phần xã hội. Bà nói phải làm mọi cách để cho buổi nói chuyện không thể diễn ra, như ở Đại học U.C. Davis hay sinh viên dưới miền nam California đã làm.
Đến gần 6 giờ đoàn biểu tình lên đến cả nghìn, theo lời hướng dẫn của bà Yvette kéo sang phía cổng bên hông, có cửa vào hội trường.
Tại đây một người đàn ông cầm loa hô to và đoàn biểu tình hô theo những khẩu hiệu tố cáo diễn giả Milo Yiannopoulos nặng đầu óc kỳ thị, cùng những khẩu hiệu cho biết nơi đây luôn giang tay chào đón người tị nạn và di dân.
Có một em bé trai người da đen, khoảng 10 tuổi, được giới thiệu là đến từ San Francisco cũng được mời lên phát biểu.
Đứng trên bờ của hồ phun nước, nhìn xuống tôi thấy cô phóng viên gốc Á của đài CNN đang nói chuyện với vài người biểu tình.
Khi có những người đi vào phòng hội, đoàn biểu tình la lớn phản đối. Hình ảnh và âm thanh giống như những cuộc biểu tình của người Việt mà tôi cũng đã chứng kiến khi có phái đoàn nhà nước cộng sản Hà Nội qua Mỹ hay nghệ sĩ từ Việt Nam qua biểu diễn trong vùng Vịnh San Francisco.
Trời tối. Dàn đèn pha chiếu sáng vào người biểu tình. Cảnh sát đã dựng hai dàn đèn để dễ quan sát đám đông, phòng ngừa có kẻ phá hoại hay gây bạo động.
Đủ các loại khẩu hiệu được giương cao. Những tiếng chửi tục cũng có. Có người cầm cờ đỏ in hình Ché. Có người đem theo cả một con chim bồ câu to làm bằng vải trắng.
Bỗng dưng có pháo hoa bắn lên trời. Một nhóm người mặc đồ đen, mũ che đầu, bịt mặt chỉ chừa đôi mắt, kéo vào sân trường từ phía đường Bancroft. Họ sấn tới kéo tung hàng rào sắt, đẩy nó về phía người biểu tình.
Rồi có pháo hoa bắn vào toà nhà, bắn lên phía cảnh sát trên tầng hai. Vài trái khói được tung ra. Vài người trong áo đen, bịt mặt giật đổ cột đèn pha ngay góc tòa nhà, dùng sơn xịt viết “Milo” là tên diễn giả lên đó. Lúc sau họ phóng hỏa đốt dàn đèn bằng bom xăng.
Lo cho an toàn bản thân, tôi di chuyển lên bậc thềm gần cửa vào Sproul Hall. Chỉ ít giây sau, từ trên lan can tầng hai, cảnh sát dùng loa loan báo buổi nói chuyện đã bị hủy bỏ. Người biểu tình reo hò. Nhưng nhiều người nói đừng vội tin hãy ở lại tiếp tục biểu tình.
Những người mặc đồ đen tiếp tục bắn pháo hoa về phía toà nhà. Bên trong có cả tiểu đội cảnh sát đứng canh chừng, với ba-ton, mũ chắn sẵn sàng. Hai lần tôi nghe có tiếng nổ rất lớn. Khi có người tiến đến tòa nhà, dùng cây sắt, rào sắt đập phá cửa kính, cảnh sát vẫn án binh bất động.
Tôi lui ra phía gần đường Bancroft, nơi một dàn đèn vẫn còn chiếu sáng. Thấy một thiếu nữ tóc vàng, đầu đội mũ đỏ như mũ vận động bầu cử của Donald Trump, trên đó ghi hàng chữ hơi khác: “Make Bitcoin Great Again”. Cô đang nói chuyện với vài người chung quanh thì bị một người đàn ông xịt chất gì mầu trắng vào mặt rồi bỏ chạy. Mọi người hoảng loạn trong giây lát. May cho cô gái không bị thương.
Nhìn quanh thấy mấy người đang cầm những biển chữ. Gây chú ý cho tôi là một hàng chữ chê chế độ tư bản kỳ thị và cho rằng cộng sản tranh đấu cho bình quyền.
Trong nhiều cuộc biểu tình ở Đại học Berkeley cũng như trong vùng Vịnh San Francisco thường có mặt những người cỗ vũ cho phong trào cách mạng cộng sản. Có lẽ họ không hiểu cộng sản và chưa hề sống một ngày dưới chế độ này, dù là cộng sản Đông Âu ngày trước, hay cộng sản Trung Quốc, Việt Nam hiện nay. Nhưng đây là đất nước tự do, mọi người có quyền nói lên điều mình nghĩ.
Tôi rời sân trường sau khi nghe cảnh sát yêu cầu giải tán nhiều lần. Trong khi đám đông vẫn còn tụ tập và chưa có dấu hiệu gì đoàn biểu tình sẽ tuân lệnh.
Trên đường về, tôi thấy hàng loạt xe cảnh sát chớp đèn chạy trên đường Shattuck về phía trạm xe điện downtown Berkeley.
Đài đưa tin có người đã bị đánh đổ máu ngay trong sân trường và đám người mặc áo đen đang kéo xuống phố đập phá máy ATM, quán cà phê Starbucks.
Đây là nhóm người trong những năm qua tôi đã thấy họ lợi dụng các cuộc biểu tình của các phong trào 99% và Occupy Wall Street để đập phá cơ sở thương mại dưới downtown Oakland và tràn ra xa lộ làm tắc nghẽn lưu thông.
Cuộc biểu tình tối nay lúc đầu ồn ào và náo động, nhưng diễn ra trong ôn hòa. Cho đến khi một nhóm người từ ngoài kéo vào gây bạo động, đốt phá khiến buổi diễn thuyết bị hủy bỏ vào giờ chót.
Dù những kẻ đốt phá không phải là thành phần sinh viên, nhưng cảnh sát đã để cho bạo động xảy ra, tạo một vết đen lên truyền thống sinh hoạt của Đại học Berkeley.
Sáng hôm sau thức dậy, nghe tin Tổng thống Donald Trump tuýt (tweet) về vụ bạo động tối qua: “Nếu Đại học Berkeley không cho phép tự do biểu đạt và còn áp dụng bạo lực đối với những người không hại ai và có quan điểm khác biệt. KHÔNG CẤP QUỸ LIÊN BANG?” (If U.C. Berkeley does not allow free speech and practices violence on innocent people with a different point of view. NO FEDERAL FUNDS?).
Đọc tweet của tổng thống mà tôi phải phì cười. Những người gây ra bạo lực tối hôm 1/2 đâu phải là sinh viên của trường. Không biết tổng thống căn cứ vào đâu mà cho rằng nhà trường ngăn cản tự do phát biểu và trong thực tế, tổng thống không thể cắt ngân quỹ giáo dục liên bang dành cho các đại học.
Tôi muốn mời Tổng thống Trump ghé qua Sproul Plaza vào buổi trưa để thấy sinh hoạt sinh viên. Sinh viên Cộng hòa bên cạnh sinh viên Dân chủ. Sinh viên Palestine bên cạnh sinh viên Do Thái. Sinh viên Hồi giáo, công giáo hay đồng tính đều có mặt. Sinh viên gốc Việt, gốc Hoa, gốc Iran, gốc Iraq, gốc Nhật, gốc Triều Tiên đều có tiếng nói. Sinh viên muốn truyền bá chủ nghĩa xã hội hay cách mạng cộng sản cũng không ai cấm. Hoạt động sinh viên ở đây đôi khi ồn ào tranh cãi mà không bạo động.
Tổng thống Donald Trump thăm Đại học Berkeley! Có lẽ chỉ là ước mơ. Năm 1962 Tổng thống John F. Kennedy đã đến thăm trường trong ngày Charter Day. Từ đó đến nay, đã 65 năm qua, chưa một lãnh đạo đương nhiệm nào của Hoa Kỳ đến đây.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét