Tổng thống Mỹ dọa ngừng giao vũ khí cho Tel-Aviv nếu Israel tấn công vào RafahTrong bối cảnh quân đội Israel không ngừng bắn phá dải Gaza, chính quyền Hoa Kỳ hôm qua, 08/05/2024, lần đầu tiên đe dọa ngừng chuyển giao vũ khí cho Israel trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công quy mô lớn ở thị trấn Rafah, gần biên giới Ai Cập. Một khu nhà dân tại Rafah, nam dải Gaza, bị quân đội Israel oanh kích ngày 09/05/2024. REUTERS - Hatem Khaled - Phan Minh Trong một cuộc phỏng vấn được phát hôm qua trên kênh truyền hình Mỹ CNN, được AFP trích dẫn, tổng thống Joe Biden thừa nhận “thường dân đã thiệt mạng ở Gaza vì bom Mỹ”, đồng thời đặt ra các điều kiện về viện trợ quân sự cho Israel.
<!>
Ông Biden tuyên bố : “Nếu họ (Israel) tiến vào Rafah, tôi sẽ ngừng giao cho họ những loại vũ khí mà Israel luôn sử dụng để tấn công các thành phố.”
Tuyên bố của chủ nhân Nhà Trắng được đưa ra trong bối cảnh thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang đe dọa tiến hành một cuộc tấn công trên bộ vào Rafah, nơi mà theo Nhà nước Do Thái, các tiểu đoàn cuối cùng của phong trào Hồi Giáo Palestine Hamas đang ẩn náu, nhưng cũng là nơi có đến 1,4 triệu dân Palestine đang sinh sống, phần lớn là những người đã tản cư do chiến tranh. Liên Hiệp Quốc lo ngại việc Israel tấn công vào Rafah có thể sẽ ra gây ra một cuộc “tắm máu”.
Phản ứng về phát biểu của tổng thống Biden, đại sứ Israel tại Liên Hiệp Quốc Guilad Erdan hôm qua tuyên bố trên đài phát thanh Israel rằng lời đe dọa này “khó nghe và rất đáng thất vọng”. Ông Erdan nhấn mạnh “bất kỳ hạn chế nào áp đặt với Israel, kể cả từ các đồng minh thân cận, đều bị kẻ thù chú ý theo dõi và mang lại cho chúng hy vọng”. Vị đại sứ này khẳng định “suy cho cùng, Nhà nước Do Thái sẽ làm những gì cần thiết vì sự an toàn của mình”.
Dùng thu nhập từ tài sản Nga để hỗ trợ Ukraina :Liên Âu đạt "thỏa thuận về nguyên tắc"
Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu (EU) hôm qua, 08/05/2024, đã đạt được một “thỏa thuận về nguyên tắc” trong việc sử dụng thu nhập từ những tài sản của Nga bị phong tỏa trong khối nhằm hỗ trợ quân sự cho Ukraina.
Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo (T) và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel trong một sự kiện tại trụ sở Liên Hiệp Châu Âu, Bruxelles, Bỉ, ngày 18/04/2024. AFP - LUDOVIC MARIN
Phan Minh
Từ Bruxelles, thông tín viên Jean-Jacques Héry tường thuật :
Liên Âu không trực tiếp động đến số tiền 210 tỷ euro tài sản Nga bị phong tỏa do các lệnh trừng phạt của châu Âu, bởi điều này không đơn giản về mặt pháp luật, nhưng khối 27 nước sẽ sử dụng tiễn lãi từ số tiền khổng lồ này.
Theo kế hoạch do Ủy ban Châu Âu đề xuất vào tháng 3 vừa qua, biện pháp này sẽ mang lại từ 2,5 đến 3 tỷ euro mỗi năm, và số tiền này sau đó được cấp cho Kiev, thông qua các cơ chế tài chính khác nhau : 90% số tiền này sẽ được sử dụng để hỗ trợ quân sự và mua vũ khí cho Kiev, 10% còn lại sẽ dành cho việc tái thiết và phục hồi kinh tế Ukraina.
Cho đến nay, chỉ có Bỉ, quốc gia nắm giữ phần lớn tài sản bị phong tỏa của Nga, sử dụng tiền lãi do tài sản mang lại. Chỉ riêng tổ chức quản lý tiền ký gửi quốc tế Euroclear, có trụ sở tại Bruxelles, nắm giữ từ 150 đến 200 tỷ euro tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga. Tài sản của Matxcơva bị phong tỏa ở Bỉ mang lại rất nhiều tiền. Bruxelles đánh thuế trên thu nhập từ số tiền này trong khuôn khổ thuế doanh nghiệp. Chính vì thế, thủ tướng Bỉ Alexander de Croo đã có thể hứa cấp 1,7 tỷ euro cho Kiev vào tháng 10 năm ngoái.
Kể từ bây giờ, biện pháp do Bỉ thực hiện sẽ được áp dụng với toàn Liên Âu ở tất cả các quốc gia thành viên đang nắm giữ tài sản của Nga. Thỏa thuận sẽ phải được 27 quốc gia thành viên chính thức thông qua. Biện pháp này sẽ tạo ra một công cụ hợp pháp mới để tài trợ cho Ukraina trong dài hạn, với gói viện trợ đầu tiên có thể được cấp ngay từ tháng 7 tới.
Trung Quốc sẽ điều tầu chiến đến Cam Bốt, khiến Mỹ thêm quan ngại
Hai tầu chiến Trung Quốc sẽ đến Cam Bốt và Đông Timor trong khoảng nửa đầu tháng 5 đến giữa tháng 6 tới, theo thông báo của bộ Quốc Phòng Trung Quốc hôm nay, 09/05/2024. Hoạt động này sẽ khiến Hoa Kỳ thêm quan ngại về sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở căn cứ hải quân miền nam Cam Bốt.
insisted Wednesda
Ảnh vệ tinh do Planet Labs PBC chụp cho thấy hai tàu hộ tống Trung Quốc neo đậu căn cứ Hải quân Ream của Cam Bốt trong Vịnh Thái Lan, ngày 08/05/2024. AP
Thu Hằng
Theo kế hoạch, tàu huấn luyện hải quân Thích Kế Quang (Qijiguang) và tàu đổ bộ Tỉnh Cương Sơn (Jinggangshan) sẽ tham gia huấn luyện với học viên hải quân tại hai nước Cam Bốt và Đông Timor để "tăng cường sự tin cậy lẫn nhau".
Tàu Tỉnh Cương Sơn có khả năng chứa nhiều tàu đổ bộ loại nhỏ, máy bay trực thăng, xe bọc thép và khoảng 1.000 quân nhân. Tàu Thích Kế Quang là tầu huấn luyện quân sự có công nghệ tiên tiến nhất của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong thông cáo hôm nay, bộ Quốc Phòng Trung Quốc không nêu rõ địa điểm neo đậu của hai tầu.
Theo Reuters, chuyến thăm của hai tàu nói trên có thể sẽ khiến Hoa Kỳ thêm lo ngại về sự hiện diện của Trung Quốc ở quân cảng Ream, được Trung Quốc tài trợ mở rộng vào tháng 06/2022. Hai chiến hạm khác, có thể là tàu hộ tống hoặc tàu khu trục của Trung Quốc, đã neo đậu tại căn cứ Ream từ tháng 12/2023. Ngày 08/05, bộ Quốc Phòng Cam Bốt trấn an là sự hiện diện của hai tàu này không đồng nghĩa với việc quân đội Trung Quốc triển khai thường trực ở Cam Bốt.
Căn cứ Ream từng là khu vực huấn luyện hải quân chung giữa Mỹ và Cam Bốt. Tuy nhiên, tháng 10/2020, chính phủ Phnom Penh cho phá dỡ cơ sở được Hoa Kỳ xây trước đó ở Ream. Washington lo rằng căn cứ Ream ở tỉnh Sihanoukville, có vị trí chiến lược bên bờ vịnh Thái Lan, trở thành tiền đồn của Trung Quốc tại khu vực nam Biển Đông, nơi Bắc Kinh đòi chủ quyền đến 80%.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Hungary :Trọng tâm là kinh tế và Ukraina
Trong chặng cuối của chuyến công du châu Âu, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đến Budapest tối hôm qua, 08/05/2024. Ông và phu nhân Bành Lệ Viên được tổng thống Hungary Tamas Sulyok tiếp đón với nghi thức cao quý nhất tại phủ tổng thống vào sáng nay, 09/05.
Thủ tướng Hungary Viktor Orban tiếp đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Sân bay Quốc tế Ferenc Liszt, Budapest, Hungary, ngày 08/05/2024. via REUTERS - PM Office/Vivien Cher Benko
Hoàng Nguyễn
Hungary đánh giá chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc mang ý nghĩa « lịch sử ». Còn ông Tập Cận Bình so sánh quan hệ Trung Quốc - Hungary là « quá trình vàng son » trong một diễn đàn được đăng trên nhật báo Magyar Nemzet có lập trường ủng hộ chính phủ.
Từ Budapest, thông tín viên Hoàng Nguyễn tường trình:
Chuyến công du Hungary của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từ 8/5 đến 10/5/2024 mang tính chất lịch sử và là cột mốc quan trọng trong mối quan hệ hai nước, góp phần củng cố sự lớn mạnh của Hungary, phát triển mối quan hệ kinh tế, thương mại và có thể đặt hy vọng vào sự thành công của các nỗ lực hòa bình, theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Hungary. An ninh tại thủ đô Budapest được thắt chặt ở mức hiếm thấy trong ba ngày này.
Ông Tập Cận Bình thăm Hungary theo lời mời của tổng thống Sulyok Tamás và thủ tướng Orbán Viktor. Sau 20 năm mới có một vị nguyên thủ quốc gia Trung Quốc công du Hungary. Theo phía Trung Quốc, những năm gần đây, Trung Quốc và Hungary đã hình thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện và có thể phát triển sự hợp tác này trên các lĩnh vực ngày càng được mở rộng, trên cơ sở cùng tôn trọng con đường phát triển của nhau.
Được biết một trong những chủ đề chính của các cuộc đàm phán là phát triển hơn nữa hợp tác kinh tế, sau khi đầu tư đến từ Trung Quốc đạt mức cao nhất trong các năm 2020 và 2023. Tuy nhiên, đôi bên giữ kín tên các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Trung Quốc sẽ tham gia đầu tư vào Hungary trong thời gian tới, chỉ biết rằng chắc chắn sẽ có 16 thỏa thuận được ký kết và 2 thỏa thuận khác đang trong quá trình bàn bạc, thống nhất.
Theo dự đoán của báo chí, đôi bên có thể sẽ tuyên bố việc phía Trung Quốc xây dựng một nhà máy xe hơi điện ở thành phố Pécs (phía Nam Hungary) và tuyến đường sắt nối liền Phi trường Quốc tế Budapest Liszt Ferenc với trung tâm thủ đô. Các dự án có ý nghĩa trọng điểm nhằm phát triển cơ sở hạ tầng - gồm đường sắt, đường bộ và năng lượng tái tạo - ở Hungary liên quan đến chương trình « Một vành đai, Một con đường » của Trung Quốc.
Bên cạnh đó, hợp tác tài chính được phía Hungary coi là một trong những lĩnh vực hứa hẹn nhất trong quan hệ song phương Hungary - Trung Quốc, với mục tiêu để Hungary trở thành một trung tâm tài chính trong khu vực và từ đó, trở thành đầu cầu cho các tổ chức tài chính Trung Quốc hướng tới thị trường tài chính Châu Âu. Phía Hungary cũng đánh giá cao chương trình miễn thị thực cho du khách Hungary tới Trung Quốc từ giữa tháng 3 năm nay.
Ngành ngoại giao Hungary cũng nhấn mạnh một nội dung chính khác trong chương trình nghị sự sẽ là cuộc chiến ở Ukraina và kế hoạch hòa bình của Trung Quốc, điều mà Hungary hoan nghênh, vì trái với đa số các quốc gia Liên Âu khác, Budapest từ đầu đến cuối theo đuổi quan điểm là nên đình chiến và đàm phán hòa bình. Hungary "nhất trí tuyệt đối" về vấn đề này với Trung Quốc, « quốc gia mạnh nhất thuộc phe hòa bình ».
Hungay được xem là quốc gia thân Trung Quốc nhất trong khối Liên Âu, một phần của chính sách « Hướng Đông » mà nội các Orbán Viktor theo đuổi từ gần 15 năm nay. Trung Quốc là đối tác của Hungary trong những "dự án thế kỷ", như xây dựng tuyến đường sắt Budapest - Belgrade, là chỗ dựa chính của Hungary về vật tư y tế thời đại dịch Covid, và là yếu tố trọng yếu của Hungary trong nỗ lực trở thành cường quốc Châu Âu về sản xuất bình điện.
Tuy nhiên, theo các bình luận, mặc dù là đối tác lớn nhất ngoài Liên Âu của Hungary, Bắc Kinh không dừng lại ở các mục tiêu kinh tế. Kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Trung Quốc không chỉ muốn biến Hungary thành trung tâm của công nghiệp Trung Quốc tại Trung Âu, mà còn cần đến Hungary như một đồng minh đáng tin cậy, có thể góp phần phá tan thái độ lạnh nhạt, nghi hoặc cố hữu của phương Tây với Bắc Kinh.
Các chuyên gia chính trị cho rằng Hungary sẽ làm tất cả để có được khả năng ra quyết định độc lập về mối quan hệ với Trung Quốc. Với vai trò chủ tịch luân phiên Liên Âu từ đầu tháng 7/2024, Hungary có thể hướng EU theo con đường ngoại giao thân thiện và thực tiễn hơn với Trung Quốc, và có thể điều này khiến nhiều lãnh đạo Châu Âu ngầm hài lòng, vì các thành viên Liên Âu chưa sẵn sàng cho một cuộc « chiến tranh lạnh » với Bắc Kinh.
Việt Nam bắt giữ một quan chức thúc đẩy phê chuẩn công ước quốc tế về quyền lao động
Truyền thông Việt Nam hôm nay, 09/05/2024, đồng loạt loan tin vụ trưởng vụ Pháp Chế bộ Lao Động Nguyễn Văn Bình bị khởi tố, và bị tạm giam. Theo Reuters, ông Bình bị bắt vào lúc đang nỗ lực thúc đẩy phê chuẩn Công ước 87 của Tổ chức Lao Động Quốc tế (ILO) bảo đảm quyền thành lập công đoàn độc lập ở Việt Nam.
Ảnh minh họa: Một xưởng lắp ráp xe hơi điện của tập đoàn Vinfast tại Hải Phòng, Việt Nam, ngày 29/09/2023. AP - Hau Dinh
Trọng Thành
Theo trang mạng của chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Văn Bình, 51 tuổi, bị khởi tố về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, chiếu theo Luật Hình sự. Truyền thông nhà nước Việt Nam cũng cho biết Cơ quan An ninh điều tra ‘‘đang tiếp tục mở rộng điều tra làm rõ vụ án’’. Reuters dẫn lại thông tin trên trang nhà của bộ Lao Động Việt Nam, cho biết vụ trưởng vụ Pháp Chế Nguyễn Văn Bình là người ‘‘được giao nhiệm vụ giám sát các cải cách luật lao động phối hợp với Tổ chức Lao động Quốc tế’’.
‘‘Lần đầu tiên từ nhiều năm, một nhà cải cách bị bắt’’
Trang Project88 của giới quan sát quốc tế về tình hình nhân quyền ở Việt Nam nhấn mạnh đây là ‘‘lần đầu tiên từ nhiều năm trở lại đây, một nhà cải cách trong chính quyền Việt Nam bị bắt giam’’.Project88 ra một báo cáo hơn 10 trang, ngày 06/05/2024, về vụ bắt giữ diễn ra ngay trước phiên điều trần của bộ Thương Mại Mỹ ngày 08/05 về khả năng công nhận Việt Nam là một nền ‘‘kinh tế thị trường’’. Trong các tiêu chuẩn để được công nhận quy chế "kinh tế thị trường", có quyền đàm phán về lương và quyền thành lập công đoàn độc lập.
Theo trang web của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), ông Nguyễn Văn Bình chính là ‘‘người chủ trì đề xuất ban hành luật Lao Động Việt Nam năm 2019, thúc đẩy phê chuẩn một số công ước căn bản của Tổ chức Lao động Quốc tế, trong đó có Công ước 98 về ‘‘quyền tổ chức và thương lượng tập thể’’, Công ước 105 chống lao động cưỡng bức, và nhiều công ước khác’’. Vụ trưởng vụ Pháp Chế là một quan chức‘‘có thâm niên công tác lâu năm và kinh nghiệm phong phú trong lĩnh vực pháp luật lao động, phong trào lao động và quan hệ lao động’’, với hơn 10 năm làm chuyên gia pháp lý cho Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và và 5 năm làm việc với Tổ chức Lao động Quốc tế. Ông ‘‘đã dành thời gian và nỗ lực để thúc đẩy quyền lao động của người lao động Việt Nam và bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương, bao gồm người nghèo, trẻ em và người khuyết tật…’’.
Theo Project88, từ ngày 15/04, đã không còn liên lạc được với ông Nguyễn Văn Bình.
HRW: Chính quyền Việt Nam đưa ‘‘tin sai lạc’’
Tổ chức bảo vệ nhân quyền Human Rights Watch (HRW) hôm qua ra một thông báo chỉ trích ‘‘Việt Nam đưa ra các thông tin sai lạc hoặc dễ gây hiểu lầm cho phía Hoa Kỳ và các đối tác kinh tế khác để đạt được hay duy trì các quy chế ưu đãi thương mại’’. Ông John Sifton, giám đốc truyền thông Ban Á Châu của HRW, nhấn mạnh ‘‘ở Việt Nam không hề tồn tại bất kỳ một công đoàn độc lập nào hay các khung pháp lý khả thi cho việc thành lập công đoàn hoặc cho người lao động có thể đòi thi hành các quyền của mình’’, và ‘‘nói rằng người lao động Việt Nam có thể thành lập công đoàn hay mức lương của họ là kết quả của sự thỏa thuận tự nguyện giữa người lao động và người sử dụng lao động là tuyên bố sai lạc trắng trợn’’.
HRW cũng nhấn mạnh đến ‘‘vụ bắt giữ ông Nguyễn Văn Bình, một quan chức cấp cao của Bộ Lao động Việt Nam từng vận động cho các cải cách hữu hiệu hơn về lao động và tạo một mức độ độc lập cho công đoàn’’.
Liên Âu bất bình vì Việt Nam hoãn một cuộc họp trước khả năng tổng thống Nga thăm Hà Nội
Bộ Ngoại Giao Việt Nam khiến Liên Hiệp Châu Âu bất bình vì hoãn một cuộc họp với một quan chức cấp cao của Liên Âu về các biện pháp trừng phạt Nga, trước khả năng tổng thống Vladimir Putin công du Hà Nội. Cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 13-14/05/2024 nhân chuyến đi Đông Nam Á của ông David O’Sullivan.
Thu Hằng
Theo một nhà ngoại giao nắm rõ hồ sơ, được Reuters trích dẫn, Hà Nội đã đề nghị hoãn cuộc họp với lý do « các nhà lãnh đạo quá bận » để gặp đặc sứ chuyên trách các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Châu Âu đối với Nga. Thông tin hoãn cuộc họp được ba nhà ngoại giao khác xác nhận, trong đó có một người nêu khả năng cuộc họp sẽ được tổ chức vào tháng 7.
Tuy nhiên, một số người nắm rõ hồ sơ cho rằng lý do hoãn cuộc họp nói trên có thể liên quan đến việc chuẩn bị cho chuyến thăm Việt Nam của tổng thống Putin. Chuyến công du này có thể bị « phá hỏng » vì những cuộc họp với đặc phái viên của Liên Hiệp Châu Âu.
Ngay sau khi Reuters tiết lộ thông tin, phái đoàn ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu tại Hà Nội đã ra thông cáo bày tỏ « thất vọng » về quyết định hoãn cuộc họp, đồng thời cho biết là đang thảo luận với chính quyền Việt Nam về ngày họp mới. Người phát ngôn bộ Ngoại Giao Việt Nam cũng đã xác nhận tin này trong buổi họp báo ngày 09/05, đồng thời cho biết sẽ thông báo « vào thời điểm thích hợp » khi được hỏi về khả năng tổng thống Nga thăm Việt Nam.
Đại sứ quán Nga tại Hà Nội chưa trả lời đề nghị bình luận của Reuters. Tuy nhiên, vào tuần trước, đại sứ Nga Gennady Bezdetko xác nhận ông Putin đã nhận lời mời thăm Việt Nam và chuyến công du có thể diễn ra sau lễ nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ 5.
Lần cuối tổng thống Nga thăm Việt Nam là vào năm 2017. Việt Nam không phải là thành viên của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế, cơ chế đã phát lệnh bắt giữ tổng thống Putin, bị cáo buộc đã đưa nhiều trẻ em Ukraina sang Nga.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét