Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

TIN THẾ GIỚI CẬP NHẬT :29/05/2024 - Mỹ Loan


TT Pháp ủng hộ Ukraina dùng vũ khí phương Tây tấn công một số địa điểm quân sự tại Nga Hôm 28/05/2024, ngày cuối cùng trong chuyến công du cấp Nhà nước tại Đức, tổng thống Pháp Emmanuel Macron dự cuộc họp Hội đồng Bộ trưởng Pháp - Đức tại Meseberg. Trước đó, tổng thống Macron và thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có buổi họp báo. Nguyên thủ Pháp bất ngờ ủng hộ việc Ukraina sử dụng các vũ khí mà phương Tây viện trợ để oanh kích một số địa điểm quân sự trên lãnh thổ Nga. Tổng thống Emmanuel Macron giương tấm bản đồ chiến dịch của Nga tấn công vùng đông bắc Ukraina tại một cuộc họp báo ở Meseberg, Đức, ngày 28/05/2024. AP - Ebrahim Norooz - Thùy Dương
Từ Meseberg, đặc phái viên Valérie Gas gửi về bài tường trình :
<!>
Tổng thống Emmanuel Macron từng khiến các đối tác châu Âu ngạc nhiên khi ông nêu khả năng điều binh lính tới lãnh thổ Ukraina. Tại Meseberg lần này, cùng với thủ tướng Đức Olaf Scholz, ông Macron lại có một bước tiến mới trong việc ủng hộ Ukraina sử dụng vũ khí phương Tây chống lại Nga.

Tổng thống Pháp phát biểu : « Chúng ta phải cho phép họ vô hiệu hóa các địa điểm quân sự mà từ đó tên lửa (của Nga) được phóng đi và các địa điểm mà từ đó họ tấn công Ukraina, nhưng chúng ta không được cho phép họ tấn công vào các mục tiêu khác ở Nga ».

Gần như ngay lập tức, Matxcơva phản ứng và có lời đe dọa về « các hậu quả nghiêm trọng ». Washington cũng đưa ra phản ứng nhanh chóng không kém, phản đối các cuộc tấn công của Ukraina nhắm vào lãnh thổ Nga.

Như vậy là tổng thống Emmanuel Macron đang tìm cách gây hiệu ứng, làm thay đổi tình hình. Trái lại, về việc điều các nhà huấn luyện quân sự của Pháp sang Ukraina như Kiev đã nêu lên, nguyên thủ Pháp không muốn xác nhận.

Ông nói : « Tôi thường không bình luận về những tin đồn hay quyết định có thể sẽ được đưa ra. Tôi sẽ có cơ hội tiếp đón tổng thống Zelensky vào tuần tới, khi ông ấy tới Pháp nhân dịp D-Day [kỷ niệm cuộc đổ bộ của quân Đồng Minh lên bãi biển Normandie hồi năm 1944, thời Đệ Nhị Thế Chiến] và khi đó, tôi sẽ đưa ra ý kiến rất rõ ràng, cụ thể và thông báo những gì chúng tôi sẽ thực hiện. »

Emmanuel Macron muốn biến lễ kỷ niệm 80 năm cuộc đổ bộ vào Normandie, với sự quy tụ của tất cả các đồng minh, thành một sự kiện ngoại giao và chiến lược ».

Theo AFP, tổng thống Nga Vladimir Putin, đang công du Ouzbékistan, xem đây là một « điều nghiêm trọng » và cảnh báo là châu Âu, đặc biệt « các nước nhỏ nhưng rất đông dân », ám chỉ nước Pháp, phải « suy nghĩ kỹ về trò chơi mà họ đang tham gia », bởi vì « sự leo thang thường trực có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng ».

Tại Mỹ, John Kirby, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, hôm qua khẳng định là quan điểm của Washington vẫn không thay đổi : Mỹ « không khuyến khích và không cho phép » Ukraina sử dụng vũ khí mà Washington cấp cho Kiev để tấn công sang lãnh thổ Nga.

Về khả năng điều các nhà huấn luyện quân sự sang Ukraina, cũng trong ngày hôm qua, lãnh đạo ngành ngoại giao châu Âu, Josep Borrell, sau cuộc họp của các bộ trưởng Quốc Phòng của Liên Âu, khẳng định tạm thời chưa có sự đồng thuận trong khối về việc này.

Dải Gaza: Israel tiếp tục tấn công Rafah, Mỹ bao che đồng minh

Quân đội Israel hôm nay, 29/05/2024, tiếp tục oanh kích Rafah, thành phố lớn ở miền nam Gaza, khu vực mà Israel đã cho triển khai xe tăng. Trong khi đó, tại Liên Hiệp Quốc, một dự thảo nghị quyết đang được chuẩn bị để tìm cách « ngăn chặn » bạo lực trên thực địa


Tại một khu tị nạn ở Rafah, Gaza, ngày 28/05/2024. REUTERS - Hatem Khaled
Minh Anh
Trong đêm hôm thứ Ba 28/5, người dân Palestine lại trải qua một đêm kinh hoàng. Chưa đầy 48 giờ sau khi ném bom một trại người tị nạn – một hành động bị quốc tế lên án là « thảm sát » – khiến 34 người chết, quân đội Israel lại oanh kích một trại khác trong cùng khu vực làm 21 người dân Palestine thiệt mạng, nâng tổng số các nạn nhân lên thành 45 người.

Từ Jerusalem, thông tín viên Sami Boukhelifa tường thuật :

Một đêm kinh hoàng. Tiếng kêu vù vù đáng sợ không ngớt của những chiếc drone. Chúng bay rất thấp, giám sát rồi không kích. Từ cửa sổ nhà, Mohamed ghi hình thành phố Rafah chìm hoàn toàn trong màn đêm. Người ta chẳng nhìn thấy gì, nhưng họ nghe được. Rồi một tiếng nổ vang lên, người thanh niên này nói, « lại thêm một đòn oanh kích ».

Đây đó tiếng súng nổ. Trời dần sáng. Giọng nói bị tiếng còi xe cứu thương che lấp, Mohamed cho biết : « Tất cả người dân đã bỏ đi. Họ chạy trốn chiến sự. »

Bất chấp các phản ứng mạnh mẽ từ quốc tế, Nhà Trắng hôm qua cho biết « chưa nhận thấy Israel triển khai các đơn vị lớn » để tiến hành « một chiến dịch trên bộ quan trọng ».

Người thanh niên ở dải Gaza tiếc nuối : « Chắc chắn những người bị thương đã được sơ tán sau một đợt tấn công mới. Xe tăng Israel đỗ ngay trước cửa nhà chúng tôi. Chúng chỉ cách ở đây tầm 500 mét, tại trung tâm thành phố Rafah ».

Người thanh niên này đợi gì mà không ra đi ? Anh giải thích: « Lúc này không có chuyện bỏ trốn. Dẫu sao thì Israel đánh bom mọi thứ, nhắm vào tất cả mọi người, ở khắp nơi. Đằng nào thì cũng chết, dù ở trong lều hay là ở nhà. Tôi chọn ở lại ».

Reuters nhắc lại, tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhiều lần cảnh cáo Israel về một chiến dịch quân sự quy mô lớn tại Rafah, khi tuyên bố rằng Washington rất có thể sẽ ngưng cấp vũ khí cho Nhà nước Do Thái, nếu như nước này không đề ra các biện pháp bảo vệ thường dân.

Trung Quốc dọa duy trì áp lực quân sự chừng nào Đài Loan còn khiêu khích, « đòi độc lập »

Trung Quốc hôm nay 29/05/2024 khẳng định tiếp tục duy trì áp lực quân sự nhắm vào Đài Loan, cho đến khi nào Đài Bắc ngưng các khiêu khích « đòi độc lập ». Thông báo của Bắc Kinh được đưa ra chỉ vài ngày sau cuộc tập trận của quân đội Trung Quốc quanh đảo Đài Loan mà Bắc Kinh khẳng định là để trắc nghiệm khả năng đánh chiếm Đài Loan và « trừng trị » tân tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (Lai Ching-te).


Ảnh Tân Hoa Xã : Chiến đấu cơ J-15 cất cánh từ tàu sân bay Sơn Đông trong một đợt tập trận xung quanh đảo Đài Loan của quân đội Trung Quốc, ngày 19/04/2023. AP - An Ni
Thùy Dương
Theo AFP, Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc (TAO) thông báo các cuộc tập trận khác tương tự đợt tập trận 3 ngày « Joint Sword-2024A » (Liên Kiếm-2024A) hồi tuần trước có thể sẽ diễn ra. Đây là cuộc tập trận bắn đạn thật với sự tham gia của các tàu chiến và máy bay quân sự để thao dượt đánh chiếm và cô lập đảo Đài Loan, mà cho đến nay Bắc Kinh vẫn xem là một tỉnh của Trung Quốc và muốn thống nhất.

Phát ngôn viên Văn phòng Sự vụ Đài Loan của Trung Quốc, Chu Phượng Liên (Zhu Fenglian), phát biểu trong cuộc họp báo : « Chừng nào các hành vi khiêu khích đòi độc lập của Đài Loan vẫn tiếp diễn, các hoạt động của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ sẽ được tiếp tục ». Bà Chu Phượng Liên nhấn mạnh, « sự khiêu khích càng lớn thì phản ứng đáp trả sẽ càng mạnh mẽ ».

Trung Quốc xem các phát ngôn của tân thổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức là « cực kỳ bất cẩn », « có nguy cơ » dẫn đến một cuộc chiến tranh « không thể tránh khỏi »ở eo biển Đài Loan và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho « đồng bào của chúng ta » ở Đài Loan.

Nhìn sang Đài Bắc, cũng trong ngày hôm nay, khi tiếp phái đoàn nghị sĩ Mỹ thứ hai đến Đài Loan từ khi ông nhậm chức, tổng thống Lại Thanh Đức tuyên bố Đài Loan sẽ hợp tác với Mỹ để đối phó với « chủ nghĩa bành trướng độc tài ».

Bắc Triều Tiên thả bóng bay chứa rác thải sang Hàn Quốc

Mối quan hệ Liên Triều vốn đã căng thẳng, hôm nay, 29/05/2024, có bước chuyển bất ngờ. Bắc Triều Tiên đã thả 260 bóng bay khổng lồ chứa đầy truyền đơn và rác thải sang Hàn Quốc, theo hãng thông tấn Yonhap.


Ảnh minh họa : Một người Bắc Triều Tiên tị nạn tại Hàn Quốc chuẩn bị thả bóng bay với truyền đơn lên án chế độ Bình Nhưỡng, tại khu vực giới tuyến Liên Triều, ngày 26/03/2016. REUTERS/Kim Hong-Ji
Minh Anh
Trong thông cáo gởi đến AFP, quân đội Hàn Quốc cho biết đã phát hiện « nhiều vật thể không xác định, được cho là các truyền đơn từ Bắc Triều Tiên », tại vùng biên giới Gyeonggi-Gangwon. Quân đội yêu cầu người dân « tránh các hoạt động ngoài trời », « không tiếp xúc với bất kỳ vật thể nào và phải trình báo với căn cứ quân sự gần nhất ».

Từ Seoul, thông tín viên đài RFI Nicolas Rocca tường thuật về vụ việc :

« Nhiều vật thể không xác định, có thể là các truyền đơn của Bắc Triều Tiên nhắm đến Hàn Quốc đã được phát hiện ». Đây là tin nhắn báo động mà người dân Hàn Quốc tại hai vùng biên giới với Bắc Triều Tiên đã nhận được. 260 bóng bay chứa rác thải và truyền đơn đã được gởi đến Hàn Quốc.

Theo hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc, một số bóng bay thậm chí có thể chứa cả phân. Phương pháp đáng ngạc nhiên này là một sự trả đũa trực tiếp đối với các hành động của các nhà đấu tranh thuộc phe bảo thủ ở miền Nam.

Đầu tháng Năm này, một người đào tẩu Bắc Triều Tiên tuyên bố đã gởi qua phía bên biên giới hơn 300.000 truyền đơn chống Kim Jong Un và hơn 2.000 ổ USB di động chứa đầy nhạc K-pop. Đáp lại, Bình Nhưỡng hôm Chủ Nhật 26/5 cảnh báo ý định đáp trả bằng cách đưa qua phía nam vĩ tuyến 38 « những đống chất thải và rác rưởi ».

Vụ trao đổi bóng bay này, có vẻ như vô hại, đã là nguồn cội leo thang căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên. Năm 2020, Bắc Triều Tiên đã cho nổ tung văn phòng liên lạc Liên Triều sau vụ truyền đơn được gởi đi từ Hàn Quốc.

Nắng nóng kỷ lục, lốc xoáy, mưa lũ hoành hành tại Nam Á

Biến đổi khí hậu khiến các nước Nam Á hứng chịu đợt thiên tai dữ dội. Tại nhiều nơi, nhiệt độ tăng cao kỷ lục trong khi ở một số khu vực khác, lốc xoáy, mưa lũ hoành hành khiến hàng chục người thiệt mạng.


Một người đang dội nước vào mặt do nắng nóng kỷ lục tại Guwahati, Ấn Độ, ngày 25/05/2024. AP - Anupam Nath
Minh Anh
Theo AFP, nhiệt độ ghi nhận tại New Delhi, thủ đô Ấn Độ ngày hôm nay, 29/05/2024, là hơn 50°C sau khi đã đạt mức kỷ lục 49,9°C trong tuần rồi. Chính quyền thành phố của khoảng 30 triệu dân buộc phải đưa ra « báo động dịch tễ đỏ » trước nguy cơ tăng vọt các bệnh do thời tiết quá nóng gây ra, và kêu gọi người dân « cảnh giác cao » với những trường hợp dễ bị tổn thương.

Hiện tượng nắng nóng trong mùa hè là phổ biến ở Ấn Độ, tuy nhiên, theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu còn làm cho những đợt nóng kéo dài hơn, xảy ra thường xuyên và gay gắt hơn. Chính quyền Neư Dehli cảnh báo nguy cơ khan hiếm nước. Tại nhiều nơi, tình trạng cắt nước đã xảy ra. Chính phủ kêu gọi tinh thần « trách nhiệm tập thể », tránh lãng phí nước theo báo Times of India.

Đợt nóng gay gắt cũng diễn ra tương tự tại nước láng giềng Pakistan, mà đỉnh điểm là hôm Chủ Nhật 26/05, với nhiệt độ được ghi nhận là 53°C tại Sindh, giáp giới với Ấn Độ. Cơ quan dự báo khí tượng thủy văn Pakistan cho biết nhiệt độ giảm xuống từ hôm nay, nhưng đồng thời dự báo những đợt nóng khác sẽ diễn ra trong tháng Sáu.

Cùng lúc, các bang ở Tây Bangalore và Mizoram, đông bắc đất nước lại hứng chịu những đợt gió mạnh và những cơn mưa như thác kèm theo bão mạnh Remal, đã tràn qua Ấn Độ và Bangladesh hôm Chủ Nhật làm 65 người chết.

Không có nhận xét nào: