Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2024

ĐIỂM TIN THẾ GIỚI:31/5/2024 - MY LOAN


Khi Emmanuel Macron giành vị trí tiền đạo đội tuyển EU - Quyết liệt và mạnh mẽ hơn nhiều so với các tổng thống Pháp tiền nhiệm, Tổng Thống Emmanuel Macron đang chiếm ánh đèn sân khấu Châu Âu, đặc biệt thái độ dứt khoát của ông trong cuộc chiến Ukraine. Ngày 28 Tháng Năm, tại Berlin, Đức, cùng với ông Olaf Scholz, thủ tướng Đức, ông Macron nói rằng quan điểm của Pháp là “phải cho phép (Ukraine) vô hiệu hóa các địa điểm quân sự (của Nga) được sử dụng làm căn cứ phóng hỏa tiễn (vào đất Ukraine);” và ông sẵn sàng đồng ý cho quân đội Ukraine sử dụng vũ khí Tây phương để thực hiện điều đó.
<!>
Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, ông Macron đã đi từ “nói chuyện phải quấy” đến chính sách “cho uống rượu phạt” đối với Nga. Đầu Tháng Ba, phát biểu tại Prague, Czech, ông Macron cảnh báo Châu Âu rằng bây giờ không phải lúc “chết nhát.” Ngôn ngữ cứng rắn này được đưa ra chỉ một tuần sau hội nghị về Ukraine ở Paris, trong đó Tổng Thống Macron nói với một phóng viên rằng không “loại trừ” khả năng đưa quân đội Tây phương tới Ukraine. Ông nói, Châu Âu sẽ “làm tất cả những gì cần làm để Nga không giành chiến thắng.”

Hai năm trước, khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, Pháp vẫn còn dè chừng, khi cố gắng “nói chuyện đàng hoàng” với Moscow với hy vọng kiềm chế được ông Vladimir Putin, tổng thống Nga. Giờ đây, Pháp là một trong những pháo đài mạnh mẽ nhất Châu Âu, với sự ủng hộ kiên quyết dành cho Ukraine.

Ông Macron đã hoan nghênh nỗ lực Kiev gia nhập Liên Minh Châu Âu (EU) lẫn NATO. Paris cũng đồng ý, cùng với Anh, gửi hỏa tiễn tầm xa tới Ukraine. Tháng Ba, Quốc Hội và Thượng Viện Pháp thông qua thỏa thuận hợp tác an ninh song phương với Ukraine, cam kết hỗ trợ Ukraine về mặt quân sự trong 10 năm hoặc cho đến khi nước này gia nhập NATO.

Sự ủng hộ kiên định của Paris đối với Ukraine đang cho thấy nước Pháp ngày nay rất khác với nước Pháp ngày trước, khi đối mặt những vấn đề quan trọng của chính trị thế giới. Ông Macron là một trong những nhà lãnh đạo Châu Âu giàu kinh nghiệm và là một trong số ít người đưa ra tầm nhìn địa chính trị cho Châu Âu.

Sự ủng hộ của Pháp đối với việc mở rộng EU được tin là sẽ đẩy nhanh các cải cách thể chế và chính sách cần thiết để đưa các thành viên mới vào liên minh. Sự quyết đoán của Pháp xuất phát từ sự thay đổi trong quan điểm địa chính trị của giới lãnh đạo nước này. Ông Macron mong muốn một Châu Âu lớn hơn sẽ đóng vai trò lớn hơn trên trường thế giới.

Cần nhắc lại, bốn ngày sau khi Nga xâm lược Ukraine, ông Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine, đã ký bản kiến nghị Ukraine gia nhập EU. Thời điểm đó, động thái này chỉ được coi là mang tính biểu tượng và khó có thể trở thành hiện thực.

Ông Charles Michel, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, thậm chí dội gáo nước lạnh khi nói rằng “có những quan điểm và nhiều yếu tố nhạy cảm khác nhau” về việc mở rộng, khi trong số thành viên EU hiện tại, có người muốn, có người dứt khoát không. Ông François Hollande, cựu tổng thống Pháp, cũng nói “điều cấp bách không phải là đưa Ukraine vào EU mà là tống Nga ra khỏi Ukraine.”

Đến Hè 2022, khi Ukraine đẩy lùi được quân Nga tại nhiều mặt trận trọng yếu, ý tưởng về một Ukraine mạnh mẽ, độc lập, sẵn sàng trên đường trở thành thành viên EU bắt đầu gần với hiện thực. Lúc đó, cách tiếp cận hòa giải của Pháp đối với ông Putin trở nên yếu dần. Nỗ lực của ông Macron trong việc đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Moscow và Kiev trở nên vô ích. Paris bắt đầu điều chỉnh.

Tháng Năm, 2022, ông Macron đề nghị thành lập Cộng Đồng Chính Trị Châu Âu, một diễn đàn gồm 44 quốc gia nhằm tăng cường sức mạnh chính trị. Và vào Tháng Năm, 2023, ông Macron chính thức tán thành việc mở rộng EU. “Câu hỏi đặt ra không phải là liệu chúng ta có nên mở rộng hay không,” ông nói trong bài phát biểu tại hội nghị an ninh Châu Âu ở Bratislava, Slovakia, “mà là chúng ta nên làm điều đó như thế nào.”

Cần nhắc lại, năm 2019, Pháp từng phủ quyết các cuộc đàm phán gia nhập EU cho Albania và North Macedonia, với lý do cần phải cải cách cơ chế gia nhập EU. Cụ thể, Pháp đề nghị những điều kiện khắt khe hơn đối với các ứng cử viên, đặc biệt việc xét duyệt những vấn đề liên quan pháp quyền và chính sách kinh tế. Giờ đây, chiến dịch quân sự xâm lược Ukraine của Nga đã định hình nên cách nghĩ mới. Vấn đề là ý chí để thực hiện. Cuộc chiến ở Ukraine đã bộc lộ những điểm yếu của Châu Âu và thúc đẩy các quyết định tái vũ trang và an ninh kinh tế. Điều đó ai cũng thấy nhưng dám điều chỉnh lại chính sách đối ngoại đối với Nga hay không lại là chuyện khác. Tổng Thống Macron là một trong vài nguyên thủ Châu Âu dám làm và chịu làm.

Trong nhiều thập niên, Pháp từng tin rằng cộng đồng Châu Âu càng nhỏ càng tốt. Khi 10 quốc gia hậu Cộng Sản gia nhập EU cách đây 20 năm, Pháp lo rằng việc gia nhập của họ sẽ tạo thành trở ngại cho sự nổi lên của “L’Europe puissance” – “Châu Âu hùng mạnh,” một khái niệm mà Pháp ám chỉ đến khả năng hành động tự chủ của lục địa, tương tự khái niệm của ông Macron về một “Châu Âu có chủ quyền” (“sovereign Europe”) hay “Châu Âu địa chính trị” (“geopolitical Europe”) của bà Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu. Các quốc gia thành viên, chẳng hạn Anh, tin rằng sức mạnh Châu Âu nằm ở thị trường chung (common market), trong khi đó, Pháp tin rằng sức mạnh đó nằm ở các chính sách chung (common policies).

Chính sách được đánh giá là “diều hâu” của ông Macron đã và đang bị các đảng đối lập Pháp chỉ trích. Đảng Tập Hợp Quốc Gia (cực hữu), phe Cộng Hòa (trung hữu) và đảng “Nước Pháp Không Cúi Đầu” (thiên tả) đều cáo buộc ông Macron đẩy quốc gia tới cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Tuy nhiên, cử tri Pháp lại ủng hộ Ukraine. Cuộc thăm dò gần đây của Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Châu Âu cho thấy, nhiều người Pháp tin rằng Châu Âu nên ủng hộ mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ của Ukraine (35%) hơn là tin rằng Châu Âu nên thúc đẩy Ukraine đàm phán hòa bình với Nga (30%).

Thái độ cứng rắn của Tổng Thống Macron thật ra không phải mới đây. Tháng Mười, 2019, trong cuộc phỏng vấn tờ The Economist, ông Macron cảnh báo rằng Châu Âu không thể dựa vào Mỹ để bảo vệ các đồng minh NATO. Ông nói, “những gì chúng ta đang trải qua cho thấy NATO đang chết lâm sàng,” rằng Châu Âu đang đứng trên “bờ vực,” và cần xét lại vai trò chiến lược của EU như một cường quốc địa chính trị; nếu không “chúng ta không còn kiểm soát được vận mệnh mình.”

Với những diễn biến hiện tại, ông Macron tiếp tục nhấn mạnh tầm nhìn của ông về “một Châu Âu đòi hỏi sự tôn trọng và bảo đảm an ninh cho chính mình.” Ông khẳng định Ukraine là một phần của “gia đình Châu Âu” và “sẽ gia nhập liên minh khi thời điểm đến.”

Điều gì giải thích cho thái độ thay đổi của Tổng Thống Macron? Lý do duy nhất chỉ là, ông Macron muốn nâng tầm nhìn về quyền tự chủ chiến lược của Châu Âu trước Washington, và chứng minh khả năng Châu Âu trong việc hỗ trợ Kiev mà không cần trông cậy vào Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh ông Donald Trump, cựu tổng thống, có thể quay trở lại Tòa Bạch Ốc.

Các đời tổng thống Pháp thường cố chứng tỏ họ không lệ thuộc Mỹ, không chấp nhận đi chung thuyền với Mỹ trong nhiều “thương vụ” (chẳng hạn cuộc chiến Iraq). Paris không thích hình ảnh họ là “đàn em” của Washington. Với Emmanuel Macron, ông cũng vậy. Có điều, thay vì khước từ hát đồng ca với Mỹ, Tổng Thống Macron muốn cầm micro lâu hơn, và nói to hơn. Ông cũng muốn giành vị trí tiền đạo trên sân cỏ chính trị EU, thay vì Đức như nhiều năm qua.

Ông Trump cân nhắc vị trí cố vấn Nhà Trắng cho tỷ phú Elon Musk


Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là đang cân nhắc đề xuất chức cố vấn Nhà Trắng về kinh tế và an ninh biên giới cho tỷ phú Elon Musk nếu như ông chiến thắng cuộc bầu cử vào tháng 11 tới đây.

Dẫn nhiều nguồn tin thân cận, tờ WSJ ngày 29/5 đưa tin rằng ông Trump và ông Musk đã cùng thảo luận về vị trí cố vấn, cho Giám đốc Điều hành công ty sản xuất xe điện Tesla cơ hội chính thức để bày tỏ quan điểm và tạo sức ảnh hưởng lên các chính sách kinh tế, an ninh biên giới. Đây cũng là những chủ đề mà tỷ phú Musk thường xuyên bày tỏ công khai suy nghĩ trên mạng xã hội X.

Theo WSJ, trước đây cựu Tổng thống Trump và tỷ phú Musk từng có mối quan hệ căng thẳng. Tuy nhiên, quan hệ của hai người dần trở nên nồng ấm hơn sau các cuộc trò chuyện qua điện thoại kể từ tháng 3 khi ông Trump lúc đó đang tìm kiếm các nhà tài trợ. Sau khi mua lại Twitter và đổi tên thành X vào năm 2022, ông Musk đã khôi phục tài khoản bị cấm của ông Trump và yêu cầu ông Trump “chăm” hoạt động trên nền tảng.

Thậm chí, WSJ tiết lộ ông Musk cùng với nhà đầu tư Nelson Peltz gần đây đã thảo luận về sáng kiến ngăn chặn gian lận cử tri với ông Trump, cũng như nỗ lực thuyết phục giới tinh hoa không ủng hộ chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Joe Biden. Nhà sáng lập SpaceX cũng rất hay chỉ trích chính quyền Tổng thống Biden quản lý an ninh biên giới với số lượng người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ tăng cao kỷ lục.

Khả năng ông Musk trở thành cố vấn trong Nhà Trắng dưới chính quyền Trump trong tương lai có thể làm phức tạp thêm vai trò lãnh đạo của ông tại các công ty do ông thành lập như Tesla, SpaceX, X và công ty khởi nghiệp trí tuệ nhân tạo xAI. Là chủ sở hữu của Tesla và SpaceX, tỷ phú Musk được hưởng lợi từ các chính sách và hợp đồng của chính phủ liên bang trong nhiều năm qua, bao gồm các hợp đồng sản xuất tên lửa và hỗ trợ thuế cho xe điện.

Ông Musk từng làm việc trong nhóm cố vấn kinh doanh tại Nhà Trắng dưới thời Tổng thống Trump một thời gian ngắn, nhưng vào năm 2017, nhà tỷ phú đã rời khỏi nhóm trong bối cảnh ông Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi hiệp định khí hậu Paris.

Macron giục Canada bớt cấm vận titanium của Nga để Airbus có nguyên liệu sản xuất

Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron đã đích thân can thiệp để thuyết phục Thủ Tướng Canada Justin Trudeau giúp cho công ty Airbus khỏi phải tuân thủ lệnh cấm vận việc mua vào chất titanium từ Nga để dùng trong kỹ nghệ chế tạo máy bay của công ty có vốn từ bốn nước Pháp, Đức, Anh và Tây Ban Nha này, thông tấn xã Reuters loan tin hôm Thứ Năm, 30 Tháng Năm.

Lời yêu cầu nói trên được đưa ra trong một cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo Pháp và Canada hồi Tháng Ba, chỉ mấy tuần lễ sau khi Canada gia nhập nhóm các quốc gia chủ trương triệt để cấm vận hàng nhập cảng từ Nga, trong đó có loại kim khí chiến lược titanium, một chủ trương từng làm cho Airbus và các công ty khác vẫn còn tùy thuộc vào nguyên liệu sản xuất từ Nga phải run sợ.

Thoạt tiên, Ottawa vẫn giữ vững lập trường phải cấm vận Nga, nhưng chỉ ít ngày sau thì lại thay đổi chính sách qua việc cho phép Airbus và các công ty khác được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận hàng hóa và nguyên liệu do Nga sản xuất. Sự xuống thang này làm nảy sinh các cuộc tranh luận về chủ trương trừng phạt kinh tế Nga vì cuộc chiến tranh tại Ukraine, trong đó có những lời chỉ trích mạnh mẽ của vị đại sứ Ukraine tại Ottawa.

Các giới chức cao cấp của Pháp và Canada từ chối không bình luận gì về chuyển biến này, còn Airbus thì chỉ nói rằng họ lúc nào cũng “tuân theo mọi quy định trong lệnh cấm vận đối với Nga.” Tình trạng cuống cuồng tìm cách giữ lại chất titanium của Nga làm nổi bật cái khó khăn của các quốc gia Tây Phương khi phải tìm cách nào để mà trừng phạt Nga vì cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của họ từ năm 2022 cho tới nay.

Công ty quốc doanh Nga VSMPO-AVISMA vốn là nhà sản xuất lớn nhất chất titanium dùng trong kỹ nghệ hàng không. Sức bền bỉ và trọng lượng nhẹ của nó đã làm cho loại kim khí này trở thành món hàng của Nga bị cấm vận gắt gao nhất, trong đó có các phụ tùng cho động cơ và bánh đáp của các phi cơ phản lực khổng lồ.

Bắt các công ty kỹ nghệ Tây Phương thôi không được sử dụng chất titanium cũng như các nguyên liệu khác do Nga hoặc Trung Quốc sản xuất là điều hết sức khó khăn. Vấn đề ở đây là phải cần tới nhiều năm trường mới có thể thiết lập được các nhà máy mới tại những nơi khác để sản xuất chất titanium, và muốn sản phẩm làm ra được xác nhận là dùng được thì cũng còn phải tốn thêm một hay hai năm nữa

Miến Điện: Dân quân mạnh chừng nào chính quyền quân sự yếu thế chừng đó

Chính quyền quân sự cầm quyền tại Miến Điện mất quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ rộng lớn, trong đó có cả quyền tiếp cận phần lớn biên giới quốc tế, cho phép các nhóm võ trang dân tộc thiểu số mở rộng và củng cố các khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của họ, hai nguồn tin đánh giá cuộc xung đột cho biết hôm Thứ Năm, 30 Tháng Năm được Reuters ghi nhận.

Quốc gia 55 triệu dân rơi vào tình trạng tan đàn xẻ nghé từ Tháng Hai 2021 khi quân đội lật đổ chính phủ dân cử do nhà lãnh đạo đoạt giải Nobel Aung San Suu Kyi dẫn dắt, châm ngòi cho các cuộc biểu tình rộng rãi.

Các cuộc biểu tình trên đường phố, vốn vấp phải sự đàn áp tàn bạo, biến thành một phong trào kháng chiến võ trang kết hợp với nhiều lực lượng dân quân nổi dậy tại Miến Điện để đặt ra thách thức lớn nhất cho quân đội trong nhiều thập niên.

Chính quyền quân sự không lèo lái Miến Điện hiệu quả, mất toàn quyền kiểm soát các thị trấn chiếm 86% lãnh thổ quốc gia, nơi sinh sống của 67% dân số, theo Hội Đồng Cố Vấn Miến Điện Đặc Biệt SAC-M.

Một phát ngôn viên chính quyền quân sự không trả lời điện thoại từ Reuters cho yêu cầu bình luận.

“Chính quyền quân sự không kiểm soát tốt lãnh thổ Miến Điện nhằm duy trì các nhiệm vụ cốt lõi của chính phủ,” SAC-M, tổ chức gồm có chuyên gia quốc tế độc lập được thành lập sau cuộc đảo chánh để hỗ trợ tái thiết nền dân chủ, cho biết.

Chiến dịch 1027, cuộc tấn công bài bản diễn ra vào Tháng Mười năm ngoái do ba lực lượng dân tộc thiểu số dẫn đầu, đánh dấu một thời điểm quan trọng để lộ một lực lượng quân đội kém cỏi, đành chấp nhận buông bỏ các vùng lãnh thổ biên giới miền Bắc Miến Điện.

Từ lúc đó, lực lượng dân quân nổi dậy tổ chức tấn công hàng loạt nhằm đánh chiếm các vùng ngoại vi từ biên giới Miến Điện giáp Thái Lan cho tới các vùng duyên hải dọc theo Vịnh Bengal khỏi tay chính quyền quân sự.

“Các lực lượng dân quân có võ trang đạt được nhiều chiến thắng quân sự đang tăng cường quyền kiểm soát các vùng lãnh thổ được mở rộng, trong đó nhiều lực lượng đang tiến tới thành lập các nhà nước tự trị,” tổ chức bất vụ lợi Crisis Group cho biết trong một bản tin.

Việc quân đội Miến Điện ngày càng gánh chịu tổn thất đồng thời ý chí của giới thượng lưu tại thủ đô Naypyidaw ngày càng thui chột làm cho tương lai của thủ lãnh quân đội Min Aung Hlaing vô cùng lung lay, mặc dù ông cũng cố kết với hàng ngũ các sĩ quan cấp cao vốn trung thành, theo Crisis Group.

Cả hai nguồn tin đều cho biết, Với việc chính quyền quân sự mất quyền kiểm soát gần như toàn bộ biên giới Miến Điện còn các lực lượng nổi dậy phi nhà nước thì tiếp tục chiếm đóng phần lớn lãnh thổ, cho nên các quốc gia lân bang, các khối trong khu vực và cộng đồng quốc tế nên dang rộng vòng tay tương trợ dân Miến Điện đang chịu ảnh hưởng trong cuộc xung đột.

Tình trạng rày đây mai đó tại Miến Điện đạt mức cao kỷ lục, với hơn 3 triệu dân buộc phải di tản vì xung đột leo thang, theo các cơ quan Liên Hiệp Quốc.

Không có nhận xét nào: