Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Hai, 27 tháng 5, 2024

Hôm Nay: “Memorial Day!” Lễ Chiến Sĩ Trận Vong 2024, Bài Vở Về Ngày Lễ và Giới Thiệu Chiều Nhạc “Tình Cha, Tình Lính” Do Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn Tổ Chức Vào Ngày 16 Tháng 6 Tới Đây - Lê Văn Hải


Quan điểm chính thức của Chính phủ Hoa Kỳ trong: Lễ Chiến sĩ trận vong 2024
-(Bài xã luận này, nhằm phản ánh quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ):
Vào thứ Hai cuối cùng của tháng 5. Năm nay, hôm nay, Thứ Hai ngày 27 tháng năm, năm 2024. Hoa Kỳ vinh danh những công dân đã hy sinh mạng sống để phục vụ đất nước. Và ngày hôm nay, hàng nghìn, vạn lá cờ nhỏ của Mỹ sẽ được cắm trên các bia mộ và tấm bia tưởng niệm, tại các nghĩa trang trên khắp đất nước Hoa Kỳ, mỗi lá cờ đều đánh dấu phần mộ và tôn vinh, cảm tạ sự hy sinh của một anh hùng đã ngã xuống cho Đất Nước.
<!>
(Hình: Điện Capitol (Quốc hội Hoa Kỳ) ở thủ đô Washington DC.)


Tổng thống Joe Biden nói: “Hàng năm, với tư cách là một quốc gia, chúng ta cử hành nghi thức tưởng nhớ quan trọng này, vì chúng ta không bao giờ được quên cái giá phải trả, để bảo vệ nền đôc lập dân chủ của mình. Chúng ta không bao giờ được phép quên, những cuộc đời đã nằm xuống, mà những lá cờ, những bông hoa và những phiến đá cẩm thạch này, đánh dấu tượng trưng cho: một người mẹ, một người cha, một người con trai, một người con gái, một người chị, một người vợ/chồng, một người bạn. Quan trọng nhất là Một Người Mỹ!"
Người dân trên khắp nước Mỹ, kỷ niệm Lễ Chiến sĩ trận vong năm nay, bằng các cuộc diễn hành, có sự tham gia của các quân nhân và thành viên của các hội Cựu Chiến Binh và Đồng Minh. Các chính trị gia, sẽ phát biểu về lòng dũng cảm, sự cống hiến và sự hy sinh, và người Mỹ ở khắp mọi nơi, sẽ dành một phút mặc niệm, để cầu nguyện, hay tưởng nhớ những người đã khuất, những Chiến Sĩ Anh Hùng của chúng ta.

Tổng thống Biden nói: “Trong suốt chiều dài lịch sử, quân đội của chúng ta đã chiến đấu anh dũng, vì nền dân chủ của chúng ta và, nếu cần, đã hy sinh vì nó, nên mới có đất nước hùng mạnh ngày hôm nay!”
“Ngày nay, sự phục vụ và hy sinh của họ, cũng như của gia đình, người thân của họ, vang vọng vượt qua những phiến đá im lặng kia. Những bia đá có hồn!
“Chúng ta nhìn thấy điều đó, qua sức mạnh của Liên minh NATO, được xây dựng từ những mối liên kết mà chúng ta, đã mãi tôi luyện trong lửa của hai Thế chiến. Chúng ta thấy điều đó ở những đội quân vẫn túc trực trên Bán đảo Triều Tiên, sát cánh cùng các đồng minh gìn giữ hòa bình. Chúng ta nhìn thấy điều đó ở mọi căn cứ, mọi doanh trại, mọi con tàu, hàng không mẫu hạm, trên toàn cầu, nơi quân đội của chúng ta tự hào phục vụ và đứng vững như một lực lượng bảo vệ an ninh cho những điều tốt đẹp hòa bình của thế giới,” Tổng thống Biden khẳng định nói.
“Vào ngày này, chúng ta lại cùng nhau suy ngẫm, tưởng niệm, ghi nhớ. Nhưng trên hết, để tái cam kết với tương lai, mà các anh hùng liệt sĩ của chúng ta đã chiến đấu cho lý tưởng, rằng các thế hệ quân nhân đã hy sinh vì một tương lai để có tự do, dân chủ, bình đẳng, khoan dung, cơ hội, và, vâng, công lý!”



Hôm Nay: “Memorial Day!” Lễ Chiến Sĩ Trận Vong 2024 Tại San Jose
Trong Tinh Thần Nhớ Ơn Những Người Nằm Xuống, Để Chúng Ta Được Hưởng Độc Lập Tự Do
Kính Mời Quý Niên Trưởng, Quý Chiến Hữu, Đồng Hương Tham Dự Thật Đông:
Ngày Tưởng Niệm Chiến Sĩ Trận Vong Tại San Jose


Với Chủ Đề: “Họ Đã Hy Sinh Tất Cả!”
Lúc 11 giờ sáng, Thứ Hai, hôm nay! ngày 27 tháng 5, năm 2024
Tại Oakhill Funeral Home And Memorial Park
300 Curtner Ave, San Jose. CA
*Từ lúc 9 giờ sáng, Lực Lượng Sĩ Quan Thủ Đức Bắc Cali sẽ cắm Lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ thân yêu, Trên Các Nấm Mộ Chiến Sĩ Hoa Kỳ Đã Chiến Đấu Tại VN.


Câu Chuyện Thật Cảm Động Nhân Lễ Chiến Sĩ Trận Vong. Bà Mẹ Việt Nam Đoàn Tụ Với Con, Trong Nghĩa Địa Arlington!
-Có bà mẹ Việt Nam, gốc Long An, sinh quán Sài Gòn, lớp ngoài 50, đến Mỹ diện đoàn tụ. Sở di trú hỏi rằng đoàn tụ với ai? Đoàn tụ với con trai. Con trai đâu rồi? Chết rồi. Chết ở đâu? Chết ở Iraq. Cháu là Thủy Quân Lục Chiến Mỹ. Tôi tên là Nguyễn Thị Kim Hoàn, con trai tên là Lê Ngọc Bình...


Tuy Kim Hoàn khai như vậy nhưng liên hệ mẹ con rất phức tạp. Hồ sơ được dân biểu đưa cả lên Quốc hội, sau cùng mới giải tỏa. Luật sư Hoa Kỳ do Thủy quân lục chiến (TQLC) Mỹ yêu cầu đã biện hộ cho bà mẹ Việt Nam. Xin vắn tắt nói cho gọn câu chuyện dài dòng.
Một lính TQLC Mỹ gốc Việt anh hùng đã hy sinh tại Trung Đông để cứu đồng đội ngày 3 tháng 12/2004.
Anh đã xông ra cổng trại, hạ sát tài xế đang lái xe bom lao vào căn cứ. Bom nổ, anh bị thương nặng, cưa 1 chân, nhưng vẫn không cứu được.
Trước khi chết, hạ sĩ Lê Ngọc Bình trối trăn rằng hãy liên lạc với mẹ anh. Nguyễn Thị Kim Hoàn còn ở Việt Nam.
Bạn của Lê Bình khai rằng mộng ước của anh hạ sĩ trẻ gia nhập thủy quân lục chiến Hoa Kỳ là để trở thành công dân và sẽ lo đoàn tụ với mẹ tại Mỹ.
Bây giờ mỗi tuần, hàng tháng, qua nhiều năm. Mẹ con đoàn tụ tại nghĩa trang Arlington, VA.
Ngày giỗ của hạ sĩ Lê Bình cũng là ngày lịch sử trong nhật ký hành quân của căn cứ thủy quân lục chiến Mỹ thoát nạn xe bom 500 cân nổ ở cổng trại Terbil.
Đó là ngày 3 tháng 12 năm 2004, cách đây 18 năm. Cũng như mọi năm, mùa lễ hội năm nay, trong lúc mọi gia đình gặp nhau từ lễ Tạ ơn đến Giáng sinh ở khắp nơi trên thế giới thì Kim Hoàn sẽ gặp con trai yêu quý của cô tại Arlington.

Cô Kim Hoàn họ Nguyễn lấy chồng họ Trần và sinh hạ được con trai duy nhất tên Bình. Trần Ngọc Bình.
Một buổi sáng mùa thu năm 1991 hai vợ chồng đưa cháu Bình 7 tuổi lên đường đi du học Hoa Kỳ. Gia đình vợ chồng trẻ, không có sự nghiệp lấy tiền đâu mà cho đứa con trai duy nhất đi Mỹ du học cấp tiểu học.
Câu chuyện rắc rối với giấc mơ Mỹ quốc bắt đầu. Cô em chồng họ Trần lấy anh chàng họ Lê vừa trúng số di dân được phép nhập cư vào Mỹ. Vợ chồng anh Lê không có con bèn nhận cháu Bình làm con nuôi. Như vậy là thằng Bình con cô Kim Hoàn từ họ Trần chuyển qua họ Lê để được đi du học theo diện tỷ phú Việt Nam.
Kim Hoàn không bao giờ quên được đứa con trai trong buổi tiễn đưa từ phi trường Tân Sơn Nhất. Cô chỉ có 1 con trai duy nhất. Đời sống vợ chồng đã bắt đầu không hợp. Chỉ có đứa con là niềm vui gia đình.


(Hình: Hạ sĩ Thủy Quân Lục Chiến Mỹ: Lê Ngọc Bình)
Thằng bé gầy ốm, ngoan ngoãn, hết lòng thương yêu mẹ, nay bỗng chốc trở thành xa cách. Tờ giấy viết tay đồng ý cho làm con nuôi người ta, ký trong nước mắt.
Cô không ngờ rằng sau này, dù còn sống cũng đã có lúc mất con. Sau cùng đứa con chỉ trở lại khi đã nằm sâu dưới lòng đất.
Nhưng ngay lúc chia tay ở phi trường, cùng với bao gia đình giàu có tiễn con đi Mỹ, Kim Hoàn cố vui trong niềm hy vọng tương lai.
Chẳng quản ngại những phiền phức về giấy tờ. Cô tin chắc rằng thằng Bình thương yêu của cô sẽ không bao giờ bỏ cô. Nó sẽ trở về hoặc cô sẽ ra đi. Mẹ con rồi sẽ gặp nhau!
Đâu có ai ngờ rằng niềm vui đã nằm trong thiên tai. Bạn của Lê Bình khai rằng mộng ước của anh hạ sĩ trẻ gia nhập thủy quân lục chiến Hoa Kỳ là để trở thành công dân và sẽ lo đoàn tụ với mẹ tại Mỹ.

Hạnh phúc thật gần.
Cậu bé Trần Ngọc Bình của mẹ Kim Hoàn nay trở thành Bình Lê đi Mỹ được vài tuần là cu cậu nhớ mẹ, nhớ nhà.
Ở với các cô dượng, nhưng vẫn nhớ mẹ ngày đêm. Đứa bé 7 tuổi hý hửng lên đường đi Mỹ nhưng chim non vẫn chưa quen rời tổ mẹ. Mẹ con vẫn cố liên lạc qua điện thoại và những lá thư hiếm hoi.
Mẹ viết cho con rất nhiều nhưng chỉ nhận được rất ít. Ai cũng biết rằng thằng Bình 7 tuổi thì chữ nghĩa Việt ngữ được bao nhiêu.
Nhưng hạnh phúc biết bao, năm cháu 12 tuổi thì cô dượng về chơi cho Bình về thăm nhà. Trải qua 5 năm ở Mỹ nhưng Bình vẫn còn là con trai của mẹ Kim Hoàn.
Mẹ chiên khoai cho con trai ăn xem có khác gì khoai chiên của Mỹ. Con kể chuyện Hoa Kỳ và hứa hẹn có ngày khôn lớn sẽ đem mẹ qua Mỹ.
Mẹ con đều không biết rằng bây giờ đâu còn liên hệ thân quyến để sau này hợp lệ đoàn tụ. Con mình đã thành con người ta. Tuy nhiên đứa bé 12 tuổi vẫn giữ mãi quyết tâm.
Sau lần về thăm viếng rồi lại ra đi. Nước mắt mẹ con lại rơi xuống với niềm hy vọng vào tương lai đoàn tụ.
Vẫn là Tân sơn Nhất chia ly 5 năm trước, bây giờ giã biệt lần thứ hai. Chẳng biết đến bao giờ gặp lại.

Hạnh phúc rời xa.
Sau khi cháu Lê Bình ra đi thì đời sống vợ chồng cô Kim Hoàn sóng gió. Anh chồng họ Trần là cha ruột của cháu Bình ly thân rồi ly dị với mẹ Kim Hoàn.
Từ đó gia đình cô em chồng bên Mỹ cũng như nhà chồng ở Việt Nam tuyệt giao không còn liên lạc. Không có địa chỉ mới, không có điện thoại. Mẹ Kim Hoàn hoàn toàn không có tin tức gì về đứa con trai thân yêu trong 4 năm dài.
Ở Việt Nam, mẹ đau thương khổ sở vì đứa con còn sống mà như là mất tích. Trong khi đó, suốt thời gian ở trung học Bình Lê tỏ ra rất xuất sắc.
Cháu là thành viên của ban nhạc thiếu nhi trong nhà thờ. Bình tập chơi tất cả các nhạc cụ. Trumpet, Key Board và Drump. Anh còn gia nhập đội Thiếu sinh quân trong trường và trở thành tiểu đoàn trưởng đơn vị Eagle. Con đường này sau này đã dẫn em theo binh nghiệp.
Nhưng thằng Bình của mẹ lớn dần và ngày đêm đòi cô dượng phải cho tin tức của mẹ. Lê Bình biết là mình không phải con mồ côi. Bình biết là mẹ còn chờ đợi ngày đêm ở Việt Nam. Cháu đòi phải liên lạc cho bằng được.
Sau cùng cậu thiếu niên 18 tuổi tốt nghiệp Edison High School ở Fairfax đã trở về Việt Nam thăm mẹ lần thứ hai. Nét mặt vẫn trẻ thơ nhưng Lê Ngọc Bình đã cao lớn, rắn rỏi và đầy nghị lực.
Mẹ con lại từ biệt trên sân bay Tân sơn Nhất. Mẹ Kim Hoàn thấy con trưởng thành đầy tương lai nhưng không hiểu sao chợt thấy nhiều lo ngại. Cô nói rằng tiễn con ra đi lần thứ 3, sau đó bị ốm mấy tháng.

Phần Lê Bình, anh thấy rõ con đường trước mặt. The Few, The Proud, The marine. Không cho mẹ biết, anh gia nhập Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ và lập tức được gửi qua Trung Đông đánh trận Iraq năm 2003.
Từ Iraq trở về đơn vị bên Okinawa, Bình mới gọi điện thoại về cho mẹ biết con đi lính. Con nói bây giờ bình yên rồi. Đánh trận Irag xong rồi. Mẹ con thời kỳ sau này liên lạc nhiều qua email.
Mẹ viết thư email lên tiếp, con trả lời vừa ngắn vừa thưa thớt. Tình yêu con tràn ngập tuôn trào trên máy điện toán. Quyết tâm sẽ đưa mẹ qua Mỹ, vào quân đội là con đường để sớm đạt mục đích.

Những lá thư.
Trải qua nhiều tháng giữa hai kỳ dưỡng quân, mẹ con trao đổi email. Xấp bản sao những lá thư trong hồ sơ Lê Ngọc Bình tặng cho Viet Museum tràn đầy nước mắt.
Thất vọng về chuyện gia đình, mẹ Kim Hoàn trải dài tâm sự qua đứa con trai xa cách. Hôm nay là ngày sinh nhật của con. Con đang làm gì?
Giáng sinh năm nay con ở đâu? Năm con 5 tuổi mẹ dẫn con đi xem đèn nhà thờ, con nhớ không?
Thời kỳ mất liên lạc, mẹ tưởng chừng không sống nổi. Sao con đi lính mà không cho mẹ hay. Cô dượng ký tên cho con nhập ngũ cũng không cho mẹ biết.
Bình thân yêu của mẹ. Hôm nay mẹ ngồi viết email cho con lúc 12 giờ khuya. Thiên hạ đón giao thừa. Mẹ nhớ lúc con còn nhỏ ngồi bên mẹ. Hạnh phúc biết bao!
Bây giờ không biết đến bao giờ mẹ con mới đoàn tụ. Đến khi nào nhắm mắt, mẹ có con bên cạnh là mãn nguyện. Mẹ mới gửi quà cho con. Nhưng nghe có bão tuyết nên thư từ bị chậm.
Rồi mẹ Kim Hoan hết sức vui mừng nhận được thư của con. Mẹ thương của con. Bình viết. Con rất thương mẹ. Con mong mẹ vui và đừng lo cho con nữa. Con đã tự lo lấy từ năm 12 tuổi.
Bây giờ đi lính là con đường con lựa chọn. Trước hết phải đi lính. Sau này quân đội cho con tiền đi học, chính phủ cho con quốc tịch. Con đón mẹ qua. Con lập gia đình. Chắc chắn mẹ con sẽ đoàn tụ.

Đoạn kết một thảm kịch.

Tiếng bom nổ ở trại lính bên Trung Đông đã làm tan nát giấc mơ đoàn tụ của cô Kim Hoàn ở Sài Gòn.
Lời trăn trối của hạ sĩ truy thăng Lê Ngọc Bình lập tức được thi hành. Trong một ngày tòa lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn làm giấy tờ và lấy vé máy bay cho cha mẹ anh qua Mỹ.
Hai vợ chồng cũ ngồi bên nhau trong chuyến bay theo diện “du lịch” Mỹ, mỗi người suy tư một ngả.
Kim Hoàn về tạm trú bên nhà em chồng là cô dượng nuôi cháu Bình. Những ngày đầu tiên trên đất Mỹ chắc chắn không phải là những ngày vui.
Phần đất nước xa lạ, phần thương con, lại thêm hoàn cảnh không hòa thuận với gia đình bên chồng cũ.
Thậm chí ngay khi thiên hạ đi đón xác Lê Bình về, Kim Hoàn cũng không được báo cho biết để tham dự.
Chỉ đến khi chôn cất cô mới có mặt tại giây phút đau thương. Sau đó. Người chồng cũ đã có gia đình mới ở Việt Nam, nên trở về. Kim Hoàn xin ở lại.
Vì không còn là mẹ chính thức của tử sĩ anh hùng Lê Ngọc Bình nên hồ sơ không hợp lệ. Thủy quân lục chiến phải tìm một luật sư tình nguyện và thỉnh cầu dân biểu địa phương trình một dự luật đặc biệt để người mẹ xấu số có được thẻ xanh.
Giấc mộng đoàn tụ bây giờ mới thực sự có kết quả.

Đoàn tụ ở Arlington.
Kim Hoàn đến Mỹ theo điện du lịch, tất cả mọi thứ đều phải tự lo lấy. Quét nhà, trông em, phụ bếp. Cô đã trải qua tất cả.
Không nghề nghiệp, không Anh ngữ, không kinh nghiệm, cô phải làm bất cứ nghề gì để sinh tồn…Sau cùng cô đi học công việc sơn móng tay làm đẹp phụ nữ thủ đô Hoa Kỳ.
Cô nói, thì ít ra cũng gọi là một nghề. Làm Nail. Đó là công việc hàng ngày. Nghề riêng là đoàn tụ hàng tuần hàng tháng với con trai.
Mùa Xuân chim hót chào đón mùa hè nở hoa. Mùa thu lá rụng dọn đường cho tuyết rơi mùa đông. Nghĩa trang cho cô giấy phép lái xe vào khu 60 đến thăm con.
Nửa năm đầu nghĩa trang mở cửa đến 7 giờ chiều. Nửa năm sau 5 giờ đóng cửa sớm. Arlington mênh mông 250 mẫu với hàng trăm ngàn ngôi mộ từ trăm năm qua, ngày nay trở thành quen thuộc.
Ngày 3 tháng 12 năm nay tưởng nhớ ngày con trai tử trận, Kim Hoàn sẽ lại đến với cháu Lê Ngọc Bình. Người anh hùng mang huy chương anh dũng bội tinh với ngôi sao bạc.
Cô khấn vái. Bình thương yêu. Phải chi năm 7 tuổi mẹ không cho con đi Mỹ. Mẹ không bỏ con. Mẹ chỉ muốn con có tương lai. Mẹ cũng hy vọng một ngày sang Mỹ đoàn tụ với con ở thiên đường.
Cho con đi theo cô dượng, mẹ làm đúng hay sai. Năm con 20 tuổi, phải chi con đừng đi lính. Con quyết định đi lính, để rồi đoàn tụ với mẹ ở đây. Con làm đúng hay sai.
Mẹ đang sống ở đây. Thiên đường hay địa ngục. Giữa buổi chiều lạnh vắng. Cô Kim Hoàn lấy tay xoa trên bia mộ rồi đưa lên môi.
Người mẹ hôn đứa con thân yêu nằm dưới ba thước đất, trong lòng nghĩa trang Quân Đội Mỹ Arlington!

(Bài viết kể về một câu chuyện Người Lính Mỹ Gốc Việt hoàn toàn có thật).


Những vòng hoa trong Ngày Lễ Chiến Sĩ Trận Vong nhớ và quên trong “Memorial Day!”
(Lan Bùi)
-Memorial Day thường là dịp người dân Mỹ nghỉ ngơi, đi chơi, picnic. Nhiều nơi tổ chức âm nhạc ngoài trời hay parade. Ngày này, khắp nơi người người cố gắng dành thời gian để viếng nghĩa trang và đặt hoa cho người nằm xuống.


(Hình: Mary McHugh khóc người yêu tại Nghĩa trang Quốc gia Arlington)
Từ ngàn xưa con người đã có tục lệ truy điệu chiến sĩ trận vong. Ở Hy Lạp, sau mỗi trận đánh, người dân thành Athens đều tổ chức một buổi lễ tưởng niệm người chết, trước khi chôn cất họ tại nghĩa trang quốc gia Kerameikos. Sử sách ghi, năm 431 BC, sau cuộc chiến Peloponnesian, danh tướng Hy Lạp Pericles, đã đọc một bài điếu văn, được xem là một tuyệt tác, không thua gì Gettysburg Address của Tổng thống Abraham Lincoln.
Trong những năm Nội Chiến Mỹ (1860-1865), một số phụ nữ vẫn thường hay mang hoa đến trang hoàng các nấm mồ tử sĩ. Ðầu tháng Năm 1865, chỉ vài tuần lễ sau khi chiến tranh chấm dứt, một buổi truy niệm lạ thường, đã diễn ra tại South Carolina. Hơn 1,000 người nô lệ vừa được tự do, đã làm lễ chiêu hồn cho 250 tù binh miền Bắc, chết trong một trại tù dã chiến, gần Charleston được xây lên từ một trường đua ngựa. Một số sử gia gọi đây là lễ Memorial đầu tiên, nhưng thành phố tổ chức lễ truy niệm thường niên sớm nhất là Waterloo, New York.

Chuyện kể, vào một ngày đầu Xuân năm 1865, dược sĩ Henry C. Welles nhìn ra cửa sổ và thấy một goá phụ đơn độc, đặt một chiếc hoa lên ngôi mộ người chồng chết trận. Hình ảnh xúc động ấy, khiến ông nảy ra ý nghĩ tổ chức một buổi lễ tưởng niệm hàng năm. Dân làng đồng lòng hưởng ứng. Mùa Xuân 1866, lễ truy niệm chiến sĩ trận vong đã diễn ra tại Waterloo, và trở thành một truyền thống của làng. Ðúng 100 năm sau, Tổng thống Lyndon Johnson chính thức tuyên bố Waterloo, là nơi sinh ngày lễ Memorial Day!
Lần đầu tiên toàn nước Mỹ có một ngày lễ chính thức, cho chiến sĩ trận vong là năm 1868. Ðại tướng John Logan, tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ, là người chọn ngày 30 tháng 5 và gọi nó là Decoration Day, ngày đặt hoa tưởng niệm trên các ngôi mộ. Ý tưởng này có lẽ đến từ những người phụ nữ. Trước đó hai năm, hội phụ nữ Ladies Memorial Association ở Columbus, Georgia, ra nghị quyết tổ chức lễ truy niệm tử sĩ hai miền, vào ngày 25 tháng Tư, 1866. Vợ của tướng Logan, vào tháng 3 năm 1868, viếng thăm Richmond, thủ đô của miền Nam thời chiến, và kể lại cho chồng mình nghe về những ngôi mộ tử sĩ không ai chăm nom. Trong nghị lệnh số 11 ban hành ít ngày sau đó, tướng Logan viết “Mục đích của ngày 30/5, là để mang hoa, đến trang hoàng các ngôi mộ của các chiến sĩ vị quốc vong thân, thân xác của họ giờ đang rải rác khắp mọi làng xã thị thành, khắp đất nước!”


(Hình: Tổng tư lệnh John Logan, vợ Mary, con trai John Jr. và con gái Dolly.)
Ngày 30/5/1868, tại nghĩa trang quốc gia Arlington National Cemetery, một buổi lễ long trọng với gần 5,000 người tham dự đã diễn ra. Trẻ em, trong số đó có nhiều em mồ côi, đã đến đặt hoa lên các ngôi mộ của các binh sĩ Union và Confederate đã bỏ mình trong cuộc chiến.
Khắp nước Mỹ, hầu như tiểu bang nào cũng tổ chức lễ Decoration Day tương tự. Tuy nhiên tại miền Nam một số tiểu bang lại chọn ngày khác, để làm lễ và gọi nó là Confederate Memorial Day. Cho đến năm 2020 vẫn còn 7 tiểu bang miền Nam không tổ chức chiến sĩ trận vong cùng ngày với cả nước: Texas (19/1); Florida (26/4); Mississippi, Alabama, Georgia (27/4); North & South Carolina (10/5).

Khi Ðệ Nhất Thế Chiến bùng nổ, Memorial được biến thành ngày lễ chung cho tất cả các cuộc chiến: Spanish-American War, Ðệ Nhị Thế Chiến, Chiến tranh Triều Tiên… Năm 1968, khi chiến cuộc tại Việt Nam đang vào hồi nóng bỏng, Quốc Hội Hoa Kỳ ban hành một đạo luật tên là Uniform Monday Holiday, chọn ngày Thứ Hai cho một số ngày lễ lớn trong năm để người dân có được 3 ngày cuối tuần nghỉ ngơi. Theo đó, Memorial Day được dời từ 30 tháng 5 sang ngày thứ Hai của tuần lễ cuối trong tháng.
Từ đó Memorial Day Weekend không chỉ để tưởng niệm chiến sĩ trận vong, mà còn là dịp đánh dấu Vào Hè! cho người Mỹ đi cắm trại, du lịch, picnic, nướng BBQ… Theo mô hình kinh tế thị trường, hàng quán, chợ búa khắp nước bắt đầu có Memorial Day Sale. Dần dà ý nghĩa của ngày lễ nghiêm trang này bị thương mại hóa, mai một ít nhiều.


(Tranh minh họa Decoration Day thập niên 1870)
Thuở sinh thời Thượng nghị sĩ Daniel Inouye (1924-2012) của Hawaii, năm nào cũng đề xuất một dự luật cho dời Memorial Day trở lại ngày 30 tháng 5, nhưng không thành công. Xuất thân là một sĩ quan trong Ðệ II Thế Chiến, ông Inouye từng bị mất cánh tay phải do lựu đạn. Cho đến năm cuối trong Thượng Viện (2010) ông vẫn cố đưa dự luật Memorial Day của mình ra bàn thảo, chỉ để nhìn thấy nó thất bại. Nhưng, như câu thành ngữ mà danh tướng Mc Arthur nói với Quốc Hội năm 1951 trước khi ông về hưu: “Old soldiers never die, they simply fade away” — người lính già không bao giờ chết, họ chỉ âm thầm biến vào hư vô…


Thế còn người lính già Việt Nam Cộng Hòa thì sao?


Tiếng súng đã dứt gần nửa thế kỷ, nhưng người Việt vẫn chưa được có một ngày lễ chiến sĩ trận vong đúng nghĩa. Qua gần 50 năm, Người miền Nam cho tới bây giờ vẫn chưa được phép truy điệu tử sĩ của họ. Ngược lại, những gì liên quan đến Người Lính VNCH đều bị cấm! Nhiều năm trời không ai được vào thăm viếng hay chăm sóc Nghĩa Trang Quân Ðội ở Biên Hoà. Chỉ khoảng vài năm trở lại đây, mới thấy nhà cầm quyền, đang ve vãn Mỹ, có vẻ dễ dãi hơn một tí, các Ðại sứ của chính phủ Mỹ một vài lần đến thắp hương tại Nghĩa Dũng Ðài.
Nhưng giống như những hội phụ nữ ở miền Nam nước Mỹ thuở xưa, một số người dân Sài Gòn vẫn âm thầm lặng lẽ đến Nghĩa Trang Biên Hoà dọn cỏ, tảo mộ cho các anh. Nhất là những dịp vào Lễ Vu Lan. Người viết nghe kể thỉnh thoảng họ vẫn bị công an theo dõi hay bảo vệ làm khó dễ, cứ như người chết có thể đội mồ sống dậy lật đổ chế độ không bằng. Nhà nước cộng sản hay hô hào hoà hợp hoà giải, nhưng một việc đơn giản như tưởng niệm người chết, họ còn không làm được, thử hỏi làm sao hoà giải giữa người sống?

Bài học Decoration Day của người Mỹ tuy đơn giản nhưng xem ra vẫn còn quá khó cho dân ta bắt chước. Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, hàng năm cứ đến ngày 30/4 hồ chừng cái hố cách ngăn giữa người Việt và Việt Cộng lại bị đào rộng ra thêm, những vết thương lại bị khoét sâu hơn.
Lẽ ra nó phải là ngày mọi người Việt, trong cũng như ngoài nước, ngừng mọi công việc để hướng lòng về những ngôi mộ lạnh không người chăm sóc. Lẽ ra nó phải là ngày học sinh được đem hoa đến trang hoàng các khu nghĩa trang khắp mọi miền đất nước, để hy vọng qua đó các em sẽ học được bài học quý giá về những hy sinh và mất mát của chiến tranh. Không như người Mỹ, bên thắng, bên thua, đều giống nhau!
Nếu chúng ta thật sự muốn có hoà hợp hoà giải thì ngày 30/4, nên được xem như một ngày Memorial Day — một ngày quốc tang, chứ không phải dịp để mở yến tiệc vui chơi trên vết thương chưa lành của lịch sử hay trên cơn đau chưa nguôi của dân tộc.
Nó phải là ngày cho những người lính già của hai bên, kể cả thương phế binh và cựu tù, có dịp ngồi lại để tâm sự và chia sẻ câu chuyện đời lính — trước khi tất cả biến vào hư vô.
Bên thắng cuộc chiến là phe ác, muốn giết tất cả những người thua cuộc! kể cà những người lê lết dưới đất, như những người Thương Phế Binh VNCH.
Đau xót quá cho dân tộc tôi!

Lan Bùi


Các bà mẹ chiến sĩ Mỹ tưởng nhớ con chết trong chiến tranh Việt Nam

 
(Hình: Bốn bà mẹ người Mỹ chia sẻ về cái chết của con trai của mình trong chiến tranh Việt Nam nhân ngày Lễ Chiến sĩ Trận vong.)
(Phương Anh, phóng viên đài RFA)

-Các bà mẹ chiến sĩ thuộc Hội Các Bà Mẹ Có Ngôi Sao Vàng tham dự Lễ Chiến sĩ Trận vong tại Đài Tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam.
Hôm nay thứ hai, ngày 27 tháng 5 ở Hoa Kỳ là ngày Memorial Day, tức ngày lễ Chiến Sĩ Trận Vong, dành để tưởng nhớ và vinh danh những người lính đã hy sinh vì tổ quốc trong chiến tranh. Trong dịp này, những quân nhân tử vong tại chiến trường Việt Nam luôn được nhắc đến nhiều nhất. Mỗi năm, tại bức tường đá đen ở Hoa Thịnh Đốn, nơi khắc tên của 58 ngàn binh sĩ tử trận tại Việt Nam, đều có buổi lễ tưởng niệm diễn ra vô cùng long trọng.
Một trong những nghi thức là đặt vòng hoa màu vàng, hình ngôi sao của Hội Gold Star Mothers, xin tạm dịch, Hội Các Bà Mẹ Có Ngôi Sao Vàng. Đây là hội của những bà mẹ có con chết trận tại Việt Nam. Nhân dịp lễ này, Phương Anh xin mời qúi vị nghe tâm sự của môt vài bà mẹ Mỹ, có con chết tại chiến trường Việt Nam.

Hội Gold Stars Mothers, tức Hội Các Bà Mẹ Có Ngôi Sao Vàng, do một quả phụ là bà Grace Darling Seibold thành lập vào ngày 4 tháng 6 năm 1928, qui tụ những phụ nữ không may có chồng hay con bị tử trận trong cuộc chiến để nâng đỡ và trợ giúp lẫn nhau. Bà chọn tên “Ngôi Sao Vàng” vì lúc bấy giờ, những gia đình nào có người tử trận, đều treo ngôi sao màu vàng trên cửa sổ nhà của họ. Khởi đầu ở Washington DC, cho đến hôm nay, tổ chức này đã có mặt hầu hết trên khắp các tiểu bang.
“Khi chính phủ đưa quan tài của nó về, tôi không tin là có thi thể của nó trong đó!”
(bà Georgie Krelle)

Trong thời chiến tranh Việt Nam, rất nhiều phụ nữ có chồng hay con bị tử trận, đã ghi danh tham gia. Tại ngôi nhà xinh xắn với 4 tầng lầu ở đường Leroy, Washington D.C, nơi là trụ sở chính của Hội và cũng là nhà trọ cho các bà mẹ từ các tiểu bang khác về tham dự Lễ Chiến sĩ Trận vong năm nay, bà Georgie Krelle, 77 tuổi, rơm rớm nước mắt kể về con trai mình như sau:
"Thưa bà, chúng tôi rất tiếc, con trai bà đã tử trận."
“Con trai tôi tên là Bruce Carter, đến Việt Nam năm 1968 và đã tử trận tại Quảng Trị ngày mồng 7 tháng 8 năm 1969. Tôi có 3 đứa con, một trai, hai gái. Bruce là con trai lớn của tôi. Nó chết khi nó mới 19 tuổi. Tôi không bao giờ quên được ngày hôm ấy, vì lúc bấy giờ, tôi đang chuẩn bị ra toà để ký giấy kết hôn với ông Krelle. Tôi nghe tiếng gõ cửa khi bạn tôi đang giúp tôi trang điểm. Tôi mở cửa và nhận được hung tin con trai tôi đã chết trong lúc giao tranh.
Tiệc cưới của tôi và ông Krelle đã được chuẩn bị vào ngày 15 tháng 8, sinh nhật của tôi là ngày 25 tháng 8. Trong khi đó, con trai tôi chết vào ngày 7 và được chôn đúng ngày sinh nhật của tôi. Năm ấy, tháng 8 đối với tôi là những ngày bị căng thẳng nhiều nhất. Cũng như những bà mẹ khác, tôi rất đau khổ và bị sốc.
Con trai tôi được tưởng thưởng huân chương quốc gia cao quí nhất vì đã hy sinh cứu đồng đội của nó. Những ngày sau đó, tôi không thể làm gì được, nhưng cuối cùng, thì tôi cũng phải nén nỗi đau của mình mà sống thôi. Tôi còn nhớ rõ là khi chính phủ đưa quan tài của nó về, tôi không tin là có thi thể của nó trong đó.
Tôi cứ mong đó là một sự nhầm lẫn nào đó thôi. Mãi đến một năm sau, một người đồng đội của nó, từ chiến trường Việt Nam, được trở về Hoa Kỳ, đã đến gặp tôi và cho hay rằng, chính anh ta đã ở bên cạnh xác con tôi đến khi quan tài đưa vào trực thăng đi về Hoa Kỳ. Lúc đó, tôi mới đành chấp nhận sự thực.”
Cái chết của cậu con trai yêu quí đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của bà Georgie Krelle. Từ một người phụ nữ sống khép kín, chỉ quanh quẩn ở trong nhà, ít giao thiệp với mọi người chung quanh, bà ghi danh vào Hội Gold Star Mothers, và tìm đến một doanh trại quân đội đóng gần nhà, bà tâm sự:
“Trái tim tôi, trí óc tôi luôn luôn nghĩ về đứa con trai yêu qúi của tôi. Cái chết của nó đã làm cuộc đời tôi thay đổi hẳn. Thú thực là lúc đầu, tôi rất giận dữ và thù ghét cả hai chính phủ vì đã đẩy con tôi vào chỗ chết. Tôi khóc lóc và luôn thù hận. Nhưng rồi, với sự nâng đỡ của chồng tôi, chị em tôi và gia đình tôi, tôi đã vượt qua được nỗi đau đó và phải tìm cách làm việc gì đó cho vơi đi. Thế là tôi dành hết thời gian cho quân đội. Tôi đã tình nguyện làm việc thiện nguyện cho quân đoàn ở Miami 18 năm. Tôi thường kể cho các cháu ngoại của tôi nghe về Bruce.”
“Mẹ ơi, có lính thủy quân lục chiến đến nhà.’ Tôi giật mình và đi ra cửa thì họ đã vào nhà. Tôi hỏi ngay: ‘Chuyện gì đã xảy ra với con tôi?’ Họ nói:’ Thưa bà, chúng tôi rất tiếc, con trai bà đã tử trận.”
(cụ bà Florence Johnson)

Cụ bà Florence Johnson, năm nay 85 tuổi, mãi mãi tâm niệm rằng người con trai duy nhất, tên là Edward Johnson, bao giờ cũng là một thanh niên tràn đầy sức sống. Những kỷ niệm lúc nhỏ và thời niên thiếu của anh bà vẫn còn nhớ rõ và kể lại vanh vách:
“Tôi đã mất đứa con trai tại chiến trường Việt Nam vào ngày 27 tháng 8 năm 1967. Nó là lính thuỷ quân lục chiến. Tôi được biết là tiểu đội của nó bị quân Cộng Sản phục kích và nó bị thương nặng, đưa về bệnh viện ở Hội An thì nó chết. Lúc nó vừa tròn 21 tuổi.
Tôi còn nhớ là khi đó, tôi đang ở nhà thì được điện thoại của vị mục sư ở nhà thờ nói rằng đến thăm gia đình tôi. Tôi rất ngạc nhiên nhưng cũng sẵn lòng đón ông ấy. Khi tôi và vị mục sư đang ngồi nói chuyện với nhau, chưa đầy 5 phút thì đứa con trai nhỏ của tôi chạy vào nói: ‘Mẹ ơi, có lính thủy quân lục chiến đến nhà.’ Tôi giật mình và đi ra cửa thì họ đã vào nhà. Tôi hỏi ngay: ‘Chuyện gì đã xảy ra với con tôi?’ Họ nói:’ Thưa bà, chúng tôi rất tiếc, con trai bà đã tử trận.’
Nghe tới đó, tôi không còn biết gì nữa, chỉ biết khóc lóc và chửi rủa họ dữ dội. Tôi la hét và thực sự chỉ muốn la hét cho hả giận. Và sau đó phải mất cả gần tháng trời tôi mới bình tĩnh lại được đôi chút. Chồng tôi, chị và em gái tôi cùng đi với tôi nhận quan tài ở phi trường, Khi tôi thấy quan tài từ trên máy bay đưa xuống, tôi chỉ muốn chạy nhào đến để nhìn xem có thực sự là con tôi hay không. Tôi vẫn mong rằng đó là sự nhầm lẫn nào đó mà thôi. Nhưng sự thực vẫn là sự thực!”

Nỗi mất mát chung

Một bà cụ khác, tên Terry Davis, 81 tuổi, hiện đang sống ở bang Massachussette, luôn đeo hình cậu con trai trước ngực. Anh tên là Richard Davis, thuộc lực lượng đặc biệt, tử trận ngày 6 tháng 6 năm 1968. Bà đã nghẹn ngào kể lại với Phương Anh rằng:
“Lúc bấy giờ nó 20 tuổi. Richard có 4 đứa bạn chơi thân với nhau lắm và hẹn nhau khi tốt nghiệp trung học sẽ đăng lính. Thế là vừa tốt nghiệp xong thì nó tình nguyện đi, một năm sau thì sang chiến trường Việt Nam. Tôi được biết con tôi chết gần biên giới Campuchia. Khi đó, tiểu đội của nó được lệnh đi tiếp cứu một toán khoảng 25 người, nhưng rất tiếc, đã không thành công. Tiểu đội của nó và tất cả 25 người lính đó đều bị tử trận, không một ai sống sót. Tôi nghe kể rằng, sau này, xác của nó đã được những người lính Việt Nam Cộng Hoà cố gắng đem về sau khi đã ngưng bắn.”
Bà cũng cho hay rằng, nhiều năm đã trôi qua, nhưng ngày đau buồn ấy không bao giờ phai mờ trong trí của bà. Tiếng khóc của bà Terry Davis xen lẫn với lời kể về cái chết của người con trai:
“Khi tôi thấy những người lính đến cửa nhà, tôi đã biết chuyện gì xẩy ra rồi. Tôi nói: “Chúa ơi, thế là xong rồi sao?”
Nó là đứa con trai duy nhất của tôi. Tôi thương yêu nó vô cùng! Nó nhất định đòi đi lính cho bằng được, có ngăn cản cũng không được. Và tôi biết rằng công việc của nó nguy hiểm lắm, nhưng tôi rất tự hào về nó. Tôi đã không đủ sức để nhìn mặt con tôi lần cuối vì tôi được báo rằng nó bị bắn nhiều lắm, mặt mũi và thi thể nát bấy. Nó cùng với 10 người lính Việt Nam Cộng Hoà khác đi tiếp cứu. Khi nó đang dùng máy truyền tin gọi tiếp viện thì bị bắn chết. Nhiều năm đã trôi qua, nhưng nó vẫn là đứa con 20 tuổi của tôi.”
Trong cùng buổi viếng thăm trụ sở của Hội Gold Star Mothers, Phương Anh được một bà cụ lớn tuổi nhất, bà Emogene Cupp, 89 tuổi, hiện sống ở Alexandria, Virginia, chia sẻ về người con đã bỏ mình:
“Con trai tôi cũng chết cùng ngày với con bà Terry. Tôi đã chôn nó ở nghĩa trang gần nhà thay vì ở nghĩa trang quân đội. Lúc bấy giờ, những ai có con đi lính bên Việt Nam, khi nhìn thấy chiếc xe của quân đội, với vài người trong bộ quân phục, dừng trước cửa nhà mình thì đều biết chuyện gì đã xảy ra. Bởi thế, khi chiếc xe dừng lại trước nhà tôi, tôi đã biết rồi. Lúc ấy, cũng như những người khác, tôi không tin là sự thực và cứ mong có một sự nhầm lẫn nào đó.
Nhưng cuối cùng thì phải chấp nhận. Nó là con trai duy nhất của vợ chồng tôi. Và nó đã tình nguyện đi lính, có cản nó cũng không được.”
“Tôi thấy có điều gì đó giữa Việt Nam và Miami thật gần gũi với nhau. Đó là một đất nước xinh đẹp, và thật là tiếc, chiến tranh đã xảy ra và tàn phá nó.”
(cụ bà Georgie Krelle)

Ngoài nỗi đau của một người mẹ mất con, các bà còn phải chứng kiến những cảnh đau lòng khác, như nhìn thấy cảnh những người lính trạc tuổi con mình, sống sót trở về từ chiến trường Việt Nam mà không ai chào đón, cho dù cả chính phủ Hoa Kỳ. Cụ bà Terry Davis kể lại:
“Tất cả những thanh niên đó khi trở về đều không muốn nhắc đến, có những người còn không mặc quân phục nữa. Mặc dù không một ai đón chào họ, nhưng chúng tôi, tất cả những bà mẹ có con tử trận tại Việt Nam đã đón mừng họ, đã giúp đỡ họ. Họ là hình ảnh của con chúng tôi. Mãi sau này, khi hội Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ được thành lập, thì họ mới được nhắc đến và vinh danh.”
Những địa danh Việt Nam xa la nhưng gắn liền trong tâm tưởng
Giờ đây, cuộc chiến đã kết thúc, các con của họ không bao giờ trở về nữa nhưng điạ danh xa lạ của một đất nước bên kia bờ đại dương, nơi những người con trai đã bỏ mình, luôn thôi thúc họ tìm hiểu. Sau nhiều năm mong mỏi, cuối cùng, với sự giúp đỡ của một tổ chức thiện nguyện, các bà mẹ này đã thỏa lòng mong ước, bà cụ Georgie Krelle kể lại:
“Năm 2001, tôi đến Việt Nam cùng với một nhóm cựu quân nhân Mỹ. Tôi ở Việt Nam 17 ngày và đến thăm vùng đất mà con trai yêu dấu của tôi đã tử trận. Sau chuyến viếng thăm Việt Nam, tôi cảm thấy lòng tôi nhẹ nhàng hơn. Đất nước Việt Nam có những thứ giông giống như thành phố Miami, tiểu bang Florida của tôi. Tôi thấy có điều gì đó giữa Việt Nam và Miami thật gần gũi với nhau. Đó là một đất nước xinh đẹp, và thật là tiếc, chiến tranh đã xảy ra và tàn phá nó.”
“Hình ảnh của chúng nó luôn ở trong trái tim của những bà mẹ này cho dù thân xác có mất đi. Và, dĩ nhiên, chúng nó đâu có muốn chúng tôi mãi ngã quỵ sau cái chết của chúng nó, đúng không?”
(cụ bà Florence Johnson)

Cụ bà Florence Johnson cũng kể lại kinh nghiệm từ chuyến đi đó:
“Những người dân Việt Nam đã đối xử rất tốt với chúng tôi. Chúng tôi đến những địa điểm nơi con chúng tôi đã tử trận, thắp nến để tưởng nhớ chúng nó. Chúng tôi đã lặng người đi khi nhìn thấy tận miền đất mà trước đây chỉ nghe nói tới với những cái tên xa lạ. Dĩ nhiên, những người dân ở vùng đó họ chẳng biết chúng tôi là ai và tại sao làm như thế.
Nhiều năm đã trôi qua, chúng tôi đều đã ngoài 80, có người đã gần 90, nhưng trí óc chúng tôi vẫn còn minh mẫn và khỏe mạnh. Chúng tôi tin rằng, con của chúng tôi, những thanh niên chết khi tuổi mới đôi mươi, đã phù hộ cho chúng tôi, các bà mẹ của chúng, để có một sức khoẻ tốt, để có cơ hội gặp nhau, để nhớ đến chúng nó. Hình ảnh của chúng nó luôn ở trong trái tim của những bà mẹ này cho dù thân xác có mất đi. Và, dĩ nhiên, chúng nó đâu có muốn chúng tôi mãi ngã quị sau cái chết
của chúng nó, đúng không?”


CỰU CHIẾN BINH MỸ, CHIẾN TRANH VIỆT NAM, VẾT THƯƠNG KHÔNG BAO GIỜ LÀNH!
(Nguyễn Duy An)


(Chút lời giới thiệu:Nguyễn Duy An là người Á Châu đầu tiên đảm nhận chức vụ Senior Vice President National Geographic tổ chức văn hóa khoa học lớn nhất thế giới.
Bài viết của ông mang theo một thông tin đặc biệt: Truyền hình National Geographic chiếu phim 'Inside the Vietnam War' nhân kỷ niệm 40 năm trận chiến Mậu Thân.)


1. Tôi rất ngạc nhiên khi bà thư ký dẫn vị sĩ quan an ninh của Sở vào văn phòng với nét mặt hoảng hốt và rụt rè lên tiếng:
- Duy à... Có chuyện rồi! Ðại uý Morrow cần gặp riêng Duy. Bà ta vội vã quay lưng, với tay đóng cửa và buớc nhanh ra ngoài. Tôi vừa bắt tay đại uý Morrow vừa hỏi:
- Mời đại uý ngồi. Anh tìm tôi có việc gì quan trọng?
- Xin lỗi anh Duy nhé. Ở dưới nhà có 3 người 'homeless' cứ nằng nặc đòi gặp anh cho bằng được. Nhân viên an ninh đã giữ họ lại và báo cáo cho tôi tìm gặp ông để thảo luận. Những người này có vẻ không đàng hoàng... nhưng có một người tên Norman khai rằng anh là bạn của hắn ta.
- Ồ... Ðó là anh chàng thỉnh thoảng vẫn thổi kèn Saxophone kiếm tiền ở trạm xe điện ngầm Farragut West đó mà. Anh ta đàng hoàng lắm. Không sao đâu. Ðể tôi xuống gặp họ.
- Anh chờ chút. Chúng tôi muốn sắp xếp để canh chừng vì hai anh chàng kia trông có vẻ 'ngầu' lắm. Mấy tay này cứ luôn miệng chửi thề và 'càm ràm' với giọng điệu rất hung hăng về cuộc chiến Việt Nam. Tôi đoán chắc họ thuộc nhóm cựu chiến binh Việt Nam mắc bệnh tâm thần... Anh tính sao?
- Tôi nghĩ không cần thiết lắm đâu. Tôi biết tôi không thể dẫn họ lên văn phòng, nhưng có thể mời họ vào 'cafeteria' uống ly nước, chắc không sao chứ?
- Cũng được, nhưng cẩn thận vẫn hơn. Ðể tôi bảo nhân viên để ý trông chừng trong lúc anh gặp họ ở 'cafeteria'. Anh không ngại chứ?
- Cám ơn các anh, nhưng đừng lộ liễu quá, họ tủi thân.
Trong lúc theo với đại uý Morrow xuống nhà gặp 'khách', tôi nghĩ về kỷ niệm quen biết Norman từ gần 10 năm trước.

2. Hồi đó, tôi mới về làm cho National Geographic, vì chưa quen đường sá ở thủ đô Hoa Thịnh Ðốn nên thường đi làm bằng xe 'Metro'. Một buổi sáng Thứ Sáu, tôi đi trễ hơn bình thường vì phải ghé qua trường học để ký một số giấy tờ cho các con trước ngày tựu trường. Vừa ra khỏi xe điện ngầm ở trạm Farragut West, tôi nghe vọng lại tiếng kèn Saxophone rất điêu luyện đang 'rên rỉ' bài Hạ Trắng:

Gọi nắng... trên vai em gầy đường xa áo bay
Nắng qua mắt buồn, lòng hoa bướm say
Lối em đi về... trời không có mây
Ðường đi suốt mùa nắng lên thắp dầy...

Lên khỏi cầu thang ở trạm xe điện, tôi sững sờ khi trông thấy một người Mỹ 'homeless' đang 'ngất ngưởng' thả hồn vào một cõi xa xăm vô định, miệt mài thổi Saxophone. Bài hát vừa dứt, đám đông vây quanh vừa vỗ tay tán thưởng, vừa bỏ một vài đồng bạc lẻ vào cái mũ vải bên cạnh... Tôi tiến đến gần hơn, móc ví lấy tờ giấy bạc $10 bỏ vào mũ biếu anh ta, một người Mỹ có lẽ là cựu chiến binh Việt Nam vì anh ta đang mặc chiếc áo khoác quân nhân, với bảng tên Norman Walker trên túi áo và bên cạnh còn treo lủng lẳng một số huy chương. Tôi chưa kịp bỏ tiền vào mũ, anh ta đã hỏi bằng tiếng Việt:
- Mày Việt Nam hả? Biết bài hát vừa rồi không?
- Ðương nhiên rồi. Ông thổi kèn rất hay và có hồn. Ông nói tiếng Việt cũng giỏi.
- Ðại khái thôi. Kêu mày tao được rồi. Tao đã từng đấm đá gần 8 năm trời trên quê hương của mày, nhưng khi trở về bị quê hương tao ruồng bỏ. Nản bỏ mẹ. Tao nhớ Việt Nam nên tập thổi nhạc Trịnh, thỉnh thoảng ra đây biểu diễn kiếm thêm ít đồng mua cơm mua cháo sống qua ngày với đám bạn không nhà không cửa trở về từ cuộc chiến.
- Ông...
- Lại ông nữa. Mày tao cho thân tình. Không phải người Việt tụi mày vẫn nói thế sao?
- Tôi không quen gọi người lạ như thế. Hay gọi nhau là 'anh tôi' được không?
- Tùy mày. Tiếng Việt tụi mày rắc rối lắm. Mày có cần phải đi làm chưa?

Tao phải tiếp tục thổi thêm vài tiếng nữa mới đủ sở hụi. Tao nghỉ lúc 11 giờ, mày có thể tới nói chuyện. Nếu bận thì thôi. Thứ Sáu nào tao cũng làm ăn tại đây. Nếu không chê, mày có thể trở lại.
- Tôi sẽ trở lại trước 11 giờ. Văn phòng tôi làm việc cũng chỉ cách đây một quãng đường ngắn.
-Mày không sợ hả?
-Sợ gì?
-Tụi tao là loại người bị ruồng bỏ và khinh chê.
- Không có đâu. Tôi sẽ trở lại.
- Ði đi. Hẹn gặp lại.

3. Tôi đã trở lại gặp Norman và mời anh ta cùng ăn trưa hôm đó. Anh ta rất cảm động, và chúng tôi trở thành 'bạn' từ dạo đó. Tôi thắc mắc tự hỏi không hiểu tại sao hôm nay Norman không gọi điện thoại cho tôi mà lại dẫn theo hai người bạn tới văn phòng tìm tôi, gây xáo trộn cho thêm rắc rối.
Tôi chỉ sợ Norman và bạn của anh ta sẽ buồn và mất cảm tình với National Geographic cũng như cá nhân tôi vì bị những nhân viên an ninh của sở 'hạch hỏi'. Ðã từ lâu lắm rồi, tôi cảm nhận được nội tâm đơn thuần và tính tình chân thật của những cựu chiến binh không nhà không cửa lang thang khắp đường phố thủ đô Hoa Thịnh Ðốn. Có những người đã từ bỏ tất cả để sống kiếp lang thang tại vùng thủ đô để thỉnh thoảng có dịp ghé thăm và tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh trong cuộc chiến được khắc tên trên bức tường cẩm thạch mầu đen ở đài tưởng niệm Binh Sĩ Hoa Kỳ Trong Cuộc Chiến Việt Nam (Vietnam Veterans Memorial).
Những cựu chiến binh râu ria xồm xoàm, quần áo rách nát và bẩn thỉu, thân thể xâm đầy những bức hình ngổ ngáo hay những dòng chữ ngang tàng để che dấu một nội tâm lúc nào cũng khắc khoải trong đau thương tủi nhục và nhức nhối từng đêm vì những ám ảnh từ cuộc chiến Việt Nam. Tôi cảm thương với hoàn cảnh của họ và trân quý những hy sinh họ đã dành cho Quê Hương Yêu Dấu Việt Nam của chúng ta.

Vừa gặp mặt, Norman siết chặt tay tôi cười lớn, rồi lên giọng:
- Gặp mày còn khó hơn gặp sĩ quan cao cấp ngoài mặt trận nữa. Hôm nay nói tiếng Anh nhé. Bạn tao không biết tiếng Việt và tao cũng không muốn đám 'cớm dổm' ở đây nghi ngờ, gây thêm phiền phức cho thằng bạn người Việt rất thân của tao.

Norman đổi giọng, nói tiếng Anh:
- Ðây là thằng Duy rất thân của tao. Nó là người Việt tỵ nạn nhưng đang làm lớn ở đây. Chắc nó giúp được tụi mình. Còn đây là Bernie và Bob, hai thằng bạn thân 'homeless' của tao.

Norman vẫn không buông tay nên tôi đành bắt tay trái với Bernie và Bob, rồi lên tiếng mời:
- Mời các bạn xuống 'cafeteria' uống nước và nói chuyện.
- Có tiện không? Hay tụi tao chờ mày ở ngoài kia, lúc nào rảnh ra nói chuyện.
- Không sao đâu. Tuy nhiên, Norman đừng đòi cà phê sữa đá, ở đây không có đâu.

Norman cười ha hả trả lời bằng tiếng Việt:
- Biết rồi! Khổ lắm, nói mãi! Ðúng không? Rất đúng. Nghe giống hệt 'một ông già Bắc kỳ' thứ thiệt.

Chúng tôi vui vẻ buớc vào gọi cà phê, cùng tiến về một bàn trống phía trong cùng trước bao nhiêu con mắt kinh ngạc của những người đang có mặt trong 'cafeteria' sáng hôm đó. Vừa ngồi xuống bàn, Norman vội vàng lên tiếng:
- Ðể khỏi mất thì giờ của mày, tao vào đề ngay nhé. Hôm qua Bernie đọc thấy ở đâu đó nói tuần này National Geographic sẽ có 'preview' cuộn phim 'Inside the Vietnam War' trước khi trình chiếu vào dịp kỷ niệm 40 năm biến cố Tết Mậu Thân. Ðúng không?
- Ðúng rồi. Chúng tôi sẽ bắt đầu chiếu trên đài National Geographic từ ngày 18 tháng 2 này.
- Ðài của tụi mày chỉ có trên 'Cable' và 'Direct-TV'. Dân 'homeless' tụi tao làm sao xem được. Tao biết họ vẫn mời mày 2 vé 'preview' mỗi khi có phim mới. Mày kiếm thêm vé cho 3 đứa tao đi xem với. Ðược không?
- Chắc được. Mấy lần trước tôi đưa vé cho bạn nhưng có bao giờ xuất hiện đâu!
- Lần này khác... vì họ nói về tụi tao và những bạn bè từng đấm đá trên Quê Hương của mày.

4. Ðể giữ sĩ diện cho tôi, cả 3 người 'bạn' cựu chiến binh đều ăn mặc quần áo tươm tất, đầu tóc chải gọn gàng đứng chờ ngoài hành lang 'Explorer Hall' cả giờ đồng hồ trước khi tôi xuống dẫn vào xem phim trong hội trường chính của National Geographic. Sau khi cầm trong tay 4 tấm vé 'preview', tôi đã liên lạc nhờ mấy người trong nhóm 'Audio & Video' của sở sắp xếp để chúng tôi ngồi trong góc cuối của hội trường, tránh xa những vị 'tai to mặt lớn' trong sở cũng như những vị khách từ Bộ Quốc Phòng, Bộ Cựu Chiến Binh, Quốc Hội, và viên chức Chính Phủ Mỹ.

Sau những lời giới thiệu, những bài diễn văn theo thủ tục, cuộn phim bắt đầu chiếu. Mấy người bạn cựu chiến binh Mỹ của tôi chăm chú lắng nghe, mắt người nào cũng long lanh ngấn lệ, cùng siết chặt tay nhau để nén lại những cảm xúc đang cuồn cuộn trào dâng trong tim của mỗi người. Quá khứ đau thương đang diễn ra trước mặt!

Thỉnh thoảng tôi nghe thoang thoảng đâu đó một vài tiếng sụt sùi nho nhỏ vang lên khắp hội trường. Ba người bạn của tôi vẫn 'án binh bất động' dõi mắt đăm chiêu theo từng tấm hình, từng tiếng súng, từng bước đi, từng câu nói, từng tiếng khóc... trên màn ảnh. Tới đoạn phim chiếu lại cảnh những cựu chiến binh trở về từ Việt Nam bị 'dân Mỹ' và có lúc cả gia đình và bạn bè miệt thị, Bob bật tiếng khóc thật lớn, rồi Bernie, rồi Norman và một vài người chung quanh cùng khóc theo!

Ai đó đã ra lệnh tạm ngưng. Ðèn hội trường bật sáng. Tôi vội vã xin lỗi những người chung quanh rồi vội vàng 'kéo' ba người bạn cựu chiến binh ra khỏi hội trường. Cả ba vừa đi vừa khóc, lững thững lê gót 'khật khưỡng' bước theo tôi như ba cái xác không hồn!

Mấy ngày sau, tôi nhận được một cú điện thoại từ nhóm thực hiện cuộn phim tài liệu 'Inside the VietNam War' nhờ tôi sắp xếp một cuộc gặp gỡ với 3 người bạn cựu chiến binh 'homeless' đã cùng tôi đi xem 'preview' hôm đó, và cũng nhờ họ mời thêm những bạn bè khác vì Bộ Quốc Phòng và Bộ Cựu Chiến Binh cùng một vài viên chức trong chính phủ muốn gặp gỡ và giúp đỡ họ! Sau đó nhiều chương trình giúp đỡ những Cựu Chiến Binh Hoa Kỳ chiến đấu tại Việt Nam.
Có lẽ đã tới lúc người Mỹ nhận thức được 'món nợ phải trả' cho sự hy sinh của những cựu chiến binh từng tham chiến ở Việt Nam.
Lòng tôi chợt nhói lên một niềm đau khi nghĩ tới số phận của những cựu quân nhân và công chức của Miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Ai còn? Ai mất? Bên chiến thắng, là kẻ không có trái tim!

(Nguyễn Duy An)



Nhân Lễ Chiến Sĩ Trận Vong,
Giới Thiệu Một Chương Trình Văn Nghệ Độc Đáo, Ý Nghĩa Nhất Vào Giữa Tháng 6, Nhân Ngày Lễ Cha (Happy Father’s Day) và Kỷ Niệm Ngày Quân Lực 19/6. Do Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn tổ chức.



Lời Mời
Kính thưa Quý Vị, nước Mỹ có một tuần kỳ lạ, đó là tuần lễ Mừng Ngày Hiền Phụ, cũng trùng vào Mừng Ngày Quân Lực VNCH.
Chính vì lý do này, nên năm nào, BTC chúng tôi, cũng tổ chức một buổi sinh hoạt văn nghệ đặc biệt cho 2 dịp lễ, chung một tuần này. Năm nay là lần thứ 6! Lần nào, khán thính giả cũng tham dự đông đảo, Câu lạc bộ Mây Bốn Phương, hay Quán cà phê Lover, cũng không còn đủ chỗ ngồi!
Hy vọng năm nay cũng thế, ngoài phần văn nghệ đặc sắc, chuẩn bị công phu, còn có phần giới thiệu sách, của những tác giả trong Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn, đây là dịp hiếm có, vừa cầm trên tay tác phẩm, vừa được gặp tác giả.
Nên Trân Trọng Kính Mời Tham Dự:


Chiều Nhạc: Tình Cha, Tình Lính!

(Cũng là dịp giới thiệu những Tác phẩm mới nhất của Cội Nguồn)
Lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật, ngày 16 tháng 6 năm 2022. Tại Quán Cà phê Lover, 1855 Aborn Rd, San José.
(Nhớ dành một ngày cho Cha, Cho người Lính VNCH! Sáng tham dự Đại lễ Kỷ niệm Ngày Quân Lực, chiều tham dự chương trình này)


*Vào cửa tự do, nước giải khát hoàn toàn miễn phí! Còn có nhiều mục vui, có thưởng!
*Phần văn nghệ hùng hậu, đặc sắc với những giọng ca Gia đình, Thân Hữu của Cội Nguồn và Đoàn Du Ca Bắc Cali gồm: Trương Xuân Mẫn, Phương Lan, Kim Thư, Hoàng Vinh, Hoài Hương, Trường Sa, Trần Hà, Bạch Yến, Thy Cúc, MyMy…MC Vân Yến, âm thanh Larry Hồ.
*Đây cũng là dịp Hội Ngộ của những Người Lính Năm Xưa, vừa là người Cha thương yêu của Gia đình, vừa ôm con, vừa đánh giặc! Nên những Quý Vị vừa là Cha, vừa là Lính, sẽ được BTC tặng một món quà đặc biệt!
*Nhân dịp này, rất mong được gặp gỡ đầy đủ Quý Thành Viên và Thân Hữu. Có những Bạn Bè rất lâu (từ đại dịch đến giờ) mà không có cơ hội được gặp.
Cơ Sở Thi Văn Cội Nguồn Trân Trọng Kính Mời

Ban Tổ Chức:

-Diên Nghị
-Song Nhị
-Ngọc Bích
-Cao Ánh Nguyệt
-Trương Xuân Mẫn
-Hùng Vĩnh Phước
-Cổ Thành
-Kim Thư
-Lê Văn Hải

Hình Các Ca Nghệ Sĩ Góp Mặt Trong Chương Trình:



Không có nhận xét nào: