Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2024

ĐIỂM BÁO PHÁP QUỐC NGÀY 29/05/2024. - Duke Nguyễn


Chuyến đi Normandie cuối cùng của các cựu chiến binh D-DayLe Monde ngày 28/05/2024 mở đầu loạt bài kỷ niệm 80 năm đồng minh đổ bộ ở Normandie, bằng bài viết cảm động « Chuyến đi cuối cùng của các cựu chiến binh D-Day ». Họ ở độ tuổi từ 96 đến 104, sống tại Hoa Kỳ, Anh quốc và Canada, tổng cộng 250 người đang chuẩn bị đến địa điểm mà hầu hết đã từng đổ bộ vào ngày lịch sử 06/06/1944.Ảnh tư liệu : Các cựu chiến binh Mỹ đến dự lễ kỷ niệm 79 năm đồng minh đổ bộ để giải phóng nước Pháp và Tây Âu khỏi Đức quốc xã, tại nghĩa trang Hoa Kỳ, Colleville-sur-Mer, Normandie (Pháp). AP - Thomas PadillaThụy My
<!>
Những người lính bách niên thăm chiến trường xưa lần cuối
Có ít nhất 25 tổng thống, thủ tướng các nước sẽ đến Pháp tham dự buổi lễ, nhưng chính các cựu chiến binh mới là VIP, là những ngôi sao trong dịp kỷ niệm này. Một số tổ chức và tình nguyện viên đang nỗ lực để đưa 250 cựu binh về thăm lại nơi diễn ra « Overload », chiến dịch đã dẫn đến sự sụp đổ của Đệ tam Quốc xã. Hai trăm năm mươi người tuy ngồi xe lăn nhưng sẽ đứng dậy khi quốc ca nước mình trỗi lên, được đám đông dân chúng dọc theo những con đường Normandie và đông đảo trẻ em nhiệt liệt đón chào.

Hiệu trưởng trường Charles-Letot ở Bayeux (Calvados) hào hứng nói : « Quý vị không thể hình dung ra họ được đón tiếp như thế nào đâu. Trên 700 trẻ em sẽ đối đãi với họ như những anh hùng, sẽ là một ngày tuyệt vời ». Đồng ca, hàng rào danh dự, hình ảnh, quốc kỳ, tranh luận...Các cựu chiến binh sẽ trồng cây lưu niệm hòa bình, ăn trưa tại căng-tin do học sinh phục vụ. Các em đã chuẩn bị ôn luyện tiếng Anh, lo quà tặng, làm thơ... muốn biết mọi thứ về những người chỉ còn vài năm để sống, đã từng mạo hiểm tính mạng để bảo vệ tự do.

Có thể kể đó là Bill Becker, 98 tuổi của Không quân Hoa Kỳ, chuyên lái B-24 xuyên qua phòng tuyến Đức ban đêm để giao cho kháng chiến quân vũ khí, radio, pin, bồ câu đưa thư...Đó là Bob Gibson, 101 tuổi, được chiếc Queen Elizabeth đưa sang và ngày 06/06 đổ bộ xuống Utah trong đợt hai, khi bãi biển còn đầy xác đồng đội. Đó là Enoch Woodhouse, 97 tuổi, một trong những người sống sót cuối cùng của Tuskegee, đơn vị da đen duy nhất của Không quân Mỹ...

Tự do không miễn phí, hãy giúp Ukraina khi còn có thể 
 
Mỗi cựu chiến binh được một tình nguyện viên đã được đào tạo về cấp cứu giúp đỡ trong mọi sinh hoạt, cứ sáu cựu binh có một y tá theo dõi về sức khỏe, thuốc men chuẩn bị đầy đủ. Phòng khách sạn trang bị tay nắm ở nhà tắm, thảm chống trượt...Nền nhà ở một số địa điểm dùng vật liệu đặc biệt tránh trợt té và xe lăn dễ di chuyển... Có những cái tên gây ấn tượng trong giới cựu chiến binh, và Henry Montgomery là nổi tiếng nhất. Cháu nội của thống chế Anh Bernard Law Montgomery – chỉ huy lực lượng lục quân của chiến dịch Overload – đã nhiều lần tháp tùng những người lính già đến thăm Normandie, kể cả thăm tượng của ông nội ; quen biết từng cựu chiến binh Anh, thành người nhà của họ.

Ông Donald Howkins, 103 tuổi, từng đổ bộ xuống Gold Beach, một trong những địa điểm dành cho quân Anh hôm 06/06/1944 nói với Le Monde, những nhân chứng lần lượt ra đi, sắp tới chỉ còn được nhắc đến trong sách vở, giới trẻ có lẽ không quan tâm mấy. Nhưng ngày ấy vẫn chưa xa lắm, rồi sẽ còn lặp lại và tồi tệ hơn. « Hãy giúp đỡ Ukraina khi còn có thể ». Stan Ford, 98 tuổi, cũng là cựu chiến binh D-Day khi nhắc đến cuộc xâm lăng Ukraina cho rằng đó là : « Một nỗi xấu hổ và một bi kịch. Đất nước này đã rất cố gắng với những người lính anh dũng, nhưng đến bao giờ ? Nếu thế giới từ chối hỗ trợ sẽ là hồi kết ». Không ai muốn chiến tranh, nhưng đôi khi cần phải thế, và « như cuộc chiến của chúng tôi là vì chính nghĩa ».

Henry Montgomery cũng rất băn khoăn : « Lễ kỷ niệm lần thứ 80 sẽ rất cảm động, vì những nhân chứng quan trọng nhất có mặt xung quanh chúng ta. Nhưng bên cạnh nỗi xúc động, hãy nghĩ đến những gì họ nói : ‘’Tự do mà các bạn cho rằng đã thủ đắc, thật ra không phải như vậy’’. Đó không bao giờ là một quyền tự nhiên, bẩm sinh. Cần phải chiến đấu, phải bảo vệ, phải duy trì với cái giá nhiều khi là khủng khiếp. Đó là điều phải chuyển giao cho giới trẻ : Phải hành động để có được tự do. Còn tôi, khi thấy những gì diễn ra ở Ukraina, tôi nghĩ đến năm 1939 và tôi lo sợ ».

Hắc Hải giữa những cuộc xung đột


Le Figaro nói về « Hắc Hải ở ngã tư chiến tranh ». Ukraina đã thành công trong việc đẩy lùi Hạm đội Nga, trong khi phương Tây tìm kiếm một chiến lược giúp ổn định khu vực.

Hệ thống phòng không Mamba của Pháp từ hai năm qua đã được lắp đặt ở Constanta, duyên hải Rumani, cách Ukraina vài trăm cây số, nhằm bảo vệ sườn đông của NATO. Dù Ukraina đòi hỏi được chuyển giao, nhưng Bucarest chẳng những không đồng ý mà còn muốn có được « A2AD », tức phòng không nhiều lớp để phòng bị trước Nga, chống lại hỏa tiễn đạn đạo, drone. Rumani đã được trang bị hệ thống Patriot và đang tiến hành mua F-35, chiến đấu cơ thế hệ thứ năm của Mỹ, hệ thống Oerlikon của Đức.

Trước khi nổ ra cuộc xâm lăng Ukraina, Hắc Hải không nằm trong chiến lược của NATO. George Scutaru, giám đốc New Strategy Center giải thích, đó là một khu vực rất phức tạp, mà người ta vẫn muốn tránh những gì phức tạp. « Tất cả những cuộc xung đột dù đóng băng hay không đều diễn ra ở đây : Transnistria, Donbass, Abkhazia… » - tức những vùng đất của Moldova, Ukraina và Gruzia bị Nga chiếm đóng.

Đến 2022, NATO mới triển khai một tiểu đoàn ở Rumani dưới sự chỉ huy của Pháp, như tại các nước Baltic sau khi Nga chiếm Crimée năm 2014.Mỹ sẽ tăng gấp ba sự hiện diện quân sự trong khu vực, ủng hộ ý tưởng « Tam Hải » : nối liền Baltic, Địa Trung Hải và Hắc Hải bằng đường bộ, đầu tư vào các dự án năng lượng để giúp vùng này không lệ thuộc vào khí đốt Nga.

Chỉ một mình Ukraina chiến đấu

Được biết trước chiến tranh, Moldova nhập 99 % khí đốt từ Nga, Bulgari 77 %, Rumani 23 %. Với dự án giàn khoan NeptunDeep, Bucarest hy vọng tự chủ được từ năm 2027. Nhưng các cơ sở hạ tầng chiến lược này cũng là mục tiêu bảo vệ trước Nga, trong khi Rumani và Bulgari không có lực lượng hải quân đủ để răn đe. Wilfried Jilge, tổ chức tư vấn Stabilisation Platform nhận định : « Nếu Crimée vẫn bị chiếm đóng, Nga sẽ còn tiếp tục cuộc chiến tranh đa diện ở Hắc Hải ».

Từ một thập niên qua, các quốc gia nằm cạnh vùng biển này đều phải chịu đựng các vụ gây nhiễu, bị tàu Nga chắn đường. Rumani, Bulgari và Thổ Nhĩ Kỳ đều là thành viên NATO, trong đó Thổ và Bulgari có quan hệ đặc biệt với Nga. Gruzia thì đang chịu sức ép ngày càng lớn của Kremlin. Matxcơva không giấu diếm mục tiêu lâu dài là chinh phục toàn bộ duyên hải Ukraina đến tận Moldova, biến Hắc Hải thành của riêng để có lối vào Địa Trung Hải.

Hơn hai năm sau khi khởi động cuộc chiến, Nga thất bại tại Hắc Hải với 1/3 hạm đội bị loại khỏi vòng chiến bởi một quốc gia hầu như không có hải quân. Kiev buộc Matxcơva phải rút lui bằng các drone biển và những vụ tập kích vào sâu, như mới đây đã đánh chìm tàu vét mìn Kovrovets. NATO không muốn gởi chiến hạm sang để tránh leo thang. Olga Reznikova, Viện Nghiên cứu Chiến lược Kiev than thở : « Hắc Hải trở nên an toàn hơn nhưng chỉ nhờ vào chúng tôi mà thôi ». Bà nói : « Vấn đề ở chỗ, người châu Âu muốn có ai là láng giềng, Ukraina hay là Nga ? »

Mêhicô, Việt Nam, Indonesia hưởng lợi nhờ toàn cầu hóa mới

Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde nói về « Các nước xoay trục trong toàn cầu hóa mới ». Mêhicô, Việt Nam, Indonesia...được chọn để tránh né xung đột địa chính trị. Nhiều công ty trên thế giới chọn đầu tư vào Mêhicô, đặc biệt ở vùng gần biên giới Hoa Kỳ ; chẳng hạn Mattel, nhà sản xuất búp bê Barbie ; tập đoàn Foxconn Đài Loan…Năm 2023, đầu tư ngoại quốc vào Mêhicô đã đạt đến mức kỷ lục 36 tỉ đô la.

Cùng với Việt Nam, Indonesia hay Maroc, Mêhicô nằm trong số những nước không liên kết, đã trở thành dây cua-roa trong quá trình chuyển đổi của toàn cầu hóa bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị và chủ nghĩa bảo hộ. Báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng Tư nhận định những nước này có thể hưởng lợi từ sự rạn nứt địa lý kinh tế đang tăng lên.

Từ khi khởi đầu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung năm 2018, Trung Quốc đã gia tăng đầu tư vào kỹ nghệ sản xuất ở Mêhicô để mở lối vào nền kinh tế hàng đầu thế giới, từ 31,6 lên 282 tỉ đô la. Hai phần ba công ty Trung Quốc tại Mêhicô tập trung vào Monterrey, Saltillo et Tijuana, ba vùng kỹ nghệ nằm dọc theo biên giới Mỹ.

Các nước thứ ba trong thương chiến Mỹ-Trung

 
Julien Marcilly, kinh tế gia trưởng của GSA cho rằng trong một thế giới chia rẽ về thương mại và địa chính trị, sự gần gũi là đáng kể trong việc tổ chức chuỗi giá trị. Không chỉ về địa lý hay ngoại giao, mà còn về văn hóa, ngôn ngữ, quy chuẩn. Đó là trường hợp giữa Việt Nam và Trung Quốc.Từ 2017 đến 2022, thị phần hàng Việt Nam xuất vào Hoa Kỳ đã tăng từ 2 % lên 4 %, cũng trong thời kỳ này, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 35 đến 40 %.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế, liên hệ trực tiếp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã được thay thế bằng liên hệ gián tiếp. Hai nhà kinh tế Laura Alfaro và Davin Chor kết luận cho dù Mỹ quay sang tìm nguồn cung từ Việt Nam và Mêhicô, nhưng vẫn liên quan đến Trung Quốc thông qua các nước thứ ba này. Koen De Leus, kinh tế gia trưởng của BNP Paribas Fortis nhấn mạnh nghịch lý, khi muốn tự bảo vệ trước Trung Quốc, trên thực tế Washington thúc đẩy nhiều nước rơi vào vòng tay Bắc Kinh vì ngày càng tiếp nhận nhiều đầu tư của Trung Quốc.

Các quốc gia thứ ba còn được Bắc Kinh dùng làm cửa vào thị trường châu Âu như Maroc. Toàn cầu hóa vẫn còn dễ tổn thương, lệ thuộc vào khả năng của các nước « xoay trục » này trong việc duy trì thăng bằng giữa các cường quốc kinh tế. Hồi tháng Ba, Donald Trump đã hứa hẹn đánh thuế 100 % vào xe hơi Trung Quốc được lắp ráp tại Mêhicô, nếu ông đắc cử.

Bắc Kinh vừa đấm vừa xoa
Trong một bài viết khác, Le Monde mỉa mai « Toàn cầu hóa mang màu sắc Trung Hoa ». Tờ báo dẫn ra trường hợp kiểu xe hơi Bestune E05, một mẫu sao chép tồi của xe Renault Espace (Pháp) trong những năm 2000. Thế nhưng giá của chiếc xe hơi điện này chỉ có 15.000 euro – một lý lẽ thuyết phục nhất. Xe được sản xuất tại Hoa lục để trang bị cho các hãng taxi, và sắp tới sẽ lắp ráp ở Ai Cập để xuất sang châu Âu và châu Phi.

Việc này chứng tỏ Trung Quốc không từ bất cứ điều gì để chiếm lĩnh thị trường quốc tế, trong lúc thị trường nội địa đã bão hòa. Nhưng sự bành trướng này gây căng thẳng với các nước khác như châu Âu, trong bối cảnh xung đột địa chính trị với Hoa Kỳ. Bắc Kinh trổ tài ngoại giao để bảo vệ chuỗi cung ứng của kỹ nghệ, đồng thời tìm cách thu hút đầu tư vào Hoa lục. Mỗi lần Tập Cận Bình dùng biện pháp siết chặt, thủ tướng Lý Cường lại « xoa pommade » để trấn an các công ty ngoại quốc.

Không có nhận xét nào: