Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Bảy, 4 tháng 5, 2024

SỰ GẶP GỠ TIỀN ĐỊNH NGẮN NGỦI - PHẠM ĐÌNH LÂN

Tôi có quá nhiều kỷ niệm ấu thơ khi tuổi lên năm. Lúc ấy tôi không biết gì để sợ hay để thương và ghét. Ngày nào quê nội tôi cũng vang rền lời ca tiếng hát của các thanh thiếu niên. Có một ngày tôi bị anh cả tôi đe dọa vì tôi lấy chân đạp vào cái chảo bị rỉ mà anh đã nghiên cứu để sửa chữa. Tôi thua buồn bỏ nhà về quê ngoại. Ngay trong ngày hôm ấy cha và mẹ tôi về nhà bà ngoại và dẫn tôi về quê nội. Vài ngày sau nhà của cha tôi chứa vài thanh niên. Họ là những cư dân thành thị có vóc dáng của những thư sinh tiểu tư sản. Tôi để ý đến hai người trong số đó. Một người tên Trống và một người tên Nam. 
<!>
Sáng nào hai anh cũng thức dậy thật sớm và ca vang “Anh nghe chăng cung kèn rạng đông” (1) để gọi các đồng đội thức dậy. Tôi không biết họ làm gì? Ở đâu? Ăn uống ở đâu? Chỉ biết họ chỉ về nhà cha tôi khi chiều về.

Quân Pháp từ Lái Thiêu tiến về quê nội tôi. Sáu thầy giáo bị xử bắn trong vườn gòn của cha tôi, trong đó có một người chú của tôi. Chú là giáo sư dạy toán ở trường Sisovath ở Phnom Penh. Từ Phnom Penh về nước, chú hoạt động cho Việt Minh và bị giết chết ngay trong những ngày đầu của cuộc chiến Ɖông Dương lần thứ nhất. Làng An Phú bị thiêu hủy. Cha tôi bị Pháp bắt đem ra Lái Thiêu. Các anh tôi chạy về hướng Tân Uyên. Lúc ấy tôi không biết mẹ tôi chạy trốn ở đâu, chỉ biết rằng tôi theo bà Mười, mẹ của cậu Sáu Bầu để về Bình Chuẩn. Bà Mười thăm người bà con (2) ở An Phú giữa lúc Pháp mở cuộc hành quân ở đây.

Phong trào kháng chiến ở Bình Chuẩn không nhộn nhịp như ở An Phú. Ɖiều dễ hiểu là An Phú có Rừng Cò Mi. Dân làng An Phú có tỷ lệ trí thức cao hơn Bình Chuẩn, quê ngoại của tôi. An Phú nằm trong tầm bắn của pháo binh Phú Lợi, Lái Thiêu, Dépôt Dĩ An và Thủ Ɖức. Bình Chuẩn gần Phú Lợi nhưng Bình Chuẩn có an ninh hơn An Phú rất nhiều mặc dù đó là con đường liên lạc với Thuận Giao, An Phú, An Thạnh, Phú Lợi, Phú Hữu, Phú Chánh, Tân Khánh, Khánh Vân, rìa của Chiến Khu D.

Trong vòng không đầy ba tháng tôi trở về quê ngoại lần thứ hai. Tôi chứng kiến “những người bịt mặt” xông vào nhà bắt bà tôi đem ra bờ hố vào một đêm tối không trăng sao. Tôi nhận ra người chỉ huy những người bịt mặt qua giọng nói khào khào. Ɖó là Bảy Cần, người gọi bà tôi bằng cô. Bà tôi bị bịt mắt. Ɖến bờ hố người ta khủng bố tinh thần bà bằng những phát súng bắn chỉ thiên. Tôi khóc thét lên vì cho rằng người ta đã giết bà tôi. Cho đến ngày nhắm mắt lìa đời gần 30 năm sau, bà tôi vẫn không nói một lời về vụ bắt bớ khủng khiếp này. Ít ngày sau người ta đem ông Phan Công Triệu bị thương nặng trong trận đụng độ với quân Pháp ở Nhà Thơ trên hương lộ dẫn về Chợ Ɖồn, Biên Hòa về nhà bà ngoại tôi. Ông nằm trên bộ ván mà tôi nằm ngủ mỗi đêm. Ông trút hơi thở cuối cùng sau khi bị cưa chân. Ɖêm hôm ấy tôi không ngủ ở nhà ngoại được vì cái chết của ông Phan Công Triệu. 

Khi viết đến đây, tôi không biết bà tôi ngủ ở đâu đêm hôm ấy. Từ đó nhà bà tôi trở thành nơi gặp gỡ của những cấp chỉ huy Việt Minh trong vùng như ông Nguyễn Văn Thi, người chỉ huy Chi Ɖội I chẳng hạn.

Một hôm có một nữ cán bộ Việt Minh đến sống trong nhà bà tôi. Ɖó là chị Lan, một thiếu nữ đẹp lối 17, 18 tuổi, gốc người miền Bắc. Về mọi phương diện chị vượt hẳn các thôn nữ trong làng. Chị đẹp, ăn nói duyên dáng, xử thế khôn khéo nên được người chung quanh mến mộ. Chị còn là một người nấu ăn khéo léo. Sự có mặt của chị trong nhà hữu ích cho bà tôi rất nhiều. Chị quét dọn và đặc trách việc nấu nướng trong nhà. Rời gia đình theo tiếng gọi non sông, chị cố tìm niềm vui và hạnh phúc gia đình trong nhà bà tôi. Chị xem tôi như em. Ɖi đâu chị cũng dẫn tôi cùng đi.

Bình Chuẩn không có sông mà chỉ có suối và ruộng lúa. Thủy sản không dồi dào như các làng mạc trên châu thổ sông Cửu Long. Bình Chuẩn chỉ có nhiều lá dang, măng tre, rau càng cua, rau rừng và rau sam, rau đắng. Chị Lan nghĩ đến việc bắt cua về nấu riêu cua với lá dang. Vị chua của lá dang hơn hẳn vị chua của cà tô-mát nhưng ít chua hơn me. Chị Lan dẫn tôi xuống ruộng bắt cua về nấu riêu cua đồng giã nhuyễn. Lúc ấy tôi chỉ biết đó là món ăn ngon chớ không để ý đến tên gọi của nó.

Một hôm chị Lan dẫn tôi đi Lái Thiêu thăm cha mẹ chị. Lúc ấy tôi chỉ biết là tôi đi ra thành phố chớ không biết tên của nơi này. Lúc ấy tôi được sáu tuổi. Chúng tôi phải đi bộ xuyên qua Bình Chuẩn, Thuận Giao để đến Búng. Tại đây chị Lan và tôi ngồi xe ngựa đi Lái Thiêu. Lúc ấy bến xe ngựa nằm trước nhà hơi và tiệm nước thiếm Hưởng. Chị Lan dẫn tôi đi qua một cây cầu. Ɖó là một cầu đúc bắt ngang con rạch làm đường ranh phân chia hai xã Tân Thới và Phú Long. Con rạch này bắt nguồn từ Phú Hội chảy ra sông Cái tức sông Sài Gòn. Hữu ngạn của con rạch này thuộc xã Tân Thới. Tả ngạn thuộc xã Phú Long. Nhà cha mẹ chị Lan nằm trong một dãy phố ngói lụp xụp, nơi có nhiều người Hoa sống bằng nghề mua ve chai, lông vịt, đồ phế thải và ấp trứng vịt để bán vịt con. Phần cuối của dãy phố này gần Mộc Tổ Miếu trong xã Phú Long. Căn nhà cuối cùng của dãy phố là nhà của ông hai Ghèn do mắt ông luôn ẩm ướt vì có nhiều ghèn. Có một thời ông nuôi nhiều dê trong xã Phú Long. Một người cháu của ông là Phát, con của ông Tư Cường đòi tiền chỗ quanh chợ Tân Thới, xã thuộc quận lỵ Lái Thiêu.

Từ Lái Thiêu trở lại Bình Chuẩn, vài ngày sau chị Lan rời khỏi nhà bà tôi. Vài tháng sau, gần cuối mùa đông năm 1946, tôi cũng rời khỏi Bình Chuẩn để ra Lái Thiêu đoàn tụ với gia đình.

Tôi buồn vô hạn vì phải rời khỏi bà tôi. Có lẽ trên đời không có người bà nào thương cháu như bà tôi thương tôi. Bà tôi có nhiều cháu nội, ngoại và có cháu cố cùng tuổi với tôi nhưng bà thương tôi hơn cả. Ai đụng chạm đến tôi là đụng chạm đến bà. Ɖiều lạ là các dì và các anh chị con của các dì cũng yêu mến tôi nên không trách sao bà quá thương yêu người cháu ngoại này nhiều hơn cả. Có lẽ tôi dạn dĩ vì nhờ bà. Ɖi đâu bà cũng dẫn tôi theo. Ɖi ăn giỗ, bà luôn luôn để tôi ngồi gần bà chớ không bắt tôi phải ngồi chung với những trẻ nít đồng tuổi hay lớn hơn tôi đôi chút. Bây giờ nhắc lại tình thương cháu của bà, tôi cảm thấy có một sự hối hận về sự nông nổi của tuổi thơ của tôi.

Bà tôi là chị cả được các em nể trọng. Người em trai thứ tám của bà là một người giỏi võ thuật nhưng tính khí ngang ngược. Ông thường hiếp đáp và dùng bạo lực với các chị và em trong nhà ngoại trừ bà ngoại tôi. Một hôm con của ông chọc phá tôi. Tôi nổi giận đánh nó một trận cho hả giận. Ông Tám binh con, mắng nhiếc tôi thậm tệ. Bà tôi liền can thiệp và đuổi ông ra khỏi đất của bà. Từ đó hai chị em không còn nhìn nhau là chị em nữa. Khi lớn lên, tôi cảm thấy có cái gì không ổn trong tâm mỗi khi nhớ đến những xích mích và va chạm trẻ con lúc ấu thời. Ɖúng là một đóm lửa nhỏ gây ra một đám cháy lớn. Còn biết bao nhiêu chuyện tương tự xảy ra trong xã hội đáng yêu của chúng ta? Ɖó có phải chăng là nghiệp chướng tiền định?

Ngày rời quê ngoại bà tôi nấu cháo gà để đãi tôi. Trông bà rất buồn mặc dầu bà cố che giấu không cho nước mắt tuôn trào trên khóe mắt. Ăn cơm chiều xong, bà chuẩn bị mọi thứ cần thiết để tiễn đưa tôi ra Búng, đi Lái Thiêu đoàn tụ cùng gia đình. Sự cô đơn trở lại với bà vì sự vắng mặt của tôi.

Bà và tôi đi bộ ra Búng, băng qua các hầm đất và hố sâu ở Thuận Giao. Bà đưa tôi ra bến xe ngựa ở Búng và dặn dò người chủ xe ngựa giúp tôi khi đến Lái Thiêu. Bà nhắn nhủ với tôi vài lời rồi lặng lẽ đi bộ về Bình Chuẩn. Tôi nhìn theo bà qua màn mưa nước mắt.
***
Tôi đến Lái Thiêu được vài ngày thì thành phố bị tấn công ngay trong đêm giao thừa năm Ɖinh Hợi (1947). Ɖình Tân Thới, Chợ Cũ và Chợ Mới đều bị thiêu hủy. Ngựa chạy trên Quốc Lộ 13. Có tiếng kèn. Không biết đó là kèn thúc quân của Việt Minh hay kèn báo động của quân Pháp đóng ở nhà “đoan” (Douane: thương chánh, quan thuế). Quân Pháp và Maroc bắn như đốt pháo giao thừa. Giữa tiếng súng giao tranh của hai phe lâm chiến, mẹ tôi chuyển bụng sắp sinh. Phải đợi khi tiếng súng nổ ngừng hẳn, cha tôi đưa mẹ tôi sang chẩn y viện gần đó để sinh đứa em kế tôi. Ɖứa bé sinh ra giữa tiếng gào thét của súng đạn chỉ sống được ba tháng tuổi mà thôi.

Cho đến năm 1947 tôi mới ghi danh học lớp Ɖồng Ấu (Cours Enfantin) trường tiểu học Lái Thiêu. Tôi mang No matricule 1122. Nhưng tôi chưa đi học được vì quân đội Pháp tạm đóng quân trong trường. Hai cây súng cà-nông đặt ở sân trường hướng về Bình Hòa và An Phú. Ɖêm nào tôi cũng nghe súng đại bác nổ ầm ĩ bên tai.

Nhờ rảnh rỗi tôi đi khắp xã Tân Thới, Phú Long và Bình Nhâm. Tôi trở lại khu nhà trệt với hy vọng gặp lại chị Lan. Tôi nhìn thấy mẹ chị nhưng không trò chuyện hay chào hỏi gì cả. Vợ chồng bà bán phở dưới bóng mát của cây bàng trên bờ sông Lái Thiêu. Lúc bấy giờ ở Lái Thiêu chỉ có lối mười người Bắc sinh sống. Phần lớn họ làm nghề may, nghề mộc, nghề cẩn ốc xa cừ cho các trại mộc địa phương thời tiền chiến. Gia đình ông Cả Khuê (Cả: trưởng), chủ tiệm Huê Lợi, làm nghề may, cẩn ốc xa cừ. Về sau con trai ông là Ngân nổi tiếng về nghề đóng giày.

Mẹ chị Lan tên là Liên cùng chồng bán phở. Thời bấy giờ dân Lái Thiêu không biết phở là gì cả. Người thì gọi là hủ tiếu thịt bò. Người thì gọi là hủ tiếu rau răm. Vợ chồng bà Liên đặt một vài bàn và bốn cái ghế đẩu quanh bàn dưới tàng cây bàng to lớn nên có người gọi đó là hủ tiếu cây bàng. Mẹ chị Liên là người Bắc đầu tiên bán phở ở Lái Thiêu. Thời bấy giờ quanh chợ Lái Thiêu có nhiều quán tiệm do người Hoa làm chủ như tiệm nước thiếm Hưởng, tiệm Hải Nam, sau này là tiệm gạo của ông Sáu Sênh (tiệm này sau đổi xuống bờ sông gần cầu đúc. Ɖó là tiệm Ɖồng Tâm nổi tiếng về bánh bao), tiệm chú Sấm gần hàng cà-rem của ông giáo Tỵ (tiệm chú Sấm không còn hoạt động sau năm 1954), tiệm chú Xây nổi tiếng với thịt heo quay trong vùng, tiệm Trường Giang, tiệm chú Phách v.v. Trên đường ranh Tân Thới-Bình Nhâm có quán hủ tiếu Xuân Hớ hấp dẫn những người thích ăn mì vịt quay. Người địa phương quen ăn hủ tiếu nên phở của bà Liên không thu hút nhiều thực khách. Cho đến khi qua đời, cha tôi chưa biết phở mà có người gọi là “hủ tiếu rau răm”. Bản thân tôi chỉ biết phở khi học ở Sài Gòn. Hàng tuần tôi và bạn Nguyễn Công Phúc từ Sài Gòn về Lái Thiêu. Trên đường đến bến xe Thủ Dầu Một chúng tôi ghé tiệm phở Nam Việt gần nhà thờ Huyện Sĩ để ăn phở. Ɖó là Hội Quán Bóng Bàn, nơi đào tạo các danh thủ bóng bàn nổi tiếng một thời như Trần Hữu Ɖức, Trần Thị Kim Ngôn v.v.

Sau năm 1954 nhà hàng Mỹ Lan đối diện với rạp hát cũ Lái Thiêu (bây giờ là nhà thờ Thiên Chúa Giáo Tân Thới) bắt đầu bán phở. Một xe phở di động do một người Bắc mới vào Nam làm chủ rao bán phở trong thành phố về đêm. Xe phở này được đông đảo thực khách hưởng ứng. Bà Liên nhường phở cây bàng cho Tư Bút và ra bán nón lá gần bến tắm ngựa. Bà mất lúc nào tôi không hay biết.

Năm 1954 chiến tranh chấm dứt. Tôi hy vọng gặp lại chị Lan nhưng tôi không có tin tức gì về chị. Chị đã chết trong chiến tranh? Hay âm thầm tập kết ra Bắc? Hay đã chết trong cuộc chiến tranh vừa qua? Tôi đặt hy vọng cuối cùng vào năm 1975 nhưng cũng không có một ánh sáng nào. Nếu còn sống, bây giờ chị gần một trăm tuổi.
Chị Lan là người tôi gặp lúc ấu thời. Chị là người cho tôi tiếp xúc với các món ăn miền Bắc và là người đầu tiên dẫn tôi đến Lái Thiêu. Khi tôi đến Lái Thiêu với chị thì cha tôi bị giam trong một khám đường chật hẹp bên cạnh trường tiểu học Lái Thiêu.

Cuộc đời của tôi gắn liền với Lái Thiêu, nơi tôi am tường từ đầu cây ngọn cỏ đến những việc tốt xấu xảy ra trong thành phố. Tôi học tiểu học ở đó. Khi xuống Sài Gòn cũng như sau khi cha tôi mất, hàng tuần tôi đều về Lái Thiêu vào chiều thứ bảy. Hàng năm, suốt ba tháng nghỉ hè tôi sống ở Lái Thiêu bên cạnh mẹ và các em tôi. Ɖó cũng là nơi hàng năm gia đình các anh tôi đều tụ về để đón giao thừa.

Tôi sống ở quê nội và quê ngoại tổng cộng sáu năm nhưng tôi sống ở Lái Thiêu bốn mươi năm. Một ngày mùa hè năm 1958 tôi và một người bạn (3) đi dạo chơi dưới hàng dừa dọc theo bờ sông thuộc xã Phú Long. Một cơn mưa hè trút nước xối xả khiến chúng tôi phải chạy hối hả để đụt mưa dưới mái hiên của một căn nhà cổ lớn rộng gần đó. Có ngờ đâu cơn mưa đó dẫn tôi đến làm rể chủ căn nhà cổ này! Lại thêm một ràng buộc với Lái Thiêu.

Tôi bắt đầu nghĩ đến việc học hành của các con tôi. Sau năm Mậu Thân tôi đưa gia đình về Sài Gòn. Tết năm 1970 anh Henri từ Phú Giáo về Lái Thiêu thăm tôi. Anh thường hỏi ý kiến của tôi mỗi khi anh gặp những vấn đề nan giải. Anh tìm cách giữ tôi lại Lái Thiêu bằng cách cho tôi một miếng đất trong thành phố Lái Thiêu trên Quốc Lộ 13 để cất nhà. Thế là tôi phải trở lại Lái Thiêu vì có nhà cửa riêng. Tính đến ngày tôi vĩnh viễn rời khỏi Quê Hương, tôi sống trong căn nhà này mười lăm năm.

Tôi viết mẩu chuyện này để gợi nhớ vài kỷ niệm ấu thời, nhớ lại hình ảnh thân thương của quê nghèo và của những người mà tôi gặp trong kiếp nhân sinh. 95% những người viết trong bài này không còn nữa. Nếu chị Lan còn sống và gặp tôi, chắc chị không nhớ thời gian ngắn ngủi mà chị sống trong nhà bà tôi. Về phần tôi, tôi tin vạn sự Trên Trái Ɖất đều có căn-duyên, nhân-quả và tiền định của chúng. Chị Lan và mẹ chị không làm chuyện gì lớn lao nhưng chị và mẹ là người phổ biến món ngon miền Bắc như phở và riêu cua cho cư dân Lái Thiêu và cho bản thân tôi. Chị Lan là người đầu tiên dẫn tôi ra ánh sáng thị thành từ cuộc sống bình lặng của nông thôn. Từ đó cho đến ngày vĩnh viễn xa quê hương tôi trải qua cuộc sống con thoi giữa Lái Thiêu-Sài Gòn-Gia Ɖịnh-Bình Dương, cuối cùng vượt trùng dương sang Phi Luật Tân rồi chọn Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ làm Tân Quê Hương.

Tám mươi năm trôi qua. Ɖứa trẻ ngày ấy nay trở thành bậc lão niên. Như đã kể, 95% những người trong bài viết này đã đi vào lòng đất. Cảnh cũ không còn. Người xưa đã mất. Mọi chuyện vui buồn, thương ghét, hận thù lắng chìm trong bóng tối vô tình của thời gian.

PHẠM ĐÌNH LÂN, F.A.B.I.

Chú thích:
(1): Một đoạn trong bài Rạng Ɖông của nhạc sĩ Hùng Lân tức Hoàng Văn Cường hay Hường (1922 – 1986).
(2): Người bà con đó là ông Nguyễn Văn Hia, giám đốc Cercle Sportif Saigonnais sau này.
(3): Lê Văn Gởi mất năm 1974.

Không có nhận xét nào: