Tin Buồn!
Văn Thơ Lạc Việt vô cùng thương tiếc thông báo Bạn Hữu xa gần, Niên Trưởng Cố Vấn VTLV là: Nhà Văn Diệu Tần NGUYỄN TINH VỆ Pháp danh: THIỆN PHỔ Cựu Sĩ Quan Công Binh /QLVNCHÔng cũng là Nguyên Đệ Nhất Phó Chủ Tịch VBVNHN Sanh ngày 9 tháng 10 năm 1932 tại Hải Dương, VN. Đã từ giã Anh Chị Em Văn Nghệ vào Thứ Năm. ngày 19 tháng 10 năm 2023, tuần vừa qua.(nhằm ngày mùng 5 tháng 9 năm Quý Mão) Tại San Jose, tiểu bang California, Hoa Kỳ. Hưởng Đại Thọ 92 Tuổi
<!>
Tính tình Ông rất hiền hòa, hòa đồng, ăn nói nhỏ nhẹ, dễ thương, đễ mến với tất cả Anh Chị Em trong VTLV. Mới cách đây vài tháng, trong một cuộc sinh hoạt, Ông đã tặng mỗi người một tác phẩm, có tên “Thành Ngữ & Việt Ngữ”. Không ngờ, đây lại là lần cuối cùng sinh hoạt với VTLV của Ông!
Sự ra đi của Ông, là một mất mát lớn cho VTLV nói riêng, cho văn học VN nói chung. Ông chuyên viết sách giáo khoa trước 75 và sang Hoa Kỳ, giảng dạy tại Viện Ngôn Ngữ Bộ Quốc Phòng tại Monterey, Ca. Ông là cây bút gạo cội, viết văn từ 1955!
VTLV chúng tôi, thành kính chia buồn cùng Tang Quyến.
Nguyện cầu cho Anh hồn Nhà Văn Diệu Tần sớm về nơi Vĩnh Phúc
Thành Kính Phân Ưu và Vô Cùng Thương Tiếc
-Toàn Thể Anh Chị Em trong VTLV.
Sau đây là một vài sáng tác văn nghệ của Ông
Truyện Ngắn:
Đỉnh Hải Vân
Diệu Tần
Lóng ngóng chờ xe đi nhờ vào Quảng Ngãi, trung uý Đỗ Thanh Đào, ban tham mưu một trung đoàn đóng ở miền núi Ba Tơ, vừa mệt vừa đói. Những nắm cơm cô em gái Đào nắm cho khi rời quê, Đào đã ăn hết nắm cuối cùng ở thị trấn Đông Hà này rồi.
Đào thấy một đoàn năm xe tải bộ đội có mui che kín mít phóng trên đường số 1. Mừng trong bụng, Đào đứng sát lề đường bụi dơ dơ tay vẫy xin quá giang. Gặp xe quân đội là không lo tiền vé xe, lại còn có thể đi thẳng đến thị xã Quảng Ngãi không biết chừng.
Từng chiếc xe phóng tung trời, trên buồng lái còn có bóng phụ nữ. Không chiếc nào dừng lại đón Đào cả. Kẻ lái chiếc xe sau cùng còn ngoái cổ lại, trợn mắt quát:
– Muốn chết hả? Sao đứng ra ngoài đường.
Đào chán nản vào mái hiên một quán ăn ngồi nghỉ. Khát khô cả họng, lại thêm bụi đường bắn vào miệng mũi làm Đào thở khèn khẹt. Dù gì cũng phải uống hớp nước, đói có thể cầm cự được chứ khát khó nhịn. Chiếc bình đông nước đem theo đã cạn, chàng trung uý đi phép về lại đơn vị, bước vào quán nói nhỏ với cô đứng trong quầy:
– Chị làm ơn bán cho tôi mấy trăm đồng nước chè.
Cô gái ngạc nhiên trả lời:
– Chúng tôi không bán nước trà, chỉ bán cơm thôi. Anh ăn cơm rồi uống trà khỏi trả tiền.
Đào nhăn nhó:
– Tôi ăn no rồi, chỉ cần nước uống thôi.
Cô gái nhìn ông khách bộ đội như nhìn một vật lạ:
– Anh đưa bình đây tôi lấy cho, khỏi trả tiền.
– Cám ơn chị nhiều.
Đào lại ra phía hè ngồi uống nước. Loáng thoáng Đào nghe một nhóm bốn người, một đàn bà, ba đàn ông từ quán bước ra, nói chuyện. Người đàn bà hơi đẩy đà có nước da thật trắng, cặp mắt lẳng lơ, dáng chừng là chủ xe, nói:
– Cơm rượu no đủ rồi, lái cho ngon lành nhe anh.
Người chồng:
– Bảo đảm, em thấy có bao giờ anh gây ra tai nạn không?
Một thanh niên, có lẽ là người em:
– Đi một lèo đến Huế hãy ăn cơm tối. Từ đó em sẽ lái thay anh.
Nghe được câu chuyện, Đào đứng bật dậy, hỏi người đàn bà:
– Thưa chị, chị làm ơn cho tôi đi nhờ vào Huế được không ạ?
Người đàn bà nhìn Đào từ đầu xuống chân như nhìn kẻ ăn mày:
– Xe chúng tôi chạy về Quảng Ngãi. Anh muốn quá giang cũng được.
Đào mừng quá:
– Xin chị cho theo vào Quảng Ngãi luôn. Cám ơn anh chị quá.
Người chồng nhìn Đào với vẻ nghi ngờ, cái nhìn đánh giá thật thấp:
– Chúng tôi đi còn ghé nhiều nơi, mất nhiều thì giờ lắm.
Chỉ sợ mất dịp may hiếm có, Đào cầu khẩn:
– Thưa đi bao lâu cũng được. Bộ đội quen vất vã cực nhọc rồi.
Người chồng không nhìn lại, tặc lưỡi:
– Ồ, muốn đi thì leo lên xe.
Đó là một chiếc xe tải cở nhỏ, có càng bịt kín. Người phụ lái là Lợi và người em tên Cường cùng với Đào ngồi phía sau. Vợ chồng Hoa và Mai ngồi buồng lái.
Thế là gặp may, không còn lo chuyện đón xe đi nhờ nữa, lại được về đến Quảng Ngãi. Đào ngồi thở, nhớ đến tia nhìn của vợ chồng chủ xe lúc nãy. Ngẫm lại bản thân, Đào thấy mình bị đánh giá thấp cũng không có gì là lạ. Toàn con người Đào phủ một lớp bụi đỏ từ mũ đến đôi giày vải rách. Đào đã cẩn thận gở quân hàm hai sao vàng một vạch ở ve áo ra rồi. Chỉ còn cái mũ mềm trên đầu là không tháo được huy hiệu sao vàng trong vành tròn vàng ra được, cho người tinh ý biết Đào là sĩ quan quân đội nhân dân.
Khác với dự tính, để tranh thủ thời gian, họ không ghé thành phố Huế. Chiếc xe chỉ ghé lại ở một ngã tư trên quốc lộ. Bốn người vào quán ăn cơm. Lợi, người phụ xe hỏi Đào:
– Tối rồi, vào ăn cơm chứ?
Đào ấp úng:
– Mời các anh chị cứ tự nhiên. Tôi sẽ ăn sau.
Mai lẩm bẩm, nhưng Đào nghe được:
– Cái ngữ này không có tiền vào quán đâu. Kệ hắn.
Đào đói lắm, cũng phải mua tí cơm bỏ bụng chứ chịu gì nổi. Trước khi rời nhà cô em gái dúi cho Đào hai mươi nghìn đồng, tiền bán đàn gà.
– Anh ăn hết cơm nắm rồi mua cơm dọc đường kẻo đói chết.
Đào chưa mua cơm đã mua hết ba nghìn tiền thuốc rê Cẩm Lệ rồi. Tật hút thuốc rê của Đào là đầu mối bất hoà giữa người chủ xe và người đi nhờ xe.
Mùi khói rẻ tiền khét lẹt khiến Hoa phát ho, tuy mụ ta đã ngồi trên buồng lái. Mai quay lại hỏi:
– Anh hút thuốc gì khét quá thể. Làm ơn bỏ đi dùm.
Đào cố hút cho xong điếu thuốc. Mai lại nhắc:
– Làm ơn quay ra sau hút đi, thuốc gì hôi quá!
Đào bực lắm, nhưng ở thế kẹt, đành chịu. Một lúc sau nhảy ra xe, Đào chọn một quán nhỏ nhất, rụt rè bước vào bảo nhỏ bà bán quán:
– Bà làm ơn bán cho tôi ba bát cơm trắng, tôi có thức ăn ngoài xe.
– Không bán cơm trắng anh ơi. Để cơm bán cơm dĩa cho khách. Anh ăn cơm dĩa đi, sườn hay gà.
– Thôi làm ơn mà, bộ đội về phép làm gì có nhiều tiền.
Bà quán lại ngó Đào như một quái vật vừa ngạc nhiên vừa thương hại. Trả một ngàn đồng lấy ba bát cơm trắng, Đào quay đi nghe được câu nói:
– Biết đi bộ đội ít tiền thì đừng có đi nữa được không?
Đào trèo lên sau xe, lấy muổng nhựa xúc cơm ăn ngấu nghiến. Bà quán thương tình người ít tiền đã rưới vào cơm cho một ít nước mắm pha. Đào ăn ngon lành, xong làm một hớp nước trà. Nhìn trước nhìn sau chủ xe chưa ra, Đào lấy điếu thuốc rê ra hút cho mau. Đang mơ màng, bốn người đã kéo ra xe. Mai hít thấy hơi khói, nhăn mặt khó chịu:
– Tôi đã nói anh đừng hút nữa. Anh muốn ngồi trên xe này thì nhịn thuốc đi, còn thích hút, xin mời anh đón xe khác.
Tuy giận lắm nhưng Đào đành chịu, nói nhỏ và vất điếu thuốc đi.
– Xin lỗi anh, tôi không hút nữa.
Lợi móc bao thuốc lá Winston ra bảo:
– Này, bạn hút một điếu cho vui.
Trong đời, chưa bao giờ Đào dám hút một điếu thuốc thơm nước ngoài, run run đở lấy điếu thuốc có sợi vàng óng.
– Cám ơn chú quá, chú Lợi.
Cường cầm tay bánh thay cho Mai. Họ bảo Đào lên ngồi ca bin chung với Lợi, lấy chỗ sau xe cho vợ chồng Mai, Hoa ngủ. Đào tình cờ nhìn thấy Hoa xách xuống một túi vải căng phồng, đồng thời còn bắt gặp một khoảng da thật trắng ở eo áo. Chàng trung uý độc thân rùng mình vì khoảng da thịt ấy. Xe chạy một quãng, Đào nghe tiếng lục cục sau xe cùng tiếng cười rúc rích.
– Này đừng có lộn xộn, anh kỳ quá.
Tiếng cười đàn bà trẻ đối với Đào lúc này thật khêu gợi. Ngót bốn chục tuổi đầu vẫn chưa có tiền lấy vợ. Đào nghèo quá, nghèo rớt mùng tơi. Thèm lấy vợ nhưng đào đâu ra tiền? Lấy gái tân trẻ, đã không dám mơ đến, có một hai đám goá chồng, Đào gấm ghé, bị họ từ chối khéo. Chỉ vì lương trung uý phải sống rất chật vật. Ăn cơm trong trại, mặc quần áo bộ đội, hút thuốc rê, không bao giờ dám uống rượu và cà phê. Đào gầy và đen, tóc lấm tấm bạc, nhất là ở tóc mai, trông như người đã năm mươi tuổi. Ở vùng Ba Tơ, Gia Vực rất hiếm người Kinh, chỉ có các cô gái Thượng. Một hôm tình cờ nhìn được cặp vú to đen nhẫy, tròn căng của cô gái Thượng tắm vòi nước ngoài khe đá, Đào xúc động tình dục quá chừng. Từ đó Đào hay lò mò ra các khe có vòi nước.
Quay qua hỏi chuyện Lợi, do Đào biết chỉ có Lợi là không ghét mình.
– Các anh chị đi công tác đâu về đấy?
Cường hừ một tiếng:
– Công với tư tác gì. Thời buổi này còn đi công tác là đói dài dài. Cứ diễn vai công nhân, bộ đội hoài là đi tàu suốt.
Lợi trả lời thêm:
– Đem hàng ra Vinh bán ấy mà. Cất đường thẻ và đường phổi Quảng Ngãi ra bán cho các cửa hàng tư nhân ngoài ấy.
Cường lườm Lợi:
– Sao mau miệng thế? Bị chửi mãi vẫn cái tật không chừa.
Đào xì xầm nói chuyện với Lợi và Cường, chợt có tiếng nói ở phía sau:
– Nói nhỏ cho người ta ngủ. Cả cái anh bộ đội nữa, không biết điều gì cả. Cho đi nhờ xe cứ oang oang cái mồm. Kỳ quá!
Đào phải im, không dám nói chuyện nữa. Tuy xe xóc, nhưng Đào cũng thiu thiu ngủ. Trong cơn chập chờn, loáng thoáng nghe Lợi và Cường thì thầm.
– Chuyến này ông Mai vớ bở.
– Có lời đến vài “tê” không?
– Cỡ độ năm “tê” là ít. Dân Hà Tĩnh, Nghệ An thấy đường như mèo thấy mỡ.
– Tay bộ đội này ngủ ngon lành nhỉ? Ông bà ấy cũng ngáy đều rồi.
Độ năm giờ sáng trời còn tờ mờ, Đào thức giấc. Tiếng nói chuyện vẫn rì rầm.
– Ông bà ấy du dương trên xe được tài thật!
– Lại muốn nghe chửi à?
Đào quay lại sau xe còn thoáng thấy bắp chân trắng mờ mờ của Hoa. Người cán bộ quân sự nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam lại lờ mờ chìm vào giấc ngủ. Trong cơn mê thấp thoáng bộ ngực đen bóng và bắp chân trắng ám ảnh. Đào thức giấc vì tiếng ho và tiếng Mai chửi:
– Cha tiên sư hai thằng quỷ không cho chúng tao ngủ, nói chuyện rầm rầm.
Cường bào chữa:
– Không nói chuyện nhỡ buồn ngủ leo xuống đèo là chết cả đám.
– Câm cái mồm mày lại, còn cãi hả? Còn cái người kia hút thuốc rê phun vải trong xe, hôi quá không ngủ được.
Đào thấy cần phải lên tiếng:
– Từ lúc anh dặn, tôi có dám hút nữa đâu!
– Không hiểu sao có người có thể hút thứ thuốc vất đi đó được. Bận sau gặp cỡ này, xin vái cả nón không dám cho đi nhờ.
Bị chạm tự ái, Đào phản ứng:
– Anh nói thế chứ, tôi ít tiền hút thuốc rê, anh có nhiều tiền hút thuốc thơm. Có gì lạ đâu?
Nghe giọng lý luận của đối phương, Mai càng tức:
– Khi nào anh có xe riêng hay ngồi xe bộ đội, hút gì mặc xác anh. Còn đi xe tôi là không được hút.
Đào vẫn nén giận:
– Anh cho tôi đi nhờ, nhưng anh hơi thiếu lịch thiệp.
– Vậy đó, có tức thì đón xe khác đi. Chỉ cần lịch sự với người lịch sự thôi.
Nếu bỏ xe này, Đào nghĩ biết bao giờ gặp xe khác dọc đường bằng lòng cho quá giang lúc tờ mờ sáng này. Còn đúng mười sáu nghìn đồng trong túi làm sao đủ tiền mua vé xe hàng về đến đơn vị, chưa kể tiền ăn dọc đường. Đào đã phải nhịn ba năm rồi vay thêm tiền bạn bè mới đủ tiền vé một lượt về Thanh Hoá. Đào nói nhưng không rời khỏi xe.
– Tôi có làm gì bất nhã đâu, anh đừng nóng chứ!
– Không bất nhã à, vợ chồng người ta ngủ cứ bô bô cái miệng. Phun khói hôi như chuột chết vào xe người ta, còn lý sự cùn.
Đào giận tím mặt, không nói được câu nào nữa. Hoa lên tiếng:
– Thôi người ta im rồi, sao anh nóng quá. Thôi, nằm xuống nghỉ đi cưng.
Có tiếng hôn và tiếng cười khúc khích của Hoa. Đây là lần và chạm mạnh và lâu với đời thường bên ngoài. Ở ngoài đời người ta sống thoải mái nếu có tiền. Ăn uống phủ phê, rượu, thuốc lá thơm, đàn bà đẹp lại có cả túi tiền. Ăn ngủ đi lại tuỳ tiện. Còn Đào, nếp sống đơn vị chẳng những chật vật vì đồng lương, còn sống lên gân, giả tạo. Bỗng Đào thấy mình bị lừa dối kinh khiếp. Cơn giận của Đào không bùng lên bằng lời nói được. Nước da đen tái lúc giận chuyển sang màu tím xanh như người chết vì bị sét đánh. Phải nén giận làm bàn tay Đào run run, hai cánh môi cũng run run. Bất giác Đào đụng phải bao súng cứng trong túi xách. Chắc phải nổ súng mới hả được giận. Đào không đeo súng, đã cất đi, nghĩ rằng nếu đi xe quân đội hay xe hàng mới tiện đeo quân hàm và đeo súng hẳn hoi. Trong giấc mơ vừa rồi thân thể hở hang phụ nữ đã làm Đào dâng lên một thèm muốn khó tả. Đang bị dồn nén, ẩn ức cả về nghèo đói, tiền bạc, bị lừa bịp bằng lời nói, lại bị những lời xỉ vả của một kẻ đắc thế. Mặt Đào nóng bừng bừng. Hoa lại dại dột hôn hít vuốt ve chồng, Đào cho đó là một xúc phạm, cũng như Hoa đã khơi động nỗi đau thầm kín của Đào là đã vô tình để hở những khoảng da thịt kêu gọi. Đào chợt nhớ đến cái túi xách căng phồng, lúc nào cũng được đeo sát người Hoa, kể cả lúc đi ngủ.
Lời năm triệu, ít nhất cũng phải có gấp đôi như thế tiền vốn. Đột nhiên ý định giết người lại bùng lên. Một công hai việc. Phải giết thằng chồng đã dám hỗn hào chửi rủa mình. Từ khi đeo quân hàm sỹ quan đến giờ, chưa bao giờ Đào bị xỉ vả nặng thế. Luôn luôn được nghe lời khen tặng, tâng bốc, nịnh bợ, tuy biết là giả dối, từ nhân dân và anh em đội viên. Sẽ lấy túi tiền trốn về quê trở lại, ai biết được. Ông bố đã ngoài bảy mươi ốm yếu. Đứa em gái làm nông không đủ sống. Nó không đẹp lại nghèo không lấy được chồng. Ít nhất trong túi kia phải có mười triệu đồng. Giời ơi! Chưa bao giờ Đào có trong tay một trăm nghìn chứ đừng nói mười triệu đồng. Sẽ đem tiền về quê kéo ông bố và đứa em gái trốn ra Hà Nội hay Hải Phòng, thay tên đổi họ, xin thường trú, vào hộ khẩu đút lót độ mười vạn đồng là xong.
Thấy ánh mắt kỳ lạ của Đào, Lợi vỗ vai:
– Này hút điếu thuốc thơm cho đỡ buồn.
Hơi thuốc thơm, Đào bớt run tay, nhưng vẻ sang quý của điếu thuốc lại càng thúc giục ý định phải nổ súng.
Cường cho xe ghé Lăng Cô để ăn sáng, trước khi leo đèo. Khác với dự đoán của bốn người, Đào đường hoàng bước vào quán, ngồi bàn riêng lặng lẽ gọi một tô bún bò và một ly cà phê sữa nóng. Trước khi đoạt mười triệu, còn mười sáu nghìn lẻ tiêu cho hết. Khi Đào ăn thêm chiếc kẹo mè xửng, mua đem theo hai đòn bánh tét rồi cho hết tiền lẻ chủ quán là lúc số phận Mai, Hoa, và Cường đã được quyết định. Đồ ăn thức uống thơm ngon thế này tại sao nửa đời người mình cực khổ nhịn thèm như một nhà tu? Nhưng phải tha thằng Lợi, chú em dễ thương, đã biết mời mình hai điếu thuốc thơm.
Từ lúc lên xe để leo đèo không ai nói chuyện nữa. Đào ngầm quan sát chờ cơ hội, chờ địa thế tốt. Hoa bám chặc cánh tay Mai bước lên xe. Thằng Cường nhìn Đào vẻ chế nhạo, nghèo mà ham. Lợi thì thắc mắc không hiểu sao Đào lại ăn sang thế. Theo lệnh Mai, Lợi ra sau xe để Cường lái không bị vướng víu. Gió thổi vù vù, tay lái Cường khá vững. Hắn phanh ken két ở những khúc quanh gắt. Mùi thuốc thơm phảng phất. Đào quay ra hít thở không khí trong lành bên ngoài. Mây và sương còn phủ kín đỉnh đèo. Sương là đà xuống ngang mắt Đào, mát lạnh. Những giải mây từ trên cao như những giải lụa trắng. Cuộc đời trong sáng đẹp biết bao! Cảnh vật hùng vĩ biết bao, tại sao phải sống nghèo? Nghĩ đến cái nhục qua những ánh mắt khinh rẻ, thương hại, những câu chì chiết nặng nề, Đào lại bừng bừng nổi giận. Vỗ vỗ vào túi xách rồi mở sẵn nút cài, Đào yên tâm khẩu P38 vẫn nằm bên trong. Đến một khúc có đất rộng bằng phẳng, Đào cúi xuống thật nhanh rút súng lên đạn dí vào nách Cường gằn giọng:
– Đến chỗ kia đậu lại nếu không tao bắn mày ngay.
Cường kinh ngạc tột cùng, cho xe đậu lại chỗ Đào muốn.
– Tắt máy đi.
Cường theo lệnh nhưng lại phác cử chỉ chống đối bị bắn ngang hông gục trên tay lái. Đào tung cửa chạy vòng ra sau, không nói không rằng nhắm bắn Mai trước lúc hắn định nhảy xuống cửa sau xe. Sức Mai khá mạnh bị bắn trúng ngực nhưng vẫn nhào vào Đào. Đào ngã nhưng chồm dậy đuổi theo Hoa đang lạch bạch chạy xuống dốc. Một phát vào đầu, nạn nhân chết ngay. Đào chạy trở lại xe, Mai vẫn chưa chết hẳn, được tặng thêm một viên kết liễu. Chừng đó thời gian đã đủ cho Lợi chạy được một quãng xa. Đào dơ tay gọi loa:
– Tha cho chú, chú Lợi.
Lợi cắm đầu chạy về phía Lăng Cô. Quay về xe Đào giật lấy cái túi vải. Mở ra Đào loá mắt, tiền 1000 và 5000 đồng đầy ăm ắp. Thay băng đạn khác vì đã bắn đi bốn viên. Tiếng súng nổ nghe đanh và lạnh, buổi sáng vắng lặng đã vang đi xa.
Giám đốc công an Thừa Thiên-Huế, đại tá Nguyễn Hồng Bàng đích thân chỉ huy cuộc vây bắt hung thủ. Lão huy động một lực lượng hùng hậu gồm cảnh sát điều tra, cảnh sát đặc nhiệm, có vũ trang tiểu liên, cảnh sát giao thông và hình sự kinh tế. Đồn bộ đội biên phòng trên đỉnh đèo cùng phối hợp với cảnh sát, cộng thêm công an huyện Phú Lộc và xã Lộc Hải. Bàng còn gọi máy xin công an Quảng Nam – Đà Nẵng tiếp tay vây ở phía Liên Chiểu. Lão bố trí các ổ mật phục, người đón lõng ở các ngã đường, bến xe, ga xe lửa, phối hợp với bao vây truy lùng. Bàng quyết bắt cho được Đào để lấy tiếng, bởi lão đang nhắm vào ghế trưởng khối hình sự kinh tế, một chỗ hái ra tiền và có cơ được lên tướng.
Quá mệt, Đào lẫn vào một khe suối cách đường nhựa vào khoảng ba cây số, còn nghe tiếng xe chạy vi vút bên ngoài. Giở túi ra đếm được tất cả 14 triệu 780 nghìn đồng, con số vượt xa ước đoán của Đào. Đào chưa có đủ thời giờ để hối hận, còn quá sung sướng với số tiền quá lớn. Niềm sung sướng trộn lẫn với lo lắng làm sao trốn thoát và bảo vệ được số tiền. Có đầu óc quân sự, Đào tính như sau: Chúng nó sẽ bao vây và chú trọng mặt Bắc, mặt Lăng Cô cho rằng mình sẽ đi xuôi xuống đèo để trốn về Thanh Hoá. Vậy mình sẽ vượt tắt đường đèo đi về phía Nam, nhưng cuối cùng Đào lại đổi ý, vì đi về Nam lại càng xa quê hơn, thêm khó ra. Đào uống hớp nước rồi tiếp tục vượt suối leo đèo lướt lên lau lách. Sẽ phải thay hình đổi dạng, thuê cho được xe, bất cứ xe nào, đi cho khỏi địa bàn Thừa Thiên. Khỏi Thừa Thiên coi như đã thoát, Đào sẽ ghé từng thị trấn mua vàng lá, rồi thuê xe con trốn về quê.
Cơn giận qua, bốn phát súng đã giải tỏa được nỗi dồn nén, căm hận. Đào không còn nhớ đến Mai, Cường, chỉ nhớ đến khoảng da bụng trắng nõn của Hoa nằm chết trên lề đường, và nhớ đến hai điếu thuốc ngoại đầy tình nghĩa Lợi cho. Đào tiếc rẻ đã quá nhân đạo với Lợi, tha cho Lợi. Chính Lợi bây giờ là nguồn tin tức cho công an. Phải chi mình bắn nó luôn cho tịt ngòi truy tầm. Băng đèo lội suối đến sẫm tối, đến đâu mệt thì ngồi thở. Đào đã vất bao súng, vất mũ và cả hai túi xách đi. Thay bộ áo quần dân sự, lấy một áo sơ mi làm thành tay nải đựng tiền. Đào ăn một đòn bánh tét rồi uống hết nước trà, xuống suối lấy sẵn một bình đông nước khác để phòng xa. Khẩu súng ngắn đã được giấu trong thắt lưng. Mình sẽ đem vàng về phụng dưỡng bố già, nuôi em cấp vốn cho buôn bán. Riêng mình sẽ là một người mới, sẽ chọn một cô vợ trẻ biết kinh doanh, sẽ mua một ngôi nhà nhỏ. Tương lai màu hồng ấy động viên thúc giục Đào đi băng băng quên cả lau lách cắt ống chân, quên cả hiểm nguy đang chờ đón. Sẽ không còn ai dám khinh mình nữa, Đào thấy rõ một điều từ xưa chưa được thấy. Ở xã hội đảo điên bát nháo này giá trị đồng tiền là mạnh nhất, trong khi người ta cứ lừa dối nhau bằng những mỹ từ cao đẹp. Thằng Mai là cái thá gì mà dám khinh mình. Mình vào sinh ra tử, còn nó làm gì trong chiến tranh vừa qua? “Biết ít tiền thì đừng có đi bộ đội nữa được không?” Đây là một chân lý rành rành. Đào thấy rõ là mình bất lực, không có vây cánh, chỉ lý luận hảo để hai mươi năm qua mới leo lên được trung uý. Bạn bè và đàn em Đào, có ô dù lên vùn vụt. Bởi họ kiếm được tiền bất hợp pháp và biết nộp cho ô dù. Còn Đào lý tưởng quá, ngây ngô quá nên mới bị khinh rẽ, bị bỏ quên. Như thế vụ bất hoà, cơn dồn nén vừa qua chỉ là một cái cớ phụ, như giọt nước đầy tràn. Nói theo kinh điển chỉ tất nhiên như hủy thể của một hủy thể, mâu thuẫn đột biến để biến hoá thôi.
Chín giờ tối, Đào tìm được đến ga Bắc Hải Vân, nhưng không định đón tàu đi ra Huế. Đi bằng phương tiện này dễ bị tóm cổ. Đào đứng hỏi thăm một người dân bên ngoài ga, định tìm chỗ ngủ để sáng mai thay hình đổi dạng thuê xe lam đi Quảng Trị rồi sẽ ra thẳng Thanh Hoá. Chỉ hành động riêng lẻ, không kế hoạch nghiên cứu dự trù trước, Đào có rất nhiều sơ hở và sẽ gặp nhiều khó khăn không thể vượt qua được. Nhưng chuyện đã lỡ, đâm lao phải theo lao.
Bỗng có ánh đèn pin rọi loang loáng về phía Đào. Một sĩ quan công an tiến đến đòi kiểm trả giấy tờ. Đào định bỏ chạy nhưng đã muộn, từ ba phía đã có ba công an khác vây lại. Đào cố bình tĩnh tìm cách đối phó.
– Anh không có quyền kiểm tra tôi, tôi là cán bộ quân sự.
– Cứ đưa xem, anh đang mặc quần áo dân thường.
Đào đưa ra giấy chứng minh và giấy phép, có ghi rõ: “Trung uý Đỗ Nguyên Đào tức Đỗ Thanh Đào, sinh năm 1954 quê ở Thọ Xuân, Thanh Hoá.” Đào trì hoãn để tìm giây phút thuận tiện chống trả.
– Anh cho kiểm trả cả cái túi kia nữa.
– Anh không có quyền, gọi đội kiểm soát quân sự đến đây nói chuyện.
– Cướp của giết người trên đỉnh đèo, trốn sao được, còn già lọng.
– Tôi cấm anh không được vu oan cho một sỹ quan quân đội nhân dân.
– Là nghi can và chắc chắn là tội phạm, anh không đáng hưởng quy chế cán bộ quân sự.
– Tôi thách anh đụng vào sở hữu của tôi. Tôi sẽ kiện anh đến Viện Kiểm Sát cao nhất.
Nhanh như cắt, Đào thò tay vào túi rút súng ra, nhưng đối phương còn nhanh hơn. Hắn dùng một thế võ quật sấp Đào xuống, tước khẩu P38. Hai người khác đã dí súng vào lưng, và người thứ ba lấy còng số tám khoá tay Đào lại. Đào biết mình đã thất bại, thất bại hoàn toàn, thất bại một cách rất mau chóng và dễ dàng, không buồn vùng vẫy cựa quậy nữa. Tổ trưởng công an tháo băng đạn và tìm thấy hai viên trong túi tiền. Hắn lẩm bẩm:
– Bắn bốn viên còn lại hai viên lẻ là đúng rồi. Làm xấu tiếng quân đội. Cán bộ gì đi cướp của giết một hơi ba mạng?
Đến phút này lại càng bị khinh khi, Đào lại nổi giận, giận bản thân đã để bị bắt dễ dàng. Đào được kéo ngồi dậy, bèn nhảy tung lên đá vào cạnh sườn tên tổ trưởng thật mạnh và hét:
– Công an chúng mày thì có gì hơn?
Một báng súng AK giáng vào ngực Đào. Những ngôi sao li ti lóe quanh đầu, Đào ngất đi. Hồi sau không rõ mê hay tỉnh, Đào lờ mờ thấy mình đang lênh đênh trên biển Lăng Cô ngồi trên bè với cô gái Thượng ngực trần, rập rền rập rền sóng nước. Đó là khi Đào đã bị vất lên xe giải về Huế. Trong sóng nước mù xa, như sương sa, như mây vờn trên đỉnh Hải Vân, chập chờn khuôn mặt ông bố nhăn nheo với chòm râu bạc lưa thưa, khuôn mặt cô em gái xanh xao đầy nước mắt. Lãng đãng đâu đây, Đào nghe tiếng cười lẳng lơ và thấy ẩn hiện bắp chân trắng của Hoa. Những con mắt lần lượt hiện ra và chiếu vào Đào, ánh mắt lái xe bộ đội dọa nạt, ánh mắt hai phụ nữ bán quán thương hại, ánh mắt Mai, Cường, Hoa khinh bỉ.
Ngất đi, Đào không nghe được mẫu đối thoại giữa giám đốc công an và tổ trưởng bắt Đào.
– Thưa thủ trưởng, giờ ta lập biên bản ra sao? Bộ đội đi giết người cướp của là kẹt lắm.
– Ồ, ĐM, có gì đâu, đơn giản thôi. Bảo hình sự và điều tra chữa biên bản đi. Cứ cho nó là thằng nghiện ma tuý, mạo nhận danh bộ đội đi làm bậy. Thế là gọn nhất, nghe rõ chưa?
Diệu Tần
Nhà Thơ Diệu Tần : CHÚC THỌ CỤ HÀ
CHÚC THỌ CỤ HÀ
Mừng Cụ thôn Hà đã đổi tên *
Chín lăm tuổi hạc thật là hên
Xuân Ninh vào đạo mong sống lại
Mai Thảo đòi tên nổi miếu đền **
Chúa ngự trên cao ra phép lạ
Phật ngồi dưới thế nối thiền duyên
Thế là xong nhỉ, là vui nhỉ !
Chúc Cụ Phê-Rô hưởng phước tiên
Diệu Tần kính chúc
* Cụ có tên thánh
** Nhà văn Mai Thảo, cuối đời làm thơ muốn có tên giữa miếu đền khi khuất núi.
Nhà Văn - Nhà Thơ PHƯƠNG HOA - Diệu Tần Giới Thiệu
Tác giả vừa gởi cho tôi ba cuốn tập Truyện Ngắn: “Yêu Nhau Mấy Núi”, “Chung Một Ước Mơ” và “Thằng Nước Mắm” chẳng phải chuyện đời thường. Số trang cộng lại là trên 900 trang. Đến nay, tôi đã nghiền ngẫm kỹ thấy quá hay. Những chuyện đời thường được ghi lại chính xác, không có lỗi chính tả và không hư cấu. Đó là những mảnh đời kết cuộc có hậu với lời văn súc tích, bình dị, nhưng vẫn được viết khá sâu sắc. Đã có vài chuyện chấm hết có đau thương, những lầm lỗi là do con người, do trời, do thượng đế bầy ra, nhưng vẫn đầy tính nhân bản, những tấm gương sáng xen lẫn với những u ám, bão táp.
Tôi có một bài tựa ngắn mở đầu của “Chung Một Ước Mơ” nhưng chưa đủ. Tập chuyện đầu có một chủ đề: để làm quen với độc giả, Phương Hoa đã tự giới thiệu “làm quen” tự nói về nội dung chuyện thật khéo và đầy đủ.
Tôi thích nhất là chuyện kể về thằng “gút gồ” và trụ sở Google, chuyện người con trai của chính tác giả, em thật giỏi và có óc sáng tạo, thông minh, nhìn xa trông rộng, rõ ràng là cha mẹ nào con nấy. Người tài và giỏi Hoa Kỳ luôn đi trước. Thiên hạ vì đầu óc sáng tạo, chưa chi đã lo cạnh tranh với Tập Cận Bình về Nam Cực, với Nga về Bắc Cực, chưa chi đã lo SpaceX, lập hẳn một cơ quan chính thức về không gian, vũ trụ, để tìm đất mới. Người Mỹ luôn luôn tìm cái mới lạ tân tiến hơn. Người Mỹ còn có tấm lòng vị tha rộng lớn như đại dương. Trong khi chính dân Mỹ cho tới nay mới chỉ có non 10% được chích ngừa Covid 19, nhưng đã đóng góp qua Liên Hiệp Quốc vài triệu liều chích ngừa bệnh quái ác đại dịch. Thật là cao quý.
Tập thứ hai đi sâu vào tìm hiểu xã hội Mỹ và gia nhập thật sự vào văn hóa Mỹ.
Ngắm bìa sách đã thấy vang lên câu hò “... mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua...”. Nhân vật Ngọc Trâm đã nói đến tình yêu đôi lứa, gia đình. Tôi nghĩ sẽ không nên nói đến những chi tiết khác, nhận xét khác của các vị đã bàn khảo chưa chi đã tỏ ý cạnh tranh đối đầu ở Bắc Cực với Nga, đã lập hẳn chính thức chuyện họ vào không gian SpaceX, đã vội vàng lên tiếng đất đai ở Nam Cực. Nước Mỹ dân số hơn 300 triệu, nhưng đã giàu lòng vị tha, đóng góp hơn vài triệu liều thuốc chích ngừa đại dịch Covid 19 cho những nước nghèo, hướng dẫn các nước Nhật, Ấn Độ, Úc về các loại thuốc trừ dịch, phương thức điều trị, v.v... Văn, thơ, nhạc của nghệ sĩ văn hóa Cao Minh Hưng, thi sĩ Hồng Thủy, nhà thơ Chinh Nguyên, nhà văn Lê Nguyên Hằng, nhà văn Nguyễn Văn Sâm...là những người đã viết cảm nhận và giới thiệu trong ba tuyển tập của Phương Hoa.
Một ý khác của tôi về hai chữ “đời thường”: Nếu có nghĩa là đời sống thẳng lọng, ít đổi thay, đôi khi chán mứa, u buồn, trên thực tế, qua ngòi bút Phương Hoa lột tả: đời sống sôi động, sóng gió qua những biến chuyển liên tiếp đã đi sâu hơn nữa đời sống Mỹ, đặc biệt qua Tuyển Tập 3, coi như 3 tuyển tập chị viết cho nhật báo Việt Báo. Đời sống đó đã biến một người di cư thành một người khác. Điển hình là chuyện kể “Người Có Bảy Đời Chồng” rồi Tiệc Gà Tây, Người Đãi Vàng”, “Hoa Poppy”...
Theo người khó tính, bất cứ người thanh niên nào thành công trên đất Mỹ, nhưng trong gia đình vẫn nên theo văn hóa Á Đông. Mình là khách ở trọ, quê hương đích thực là Việt Nam. Có người có thể cho rằng chị Phương Hoa đã quá lạc quan, mình ở đất nước người, trước sau gì vấn đề immigrant thôi, cả con cháu mình cũng vậy, dân da trắng đến đất nầy từ cuối thế kỷ XIIIV, là đất mua của Nga, của dân La tinh và đất riêng lâu đời của người da đỏ, ông Trump đã từng nói đến thời dân ngoại hạng là da trắng! Người da trắng đứng đầu các sắc dân vàng, đen, đỏ... Dạo tôi chưa về hưu có nghe nói giáo sư Nhật thường giữ gia phong theo văn hóa riêng; tuy nhiên các nữ giáo sư là người Mỹ da trắng. Quay sang các giáo sư người Trung Quốc và Hàn Quốc, tôi thấy rõ ra là họ đã giữ được nếp sống bảo thủ trong gia đình. Lời chúc Tết đầu năm, khi nghe các sinh viên Mỹ tuy nói tiếng Quảng Đông “Cống Hỷ Phát Xồi” họ nhăn mặt vì lời chúc đã xưa quá rồi, cái gì hễ qua rồi thì bỏ, điều gì hay hãy giữ lấy.
Nói chung ba tuyển tập của nhà văn, nhà thơ Phương Hoa thật có giá trị văn học đáng phục, đáng nể. Vậy đến bao giờ chị cho ra mắt tuyệt phẩm đời viết văn, làm thơ của chị. Chị đang hồi sung sức sáng tác. Tác phẩm tuyệt vời đó sẽ được đón nhận nồng nhiệt hơn nữa. Đời viết văn thường khó kéo dài, mục đích viết để giải trí, để lại cho con cháu.
Tôi xin trân trọng giới thiệu ba tuyển tập của nhà văn Phương Hoa.
Diệu Tần
14/3/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét