Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Sáu, 27 tháng 10, 2023

Tôi đọc tác phẩm “Còn Ai Giữa Mênh Mông Đời Mình” của tác giả Phạm Minh Tâm - Trần Phong Vũ


Đấy là nhan đề tập sách độc giả đang có trên tay của tác giả Phạm Minh Tâm hiện định cư tại Úc. Trong lời Vào Sách, tác giả họ Phạm đã nói về cái cơ duyên thôi thúc bà chọn lời ca này làm nhan đề cho tập sách. “Lần cuối về Việt Nam, đi khắp nước xong, tôi đã để riêng một ngày lang thang ngoài Sài-gòn, nơi từng vang danh là ‘hòn ngọc Viễn-đông’, đã trở thành Thủ-đô của Việt-nam Cộng-hòa. Một miền đất Quốc-gia mới hồi sinh sau gần một trăm năm bị Pháp đô-hộ và đã cưu mang cả triệu người di-cư từ sau ngày đất nước bị chia cắt thành hai phần nhuộm màu vàng, đỏ.
<!>
Tại Sài-gòn, nơi bà đặt chân đến đầu tiên là Thư-viện Quốc-gia của Việt-nam Cộng-hòa, được xây trên nền Khám Lớn cũ với nhiều ý nghĩa. Nhìn những người trẻ thản nhiên qua lại, tác giả không khỏi chạnh buồn. Tự hỏi: “Nếu họ biết khu kiến-trúc nguy-nga này chính là Thư-viện Quốc-gia của Việt-nam Cộng-hòa đã chủ ý chọn xây trên nền nhà tù thời Pháp thuộc, cùng với những tên gọi như Văn-khoa Đại-học-đường, Đại-học Văn-khoa ở kế bên đã bị nhà nước cộng-sản biến thành nơi cung ứng các dịch-vụ không phải là văn-hóa… thì sao đây?… Sang khu Đại-học Văn-khoa cũ ở sát bên cũng thế, thay hết, đổi hết! Dọc theo đường Lê-Lợi, chắc chỉ còn lề đường lát đá từ thời xưa là chưa mất dấu.”

Hình ảnh trên gợi nhớ tới tâm trạng ngậm ngùi của Bà Huyện Thanh Quan trong bài thơ Đường tám câu bảy chữ “Thăng-Long-Thành hoài cổ”. Khác chăng là niềm hoài cảm của nhà thơ nữ này chỉ chợt đến, nhất thời. Quá lắm nó chỉ đủ gợi cảm hứng cho bà để lại cho đời sau một vài áng thơ đẹp, thoáng buồn trong phút giây. Rồi thôi. Trái lại, với tác giả họ Phạm nó là nỗi đau đớn khắc khoải của một kiếp người, không riêng bà mà là cả một dân tộc.

Giữa tâm cảnh ấy, bà chợt nghe từ đầu đường của một Sài-Gòn hoang mạc vang lên câu hát như một lời than “Còn ai giữa mênh mông đời mình”. Nó gói trọn tâm tư sâu lắng của tác giả từ thời thơ ấu bên mái ấm gia đình và lẽo đẽo theo bà cho đến hôm nay, giữa những tang thương, dâu bể của dân tộc và đất nước Việt Nam hôm nay.

Ngồi trên xe buýt trở về nhà trọ, trong một giây bất chợt bà nhớ ra đó là một câu trong bản nhạc “Xin còn gọi tên nhau” của nhạc-sĩ Trường Sa. Và như một gọi mời huyền nhiệm từ tiềm thức vang lên “Tiếng hát bay trên hàng phố bâng-khuâng. Chiều đong đưa những bước chân đau mòn. Chợt nghe mùa thu bay trên trời không, còn ai giữa mênh mông đời mình… Nỗi đau mù lấp trên tuổi thơ…”

Tác giả viết tiếp, “Và suốt trên chuyến bay về Úc, tôi suy nghĩ mãi về việc ‘Phải gọi tên nhau’…Gọi từ quá khứ gọi về. Gọi từ những người đã sinh thành, dưỡng nuôi tôi lớn lên, các anh chị em trong gia tộc; các thầy, cô và bạn bè, những người tôi đã từng ngày gặp gỡ, chung sống trong một môi trường xã hội Việt Nam đầy phức tạp và đau thương. Nhất là những người được sử sách lưu danh muôn thuở hay miệng đời lưu xú vạn niên…

Vì vậy mà tôi đã mạn phép mượn lời của nhạc sĩ Trường Sa làm tên sách cứ như chuyện tình. Mà cũng đúng là tình, tình Quê-hương, Dân-tộc…”

Tưởng cũng cần tiếp lời tác giả để nói thêm một thứ tình khác tuy mang tính cá nhân, nhỏ bé, riêng tư hơn, nhưng không kém phần quan trọng. Đó là tình cha mẹ. anh em, họ hàng, lân lý, vốn là chất xúc tác nảy sinh thứ tình lớn lao, mênh mông như đại dương, tư do, bát ngát như mây trời, thôi thúc bà vắt kiệt tâm tư làm nên công trình tim óc để đời này.

Về hình thức sách trình bày trang nhã. Bìa cứng màu nâu đất nổi bật tên tác giả, nhan sách, cơ sở xuất bản màu trắng. Bìa trong offset 4 màu, do bà Nguyễn Thị Thêu thực hiện. Mặt trước, góc trái bên dưới là hình một thiếu nữ cô đơn ngó mông về hướng Nhà Thờ Đức Bà từ xa. Mặt sau ghi lại tâm tình sâu lắng của tác giả khi viết tác phẩm này với biết bao tang thương, đau đớn của Đất-nước, Đồng bào … “Để như một chân tình tạ lỗi với Quê-hương”.

Mở vào nội dung, ngoài Lời Giới Thiệu, “Duyên văn nợ bút” của đạo diễn, nhà văn nhà báo Đỗ Tiến Đức, Hoa Kỳ, “Vào sách” của tác giả, Lời Bạt “Bể dâu còn đó” do Giáo sư Đỗ Mạnh Tri (Pháp), chấp bút, Tài liệu tham khảo, Kết… nội dung sách gồm tạm gọi là 17 mục hay chương, mà tác giả chỉ vỏn vẹn ghi các con số từ 1 đến 17, và Phụ bản.

Cầm tập sách đẹp, trang trọng, bìa cứng, khổ lớn, 652 trang chưa kể 14 trang đầu, 6 trang cuối tác giả hào phóng không cộng vào; nặng ngót 2 ký, xấp xỉ 4 cân Anh. Với tuổi đời trên chín chục, tôi không khỏi ớn lạnh khi nghĩ tới chuyện phải cầm đọc chưa biết bao nhiêu giờ.

Dù sao vẫn chỉ là “Duyên văn nợ bút” như nhà văn, nhà báo Đỗ Tiến Đức đã viết trong lời giới thiệu tác phẩm nhân danh NXB. Vì thế, tôi không thể coi nhẹ lời yêu cầu của tác giả, người tôi đã quen biết, làm việc chung trong một phần tư thế kỷ. Đặc biệt là hai lần qua Úc giới thiệu sách*. Trong hai dịp này, tôi đã được bà và hai cháu nồng nhiệt đón tiếp và tận tình hỗ trợ về nhiều mặt, nhờ bà quen biết hầu hết giới lãnh đạo cộng đồng người Việt tại đất nước này.

Phải nói ngay rằng cuốn sách không dễ đọc. Nhưng khi đã vượt qua vài ba chương mục chỉ ghi gọn bằng con số mà không báo trước nội dung, tôi đã bị một sức hút vô hình lôi cuốn khiến không thể rời tác phẩm cho đến trang cuối cùng.

Thật khó để xác định thể loại cho tập sách. Gọi là hồi ký, biên khảo, hay là những bài học lịch sử, thu gọn trong một khoảng không gian và thời gian nhất định, cũng không sai.

Bởi vì từ trang đầu đến trang chót, nội dung sách bám sát cuộc đời bà từ lúc sinh ra cho đến tuổi “cổ lai hi” với những liên hệ huyết tộc, hành trạng, qua từng giai đoạn với những biến thiên của đời sống riêng gắn bó với thời sự chung của đất nước, dân tộc… thì đúng là một hồi ký.

Ngót 700 trang sách chứa đựng cả trăm cả ngàn số liệu, dữ kiện liên quan tới các thôn làng, xứ đạo, những biến cố lớn nhỏ mang tầm vóc quốc gia, dân tộc trong một chiều dài ba phần tư thế kỷ được ghi lại chi tiết, đầy đủ với những con số, ngày tháng chính xác được trích ra từ hàng chục tác phẩm, tài liệu khả tín trong, ngoài nước… thì nếu gọi tên là một tác phẩm biên khảo, hơn thế -một sử liệu- cũng không phải ngoa ngôn.

Nhưng, với thái độ khiêm tốn, bà đã tự bằng lòng với cách gọi tên là “trường-thiên tùy bút”, với lý do những gì bà vắt óc viết ra chỉ là những chất liệu thô trong ký ức cộng với các dữ kiện thâu gom trong sách vở, báo chí, nhớ, nghĩ đến đâu viết đến đó. Tuy vậy, một đặc điểm nổi trội là giữa các chương, mục, chỉ được ghi bằng con số trơ trọi, nhưng tác giả vẫn tinh tế sáng tạo những cầu nối, gắn kết với nhau khiến giòng suy tưởng của người đọc không hề bị khựng lại.

Trong khi dõi theo văn mạch của tác giả cùng với các tình tiết về cuộc đời bà, những mối liên hệ trong gia tộc, ngoài xã hội… bắt gặp trên từng trang sách, tôi luôn bị ám ảnh về nhan sách với hai câu hỏi: “Còn Ai” là những Ai? và “Giữa Mênh Mông Đời Mình” là những gì?

Cuối cùng, sau hai đêm ngày vầy vật với hơn 600 trang sách, tôi đã có được câu trả lời minh bạch. Nhưng khi nhìn tới xấp giấy đã cẩn thận ghi chép vắn tắt, kèm theo dấu mốc những đoạn ngắn dài trong tác phẩm với dự tính sẽ trích đưa vào bài đọc sách, bỗng dưng tôi cảm thấy nghẹt thở. Tự hỏi, dù tóm gọn cách mấy, bằng cách nào, để cố nhốt được những nhận xét, những suy tư lan man, mênh mông của chính mình và của tác giả vào năm mười trang giấy?!

Đọc lại hai chữ “mênh mông”, gợi nhớ tới nhan sách, tôi chợt tỉnh ngộ và thở ra nhẹ nhõm, với quyết định có phần bất ngờ, kỳ cục, chẳng giống ai. Nhưng tôi có lý do riêng để tự quyết định không làm công việc “dã tràng xe cát”. Vừa hao tốn tâm lực. Vì ước tính bài viết sẽ vượt xa khuôn khổ giới hạn số trang thông thường cho một bài đọc sách. Thêm nữa, chưa chắc đã phản ánh được trong muôn một cái “mênh mông” như biển cả, “nổi trôi, tản mạn” như mây trời mà tác giả ân cần gửi gấm trong tác phẩm của bà.

Tôi sẽ kết thúc phần đọc sách ở đây để mạo muội nhắc thầm độc giả quí mến của tôi.

Xin hãy kiên nhẫn trong khi đọc, và đọc thật chậm rãi cho đến giòng chữ cuối cùng. Quan trọng nhất là đừng quên suy tư về ý tưởng chủ đạo của tác giả gửi vào nhan sách.

Và quí vị, cũng như bản thân tôi, sẽ cảm thấy thích thú, thoải mái, yêu đời, yêu người khi gấp sách lại và… bỗng dưng như tìm thấy chính mình trong từng con chữ.

Trân trọng,

Trần Phong Vũ

Không có nhận xét nào: