Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

Quốc hội Việt Nam công bố mức độ tín nhiệm các lãnh đạo - VOA

Đại tướng Phan Văn Giang, bộ trưởng Quốc phòng, nhận được nhiều phiếu tín nhiệm cao nhất

Thủ tướng Phạm Minh Chính có số phiếu tín nhiệm cao ít hơn nhiều so với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trong khi nhiều thành viên trong nội các của ông Chính nhận được nhiều phiếu tín nhiệm thấp, theo kết quả lấy phiếu tín nhiệm vừa được Quốc hội Việt Nam công bố.
<!>
Trước đó, hôm 24/10, trong khuôn khổ kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 15, hơn 470 đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đánh giá mức độ tín nhiệm của họ đối với 44 chức danh mà họ bầu ra, từ các lãnh đạo Quốc hội cho đến các lãnh đạo Nhà nước và quan chức Chính phủ.

Bản chất của cái được gọi là ‘lấy phiếu tín nhiệm’ này là để xem các lãnh đạo được tín nhiệm nhiều hay ít thế nào, chứ không phải xác định xem họ được tín nhiệm hay là không tín nhiệm. Do đó, có ba mức phiếu để đại biểu Quốc hội cân nhắc cho từng người là ‘tín nhiệm cao’, ‘tín nhiệm’ hay ‘tín nhiệm thấp’.

Riêng Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng do không được Quốc hội bầu từ đầu nhiệm kỳ mà chỉ mới được bầu lên hồi đầu năm để thay thế ông Nguyễn Xuân Phúc nên không nằm trong diện được đánh giá tín nhiệm lần này.

Theo kết quả được công bố vào chiều ngày 25/10, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nằm trong tốp ba người có số phiếu tín nhiệm cao nhiều nhất, lần lượt là 448, 437 và 426 phiếu.

Xếp sau đó là phó chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, được 414 phiếu tín nhiệm cao, và phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân được 410 phiếu.

Trong khi đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ nhận được 373 phiếu tín nhiệm cao, thấp hơn hơn nhiều so với ông Giang, ông Huệ, và thấp hơn cả cấp phó của ông là phó Thủ tướng Lê Minh Khái. Ông Khái nhận được 384 phiếu tín nhiệm cao.

Nếu trong khối lãnh đạo Quốc hội, bao gồm chủ nhiệm các ủy ban, số phiếu tín nhiệm thấp chỉ dao động từ vài phiếu cho đến trên dưới 10 phiếu thì trong khối chính phủ, số phiếu tín nhiệm thấp lên đến hàng chục phiếu.

‘Đội sổ’ về số phiếu tín nhiệm thấp là Bộ trưởng Giáo dục-Đào tạo Nguyễn Kim Sơn với 72 phiếu. Đứng trước ông Sơn về số phiếu tín nhiệm thấp là các vị Bộ trưởng Khoa học-Công nghệ Huỳnh Thành Đạt với 71 phiếu, Bộ trưởng Văn hóa-Thể thao-Du lịch Nguyễn Văn Hùng với 62 phiếu, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên với 61 phiếu và Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan với 54 phiếu.

Tuy nhiên, con số này vẫn nhỏ so với tổng số 472 phiếu cho mỗi vị. Xét tổng thể thì không có ai trong số 44 lãnh đạo được lấy phiếu tín nhiệm có số phiếu tín nhiệm thấp quá 50% tổng số phiếu.

Đợt lấy phiếu tín nhiệm này được tiến hành khi Quốc hội khóa 15, vốn được bầu ra hồi năm 2021, đã đi được nửa nhiệm kỳ 5 năm.

Ngoài Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, hai phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang cũng vừa được bầu lên hồi đầu năm nên không nằm trong diện được lấy phiếu tín nhiệm lần này.

Quốc hội Việt Nam không cho biết rõ kết quả tín nhiệm này sẽ ảnh hưởng thế nào đối với các vị lãnh đạo, chẳng hạn có khen thưởng gì cho các vị được tín nhiệm cao hay xử phạt thế nào các vị được tín nhiệm thấp.


 

Không có nhận xét nào: