Tôi nhớ có lần đọc trong một quyển truyện, tác giả đã viết rằng: "Phượng Hoàng là một loài chim hiếm và nó thường bay rất cao. Ðàn ông có mắt phượng là người nhiều uy quyền, ngược lại, đàn bà có đôi mắt phượng thường là người lãng mạn và ít khi gặp may mắn trong tình yêu!!" Ba mẹ sinh ra tôi và đặt tên Phượng Hoàng là tên ghép của hai người. Người ta hay nói rằng cái tên mang trên người thường tiêu biểu cho cá tính hay số kiếp của họ. Có lẽ khi đặt tên cho tôi, ba mẹ chỉ mong rằng tôi sẽ bay cao, bay xa mà không nghĩ đến điều gì khác hơn.
<!>
Tôi vắng cha từ năm lên 4 tuổi! Hình ảnh của ba, tôi chỉ nhớ một cách mù mờ, xa xăm, thoáng qua trong quyển nhật ký của mẹ. Năm đó khi mẹ sinh em Nhân Thế được 1 tuần thì cha ra đi biệt dạng. Hôm ấy hình như có linh tính, mẹ xui tôi chạy theo cha, mong rằng tình phụ tử sẽ cầm giữ bước chân cha ở lại, nhưng mẹ đã hoài công và tôi vì gấp gáp chạy theo nên ngã lộn đầu từ bậc tam cấp thềm nhà xuống sân ngất lịm!! Kết quả là tôi gãy một cánh tay và trên trán mang vết sẹo cho đến bây giờ! Có bút mực nào diễn tả hết đau khổ của mẹ tôi lúc ấy? Nước mắt mẹ có lẽ đã rơi ướt những trang nhật ký nên chúng trở thành nhăn nhúm, nhòe nhoẹt. Thời gian trôi theo khốn khó chất chồng. Thỉnh thoảng tôi hay nghe bên hàng xóm hát câu ca dao ru con:
"Trời mưa bong bóng phập phồng.
Mẹ đi lấy chồng con ở với ai!"
Năm em Nhân Thế lên 6 thì mẹ tôi đi thêm bước nữa và theo chồng đi xa. Kể từ đó chị em tôi về ở với bà ngoại. Nhờ tháng tháng mẹ gửi tiền về nuôi nên đời sống chị em tôi vì thế đỡ phần vất vả. Nhà của Ngoại là căn nhà ba gian hai chái, mái lợp ngói âm dương cất theo lối cổ, nhà có bậc thềm cao, nền đúc, nằm giữa khu vườn cây cối um tùm. Thời gian đầu vắng mẹ, đêm đêm hai chị em nằm co quắp vào nhau, sợ bóng tối, sợ tiếng động. Nhất là vào những đêm mưa bão gió thổi lọt qua đám lá phất phơ, rọi lên vách những hình ảnh đong đưa ma quái khi có ánh chớp lóe sáng ngoài khung cửa sổ.
Ban ngày sau giờ đi học, chị em tôi hay dắt nhau đi thơ thẩn sau vườn. Cuối vườn là một bờ cỏ tiếp giáp với con sông nhỏ. Em tôi hay lấy đá ném lia thia trên mặt nước và tôi thì dõi mắt nhìn dòng nước đang lủi thủi chảy xuôi mang theo những cụm lục bình hoa màu tím nhạt, trôi xa dần giống như tuổi thơ của chúng tôi. Còn cha mẹ mà chị em tôi giống như những đứa trẻ mồ côi! Có những nỗi buồn và nỗi cô đơn khiến người ta không thể khóc, chúng chỉ đọng lại đâu đó trong ký ức, và mỗi khi nhớ đến chỉ lặng lẽ âm thầm, rưng rưng.
Niềm vui duy nhất của tôi là lâu lâu dượng và mẹ đưa em Phượng Trinh là đứa em cùng mẹ khác cha với tôi về thăm nhà. May mắn thay tôi có người cha ghẻ thật tốt bụng. Lần nào ông cũng đưa tất cả mọi người trong gia đình đi chơi chỗ này chỗ nọ. Tôi nhớ như in lần được dắt ra bến tàu SàiGòn chơi mát. Tôi lạ lùng thích thú khi thấy mỗi chiếc tàu khi chạy ngang qua bức tượng đứng trên bờ và trỏ một bàn tay xuống sông, trên bong tàu có một hàng quân mặc đồng phục trắng đứng dọc theo thành tàu giơ tay nghiêm chào bức tượng. Con sông với tôi thuở ấy mênh mông bát ngát biết dường nào. Từ dạo đó tôi bắt đầu yêu sông nước, yêu màu trắng, yêu những con tàu. Lần đầu tiên tôi đặt chân lên một chiếc phà băng ngang sông, một hành trình ngắn ngủi, chỉ là chiếc phà đưa khách sang sông nhỏ xíu, nhưng với đôi mắt trẻ thơ của tôi nó to lớn làm sao. Ðứng tựa lan can tàu nhìn dòng nước ngầu đục rẽ dọc hai bên, thích thú lăng quăng chạy lên chạy xuống nhìn vào hầm máy, ngước nhìn lên cao nơi phòng lái, mơ ước một ngày nào đó tôi sẽ được đứng vào vị trí này.
Thời gian như dòng nước chảy qua cầu. Lớn lên tôi mới biết ước vọng của mình sẽ không bao giờ trở thành hiện thực. Tôi gói ghém, gom cất mơ ước ngày thơ để trở thành cô giáo nhỏ, mỗi ngày hai lượt đi về bằng chiếc phà băng ngang qua sông đến ngôi trường nhỏ. Con sông giờ mới thật sự rộng mênh mông, hàng ngày chúng đón nhận những chiếc tàu đạn từ biển cả xa xôi ghé vào.
Bên kia bờ là Căn cứ Hải quân nằm cạnh bến phà. Ở đây ngày thường chỉ có cư dân địa phương qua lại, ngày chủ nhật thì đông hơn bởi có thêm một số người từ thành phố xuống, họ thích tiêu pha thì giờ nhàn rỗi bằng cách ngồi hàng buổi ngay cầu tàu chỉ để câu được vài con cá tí xíu, mớ tôm lóng mỗi con chỉ to bằng ngón tay trỏ. Những ngày ấy dù trường đóng cửa tôi cũng vẫn đi đến bến phà, chỉ cốt yếu là đứng bên dòng sông, nhìn nước chảy. Có lần đang đứng trên kè đá nhìn xa xăm, lắng nghe trong gió mùi hương từ suối nguồn mà sông chuyên chở về tận nơi đây, tôi bỗng giật bắn người khi nghe tiếng còi tàu chát tai bên cạnh. Thì ra một chiếc hải thuyền đang từ từ rời cầu tàu để sang bờ bên kia căn cứ. Trên buồng lái, một anh lính Hải quân đang nheo mắt cười với tôi và vói tay kéo thêm vài hồi còi trêu chọc. Có phải định mệnh khiến xui? Hình ảnh anh trên con tàu lay động mơ ước ngày thơ tôi đang cất giữ trong vô thức! Thỉnh thoảng tôi lại gặp anh lái chiếc Jeep từ căn cứ đi ra, khi thì ngất ngưởng trong quán rượu bên bàn bi da. Trong mắt anh tôi chỉ là một cô giáo trẻ áo dài trắng, hài thêu đơn sơ, tầm thường nên chẳng thèm quan tâm để mắt!! Ba mẹ sinh tôi ra có đôi mắt phượng nồng nàn!! Và Thượng đế lại cho tôi thêm một trái tim lãng mạn!! Có phải vì thế mà tôi nhạy cảm hơn người?
Tôi rùng mình, gió từ phía sông đưa lại, không gian tĩnh mịch lặng lờ. Im ắng quá, tưởng như chỉ cần tiếng động của một chiếc lá rơi cũng đủ làm đứt mất sợi tơ vô hình đang nối trời với đất. Mới đó mà đã gần 6 năm trôi qua. Biết bao điều đã xảy ra, nhưng với tôi có một điều không thay đổi! Khoảnh khắc đã thành thiên thu.
Hình ảnh ấp ủ trong tôi đã ươm mầm chờ đợi. Anh bây giờ đang ở đâu? Sau cái ngày ấy đã vượt thoát hay đang lang thang trong một trại tù Bắc, Nam nào đó? Hẳn anh không ngờ một cô giáo nhỏ, vùng ven, sống trầm lặng với em, với ngoại, lại bướng bỉnh, can đảm nhận một kẻ bại trận làm chồng. Một người chỉ biết mặt vài lần và cái tên Phù Tang của anh tôi chỉ mới biết trong gấp gáp vội vàng khi ký vào tờ đơn bảo lãnh.
oOo
Mãi đến bây giờ mỗi lần nhớ lại, Tang tưởng chừng như một giấc mơ. Thật khó có thể hình dung rằng trên cõi đời lại có một tấm lòng như vậy. Gần 6 năm trời trôi qua, lòng Tang vẫn canh cánh. Ngày cuối cùng di tản, con tàu Tang cầm lái kém may mắn trúng một trái đạn của Việt Cộng từ trên bờ bắn ra. Trên ghe lại có một số đàn bà, trẻ con! Không đành bỏ quên tính mệnh của những người vô tội, chàng bắt buộc phải ghé vào bờ, trên đó có đám du kích phục sẵn. Mọi người trên tàu được gia đình bảo lãnh đều lần lượt được thả về nhà chờ một quyết định chung cho số phận. Mặc dù đã nhiều lần nhờ người thông tin cho gia đình, Tang vẫn không nhận được hồi âm. Một tháng trời trôi qua trong tuyệt vọng với chàng. Giữa lúc khốn cùng nhất của cuộc đời bỗng xuất hiện vị cứu tinh. Cô gái nhỏ nhắn chỉ ngoài đôi mươi. Mái tóc ngắn cong cớn thả trên vai, đôi mắt phượng với đuôi mắt dài hơi xếch. Trái tim Tang bỗng đập mạnh và lồng ngực nóng ran khi chàng bắt gặp đôi mắt cô nhìn mình. Nó như chiếu rọi hết tất cả ánh ngời sáng trong tâm hồn, chứa đựng biết bao hy vọng và niềm tin, vực dậy lòng kiêu hãnh của một bại binh. Không băn khoăn, ngần ngại trước số phận hiện tại, cô đã đối đáp một cách bướng bỉnh, nhưng thông minh trước lời căn vặn bắt bẻ của tên du kích cán bộ khi cô đứng ra bảo lãnh cho Tang trong vai trò người vợ và thản nhiên xác nhận chàng là chồng. Giữa lúc mọi người quay lưng chối bỏ quá khứ, cô lại xoay ngược cuộc đời mình. Quá nôn nóng trở về tìm lại gia đình, và trong giây phút xúc động, Tang chỉ kịp hỏi tên và chỗ ở của cô gái, định bụng sẽ trở lại tìm nàng. Nhưng không ngờ lần tạm biệt hôm ấy lại kéo dài cho đến bây giờ. Những đêm nằm trong bóng tối của trại tù, Tang vẫn hằng nghĩ về nàng. Em mang tên chúa tể của loài chim, bay cao, bay xa như ý nghĩ, hành động của mình. Trong Tang bây giờ không đơn thuần là lòng biết ơn, hình như có cái gì khác nữa! Nó xuất hiện, ray rứt trong tận vùng sâu thẳm, một mối bùng nhùng không sao tháo gỡ.
Mãi nghĩ ngợi, Tang đi hết khoảng ruộng trống lúc nào cũng không hay. Xóm nhà hiện ra ngay trước mắt. Ghé vào quán nước bên đường hỏi thăm nhà cô giáo Phượng. Cô bé 12, 13 tuổi trỏ vào ngôi nhà gạch kiểu xưa nằm xéo bên kia đường. Căn nhà cách chiếc cổng một khoảng sân rộng đầy cây cối. Loay hoay nhìn vào toan lên tiếng gọi bỗng Tang giật mình im bặt. Ngoài hàng hiên bên chái nhà phụ, một người mặc quần áo bộ đội đang nằm trên chiếc ghế xích đu, cái nón cối úp vào giữa mặt hình như đang ngủ trưa! Ðôi dép râu vứt lăn lóc dưới chân. Tang lùi lại, quay lưng đi khỏi căn nhà. Ngang qua cái quán nước khi nãy chàng ghé vào hỏi thăm như để xác định niềm nghi hoặc:
- Em à! Căn nhà gạch em chỉ, có chắc là nhà cô giáo Phượng? Anh thấy có người bộ đội đang trong ấy?
Cô bé nhanh nhẩu:
- Ðúng đó chú. Nhà cô giáo là gia đình cách mạng mà.
Một nỗi nghẹn ngào, đau đớn dâng lên đến khó thở khi Tang bỗng nhận ra sự thực xót xa. Tang như hụt hẫng rơi vào khoảng không. Mọi dự tính sắp đặt trong đầu óc giờ tan như bọt biển khi chạm vào bờ cát! Một tuần sau đó, trên chiếc ghe vượt biển, có một chỗ trống. Chỗ này được chủ tàu dành riêng cho thân nhân của tài công!
Sau khi chỉnh lại mũi tàu theo hướng của la bàn chỉ về phía Nam, Tang quay mặt ngước lên bầu trời chi chít những vì sao của đêm biển lặng, nhìn vào chỗ trống chàng thở dài "Dù muốn dù không hình ảnh của nàng cũng là một vết hằn khứa sâu mãi mãi vào ký ức và nàng trong tâm tư Tang sẽ không đi qua nhẹ nhàng như những cô gái khác."
oOo
Bóng nắng rọi trên mặt sông hào phóng hắt những tia rực rỡ lăn tăn, óng ánh. Trời về chiều, nắng dần tắt đi ánh sáng nhường chỗ cho màu tím thẫm lửng lơ buông xuống. Tôi cắp rổ bước vào nhà. Ngày mai còn phải lấy lưới bao quanh các chùm nhãn. Ngày xưa những thứ này Ngoại chỉ để ăn hoặc đem biếu bà con, bây giờ, mấy chục gốc xoài, vài cây nhãn đến mùa hái đem bán cũng đỡ được một phần nào cơm gạo trong thời buổi này.
Trên hàng hiên nhà, ba tôi trở dậy, đang sửa soạn ra về. Tôi hỏi:
- Ba không ở lại ăn cơm?
- Thôi để Ba về, kẻo trể rồi..!!!
Ba tôi bỏ lửng câu nói. Tôi biết ông đang nghĩ đến bà vợ trẻ ông mang từ Bắc vào, nhưng ghen đáo để với mẹ tôi.
3 tháng sau cái ngày 30/4 ba tôi trở về một cách đột ngột, cũng giống như ngày xưa ông âm thầm ra đi không một lời báo trước. Giờ ông trở về tìm lại vợ con. 16 năm cách biệt, cha con gặp nhau xa lạ, nhạt nhẽo! Tôi ngồi nghe ba tôi than van, cay đắng trách móc việc mẹ tôi đi thêm bước nữa. Tôi không hề nghe ông có một lời hỏi han, nghĩ đến nỗi đau khổ, khó khăn chất chồng mà mẹ tôi gánh chịu khi ông bỏ đi, không để lại lý do hay một lời hứa hẹn ngày về. Bây giờ gặp nhau, giữa hai người đã trở thành xa lạ. Lòng mẹ có một hàng rào vô hình xây từ mối hận bị phụ bạc ngày xưa!! Tôi thấy tội nghiệp cho mẹ. Hạnh phúc nào cũng chẳng giữ được lâu, chẳng phải do người đánh mất!! Dượng bây giờ đang trong một trại tù xa xăm, heo hút nơi đất Bắc xa xôi, nhưng tình yêu của mẹ với dượng vẫn canh cánh bên lòng. Tôi thấy được qua việc mẹ ngày ngày tần tảo chốn chợ trời mua bán, góp từng gói mì, hộp diêm quẹt để dành chờ đợi ngày đi thăm nuôi dượng.
Chừng như để lấp đầy cái hố thất vọng khi trở về tìm lại vợ con, ba tôi trở ra Bắc và 2 tháng sau ông vào lại miền Nam với người vợ trẻ chỉ hơn con gái mình vài tuổi!! Tôi biết cô ta chẳng yêu thương gì ba tôi, chẳng qua chỉ muốn mượn ba tôi làm con đường để có thể vào sống ở Miền Nam, thiên đàng của người dân đất Bắc sau năm 75.
Gặp các bạn học cũ tôi giấu hẳn việc cha tôi là một người Cộng Sản. Có lần nhìn bàn tay ông tôi bỗng nhớ tới những trái đạn pháo kích bắn vào thành phố. Lần đó một trái đạn 122 ly rơi trúng ngay nhà chị dâu của nhỏ Liên bạn thân của tôi. Cả hai mẹ con đều chết thảm. Ðứa bé chỉ mới lên 3. Lần khác trái đạn rơi trên đường phố vào sáng sớm. Vô phúc thay ba mẹ của nhỏ Huệ học cùng lớp với tôi, đèo nhau trên chiếc Honda đi làm vừa trờ tới! 5 chị em đã phải quấn hai mảnh khăn tang cùng một lúc, Huệ là người chị lớn nhất đã phải bỏ học đi làm sở Mỹ để nuôi 4 đứa em côi cút, khi ấy Huệ chưa đầy 17 tuổi!! Mặc cảm dâng đầy trong tôi. Tôi nghĩ rằng hình như ba tôi cũng có phần nào lỗi lầm trong đó.
Tôi bỗng buột miệng hỏi ba tôi:
- Năm Mậu Thân ba đang ở đâu?
Ông nhướng mắt ngạc nhiên nhưng cũng trả lời:
- Ba ra Miền Bắc ngay từ năm 60 và làm việc trong bộ phận tuyên huấn tỉnh.
Thì ra thế, thảo nào khi nói chuyện ông hay quen miệng tuyên truyền, lúc nào cũng ca ngợi các nước anh em, Liên Xô, Ba Lan, Tiệp khắc là vô địch..vv... và v.v.... Khi Nhân Thế về nói ông bệnh, tôi ghé thăm. Tôi không ngờ lần đó đã không kìm được nóng giận khi nghe người vợ mới của ba tôi thẻo thợt nói xấu những người vợ của Sĩ Quan "Ngụy". Trong đó có cả mẹ tôi. Quắc mắt tôi ném tia nhìn dữ dội vào mặt ả ta và thốt:
- Mày câm mồm ngay. Ðồ đĩ.
Ba tôi ngồi bật dậy hét lớn:
- Ðồ mất dạy.
Cơn giận chợt vỡ òa, nổ bùng những hờn tủi, từ lâu chất chứa trong thâm tâm. Tôi mím môi, mặt đanh lại:
- Phải! Con mất dạy kể từ khi ba bỏ mẹ và con mà ra đi kìa!
Bàn tay cha giơ lên có lẽ định tát tôi, nửa chừng buông thõng. Ánh mắt ông tối sầm, tôi thấy nét đau đớn hiện ra. Tôi quay lưng bỏ chạy ra khỏi nhà, mặc cho nước mắt tuôn rơi. Tôi có phải là cô giáo nhỏ ngày nào, hiền hậu, ít nói?? Sao giờ tôi thốt toàn lời cay độc, những từ ngữ tôi chưa bao giờ dùng!! Có phải tôi đánh mất con người cũ khi hằng ngày đứng trên bục giảng nói lên những điều trái ngược với lòng! Trong khoảng khắc đó tôi nhận ra nỗi buồn cùng quẫn tâm trí khiến tôi trở nên cay đắng và tàn nhẫn!!
Quan hệ hai cha con tôi có lẽ không nối lại được nếu như tôi không bị Sở Giáo Dục buộc vào tội khai man lý lịch. Ba tôi với tư cách một người cha là cán bộ đứng ra làm tờ bảo đảm về hành vi chính trị của tôi. Mặc dù tôi và anh chưa có giây phút làm tình nhân, cũng chẳng hề quen hơi bén tiếng trong tình nghĩa vợ chồng. Nhưng giờ trong lý lịch tôi có tên anh là chồng. Tờ đơn bảo lãnh cho anh nằm sờ sờ trên tay tên cán bộ Phòng Tổ Chức Sở khi họ sưu tra về lý lịch của tôi. Thật tình thì tôi cũng chán ngán công việc ngày ngày nhai đi nhai lại cái giáo án, biến lũ trẻ thành những con người máy, những con vẹt chỉ biết lập lại động tác đơn thuần và rập khuôn lời nói!!
Nhưng rồi có những biến cố xảy ra giữa hàng ngũ lãnh đạo của hai miền Nam Bắc khiến ba tôi dạo sau này thay đổi hẳn thái độ. Ông im lặng không còn lối mở miệng ca tụng chế độ như hồi mới về. Tôi hiểu thâm tâm ông biết mình đã đi sai đường, ông phí tuổi xuân, bỏ mất hạnh phúc gia đình chỉ để đuổi theo ảo ảnh một chế độ không tưởng. Ông không dám thú nhận điều này vì sĩ diện và tự ái. Từ khi cha con gặp nhau ông chỉ làm được mỗi công việc cho chị em tôi là nhờ có ông, Nhân Thế mới được vào Ðại Học và bảo lãnh cho tôi khỏi bị cho nghỉ việc. Tôi thấy tội nghiệp cho ông nên không còn gay gắt với ông như xưa. Dù sao ông cũng là cha ruột của tôi.
Thời gian này người ta đua nhau đi vượt biên. Ði bằng bất cứ cách nào có thể được. Bạn bè của tôi từ từ biến mất. Vào trường thấy họ vắng mặt độ 1 tuần là ngầm hiểu với nhau lý do. Chỉ có những người không có đủ tiền và cơ hội thì còn ở lại mà thôi. Tôi cũng là một trong số người này. Tiền bạc có được chỉ để dành cho mẹ đi thăm nuôi dượng. Bỏ mẹ trong những lúc này tôi không đành lòng. Nhưng bản thân tôi thấy mình phải cần có một sự đổi thay trong đời sống hiện tại, tiếc rằng đổi thay này không do tôi quyết định.
oOo
Chiếc xe giảm ga ngừng lại theo yêu cầu của Tang, dừng lại nơi khúc quanh, Tang không còn nhận ra cảnh cũ. Phố xá mọc lên san sát, cái cao cái thấp, nhô ra thụt vào. Khoảng trống của đám ruộng xưa kia giờ đây biến mất. Còn chăng là hàng cây vông ven đường nay đã bị xén cụt ngọn, còn sót một ít cành lá cố vươn lên, đánh thức mùa hạ trở mình, vực dậy những bông hoa đỏ chói, cánh mong manh đang trĩu nặng đám bụi đường.
Thời gian! Cái thời gian làm người ta bạc tóc. 18 năm trôi qua kể từ cái ngày hàm ơn của Phượng!! Bây giờ Tang đã là một Việt Kiều rủng rẻng dollar. Hết rồi cái thời lầm lũi vác về từng bó tranh, hàng chục cây lồ ô với thân thể rách rưới, đói khát của một tên tù. Xứ sở đang trên đường hồi sinh dành những tiện nghi vật chất văn minh nhất để phục vụ những người trong túi đầy dollar, bất kể quá khứ. Thành công nơi xứ người cho phép Tang có thừa đàn bà trẻ đẹp bên cạnh. Chàng đã từng đi đây đi đó, đã từng ôm ấp những tấm thân mềm mại. Hôn lên những đôi môi đầy son, nhìn sâu vào những đôi mắt kẻ đầy màu xanh đỏ. Và một lần lắng nghe nhịp đập của tim mình, chàng tưởng rằng nó sẽ cùng hòa nhịp với người là mẹ của con chàng. Nhưng Tang đã lầm, may mắn thay đời sống "đồng sàng dị mộng" của vợ chồng Tang đã không kéo dài quá 5 năm. Sau những lần vùi đầu trong suốt sáng, là những lần Tang cảm thấy mình cô đơn nhất! Làm sao Tang quên được ánh mắt của nàng. Ðôi mắt như có ánh nắng ấm, rạng rỡ, vực dậy trong chàng tia hy vọng nồng nàn mà chàng không thể tìm thấy ở người đàn bà nào khác. Có lẽ từ những ngày vượt biển tâm hồn chàng trở nên chai lì và trống rỗng.
Tang thầm nghĩ, bây giờ chắc Phượng Hoàng đã lập gia đình. Chồng nàng đương nhiên phải là một cán bộ có chức vị khá. Dù sao thì Tang cũng nên đến gặp một lần, nói câu cám ơn cho tròn ân nghĩa. Nhưng thực ra, để lấp đầy khoảng trống băn khoăn về nàng có trong Tang từ lâu mà chàng không sao giải thích nổi.
Dừng chân trước căn nhà cổ. Ngôi nhà vẫn như xưa. Cây cối chung quanh được đốn bớt nên căn nhà có vẽ quang đãng hơn. Một thiếu phụ trung niên từ phía sau nhà đi ra khi Tang gọi cổng. Giới thiệu mình là bạn học ngày xưa của cô giáo đã lâu mất liên lạc, nay tìm thăm. Người thiếu phụ vồn vã:
- Dạ cô giáo xuất cảnh đi Mỹ hồi năm ngoái rồi.
Một lần nữa Tang bỗng bàng hoàng sửng sốt!!
- Cô Phượng Hoàng đi Mỹ với ai ? Nhà cô ấy là gia đình cách mạng mà?
Người đàn bà mau mắn xác nhận :
- Dạ phải, ba cổ là cán bộ ngoài Bắc về. Nhưng hai cha con không có hợp nhau ông à. Có một lần cổ bị rắc rối với trong trường vì nghe đâu cổ có chồng là lính mà không khai trong lý lịch. Nhờ ba cổ bảo lãnh nên mới được cho dạy lại thôi, không thì bị cho nghỉ rồi...
Tang thắc mắc:
- Nhưng làm sao mà cô ấy đi Mỹ được? Ði bằng máy bay??
- Dạ thì tại ông dượng là chồng sau của má cổ, đi học tập cải tạo 12 năm mới về. Ông này nuôi chị em cô giáo từ hồi nhỏ mà.
Tang hiểu ra:
- Vậy thì cô giáo đi theo diện HO, cô giáo vẫn chưa có gia đình?
- Hình như nghe nói cổ chờ đợi cái ông nào đó mà trong lý lịch cổ khai là chồng.
Tang nghe như có tiếng nổ bên tai, chàng choáng váng một lúc. Vậy là từ dạo ấy chàng đã vội vàng, và lầm lẫn, vô tình bỏ qua một cơ hội nắm bắt hạnh phúc trong tay! Chàng không tin vào số phận, nhưng quả thực số phận của hai người quả là nghiệt ngã! Bây giờ em ở đâu? Ðất Mỹ mênh mông! Lòng Tang trôi trở về những ngày tháng cũ của lần gặp mặt đầu tiên cũng là lần duy nhất!! Chỉ trong khoảnh khắc mà cõi lòng ghi dấu tận thiên thu. Tang thấy trong trái tim mình nặng nề một món nợ mà cả nửa đời sau của chàng chưa chắc trả hết.Loài chim Phượng Hoàng bay cao và bay xa. Thoạt đầu người ta tưởng chúng cô độc. Nhưng thực ra bao giờ chúng cũng có đôi. Con trống và con mái. Nhất định là vậy vì chúng không bao giờ rời nhau cho dù đến chân trời hay góc bể? Cho dẫu đôi lúc bị phân ly bởi mưa nguồn gió bão, rốt cuộc rồi chúng cũng sẽ tìm đến được với nhau./.
Cỏ Biển
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét