- Cuộc sống của em bên ấy thế nào?
An vừa hỏi vừa nhìn Thi, như để tìm một nét nào đó còn thân quen với anh. Thi cười:
- Cũng ổn! Mà em lạ lắm sao?
À, thì ra vẫn còn đó một nụ cười. Chỉ có điều bây giờ…khuôn mặt của Thi đã có những vết rạn của thời gian dù lớp son phấn đắt tiền cũng không thể nào che hết được. Cặp lông mày sắc lẽm được tô vẽ cẩn thận. Đôi mắt tròn như đôi mắt bồ câu được che bởi hai hàng lông mi dài nhân tạo. Chiếc váy ngắn đắt tiền màu đen nổi bật dưới làn da trắng trời cho, càng tôn thêm vẻ đẹp của một quý bà được toát ra từ Thi…
- Em khác nhiều quá!
An vẫn nhìn Thi và nói nhỏ.
- Như đã nói chuyện qua điện thoại, em về lần này muốn anh dứt khoát để làm thủ tục đưa anh sang Mỹ cùng em. Anh thấy thế nào?
- Anh thì được, nhưng còn má của anh không có người sớm hôm chăm sóc. Anh chưa biết làm thế nào đây?
Thi nhìn ra hướng sông, với nét mặt rất thản nhiên:
- Thì mỗi tháng em gửi về 200 đô là ổn chứ gì?
- Thi à, có những cái không thể giải quyết bằng tiền.
- Thế anh sống bằng nước lạnh à? Mà ở thành phố này, muốn có nước lạnh cũng phải bỏ tiền ra mua đấy. Thi quay lại, vẻ mặt không được vui.
- Anh chỉ nói lên điều anh nghĩ, không lẽ em giận sao? An nhìn Thi nói một cách từ tốn.
- Em không giận mà chỉ buồn thôi. Anh vẫn như ngày nào, vẫn quẩn quanh với con sông quê, với lũy tre làng của một thời đã qua…
- Em thì còn lạ gì với má của anh. Mà theo anh, những người sinh ra ở những năm 20, 30 của thế kỷ trước đều như vậy. Anh mà nói chuyện tiền bạc thì má sẽ từ anh và đuổi anh ra khỏi nhà mất.
- Như vậy bây giờ anh tính sao?
An nắm lấy bàn tay Thi:
- Hãy để anh thuyết phục má. Anh không muốn mất em một lần nữa.
Thi nhìn An xúc động, nói:
- Em sẽ cùng về với anh, để xin lỗi bác gái về những gì em và gia đình em đã làm bác không vui.
Một bản nhạc tình của nước ngoài vang lên nhè nhẹ. Căn phòng như chùng xuống. An và Thi đều đưa mắt về hướng sông Sài Gòn. Gió có vẻ mạnh hơn. Rực rỡ ánh đèn điện, chiếu sáng, lan tỏa một góc trời.
******
Nhà An và Thi gần nhau,chỉ cách khoảng gần trăm mét. Chiều chiều, hai đứa thường hay ra bờ sông mót củi tre, thỉnh thoảng luồn trong đám bắp bẻ trộm; có lúc cũng không quan tâm đến chuyện con gái con trai, hai đứa nắm tay nhau nhảy ùm xuống sông tắm và đùa giỡn thỏa thích mới thôi. Mấy đứa bạn cùng lứa thỉnh thoảng chơi nghịch, rủ nhau về sớm và giấu củi của hai đứa nên An và Thi phải tay không về nhà, bị ăn đòn vì không có một khúc củi nào. Rồi, Thi ngày càng trổ mã con gái, trông xinh hẳn lên. Cả làng ai cũng trầm trồ. Thi không ra sông mót củi nữa. An vẫn ra sông một mình. Buồn và nhớ. Khi có việc đi ngang qua nhà An, Thi chỉ lén nhìn và bước thật nhanh vì sợ làng xóm, nhất là mấy đứa bạn nói nọ nói kia thì khổ lắm. Năm 1972, chiến tranh lan rộng, Thi được gia đình đưa về thị xã học. Chỉ mới vắng Thi 1 tuần,bỗng dưng An nhớ Thi, một nỗi nhớ vô hình cứ cồn cào lấy An. Chiều thứ 7, An xách xe đạp ra đứng đầu làng, nhưng vẫn không thấy Thi về. Những chiều thứ 7 tiếp theo cũng thế, Thi vẫn không về. Đến một ngày, chiếc xe hơi bóng loáng, sang trọng dừng lại trước nhà Thi, nhìn người thanh niên xuống xe cùng Thi bước vào nhà, An như đã hiểu ra, Thi không còn là cô bé cùng anh mót củi tre ngày nào nữa. An nghe bà con lối xóm nói với nhau rằng, đây là vở kịch được dàn dựng bằng bàn tay khéo léo của má Thi, bởi bà đã nhìn thấy mối quan hệ tình cảm ngày càng khăng khít của Thi và An, bà muốn Thi có một người chồng giàu sang, chứ không muốn cái thằng An nghèo khổ làm rể của bà. Hôm ấy, An âm thầm ra bờ sông, ngồi khóc cho số phận của riêng mình. Ngày hôm sau, An xuống thị trấn đón xe đò lên Pleiku lập nghiệp. Và, kể từ đó, cái xóm ven sông không còn thấy An nữa. Nghe đâu sau đó Thi lấy chồng, mua nhà Sài Gòn và đưa mẹ vào để chăm sóc tuổi già. Ngôi nhà ở xóm ven sông thì cho người cháu họ ở, trông coi cúng kính giỗ chạp. Và, thời gian cứ trôi, cũng không ai nhắc đến chuyện của An và Thi nữa.
Cứ tưởng, dòng đời sẽ nhấn chìm tất cả. Nhưng, điều tưởng như không thể lại xảy ra. Đó là một ngày, Thi đưa mẹ về quê an táng theo di nguyện của bà trước khi qua đời. Bà muốn được sự bình yên vĩnh viễn bên cạnh cha mẹ, ông bà của mình. Thế là sau gần 40 năm, An và Thi lại gặp nhau ở cái xóm ven sông. Tạo hóa cũng khéo bày trò tan hợp, hợp tan. Hai đứa trẻ năm xưa chiều chiều rủ nhau đi mót củi, tắm sông giờ gặp lại nhau tóc đã bạc hơn nửa mái đầu. An, sau bao tháng năm lưu lạc cũng đã lập gia đình và đưa vợ về quê sinh sống. Thế nhưng sự nghèo khó và khổ cực đã không giữ nổi người phụ nữ ấy hơn 10 năm rồi. Còn Thi thì theo chồng sang Mỹ diện HO. 3 năm trước, chồng của Thi đã theo một người phụ nữ khác trẻ hơn, giàu có hơn. Số phận và hoàn cảnh thực tế như vậy đã đưa đẩy An và Thi sẽ có thể đến với nhau trong quãng đời còn lại của mình, nhưng đúng là cuộc sống này không hề đơn giản một tý nào cả. Má của An lại phản đối kịch liệt. Bà cho rằng, Thi là người phụ nữ chỉ biết chạy theo đồng tiền, nên không thể tránh khỏi những bi kịch trong cuộc sống gia đình. Chẳng phải người vợ của An bỏ đi hơn 10 năm rồi bởi vì đồng tiền đó sao? Một chữ bẻ làm đôi không có, nhưng cái câu ca dao: Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon, thì bà phân tích rất sâu sắc, không thua kém gì người có học hành chữ nghĩa đàng hoàng. Theo bà, trong cuộc sống này, nhất là trong mối quan hệ vợ chồng, chữ nghĩa chữ tình là phải đứng hàng đầu, và dù cho đến thế kỷ nào cũng vậy.
*******
Khi chiếc taxi chở An và Thi từ sân bay Phù Cát về đến nhà An thì trời vẫn còn tối. Khoảng 4 giờ. Nhưng trong nhà đèn điện được bật sáng. Cửa mở.
- Thưa má, con mới về!
- Chào bác!
- Hai người xếp hành lý vào trong cho gọn, ra sau rửa mặt, rồi vào đây chúng ta bàn chuyện.
Bà Bảy ngồi trên chiếc giường chõng tre, khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc của sự buồn vui. An cảm thấy bất an, Thi thì lúng túng thấy rõ, bởi bà Bảy chẳng động tĩnh gì. Khoảng một lúc sau, bà Bảy mới lên tiếng:
- Tôi già rồi nên có chút lẩm cẩm. Cô Thi cho tôi biết, cô có ý định bảo lãnh thằng An nhà tôi sang Mỹ, phải không?
An vội lên tiếng:
- Dạ, không phải như vậy đâu, má à!
- Má không hỏi con.
Bà Bảy nghiêm sắc mặt.
Có lẽ, trải qua với bao sóng gió của cuộc đời, đã giúp Thi chững chạc và dày dạn hơn. Thi tự nhủ, nếu không thay đổi kịp thời sự nhận thức hôm An đón Thi tại Sài Gòn thì Thi sẽ mất An một lần nữa, hay nói đúng hơn, An và Thi sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội để là của nhau trong những ngày tháng còn lại của tuổi xế chiều này. Thi nói nhẹ, từ tốn:
- Thưa bác, là người cùng làng với nhau, cháu với anh An thân nhau từ bé, nên cháu hiểu anh An rất yêu thương bác, không bao giờ muốn rời xa bác. Chỉ có điều, cháu xin bác cho cháu được qua lại nhà này như người thân trong một gia đình.
- Tôi không phải là người cố chấp. Hơn ai hết, tôi hiểu tình cảm của cô và thằng An nhà tôi. Nhưng có điều này, tôi phải nói cho cô biết, nếu cuộc sống gia đình mà lấy đồng tiền làm nền tảng có thể dẫn đến những bi kịch, đó là điều không thể tránh khỏi.
Bà Bảy đưa tay lấy bát nước chè nóng uống một ngụm rồi nhìn sang An, nói:
- Con hãy tự quyết định lấy chuyện của mình. Má ra vườn hái nắm rau, chuẩn bị cho bữa sáng cái đã.
Bà Bảy đứng dậy, chỉ mới đi được hai, ba bước thì lảo đảo muốn té. Rất may là An ngồi gần đó nên kịp thời đỡ lấy bà, tránh được chấn thương đáng tiếc, và có thể dẫn đến nguy hiểm nữa.
Chứng kiến tận mắt cảnh ấy, Thi đã nhận ra, bà Bảy rất cần có An bên cạnh, không thể khác được. Và, tuy bà Bảy có cái khó của người già, nhưng cũng phải thấy rằng, bà yêu thương và tôn trọng quyết định hạnh phúc riêng của An. Thi tự nhủ, có người mẹ nào không muốn con mình hạnh phúc? Má của Thi cũng thế mà! Thi biết mình ngay bây giờ phải làm gì. Cô bước lại xách hành lý lấy điện thoại gọi 115, và tiếp theo là gọi hãng hàng không, báo hoãn chuyến bay ngày mai mà Thi đã đặt vé để vào Sài Gòn, trở lại Mỹ.
Khi chiếc xe của bệnh viện đến chở bà Bảy vào bệnh viện để cấp cứu, trời chưa sáng hẳn, và những giọt sương còn đọng long lanh trên hàng rào chè trước nhà An./.
Nguyễn Hữu Duyên
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét