Tìm bài viết

Vì Bài viết và hình ảnh quá nhiều,nên Quí Vị và Các Bạn có thể xem phần Lưu trử Blog bên tay phải, chữ màu xanh (giống như mục lục) để tỉm tiêu đề, xong bấm vào đó để xem. Muốn xem bài cũ hơn, xin bấm vào (tháng....) năm... (vì blog Free nên có thể nhiều hình ảnh bị mất, hoặc không load kịp, xin Quí Bạn thông cảm)
Nhìn lên trên, có chữ Suối Nguồn Tươi Trẻ là phần dành cho Thơ, bấm vào đó để sang trang Thơ. Khi mở Youtube nhớ bấm vào ô vuông góc dưới bên phải để mở rộng màn hình xem cho đẹp.
Cám ơn Quí Vị

Nhìn Ra Bốn Phương

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Tưởng Niệm Tháng Tư Đen và Kính Chuyển Tin Thế Giới và Việt Nam, Theo Dòng Thời Sự - Lê Văn Hải -


Nhớ Lại Trang Sử Đau Thương! Đại Tá Trịnh Tiếu và Cuộc Di Tản Đầy Máu và Nước Mắt! Không phải mãi hai ngày sau người Mỹ mới biết lý do đằng sau vụ di tản rút quân bỏ miền Trung. Vào buổi tối ngày 17.3.1975, tại bữa cơm đãi một số Viên Chức cao cấp Mỹ và Việt Nam tại nhà ông Thomas Polgar, Trưởng CIA, ở Sài Gòn, Tướng Ðặng Văn Quang Cố Vấn An Ninh của Tổng Thống Thiệu, đã lật trang sử khi giải thích quyết định của ông Thiệu.
 <!>

Rất giống người Nga tiêu diệt đội quân của Nã Phá Luân vào năm 1812 bằng cách bỏ đất để câu giờ hầu chấn chỉnh tổ chức quật ngược thế cờ, Tướng Quang cho rằng quyết định của ông Thiệu đi theo chiến lược đó sẽ đánh bại quân Bắc Việt. Tướng Quang nói ‘’Có thể mùa mưa sẽ giúp chúng tôi như thể Ðại Tướng mùa Đông đã giúp người Nga’’.

Tại Cao Nguyên Trung Phần, dân chúng không chờ giải thích. Họ thấy rõ quá rồi nên tự lo lấy. Khi quân Bắc Việt pháo kích Kontum, con đường dẫn xuống Pleiku tràn ngập dân di tản chạy trốn pháo kích. Trong khi các Ðơn Vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu rời các vị trí ở Pleiku và các phi cơ vận tải bay lên bay xuống phi trường suốt ngày đêm, người dân biết ngay đến lúc chạy theo Quân Ðội.


Vào đêm Chủ Nhật, một đoàn xe vận tải dài thòn âm thầm rời khỏi Pleiku từng cái một đèn sáng choang. Phóng viên Nguyễn Tư nghĩ nó "giống như một đoàn xe đi chơi cuối tuần trở về nhà". Phía sau, những tiếng nổ lớn phát ra từ các kho đạn bị phá và bầu trời đen nghịt khói từ các bồn xăng đốt cháy.

Trong khi đoàn xe tiến về hướng Nam tung lên những đám bụi đỏ mờ mịt, từng đoàn người dân đi bộ dài như rắn bò hai bên Ðường Quốc Lộ song song với đoàn quân xa. Một vị Nữ Tu Công Giáo nhớ lại "trẻ thơ và trẻ em được chất lên xe bò và người kéo đi. Mọi người đều hoảng hốt. Người ta cố thuê mướn xe bằng mọi giá". Trong ba ngày 16, 17, 18, tháng ba, cuộc di tản di chuyển êm thắm khỏi Pleiku và giữa các đoàn quân xa là hàng trăm dân sự đi theo cuộc di tản. Và cũng từ đó bắt đầu một đoàn công voa di tản đầy máu và nước mắt.


Ði được nửa đường tiến ra Duyên Hải, đoàn xe bị khựng lại để cho Công Binh Quân Ðoàn II cố làm xong chiếc cầu nổi ngang qua sông Ea Pa cách đèo Cheo Reo (Phú bổn) vài cây số. Tướng Phạm Văn Phú tiên liệu hai ngày sẽ sửa xong con Ðường số 7 nhưng mãi ba ngày vẫn chưa sửa xong cây cầu. Ðến chiều tối ngày 18.3, xe cộ và lính tráng đã đi được ba ngày và một đám dân tỵ nạn khổng lồ bị khựng lại dọc theo con đường và dồn cục tạm nghỉ ở chung quanh châu thành Tỉnh Phú Bổn. Cái châu thành nhỏ bé cheo leo này làm sao cung cấp đủ nhu cầu cho đoàn di tản này, nhiều người bỏ nhà ra đi chỉ có bộ đồ trên người. Vì hoảng sợ, địch đe dọa phía sau, đói khát và có những băng lính không còn Cấp Chỉ Huy nữa sanh đạo tặc, đoàn người đòi cứ tiến đi không cần biết hậu quả ra sao. Trước tình thế hỗn quân hỗn quan này, các giới chức lãnh đạo không thể nào thuyết phục dân chúng và điều động xe cộ vũ khí thành một phòng tuyến phòng thủ.

Và y như xảy ra khi quân Ðức bao vây khóa chặt Paris năm 1940, dân châu thành cũng chạy trốn, làm tắc nghẽn mọi con đường, Quân Ðội không thể nào di chuyển để bảo vệ họ trước kẻ địch. Tình hình đe dọa hỗn loạn. Cần phải có những bàn tay tổ chức. Nhưng Tướng Lê Duy Tất vẫn còn ở Pleiku với đoàn hậu vệ Biệt Ðộng Quân, trong khi Ðại Tá Lý bị kẹt ở giữa đoàn xe, đã phải bỏ xe đi bộ đến Bộ Chỉ Huy ở Cheo Reo.

Khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu di chuyển xuống Quốc Lộ số 7, Tướng cộng sản Văn tiến Dũng cũng đã bị đánh lừa theo kế hoạch của Tướng Phú. Trước khi khởi sự chiến dịch 275, Dũng đã chỉ vẽ nhiều lần cho tư lệnh sư đoàn 320 về những con Ðường Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không thể nào dùng nó như là lối thoát sau cùng. Tuy nhiên, sau khi nghe tin Tây Phương nói dân chúng đang bỏ Pleiku, các chuyến bay từ Pleiku về Nha Trang tấp nập và Hà Nội đánh tín hiệu ngày 16.3 báo cho biết Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II đã di tản về Nha Trang, Dũng mới bắt đầu nghĩ lại xem có con đường nào khác cho địch quân rút được không. Ðến 4 giờ chiều cùng ngày, công điện của Hà Nội đến báo, tình báo Bắc Việt báo một đoàn xe dài từ Pleiku tiến về phía Nam xuống Ban Mê Thuột. Tin này làm cho Tướng cộng sản bối rối. Phải chăng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa phản công hay là chạy trốn?


Tình báo của Dũng cho ông ta câu trả lời ngay sau đó, đúng như tình hình diễn biến ở trên. Ðến lúc này bộ chỉ huy cộng sản mới dở bản đồ ra, chiếu đèn pin và dùng kiếng phóng đại dò tìm địch quân. Kiểm điểm lại, Tướng Dũng và Tướng Kim Tuấn, tư lệnh sư đoàn 320, mới biết bị Tướng Phú lừa ngay trước mắt, Tướng Dũng khiển trách Tướng Kim Tuấn, đồng thời phối trí các đơn vị di chuyển về tụ điểm Quốc Lộ 7 để tiêu diệt đoàn công voa di tản về Tuy Hòa.

Ðoàn xe Quân Dân miền Nam cầu mong sao cho thời gian chậm lại để đi kịp về miền biển không bị cộng sản tấn công. Nhưng không kịp nữa, khi màn đêm buông xuống ngày 18.3 lúc đoàn xe kẹt ở Cheo Reo, quân cộng sản bắt đầu pháo kích vào đám đông dân di tản. Họ hết còn bí mật nữa và kẻ thù ở trong tầm tay. Ðêm ngày 18.3, những đơn vị tiền phong của sư đoàn 302 đụng độ với đoàn xe Quân Ðoàn II ở Cheo Reo. Cùng lúc các đơn vị khác đụng độ với Ðoàn Quân hậu bị Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân ở Thị Trấn Thành An ngã tư Quốc Lộ 14 và Quốc Lộ 7. Ðại Tá Lý đi bộ mãi rồi cũng tới Bộ Chỉ Huy Cheo Reo kịp lúc để giúp điều động Tiểu Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân vào vị trí phòng thủ chống các cuộc xung phong của quân Bắc Việt ở lối vào Thị Trấn phía Tây. Ðồng thời, pháo binh Bắc Việt rót vào. Ðoàn xe cái đầu ở Cheo Reo nhưng cái đuôi vẫn còn ở Pleiku. Việt cộng tha hồ pháo kích. Sáng hôm sau, xác chết và xác bị thương lính tráng và dân nằm la liệt trên Ðường Phố Cheo Reo (Phú Bổn) cùng với hàng trăm xe cộ bị phá hủy hoặc bỏ rơi. Một phi công trực thăng Không Quân Việt Nam báo cáo: "Khi tôi bay thấp, tôi có thể nhìn thấy hàng trăm xác chết nằm rải rác dọc theo con đường cạnh các xe còn cháy".

Mặc dù lực lượng cộng sản đã chiếm được Phi Trường Phú Bổn, Tiểu Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân vẫn còn giữ được lối vào châu thành và cây cầu phía Nam sửa xong. Ðây là một cú cải tử hoàn sinh, Ðại Tá Lý và các Cấp Chỉ Huy của ông có cơ hội ra lệnh cho đoàn xe lên đường trở lại với 2 ngàn xe nổ máy ầm ầm lăn bánh.

Nhưng đoàn xe di chuyển không bao lâu, Tướng Phú cho trực thăng đến đón Ðại Tá Lý ra khỏi Cheo Reo. Thế là đầu không còn ai Chỉ Huy chỉ có Tướng Tất Chỉ Huy ở phía sau. Từ ngày 19 trở đi, Chỉ Huy đầu đoàn công voa là những Ðơn Vị Trưởng cấp Tiểu Ðoàn, Ðại Ðội mạnh ai lấy ra lệnh.

Bất kể hỏa lực của cộng sản, trực thăng của Không Quân Việt Nam bắt đầu đáp xuống bốc những người lính và dân bị thương dọc theo con đường. Khi những người di tản được trực thăng chở đến Phi Trường Tuy Hòa, họ kể những chuyện khủng khiếp xảy ra cho họ. Ngày 19.3, đầu đoàn xe đã đến Sông Côn chỉ còn cách Tuy Hòa 40 km. Nhưng ở đoạn đuôi nửa đường giữa Cheo Reo và Sông Côn, quân Bắc Việt lại đánh ngang hông đoàn xe, lần này ở khoảng Thị Trấn Phú Túc. Không Quân Việt Nam được gọi đến oanh kích chặn tiến quân của địch nhưng đã nhầm lẫn bỏ bom xuống Liên Ðoàn 7 Biệt Ðộng Quân (Làm tổn thất gần 1 Tiểu Ðoàn). Nhưng Liên Ðoàn này vẫn tiếp tục chiến đấu giữ cho con đường mở.


Ðoàn xe chạy qua Cheo Reo cho đến ngày 21.3 thì quân Bắc Việt chọc thủng các vị trí cố thủ của Tiểu Ðoàn 23 Biệt Ðộng Quân, vượt qua chiếm châu thành và cắt đứt con đường. Trong số khoảng 160.000 người của đoàn xe di tản, nhiều người dân bị cô lập với lính của 3 Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân. Theo lệnh Tướng Phú, Tướng Tất, vẫn còn ở phía sau đoàn xe, phải bỏ mọi vũ khí và quân trang nặng để chạy khỏi Phú Bổn càng nhanh càng tốt. Hàng ngàn người chạy vào rừng. Lính tráng với vợ con bên cạnh bị rượt bắt và tấn công nhiều lần.

Một số ít giơ cờ lên được trực thăng đáp xuống bốc. Nhưng đa số cầm chắc bị đói và bị bắt.

Những người may mắn, các bà mẹ trẻ dính máu, các cụ già và phụ nữ người mặc áo dính bùn, và những người lính gào khóc, chân không, bước xuống trực thăng trước khi các phóng viên bủa ra hỏi thăm tin tức tại phi đạo Tuy Hòa. Các trực thăng bắt đầu chở thực phẩm và nước cho đoàn xe vẫn còn dài thòng di chuyển như con rắn vì đã có nhiều người đói.

Trong khi ở đuôi đoàn xe bị tấn công dữ dội và Tướng Tất cùng các Ðơn Vị còn lại cố chống trả bọc hậu, các Ðơn Vị đầu đoàn xe đã tiến vào ranh giới Tuy Hòa, trên con Sông Ba, cách Thị Trấn 20 cây số. Chiếc cầu nổi mà Tướng Cao Văn Viên hứa cũng đến kịp lúc, nhưng không kịp với lực lượng cộng sản đã đắp mô các ngã đường nằm giữa Sông và Tuy Hòa. Chiếc cầu không thể nào chở bằng xe đến chỗ Bắc nên phải mượn 4 phi cơ C-47 của Quân Ðoàn IV chở từng khúc đến.

Ngày 22.3, đúng một tuần sau khi đoàn xe di tản đầy máu và nước mắt rời Pleiku, chiếc cầu được bắc xong, đầu đoàn xe vội vã vượt qua con sông quá nặng làm chiếc cầu phao lật, người trong xe cộ phải lội sông. Nhưng đến cuối ngày, đoàn xe vẫn tiếp tục vượt qua khi chiếc cầu được sửa lật lại. Ngay cả đến thời tiết cũng tiếp tay cho cộng sản để làm cho đoạn cuối đoàn xe đến Tuy Hòa chưa hết nạn.

Trời nắng đột nhiên trở thành mưa gió lạnh lẽo cho người di tản. Không những thời tiết thay đổi xấu gây ra bệnh tật mà nó còn làm cho phi cơ quân sự không bay lên yểm trợ, chống trả những cuộc tấn công dưới đất của Việt cộng. Từ ngày 22.3, Liên Ðoàn 6 Biệt Ðộng Quân bị kẹt đánh trong một trận đánh bọc hậu vừa đánh vừa lui trước nỗ lực rượt theo rất rát của quân cộng sản. Liên Ðoàn Biệt Ðộng Quân đã thu góp xe tăng và pháo binh để bảo vệ con đường ở khúc quẹo thung lũng gần cầu nổi. Họ đánh câu giờ để cho người di tản và lính kịp vượt qua sông.

Ðồng thời, những Ðơn Vị đi đầu đã vượt qua Sông Ba rồi phải phá mô việt Cộng để tiến vào Tuy Hòa. Liên Ðoàn 7 Biệt Ðộng Quân chỉ còn ít quân sống sót đã gom góp được hơn chục thiết giáp M-113 vừa đánh vừa ủi các mô tiêu diệt các vị trí cộng sản. Ðến ngày 25.3, vị trí cuối cùng của quân Bắc Việt bị tiêu diệt nốt, Biệt Ðộng Quân bắt tay được với Lực Lượng Ðịa Phương Quân ở phía Ðông Tuy Hòa.


Ðoàn xe khập khễnh tiến vào Tuy Hòa như một đoàn xe ma. Xấp xỉ 60,000 người dân đến đích, hai phần ba hay hơn 100,000 người bị bỏ lại dọc đường, chết sống không ai biết. Về phía Quân Ðội, 20,000 quân tiếp vận và yểm trợ, chỉ còn 5,000 người đến nơi. 6 Tiểu Ðoàn Biệt Ðộng Quân 3,000 người, chỉ còn 900 đến Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Ðoàn II ở Nha Trang và đóng chốt bảo vệ Thành Phố.

Một vị Tướng ở Bộ Tham Mưu đã buồn bã nói: "70% lực lượng tác chiến của Quân Ðoàn II gồm Sư Ðoàn 23 Bộ Binh, Biệt Ðộng Quân, Pháo Binh, Thiết Giáp, Công Binh Chiến Ðấu và các Ðơn Vị Truyền Tin đã bị tan rã từ ngày 10 đến 25.3’". Vì thế chuyện phản công tái chiếm Ban Mê Thuột không thể giao phó cho Quân Ðoàn II.

Canh bạc Tướng Phú chọn Quốc Lộ 7 có thể đã an toàn nếu các cầu nổi được bắc kịp thời và Tướng Viên đổ lỗi cho vị Tư Lệnh Quân Ðoàn II. Tướng Viên tin rằng Tướng Phú phải hoãn cuộc di tản ít ngày để cho các Kỹ Sư Công Binh kịp bắc cầu. Tướng Viên cũng tin rằng hoãn lại cho phép điều động sắp xếp kỹ hơn nhất là kiểm soát dân chúng. Theo một vị Tướng Mỹ thông thạo các Sĩ Quan cao cấp Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, lỗi lầm không những ở kế hoạch di tản của Tướng Phú mà ở ngay chính Tướng Phú và lỗi lầm đầu tiên và quan trọng nhất là để mất Ban Mê Thuột. Một vị Tư Lệnh Quân Ðoàn cương quyết hơn không cần phải rút quân như vậy. Một Sĩ Quan Tùy Viên Mỹ tuyên bố: ‘’Một vị Tư Lệnh mạnh như Tướng Toàn (Trước đó là Tư Lệnh Quân Ðoàn II) có thể phản công tái chiếm Ban Mê Thuột, sử dụng toàn bộ Hải, Lục, Không Quân có trong tay đã có thể kềm hãm quân Bắc Việt, cố thủ thêm một năm nữa’’.


Nhưng ngày 25.3.1975, không còn cơ hội đó. Cuộc di tản tự làm cho mình thất bại đau đớn, như lời Tướng Viên mô tả, hoàn tất, gây một cơn ác mộng tâm lý và chính trị to lớn cho ông Thiệu, cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và cho dân chúng Việt Nam Cộng Hòa. Một dư luận đồn thổi khắp nước và cả ở những viên chức dân sự và quân sự cao cấp nói rằng: Tổng Thống Thiệu và người Mỹ, trong một thỏa hiệp mật của Hiệp Định Paris, đã cố kết với nhau cho cộng sản chiếm một phần lớn lãnh thổ Nam Việt Nam. Tại sao Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu can trường suốt hai mươi năm không thua đột nhiên bị ra lệnh rút khỏi Cao Nguyên, bỏ Pleiku và Kontum không một tiếng súng giao tranh?

Tinh thần đổ vỡ vì mất bốn Tỉnh trong ba tháng và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh nặng và vô ích không tái chiếm nổi Ban Mê Thuột đã làm cho dân chúng Nam Việt Nam hết còn tin tưởng Tổng Thống Thiệu có thể bảo vệ họ. Vậy ai khác có thể làm được? Phe đối lập ông Thiệu vô tổ chức, đứng ngoài chờ thời cơ và người Mỹ tiếp tục làm ngơ. Chỉ có ông Thiệu là người phải tìm ra cách nào để lấy lại tinh thần cho Việt Nam Cộng Hòa. Nhưng trước khi ông tìm ra hướng đi hợp tình thế thì tin xấu từ Quân Ðoàn I bay về. Cũng lại di tản và cuộc di tản Quân Ðoàn I bi thảm không kém để kết thúc ngày 30.4.1975.


Tin Quốc Tế Đó Đây:
Các Cuộc Tấn Công Hóa Học Tiếp Tục Nhắm Vào Nữ Sinh ở Iran


(Hình: Hình ảnh biểu tình bên ngoài Bộ Giáo dục Iran ngày 4/3/2023.)

-Ban tiếng Ba Tư của Ðài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) loan tin hôm 10/4/2023 cho hay khi các trường học ở Iran mở cửa trở lại sau kỳ nghỉ năm mới, các nữ sinh một lần nữa trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công hóa học.

Hiện chưa rõ ai chịu trách nhiệm về vụ đầu độc này, nhưng một số người Iran nghi ngờ rằng chính phủ của họ có khả năng là thủ phạm.

Theo các bản tin, các cuộc tấn công đã nhắm vào các trường học trên cả nước và học sinh bị đầu độc bởi các chất không xác định lan truyền qua các tòa nhà. Một số nạn nhân đã được đưa vào bệnh viện trong tình trạng khó thở và các triệu chứng hô hấp khác.

Các vụ đầu độc bắt đầu ngay sau khi một phong trào biểu tình xuất hiện ở Iran sau cái chết của Mahsa Amini, một thiếu nữ chết khi bị giam giữ sau khi bị cảnh sát đạo đức của Iran bắt giữ vì không đeo khăn trùm đầu đúng cách.

Lãnh tụ tối cao của Iran, ông Ayatollah Ali Khamenei kêu gọi xác định và trừng phạt những kẻ chịu trách nhiệm về vụ đầu độc này.


Taliban Cấm Nhà Hàng Sân Vườn Dành Cho Gia Đình, Phụ Nữ ở Herat


(Hình: Lực lượng Taliban chặn phụ nữ A Phú Hãn biểu tình phản đối những hạn chế của Taliban đối với phụ nữ, tại Kabul, A Phú Hãn, ngày 28/12/2021.)

-Hôm thứ Hai (10/4/2023), một viên chức A Phú Hãn cho biết Taliban ra lệnh cấm các gia đình và phụ nữ đến các nhà hàng có vườn hoặc không gian xanh ở tỉnh Herat, Tây-Bắc A Phú Hãn. Ông nói, các động thái này diễn ra sau những lời phàn nàn từ các học giả tôn giáo và các thành viên của công chúng về việc trộn lẫn giới tính ở những nơi như vậy.

Đây là biện pháp mới nhất trong một loạt hạn chế do Taliban áp đặt kể từ khi họ lên nắm quyền vào tháng 8 năm 2021. Taliban đã cấm các bé gái đi học quá lớp sáu và phụ nữ không được vào các trường Đại học, hầu hết các loại công việc, bao gồm cả công việc tại Liên Hiệp Quốc cũng bị cấm. Phụ nữ cũng bị cấm đến các không gian công cộng như công viên và phòng tập thể dục.

Nhà chức trách cho biết các lệnh cấm được đưa ra vì sự pha trộn giới tính hoặc vì phụ nữ được cho là không mang hijab, hoặc khăn trùm đầu của đạo Hồi, theo đúng nghi thức.

Lệnh cấm ăn uống ngoài trời chỉ áp dụng cho các cơ sở ở Herat, nơi các cơ sở đó vẫn mở cửa cho nam giới. Ông Baz Mohammad Nazir, một cục phó thuộc Cục đạo đức và Đức hạnh ở Herat, bác bỏ thông tin trên truyền thông rằng tất cả các nhà hàng đều cấm các gia đình và phụ nữ, coi đó là tuyên truyền.

Nó chỉ áp dụng cho các nhà hàng có khu vực cây xanh, chẳng hạn như công viên, nơi đàn ông và phụ nữ có thể gặp nhau, ông nói. “Sau nhiều lần phàn nàn từ các học giả và người dân thường, chúng tôi đã đặt ra giới hạn và đóng cửa những nhà hàng này”.

Ông Azizurrahman Al Muhajir, người đứng đầu Cục đạo đức và Đức hạnh ở Herat, nói: “Nó giống như một công viên nhưng họ đặt tên là nhà hàng và đàn ông và phụ nữ ở cùng nhau. Cảm ơn Thượng đế nó đã được sửa chữa ngay bây giờ. Ngoài ra, các kiểm toán viên của chúng tôi đang quan sát tất cả các công viên nơi đàn ông và phụ nữ lui tới”.

Ông Nazir cũng phủ nhận các báo cáo rằng việc bán DVD phim, chương trình truyền hình và âm nhạc ngoại quốc bị cấm trong tỉnh, nói rằng các chủ doanh nghiệp được khuyên không nên bán tài liệu này vì nó mâu thuẫn với các giá trị Hồi giáo.

Ông Nazir cho biết thêm, những chủ cửa hàng không làm theo lời khuyên cuối cùng đã phải đóng cửa hàng của họ. Ông cũng bác bỏ thông tin của truyền thông địa phương rằng các quán cà-phê internet đã đóng cửa ở Herat, nhưng nói rằng các trò chơi điện tử hiện bị cấm đối với trẻ em vì nội dung không phù hợp. Một số trò chơi đã xúc phạm Kaaba, cấu trúc hình khối trong Đại Thánh đường Hồi giáo ở Mecca mà người Hồi giáo hướng về khi cầu nguyện và các biểu tượng Hồi giáo khác.

Ông Nazir nói “Các quán cà-phê Internet, nơi sinh viên học và sử dụng cho việc học của họ, là cần thiết và chúng tôi cho phép”.


Ukraine: Nga Chuyển Sang Chiến Thuật “Tiêu Thổ” ở Phía Đông Bakhmut

-Hôm 10/4/2023, Chỉ huy lực lượng Bộ binh Ukraine cho biết quân đội Nga đã chuyển sang chiến thuật “tiêu thổ” ở phía Đông thành phố Bakhmut và tiến hành các cuộc không kích và pháo kích để phá hủy các tòa nhà và địa điểm.

Tướng Oleksandr Syrskyi, chỉ huy lực lượng Bộ binh Ukraine, được thông tấn xã Reuters trích dẫn, lưu ý: “Kẻ thù đã chuyển sang điều gọi là chiến thuật tiêu thổ như ở Syria. Họ đang phá hủy các tòa nhà và các vị trí bằng các vụ không kích và hỏa lực Pháo binh”.

Viên tướng này khẳng định các lực lượng Ukraine vẫn tiếp tục chiến đấu bảo vệ thành phố Bakhmut, “tình hình khó khăn nhưng vẫn có thể kiểm soát được” và Nga đã điều lực lượng đặc nhiệm và các đơn vị chiến đấu cơ động đến Bakhmut, bởi đội lính đánh thuê Wagner đã “kiệt sức”. Tuy nhiên, thông tấn xã Reuters chưa thể xác minh các thông tin nói trên từ nguồn tin độc lập.

Trong khi đó, trong bản tin thường nhật, Bộ Quốc phòng Anh sáng nay 10/4 thông báo, ở miền Đông Ukraine, từ 7 ngày nay, Nga đã tăng cường các đợt tấn công với xe bọc thép quanh thành phố Marïnka.

Marïnka cách thành phố Donetsk khoảng 20 cây số phía Tây-Nam, trước chiến tranh có gần 10.000 dân, nay là tâm điểm các cuộc giao tranh giữa các lực lượng Nga và Ukraine, cũng giống như các thành phố Bakhmut và Avdiïvka.

Về phía Nga, vẫn theo thông tấn xã Reuters, Bộ Quốc phòng Nga hôm 9/4 thông báo đã phá hủy kho chứa 70.000 tấn nhiên liệu gần thành phố Zaporijjia ở miền Đông-Nam Ukraine.


Ngũ Cốc Ukraine Gây Căng Thẳng Tại Nhiều Nước Thành Viên Liên Hiệp Âu Châu

-Từ một năm nay, Liên Hiệp Âu Châu (EU), vì muốn hỗ trợ nền kinh tế Ukraine, đã cho phép ngũ cốc của nước này được phép trung chuyển qua lãnh thổ các nước thành viên Liên Hiệp Âu Châu, để có thể bán ra thị trường thế giới từ các cảng biển của Liên Hiệp Âu Châu.

Tuy nhiên, hôm 7/4/2023, nông dân tại hai nước Lỗ Ma Ni và Bảo Gia Lợi, đã xuống đường biểu tình phản đối ngũ cốc Ukraine cạnh tranh bất hợp pháp, gây căng thẳng giữa nông dân địa phương và Brussels. Thông tín viên đài RFI, Jean-Jacques Héry, tại Brussels (thủ đô của Bỉ), giải thích:

“Trái ngược với những gì dự kiến trong các văn bản, một phần các nông sản của Ukraine không trung chuyển để đến các cảng biển của Âu Châu, mà trên thực tế thì ở lại trên thị trường tại các nước giáp giới với Ukraine. Và mọi rắc rối cũng từ đó mà ra. Ngũ cốc Ukraine, rẻ hơn, thay thế lúa mì hay ngô sản xuất tại Ba Lan, Bảo Gia Lợi hay Lỗ Ma Ni.

Hệ quả của sự dư thừa này là nguồn cung ứng thì dồi dào tại một thị trường hạn hẹp, giá cả tụt giảm và thu hoạch phải cất giữ lâu hơn trong các xi-lô. Tóm lại, “cả một hệ thống nông nghiệp phải chịu áp lực và doanh thu của chúng tôi bị giảm sút” theo như lời phàn nàn của các nông dân địa phương.

Ủy Ban Âu Châu ý thức rõ điều này. Theo một phát ngôn viên, tình hình dẫn đến hiện tượng, xin trích, “cung thừa, cầu giảm, phí lưu kho cao và giá bán ở địa phương giảm”. Do vậy, Brussels đã đề nghị một kế hoạch hỗ trợ trị giá 56 triệu Euro, được các nước thành viên thông qua cách đây hơn một tuần. Một kế hoạch nhằm hỗ trợ các nước Ba Lan, Lỗ Ma Ni, Bảo Gia Lợi, do Quỹ dự trữ của Chính sách Nông nghiệp Chung (PAC) tài trợ.

Nhưng đối với các nước trên tuyến đầu, điều đó chưa đủ. Một kế hoạch bổ sung đang được soạn thảo. Số tiền tài trợ sẽ cao hơn một chút. Nhưng có một điều chắc chắn là Lỗ Ma Ni và Bảo Gia Lợi còn kỳ vọng cao hơn, bởi vì Warsaw vừa ký kết một thỏa thuận song phương với Kyiv tạm ngưng xuất cảng một số ngũ cốc Ukraine sang Ba Lan”.


Bắc Ái Nhĩ Lan Kỷ Niệm 25 Năm Ngày Tái Lập Hòa Bình Và Chuẩn Bị Đón Tổng thống Mỹ

-Vào hôm 10/4/2023, xứ Bắc Ái Nhĩ Lan thuộc Vương Quốc Anh kỷ niệm 25 năm ngày ký Hiệp ước Thứ Sáu Tuần Thánh kết thúc ba thập kỷ huynh đệ tương tàn, đồng thời chuẩn bị tiếp đón Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden, sẽ công du Bắc Ái Nhĩ Lan vào ngày mai trước khi về thăm quê ở Cộng hòa Ái Nhĩ Lan.

Cách nay đúng một phần tư thế kỷ, vào ngày 10 tháng 4 năm 1998, nhân ngày Thứ Sáu Tuần Thánh trước lễ Phục Sinh của người Thiên Chúa Giáo, những người thuộc phe Cộng hòa tại Bắc Ái Nhĩ Lan ủng hộ việc thống nhất với Ái Nhĩ Lan và những người theo chủ trương ở lại với Vương Quốc Anh đã giành được một Hiệp ước hòa bình bất ngờ sau các cuộc đàm phán căng thẳng có sự tham gia của Luân Đôn, Dublin và Hoa Thịnh Ðốn.

Thỏa thuận đã chấm dứt 3 thập kỷ bạo lực giữa phe Cộng hòa (chủ yếu theo đạo Công Giáo) với phe trung thành với Vương Quốc Anh (chủ yếu theo đạo Tin Lành) được Quân Đội Anh hỗ trợ. Xung đột đã khiến 3.500 người thiệt mạng.

Không có sự kiện lớn nào được lên kế hoạch vào hôm nay, nhưng nhiều thượng khách đang được mong đợi, mà quan trọng hơn cả là Tổng thống Mỹ Joe Biden, người có nguồn gốc Ái Nhĩ Lan, sẽ đến Belfast, thủ phủ Bắc Ái Nhĩ Lan vào tối 11/4, nơi ông sẽ được Thủ tướng Anh Rishi Sunak đich thân ra phi trường chào đón, rồi sau đó bay qua Cộng hòa Ái Nhĩ Lan, về thăm một số nơi mà tổ tiên ông đã ở trước khi qua Mỹ định cư. Từ Luân Đôn, thông tín viên RFI Marie Boëda cho biết thêm chi tiết:

“Joe Biden rất tự hào về nguồn gốc của mình. Tổ tiên người Ái Nhĩ Lan của ông đã rời đất nước vào thế kỷ 19 để qua Hoa Kỳ. Đây là một di sản mà ông Biden rất thích vun bồi.

Vào tối 11/4, ông Biden đến Belfast và được Thủ tướng Anh Rishi Sunak chào đón ngay trên phi đạo phi trường. Một cuộc hội đàm giữa 2 nhà lãnh đạo được dự kiến ngày hôm sau

Tổng thống Mỹ sẽ có bài phát biểu tại Đại học Ulster mới khai trương, nơi ông sẽ nhắc lại hậu thuẫn của Hoa Kỳ trong việc ký kết Hiệp định hòa bình. Sau đó, ông Joe Biden sẽ rời Vương quốc Anh để qua Cộng hòa Ái Nhĩ Lan, nơi vốn là quê quán của tổ tiên ông, nơi ông sẽ ca ngợi mối liên kết lịch sử và sâu sắc giữa hai quốc gia.

Lãnh đạo đảng chính trị Sinn Fein của Bắc Ái Nhĩ Lan đã tỏ ý tiếc về chuyến thăm Bắc Ái Nhĩ Lan quá “kín đáo” của Tổng thống Mỹ. Ông Biden thâm chí còn không ghé Stormont, trụ sở của Nghị Viện xứ này.

Phải nói chuyến thăm lần này diễn ra trong bối cảnh Bắc Ái Nhĩ Lan từ một năm nay chưa thành lập được chính quyền mới, trong lúc đe dọa khủng bố lại xuất hiện, với mức báo động được nâng cao. Lý do gây bất ổn là những mối căng thẳng do vấn đề Brexit gây nên.

Về phần mình, chính quyền Luân Đôn không xem hề lấy làm phiền về chuyến công du Anh Quốc ngắn ngủi của ông Biden. Một Bộ trưởng Anh giải thích là Tổng thống Mỹ có một lịch trình làm việc rất bận rộn. Thậm chí ông còn không đến dự lễ đăng quang của Quốc Vương Charles Đệ Tam vào ngày mồng 6 tháng 5 tới đây”.


Căng Thẳng: Lần Đầu Tiên Trung Quốc Điều Hàng Không Mẫu Hạm Sơn Đông Tập Trận Bao Vây Đài Loan!

-Trong ngày thứ ba liên tiếp của cuộc tập trận có tên gọi Joint Sword (Liên Hợp Lợi Kiếm) để “bao vây toàn diện” Đài Loan, Bắc Kinh hôm 10/4/2023 đã điều cả hàng không mẫu hạm Sơn Đông (Shandong), đến vùng biển quanh đảo Đài Loan, sau khi đã huy động một đội ngũ hùng hậu khu trục hạm, khinh hạm cao tốc phóng phi đạn, máy bay chiến đấu, máy bay tiếp liệu và gây nhiễu cùng các đơn vị trên bộ.

Hàng không mẫu hạm Sơn Đông là 1 trong 2 hàng không mẫu hạm của Trung Quốc và là hàng không mẫu hạm duy nhất được đóng hoàn toàn trong nước và được đưa vào hoạt động từ năm 2019. Theo thông cáo của quân đội Trung Quốc, đây là lần đầu tiên hàng không mẫu hạm Sơn Đông được huy động tham gia cuộc trập trận bao vây Đài Loan.

Đài Bắc hôm 10/4 thông báo phát giác được 11 chiến hạm và 59 phi cơ Trung Quốc quanh đảo. Trong một video được đăng tải hôm 10/4 trên tài khoản WeChat của Bộ Tư lệnh Chiến khu Miền Đông của quân đội Trung Quốc, một phi công cho biết “đã đến gần khu vực phía Bắc của đảo Đài Loan” với phi đạn “đã khóa mục tiêu”.

Theo các viên chức Hải quân Trung Quốc, các bài tập bắn đạn thật của Trung Quốc diễn ra hôm nay tại eo biển Đài Loan, gần tỉnh Phúc Kiến. Theo cùng một nguồn tin, các bài tập bắn đạn thật nói trên được tiến hành từ 7 giờ sáng địa phương ngày 10/4 đến 8 giờ tối (11 giờ khuya GMT Chủ Nhật đến 12 giờ GMT thứ Hai) xung quanh đảo Bình Đàm (Pingtan) của Đài Loan, điểm nằm gần cả Trung Quốc và Đài Loan nhất. Tuy nhiên, hôm nay các phóng viên của thông tấn xã AFP có mặt tại một địa điểm ở gần đảo Bình Đàm không thấy bất kỳ hoạt động quân sự gia tăng nào.

Trong hai ngày cuối tuần, các chiến đấu cơ và chiến hạm của Trung Quốc đã thao dợt mô phỏng các vụ oanh kích nhắm vào Đài Loan. Phát ngôn viên quân đội Trung Quốc Thi Nghị (Shi Yi) cảnh báo cuộc tập trận “là lời cảnh báo nghiêm trọng chống lại sự thông đồng giữa các lực lượng ly khai đang tìm kiếm “độc lập cho Đài Loan” và các thế lực bên ngoài, cũng như các hoạt động khiêu khích của họ”.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin), trong cuộc họp báo thường nhật hôm 10/4 tuyên bố “Sự độc lập của Đài Loan và sự ổn định ở eo biển Đài Loan sẽ loại trừ nhau”.


Tin Việt Nam Hôm Nay

Hàng Trăm Công Nhân Môi Trường Đình Công Vì Bị Chậm Lương


(Hình: Ông Dương Văn Cường, Giám đốc Hành chính VWS, đang thuyết phục người lao động trở lại làm việc, sau khi làm việc với lãnh đạo Ban Quản lý các Khu liên hiệp Giải quyết Chất thải thành phố (MBS).)

-Hàng trăm công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải quyết Chất thải Việt Nam (VWS) tại Sài Gòn vào ngày 8/4/2023 đình công đòi được trả lương bị chậm.

Truyền thông nhà nước cho biết, các công nhân ngừng việc tập thể từ 9 đến 11 giờ ngày 8/4 và tập trung tại văn phòng của Khu Liên hợp giải quyết chất thải Đa Phước.

Công nhân cho báo Nhà nước biết công ty đáng nhẽ phải trả lương cho họ vào ngày 5 và 20 hàng tháng, nhưng tháng này đã quá ngày trả lương họ vẫn chưa nhận được lương.

Ông Dương Văn Cường - Giám đốc Hành chính VWS - cho báo chí biết, công ty đang gặp khó khăn trong vấn đề tài chánh do chưa nhận được tiền giải quyết rác cho thành phố trong thời gian dài. Ban Giám đốc VWS đã nhiều lần gửi công văn cho Ủy ban Nhân dân Tp. HCM, Sở Tài nguyên & Môi trường về việc phát sinh công nợ giữa Sở Tài nguyên & Môi trường và Ủy ban Nhân dân Tp. HCM nhưng đến nay vẫn chưa nhận được tiền giải quyết rác. Theo đó, công nợ công ty VWS tạm tính đến ngày 28/2/2023 là hơn 3.935 tỉ đồng (bao gồm tiền gốc, nợ thuế GTGT, tổng nợ phạt và lãi trả chậm).

Ông Dương Văn Cường trong cuộc gặp cùng ngày với Công đoàn công ty VWS hứa sẽ thanh toán lương cho công nhân vào đầu tuần này, theo báo Nhà nước.


Làm Ăn Thua Lỗ Liên Tục, Một Loạt Doanh Nghiệp Bị Huỷ Niêm Yết Trên Thị Trường Chứng Khoán


(Hình: Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM.)

-Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. HCM (HoSE) vừa có văn bản gửi một loạt các doanh nghiệp về việc huỷ niêm yết bắt buộc vì làm ăn thua lỗ 3 năm liên tiếp.

Truyền thông nhà nước hôm 9/4/2023 nêu tên cụ thể một số doanh nghiệp bị huỷ niêm yết bao gồm: Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển Đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (UDC) - bị huỷ 35 triệu cổ phiếu; Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng - mã HUD3; Công ty Cổ phần Nâng lượng và Bất động sản - mã MCG; Công ty Cổ phần Du lịch và Dịch vụ Hội an - mã HOT.

Ngoài ra mã cổ phiếu HAI của Tập đoàn FLC cũng sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc. Đây là cổ phiếu thuộc diện bị đình chỉ giao địch kể từ ngày 31/8/2022 do tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm quy định về công bố thông tin sau khi đã bị đưa vào diện hạn chế giao dịch.

Ngoài các doanh nghiệp trên, theo báo Nhà nước, cổ phiếu SII của Công ty Cổ phần nước Sài Gòn cũng phải đối mặt với việc huỷ niêm yết do kết quả kinh doanh thua lỗ liên tục trong ba năm.


Xuất Cảng Trong Quý I Của Việt Nam Giảm, Nhập Cảng Dầu Thô Và Than Đá Tăng


(Hình : Các container ở cảng Đình Vũ, Hải Phòng năm 2019.)

-Theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố vào ngày 10/4/2023, xuất cảng trong quý I của Việt Nam đã giảm 11,8% so với cùng kỳ năm 2022, ở mức 79,3 tỉ Mỹ kim.

Trong khi đó, nhập cảng trong quý một cũng giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2022, ở mức 74,5 tỉ Mỹ kim. Việt Nam đạt thặng dư Thương mại là 4,8 tỉ Mỹ kim trong quý này, theo số liệu của Tổng cục Thống kê.

Cũng theo số liệu thống kê, nhập cảng dầu thô và than đá của Việt Nam trong quý vừa qua đã tăng mạnh. Cụ thể, nhập cảng dầu thô tăng 55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 2,7 triệu tấn, trong khi nhập cảng than đá tăng 35%, đạt 8,6 triệu tấn.

Thông tấn xã Reuters phỏng vấn ông Nguyễn Thanh Sơn – chuyên gia về năng lượng ở Hà Nội – cho biết việc nhập cảng dầu thô và than đá tăng không có nghĩa nhu cầu tăng mà nhà nhập cảng chỉ muốn tận dụng giá nhập giảm để tăng dự trữ.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý vừa qua đạt 3,32%, thấp hơn con số 5,92% của năm 2022. Nguyên nhân được xác định là do nhu cầu trên thế giới đang giảm.


Vụ Diễn Viên Ngọc Lan Mua Bảo Hiểm, Bộ Tài Chánh Yêu Cầu Công Ty MVI Trả Lời


(Ảnh: Diễn viên Ngọc Lan.)

-Bộ Tài chánh hôm 10/4/2023 cho biết Bộ này đã có văn bản gửi Công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm nhân thọ MVI (Công ty MVI) phải có trả lời về vụ diễn viên Ngọc Lan phản ánh trên Facebook mình bị “lừa” mua bảo hiểm nhân thọ.

Hồi cuối tuần qua, diễn viên Ngọc Lan (tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Lan) đã lên Facebook cá nhân khóc lóc và kể rằng mình đã quá tin nhân viên bảo hiểm để mua hợp đồng nhân thọ với giá 700 triệu đồng 1 năm trong 10 năm với hy vọng sẽ thu về 10 tỉ đồng gồm 7 tỉ đồng gốc và 3 tỉ đồng lãi sau 10 năm.

Tuy nhiên, gần đây cô phát giác tiền gốc sau khi đóng đến năm thứ 10 sẽ có thể ít hơn 7 tỉ đồng.

Những chia sẻ của diễn viên Ngọc Lan đã làm dấy lên nhiều tranh cãi trên mạng xã hội. Có những bình luận cho rằng các công ty bảo hiểm thường tìm cách “lừa” người mua bảo hiểm nhân thọ, cũng có những bình luận đổ lỗi cho diễn viên không đọc kỹ hợp đồng, đưa thông tin “ác độc” làm mọi người xa rời bảo hiểm nhân thọ.

Bộ Tài chánh yêu cầu Công ty MVI thực hiện rà soát các thông tin về hợp đồng bảo hiểm giao kết với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan và quá trình tư vấn của đại lý bảo hiểm; việc công bố thông tin cho khách hàng khi thay đổi chủ đầu tư và đổi tên doanh nghiệp theo đúng quy định của pháp luật.

Bộ Tài chánh yêu cầu công ty này báo cáo kết quả thực hiện các nội dung yêu cầu về Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm trong ngày 11/4.


Chủ Tịch Tân Hiệp Phát Và Con Gái Bị Khởi Tố Và Bị Bắt Giam


(Hình: Ông Trần Quý Thanh - Chủ tịch Tập đoàn tân Hiệp Phát.)

-Chủ tịch Tập đoàn tân Hiệp Phát - ông Trần Quý Thanh, và hai con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích bị khởi tố; ông Trần Quý Thanh và con gái Trần Uyên Phương bị bắt tạm giam.

Bộ Công an Việt Nam vào chiều ngày 10/4 công bố các biện pháp vừa nêu của Cơ quan Cảnh sát Điều Tra đã tiến hành từ ngày 8/4 đến ngày 10/4 đối với ba người vừa nêu.

Theo Bộ Công an Việt Nam, ba cha con ông Trần Quý Thanh, Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích bị tố cáo bởi một số công dân tại Sài Gòn và tỉnh Đồng Nai về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, “Trốn thuế”, “Cưỡng đoạt tài sản” tại các dự án, bất động sản có giá trị đặc biệt lớn tại Sài Gòn và tỉnh Đồng Nai từ tháng 11/2020.

Trong ngày 10/4, Cơ quan CSĐT cũng tiến hành khám xét chỗ ở, nơi làm việc tại chín địa điểm của ba cha con ông Trần Quý Thanh.

Cơ quan CSĐT cho biết đến nay đã có đủ căn cứ để xác định hành vi của ông Trần Quý Thanh cùng hai con gái Trần Uyên Phương, Trần Ngọc Bích đủ yếu tố cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 175 Bộ luật Hình sự Việt Nam.

Ông Trần Quý Thanh từng được nhiều người nhắc đến tại Việt Nam trong vụ án “con ruồi” trong sản phẩm chai nước ngọt của hãng này hồi năm 2015. Người tố cáo là ông Võ Văn Minh bị án bảy năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Ông Võ Văn Minh là một người bán nước giải khát tại Cái Bè, tỉnh Tiền Giang.

Năm 2014 ông phát giác ra trong một chai nước ngọt của công ty Tân Hiệp Phát có ruồi. Ông đã liên lạc với công ty này đòi số tiền một tỉ đồng, nếu không sẽ loan báo thông tin này để làm ảnh hưởng uy tín của công ty.

Đầu năm 2015 công ty Tân Hiệp Phát đã đem 500 triệu đồng đến giao cho ông Minh để đổi lấy chai nước ngọt có ruồi. Và khi ông Minh nhận tiền thì công an ập vào bắt ông Minh.

Ông Minh đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Tiền Giang tuyên án bảy năm tù. Sau đó, Tòa án Nhân dân cấp cao tại Tp. HCM bác đơn kháng cáo của ông Minh.


Hoãn Phiên Tòa Xét Xử Vụ “Thao Túng Thị Trường Chứng Khoán” Vì Thiếu Bị Cáo


(Hình: Ông Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Louis Holdings.)

-Phiên tòa xét xử những bị cáo trong vụ án “Thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại Công ty Cổ phần Louis Holdings và Công ty cổ phần Chứng khoán Trí việt diễn ra vào sáng ngày 10/4/2023 tại Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã phải hoãn lại do thiếu bị cáo.

Truyền thông nhà nước cho biết, phiên tòa xét xử ông Đỗ Thành Nhân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Louis Holdings và ông Phạm Thanh Tùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt. Ngoài hai ông này còn có sáu bị cáo khác là các cựu lãnh đạo hai công ty.

Báo Nhà nước cho biết, tòa hoãn vì không đưa được bị cáo ra khỏi nơi giam giữ nhưng không cho biết cụ thể không đưa được bị cáo nào đến tòa. Lịch mở lại phiên tòa hiện chưa được công bố

Kết quả điều tra của công an được báo Nhà nước trích đăng cho biết, trong vòng 10 tháng của năm 2021, ông Đỗ Thành Nhân và Đỗ Đức Nam đã sử dụng nhóm các tài khoản chứng khoán thực hiện các giao dịch mua, bán, khớp lệnh nội bộ, khớp lệnh chéo, tạo cung cầu giả tạo... với số lượng lớn để “thổi giá” cố phiếu BII, TGG lên cao gấp nhiều lần. Đây là các cổ phiếu của các công ty đang làm ăn kém.

Viện kiểm sát cáo buộc hành vi “thổi giá” mã cổ phiếu, thao túng chứng khoán của ông Nhân và đồng phạm đã giúp các bị can thu lợi bất chính hơn 154 tỉ đồng.

Ông Nhân bị Viện kiểm sát nhận định “là người khởi xướng bàn bạc, câu kết với bị can Đỗ Đức Nam - Giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt - thực hiện tội phạm, đồng thời tích cực chỉ đạo các bị can khác thực hiện hành vi phạm tội nên có vai trò cao nhất trong vụ án”.


Chủ Tịch Nước Việt Nam Công Bố Tặng Lào 1 Triệu Mỹ Kim


(Hình: Chủ tịch Võ Văn Thưởng gặp Chủ tịch Hội hữu nghị Lào-Việt Boviengkham Vongdara tại Vạn Tượng, thủ đô của Lào, hôm 10/4/2023.)

-Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng thực hiện chuyến công du ngoại quốc đầu tiên đến lân bang Lào. Trong ngày đầu tiên chuyến thăm, ông Thưởng công bố món quà trị giá 1 triệu Mỹ kim của Hà Nội cho Vạn Tượng.

Thông tấn xã Việt Nam loan tin khi phái đoàn Việt Nam do Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến thủ đô Vientaine của Lào vào sáng ngày 10/4/2023 và sau đó hội đàm với phía nước chủ nhà. Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith đồng chủ trì cuộc hội đàm.

Sau hội đàm, hai phía ký kết hai căn kiện hợp tác gồm Bản Ghi Nhớ (MOU) về hợp tác trong lĩnh vực kỹ thuật & đổi mới sáng tại giữa Bộ Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Kỹ thuật & Truyền thông Lào; Bản Ghi Nhớ (MoU) về hợp tác trong lĩnh vực Khoa học giữa Bộ Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam và Bộ Giáo dục & Thể thao Lào.

Trong ngày 10/4, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Hoàng Xuân Chiến có cuộc gặp với Thứ trưởng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Lào Chansamone Chanyalath.

Đại diện Quốc phòng hai phía cho biết sẽ chuẩn bị một loạt những hoạt động chung cùng với Cam Bốt; trong đó có hoạt động trao đổi quân sự hữu nghị biên giới cấp Bộ trưởng tại 3 địa phương giáp biên của 3 nước: Tại Kon Tum của Việt Nam, Attapeu Lào và Rattanakiri của Cam Bốt; gặp mặt thường niên của 3 Bộ trưởng Quốc phòng cùng những hoạt động bên lề


Grab Bị Mời Làm Việc Về Vụ Bản Đồ Bị Cho Vi Phạm Chủ Quyền Việt Nam


(Hình: Bãi đá Vành Khăn bị thể hiện thành “đảo Mỹ Tế - Tam Sa - Trung Quốc” trên bản đồ của Grab. Ảnh bị báo Nhà nước gạch đỏ.)

-Công ty Grab Việt Nam bị Sở Thông tin-Truyền thông Tp. HCM mời làm việc về các thông tin sai phạm đối với chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.

Mạng báo VietnamNet loan tin ngày 10/4/2023 dẫn nguồn tin riêng về biện pháp vừa nêu.

Vào cuối tuần qua, bản đồ của ứng dụng Grab bị phản ánh đưa tên các hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa theo tiếng Trung. Theo đó, một số thực thể như Đá Subi, Đá Châu Viên, Đá Vành Khăn đều ghi tên Trung Quốc; Đá Chữ Thập bị chú thích là “Namsah District” hay “quận Nam Sa”. Đây là một đơn vị hành chính mà Việt Nam phản đối vì cho rằng Trung Quốc lập nên một cách trái phép. Đảo Ba Bình và Bãi Bàn Than cũng bị hiển thị sai tên với chú thích của Đài Loan.

Vietnamnet cho biết đến chiều ngày 10/4 cả hai bản đồ ứng dụng Grab trên nền tảng Android và iOS đã được chỉnh sửa.
Sau khi bản đồ của ứng dụng Grab bị phát giác sử dụng tên Tiếng Trung cho nhiều đảo và đá tại Biển Đông như vừa nêu, một đại diện của Grab cho VietnamNet biết hãng này đã nắm được phản ánh và tích cực làm việc với đối tác cung cấp bản đồ để giải quyết.

Đại diện của Grab cho rằng sự việc về bản đồ như vừa nêu hoàn toàn không liên quan đến sự tôn trọng của Grab đối với đất nước và người dân Việt Nam. Vị này lên tiếng xin tiếp thu các ý kiến đóng góp và xin lỗi về những quan ngại có thể phát sinh.


Chiến Hạm Hoa Kỳ Đi Gần Đảo Nhân Tạo Do Trung Quốc Cải Tạo ở Biển Đông


(Hình: Chiến hạm USS Milius của Hải quân Mỹ ở Phi Luật Tân năm 2012.)

-Vào ngày 10/4/2023, khu trục hạm Hoa Kỳ USS Milius đi gần đá Vành Khăn thuộc Trường Sa ở Biển Đông. Đây là hoạt động tự do hàng hải, FONOP, mà Hải quân Mỹ tiến hành lâu nay, nhưng bị Trung Quốc phản đối.

Thông tấn xã Reuters loan tin trong cùng ngày dẫn thông báo của Hạm đội 7 nêu rõ Khu trục hạm USS Milius tiến hành hoạt động bình thường trong vòng 12 hải lý của Đá Vành Khăn. Đây là một thực thể nửa chìm-nửa nổi thuộc Trường Sa mà phía Trung Quốc cải tạo thành đảo nhân tạo rồi xây dựng một phi trường và những cơ sở khác trên đó.

Ðệ thất Hạm đội của Hải quân Hoa Kỳ nhắc lại rằng thực thể nửa chìm-nửa nổi như Đá Vành Khăn theo luật quốc tế không thể có vùng lãnh hải; hoạt động cải tạo, xây dựng những cấu trúc trên thực thể đó không làm thay đổi tính chất của đá.

Chiến khu Nam bộ của Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc lên tiếng đáp trả cho rằng Bắc Kinh có chủ quyền không thể chối cãi đối với các đảo tại Biển Đông và những vùng nước quanh các đảo đó. Do đó việc chiến hạm Hoa Kỳ đi vào vùng nước 12 hải lý của Đá Vành khăn là phi pháp nên lực lượng Trung Quốc đã giám sát và cảnh cáo phía Mỹ.

Vào ngày 23/3 vừa qua, Khu trục hạm USS Milius đi qua vùng biển Hoàng Sa. Trung Quốc cũng lên án và nói đã xua đuổi chiến hạm Mỹ đi, tuy nhiên Hải quân Hoa Kỳ cho rằng tuyên bố từ phía Trung Quốc là sai lạc.

Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền gần trọn Biển Đông qua đường đứt khúc chín đoạn mà Bắc Kinh tự vạch ra. Đường này bị Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế The Hague vào năm 2016 tuyên không có căn cứ cả về pháp lý lẫn lịch sử. Tuy vậy, Trung Quốc không công nhận phán quyết của Tòa.

Biển Đông là một tuyến hàng hải được đánh giá có tính chiến lược trên thế giới, hằng năm lượng hàng hóa được vận chuyển qua tuyến đường này lên đến chừng năm ngàn tỉ Mỹ kim; và vùng biển này còn giàu nguồn hải sản cũng như tài nguyên dầu mỏ.


Việt Nam-Trung Quốc Tiến Hành Phối Hợp Tuần Tra Tại Vịnh Bắc Bộ Lần 6


(Hình: Cảnh sát Biển Việt Nam tham gia tuần tra chung cùng Trung Quốc ở Vịnh Bắc Bộ năm 2021.)

-Chuyến tuần tra phối hợp giữa Cảnh sát Biển Việt Nam và Cảnh sát Biển Trung Quốc lần thứ 6 bắt đầu diễn ra từ ngày 11/4 và kéo dài trong 2 ngày đến 13/4/2023.

Thông tấn xã Việt Nam loan tin cho biết biên đội tàu Cảnh sát Biển 8004 và 8003 thuộc Hải đoàn 11-Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát Biển 1 của Việt Nam đã rời bến Hải Phòng lên đường tham gia hoạt động vừa nêu từ chiều ngày 9/4. Tàu 8004 là tàu kỳ hạm.

Chuyến tuần tra được cho biết trải dài trên phạm vi 13 điểm từ Đông-Bắc Đảo Cồn Cỏ 48 hải lý đến Đông-Nam Đảo Trần 14 hải lý trên đường phân định Vịnh Bắc Bộ.

Biên đội Cảnh sát Biển Việt Nam sẽ kiểm soát ở phía Tây đường phân định Vịnh Bắc Bộ; tàu của Trung Quốc sẽ kiểm soát phía Đông đường phân định Vịnh Bắc Bộ.

Đây là lần thứ sáu hoạt động tuần tra trên vùng biển hai phía đường phân định Vịnh Bắc Bộ do Cảnh sát Biển Việt Nam và Cảnh sát Biển Trung Quốc phối hợp tố chức, sau khi Hiệp định Hợp tác Nghề cá giữa hai phía hết hiệu lực từ ngày 30/6/24

Không có nhận xét nào: